Giải thích hợp đồng bảo hiểm và các lưu ý khi áp dụng nguyên tắc Contra proferentem

04/06/2022

BẠCH THỊ NHÃ NAM

GV. Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM

NCS. Đại học Griffith, Úc.

Tóm tắt: Các nội dung không rõ nghĩa trong hợp đồng bảo hiểm có thể dẫn đến tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những nguyên tắc pháp lý chung khi giải thích hợp đồng bảo hiểm và vận dụng nguyên tắc contra proferentem – chống lại nhà soạn thảo hợp đồng bảo hiểm khi giải thích hợp đồng bảo hiểm.
Từ khóa: Giải thích hợp đồng bảo hiểm, nguyên tắc contra proferentem.
Abstract: Ambiguous contents in the insurance contract may lead to a dispute between the insurers and policyholders. Within the scope of this article, the author provides an analysis of general legal principles when interpreting insurance contracts and applies the principle of contra proferentem - against the drafter of an insurance contract when interpreting an insurance contract.
Keywords: Contract interpretation; insurance contract; contra proferentem.
 
 BẢO-HIỂM_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.  Sự tồn tại những nội dung không rõ nghĩa trong hợp đồng bảo hiểm
Các tranh chấp liên quan đến ý nghĩa của hợp đồng bảo hiểm trong thực tiễn phát sinh chủ yếu do các nguyên nhân sau: ngôn ngữ không chính xác, tối nghĩa trong hợp đồng, hoặc do cấu trúc sắp xếp điều khoản không rõ ràng của hợp đồng, hoặc do nhận thức khác biệt giữa các bên do thông tin trao đổi không đồng nhất về cùng một nội dung trong hợp đồng[1].
Có những hình thức thể hiện đối với trường hợp ngôn ngữ không chính xác trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ, sự không rõ nghĩa của một thuật ngữ trong hợp đồng do thuật ngữ đó đa nghĩa, tạo nhiều cách hiểu khác nhau,[2] hay sự không rõ nghĩa do cấu trúc ngữ pháp phức tạp, hoặc do sự tối nghĩa của thuật ngữ không thuần tiếng Việt,…
Đối với trường hợp cấu trúc điều khoản không rõ ràng của hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), việc không rõ ràng này khiến người mua hiểu nhầm hoặc không được thông tin chính xác về phạm vi bảo hiểm của hợp đồng, hoặc điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Ví dụ, trong phán quyết Fleming và United Services Automobile Ass’n,[3] người chủ tài sản cho thuê đã kiện doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) vì DNBH đã từ chối chi trả bảo hiểm do áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm do ô nhiễm. Tòa án bảo vệ bên mua bảo hiểm (BMBH) vì cho rằng, nội dung loại trừ do ô nhiễm được sắp xếp trong hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn ở cùng Mục “Những rủi ro được bảo hiểm”. Điều này vi phạm Luật Bảo hiểm hỏa hoạn của tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ (đoạn 2 Phần 742.246), "bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn hạn chế nghiêm ngặt hoặc loại bỏ bớt quyền lợi bảo hiểm của người được bảo hiểm phải được sắp xếp sau một tên tiêu đề bao quát, mang đủ ý nghĩa giải thích nội dung bên dưới, và tiêu đề phải được in hoặc viết bằng cỡ chữ không nhỏ hơn cỡ chữ in hoa tám chấm (tương đương 2.822 mm)”. Nội dung loại trừ xuất hiện trong cùng một tiêu đề với các rủi ro được bảo hiểm khiến hợp đồng này không đảm bảo sự rõ ràng, tiêu đề không giải thích được nội dung sẽ bao gồm cả các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm[4].
Đối với việc nhận thức mập mờ về các thông tin trao đổi giữa các bên, BMBH thường nhận được các thông tin nói hoặc viết từ phía nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm, hay đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm, và những lời giải thích bằng lời nói liên quan đến hình thức hợp đồng bảo hiểm, hay nội dung hợp đồng bảo hiểm. Đôi khi các giải thích bằng lời nói không thống nhất hoặc trái ngược với các điều khoản viết trong hợp đồng bảo hiểm, hoặc cách diễn đạt khác nhau trong đơn yêu cầu bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm cho cùng một nội dung… Do đó, tranh chấp phát sinh giữa BMBH và doanh nghiệp bảo hiểm về cách hiểu chung đối với các điều khoản HĐBH chỉ có thể được giải quyết bằng các kỹ thuật giải thích hợp đồng bảo hiểm[5].
Nguyên nhân của những nội dung mơ hồ, không rõ nghĩa trong hợp đồng bảo hiểm được lý giải một phần do các đặc trưng của hoạt động bảo hiểm bên cạnh các lý do về kỹ thuật soạn thảo ngôn ngữ trong hợp đồng nói chung. Nhiều hợp đồng bảo hiểm được xây dựng để bảo hiểm cho các sự kiện rủi ro trong tương lai không chắc chắn và không lường trước được, nên đối tượng của HĐBH trừu tượng và vô hình[6]. Vì vậy, bên soạn thảo thông thường lựa chọn cách diễn đạt chung và khái quát nội dung để có thể áp dụng bao quát cho mọi trường hợp. Do đó, khi được áp dụng vào một tình huống cụ thể sẽ xuất hiện nhiều cách giải thích đa dạng đối với ngôn ngữ hợp đồng. Hơn nữa, ngành bảo hiểm phát triển nhanh chóng dẫn đến tình trạng giao kết phụ thuộc vào hợp đồng theo mẫu được soạn sẵn theo những thể thức và nội dung nhất định[7]. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp, ngôn ngữ được sử dụng theo khuôn mẫu, không chính xác trong các trường hợp khác nhau, đồng thời làm hạn chế khả năng đàm phán, trao đổi, và lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng của phía người mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang ở giai đoạn thị trường bảo hiểm sơ khai và tiềm năng như Việt Nam, thị trường bảo hiểm bị thống trị bởi các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài,[8] nhiều hợp đồng theo mẫu được các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc dịch thuật từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ thứ hai, gây ra tình trạng ngôn ngữ diễn đạt mơ hồ, khó hiểu[9]. Và nội dung hợp đồng bảo hiểm thường dài dòng, mang nhiều thuật ngữ chuyên ngành, được soạn thảo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, nên tạo ra sự khó hiểu nhất định cho những người mua bảo hiểm, là những người không có kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm,[10] dẫn đến có những cách hiểu sai khác so với cách hiểu của bên soạn thảo –DNBH.
Thực tiễn ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, các tranh chấp về nội dung HĐBH thường hay xảy ra liên quan đến cách hiểu khác nhau về câu từ trong hợp đồng bảo hiểm giữa người mua bảo hiểm và DNBH. Ví dụ, câu hỏi trong mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bệnh lý “rối loạn dạ dày”, BMBH không hiểu rằng đây là bệnh lý bao gồm cả bệnh đau dạ dày như cách hiểu của DNBH,[11] hay tranh chấp liên quan từ chối chi trả quyền lợi trợ cấp nằm viện vì lý do DNBH cho rằng việc nằm viện “không cần thiết về mặt y khoa”, thuộc vào điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trong khi BMBH cho rằng việc nằm viện là “cần thiết về mặt y khoa”…[12]
Khi giải thích nội dung của hợp đồng bảo hiểm trong các tranh chấp trên, Tòa án Việt Nam phải áp dụng các nguyên tắc chung về giải thích hợp đồng, áp dụng cho mọi loại hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS), và quy định giải thích đặc thù cho hợp đồng bảo hiểm như Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2014 hiện hành quy định“Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho BMBH”.
Các nguyên tắc chung về giải thích hợp đồng được ghi nhận lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam ở Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995, và sau đó ở BLDS năm 2005, và BLDS năm 2015, cụ thể như sau:[13]
- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
- Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
- Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đòi hỏi ưu tiên làm rõ ý chí thực sự, chủ quan của các bên trong giao dịch, phù hợp với học thuyết ý chí thực của trường phái Latinh[14]. Muốn giải thích hợp đồng thì phải xác định ý chí chung của các bên; sau đó, dựa vào ý chí chung để phân tích nội dung hợp đồng, và khi nào ý chí chung không thể xác định rõ, thì mới sử dụng các công cụ giải thích khác dựa vào sự suy đoán[15].
 Việc giải thích hợp đồng phải dựa trên cơ sở không làm thay đổi bản chất của hợp đồng, hay cụ thể hơn là không làm thay đổi ý chí của các bên khi giao kết hợp đồng, và đảm bảo tính chính xác của nội dung trong hợp đồng, và mối liên hệ giữa các điều khoản với nhau. Những yếu tố này đóng vai trò căn bản khi xây dựng chế định về giải thích hợp đồng cũng như trong quá trình thực tiễn áp dụng giải thích nội dung hợp đồng bảo hiểm.
2. Vận dụng nguyên tắc “Contra proferentem” - chống lại người soạn thảo hợp đồng trong việc giải thích hợp đồng bảo hiểm
 Trong trường hợp giải thích điều khoản có nội dung không rõ ràng trong HĐBH, nguyên tắc giải thích được áp dụng phổ biến nhất là nguyên tắc Contra proferetem - “chống lại người soạn thảo” hoặc “chống lại người đưa ra điều khoản”. Cụm từ Latin Contra proferetem về cơ bản có nghĩa là khi phải lựa chọn giữa hai ý nghĩa cho một điều khoản mơ hồ, tòa án nên ưu tiên giải thích trái với lợi ích của bên soạn thảo[16]. Một cách cụ thể, khi xuất hiện điều khoản mơ hồ trong hợp đồng bảo hiểm, thì việc giải thích phải có lợi cho BMBH[17].
 Nguyên tắc Contra proferetem áp dụng khi có điều khoản không rõ nghĩa trong HĐBH được ghi nhận phổ biến trong nhiều nền tài phán. Ví dụ, Điều 1: 203 Bộ quy tắc Luật Hợp đồng bảo hiểm châu Âu quy định: “(1) Tất cả các tài liệu được cung cấp bởi công ty bảo hiểm phải rõ ràng và dễ hiểu và bằng ngôn ngữ mà hợp đồng được đàm phán. (2) Khi có nghi ngờ về ý nghĩa của từ ngữ của bất kỳ tài liệu hoặc thông tin nào được cung cấp bởi công ty bảo hiểm, việc giải thích có lợi nhất cho người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, nếu phù hợp, sẽ được áp dụng”[18]. Pháp luật Pháp cũng lựa chọn giải pháp giải thích ưu tiên cho BMBH trong hợp đồng bảo hiểm[19]. Giải pháp này được Tòa Phá án khẳng định như sau: “Theo quy định của Điều L. 133-2 Bộ luật Tiêu dùng, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng, thẩm phán phải giải thích điều khoản đó theo hướng có lợi cho BMBH, người tiêu dùng[20].
  Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2014 cũng quy định nguyên tắc Contra proferentem trong việc giải thích hợp đồng theo mẫu nói chung và hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, khoản 2, 3 Điều 405 BLDS năm 2015 quy định: “2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. 3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”; Điều 21 Luật KDBH năm 2014 quy định“Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho BMBH”.
  Trong thực tiễn xét xử, nguyên tắc contra proferente được cơ quan giải quyết tranh chấp vận dụng dựa trên nền tảng rằng DNBH là bên soạn thảo HĐBH; DNBH phải cẩn trọng và có nhiều khả năng ảnh hưởng đến việc làm rõ nghĩa các điều khoản, từ ngữ trong HĐBH. Do đó, DNBH phải chịu trách nhiệm khi có lỗi trong việc soạn thảo khiến HĐBH không đầy đủ, không rõ nghĩa. Các lập luận cho việc áp dụng nguyên tắc này đã được phát triển mở rộng dựa trên những đặc điểm riêng biệt của mối quan hệ bảo hiểm như bảo vệ người tiêu dùng yếu thế, tính hiệu quả kinh tế. Cụ thể, tính hiệu quả kinh tế đạt được trong các giao dịch được đảm bảo khi hợp đồng có từ ngữ, điều khoản tường minh, rõ nghĩa, không gây tốn kém chi phí kiện tụng, tốn thời gian kiện tụng của các bên để đạt được phán quyết giải thích ý nghĩa hợp đồng. Mục đích bảo hiểm là giúp người mua bảo hiểm giảm thiểu mọi chi phí do rủi ro có thể phát sinh, do đó nguyên tắc giải thích bảo vệ quyền lợi của BMBH, gây bất lợi cho DNBH đảm bảo phù hợp với mục đích giảm thiểu chi phí của BMBH khi họ quyết định tham gia vào quan hệ bảo hiểm.
   Ngoài ra, trong thực tiễn, bên soạn thảo hợp đồng và đưa ra hợp đồng là DNBH, còn BMBH ít có và thậm chí không có khả năng đàm phán, thay đổi nội dung mà chỉ có khả năng chấp thuận hoặc từ chối điều khoản (take it or leave it)[21]. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu,[22] trong khi đó đối với các loại hình bảo hiểm khác mặc dù không được quy định bắt buộc phải đăng ký,[23] nhưng hợp đồng bảo hiểm thông thường được giao kết với việc soạn thảo sẵn nội dung của DNBH, phản ánh bản chất của hợp đồng theo mẫu[24].
  Việc sử dụng hợp đồng theo mẫu cho nhiều giao dịch khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian đàm phán, qua đó tăng hiệu quả kinh tế của việc giao kết hợp đồng,[25] đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm và việc phát triển khả năng lưu trữ tính toán dữ liệu lớn của các hàng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi hợp đồng theo mẫu được sử dụng trong quan hệ bảo hiểm, BMBH không thực sự có cơ hội thương lượng và thoả thuận với DNBH; DNBH với tư cách là bên soạn thảo hợp đồng có thể đưa vào hợp đồng các điều khoản mẫu đã được sử dụng trong các hợp đồng khác hoặc đưa vào các điều khoản nhằm mang lại lợi ích ưu thế cho DNBH. Việc sử dụng hợp đồng theo mẫu có nguy cơ tạo ra hợp đồng bất lợi và thậm chí bất công cho BMBH, vậy làm thế nào để đảm bảo sự công bằng cho bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm. Vậy, các điều khoản sẽ được giải thích như thế nào khi bên yếu thế không có khả năng tác động vào quá trình soạn thảo hợp đồng?
 Vì vậy, nguyên tắc Contra proferentem được áp dụng vào việc giải thích HĐBH nhằm hạn chế, loại trừ những trường hợp lạm dụng quyền soạn thảo hợp đồng để có lợi cho bên soạn thảo. Việc áp dụng nguyên tắc này không chỉ bảo vệ sự công bằng giữa các bên mà còn bảo vệ các nguyên tắc khác trong quan hệ hợp đồng như thiện chí, trung thực[26].
   Nguyên tắc Contra proferentem được áp dụng khi HĐBH có điều khoản không rõ ràng, việc giải thích phải được tiến hành có lợi cho bên mua bảo hiểm. Ngoài ra, khi vận dụng nguyên tắc này đối với giải thích những điều khoản riêng biệt của HĐBH, như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của DNBH, những điều khoản này phải được giải thích giới hạn, trong khi đó các thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm phải được giải thích mở rộng để đảm bảo việc giải thích có lợi cho bên yếu thế trong quan hệ bảo hiểm[27]. Việc vận dụng này cũng hoàn toàn phù hợp với khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015 nhằm hạn chế áp dụng các điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu.
  Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Khi nào thì tranh chấp về nội dung điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm giữa các bên sẽ được xem xét là tranh chấp giải thích điều khoản “không rõ ràng”, hay bất cứ khi nào có xung đột về việc giải thích từ ngữ, điều khoản trong HĐBH giữa các bên, điều khoản đó đương nhiên được xem là “không rõ ràng”, và áp dụng nguyên tắc Contra proferentem một cách tức thì? Liệu các nguyên tắc chung về giải thích hợp đồng có được áp dụng trong việc giải thích điều khoản không rõ ràng trong HĐBH?
  Theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ, liên quan đến việc xác định có tồn tại điều khoản không rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm hay không, và xác định có áp dụng nguyên tắccontra proferentem hay không, thì cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án, trọng tài…) có thẩm quyền để xác định liệu có tồn tại điều khoản, thuật ngữ không rõ ràng trong tranh chấp về giải thích nội dung HĐBH hay không[28]. Khi ngôn từ trong hợp đồng rõ ràng, thì cơ quan giải quyết tranh chấp không được phép giải thích thêm để xác định ý định của các bên, chỉ khi nào ngôn từ khó hiểu, không rõ nghĩa, thì cơ quan giải quyết tranh chấp mới thực hiện việc giải thích HĐBH.
   Một thuật ngữ trong HĐBH có nghĩa đen đơn giản, dễ hiểu, cũng có thể trở nên không rõ nghĩa khi được áp dụng vào một tình huống tranh chấp cụ thể. Một từ có nghĩa đen được áp dụng trong tình huống này, có thể không còn mang ý nghĩa như vậy khi áp dụng vào tình huống khác. Khái niệm "không rõ ràng" trong HĐBH thỉnh thoảng là sự mơ hồ, thiếu rõ ràng trong việc áp dụng nên dễ tạo ra những cách giải thích hợp lý khác nhau[29].
   Nội dung HĐBH gây tranh chấp giữa các bên không được xem là tối nghĩa nếu đơn giản chỉ vì nội dung điều khoản phức tạp và cần sự giải thích. Nội dung đó cũng không tối nghĩa chỉ vì có vài người không hiểu nội dung của điều khoản trong HĐBH. Quan trọng hơn, không hẳn bất cứ khi nào có tranh chấp liên quan đến việc giải thích HĐBH, điều này cũng không khiến nội dung HĐBH tối nghĩa, mơ hồ.
 Tóm lại, trước khi áp dụng nguyên tắc Contra proferentem trong giải thích HĐBH, để tránh tình trạng lạm dụng việc giải thích chống lại người soạn thảo HĐBH bất cứ khi nào có tranh chấp liên quan đến giải thích điều khoản trong HĐBH, cơ quan giải quyết tranh chấp cần phải xác định sự tồn tại điều khoản “không rõ ràng”, từ ngữ “tối nghĩa” trong HĐBH gây tranh chấp giữa các bên.
 Kinh nghiệm xét xử tại Hoa Kỳ cho thấy, sau khi xác định sự tồn tại tranh chấp về nội dung thuật ngữ, điều khoản trong hợp đồng, Tòa án xem xét nếu HĐBH đã xác định ý nghĩa của thuật ngữ, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ sử dụng khái niệm được ghi nhận trong HĐBH, miễn là khái niệm đó không trái với quy định pháp luật. Tiếp đến, nếu HĐBH không xác định ý nghĩa thuật ngữ, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ giải thích ý nghĩa thông thường, nghĩa đen của thuật ngữ, trừ khi thuật ngữ đó được sử dụng mang ý nghĩa chuyên ngành riêng biệt.[30] Khi gặp phải từ ngữ, hay điều khoản trong HĐBH tạo ra sự không rõ ràng, tối nghĩa, việc giải thích phải được tiến hành trong tổng thể hài hòa nội dung của cả HĐBH, trong mối quan hệ giữa các điều khoản với nhau[31]. Những thuật ngữ giống nhau trong các điều khoản khác nhau của đơn bảo hiểm phải được giải thích thống nhất. Khi hợp đồng có một điều khoản không rõ nghĩa, điều khoản đó không thể được giải thích tách rời HĐBH[32].
 Trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam, đối với việc giải thích các thuật ngữ trong HĐBH, Tòa án hiện chưa có lập luận xác nhận việc tồn tại điều khoản mơ hồ, không rõ nghĩa khi vận dụng nguyên tắc Contra proferentem chống lại DNBH là bên soạn thảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng nguyên tắc Contra proferentem bất cứ khi nào có tranh chấp về giải thích thuật ngữ, nội dung trong HĐBH.
 Ví dụ, Án lệ số 22/2018/AL về vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là ông Đặng Văn L và bị đơn là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ C (sau đây gọi là Công ty C). Bị đơn cho rằng bà H đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về tình trạng bệnh lý khi ký hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009 “Loét đường tiêu hoá, xuất huyết tiêu hoá, viêm tụy, viêm kết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật?”, bà H đã đánh dấu vào ô không, trong khi theo biên bản hội chẩn số 42/BV-99 ngày 03/9/2009 thể hiện bà H có tiền sử đau dạ dày hai năm. Bị đơn cho rằng rối loạn tại dạ dày là đau dạ dày, nhưng theo nguyên đơn thì không có tài liệu, chứng cứ chứng tỏ bệnh đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày. Do hai bên có cách hiểu không thống nhất về cụm từ “rối loạn tại dạ dày” được nêu tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm nên đã dẫn đến phát sinh tranh chấp.
 Như vậy, đây là tình huống hai bên trong quan hệ HĐBH có tranh chấp về nội dung câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm, và đưa ra các cách hiểu khác biệt nhau, vì vậy, Tòa án cần phải làm rõ có tồn tại tranh chấp về nội dung “không rõ ràng” trong HĐBH. Tuy nhiên, trong vụ án này, Tòa án đã không lập luận để đưa ra phán quyết mà khẳng định rằng cụm từ “rối loạn tại dạ dày” là ngôn từ của hợp đồng khó hiểu nên đã áp dụng phương pháp giải thích bằng cách tham chiếu đến tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng để giải thích hợp đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 409 BLDS năm 2005[33]Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng”. Tiếp đến, Tòa án lập luậnphương pháp này không đưa ra kết quả thích hợp cho việc giải thích nội dung cụm từ “rối loạn tại dạ dày”. Do đó, Tòa án phải áp dụng các phương pháp giải thích khác, và đã chọn áp dụng trực tiếp quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu để giải thích nội dung tại câu hỏi số 54 của đơn yêu cầu bảo hiểm. Giải thích hợp đồng theo mẫu được quy định tại Khoản 2, Điều 407 BLDS năm 2005 như sau: “Trong trường hợp hợp đồng dân sự theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó[34]. Từ đó, Tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho BMBH là bà H, lựa chọn cách hiểu “rối loạn dạ dày” không bao gồm bệnh đau dạ dày.
 Có thể nhận thấy rằng: một là, Tòa án đã không triệt để áp dụng các nguyên tắc được quy định tại BLDS khi tiến hành giải thích hợp đồng. Pháp luật Việt Nam ưu tiên việc xác định ý chí chung của các bên, cụ thể khoản 1 Điều 409 BLDS năm 2005 quy định :“Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó, và khi nào ý chí chung không thể xác định rõ, thì mới sử dụng các công cụ giải thích khác dựa vào sự suy đoán;[35] hai là, Tòa án đã không lập luận để chỉ ra sự tồn tại không rõ nghĩa của thuật ngữ “rối loạn dạ dày” trong đơn yêu cầu bảo hiểm, mà khẳng định đấy là thuật ngữ “không rõ nghĩa”, và áp dụng quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bà H tham gia, DNBH đưa ra tất cả các điều khoản của hợp đồng, nếu BMBH đồng ý tham gia bảo hiểm đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo điều khoản mà DNBH đã đưa ra, và không được đàm phán, thoả thuận về việc bổ sung, sửa đổi điều khoản của hợp đồng bảo hiểm[36]. Vì vậy, HĐBH nhân thọ trong tranh chấp là hợp đồng theo mẫu; do đó, theo quy đinh của khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2005, khi hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Bên cạnh đó, việc giải thích hợp đồng bảo hiểm còn được quy định tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”. Do đó, trong vụ án này, cụm từ “rối loạn tại dạ dày” tại câu hỏi số 54 của Đơn yêu cầu bảo hiểm là một cụm từ không rõ ràng, do đó, cần giải thích theo hướng có lợi cho BMBH là bà H. Mặc dù Tòa án lựa chọn áp dụng các quy định về giải thích hợp đồng theo mẫu và giải thích hợp đồng bảo hiểm để xác định việc ưu tiên cho BMBH khi đơn yêu cầu bảo hiểm không rõ ràng là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, tuy nhiên có khiếm khuyết trong việc thiếu lập luận để truy tìm ý chí chung của các bên trong tranh chấp, và không nêu cơ sở nào để khẳng định thuật ngữ “rối loạn dạ dày” trong đơn yêu cầu bảo hiểm có ý nghĩa không rõ ràng, tạo tiền đề để Tòa án áp dụng nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm theo hướng có lợi cho BMBH.
 Án lệ này đã tạo ra một thực tiễn áp dụng nguyên tắc Contra proferentem khi giải thích HĐBH (bao gồm cả đơn yêu cầu bảo hiểm) chống lại nhà soạn thảo là DNBH khi có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu.
3. Khuyến nghị trình tự áp dụng các nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm
 Khi đã xác định có tồn tại điều khoản, thuật ngữ có ý nghĩa không rõ ràng và phải giải thích, các nguyên tắc giải thích HĐBH cần được lưu ý như sau:
 Thứ nhất, các điều khoản trong HĐBH phải được giải thích theo ý nghĩa thông thường của BMBH đối với loại sản phẩm bảo hiểm đó, trừ trường hợp việc sử dụng từ ngữ mang ý nghĩa kỹ thuật và chuyên môn, những từ ngữ được sử dụng với ý nghĩa kỹ thuật và chuyên môn phải được giải thích theo ý nghĩa chuyên biệt này. Không được tiến hành giải thích vô lý hoặc gượng gạo để mở rộng hoặc hạn chế phạm vi áp dụng của điều khoản HĐBH, vượt quá những gì được dự tính một cách hợp lý trong các điều khoản của HĐBH.
Thứ hai, giải thích một thuật ngữ, hay điều khoản không rõ nghĩa, việc giải thích phải tuân theo các nguyên tắc giải thích chung về hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự. Điều khoản không rõ nghĩa phải được giải thích trong bối cảnh chung của toàn bộ HĐBH; trong mối quan hệ với các điều khoản khác của HĐBH. Việc giải thích phải đảm bảo các kỳ vọng hợp lý của các bên dựa trên thực tiễn và tập quán của ngành bảo hiểm.
 Thứ ba,nếu sau khi áp dụng các quy tắc chung về giải thích hợp đồng, sự mơ hồ vẫn còn tồn tại, điều khoản không rõ nghĩa trong HĐBH sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người được bảo hiểm. Khi đó, các thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm được giải thích theo xu hướng mở rộng phạm vi áp dụng, trong khi đó các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm sẽ được giải thích theo xu hướng thu hẹp phạm vi áp dụng./. 

 


[1]E. Allan Farnsworth (1967), Meaning in the Law of Contracts, 76 Yale Law Review 939, https://digitalcommons.law.yale.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=5853&context=ylj,truy cập ngày 30/12/2021. Xem thêm E. Allan Farnsworth, Zachary Wolfe (2020), Farnsworth on Contracts, Fourth Edition, Chapter 7: The Law of the Contract: Interpretation and Omitted Cases, Wolters Kluwer Legal & Regulatory U.S.
[2]Xem Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Án lệ liên quan đến giải thích thuật ngữ “rối loạn dạ dày” trong đơn yêu cầu bảo hiểm có bao gồm bệnh đau dạ dày khi bên mua bảo hiểm (BMBH) cho rằng thuật ngữ “rối loạn dạ dày” không bao gồm bệnh đau dạy dày, đối lập với cách hiểu của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).
[3] Xem phán quyết vụ Fleming v. United States Automobile Ass'n, 144 Or. App.1,. 925 P.2d 140 (1996), đoạn 382- 383 của Tòa án tối cao tiểu bang Oregon Hoa Kỳ. Toàn văn phán quyết có thể truy cập tại https://www.courtlistener.com/, truy cập ngày 30/12/2021.
[4] Trong phán quyết này, Tòa án tối cao Oregon cho rằng hợp đồng bảo hiểm không đảm bảo các các định dạng kỹ thuật, bao gồm cả điều khoản loại trừ trong nội dung phạm vi bảo hiểm, đây là một lỗi soạn thảo nghiêm trọng. Tuy nhiên, các Tòa án khác thì không cùng quan điểm, và một số Tòa án đã từ chối áp dụng các quy định hạn chế về hình thức trình bày trong hợp đồng bảo hiểm, không buộc DNBH phải tuân thủ các quy định về cỡ chữ, sự nổi bật của tiêu đề chính và kiểu chữ, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ đọc HĐBH của BMBH. Xem thêm Harold Weston (2004), “Fleming v. USAA: The tale of the coverage grant that ate the exclusions”, Tort Trial & Insurance Practice Law Journal”,Vol.40, No.1, tr.107-121, https://www.jstor.org/stable/25763708, truy cập ngày 30/12/2021.
[5] Ví dụ như tranh chấp xoay quanh thông tin liên quan đến nghề nghiệp của người được bảo hiểm được mô tả trong đơn yêu cầu bảo hiểm là “Nghĩa vụ công việc văn phòng”, trong khi trong hợp đồng bảo hiểm mô tả nghề nghiệp bao gồm “Nghĩa vụ công việc văn phòng và nghĩa vụ đi lại”. Xem toàn văn phán quyết vụ N.Am.Accident Ins. Co.v.Anderson, 100 F.2d 452 (10th Cir. 1938) tại https://casetext.com/, truy cập ngày 30/12/2021.
[6] Không giống như hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, người mua hàng có thể xác định, kiểm tra hàng hóa vào thời điểm mua, còn trong hợp đồng bảo hiểm đối tượng được trao đổi (sự đối ứng - theo Thông luật) là vô hình và trừu tượng vì không biết được khi nào sự kiện bảo hiểm - như tử vong xảy ra và xảy ra theo cách thức nào. Chỉ đến khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người mua bảo hiểm mới biết được chính xác là “hàng hóa bảo hiểm” được mua là gì, và bản chất giao dịch bảo hiểm.
[7] Hợp đồng bảo hiểm được xem là hợp đồng theo mẫu. Xem phân tích ở phần sau về nguyên tắc giải thích HĐBH.
[8] Xem thông tin Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam qua các năm được công bố bởi Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính công bố trên: https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/cqlgsbh/r/m/ngttbh, truy cập ngày 30/12/2021.
[9] Ví dụ về cách diễn đạt dài dòng, với nhiều vế câu nối tiếp ở thể dạng câu phức, câu ghép hay gặp trong các Quy tắc sản phẩm bảo hiểm: xem xét nội dung điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong “Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản” của Liberty Việt Nam, Liberty không bảo hiểm cho các “thiệt hại đối với tài sản mà tại thời điểm xảy ra thiệt hại đang được bảo hiểm hoặc lẽ ra được bảo hiểm bởi bất cứ đơn bảo hiểm hàng hải nào, nếu như không có sự tồn tại của Hợp đồng Bảo hiểm này, nhưng Hợp đồng Bảo hiểm này không loại trừ phần thiệt hại vượt quá số tiền lẽ ra có thể được bồi thường theo đơn bảo hiểm hàng hải cho dẫu là đơn bảo hiểm này có được ký kết hay chưa”, https://www.libertyinsurance.com.vn/en/business-insurance-site/Documents/Policy%20Wordings/Property-BI/UW-FPA-W-001-04-V_PAR-Wording.pdf, truy cập ngày 30/12/2021.
[10]Sự khó hiểu khi đọc hợp đồng bảo hiểm, xem thêm Robert H. Jerry IIDouglas S. Richmond Robert H. Jerry IIDouglas S. Richmond (2012), Understanding Insurance Law, Fifth Edition, LexisNexis, p.139.
[11] Xem Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018.
[12] Xem bản án 599/2018/DS-PT ngày 20/06/2018 “V/v. tranh chấp quyền lợi bảo hiểm trợ cấp nằm viện” của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[14] Nguyễn Ngọc Điện (2018), Giáo trình Luật Dân sự (Tập 2), Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.105.
[15] Nguyễn Ngọc Điện (2018), Tlđd, tr.105.
[16]XemA. Corbin, Contracts § 24.27, at 282-83 (1998). Xem thêm phán quyết vụ Amodio v. Amodio, 253 Conn. 910, 754 A.2d 160 (2000).
[17] Kenneth S. Abraham (1997), A Theory of Insurance Policy Interpretation, 95 MICH. L. REV. 531. Xem thêm Điều 2046, Bộ luật dân sư tiểu bang Louisiana, nguyên văn: “In case of doubt that cannot be otherwise resolved, a provision in a contract must be interpreted against the party who furnished its text. A contract executed in a standard form of one party must be interpreted in case of doubt in favor of the other party. Rule of strict construction requires that an ambiguous policy provision be construed against the insurer who issued the policy and in favor of coverage to the insured”.
[18] Xem toàn văn Bộ nguyên tắc luật hợp đồng bảo hiểm châu Âu tại:
[19] Bản án số 73-13.482P ngày 22/10/1974 của Phòng Dân sự số 1 thuộc Tòa Phá án khẳng định: phải bác bỏ kháng cáo cho rằng các điều khoản không rõ ràng chỉ được giải thích theo ý chí chung của các bên, đồng thời lên án tòa án xét xử về nội dung khi đã chấp nhận rằng, trong hợp đồng theo mẫu, trong trường hợp có sự nghi ngờ, hợp đồng được giải thích theo hướng bất lợi cho bên có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 1162 BLDS mà bên này đồng thời là bên soạn thảo và khởi xướng hợp đồng.
[20] Bản án số 09-72.552 và 10-10.843 ngày 01/6/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án; Bản án số 10-23.093 ngày 17/11/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án; Bản án số 10-26.983 ngày 15/12/2011 của Phòng dân sự số 2 thuộc Tòa phá án.
[21] Loại hợp đồng này được gọi là hợp đồng gia nhập (adhesion contract), ở Việt Nam, nhà làm luật gọi là hợp đồng theo mẫu (standardized form contract). Xem thêm F. Kessler (1943), Contracts of Adhesion--some Thoughts about Freedom of Contract, Colum.L.Rev., 629
[22] Xem Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
[23] Đối với các loại hình bảo hiểm không bắt buộc, tùy vào loại hình bảo hiểm DNBH dự kiến kinh doanh, DNBH tự xây dựng nội dung hợp đồng bảo hiểm, quy tắc sản phẩm bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm, biểu phí bảo hiểm và phải đạt được sự phê chuẩn của Bộ Tài chính (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe), hoặc phải đăng ký với Bộ Tài chính (bảo hiểm xe cơ giới), hoặc không buộc phải đạt được phê chuẩn hay thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Tài chính (các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ khác). Xem Điều 39, Điều 40 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KDBH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH năm 2014.
[24] Xem khái niệm về hợp đồng theo mẫu tại Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng. Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật”; và khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
[25] Xem Gillette, Clayton P. (April 8, 2009), Standard Form Contracts, NYU Law and Economics Research Paper No.09-18, http://ssrn.com/abstract=1374990, truy cập ngày 30/12/2021.
[26] Xem Điều 1.7 của PICC quy định về nguyên tắc contra proferentem.
[27] Xem Robert H Jerry, Douglas R Richmond (1996), Understanding Insurance Law, 2nd edition, Carolina Academic Press LLC, tr.136; James M.Fischer (1992), Why are insurance contracts subject to special rules of interpretation?Text versus Context, 24 Ariz. St. L.J. 995 , 1004-05.
[28] Robert H. Jerry IIDouglas S. Richmond (2012), Tlđd, tr.138.
[29] Tom Baker, Kyle D. Logue (2017),Tlđd, tr.64.
[30] Robert H. Jerry IIDouglas S. Richmond (2012), Tlđd, tr.138.
[31] Xem them Điều 2046, Bộ luật dân sư tiểu bang Louisiana, nguyên văn: “When the words of a contract are clear, no further interpretation may be made to determine the parties' intent. Ambiguity in an insurance policy must be resolved by construing the policy as a whole; one policy provision is not to be construed separately at the expense of disregarding other policy provisions”.
[32] Whitlock, 2011 U.S. Dist. LEXIS 114006, citing Farr, 218 S.E.2d 431. See also State Farm Life Ins. Co. v. Beastin, 907 S.W.2d 430, 433 (Tex. 1995) (“Tòa án phải đặc biệt lưu ý với việc tách biệt một cụm từ, câu hoặc phần riêng biệt của hợp đồng biệt lập khỏi bối cảnh chung hoặc các điều khoản khác”); Forbau v. Aetna Life Ins. Co., 876 S.W.2d 132, 133–34 (Tex. 1994) (“không nên tách biệt một cụm từ, câu hoặc phần [của hợp đồng] khỏi tổng thể của nó và được xem xét tách biệt với các điều khoản khác”).
[33] Quy định tại Điều 409 BLDS năm 2005 tương ứng với Điều 404 BLDS năm 2015.
[34] Quy định tại khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2005 này tương úng với khoản 2 Điều 405 BLDS năm 2015.
[35] Nguyễn Ngọc Điện (2018), Tlđd, tr.105.
[36] Theo khoản 1 Điều 407 của BLDS năm 2005.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (458), tháng 05/2022.)