Quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục số

27/05/2022

THS. ĐẶNG NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN*

THS. LÊ HOÀNG VIỆT TUẤN**

*,** Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Bảo hộ quyền tác giả nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung nhằm khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư của tác giả, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế, văn hoá của đất nước. Để tạo nền tảng cho việc hội nhập sâu, rộng và bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với cộng đồng, không những cần có những chính sách, cơ chế bảo vệ phù hợp mà còn có ý thức tôn trọng thành quả của tác giả, chủ sở hữu khi sử dụng, khai thác tác phẩm. Việc sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục số còn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm và khắc phục để việc tiếp cập nguồn tri thức không chỉ từ học viên, mà còn cả giảng viên được dễ dàng hơn mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi khai thác kinh tế bình thường của tác phẩm.
Từ khoá: Quyền tác giả, quyền sử dụng tự do quyền tác giả, môi trường giáo dục số, Luật Sở hữu trí tuệ.
Aabstract: Protection of copyright in particular and protection of intellectual property rights in general aims to encourage the creation of authors, and at the same time promote the development of the economy and culture of the country. It is necessary not only to provide appropriate policies and protection mechanisms but also to have a sense of respect for copyright owners so that it is to establish a solid ground for deep and wide integration and protect the harmonized interests between copyright holders and the community and the results of the author or owner they use and exploit their art works. The free use of copyright in the digital education environment still has many questions that need to be discussed and overcome to make it easier to access knowledge resources not only from students, but also from teachers without prejudice to the normal economic exploitation of the work.   
Keywords: Copyright; free use right; digital educational environment; Law on Intellectual Property.
QUYỀN-TÁC-GIẢ_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.   Quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục trực tuyến
          Môi trường số hay Internet đã và đang đóng góp vai trò vô cùng quan trọng dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khác với cách học truyền thống trước đây, hình thức học tập trực tuyến là sự kết hợp giữa truyền thông đa phương tiện và nền tảng Internet. Bên cạnh những thành công bước đầu của quá trình chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên trực tuyến. Có thể kể đến ở đây một số hành vi sử dụng như sau:
·       Chia sẻ các giáo trình, giáo án điện tử trên các nền tảng cộng cộng (website, mạng xã hội…) mà không thật sự nắm rõ bản quyền của bài giảng thuộc về cá nhân, tổ chức nào.
·       Đối với buổi học trực tuyến được người học thu thập (record) thông qua các phần mềm quay phim màn hình một cách tự do mà không được sự cho phép của người dạy.
·       Đối với các học liệu giảng dạy (bài giảng điện tử (slide), các bài thực hành…) được xây dựng bằng rất nhiều công sức và kinh phí sau khi cung cấp cho người học với mục đích phục vụ khóa học đã được chia sẻ rộng rãi một cách trái phép, thậm chí thương mại hóa.
·       Các sản phẩm được hình thành thông qua quá trình thực hành, thị phạm về chương trình học của người dạy để minh họa cho bài học, khóa học được lưu hành nội bộ thì nay bị công khai trên môi trường số một cách khó kiểm soát.
1.1. Quyền sử dụng tự do quyền tác giả
            Theo triết học Locke, bất cứ tài sản gì là thành quả lao động của người nào thì người đó có quyền sở hữu[1]. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tương tự như các loại tài sản trí tuệ khác, chủ sở hữu quyền gần như độc quyền trong việc sử dụng tài sản của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng đưa ra các nguyên tắc sử dụng hoặc các trường hợp sử dụng sản phẩm trí tuệ này trong thời hạn bảo hộ mà không cần phải xin phép. Điều này nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của văn học, khoa học và kỹ thuật. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng tự do tác phẩm là nguyên tắc sử dụng hợp lý (fair use). Công ước Bern năm 1886 về quyền tác giả (Công ước Bern)  cho phép các quốc gia thành viên có quyền quy định việc sao chép, trích dẫn… với mức độ phù hợp với thông lệ, không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền[2]. Như vậy, Công ước Bern chỉ quy định những nguyên tắc chung về sử dụng tự do tác phẩm và trao quyền quy định các trường hợp cụ thể cho các quốc gia thành viên. Giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả cũng được quy định tại Điều 18.65 và 18.66 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[3] trong đó cho phép các quốc gia tự xác định các trường hợp ngoại lệ bao gồm luôn cả môi trường số, xem xét các mục đích hợp pháp như phê bình; bình luận; đưa tin; giảng dạy, học tập, nghiên cứu, và các mục đích tương tự khác; tạo điều kiện tiếp cận với tác phẩm được công bố cho người mù, người khiếm thị, hay người có các khuyết tật khác không thể đọc được tài liệu in. Tương tự, Luật Bản quyền Hoa Kỳ[4] xem xét việc sử dụng hợp lý trên bốn yếu tố sau: (1) mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm việc sử dụng đó có tính chất thương mại không hay chỉ nhằm mục đích giáo dục phi lợi nhuận; (2) bản chất của tác phẩm được bảo hộ; (3) số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ như là một tổng thể; (4) vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ. Nguyên tắc này không yêu cầu người sử dụng phải xin phép chủ sở hữu quyền nếu việc sử dụng không vì mục đích lợi nhuận và trên cơ sở tôn trọng quyền tác giả. Khác với Hoa Kỳ, các quốc gia chọn phương thức liệt kê các trường hợp quyền tác giả bị giới hạn như Nhật Bản quy định tại Mục 5 (Điều 30 đến Điều 50) Luật Quyền tác giả[5] và Thuỵ Điển quy định tại Chương II (Điều 11 đến Điều 26) Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật[6]. Nhìn chung, các trường hợp được liệt kê đều là hành vi sử dụng tác phẩm không vì mục đích lợi nhuận và không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo Điều 5 Chỉ thị số 2001/29/EC [7] của Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên áp dụng các ngoại lệ trong danh sách thoả thuận cùng với những ngoại lệ khác đã có trong pháp luật về SHTT riêng của mỗi quốc gia. Chỉ thị dẫn quy định rằng, sao chép tạm thời hoặc ngẫu nhiên như một phần của quá trình truyền mạng hoặc sử dụng hợp pháp được xem là trường hợp ngoại lệ. Vì lẽ đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet không chịu trách nhiệm pháp lý đối với dữ liệu trên hệ thống ngay cả khi đó là những tác phẩm vi phạm quyền tác giả.
Theo quy định của khoản 1 Điều 14 Luật SHTT năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009[8] (Luật SHTT), các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Trong đó, bài giảng, bài nói cũng được bảo hộ quyền tác giả khi thể hiện bằng ngôn ngữ nói và định hình dưới một hình thức vật chất nhất định[9]. Trong trường hợp, tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng đó, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình (khoản 2 Điều 44 Luật SHTT). Quyền tác giả được bảo hộ một cách tự động khi tác phẩm được định hình mà không cần công bố cũng như không cần thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, việc công bố tác phẩm chỉ nhằm mục đích giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, mà trong đó, quyền công bố hoặc cho người khác công bố và quyền tài sản được bảo hộ trong khoảng thời gian nhất định tuỳ vào từng loại hình tác phẩm[10]. Khi một tác phẩm được công bố hay được truyền đạt đến công chúng qua mạng thông tin điện tử như truyền tải lên Internet, nó trở thành nguồn thông tin công cộng có thể dễ dàng được truy cập và lan truyền với tốc độc nhanh chóng. Để đưa một tác phẩm lên môi trường số, tác phẩm đó phải được số hoá. Điều này có thể hiểu là tác phẩm trên môi trường Internet sẽ tồn tại dưới hình thức file mềm, bản chụp hay bản ghi. Trong thời hạn bảo hộ, về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền khai thác và sử dụng tác phẩm của mình; những chủ thể không phải là chủ thể quyền nếu thực hiện hành vi sử dụng tác phẩm mà không được sự cho phép của chủ thể quyền sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Điều 25 Luật SHTT cũng liệt kê những trường hợp được xem là ngoại lệ quyền tác giả, tức là những trường hợp sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Nhìn chung, những trường hợp này đều vì mục đích phi thương mại, phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Việc sử dụng này không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải thông tin về tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Luật SHTT Việt Nam loại trừ tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính khỏi các nguyên tắc áp dụng ngoại lệ này.
1.2. Thực thi quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục số
          Quyền sử dụng tự do quyền tác giả nói chung và quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường số nói riêng trên thực tiễn còn nhiều bất cập. Trong những năm gần đây, các loại hình dịch vụ trên mạng phát triển mạnh mẽ bao gồm học tập, nghiên cứu đến mua sắm, giải trí đều có thể được thực hiện. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ làm cho các hình thức, phương pháp khai thác tác phẩm đa dạng hơn và việc truyền bá chúng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn. Trên thực tế, Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố, giới thiệu kho bài giảng điện tử và học liệu số nhằm phục vụ học và dạy học cho các đối tượng bao gồm giáo viên, sinh viên và phụ huynh trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến trong khoảng thời gian đại dịch Covid 19 đang bùng phát[11]. Một giáo viên có thể sử dụng một nội dung trích dẫn từ tác phẩm khác để làm minh hoạ cho bài giảng của mình. Nếu việc trích dẫn này không gây phương hại đến quyền tác giả và được thông tin về nguồn gốc đầy đủ thì thuộc các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT. Tuy nhiên, nếu việc giảng dạy này được tiến hành trực tuyến với sự tham gia của nhiều người học từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới, thì bài giảng này vẫn có khả năng vi phạm quyền tác giả; bởi lẽ, nếu quốc gia đó không áp dụng nguyên tắc sử dụng hợp lý cho việc sử dụng một hình thức tác phẩm cụ thể để minh hoạ cho bài giảng[12]. Bên cạnh đó, cùng một nội dung và cách thức thể hiện được đăng tải lên một website, không khó để tìm thấy những bản sao y hệt hoặc tương tự được đăng tải trên một website học trực tuyến khác[13].
          Một trong những quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả chính là quyền sao chép, và cũng là quyền thường bị xâm phạm nhiều nhất trong môi trường giáo dục số. Trong quá trình học trực tuyến, thông thường, giảng viên gửi bài giảng, slides minh họa và video những tài liệu học tập cho người học. Như vậy, có thể hiểu rằng, người học chỉ được sử dụng tài liệu này với mục đích học tập của bản thân mà thôi. Tuy nhiên, trên thực tế, người học vẫn thường ghi âm, ghi hình lại bài giảng trực tuyến mà không có sự đồng ý của giảng viên, hoặc sao chép những tài liệu mình nhận được để bán cho những sinh viên khác hoặc đưa lên các trang mạng xã hội. Căn cứ vào Luật SHTT hiện hành, các hành vi sao chép, ghi âm ghi hình, sao chép vì mục đích học tập hay truyền đạt, truyền tải nêu trên không được xem là hành vi sử dụng hợp lý quyền tác giả. Thực trạng về vi phạm quyền tác giả là câu chuyện không còn mới và ngày càng nghiêm trọng ở nước ta. Bởi lẽ, cùng với sự phát triển của Internet, tần suất vi phạm ngày càng cao hơn, tinh vi hơn và khả năng kiểm soát của chủ thể quyền trên nền tảng này dần kém đi khi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, khó khăn trong việc xác định thiệt hại, cũng như khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi xâm phạm vì khả năng phát tán quá nhanh. Bên cạnh đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin dẫn đến việc ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể quyền tác giả trong môi trường Internet[14].
2. Giải pháp hỗ trợ cho việc thực thi quyền sử dụng tự do quyền tác giả trong môi trường giáo dục số
          Những thách thức trong việc bảo vệ quyền tác giả và thực thi quyền sử dụng tự do quyền tác giả ở môi trường giáo dục số đặt ra các vấn đề về tìm kiếm các cách thức mới và công cụ mới để thực thi hiệu quả hơn. Ngoài ý thức tôn trọng thành quả sáng tạo của người khác, người sử dụng còn cần phải tôn trọng quyền tác giả khi sử dụng, khai thác tác phẩm của người khác. Để có một thị trường bản quyền trong sạch và lành mạnh, các tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
2.1. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin
Phương án cấp thiết: sử dụng các phương pháp đánh dấu tác quyền cho sản phẩm: watermark cho các tài liệu văn bản, slide (MS Word, MS PowerPoint), gắn các dấu tác quyền như logo, tên tổ chức giáo dục, tên người dạy trong các video bài giảng. Đồng thời, tuyên bố tác quyền với các sản phẩm đó, nhằm truyền tải thông điệp răn đe đến người sử dụng rằng hành vi xâm phạm sẽ chịu kết quả nặng nề.
Phương án nghiên cứu phát triển: Các tổ chức, cá nhân cung cấp hạ tầng và nền tảng số phải bảo đảm thông tin đáng tin cậy, an toàn, phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện tấn công từ hacker.
Phát triển các công cụ có thể kiểm tra, theo dấu thao tác người dùng: khi sử dụng các nền tảng giáo dục trực tuyến, quản lý người học thông qua các tài khoản, tiến hành khóa tài khoản khi phát hiện các hành vi xâm phạm trong suốt quá trình học trực tuyến với người dạy. Đồng thời, thông báo các hành vi vi pham này đến các cơ quan, phòng, ban quản lý của cơ sở đào tạo để có hình thức kỷ luật răn đe thích đáng.
2.2. Xây dựng chính sách về truy cập mở
          “Truy cập mở” (Open Access) lần đầu được đề cập đến trong văn kiện Sáng kiến truy cập mở Budapest[15] sau đó là ở Tuyên bố Bethesda về xuất bản truy cập mở[16] và Tuyên bố Berlin về truy cập mở đối với kiến thức khoa học và nhân văn[17]. Truy cập mở là việc người sử dụng được tự do truy cập đến tài liệu từ Internet, cho phép tất cả người sử dụng đọc, tải về, sao chép, phân phối, in ấn, tìm kiếm hoặc liên kết đến toàn văn của tài liệu đó để làm chỉ mục, chuyển đổi chúng thành dữ liệu cho phần mềm hoặc sử dụng chúng cho bất kì mục đích hợp pháp nào mà không có rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật[18]. Việc tiếp cận với những nghiên cứu, những sáng tạo khoa học là cần thiết để làm tăng cơ hội cho tri thức khoa học và công nghệ mới được ứng dụng vào những lĩnh vực khác nhau. Trước hết, những tác phẩm được hình thành từ ngân sách nhà nước có thể được xem là tài sản công được tạo lập vì lợi ích công và cần được mở cho truy cập công cộng với sự hạn chế tối thiểu[19]. Trong phạm vi cơ sở giáo dục, thư viện cần phải xây dựng kho nội bộ trong đó chứa đựng các bài viết, các nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học thuộc các hệ đào tạo. Kho nội bộ thuộc quản lý của các trường đại học lưu trữ và bảo quản tài sản trí tuệ hay chính những tác phẩm của nhà trường. Thiết lập kho nội bộ giúp cho nguồn tài liệu tham khảo được đầy đủ, phong phú hơn. Một số quan điểm cho rằng, chính sách truy cập mở có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả cũng như hàm lượng nghiên cứu, kiến thức trong các công trình sẽ không được đảm bảo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được lợi ích của truy cập mở làm gia tăng số lượng tiếp cận tác phẩm bao gồm cả xem trực tuyến và tải xuống cũng như số lần được “nhắc đến” tại các diễn đàn phi học thuật, bởi lẽ, những công trình nghiên cứu khoa học không dừng lại ở việc tham khảo mà còn ứng dụng trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau[20]. Như vậy, để xây dựng chính sách liên quan đến truy cập mở cho những tác phẩm tạo từ ngân sách nhà nước và những tác phẩm khác cần có sự kết hợp giữa Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ, Cục Bản quyền trên cơ sở Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khoa học và công nghệ, Luật SHTT và một số luật liên quan.
2.3. Trách nhiệm của tổ chức trung gian
          Tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet hiện nay tại Việt Nam rất phổ biến với tất cả loại hình tác phẩm. Hành vi xâm phạm là vô cùng đa dạng từ xâm phạm quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm… đến những quyền nhân thân như bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm hay quyền công bố tác phẩm… Việc ban hành Luật Công nghệ thông tin[21] năm 2006, Việt Nam đã xây dựng cơ chế trách nhiệm giới hạn đối với xâm phạm quyền tác giả của các tổ chức trung gian. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL[22] quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có quyền thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet; đồng thời cũng có trách nhiệm trong việc lưu trữ nội dung thông tin số trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình chỉ mang tính chất trung chuyển, tạm thời, tự động, có thời hạn, đủ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của việc truyền tải nội dung thông tin số. Theo quy định hiện hành, các nhà cung cấp dịch vụ Internet được miễn trừ phần lớn trách nhiệm; đồng thời, không có nghĩa vụ phải gỡ bỏ những nội dung vi phạm quyền tác giả trừ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo Luật SHTT chỉnh lý lại quy định về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (Điều 198b được bổ sung theo khoản 88 Điều 1), đã liệt kê cụ thể các trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường mạng Internet, đồng thời những doanh nghiệp này phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm. Điều này là phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng cho thấy sự bắt kịp thực tiễn trong thời đại công nghệ thông tin ngày một phát triển và các tác phẩm – dưới dạng số ngày càng phong phú và đa dạng về số lượng lẫn chất lượng.
2.4. Quy định về ngoại lệ quyền tác giả
          Điểm c khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật SHTT (sửa đổi) (trích nguồn đầy đủ?) quy định về sử dụng hợp lý tác phẩm để minh hoạ trong các ấn phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chỉ học sinh, sinh viên và giáo viên tham gia học tập, giảng dạy trong buổi học đó mới có thể tiếp cận các tác phẩm này. Bên cạnh đó, việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh hoạ để giảng dạy cũng được xem là các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả[23]. Nhìn chung, những quy định này cho phép giảng viên sử dụng một phần hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm khác để minh hoạ trong quá trình giảng dạy trực tiếp cũng như trực tuyến của mình nếu việc sử dụng đó không gây phương hại đến quyền tác giả. Ngoài ra, điểm e  khoản 1 Điều này cũng cho phép sao chép hợp lý một phần tác phẩm cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập như một trường hợp ngoại lệ quyền tác giả. Kỹ thuật công nghệ thông tin càng phát triển, vấn đề sao chép toàn bộ hay một phần không còn khó khăn mà thậm chí còn được diễn ra nhanh chóng và chính xác. Do đó, Dự thảo Luật SHTT (sửa đổi) cần giới hạn tỷ lệ sao chép hợp lý cụ thể về nội dung của tác phẩm để nghiên cứu và học tập. Cụ thể hơn, cần xác định phần nội dung nào là trọng yếu, thể hiện sự sáng tạo của tác giả để tránh những hành vi dựa vào quy định về trường hợp ngoại lệ quyền tác giả mà sao chép tràn lan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

 


[1] Nguyễn Thị Thanh Huyền, Quan niệm của J. Locke về quyền sở hữu trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (HQGHN), Khoa học Xã hội và Nhân văn 28 (2012), tr.166-172.
[2] Công ước Bern 1886.
[3] Chương 18 CPTPP.
[4] Điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ.
[5] Luật Quyền tác giả Nhật Bản – Luật số 48 ngày 06/5/1970 sửa đổi năm 2013.
[6] Luật Quyền tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật Thuỵ Điển – Luật số 729 ngày 30/12/1960 sửa đổi, bổ sung năm 2000.
[7] Chỉ thị số 2001/29/EC do Liên minh châu Âu ban hành để thực hiện Hiệp ước WIPO và để hài hoà các khía cạnh luật bản quyền tại châu Âu.
[8] Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[9] Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 22/2018 ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan.
[10] Điều 18, 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[11] Công bố kho bài giảng điện tử phục vụ dạy học, https://laodong.vn/giao-duc/cong-bo-kho-bai-giang-dien-tu-phuc-vu-day-hoc-truc-tuyen-951952.ldo, truy cập lần cuối ngày 27/10/2021.
[12] Marketa Trimble, “COVID-19 and transational Issues in copyright and related rights”, IIC-International Review of Intellectual Property and Competition Law, số 51/2020, tr. 407-210.
[13] Bảo vệ quyền nội dung giảng dạy trên môi trường số, https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/bao-ve-ban-quyen-noi-dung-giang-day-tren-moi-truong-so-20200502141518234.htm, truy cập ngày 27/10/2021.
[14] Lê Thị Nam Giang, Những thách thức về mặt pháp lý trong việc bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet, Hội thảo bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam, 2016.
[15] Sáng kiến truy cập mở Budapest được công bố vào gày 14/02/2002 với các nguyên tắc tắc liên quan đến việc truy cập mở đối với các tài liệu nghiên cứu (research literature).
[16] Bethesda Statement on Open Access Publishing.
[17] Berlin Declaration on Open Access to Knowlegde in the Sciences and Humanities.
[18] Budapest Open Access Initiative, https://www.budapestopenaccessinitiative.org, truy cập lần cuối ngày 26/10/2021.
[19] Cao Minh Kiểm, Chính sách truy cập mở đến kết quả nghiên cứu số sử dụng kinh phí công trên thế giới và một số đề xuất đối với Việt Nam, Hội thảo “Xây dựng và phát triển thư viện số Việt Nam – Hiện tại – Tương lai”.
[20] Khi truy cập mở “lên ngôi”, https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/86786/222/khi-truy-cap-mo-len-ngoi/, truy cập ngày 26/10/2021.
[21] Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
[22] Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông.
[23] Điểm đ Khoản 1 Điều 8 Dựa thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (457), tháng 05/2022.)