Công ước về Luật biển năm 1982 và nghề cá ở Đông Nam Á

16/05/2022

PGS.TS. NGUYỄN HỒNG THAO

Học viện Ngoại giao.

Tóm tắt: Năm 2022, Công ước về Luật biển (UNCLOS) tròn 40 năm tuổi kể từ ngày ký. Bản “Hiến pháp đại dương” này đã thiết lập một trật tự pháp lý mới trên biển, trong đó có nghề cá. Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là một trong những khu vực phản ánh rõ những mặt tích cực và hạn chế trong thực hiện quản trị nghề cá mà Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mang lại.
Từ khóa: Công ước về Luật biển năm 1982, nghề cá, Đông Nam Á.
Abstract: The year of 2022 marks 40 years of existence and 28 years of implementation of the United Nations Convention on the Law of the Sea. This Convention has created a new legal orders at sea, including the fishery. The Southeast Asia, including Vietnam, is one of regions that has reflected well the success and failure of fishery governance by the United Nations Convention on the Law of the Sea of 1982.
Keywords: United Nations Convention on the Law of the Sea; fishery; Southeast Asia.

 NGHỀ-CÁ-BIỂN-ĐÔNG.jpg

1. Công ước về Luật biển năm 1982 - một chế độ đánh cá mới

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trên thế giới, nghề cá được điều chỉnh bởi bốn Công ước Geneva 1958. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, không thống nhất. Khắc phục hạn chế này,  năm 1982, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về Luật biển (UNCLOS). UNCLOS đã phân bổ lại trách nhiệm bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên cá từ một phần của Biển cả thuộc chế độ tự do đánh bắt sang cho các quốc gia ven biển dưới hình thức có quyền chủ quyền về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Các quốc gia ven biển có trách nhiệm chính đặt ra các quy định để bảo tồn và quản lý 90% nguồn đánh bắt toàn cầu[1] (Điều 61 và 62), phần lớn trong số đó trước kia được tự do đánh bắt bởi các hạm đội tàu cá của các nước phát triển. Tại Biển cả, các quốc gia ven biển có trách nhiệm hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật (Điều 118). UNCLOS cũng phân phối lại quyền đánh bắt tài nguyên sinh vật giữa các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế. Nó cho phép các quốc gia khác tiếp cận, qua điều ước hoặc các thỏa thuận khác và theo đúng các thể thức, điều kiện, các luật và quy định khác, khai thác số dư của khối lượng cho phép đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. Khi làm như vậy, cần đặc biệt quan tâm các quốc gia không có biển và bất lợi về địa lý cũng như các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, quyền tiếp cận này bị hạn chế. Các quốc gia ven biển có quyền ấn định khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận được đối với các tài nguyên sinh vật ở trong vùng đặc quyền về kinh tế của mình. quyền xác định khả năng đánh bắt của mình, thời gian, điều kiện và các quy định cho việc tiếp cận tài nguyên cá để duy trì hoặc phục hồi quần thể các loài khai thác ở mức bền vững. Quốc gia ven biển dựa vào các số liệu khoa học đáng tin cậy nhất mà mình có, thi hành các biện pháp thích hợp về bảo tồn và quản lý nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị ảnh hưởng do khai thác quá mức. Quốc gia ven biển và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, các tổ chức phân khu vực, khu vực hay thế giới, hợp tác với nhau một cách thích hợp để thực hiện mục đích này. Quốc gia ven biển cần tính đến tất cả các yếu tố thích đáng, trong đó có: tầm quan trọng của các tài nguyên sinh vật thuộc khu vực đối với nền kinh tế và đối với các lợi ích quốc gia khác của nước mình; các nhu cầu của các quốc gia đang phát triển trong khu vực hay phân khu vực về vấn đề khai thác một phần của số dư, và sự cần thiết phải giảm bớt đến mức tối thiểu những rối loạn kinh tế trong các quốc gia nào có những công dân thường đánh bắt hải sản ở trong khu vực hoặc đã đóng góp nhiều vào công tác tìm kiếm và thống kê các đàn cá. "Sản lượng khai thác tối ưu các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế” (MSY) và tổng khối lượng đánh bắt cho phép (TAC) là một số trong những biện pháp khoa học và công nghệ được khuyến nghị. UNCLOS cũng đặt ra chế độ pháp lý khác nhau đối với một đàn cá hoặc các loài quần hợp ở trong vùng đặc quyền kinh tế của hai hoặc nhiều quốc gia ven biển hoặc đồng thời ở trong vùng đặc quyền kinh tế và ở trong một khu vực tiếp liền với vùng đó, các loài cá di cư xa, các động vật biển có vú, các đàn cá vào sông sinh sản, các loài cá ra biển sinh sản hoặc các loài thuộc loại định cư. Các quốc gia ven biển và các quốc gia khác có công dân chuyên đánh bắt trong khu vực những loài cá và đàn cá này, cần trực tiếp hoặc qua trung gian của các tổ chức quốc tế thích hợp, hợp tác với nhau nhằm bảo đảm việc bảo tồn các loài cá nói trên và đẩy mạnh việc khai thác tối ưu các loài cá đó trong toàn bộ khu vực, ở trong cũng như ở ngoài vùng đặc quyền về kinh tế.

 UNCLOS mang lại một sự thay đổi mang tính cách mạng trong việc kết hợp khai thác bền vững các nguồn lợi thủy sản hài hòa với bảo vệ môi trường. Các nguyên tắc được Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người thông qua năm 1974, đặc biệt là nguyên tắc phòng ngừa đã được phản ánh rõ trong các quy định của UNCLOS liên quan đến chế độ quản lý đánh bắt ở vùng đặc quyền kinh tế và Biển cả. Phần XII UNCLOS về bảo vệ môi trường biển nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái quý hiếm hoặc dễ bị tổn thương cũng như môi trường sống của các loài cạn kiệt, bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng và các dạng sinh vật biển khác. Hoạt động của các tàu, kể cả tàu kiểm ngư được quy định chặt chẽ nhằm cân đối giữa quyền khai thác tài nguyên biển với nghĩa vụ quản lý và bảo vệ môi trường biển. Các quốc gia ven biển, các quốc gia có cảng và các quốc gia treo cờ có trách nhiệm kiểm soát việc đánh bắt và ô nhiễm môi trường trong toàn bộ quá trình hoạt động của các đội tàu đánh cá (các điều 210-211, 217-218). Vai trò của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RMFO) được nâng cấp nhằm tranh thủ sự hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý nguồn cá và bảo vệ môi trường.

UNCLOS là một văn kiện khung để tiếp tục xây dựng và cụ thể hóa các nguyên tắc mới của luật nghề cá quốc tế. Các nguyên tắc chính của quản lý nghề cá bền vững đã được phát triển trong các công cụ ràng buộc và tự nguyện như Hiệp định Thực thi các quy định UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa năm 1995, Thỏa thuận FAO năm 1993 nhằm thúc đẩy việc tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế đối với tàu khai thác ở vùng biển cả, Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm năm 1995 và Kế hoạch hành động quốc tế của FAO để quản lý năng lực đánh bắt cá (IPOA).

Tuy nhiên, việc thực hiện UNCLOS cũng cho thấy một số hạn chế sau đây:

Thứ nhất, các yêu cầu cao của khoa học nghề cá chưa thật sự phù hợp với trình độ quản lý nghề cá của từng quốc gia. Không phải tất cả các nước đang phát triển đều có đủ dữ liệu khoa học đáng tin cậy và các quy định để thực hiện các biện pháp MSY và TAC hàng năm. Ngay cả các nước EU cũng có Kế hoạch quản lý nhiều năm (MAP) để cho phép một số linh hoạt trong việc thiết lập TAC.[2] MSY và TAC không thích ứng với các vùng biển bị tác động nặng của hiện tượng El Nino, dầu tràn hoặc thậm chí là mực nước biển dâng. Việc xác định MSY và TAC phức tạp hơn khi liên quan đến nhiều loài cá phụ thuộc hoặc liên quan nhau và đòi hỏi rất nhiều mô hình tính toán khác nhau[3].  

Thứ hai, mô hình quản lý nghề cá độc quyền nhà nước không hiệu quả trong tạo lập một nghề cá bền vững. Nó tập trung vào kiểm soát tổng sản lượng đánh bắt hơn là quyền và lợi ích của ngư dân cũng như tính kinh tế của ngành đánh bắt[4]. Quyền tài sản đối với các nguồn tài nguyên đánh bắt không được xác định rõ ràng. Do tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng của ngành thủy sản, hoạt động khai thác đánh bắt ở nhiều vùng được đẩy lên với tỷ lệ lớn hơn MSY và TAC dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi. Các quốc gia cũng thiếu các quy định và nguồn lực để thực hiện kiểm soát, kiểm tra và giám sát (MCS) việc phân bổ các tài nguyên cá hạn chế với sự tham gia tích cực của các tổ chức quản lý nghề cá và các bên liên quan, đặc biệt là những người đánh bắt cá thủ công quy mô nhỏ. Khi việc triển khai, thực thi và hợp tác thiếu chặt chẽ, việc khai thác IUU và đánh bắt quá mức là không thể tránh khỏi. Thực tiễn quốc gia yêu cầu cần thiết lập các cách thức tốt hơn để chia sẻ cơ hội đánh bắt. Đây là lý do vì sao nhiều nước ủng hộ và tham gia tích cực Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm năm 1995.

Thứ ba, các tranh chấp liên quan đến quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên sinh vật biển trong EEZ (Điều 297.3 (a) không thuộc khuôn khổ áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS theo Phụ lục V và VII[5]. Các quyết định của Tòa án và Trọng tài quốc tế chưa đưa ra các kết luận hữu hiệu để ngăn chặn việc đánh bắt quá mức, không báo cáo và không đúng quy định (IUU)[6].

Thứ tư, “giải pháp công bằng” không rõ ràng trong quy tắc phân định vùng đặc quyền kinh tế đã ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết các tranh chấp và xác định các đường biên giới biển, không gian biển cho các quốc gia thực thi bảo tồn và quản lý tài nguyên cá của mình. Chỉ một nửa số đường ranh giới biển (hơn 500 trường hợp) trên thế giới chính thức đạt đượcthỏa thuận[7]. Một số tranh chấp về nghề cá đã được quản lý thông qua các vùng đánh cá chung như Argentina - Uruguay “vùng đánh cá chung” năm 1974[8], “Vùng đặc biệt” Đan Mạch - Vương quốc Anh năm 1999[9], hoặc 3 hiệp định nghề cá chung tại Đông Á giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. lần lượt vào các năm 1997, 2000 và 2001[10]. Thực tiễn của khoảng 20 vùng đánh cá chung trên thế giới[11] chưa đủ đảm bảo áp dụng các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn quy định tại Điều 74. Vùng đánh cá chung Trung-Việt trong Vịnh Bắc Bộ đã hết hiệu lực và không có biểu hiện đàm phán một vùng mới tương tự từ năm 2020[12]. Các yêu sách biển thái quá đã làm khó cho việc phân định biển hay thiết lập các vùng đánh cá chung. Chúng là nhân tố chính làm gia tăng các vấn đề IUU. Mặt khác, các tranh chấp biển cũng thúc đẩy tìm kiếm các phương pháp tiếp cận đồng quản lý và phân vùng đánh bắt cá đặc biệt.

2. Công ước về Luật biển năm 1982 và các quốc gia Đông Nam Á

UNCLOS đã được hầu hết các quốc gia Đông Nam Á phê chuẩn, ngoại trừ Campuchia. Một nửa số thành viên ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa năm 1995[13]. Tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều là thành viên của FAO và Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm năm 1995. Họ cũng ủng hộ Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và các công ước liên quan về quản lý tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học khác.

Đông Nam Á là một trong những trung tâm của cuộc khủng hoảng nghề cá thế giới do đánh bắt quá mức và các hoạt động IUU dẫn đến mất và suy thoái môi trường sống, cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển, ô nhiễm biển và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nghề cá có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Nam Á như một nguồn cung cấp protein chính, nguồn tạo việc làm[14] và xuất khẩu hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Cá cung cấp hơn 1/3 tổng lượng đạm động vật hấp thụ của người /năm trong khu vực[15]. Người lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tại Đông Nam Á ước tính chiếm 11% dân số toàn cầu[16]. Đông Nam Á có đội tàu đánh cá lớn nhất với 1.770.000 tàu cá, chiếm 55% tổng số tàu cá trên toàn thế giới[17]. Phần lớn (86%) là tàu cá quy mô nhỏ[18]. Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam nằm trong danh sách bảy nhà sản xuất thủy hải sản lớn[19]. Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan xếp hạng trong số năm nước xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về sản lượng đánh bắt, chiếm 30–34% tổng sản lượng đánh bắt tại Biển Đông mỗi năm. Đài Loan và Việt Nam (khoảng 17–21%), và Thái Lan (10–17%) đứng ngay sau[20]. Theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, khu vực này có khoảng 3.365 loài cá biển thuộc 263 họ, hầu hết là các loài cá di cư xa[21]. Mức tăng đánh bắt hàng năm là 2-4% với mức giảm nguồn lợi trong cả thập kỷ là 29%[22]. Hơn một nửa số loài cá ở Biển Đông đang được khai thác quá mức khiến trữ lượng của chúng có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng[23].        Khu vực được chú ý nhiều do quản trị nghề cá yếu kém, điều kiện kinh tế xã hội thấp và sự thay đổi hệ sinh thái mạnh. Những yếu tố này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh khu vực và tính bền vững của môi trường. Tình trạng bất ổn về an ninh và môi trường lại tác động trở lại quản lý nghề cá làm vòng tròn phụ thuộc này ngày càng thêm trầm trọng.

Mô hình quản lý nghề cá dựa trên MSY và TACkhó có thể đạt được như mong muốn. Việc phân tách các loài đánh bắt là không thực tế bởi tính đa dạng của các loài và đặc tính đa vùng của nghề cá. Các quốc gia bị thiếu ngân sách, kỹ thuật và nguồn nhân lực để thu thập dữ liệu về nghề cá quy mô nhỏ. Các đánh giá về trữ lượng quốc gia đối với việc khai thác từng loài riêng lẻ và các đàn cá di cư thường xuyên thiếu và không nhất quán[24] trong khi việc phân định vùng biển không rõ ràng.

Các khu vực quản lý nghề cá đã được xác định theo đơn vị địa lý hoặc hành chính hơn là theo loài mục tiêu. Không có số liệu thống kê khai thác đáng tin cậy kể từ cuối những năm 1980 ngoại trừ một số dữ liệu chỉ số đánh bắt[25]. Trong năm 2010, chỉ có 32% (15,8 triệu tấn) tổng sản lượng của khu vực được báo cáo[26]. Không có bất kỳ đánh giá tổng quan nào về các đàn cá cho toàn bộ Biển Đông đã được thực hiện trong thời gian gần đây. Không có công thức tiêu chuẩn hóa cấp khu vực hoặc quốc gia để ước tính giá trị và khối lượng khai thác IUU. Kiểm kê tàu cá vẫn chưa đầy đủ và cần sớm được cập nhật. Đánh giá trữ lượng cá trong khu vực của FAO dựa trên ước tính, ý kiến ​​chuyên gia và tính toán mô hình MSY của nhiều loài thủy sản chứ không phải từ dữ liệu quốc gia chính thức và đầy đủ. Đây là những  hạn chế lớn đối với việc quản lý đánh bắt hiệu quả và sự hợp tác của các quốc gia ven biển trong vùng biển nửa kín theo điều 123 của UNCLOS.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do sự yếu kém của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong khu vực. Phần lớn các nước mới thành lập lực lượng Cảnh sát biển bằng cách hợp nhất các chức năng của các cơ quan hành chính riêng biệt để đấu tranh chống tội phạm trên biển, bao gồm cả các hoạt động đánh bắt quá mức và IUU. Tuy nhiên, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trên biển chưa đạt yêu cầu do lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư hoạt động trên vùng biển rộng còn ít. Việc tăng cường các biện pháp quản lý đánh bắt ở các khu vực gần bờ đã làm tăng số lượng và quy mô tàu đánh bắt xa bờ. Lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã được sử dụng để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền đơn phương của quốc gia trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông nhiều hơn là hợp tác chống đánh bắt quá mức và các hoạt động IUU[27].

Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực chỉ có vai trò khuyến nghị và hỗ trợ kỹ thuật hơn là quản lý. Nhiệm vụ của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) là “phát triển và quản lý tiềm năng nghề cá của khu vực… thông qua chuyển giao công nghệ mới, các hoạt động nghiên cứu và phổ biến thông tin”. Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương tập trung vào việc xem xét các nguồn lợi thủy sản và các ngành công nghiệp nghề cá cũng như vào các hoạt động đào tạo và mở rộng của nghề cá. Một trong những thành công của tổ chức này là việc đưa nội dung Bộ Quy tắc ứng xử khu vực về nghề cá có trách nhiệm (RCCRF) vào các chính sách và luật thủy sản quốc gia. Khung khu vực về thống kê nghề cá của Đông Nam Á được phát triển để làm hướng dẫn cơ bản về thu thập số liệu thống kê nghề cá của từng nước. Ủy ban nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) là một tổ chức quản lý các đàn cá di cư xa trong khu vực nhưng khu vực bảo tồn của nó không bao gồm Đông Nam Á[28]. Kế hoạch Hành động Khu vực nhằm thúc đẩy các hoạt động đánh bắt có trách nhiệm bao gồm chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong khu vực (RPOA-IUU) và Trung tâm InfoFish và WorldFish cung cấp hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật. Trên thực tế, không có RFMO hay hiệp định đa phương nào để điều chỉnh các vấn đề nghề cá ở Biển Đông. Các cơ chế khu vực có chức năng hạn chế về quản lý và kiểm soát hạn ngạch thủy sản, xác định MSY, TAC và tiếp cận các số dư của tổng khối lượng có thể đánh bắt. Đông Nam Á có khoảng một chục hiệp định nghề cá song phương. Các hiệp định Trung Quốc-Philippines, Trung Quốc-Việt Nam và Indonesia-Brunei đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác nghề cá thông qua các Ủy ban nghề cá hỗn hợp. Song, chỉ có Ủy ban hợp tác nghề cá Trung - Việt ở Vịnh Bắc Bộ hoạt động hiệu quả nhưng hiệp định này đã bị chấm dứt vào năm 2020 sau 16 năm tồn tại. Indonesia đã đồng ý cho phép ngư dân Thái Lan tiếp cận một phần tổng sản lượng đánh bắt được phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Indonesia và Việt Nam có Thông cáo chung về chống IUU và hợp tác bảo vệ vùng biển. Hầu hết các thỏa thuận song phương đều tập trung vào việc trao đổi dữ liệu và thông tin về các luật và quy định liên quan, các phương pháp và thủ tục thực thi pháp luật.

Một trong những biện pháp hữu hiệu để khắc phục khủng hoảng nghề cá là áp dụng “thẻ đỏ” – cho các loại cá bị đánh bắt trái phép không được nhập khẩu  vào thị trường EU. Các biện pháp trừng phạt “thẻ vàng” đã được áp dụng đối với Thái Lan, Việt Nam và Philippines và “thẻ đỏ” đối với Campuchia liên quan đến đánh bắt IUU. Các nước ASEAN đã nỗ lực nhất quán và mạnh mẽ để hợp tác với EU trong cuộc chiến chống khai thác IUU thông qua truyền thông, luật pháp và các biện pháp kỹ thuật và các khuyến nghị. Khai thác IUU không thể được giải quyết một cách đơn phương. Quá trình hạn chế và xóa bỏ khai thác IUU là một nội dung trong chương trình nghị sự tại các Hội nghị cấp cao ASEAN. Một số Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU đã được thành lập.

Đông Nam Á có 12 vùng đặc quyền kinh tế chưa được phân định rõ ràng. Ngoại trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều xác định vùng biển của mình dựa trên UNCLOS. Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông và các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của họ trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác được xác định theo UNCLOS đã buộc ngư dân từ các nước ASEAN phải đi ra ngoài các khu vực đánh cá được UNCLOS quy định cho họ. Các tranh chấp ở Biển Đông đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nghề cá.

3. Giải pháp khắc phục khủng hoảng nghề cá khu vực

Khủng hoảng nghề cá đã lên đến đỉnh điểm và phải được ngăn chặn bằng sự hợp tác ở cấp độ toàn cầu và khu vực. UNCLOS đã đặt ra nghĩa vụ hợp tác để phát triển nghề cá bền vững nhưng các quy định và thực thi sẽ được “theo thỏa thuận”. Vượt qua cuộc khủng hoảng nghề cá phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm và chính sách của từng quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác lập pháp và các cơ quan thực thi nghề cá. Mô hình quản lý nghề cá độc quyền của Nhà nước là không đủ nếu không có sự tham gia tích cực hơn của các tổ chức quốc tế trong kiểm soát, kiểm tra và giám sát (MCS) việc phân bổ các tài nguyên cá. Giống như các khu vực khác, Đông Nam Á cần có một một RFMO thống nhất với mức độ đáng tin cậy cao cho các quốc gia liên quan[29].

Một trong những ưu tiên là cần nâng cao năng lực và chất lượng của các báo cáo đánh bắt. Trong mười năm nữa, FAO và RFMO, với sự hỗ trợ tích cực của các quốc gia phải vạch ra chiến lược đánh bắt có trách nhiệm cho từng vùng biển dựa trên dữ liệu đáng tin cậy và hạn ngạch cho phép;tiến hành điều tra đánh bắt tổng thể để làm rõ tỷ lệ sản lượng đánh bắt của các đội tàu ven bờ và xa bờ; thực hiệnchế độ báo cáo thống nhất và toàn diện cho tất cả các tàu; các nước trong khu vực cam kết giảm quy mô nghề cá nhỏ và trang bị GPS và giám sát vệ tinh cho tất cả các loại tàu thuyền; thành lập các khu bảo tồn biển ở cấp quốc gia và khu vực để bảo tồn môi trường bền vững đối với các nghề cá khác nhau. Để triển khai các công việc này,các quốc gia cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật rất lớn từ FAO và các tổ chức quốc tế khác.

Hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật ở các quốc gia khác nhau cần được tăng cường thông qua việc sử dụng các kênh khác nhau, chẳng hạn như tiếp xúc song phương hoặc đa phương, chỉ định các nhân viên liên lạc chính sách nghề cá ở nước ngoài, hợp tác phòng ngừa các vi phạm nghề cá, hợp tác chia sẻ thông tin, hợp tác trong quá trình điều tra hoặc hợp tác thông qua các tổ chức cảnh sát quốc tế hoặc thông qua các tổ chức khu vực như Diễn đàn Hàng hải ASEAN và Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh việc phân định vùng biển ở khu vực Đông Nam Á; thiết lập cơ chế giải quyết chung các tranh chấp trên biển;các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông cần hợp tác và tạo điều kiện cho ngư dân các nước được tự do tiếp cận nguồn cá trong phần trung tâm Biển Đông dưới sự kiểm soát, kiểm tra và giám sát của Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMO) mới được thành lập. Với vị trí và năng lực của mình, Việt Nam cần chủ động tham gia quá trình ổn định và dẫn dắt bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông./. 

 


[1] FAO (1998), The state of world fisheries and aquaculture 1998, part 2: Selected issues facing fishers and aquaculturists, https://www.fao.org/3/w9900e/w9900e03.htm.
[2] Aranda, M., Ulrich, C., Le Gallic, B., Borges, L., Metz, S., Prellezo, R., Santurtún, M. (2019) Research for PECH Committee — EU fisheries policy – latest developments and future challenges, European Parliament, Policy Department for Structural and Cohesion Policies, Brussels, p.11,22, available at http://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/document.html?reference=IPOL_STU(2019)629202
[3] Tommy KOH (2020), p.291.
[4] Scheiber H N, Carr C J, 1998, "From extended jurisdiction to privatization: international law, biology and economics in the marine fisheries debates, 1937-1976" Berkeley Journal of International Law 16 p.10-54.
[5] Nilufer Oral, Reflections on the Past, Present, and Future of IUU Fishing under International Law, International CommunityLaw Review 22 Brill (2020), p.373.
[6] “Volga” (Russia v. Australia), Prompt Release, Judgment, ITLOS Reports 2002, p. 10; Chagos Marine Protected Area Arbitration (Mauritius v. United Kingdom), Award, PCA Case No. 2011-03, 18 March 2015; South China Sea Arbitration (Philippines v. China), Award, PCA Case No. 2013-19, 12 July 2016.
[7] Prescott, C. Schofield, Maritime Political Boundaries of the World, Martinus Nijhoff, Leiden, NLD, 2004, p. 218 highlight that ‘out of 427 potential maritime boundaries, only about 168 (39%) have been formally agreed, and many of these only partially’.
A. Cannon, The impact of sovereignty and boundary disputes on commercial investments, Herbert Smith Freehills (2016) [Online]. Available, https://www.her bertsmithfreehills.com/latest-thinking/the-impact-of-sovereignty-and-boundary-di sputes-on-commercial-investments. The total of maritime boundary disputes is 640, with around half resolved . N. Newman, Maritime boundary disputes, Eniday (2018) [Online]. Available at htt ps://www.eniday.com/en/human_en/maritime-boundary-disputes/. There are 512 maritime boundaries in total, again half of them resolved.
[8] Charney, J.I. and Smith, R.W. (2002) (eds.), International Maritime Boundaries, Vol.II: (Dordrecht: Martinus Nijhoff), p.757-766.
Julio D. Chaluleu (2004), Shared Fishery Argentine-Uruguayan Common Fishing zone, https://www.fao.org/3/Y4652e/y4652e08.htm.
[9] Agreement between the Government of the Kingdom of Denmark together with the Home Government of the Faroe Islands on the one hand and the Government of the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland on the other hand relating to the Maritime Delimitation in the area between the Faroe Islands and the United Kingdom, 18 May 1999. See Charney, J.I. and Smith, R.W. (2002) (eds.), International Maritime Boundaries, Vol. IV (Dordrecht: Martinus Nijhoff), p.2955-2977.
[10] S.P. Kim, ‘The UN Convention on the Law of the Sea and New Fisheries Agreements in North East Asia’, Marine Policy, 27 (2003), p.97-109.
[11] Clive Schofield, Defining areas for joint development in disputed waters,University of Wollongong Research Online 2014, https://ro.uow.edu.au/cgi/viewcontent.cgi?article=2627&context=lhapapers.
[12] Nguyen Hong Thao, Viet Nam – China maritime delimitation, Encyclopedia of Public International Law in Asia, Editor: Seokwoo Lee, Brill dictionary on the Asian International Law 2021 p.722-73.      
[13]UN treaty Collection, https://treaties.un.org/pages/ViewDetailsIII.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXI-6&chapter=21&Temp=mtdsg3&clang=_en.
[14] FAO estimates that at least 5.4 million people of the SEA are engaged, full or part time, directly in fisheries (APFIC, 2010)
[15]Dustin Kuan-Hsiung Wang,  Fisheries management in the South China Sea, in Routledge Handbook of the South China Sea, edited by Zou Keyaun, Routledge p.2021, 244.
[16] FAO, The State of World Fisheries and Aquaculture 2018: Meeting the sustainable development goals (FAO, 2018) 30, available at http://www.fao.org/3/i9540en/I9540EN.pdf.
[17] Louise Teh et al., “Status, Trends, and the Future of Fisheries in the East and South China Seas,” (2019) 27-1 Fisheries Centre Research Reports p.13-14.
SEAFDEC (2018) Regional Initiatives/Programs and Capacity Building to Support the Implementation of General Assembly Resolution 71/257, the number of fishing vessels in the Region is almost 73% of the global fleet.
[18] Vu Hai Dang, Biodiversity and conservation in Routledge Handbook of the South China Sea, edited by Zou Keyaun, Routledge p.2021, 279.
[19] FAO 2020, p. 8, The top seven capture producers (China, Indonesia, Peru, India, the Russian Federation, the United States of America and Viet Nam) accounted for almost 50 percent of total global capture production.
[20] Louise S. L. Teh, Allison Witter, William W. L. Cheung, U. Rashid Sumaila, Xueying Yin, What is at stake? Status and threats to South China Sea marine fisheries, Ambio. 2017 Feb; 46(1), https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5226903/pdf/13280_2016_Article_819.pdf, p. 62.
[21] U. R. Sumaila & W. W. L. Cheung, Boom or Bust: The Future of Fisheries in the South China Sea, Research Project, November 2015, Oceans Asia Project, at 4.
[22] APFIC Regional overview of fisheries and aquaculture in Asia and the Pacific (2012), https://www.fao.org/3/i3185e/i3185e00.pdf, p. 3.
[23] Kim J. DeRidder and Santi Nindang, “Southeast Asia’s Fisheries Near Collapse from Overfishing,” InAsia, The
Asia Foundation, 28 March 2018, https://asiafoundation.org/2018/03/28/southeast-asias-fisheries-near-collapseoverfishing/.
[24] Pauly, D., and D. Zeller. (2016). Catch reconstructions reveal that global marine fisheries catches are higher than reported and declining. Nature Communications 7: 10244. doi:10.1038/ncomms10244. A common problem of national fisheries statistics, including those of SCS countries, is that they generally do not record the catches from all fishing sectors.
[25]Qiu, Y.S., Lin, Z.J., & Wang, Y.Z., 2010. Responses of fish production to fishing and climate variability in the northern South China Sea. Progress in Oceanography 85: 197–212.
[26] APFIC 2012, p. 3.
[27]Yang Fang,Coast guard competition could cause conflict in the South China Sea, ANU College of Asia & Pacific, 29 October 2018, http://asiapacific.anu.edu.au/news-events/all-stories/coast-guard-competitioncould-cause-conflict-south-china-sea. Lyle Morris, “The Era of Coast Guards in the Asia-Pacific is upon US”, Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI),8 March 2017,https://amti.csis.org/era-coastguards-asia-pacific-upon-us/.
[28] Article 3 of the WCPFC Convention available at https://www.wcpfc.int/doc/convention- conservation-and-management-highly-migratory-fish-stocks-western-and-central-pacific.
[29] Vietnam National sreering committee on IUU fishing was established on 21 May 2019, https://vietnamnews.vn/society/520318/national-steering-committee-on-iuu-fishing-prevention-set-up.html.
Thailand National Committee on Promoting the IUU-Free was established on on 3 April 2018, https://www.mfa.go.th/en/content/5d5bd1b015e39c3060025ed5?page=5d5bd3da15e39c306002aaf9&menu=5d5bd3da15e39c306002aafa. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (453), tháng 03/2022.)


Ý kiến bạn đọc