Xung đột quyền do chồng lấn bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung Quốc - khuyến nghị cho Việt Nam

14/06/2022

LÊ THỊ ANH XUÂN

Nghiên cứu sinh Khóa 22, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Chồng lấn trong bảo hộ bản quyền/quyền tác giả và nhãn hiệu diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam; đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp và khó lường. Việc nghiên cứu cách thức giải quyết các xung đột quyền do chồng lấn gây ra trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung Quốc sẽ mang đến gợi mở cho Việt Nam về một cách thức tiếp cận và giải pháp bảo hộ tối ưu quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung cũng như quyền tác giả và nhãn hiệu nói riêng trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Chồng lấn trong bảo hộ bản quyền, quyền tác giả, nhãn hiệu.
Abstract: Overlapping in copyright and trademark protection has become in a common manner in countries in the world, including China and Vietnam, which has been generating a number of complicated and unpredictable consequences. The study of how to resolve the conflict of rights caused by overlapping in copyright and trademark protection in China is to provide suggestions for Vietnam an optimal approach and recommendations to protect intellectual property rights (IP) in general as well as copyright and trademark rights in particular in the current circumtance.
Keyword: Overlapping; copyright; trademark; conflict of rights.
       NHÃN-HIỆU1.jpg    
Ở Trung Quốc, chồng lấn trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu chủ yếu đến từ tính mở trong quy định về các yếu tố cấu thành nhãn hiệu trong Luật Nhãn hiệu[1]. Sự mở rộng này đã ít nhiều dẫn tới sự tương đồng về chất liệu tạo nên biểu tượng có thể đồng thời được bảo hộ ở cả hai cơ chế quyền nên chồng lấn trong bảo hộ giữa bản quyền và nhãn hiệu là không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay.
1.   Chồng lấn trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung quốc
            Thực tiễn pháp lý ở Trung Quốc cho thấy, phần lớn các chồng lấn trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu là các cặp chồng lấn giữa tác phẩm hội họa và nhãn hiệu tượng hình; tác phẩm thư pháp và nhãn hiệu chữ; tác phẩm nghệ thuật ứng dụng và nhãn hiệu; và cả những tranh chấp giữa bản quyền và nhãn hiệu đối với hình tượng nhân vật[2]. Luật Nhãn hiệu năm 2013 của Trung Quốc (Luật Nhãn hiệu) quy định: Không người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nào có thể xâm phạm các quyền trước đây hiện có của người khác[3]. Vì vậy, về nguyên tắc, đăng ký tác phẩm đã được bảo hộ bản quyền của người khác như nhãn hiệu mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền sẽ bị coi là vi phạm quyền có trước của người khác, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ bị từ chối hoặc nhãn hiệu đang tranh chấp có thể bị hủy bỏ. Giống như các quốc gia khác, đăng ký bảo hộ bản quyền là không bắt buộc theo pháp luật bảo hộ bản quyền. Tuy nhiên, Cục Bản quyền tác giả Trung Quốc khuyến nghị đăng ký nhằm tránh rắc rối pháp lý về sau. Việc xử lý các tình huống chồng lấn trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung Quốc chủ yếu dựa trên cách thức tiếp cận theo hướng xử lý xung đột quyền giữa các chủ thể khác nhau. Và bất kỳ ai cũng có thể gửi đơn lên Văn phòng nhãn hiệu Trung Quốc - China Trademark Office (CTMO) để phản đối một đơn đăng ký nhãn hiệu với lý do nhãn hiệu đăng ký xung đột với bản quyền trước đây hiện có của người khác trong thời hạn ba tháng sau khi công bố kết quả kiểm tra sơ bộ; trường hợp không hài lòng với quyết định của CTMO, người làm đơn có thể đăng ký để được thực hiện quy trình đánh giá tại Trademark Review and Adjudication Board (TRAB)[4]. Điều 31 Luật Nhãn hiệu quy định ba căn cứ để phản đối nhãn hiệu sau đây:
(i) Nhãn hiệu bị phản đối phải giống hoặc tương tự với tác phẩm được bảo hộ bản quyền trước đây hiện có của người khác;
(ii) Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó đã hoặc có thể đã truy cập vào tác phẩm đang được bảo hộ bản quyền đó;
(iii) Không được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền đó.
Ví dụ, trường hợp giải quyết xung đột với quyền trước đó theo hồ sơ xem xét đánh giá nhãn hiệu tại TRAB Ruling số 2008-11505. Theo đó, nguyên đơn và bị đơn cùng đăng ký nhãn hiệu, nguyên đơn đồng thời xuất trình giấy chứng nhận bản quyền trước đó tại Hoa Kỳ với nhân vật Popeye; bị đơn đăng ký nhãn hiệu với nghĩa bóng được đánh giá là tương tự và cùng thuộc nhóm ngành hàng số 25 trong bảng phân loại hàng hóa. Quá trình xem xét cho thấy, nhãn hiệu của nguyên đơn được đăng ký trước nên bị đơn hoàn toàn có khả năng truy cập và tiếp cận thông tin. Do đó, việc đăng ký nhãn hiệu của bị đơn được đánh giá là hành vi xâm phạm dựa trên bản quyền hiện có trước đây của người khác, vì thế sẽ bị hủy bỏ[5].
Untitled.LTAXUAN.png
            Trường hợp, khi người nộp đơn hoặc người đăng ký nhãn hiệu được đề cập có thể chứng minh rằng nhãn hiệu nêu trên đạt được hoàn toàn thông qua việc sáng tạo độc lập hoặc khi có bằng chứng về việc được chủ sở hữu bản quyền có trước thể hiện ý chí rõ ràng về sự cho phép sử dụng tác phẩm có bản quyền với tư cách là nhãn hiệu thì không cấu thành sự vi phạm “quyền trước đây hiện có của người khác”. Nếu thỏa thuận không đủ rõ ràng việc sáng tác và nhận thù lao thì rất có thể, bản quyền của sáng tạo đó sẽ thuộc về người trực tiếp sáng tác ra biểu tượng đăng ký làm nhãn hiệu đó, ví dụ: nhân viên công ty, người ủy thác được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sáng tạo[6].  
Trường hợp khá điển hình khác liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu dạng 2 chiều khi sao chép trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật của người khác như tác phẩm điêu khắc, hội họa, tác phẩm thư pháp… được đặt ở nơi công cộng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả cũng bị coi là vi phạm[7]. Ngay cả khi nhãn hiệu tranh chấp chỉ là bản ảnh sao chép tác phẩm có bản quyền (kể cả là việc sử dụng hình ảnh sao chép đăng ký làm nhãn hiệu thực tế không làm ảnh hưởng tới việc khai thác và sử dụng tác phẩm đó) cũng bị coi là xâm phạm[8]. Việc sao chép bằng cách chụp hoặc quay video và được sử dụng theo cách thức và phạm vi hợp lý thì không không cấu thành vi phạm này; sao chép bộ phận cho những sáng tạo tiếp theo của nhãn hiệu thì cũng không cấu thành vi phạm này.
            Thực tiễn pháp lý ở Trung Quốc cho thấy, giữa các nhãn hiệu tương tự nhau cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp với bản quyền có trước. Ví dụ, trong một phán quyết của TRAB về vụ tranh chấp nhãn hình có hình đầu ông già theo hồ sơ No.1107482TRAB[9], TRAB cho rằng: Nhãn hiệu bị tranh chấp có chứa chân dung đầu của ông già gần giống với nhãn hiệu được trích dẫn về thành phần và phong cách sáng tạo, bị đơn đã không có được sự đồng ý của nguyên đơn nên hành vi sao chép đó đã cấu thành hành vi xâm phạm; sự giống nhau đáng kể không chỉ là khi hai biểu tượng được đánh giá tương tự về tổng thể mà còn bao gồm cả trường hợp mà biểu tượng sau có chứa phần cơ bản tương tự như biểu tượng trước. Do đó, phần giống nhau ở chi tiết đầu ông già trong hai biểu tượng được đăng ký nhãn hiệu này được xác định về cơ bản tương tự như biểu tượng được sáng tạo trong nhãn hiệu của nguyên đơn theo tiêu chí mỹ thuật ứng dụng.
Untitled.LTAXUAN_1.png
            Ở trường hợp khác, trong phán quyết về vụ tranh chấp hình tượng nhân vật “Người Dơi”, TRAB nhận định rằng, sự xuất hiện nhân vật “Người Dơi” ở những hình dạng khác nhau nên khó có thể có liên kết giữa hình ảnh con Dơi đen với nhân vật “Người Dơi” được bảo hộ bản quyền; vì vậy, hình ảnh con Dơi đen trong nhãn hiệu bị phản đối không cấu thành vi phạm bản quyền có trước của nhân vật người dơi “BATMAN” hình[10].
Untitled.LTAXUAN_2.png
            Cũng liên quan đến bảo hộ hình tượng nhân vật, về lý thuyết, theo pháp luật Trung Quốc, khi các ký tự hình thành các yếu tố quan trọng của một tác phẩm, nó hội tụ đủ tính sáng tạo và mang dấu ấn cá nhân của tác giả thì về nguyên tắc, nó sẽ được bảo hộ bản quyền. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, tên của những nhân vật hư cấu luôn khó được công nhận là một tác phẩm có bản quyền[11]. Bởi lẽ, không có tiêu chí cụ thể để đo lường mức độ sáng tạo đạt đến ngưỡng đủ để được bảo hộ bản quyền đối với tên nhân vật. Vì vậy, ở Trung Quốc, chủ sở hữu các nhân vật hư cấu thường có xu hướng tìm kiếm sự bảo vệ tên nhân vật hư cấu dưới dạng nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Điều 13 và Điều 31 Luật Nhãn hiệu khi nó gắn với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Điều này cho thấy, các quy định của Luật Nhãn hiệu về bảo hộ hình tượng nhân vật chưa đủ để bảo vệ tên nhân vật. Bởi vậy, muốn bảo vệ trọn vẹn được thành quả sáng tạo của mình, chủ sở hữu hình tượng nhân vật phải tìm kiếm sự bảo hộ tổng hợp bằng cả pháp luật về bản quyền, nhãn hiệu và chống cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, khó khăn mà chủ sở hữu các hình tượng nhân vật thường gặp phải là, hình tượng và tên nhân vật có thể được biết đến rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ nước khác nhưng không dễ tìm được minh chứng cho việc tên nhân vật được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc và cũng không dễ tìm được minh chứng cho việc tên nhân vật được gắn với loại hàng hóa, dịch vụ nhất định đủ nhiều và mang tính phân biệt đạt đến ngưỡng được chấp nhận bảo hộ trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu tranh chấp với nó như trường hợp nhãn hiệu chữ tượng hình số[12].
            Tương tự, tên tác phẩm và slogan (biểu ngữ) cũng gặp khó khăn trong bảo hộ bản quyền như đối với tên nhân vật. Về lý thuyết, tên nhân vật, tên tác phẩm hay slogan có tính sáng tạo & độc đáo thì đều có thể được bảo hộ bản quyền. Tuy nhiên, việc đo lường mức độ độc đáo hay nét riêng thì khó khả thi trên thực tế bởi tiêu đề của tác phẩm khó có bản quyền độc lập với tác phẩm. Thêm vào đó, ngôn ngữ tiếng Trung là hệ thống chữ tượng hình, thường được tạo nên bởi các bộ ký tự nên nếu cho phép bảo hộ các từ thông dụng thì có thể sẽ làm hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nếu tiêu đề của tác phẩm tạo ra ý nghĩa phụ tạo kết nối vốn có giữa tác phẩm và tác giả thì có khả năng được bảo hộ bản quyền. Mặc dù vậy, thực tiễn xét xử trong các tranh chấp với nhãn hiệu ở Trung Quốc cho thấy, hiếm có tiêu đề tác phẩm được thừa nhận là có bản quyền trước độc lập[13]. Bởi vậy, việc bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, tên tác phẩm được bảo hộ với các điều kiện sau: (i) nhãn hiệu có mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ nhất là phần mềm, xuất bản điện tử, sách, ấn phẩm in; sách, ấn phẩm, tạp chí in hoặc điện tử; dịch vụ cung cấp các ấn phẩm…[14]; (ii) nhãn hiệu gây hiểu lầm cho công chúng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội[15] khi đặt tên sách, tên của các trò chơi nổi tiếng, tên phim, tên chương trình, bài hát, âm nhạc nổi tiếng… chỉ định các hàng hóa dịch vụ liên quan dẫn đến sự hiểu sai về nguồn gốc xuất xứ?; (iii) tên các tác phẩm kinh điển đã hết hạn bảo hộ bản quyền có thể được đăng ký làm nhãn hiệu bởi bên thứ ba nếu nó không gây ra hệ quả tiêu cực cho xã hội[16].
            Đối với slogan, nếu một slogan được thiết kế với nội dung mang thông tin hàng hóa dịch vụ chính xác, duy nhất, ngắn gọn, súc tích, có nội hàm phong phú và sức hấp dẫn nghệ thuật mạnh mẽ, là thành tựu của những nỗ lực trí tuệ, tương ứng với các yêu cầu về sự sáng tạo,và sẽ được công nhận là một tác phẩm có bản quyền.
Trường hợp slogan trở thành nhãn hiệu nổi tiếng nếu chỉ ra nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ thì nó có thể được bảo hộ theo luật cạnh tranh. Trường hợp muốn đăng ký slogan làm nhãn hiệu thì kể cả là khi nó mang tính phân biệt gắn với một loại hàng hóa, dịch vụ và được sử dụng trong thời gian dài nhưng theo cách hiểu của công chúng nó vẫn chỉ là câu cửa miệng chứ không phải nhãn hiệu thì nó vẫn không được thừa nhận là một nhãn hiệu[17].
2. Nguyên tắc giải quyết xung đột quyền khi chồng lấn trong bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung Quốc
Từ thực tiễn bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu ở Trung Quốc nêu trên cho thấy, khi giải quyết xung đột giữa bản quyền và nhãn hiệu do chồng lấn, nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền đầu tiên, nhưng đó không phải là nguyên tắc duy nhất mà còn phải để ý đến nguyên tắc công bằng và nguyên tắc cân bằng lợi ích[18]. Trường hợp nếu nhãn hiệu đăng ký sau có sự đầu tư chi phí, lao động và quảng cáo … với mục đích sử dụng lâu dài trong kinh doanh của chủ thể quyền mà pháp luật Trung Quốc ưu tiên bảo hộ bản quyền có trước một cách cứng nhắc thì có thể đi ngược lại nguyên tắc công bằng và nguyên tắc cân bằng lợi ích. Vì thế, thực tiễn xét xử ở Trung Quốc cho thấy khi giải quyết xung đột giữa bản quyền và nhãn hiệu trong trường hợp này, các Tòa án không chỉ quan tâm bảo vệ bản quyền có trước mà quan tâm cả tới thực tế sử dụng nhãn hiệu của chủ thể đó, quan tâm việc nhãn hiệu có đạt được sự công nhận của công chúng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ nhất định hay không để ra phán quyết[19]. Thậm chí, các bên có thể thỏa thuận trên cơ sở giàn xếp của TRAB[20] giúp cho đôi bên cùng có lợi và tài sản trí tuệ được sử dụng một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí nguồn lực, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi phải hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
            Một trong các yếu tố được cân nhắc khi giải quyết xung đột giữa bản quyền và nhãn hiệu cũng được các nhà hoạt động thực tiễn ở Trung Quốc xét tới, đó là mục đích lập pháp khi xây dựng pháp luật về bản quyền và nhãn hiệu. Giá trị của bản quyền dựa trên chính tác phẩm, sự thể hiện ý tưởng sáng tạo ra bên ngoài của tác phẩm; trong khi giá trị của nhãn hiệu không nằm ở bản thân biểu tượng mà là sự tích lũy danh tiếng của doanh nghiệp bằng cách sử dụng lâu dài biểu tượng đó để phân biệt sản phẩm, dịch vụ mang giá trị, chất lượng cụ thể[21]; theo đó, biểu tượng được đăng ký làm nhãn hiệu chỉ là một trong các yếu tố làm nên danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu mà thôi.
            Thực tiễn cho thấy, không có giải pháp nào tốt nhất để giải quyết xung đột giữa bản quyền và nhãn hiệu liên quan tới bản quyền có trước cho mọi trường hợp mà phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Và việc phân định được các nhà hoạt động thực tiễn Trung Quốc xem xét dựa trên các tiêu chí: (i) sự bảo hộ quyền thực tế và kịp thời; (ii) coi trọng nghĩa vụ chứng minh; (iii) cân nhắc đến rủi ro và thiệt hại kinh tế và khuyến nghị thỏa hiệp (nếu cần)[22]. Việc áp dụng hài hòa các nguyên tắc pháp luật và xem xét đầy đủ quyền và lợi ích của các bên giúp bảo vệ các quyền SHTT một cách đúng mực, tránh trường hợp lạm dụng thủ tục phản đối đơn trên cơ sở bản quyền có trước hoặc bảo vệ quá mức cho bản quyền không chỉ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế với khuôn khổ bảo hộ bản quyền theo Công ước Berne. 
3. Những gợi mở cho Việt Nam
            Hiện tại, mặc dù pháp luật SHTT Việt Nam cũng đã ghi nhận nguyên tắc bảo hộ quyền SHTT được xác lập trước tại Điều 17.1 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP[23]: “Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước”. Nhưng phạm vi điều chỉnh của điều luật này mới chỉ nhằm giải quyết xung đột giữa các quyền SHCN với nhau[24] mà chưa áp dụng cho tất cả các quyền SHTT trong đó có xung đột giữa quyền tác giả và nhãn hiệu. Bởi vậy, sẽ là khó khăn, lúng túng cho các nhà hoạt động tư pháp khi giải quyết tình huống xung đột loại này. Thực tiễn cho thấy, việc bảo vệ quyền có trước của các chủ thể quyền ở Việt Nam mới đang được bảo hộ chủ yếu dựa trên cơ sở Luật cạnh tranh[25] chứ chưa theo nguyên tắc được ghi nhận một cách rõ ràng, chính thức nào trong Luật SHTT để giải quyết xung đột loại này. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật SHTT, nhất thiết phải luật hóa quy định tại Điều 17 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP vào Luật SHTT hiện hành nhằm hình thành nguyên tắc giải quyết xung đột giữa các quyền SHTT nói chung và xung đột giữa quyền tác giả và nhãn hiệu như đã nêu ở trên. Đặc biệt, cần có những hướng dẫn tương đối cụ thể về các tiêu chí và nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả có trước giúp bảo hộ hiệu quả các quyền SHTT và đồng thời tránh được sự lạm dụng bảo hộ quyền trước làm cản trở hoạt động kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp./.
           

 


[1] Article 8, 9 Trademark Law of the People's Republic of China; https://wipolex.wipo.int/en/text/579989, truy cập ngày 25/12/2021.
[2] Duan Xiao Mei, Conflict between Trademark Right and Prior Copyright -Case and Academic Research on Solutions to this Conflict in the Chinese and Japanese Legal Systems, https://www.wipo.int/export/sites/www/about-wipo/en/offices/japan/research/pdf/china_2010.pdf, 25/12/2021.
[3] Article 9, 31, 32 Trademark Law of the People's Republic of China.
[4] Article 31, 35 Trademark Law of the People's Republic of China.
[5] Duan Xiao Mei, TLđd, tr.30.
[6] Article 16, 17 Copyright law of the People's Republic of China, https://www.chinalawtranslate.com/en/Copyright-Law-of-the-PRC-(2021-Version), truy cập ngày 25/12/2021.
[7] Article 11, 24 Copyright law of the People's Republic of China.
[8] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 48,49.
[9] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 56.
[10] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 57.
[11] Duan Xiao Mei, TLđd tr. 64;
[12] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 66,67;
[13] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 68.
[14] Article 11, Trademark law of PRC.
[15] Article 10, Trademark law of PRC.
[16] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 68,69.
[17] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 69,70.
[18] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 72.
[19] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 73.
[20] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 73,74; Article 8 Rules for Trademark Review and Adjudication of RPC, https://wipolex-res.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/cn/cn046en.pdf, truy cập ngày 26/12/2021.
[21] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 72,75.
[22] Duan Xiao Mei, TLđd, tr. 77.
[23] Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Nghi-dinh-103-2006-ND-CP-huong-dan-Luat-So-huu-tri-tue-ve-so-huu-cong-nghiep-14288.aspx, truy cập ngày 26/12/2021.
[24] Điều 1 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP.
[25] Quyết định về xử lý vụ việc cạnh tranh số 169/QĐ-CT ngày 26/12/2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương.

Ý kiến bạn đọc