Pháp luật về giao dịch nội gián của Trung Quốc và những gợi mở cho Việt Nam

22/04/2022

TS. BÙI HỮU TOÀN

Học viện Ngân hàng.

Tóm tắt: Vấn đề nhận diện và xử lý các giao dịch nội gián chưa bao giờ là dễ dàng kể cả với các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển bởi đây là một vi phạm pháp luật phức tạp, khó chứng minh. Thực tiễn ở Trung Quốc cho thấy, chỉ khi xây dựng được khung khổ pháp luật đầy đủ, chặt chẽ mới giúp cơ quan quản lý nhà nước có đủ căn cứ để phát hiện, xử lý và ngăn chặn các giao dịch nội gián. Đối với Việt Nam - một thị trường chứng khoán còn non trẻ thì việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật các nước cũng như các thông lệ chung của thế giới về giao dịch nội gián để góp phần xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật quốc gia về vấn đề này nhằm bảo đảm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định và bền vững là cần thiết.
Từ khóa: Giao dịch nội gián, thị trường chứng khoán, Trung Quốc.
Abstract: It is not easy to identify and deal with the insider trading, even for countries with developed securities markets because this is a complicated legal violation, which is hard to be made clear. Practices in China have proven that once a comprehensive legal framework is developed, the state management agencies may have solid grounds and evidences to identify, deal with and prevent the insider trading. For Vietnam - a premature securities market, it is necessary to review the legal experience of other countries as well as the world's common practices on insider trading for the development and improvement of legal regulations on this mater to ensure stable and sustainable development of Vietnam's securities market.
Keywords: Insider trading; securities market; China
 GIAO-DỊCH-NỘI-GIÁN_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trên thế giới, vấn đề giao dịch nội gián thường được quan tâm và xử lý khá nghiêm khắc, bởi đây là hành vi dẫn đến sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tính công bằng và toàn vẹn của thị trường, từ đó dẫn đến hậu quả họ rời bỏ thị trường chứng khoán. Về bản chất, việc sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hay còn gọi là giao dịch nội gián được hiểu là hành vi sử dụng các thông tin quan trọng chưa được công khai của doanh nghiệp để tiến hành giao dịch mua bán chứng khoán. Đây là hành vi thường được thực hiện bởi người quản lý, điều hành của doanh nghiệp – những người có khả năng tiếp cận sớm nhất với những thông tin quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giá chứng khoán của công ty. Trường hợp họ lợi dụng thông tin nội bộ để trực tiếp mua bán chứng khoán hoặc cung cấp thông tin cho người khác mua bán chứng khoán trước khi thị trường biết tin sẽ thu được những lợi ích rất lớn trong khi đó các nhà đầu tư khác – những người không được biết thông tin sẽ bị thiệt hại nặng nề. Một trong những vụ giao dịch nội gián nổi tiếng trên thế giới phải kể đến vụ giao dịch nội gián của tỷ phú Raj Rajaratnam, Chủ tịch Quỹ đầu cơ Galleon. Raj Rajaratnam bị cáo buộc đã thông qua một mạng lưới các giám đốc điều hành tại Intel, McKinsey, IBM và Goldman Sachs để thu thập những thông tin quan trọng không công khai và tiến hành mua bán chứng khoán. Theo ước tính Raj Rajaratnam đã thu lợi bất chính khoảng 60 triệu đô la từ thông tin nội bộ. Năm 2011, Raj Rajaratnam đã bị kết án 11 năm tù và nộp phạt nộp 92,8 triệu USD vì giao dịch nội gián[1].
Trên thực tế, việc phát hiện và chứng minh có giao dịch nội gián xuất hiện hay không là không hề dễ dàng. Hành vi mua hoặc bán chứng khoán về cơ bản là hoạt động hoàn toàn hợp pháp, để chứng minh được người giao dịch có sử dụng các thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hay không là rất khó khăn. Thông thường, việc điều tra vụ việc giao dịch nội gián tập trung vào việc xem xét và tìm hiểu thông qua các sự việc như các cuộc họp, các cuộc điện thoại, mối quan hệ giữa các cá nhân – tổ chức, các mô hình giao dịch và hoàn cảnh xung quanh, từ đó đưa ra các kết luận khẳng định một chủ thể có sử dụng thông tin nội bộ để mua hoặc bán chứng khoán hay không[2]. Do tính chất nghiêm trọng, khó phát hiện và xử lý của các giao dịch nội gián nên hầu hết các quốc gia (đặc biệt là các nước có thị trường chứng khoán phát triển) đều xây dựng hệ thống các quy định của pháp luật cụ thể và chặt chẽ để điều chỉnh vấn đề này.
1. Pháp luật điều chỉnh về giao dịch nội gián ở Trung Quốc
Quy định về giao dịch nội gián ở Trung Quốc chủ yếu được ghi nhận trong Luật Chứng khoán năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và năm 2019 (Luật Chứng khoản năm 1998). Phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoản năm 1998 liên quan đến các vấn đề như: định nghĩa về người nội bộ, phạm vi thông tin nội bộ và các hoạt động bị cấm. Năm 2007, Uỷ ban chứng khoản Trung Quốc (CSRC- China Securities Regulatory Commission) đã ban hành một tài liệu nội bộ - Hướng dẫn CSRC 2007 về giao dịch nội gián (Hướng dẫn CSRC 2007),  hướng dẫn thi hành pháp luật về giao dịch nội gián[3]. Năm 2012, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành Thông tư liên tịch Giải thích tư pháp về Luật Giao dịch nội gián trong các vụ án hình sự[4]. Ngoài ra, năm 2001, 2002 và 2003, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc còn ban hành thông tư hướng dẫn về khởi kiện dân sự đối với chứng khoán, trong đó có nội dung liên quan đến việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong giao dịch nội gián[5].
1.1. Quy định về “thông tin nội bộ”:
Khái niệm “thông tin nội bộ” được đề cập trong quy định tại Điều 52 Luật chứng khoán năm 1998. Theo đó, “thông tin nội bộ là thông tin không công khai liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc điều kiện tài chính của tổ chức phát hành hoặc có thể có ảnh hưởng lớn đến giá thị trường của chứng khoán của tổ chức phát hành trong các giao dịch chứng khoán”. Đây là quy định mang tính chung về “thông tin nội bộ”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở định nghĩa chung mà không quy định cụ thể trường hợp nào là “thông tin nội bộ” sẽ gây ra khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế. Do đó, Điều 80 và Điều 81 Luật Chứng khoán năm 1998 đã đưa ra một số sự kiện trọng yếu cụ thể được coi là “thông tin nội bộ” như sau: những thay đổi lớn về nguyên tắc hoạt động và phạm vi kinh doanh của công ty; các khoản đầu tư, hợp đồng quan trọng; các khoản khoản nợ lớn, thâm hụt lớn hoặc thua lỗ lớn; các thay đổi nhân sự quản lý quan trọng của công ty, thay đổi về cổ đông hoặc cổ phần của người kiểm soát công ty; các vụ kiện tụng tại tòa án hoặc trọng tài lớn liên quan đến công ty; các trường hợp công ty bị nghi ngờ phạm tội và đang bị điều tra theo pháp luật, hoặc trường hợp cổ đông kiểm soát, kiểm soát viên thực sự hoặc giám đốc, kiểm soát viên hoặc thành viên quản lý cấp cao của công ty bị nghi ngờ phạm tội bị áp dụng các biện pháp bắt buộc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng có một loại thông tin nội bộ mở, được gọi là “thông tin khác” và được xác định bởi CSRC trong các văn bản pháp luật riêng[6].
1.2. Định nghĩa “người nội bộ” và các trường hợp bị coi là giao dịch nội gián
Điều 51 Luật Chứng khoán năm 1998 không đưa ra định nghĩa cụ thể về “người nội bộ”, mà chia “người nội bộ” được được chia thành các nhóm sau:
- Nhóm thứ nhất gồm: “(1) Tổ chức phát hành, giám đốc, người giám sát và thành viên của ban quản lý cấp cao; (2) Cổ đông nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên của công ty, Giám đốc, Kiểm soát viên, thành viên Ban quản lý cấp cao của công ty, Kiểm soát viên thực tế của công ty cũng như Giám đốc, Kiểm soát viên và thành viên Ban quản lý cấp cao của công ty; (3) công ty con của một tổ chức phát hành cũng như các giám đốc, người kiểm soát và thành viên quản lý cấp cao của công ty; (4) Nhân viên của công ty[7]. Đây là nhóm người nội bộ phổ biến nhất được coi là nhóm người nội bộ chính[8].
- Nhóm thứ hai là những người ngoài công ty nhưng có mối quan hệ với công ty thông qua các hợp đồng: “(4) Một người, nhờ vị trí của mình trong công ty hoặc công việc kinh doanh của anh ta với một công ty, có thể truy cập vào thông tin nội bộ của công ty; (5) Bên mua lại công ty niêm yết và cổ đông kiểm soát, kiểm soát viên thực tế, giám đốc, kiểm soát viên và thành viên ban quản lý cấp cao của bên mua và các bên tham gia giao dịch tài sản lớn của công ty niêm yết và cổ đông kiểm soát của bên mua, kiểm soát viên thực tế, giám đốc, giám sát viên và các thành viên quản lý cấp cao[9].
- Nhóm thứ ba là những người cung cấp các dịch vụ về chứng khoán: “(6) Những người có liên quan của địa điểm giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, tổ chức đăng ký và bù trừ chứng khoán và nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán, những người có thể có được thông tin nội bộ nhờ chức vụ hoặc công việc của họ[10].
- Nhóm thứ tư là những người làm việc tại các cơ quan nhà nước liên quan đến hoạt động quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán: “(7) Nhân viên của cơ quan quản lý chứng khoán, những người có thể có được thông tin nội bộ nhờ nhiệm vụ hoặc công việc của họ; (8) Nhân viên của các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý có liên quan, những người có thể thu thập thông tin nội bộ nhờ nhiệm vụ luật định của họ trong việc quản lý phát hành và giao dịch chứng khoán, hoặc quản lý các giao dịch mua lại và tài sản quan trọng của một công ty niêm yết[11].
Ngoài các đối tượng được liệt kê cụ thể nêu trên, khoản 2 Điều 6 Hướng dẫn CSRC năm 2007 quy định một số trường hợp khác về “người nội bộ”, bao gồm: (i) tổ chức phát hành hoặc công ty niêm yết; (ii) các công ty khác được kiểm soát bởi cổ đông kiểm soát hoặc người kiểm soát thực tế của tổ chức phát hành hoặc công ty niêm yết, và các giám đốc, người kiểm soát và quản lý cấp cao của họ; (iii) các bên và nhân sự có liên quan của họ liên quan đến việc mua bán và sáp nhập công ty niêm yết; (iv) những người có được thông tin nội bộ do thực hiện nhiệm vụ công việc của họ; và (v) vợ/chồng của những cá nhân được đề cập trong các điều khoản trên[12].
Bên cạnh việc quy định về các trường hợp giao dịch nội gián, Luật Chứng khoán năm 1998 cũng sử dụng lý thuyết biển thủ từ Hoa Kỳ để mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch nội gián[13]. Theo đó, một người dù không phải là người nội bộ nhưng có được thông tin nội bộ không công khai một cách bất hợp pháp có nghĩa vụ như một người nội bộ, và do đó, bị cấm giao dịch trên cơ sở thông tin đó[14]. Hướng dẫn CSRC 2007 giải thích chi tiết về quy định này như sau sau: i) cha mẹ, con cái và những người khác có được thông tin nội bộ do quan hệ với những người nội bộ; ii) những người có được thông tin nội bộ thông qua các cách thức bất hợp pháp như trộm cắp, gian lận, khai thác, do thám, khai thác, hối lộ và giao dịch tư nhân; iii) những người có được thông tin nội bộ thông qua các phương tiện khác. Vấn đề này tiếp tục được giải thích rõ hơn trong Điều 2 Thông tư liên tịch năm 2012 về Giải thích tư pháp (Thông tư liên tịch năm 2012) của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 50 Luật Chứng khoán năm 1998 như sau: Một người có thể bị phát hiện lấy thông tin nội bộ một cách bất hợp pháp nếu thông tin nội bộ được lấy trong ba trường hợp sau: (i) thông qua các cách như trộm cắp, gian lận, khai thác, do thám, khai thác, hối lộ và giao dịch tư nhân; (ii) từ những người thân ruột thịt của những người nội bộ chính, hoặc những người có kiểu quan hệ thân thiết khác với những người nội bộ chính; (iii) từ những người có liên hệ với những người nội bộ chính trong giai đoạn nhạy cảm của thông tin nội bộ[15].
1.2. Xử lý giao dịch nội gián
-Biện pháp hành chính
Theo quy định của Điều 191 Luật Chứng khoán năm 1998, giao dịch nội gián có thể phải chịu trách nhiệm hành chính, bao gồm bị xử lý chứng khoán nắm giữ bất hợp pháp, bị tịch thu số tiền thu được bất hợp pháp và phạt tiền[16]. Hướng dẫn CSRC 2007 giải thích, “tiền thu được bất hợp pháp” là khoản tiền thu được từ các hoạt động giao dịch nội gián, bao gồm cả lợi nhuận thu được và các khoản lỗ tránh được do giao dịch nội gián[17]. Ngoài ra, mức phạt đối với giao dịch nội gián cũng được điều chỉnh cao hơn so với các quy định trước đó. Cụ thể, người nội bộ hoặc người có được thông tin nội bộ thông qua các phương tiện bất hợp pháp tham gia vào giao dịch nội gián vi phạm quy định tại Điều 53 Luật Chứng khoán sẽ bị phạt tiền “không dưới một lần nhưng không quá mười lần giá trị thu lợi bất chính. Trường hợp không có thu nhập bất hợp pháp hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 500.000 NDT, sẽ bị phạt tiền không dưới 500.000 NDT nhưng không quá 5 triệu NDT. Trường hợp tổ chức tham gia giao dịch nội gián, người phụ trách trực tiếp và những người chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị cảnh cáo và phạt tiền không dưới 200.000 NDT nhưng không quá 2 triệu NDT”[18].
Thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý hành chính đối với giao dịch nội gián hiện nay chủ yếu thuộc về CSRC. Theo báo cáo thường niên của CSRC, năm 2019 cơ quan này đã tiến hành điều tra xử lý 111 vụ việc về giao dịch nội gián[19]; năm 2020 là 66 vụ việc[20]. Đặc biệt, năm 2020 CSRC đã tiến hành xử phạt hành chính giao dịch nội gián với mức phạt là 3,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 508 triệu USD), tịch thu khoản lãi ròng 906,4 triệu nhân dân tệ trong vụ việc doanh nhân Wang Yaoyuan và con gái Wang Chengcheng sử dụng thông tin nội bộ để mua chuộc cổ phiếu của Tập đoàn dược phẩm Joincare trên Sàn Chứng khoán Thượng Hải[21].
-Biện pháp hình sự
Trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán nội gián được quy định chi tiết tại Điều 180 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 (BLHS năm 1997): “Trường hợp người nội bộ có quyền truy cập thông tin nội bộ của giao dịch chứng khoán hoặc hợp đồng tương lai hoặc bất kỳ người nào có được bất kỳ thông tin nội bộ nào mua hoặc bán chứng khoán hoặc hợp đồng tương lai, tiết lộ thông tin liên quan hoặc tư vấn rõ ràng hoặc ngầm cho bất kỳ người nào khác mua hoặc bán chứng khoán hoặc hợp đồng tương lai trước khi thông tin liên quan đến việc phát hành hoặc giao dịch chứng khoán, hoặc giao dịch hợp đồng tương lai, hoặc bất kỳ thông tin nào khác có thể ảnh hưởng lớn đến giá của chứng khoán hoặc hợp đồng tương lai được công bố rộng rãi, sẽ bị kết án không quá năm năm tù giam hoặc tạm giữ hình sự, với điều kiện là tình tiết nghiêm trọng. Họ sẽ bị phạt, bổ sung hoặc độc quyền, số tiền không thấp hơn 100% và không cao hơn 500% so với số tiền thu được bất hợp pháp. Nếu tình huống đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù không dưới năm năm và tù không quá mười năm. Ngoài ra, họ sẽ bị phạt một khoản tiền không dưới 100% và không quá 500% số tiền thu được bất hợp pháp của họ[22].
Như vậy, việc xử lý hình sự còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mua bán nội gián. Thông tư liên tịch năm 2012 hướng dẫn về những yếu tố cấu thành "tình tiết nghiêm trọng" và "tình tiết rất nghiêm trọng" theo nghĩa của Điều 180 BLHS năm 1997. Các trường hợp được coi là “nghiêm trọng” bao gồm: (i) số tiền giao dịch tích lũy của chứng khoán lớn hơn 500.000 NDT; (ii) số tiền ký quỹ tích lũy được sử dụng cho giao dịch tương lai là hơn 300.000 NDT; (iii) số lợi nhuận tích lũy được hoặc tránh được các khoản lỗ là hơn 150.000 NDT; (iv) giao dịch nội bộ được tiến hành hoặc thông tin nội bộ bị rò rỉ hơn ba lần; hoặc (v) bất kỳ tình huống nghiêm trọng nào khác. “Các trường hợp rất nghiêm trọng” bao gồm: (i) số tiền giao dịch tích lũy của chứng khoán lớn hơn 2.500.000 NDT; (ii) số tiền ký quỹ tích lũy được sử dụng cho giao dịch tương lai là hơn 1.500.000 NDT; (iii) số lợi nhuận thu được hoặc khoản lỗ lũy kế tránh được lớn hơn 750.000 NDT; hoặc (iv) bất kỳ tình huống rất nghiêm trọng nào khác[23].
-Biện pháp dân sự
Ở Trung Quốc, việc áp dụng các biện pháp dân sự đối với vi phạm chứng khoán nói chung và xử lý các giao dịch nội gián nói riêng được áp dụng từ sớm. Luật Chứng khoán năm 1998 chỉ quy định nguyên tắc chung về việc bồi thường thiệt hại do các vi phạm vể chứng khoán mà không quy định về trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu bồi thường. Từ năm 2001 đến 2003, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành ba thông tư hướng dẫn về thủ tục khởi kiện dân sự đối với các vi phạm chứng khoán. Trong đó, Thông tư năm 2003 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do các vi phạm pháp luật về chứng khoán nói chung (gồm cả các hành vi giao dịch nội gián) ở Trung Quốc[24]. Năm 2015, vụ công ty Everbright Securities khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại đối hành vi giao dịch nội gián đã được xét xử tại Thượng Hải và các nguyên đơn đã thành công trong yêu cầu đòi bồi thường và được đền bù 33.800 NDT[25].
2. Những gợi cho Việt Nam
Từ việc nghiên cứu các quy định của pháp luật chứng khoán Trung Quốc về giao dịch nội gián, có thể rút ra gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam điều chỉnh giao dịch nội gián như sau:
Một là, hoàn thiện định nghĩa về “thông tin nội bộ”.
Khoản 44 Điều 4 Luật Chứng khoán năm  2019 Việt Nam quy định: “Thông tin nội bộ là thông tin liên quan đến công ty đi chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bcó thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của tổ chức này”.
So với Luật Chứng khoán Trung Quốc, quy định này còn khá chung chung, sẽ gây trở ngại cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định các giao dịch nội gián. Chúng tôi cho rằng, pháp luật chứng khoán Việt Nam cần bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp “thông tin nội bộ”. Ví dụ, cần quy định cụ thể những thay đổi về hoạt động kinh doanh hoặc tình hình tài chính quan trọng của doanh nghiệp là những thông tin về: các thay đổi trong phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty; các khoản đầu tư, hợp đồng quan trọng có giá trị lớn so với tổng tài sản của công ty; các khoản khoản nợ lớn, thâm hụt lớn hoặc thua lỗ lớn; các thay đổi nhân sự quản lý quan trọng của công ty, hoặc thay đổi về cổ đông lớn; các vi phạm pháp luật hoặc các vụ kiện tụng lớn liên quan đến công ty…
Trên thực tế, hầu hết các thông tin nêu trên đều bắt buộc phải công bố theo quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam[26]. Tuy nhiên, việc pháp luật chưa xác định rõ đây là các “thông tin nội bộ” dẫn đến trường hợp xảy ra vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có thể tiến thành xử lý vi phạm về công bố thông tin mà chưa đủ căn cứ để xử lý hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, trong khi đó, mức xử phạt đối với vi phạm về công bố thông tin là thấp hơn nhiều so với hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán[27].
Hai là, cần mở rộng khái niệm “người nội bộ” để đảm bảo tương thích với thông lệ quốc tế.
Theo quy định của khoản 45 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019, khái niệm “người nội bộ” ở Việt Nam mới dừng lại ở nhóm đối tượng là người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp và người nội bộ của quỹ đại chúng hoặc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, trong khi còn nhiều chủ thể có khả năng tiếp cận và sở hữu được các thông tin quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giá chứng khoán của doanh nghiệp. Những chủ thể đó có thể là: nhân viên, cổ đông lớn của công ty, công ty con hoặc người quản lý của công ty con;  đối tác, bạn hàng, luật sư tư vấn, bên mua lại doanh nghiệp, bên tham gia các giao dịch lớn với doanh nghiệp;  người cung cấp các dịch vụ về chứng khoán (công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, tổ chức lưu ký chứng khoán, tổ chức bảo lãnh phát hành…); người làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán. Những chủ thể này cần được đưa vào phạm vi “người nội bộ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình điều tra và xử lý giao dịch nội gián, đồng thời nâng cao trách nhiệm và ý thức của các chủ thể khi tham gia giao dịch trên thị trường.
Ba là, bổ sung quy định về nhóm đối tượng không phải là “người nội bộ” nhưng đã tiếp cận, sở hữu các thông tin nội bộ một cách trái pháp luật và sử dụng các thông tin này để giao dịch mua bán chứng khoán.
Luật Chứng khoán Trung Quốc đã đưa ra quy định về việc các chủ thể có được thông tin nội bộ thông qua hành vi trái pháp luật như trộm cắp, gian lận, khai thác, do thám, khai thác, hối lộ và sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán thì cũng bị coi là thực hiện giao dịch nội gián. Việt Nam cũng có thể tham khảo quy định này để bổ sung vào các trường hợp sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán nhằm đảm bảo bao quát được hết các nguy cơ xuất hiện giao dịch nội gián. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc thời điểm bổ sung quy định này hợp lý để đảm bảo khả năng thực thi trên thực tế.
Bốn là, bổ sung các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục khởi kiện dân sự trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do giao dịch nội gián nói riêng.
Luật pháp Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển đã quan tâm đến việc xây dựng khung pháp lý để nhà đầu tư tiến hành khởi kiện dân sự khi bị thiệt hại bởi các giao dịch nội gián. Pháp luật chứng khoán Việt Nam, bên cạnh quy định về trách nhiệm hành chính, hình sự, cần bổ sung quy định trách nhiệm dân sự của các chủ thể khi thực hiện hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán. Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu đưa ra các hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư có thể khởi kiện trong một vụ việc độc lập khi bị thiệt hại do hành vi giao dịch nội gián, trong đó cần xác định rõ: chủ thể được khởi kiện, đối tượng bị khởi kiện, các tài liệu chứng cứ cần cung cấp, phương thức tính toán thiệt hại./.
 

 


[1] “Rajaratnam guilty as charged,” The Economist online, May 11, 2011, http://www.economist.com/blogs/schumpeter/2011/05/galleon_trail_0, accessed: July 11, 2011.
[2] Melissa A. Robertson, 1998, Insider Trading – A U.S. Perspective, in 16th International Symposium on Economic Crime Jesus College, Cambridge, England.
[3] Zhongguo Zhengquan Jiandu Guanli Weiyuanhui (中国证券监督管理委员会) [China Sec. Regulatory Comm’n], Zhongguo Zhengquan Jiandu Guanli Weiyuanhui Guanyu “Zhenquan Shichang Caozong Xingwei Rending Zhiyin (Shixing)” Ji “Zhengquan Shichang Neimu Jiaoyi Xingwei Rending Zhiyin (Shixing)” De Tongzhi (中国证券监督管理委员会关于印发《证券市场操纵行为认定指引(试行)》及《证券市场内幕交易行为认定指引(试行)》的通知) [Notice of the Csrc Regarding the Printing and Distribution of the “(Provisional) Guide for the Recognition and Confirmation of Manipulative Behavior in the Securities Markets” and the “(Provisional) Guide for the Recognition and Confirmation of Insider Trading Behavior in the Securities Markets”] (2007).
[4] Zuigao Renmin Fayuan and Zuigao Renmin Jianchayuan Guanyu Banli Neimu Jiaoyi and Xielu Neimu Xinxi Xingshi Anjian Juti Yingyong Falv Ruogan Wenti de Jieshi (最高人民法院、最高人民检察院关于办理内幕交易、泄露内幕信息刑事案件具体应用法律若干问题的解释) [Judicial Interpretation on Several Issues Concerning the Application of Insider Trading Law in Criminal Cases] (promulgated by Sup. People’s Ct. & Sup. People’s Procuratorate, Mar. 29, 2012, effective June 1, 2012), CLI.3.174356(EN)
[5] Robin Hui Huang, 2013, Private Enforcement of Securities Law in China: A Ten-Year Retrospective and Empirical Assessment, The American Journal of Comparative Law, Volume 61, Issue 4, Fall 2013, p. 757–798.
[6] Robin Hui Huang, 2020, Enforcement of Chinese Insider Trading Law: An Empirical and Comparative Perspective, The American Journal of Comparative Law, Volume 68, Issue 3, September 2020, p. 517–575.
[7] Khoản 1,2,3,4 Điều 51 Luật chứng khoán năm 1998
[8] IOSCO, 2003, Insider Trading How Jurisdictions Regulate It, Report of the Emerging Markets Committee of the International Organization of Securities Commissions.
[9] Khoản 4,5 Điều 51 Luật Chứng khoán năm 1998.
[10] Khoản 6 Điều 51 Luật Chứng khoán năm 1998.
[11] Khoản 7,8 Điều 51 Luật Chứng khoán năm 1998.
[12] 2007 CSRC GUIDE ON INSIDER TRADING, supra note 10, art. 6(2).
[13] Lý thuyết biển thủ cho rằng một người bị coi là thực hiện hành vi gian lận liên quan đến giao dịch chứng khoán và do đó vi phạm quy định về giao dịch nội gián, khi anh ta chiếm đoạt thông tin bí mật cho mục đích kinh doanh chứng khoán. Xem: Michael P. Kenny & Theresa D. Thebaut, Misguided Statutory Construction to Cover the Corporate Universe: The Misappropriation Theory of Section 10(b), 59 ALB. L. REV. 139 (1995); John R. Beeson, Rounding the Peg to Fit the Hole: A Proposed Regulatory Reform of the Misappropriation Theory, 144 U. PA. L. REV. 1077 (1996); Donna M. Nagy, Reframing the Misappropriation Theory of Insider Trading Liability: A Post-O’Hagan Suggestion, 59 OHIO ST. L.J. 1223 (1998).
[14] Điều 50 Luật chứng khoán năm 1978.
[15] Zuigao Renmin Fayuan and Zuigao Renmin Jianchayuan Guanyu Banli Neimu Jiaoyi and Xielu Neimu Xinxi Xingshi Anjian Juti Yingyong Falv Ruogan Wenti de Jieshi (最高人民法院、最高人民检察院关于办理内幕交、泄露内幕信息刑事案件具体应用法律若干问题的解释) [Judicial Interpretation on Several Issues Concerning the Application of Insider Trading Law in Criminal Cases] (promulgated by Sup. People’s Ct. & Sup. People’s Procuratorate, Mar. 29, 2012, effective June 1, 2012), CLI.3.174356(EN).
[16] Điều 191 Luật Chứng khoán năm 1978.
[17] 2007 CSRC GUIDE ON INSIDER TRADING, supra note 10, art. 21.
[18] Điều 191 Luật Chứng khoán năm 1978.
[19] CSRC, Annual Report 2019, page 54.
[20] CSRC, Annual Report 2020, page 57.
[21] https://finance.yahoo.com/news/chinas-regulator-gets-tough-insider-093000406.html.
[22] Điều 181 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997, https://www.fmprc.gov.cn/ce/cgvienna/eng/dbtyw/jdwt/crimelaw/t209043.htm.
[23] 2012, Judicial Interpretation on Insider Trading Law in Criminal Cases.
[24] Robin Hui Huang, 2013, Private Enforcement of Securities Law in China: A Ten-Year Retrospective and Empirical Assessment, The American Journal of Comparative Law, Volume 61, Issue 4, Fall 2013, Pages 757–798.
[25] Chen Nanshan (陈南杉), Guanda Zhengquan Wulongzhi An Yishen Shangsu bei Bohui Panpei Liang Yuangao CNY 33,800 (光大证券乌龙指案一审上诉被驳回 判赔两原告3.38万) [The Appeal of Everbright Securities Against the Fat Finger Case Was Rejected, and Two Plaintiffs Awarded Compensation of RMB 33,800], YICAI (第一财经) [First Fin. & Econ.] (Feb. 16, 2016), www.yicai.com/news/4750149.html.
[26] Xem thêm Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành.
[27] Xem thêm Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 04 (452), tháng 02/2022.)


Ý kiến bạn đọc