Pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự – những gợi mở cho Việt Nam

04/05/2022

TRẦN THỊ THU HẰNG

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật Hoa Kỳ về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự và đồng thời rút ra những gợi mở cho Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự.
Từ khóa: Người thứ ba ngay tình, giao dịch dân sự, pháp luật Hoa Kỳ.
Abstract: Within the scope of this article, the author gives out an analysis of the provisions under the laws of the United States on protection of the bona fide third parties in civil transactions and at the same time draws suggestions for Vietnam in improving the law on protection of the bona fide third parties in civil transactions.
Keywords: Bona fide third parties; civil transactions; law of the United States.
 NGƯỜI-THỨ-3-NGAY-TÌNH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Căn cứ xác định người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự theo pháp luật Hoa Kỳ
Trong pháp luật dân sự, tồn tại hai nguyên tắc đối lập nhau về giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và người thứ ba ngay tình. Nguyên tắc thứ nhất hướng đến bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu như một cách tối ưu trong hài hòa quyền lợi các bên trong giao dịch dân sự. Nguyên tắc thứ hai yêu cầu, để bảo vệ sự tự do trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình phải được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản.
Nguyên tắc có giá trị ảnh hưởng nhất đối với quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình được ghi nhận tại Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 (The Uniform Commercial Code 1952 - UCC)[1], theo đó “Không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản vượt quá phạm vi quyền hạn bản thân người đó có”. Đây là nguyên tắc hướng đến bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Nguyên tắc này xuất phát từ quy tắc “nemo dat quod non habet”[2] - không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác đối với tài sản mà người đó không sở hữu. Điều này có nghĩa là, nếu không nhận sự đồng ý của chủ sở hữu, người mua tài sản cho dù ngay tình nhưng vì đã mua tài sản từ người bán không có quyền sở hữu thì không thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó. Bởi lẽ, người mua không thể nhận chuyển quyền từ người bán mà vượt quá phạm vi quyền người bán có đối với tài sản[3].
Việc lựa chọn nguyên tắc “không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản vượt quá phạm vi quyền hạn bản thân người đó có” xuất phát từ hai tiền đề[4] sau: (i) đảm bảo chủ sở hữu tài sản (thương nhân) được trả tiền - giá trị được nhận về khi chủ sở hữu bỏ ra tài sản, và không bị tước đi giá trị đó bởi người mua ngay tình; (ii) người mua phải có trách nhiệm xác nhận tư cách pháp lý của người bán đối với tài sản; nếu việc xác nhận không thực hiện được dẫn đến khả năng xảy ra giao dịch gian dối, thì người mua phải chịu tổn thất trong giao dịch mình tham gia.
Hai tiền đề này đều nhằm mục đích đảm bảo thuận lợi trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ cũng mở ra những trường hợp ngoại lệ, người mua ngay tình được bảo vệ nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý tài sản của mình. Để trở thành người mua ngay tình được bảo vệ quyền lợi, người mua phải thỏa mãn các điều kiện sau[5]: một là, có tính thiện chí (“good faith”); hai là, đã chiếm hữu hàng hóa với giá trị tương xứng (“for value”); ba là, không biết việc người bán không có quyền sở hữu tài sản (“without notice of the seller’s defect of title”).
- Người mua có tính thiện chí
Điểm b Điều 2-103(1) UCC quy định: “Sự ngay tình của một thương nhân là sự thành thật trong tham gia giao dịch và sự cân nhắc các tiêu chuẩn thương mại của các thỏa thuận công bằng một cách hợp lý[6]”. Theo đó, sự thành thật có thể hiểu là sự tự nguyện, thiện chí tham gia giao dịch vì mục đích kinh tế cụ thể, không phải vì mục đích xâm hại quyền hợp pháp của bên khác[7].
Trong quy định của UCC về “ngay tình”, khái niệm “các tiêu chuẩn thương mại” không được đề cập đến. Bên cạnh đó, đối chiếu với các quy định khác của UCC cho thấy, yêu cầu về “sự cân nhắc các tiêu chuẩn thương mại” chỉ áp dụng đối với người mua là thương nhân. Trong trường hợp người mua không phải là thương nhân, yêu cầu này ngay tình của họ sẽ được áp dụng theo Điều 1-201(19) UCC[8], chỉ ràng buộc người mua phải thành thật. Trường hợp xảy ra tranh chấp, Tòa án sẽ xem xét các hành vi giao thương trên thực tế như là tiêu chuẩn cân nhắc tính “ngay tình” của người mua hàng hóa. Đối với người mua không là thương nhân, Tòa án sẽ xét đến việc người mua đã thực hiện các biện pháp cần thiết để xác định quyền sở hữu hợp pháp của người bán đối với tài sản hay không[9].
          - Người mua có được hàng hóa với giá trị tương xứng
Điều kiện này cấu thành bởi hai yếu tố: một là người thứ ba ngay tình phải là người đã bỏ ra tài sản của mình để có được hàng hóa đó; hai là mua với một mức giá hợp lý và tương xứng.
Yếu tố đầu tiên xác định rằng người mua hàng hóa ngay tình được bảo vệ từ thời điểm người mua đã thực hiện hành vi thanh toán và phạm vi bảo vệ người mua hàng hóa ngay tình sẽ tương ứng với phạm vi giá trị mà người mua đã thanh toán[10]. Bởi lẽ, quy định về người mua ngay tình là nhằm bảo vệ người mua không phải chịu tổn thất trong giao dịch. Vậy nên, việc bảo vệ người mua hàng hóa ngay tình được đặt ra ngay từ lúc người mua ngay tình đã thanh toán một phần giá trị hàng hóa, mà không nhất thiết phải thanh toán toàn bộ giá trị hàng hóa. Mặt khác, người mua ngay tình được bảo vệ theo phạm vi tương ứng với giá trị người mua đã bỏ ra. Do đó, khi người mua ngay tình chỉ mới thanh toán một phần giá trị hàng hóa, người mua ngay tình được bảo vệ quyền lợi bằng phần giá trị đã thanh toán hoặc xác định tỷ phần sở hữu tương ứng cho người mua ngay tình đối với hàng hóa.
Yếu tố thứ hai yêu cầu người mua phải bỏ ra giá trị tương xứng. Điều 1-201(44) UCC[11] quy định, “giá trị” là bất kỳ lợi ích nào các bên mong muốn đạt được thông qua hợp đồng, có thể bao gồm tiền, vật chất, quyền tài sản… Tính “tương xứng” của giá trị được xác định khi người mua ngay tình đã bỏ ra giá trị để có được hàng hóa và bị tước đi quyền sở hữu hàng hóa thì người mua ngay tình sẽ rơi vào tình thế bất lợi hơn khi chưa bỏ ra giá trị đó[12]. Nói cách khác, người mua sẽ không được coi là bỏ ra “giá trị tương xứng” nếu không có sự khác biệt giữa việc có được hàng hóa và không có được hàng hóa. Bên cạnh đó, trong trường hợp người mua có được hàng hóa với một mức giá quá rẻ so với giá trị thực của hàng hóa thì người mua được suy đoán là không có thiện chí trong việc tham gia giao dịch, dẫn đến không thỏa mãn điều kiện trở thành người mua hàng hóa ngay tình. Do đó, người mua hàng hóa phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong giao dịch, xem xét đến yếu tố giá hợp lý, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
- Người mua không biết việc người bán không có quyền sở hữu tài sản
Điều 1-201(25) UCC[13] xác định một người “biết một sự thật” khi: (i) người đó có sự hiểu biết về sự việc; hoặc (ii) người đó đã nhận thông báo về sự việc; hoặc (iii) người đó có căn cứ để cho rằng sự việc đó diễn ra dựa trên tất cả những sự thật, hoàn cảnh khác liên quan mà người đó đã biết. Điều 1-201(25) UCC quy định bổ sung, một người “biết” hoặc “có sự hiểu biết” đối với sự việc là khi người đó biết chắc chắn những gì đã xảy ra, các từ khác có liên quan như “phát hiện” hoặc “nhận ra” được xem là “sự hiểu biết” và không được coi là “căn cứ để biết”.
Như vậy, UCC đã phân biệt hai trường hợp cụ thể[14] đối với trường hợp người mua không biết việc người bán không có quyền sở hữu tài sản:
Trường hợp thứ nhất, người mua có sự hiểu biết thực tế đối với sự việc đó, lúc này sự hiểu biết thực tế tương đồng với sự hiểu biết mà pháp luật mặc định đối với người mua theo điểm a Điều 1-201(25) UCC.
Trường hợp thứ hai, người mua được cho rằng phải có sự hiểu biết đối với sự việc đó, lúc này sự hiểu biết trên thực tế không nhất thiết tương đồng với sự hiểu biết mà pháp luật mặc định đối với người mua, thể hiện tại điểm b, c Điều 1-201(25) UCC. Theo đó, tại điểm b Điều 1-201(25) UCC, người mua được cho rằng có nghĩa vụ phải biết về sự việc trên thực tế khi đã nhận được thông báo, bất kể người mua đã đọc được thông báo hay chưa. Điểm c Điều 1-201(25) UCC quy định người mua được cho rằng có nghĩa vụ phải biết về sự việc trên thực tế khi có những căn cứ, thông tin mà đối với một người có tư duy bình thường thì sẽ suy đoán được khả năng xuất hiện sự việc đó.
Ngoài ra, trong phạm vi bảo vệ người thứ ba ngay tình, Điều 1-201(b)(9) UCC[15] còn quy định các điều kiện khác đối với người mua trong hoàn cảnh thương mại thông thường (“buyer in ordinary course of business”). Theo đó, pháp luật Hoa Kỳ đặt ra trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi với tư cách người mua trong hoàn cảnh thông thường. Người mua trong hoàn cảnh thương mại thông thường chính là người mua ngay tình mua hàng hóa với người bán chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán loại hàng hóa đó. Ví dụ, việc mua các thiết bị lắp đặt đã qua sử dụng từ một doanh nghiệp không kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng sẽ không được xem là “hoàn cảnh thương mại thông thường”[16].
2. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự theo pháp luật Hoa Kỳ
Sau khi thỏa mãn các điều kiện trở thành người mua ngay tình, người mua ngay tình không đương nhiên được bảo vệ ngay lập tức. Việc bảo vệ quyền lợi của người mua ngay tình sẽ căn cứ theo trường hợp áp dụng các ngoại lệ của nguyên tắc “không ai có thể chuyển quyền sở hữu tài sản vượt quá phạm vi quyền hạn bản thân người đó có”. Hiện nay, UCC ghi nhận 02 ngoại lệ bảo vệ người mua ngay tình khi áp dụng hai nguyên tắc: “quyền sở hữu có thể bị vô hiệu” (“voidable title”); và “không phủ nhận” (“estoppel”).
- Nguyên tắc quyền sở hữu có thể bị vô hiệu
Theo nguyên tắc “quyền sở hữu có thể bị vô hiệu” (Điều 2-403(1))[17], trong giao dịch mua bán hàng hóa, người mua sẽ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa tại thời điểm hoàn tất việc thanh toán. Tuy nhiên, quyền sở hữu của người mua đối với hàng hóa vẫn có thể bị vô hiệu; chỉ từ thời điểm người mua chuyển giao hàng hóa trên cho một người thứ ba khác thì quyền sở hữu của người mua đối với hàng hóa mới không thể bị vô hiệu[18].
Như vậy, quyền sở hữu tài sản của một người được coi là “có thể bị vô hiệu” khi người đó có quyền về mặt pháp lý nhưng chủ sở hữu tài sản vẫn có quyền chấm dứt giao dịch và truy đòi tài sản[19]. Theo đó, cho đến khi người mua thanh toán đầy đủ giá trị, người mua chỉ có quyền sở hữu có thể bị vô hiệu, và chủ sở hữu hoàn toàn có khả năng thu hồi lại tài sản nếu xét thấy giao dịch không thể được hoàn thành. Tuy nhiên, nếu xuất hiện trường hợp người giao dịch với chủ sở hữu chuyển giao tài sản của chủ sở hữu cho người mua ngay tình khác, lúc này, chủ sở hữu bị mặc định rằng đã không chú ý quản lý tài sản[20]. Do đó, nguyên tắc “quyền sở hữu có thể bị vô hiệu” nghiêng về hướng ưu tiên quyền lợi của người mua ngay tình hơn.
-          Nguyên tắc không phủ nhận
Nguyên tắc không phủ nhận được thiết lập trong trường hợp chủ sở hữu đã ủy thác cho người bán những quyền nhất định hoặc hồ sơ, chứng cứ về quyền sở hữu đối với tài sản hoặc quyền hạn của người đại diện thông qua hành vi tự nguyện của chủ sở hữu thì chủ sở hữu không được truy đòi tài sản mà người mua thứ ba ngay tình đã có được[21].
Điều 2-403(2) UCC[22] quy định về việc bảo vệ người mua trong hoàn cảnh thương mại thông thường như sau: “Việc giao phó hàng hóa cho một thương nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa đó sẽ dẫn đến việc thương nhân được giao phó có quyền chuyển giao quyền của người giao phó sang người mua trong hoàn cảnh thương mại thông thường”. Hơn nữa, theo quy định của Điều 2-403(3) UCC, “việc giao phó hàng hóa” là bất kỳ hành vi giao nhận hoặc sự đồng ý trong việc để đối phương chiếm hữu tài sản, không xét đến các điều khoản thỏa thuận giữa các bên đối với hành vi giao nhận, sự đồng ý, không xét đến ý định của chủ sở hữu hoặc kết quả của việc giao phó hàng hóa có được coi là hành vi gian dối theo luật hình sự hay không[23].
Quy định của Điều 2-403(2) UCC được diễn giải cụ thể trong ví dụ sau đây: A giao trang sức gia truyền của mình cho B (một thương nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực trang sức) để sửa chữa trang sức. Sau đó, B đã thực hiện hành vi lừa đảo, thể hiện số trang sức đó như là của mình và đem bán đi cho C (giả định C là người mua trong hoàn cảnh thương mại). Lúc này, A sẽ bị tước đi quyền xác lập quyền sở hữu đối với số trang sức trên, từ đó không thể truy đòi số trang sức từ C[24]. Quy định tại Điều 2-403(2) được cho rằng xuất phát từ bản chất tự nhiên của quyền công bằng giữa các chủ thể, cũng như lý luận về trật tự công cộng, mà theo đó, nếu chủ sở hữu đã chủ động thực hiện ủy quyền của mình cho người bán thì chủ sở hữu không thể phủ nhận quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của người mua ngay tình khi người mua ngay tình đã mua tài sản dựa trên cơ sở người bán đã thể hiện đầy đủ quyền năng đối với tài sản[25].
Như vậy, Điều 2-403(2) UCC không phân biệt liệu chủ sở hữu đã biết, có căn cứ để biết hoặc chủ sở hữu không hề biết đến việc thương nhân được ủy thác có hành vi lừa dối bán tài sản của mình cho người khác hay không. Dường như việc không cân nhắc yếu tố “biết hay không biết” của chủ sở hữu đối với hành vi lừa dối bán tài sản của mình bắt nguồn từ quy định của luật mặc định chủ sở hữu phải có “sự chú ý” đối với việc quản lý hàng hóa của mình khi bằng ý chí của bản thân, để hàng hóa thoát khỏi sự chiếm hữu thực tế của mình bằng cách ủy thác cho người khác. Do đó, nếu như chủ sở hữu không thực hiện được “sự chú ý” đối với tài sản của mình và để cho người được ủy thác chuyển giao tài sản đó cho người mua hàng hóa ngay tình, thì chủ sở hữu được xác định là bên chịu thiệt hại vì không thể quản lý tài sản của mình.
3. Những gợi mở cho Việt Nam
          Thứ nhất, vềcăn cứ xác định người thứ ba ngay tình
          Theo quy định của Điều 133 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người thứ ba ngay tình là người thứ ba đối với một giao dịch dân sự vô hiệu nhưng ngay tình, nên được bảo vệ quyền lợi. Yếu tố “ngay tình” dù không được quy định trực tiếp gắn với khái niệm “người thứ ba ngay tình”, nhưng được quy định ở một số điều khoản. Quy định của BLDS năm 2015 cho thấy, yếu tố “ngay tình” tương đồng với “không biết và không thể biết” về việc người bán không có quyền dùng tài sản trong giao dịch. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 không xác định cụ thể thế nào là “không biết và không thể biết”. Để làm rõ nội hàm này, chúng ta có thể tham khảo quy định của điểm c Điều 1-201(25) UCC Hoa Kỳ về điều kiệnngười mua không biết việc người bán không có quyền sở hữu tài sản.
          Thứ hai,  về phạm vi và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngày tình 
Mục đích của việc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình, suy cho cùng là vì bảo vệ sự tự do giao dịch, cân bằng lợi ích giữa các chủ thể với nhau. Pháp luật Hoa Kỳ nhận diện sự xuất hiện của người thứ ba ngay tình thông qua việc xác định người bán không có quyền sở hữu đối với tài sản. Cách nhìn nhận này đã dẫn đến việc mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình. Tư cách pháp lý của người thứ ba ngay tình tồn tại mà không phụ thuộc liệu rằng trước đó có một giao dịch dân sự hay không, mà phụ thuộc vào việc trước đó có tồn tại quan hệ pháp lý giữa chủ sở hữu và người bán và hệ quả pháp lý của mối quan hệ này không xác lập quyền sở hữu tài sản cho người bán. Như vậy, người thứ ba ngay tình được xác định kể cả trong các trường hợp không có giao dịch dân sự nào, mà chỉ cần tồn tại một quan hệ pháp lý (chẳng hạn quan hệ ủy quyền).
Bên cạnh đó, pháp luật Hoa Kỳ còn phân định rõ các nguyên tắc áp dụng khi giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu với người thứ ba ngay tình. Về cơ bản, quyền lợi của chủ sở hữu luôn được đề cao hơn; bởi lẽ, người thứ ba ngay tình, với tư cách người mua hàng hóa, chịu sự ràng buộc của nghĩa vụ tìm hiểu, xác minh tư cách pháp lý của người bán đối với hàng hóa. Ngược lại, quyền lợi của người thứ ba ngay tình được ưu tiên trong trường hợp chủ sở hữu không có sự chú ý trong việc quản lý tài sản, làm xuất hiện những căn cứ để người thứ ba ngay tình tin rằng, người bán là chủ sở hữu thật sự. Việc đặt ra các nguyên tắc này là hợp lý, cân bằng được lợi ích của các bên đồng thời đảm bảo được sự tự do phát triển của nền kinh tế.
Trong khi đó, BLDS năm 2015 chỉ thừa nhận người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự trước đó vô hiệu. Điều này vô hình chung đã làm hạn chế những trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi. Do đó, để mở rộng phạm vi bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình cần sửa đổi Điều 133 BLDS năm 2015 theo hướng bỏ cụm từ “khi giao dịch dân sự vô hiệu”. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên (chủ sở hữu, người thứ ba ngay tình) cần sửa đổi Điều 133 BLDS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định các nguyên tắc áp dụng khi giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu với người thứ ba ngay tình./.
 

 


[1] Đây là một bộ luật điều chỉnh một cách toàn diện tất cả các giao dịch thương mại tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ áp dụng đối với các giao dịch có đối tượng là động sản, không thể áp dụng các giao dịch có liên quan đến bất động sản. Xem thêm tại: Daniel Liberto (2021), Uniform Commercial Code (UCC), Investopedia.
[2] Nemo dat quod non habet, Oxford Reference.
[3] Kunahbhardwaj, No One Can Transfer A Better Title Than What He Himself Possesses: Judicial Interpretation, Legal Service India E-Journal.
[4] Donald Merritt (1968), Title to Goods: The Position of the Purchaser at Common Law and under the Uniform Commericial Code, Buffalo Law Review, Volume 17, Number 3, p.866.
[5] Brian A. Blum (1981), Notice to Holders in Due Course and Other Bona Fide Purchasers Under the Uniform Commercical Code, Boston College Law Review, Volume 22, Number 2.
[6] The Uniform Commercial Code, Article 2-103(1)(b): ““Good faith” in the case of a merchant means honesty in fact and the observance of reasonable commercial standards of fair dealing in the trade.”
[7] Stephen L. Sepinuck (2018), The Various Standards for the “Good Faith” of a Purchaser, The Business Lawyer, Volume 73.
[8] The Uniform Commercial Code, Article 1-201(19): ““Good faith” means honesty in fact in the conduct or transaction concerned”.
[9] James J. Stankiewicz (1973), Good Faith Obligation in the Uniform Commercial Code: Problems in Determining Its Meaning and Evaluating Its Effect, Valpo University Law Review, Volume 7, pp. 389-414.
[10] What Constitutes a Bona Fide Purchaser for Value without Notice? (1936), Columbia Law Review, Volume 6, No.4, pp. 658-66.
[11] The Uniform Commercial Code, Article 1-201(44): ““Value”:… generally, in return for any consideration sufficient to support a simple contract”.
[12] Frederick A. Whitney (1933), Value and the Doctrine of Bona Fide Purchase, St. John’s Law Review, Volume 7, Number 2.
[13] The Uniform Commercial Code, Article 1-201(25):
A person has “notice” of a fact when:
(a) he has actual knowledge of it; or
(b) he has received a notice or notification of it; or
(c) from all the facts and circumstances known to him at the time in question he has reason to know that it exists.
A person “knows” or has “knowledge” of a fact when he has actual knowledge of it. “Discover” or “learn” or a word or phrase of similar import refers to knowledge rather than to reason to know”. Xem https://www.govinfo.gov/content/pkg/STATUTE-77/pdf/STATUTE-77-Pg630.pdf.
[14] Brian A. Blum (1981), Notice to Holders in Due Course and Other Bona Fide Purchasers Under the Uniform Commercial Code, Boston College Law Review, Volume 22, Number 2.
[15] The Uniform Commercial Code, Article 1-201(b)(9): ““Buyer in ordinary course of business” means a person who in good faith and without knowledge that the sale to him is in violation of the ownership rights or security interest of a third party in the goods buys in ordinary course from a person in the business of selling goods of that kind but does not include a pawnbroker. “Buying” may be for cash or by exchange of other property or on secured or unsecured credit and includes receiving goods or documents of title under a preexisting contract for sale but des not include a transfer in bulk or as security for or in total or partial satisfaction of a money debt”.
[16] Jason Godon (2021), Protections of a Buyer in the Ordinary Course of Business, The Business Professor.
[17] The Uniform Commcercial Code, Article 2-403(1): “A purchaser of goods acquires all title which his transferor had or had power to transfer except that a purchaser of a limited interest acquires rights only to the extent of the interest purchased. A person with voidable title has power to transfer a good title to a good faith purchaser for value. When goods have been delivered under a transaction of purchase the purchase has such power even thou:
a)       the transferor was deceived as to the indentity of the purchaser, or
b)       the delivery was in exchange for a check which is later dishonored, or
c)       it was agreed that the transaction was to be a “cash sale”, or
d)       the delivery was procured through fraud punishable as larcenous under the criminal law”.
[18] Charles J. Hartzheim (1965), Recent Decisions: Sales: Cash Sale Doctrine vs. Voidable Title Doctrine, Marquette Law Review, Volume 48, Issue 3.
[19] Charles M. Weber (1961), The Extension of the Voidable Title Principle Under the Code, Kentucky Law Journal, Volume 49, Issue 4.
[20] Shalom Lerner (2016), Voidable Title, Cambridge University Press.
[21] Nguyên tắc này được thể hiện trong vụ án dân sự Saltus v. Everett (1838), 20 Wend. (N.Y) 267, 270, 32 Am. Dec. 541, trong bài viết của Williston, Sales, sec. 312. Tham khảo tại: Minnesota Law Review (1921-1922), Library Book, Volume VI.   
[22] The Uniform Commercial Code, Article 2-403(2): “Any trusting of possession of goods to a merchant who deals in good of that kind gives him power to transfer all rights of the entruster to a buyer in ordinary course of business”.
[23] The Uniform Commercial Code, Article 2-403(3): ““Entrusting” includes any delivery and any acquiescence in retention of possession regardless of any condition expressed between the parties to the delivery or acquiescence and regardless of whether the procurement of the entrusting or the possessor’s disposition of the goods have been such as to be larcenous under the criminal law”.
[24] John E. Cargill (1987), Entrustment under U.C.C. Section 2-403 and Its Implications for Article 9, Campbell Law Review, Volume 9, Issue 2.
[25] Henry W. Ballantine (1922), Purchase for Value and Estoppel, Minnesota Law Review, University of Minnesota Law School, Volume 6, No.2.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451), tháng 02/2022.)


Ý kiến bạn đọc