Lợi thế của thể chế kinh tế trong việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất

23/02/2022

TS. NGUYỄN CHÍ ĐỨC

Trường Đại học Sài Gòn

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích sự tác động của việc phục hồi sản xuất ở giai đoạn trong và sau đại dịch covid 19 đối với lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế dựa trên thể chế kinh tế khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ nhiều khả năng sẽ can thiệp vào trong quá trình phục hồi sản xuất với mục đích là ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích xã hội. Đồng thời, Chính phủ căn cứ vào lợi ích xã hội để ra kế hoạch phục hồi sản xuất, nhằm bảo đảm tính hiệu quả kinh tế và phòng ngừa sự bùng phát trở lại của dịch bệnh (mục tiêu kép).
Từ khóa: Thể chế kinh tế; phục hồi sản xuất; Covid 19, lý thuyết trò chơi.
Abstract: The author, within the scope of this article, provides an analysis of the impacts of production recovery during and after the covid-19 pandemic on social benefits and economic benefits based on different economic institutions. The studies results reveal that, in the socialist-oriented market economic institution, the Government is likely to intervene in the process of production recovery with the aim of preventing negative effects to the social benefits. The Government also based on social benefits to make a plan to restore production, to ensure both the economic efficiency and prevention of the re-emergence of the disease (the dual target).
Keywords: Economic institutions; production recovery; Covid 19; games theory.
 phục-hồi-sản-xuất.JPG
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Đại dịch viêm phổi cấp năm 2019 (covid 19) là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Đại dịch lần này là một trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng với tốc độ lây lan nhanh nhất, phạm vi nhiễm rộng nhất và việc phòng ngừa kiểm soát khó khăn nhất ở Việt Nam từ trước đến này.
Đây là bài kiểm tra tốt nhất đối với hệ thống an sinh xã hội của nước ta, đánh giá khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng lớn như thế nào. Bằng các biện pháp phòng, chống toàn diện, chặt chẽ và triệt để nhất, Việt Nam đã kiên quyết kiềm chế sự lây lan của covid 19, được thế giới ghi nhận là mô hình thành công trong suốt 3 đợt dịch đầu tiên. Cụ thể là trang Business Insider của Hoa Kỳ có đăng bài viết, trong đó dẫn kết quả xếp hạng của Viện Lowy (Australia) cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ về kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và làm tốt công tác thiết lập thứ tự trong việc khôi phục và mở cửa sản xuất của các doanh nghiệp (DN), Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Chính phủ cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt như: Tập trung tổ chức tốt việc khoanh vùng, dập dịch; truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp; kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả.
Trong đợt dịch lần thứ 4 bất ngờ xảy ra, dưới sự lãnh đạo, triển khai thống nhất của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân và dân ta đã chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất. Kết quả công tác phòng, chống dịch ở nước ta hiện nay đã và đang được củng cố hơn, việc tiếp tục lao động và phục hồi sản xuất là điều phải tính đến từ quý 4 năm 2021, và năm 2022.
1. Lợi ích của việc phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp và Chính phủ
Việc phục hồi sản xuất sẽ ảnh hưởng đồng thời lợi ích DN và lợi ích của Chính phủ, nên việc quyết định phục hồi sản xuất của DN cũng sẽ do hai chủ thể này lựa chọn.
Đối với DN, trong giai đoạn giãn cách, nếu DN lựa chọn không sản xuất sẽ đối diện việc không hoàn thành đúng hợp đồng đã ký, mọi công việc bị ngừng trệ, hoạt động kinh doanh thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản; còn nếu DN lựa chọn phục hồi sản xuất, thì sẽ tạo nên dòng người di chuyển tăng trong xã hội từ đó ảnh hưởng đến tính hiệu quả cho công tác chống dịch trong cộng đồng, ảnh hưởng trật tự xã hội. Trong trường hợp việc phục hồi sản xuất do DN quyết định, chắc chắn sẽ khiến cho việc phục hồi sản xuất tăng lên. Điều này không có lợi cho việc khống chế dịch bệnh, nhìn xa hơn thì ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế càng lớn.
Đối với Chính phủ, khi DN phục hồi sản xuất thì Chính phủ có được lợi ích từ việc tăng thu từ thuế. Điều này khiến cho lợi ích kinh tế của Chính phủ cũng sẽ tăng. Nhưng dưới tình huống bùng phát của dịch bệnh, Chính phủ còn cần bảo đảm tính hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh, do khi nhiều DN phục hồi sản xuất khiến cho dịch bệnh bùng phát trở lại, Chính phủ có thể sẽ mất uy tín với dân và danh tiếng quốc tế, làm cho lợi ích xã hội của Chính phủ giảm xuống. Như vậy, tổng lợi ích của Chính phủ gồm hai bộ phận cộng lại là lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Tuy nhiên, trọng số quan trọng của từng lợi ích lại được xác định bởi mục tiêu chính sách của Chính phủ dưới thể chế khác nhau.
Như vậy, sự khác biệt về thể chế như: sự khác biệt trong mục tiêu chính sách quốc gia và sự khác biệt về năng lực của Chính phủ trong việc can thiệp vào DN đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược của DN và Chính phủ.
2. Tính khác biệt ở thể chế kinh tế
Sự khác biệt thể chế kinh tế chủ yếu dựa trên lực ảnh hưởng của Chính phủ và sự ảnh hưởng của mức độ thị trường hóa; từ hai yếu tố ảnh hưởng này, chúng ta có ba loại thể chế kinh tế theo biểu đồ 1 như sau:
  
·         Nền kinh tế kế hoạch hóa
Nhìn vào lịch sử công cuộc cải cách mở cửa kinh tế Việt Nam, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp đã bộc lộ nhiều vấn đề không có lợi cho việc thúc đẩy năng lực sản xuất, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế, nguồn vốn không đủ, vật liệu y tế không đủ…. Chính phủ và người dân không thể chịu đựng được những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, nguồn lực y tế không đủ để hỗ trợ các chính sách phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt, khi một sự cố sức khỏe mang tính toàn cầu nổ ra, chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của các nước phát triển và các tổ chức thế giới.
·         Nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa
Ở các nước tư bản phát triển lấy sở hữu tư nhân là nòng cốt được phản ánh ở mức độ thị trường hóa cao, nguồn vốn dự trữ dồi dào, nhưng Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến lợi ích kinh tế, và thị trường hóa đã khiến Chính phủ ít can thiệp hơn vào việc ra quyết định của doanh nghiệp (đề cao quyền tự do kinh doanh). Khi các nước tư bản đang ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh, họ có đủ sức mạnh kinh tế để đối phó với những tình huống khẩn cấp, nhưng sự mong muốn sẵn sàng ngăn chặn và kiểm soát của Chính phủ không cao, năng lực kiểm soát doanh nghiệp của Chính phủ không đủ, năng lực phân bổ nguồn lực xã hội không mạnh. Vì vậy, những quyết sách phục hồi sản xuất của DN là do lợi nhuận thị trường quyết định, dẫn đến việc ra quyết định của công ty có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích tổng thể xã hội.
·         Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong môi trường mà sở hữu công là trụ cột, Nhà nước có mức độ ảnh hưởng lớn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước, có thể thông qua điều chỉnh các chính sách vĩ mô của Nhà nước để điều chỉnh vấn đề khôi phục sản xuất DN nhà nước, còn đối với quy mô phục hồi sản xuất từng ngành nghề thì tiến hành điều chỉnh vĩ mô, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động trở lại sẽ chuyển từ các doanh nghiệp phi thiết yếu có lợi nhuận cao sang các doanh nghiệp thiết yếu có lợi nhuận thấp. Điều đó đảm bảo hoạt động trở lại của các doanh nghiệp cần thiết cho cuộc sống và đảm bảo cơ bản cho cuộc sống của người dân trong thời kỳ dịch bệnh khi tổng nguồn cung không đủ. Kể từ khi đất nước cải cách và mở cửa, nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN của Việt Nam đã thúc đẩy năng suất lao động, kinh tế phát triển mạnh mẽ, làm cho sức mạnh kinh tế của nước ta ngày càng tăng lên, nguồn vốn dự trữ đủ đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trong thời kỳ phòng, chống dịch; đảm bảo rằng việc đóng cửa tạm thời của DN trong một thời gian ngắn sẽ không gây ra bất ổn xã hội, giảm tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế của đất nước.
3. Điểm cân bằng tối ưu của thể chế kinh tế và chiến lược phục hồi sản xuất
Như đã phân tích về lợi ích của hai chủ thể của việc phục hồi sản xuất, và với tình huống cả DN và Chính phủ đều theo đuổi việc tối đa hóa lợi ích cho bản thân, tác giả đưa ra một số giả thuyết sau:

 Từ đó, tác giả đã xây dựng sơ đồ chiến lược trong trò chơi giữa Chính phủ và DN (biểu đồ 2); và ma trận lợi ích (bảng 1) là:

Giải mô hình trò chơi bằng cách quy nạp lùi (phương pháp để giải quyết trạng thái cân bằng trò chơi động):
 
4. Tính đặc thù của doanh nghiệp
Khi đối mặt với một DN làm giảm lợi ích xã hội khi tiến hành phục hồi sản xuất, nước có nền KTTT định hướng XHCN nhiều khả năng sẽ ngăn cản việc phục hồi sản xuất, nhưng đối với nước có nền KTTT TBCN thì sẽ không làm việc này. Nhưng khi tất cả các DN đều tiến hành phục hồi sản xuất, lợi ích xã hội của việc phục hồi sản xuất trong các ngành là khác nhau, vì vậy cần tiến hành phân tích tính đặc thù của doanh nghiệp.
 
 
Trong nền KTTT TBCN, tỷ suất sinh lời DN sẽ trở thành yếu tố quyết định duy nhất việc DN phục hồi sản xuất hay không, có thể dẫn đến sản xuất không đủ các tư liệu sinh hoạt cơ bản trong nước, làm xã hội bất ổn. Ngược lại, nó cũng sẽ khiến quá nhiều DN phục hồi sản xuất, dẫn đến làm khó khăn cho việc khống chế dịch bệnh hoặc thậm chí làm cho dịch bệnh bùng phát nặng hơn.
Ngược lại đối với nền KTTT định hướng XHCN, DN khôi phục sản xuất ảnh hưởng tích cực đến lợi ích xã hội sẽ được mở cửa sản xuất lại, ngược lại thì ngừng sản xuất. Đây chính là thứ tự trong việc khôi phục sản xuất. Điều này bảo đảm những DN sản xuất hàng hóa thiết yếu quan trọng được ưu tiên phục hồi sản xuất, vừa ngăn chặn bùng phát dịch bệnh trở lại vừa ổn định từng bước có trật tự khôi phục sản xuất hoàn toàn. Vì vậy, lúc DN lựa chọn chiến lược, họ phải căn cứ vào tính đặc thù DN mình.
Trong nền KTTT định hướng XHCN, một số ngành có thể không thể tiếp tục sản xuất bình thường do việc khôi phục sản xuất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích xã hội. Nhân lúc mà dịch bệnh bùng phát, khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc men, lương thực thực phẩm… cung cấp không đủ, và các rào cản kỹ thuật không cao, các DN đó có thể đi tìm lợi nhuận trước mắt hoặc đề cao hình ảnh DN mà đi tìm lợi nhuận tương lai, họ có thể đầu tư sản xuất xuyên biên giới đối với các vật liệu liên quan đến y tế, sức khỏe hay hàng hóa thiết yếu quan trọng khác… Điều này sẽ có lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
5. Khuyến nghị
Đại dịch covid 19 là một vấn đề mà nhân loại phải đối mặt, việc bùng phát dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội của con người, phòng, chống dịch có liên quan hệ trọng đến sức khoẻ cả cộng đồng, còn phục hồi sản xuất liên quan đến đời sống kinh tế của cả đất nước, vậy làm sao có thể cân bằng hài hòa lợi ích hai vấn đề này. Trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ phải bảo đảm được ba mục tiêu chính: giảm thấp tổn thất mà dịch bệnh mang lại; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội; đưa cuộc sống sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, đây là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một chế độ tốt, một xã hội vì dân.
Căn cứ vào chiến lược lựa chọn của Chính phủ trong các thể chế kinh tế khác nhau, tác giả dựa trên lý thuyết trò chơi đã tiến hành phân tích lợi ích của DN và Chính phủ của việc khôi phục sản xuất. Khi phát sinh đại dịch, giữa lợi ích DN và lợi ích tổng thể xã hội có phát sinh mâu thuẫn, sự lựa chọn của DN với mục tiêu lợi nhuận có thể sẽ gây nên những mặt bất lợi cho xã hội. Thông qua sự can thiệp của Chính phủ dưới hình thức điều tiết vĩ mô, kiềm chế hành vi cá nhân, mới có thể bảo đảm lợi ích xã hội không bị tổn hại. Trong nền KTTT định hướng XHCN, những DN sản xuất ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích xã hội sẽ lựa chọn tạm ngừng sản xuất, những DN ảnh hưởng tích cực đến lợi ích xã hội được khôi phục sản xuất đồng thời lợi nhuận càng được nâng cao. Giai đoạn phát sinh đại dịch, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra các quyết định ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi ích kinh tế. Sự phục hồi sản xuất tại Việt Nam đảm bảo sẽ theo trật tự và thứ tự ưu tiên, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại, chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt. Hiện nay, dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, cuộc chiến chống lại dịch bệnh vẫn tiếp tục. Khi các quốc gia khác đang theo dõi cách phòng ngừa và kiểm soát của Việt Nam, mà còn đang học hỏi từ những lợi thế của thể chế kinh tế nước ta, cụ thể là tăng cường khả năng điều tiết và kiểm soát của Chính phủ đối với các DN, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cho cuộc khủng hoảng cộng đồng lớn hơn sau này.
Tài liệu tham khảo
1)      Aumann, R.J. & Hart, S. (1992). Handbook of game theory with economic applications. Amsterdam: North-Holland.
2)      Gibbons, R. (1997). An introduction to applicable game theory. Journal of Economic Perspectives, 11(1).
3)      Tạ Quang Đạo (2021), Cần nhìn nhận, đánh giá đúng kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam; https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/can-nhin-nhan-danh-gia-dung-ket-qua-phong-chong-dich-cua-viet-nam-584456.html.
 

 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (448), tháng 12/2021.)