Lồng ghép giới trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025

15/11/2021

TS. BÙI THỊ HÒA

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam,

DƯƠNG MINH THUẬN

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tóm tắt: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giải quyết những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hướng đến đối tượng, địa bàn xác định được phân bổ đầu tư công. Với đặc trưng về tác động bao trùm, toàn diện, giải quyết những mục tiêu rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người dân thuộc đối tượng tham gia và thụ hưởng Chương trình, các Chương trình MTQG cần hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có bình đẳng giới, một cách xuyên suốt và toàn diện. Lồng ghép giới trong Chương trình MTQG không chỉ giúp thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới đã đề ra, đảm bảo yêu cầu của Luật Bình đẳng giới, mà còn giúp các thành tựu của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo thực chất hơn, đảm bảo sự thụ hưởng công bằng, bình đẳng đối với các nhóm đối tượng của Chương trình.
Từ khóa: Lồng ghép giới, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2015-2020.
Abstract: The national target program is targeted on particular beneficiaries, specific areas, to allocate the public investments for socio-economic development goals. With the characteristic of comprehensive impacts, addressing clear goals, directly affecting people's lives, especially those who are the subjects participating and beneficiaries of the Program, the national target program should aim to realize the sustainable development goals, including gender equality, in a transparent and comprehensive manner. Gender mainstreaming in the national target program not only helps to realize the set gender equality goals and meets the requirements of the Law on Gender Equality, but also helps the achievements of both the national target programs on development of new rural communes and the national target program on poverty reduction are more substantive, ensuring fairness and equality of beneficiaries of the Program's target groups.
Keywords: Gender mainstreaming; national target program on new rural development; national target program on poverty reduction for the period 2015-2020
 XÂY-DỰNG-NÔNG-THÔN-MỚI.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tình hình thực hiện lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2015-2020
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới[1]. Tính đến năm 2019, cả nước đã huy động được 2.418.471 tỷ đồng để thực hiện Chương trình[2] và đến tháng 10/2019, cả nước đã có hơn 4.800 xã (54% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới – vượt mục tiêu 10 năm, không có xã dưới 5 tiêu chí[3]. Chương trình NTM đã hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân, trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội.
Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1%-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm và hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm[4]. Sau 5 năm triền khai, Chương trình đã huy động được 93.289,683 tỷ VNĐ[5], giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm trên 1,4%/năm[6]. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc xây dựng và thực hiện Chương trình MTQG vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện Chương trình. Đơn cử như, trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM, chỉ duy nhất tiêu 18.6 đề cập đến vấn đề giới – trên tổng số 49 chỉ tiêu; Chương trình MTQG về giảm nghèo, mặc dù đưa ra nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ” nhưng chưa được cụ thể hóa thành các cơ chế cụ thể, không có phân bổ ngân sách cho các ưu tiên về giới[7]. Điều này dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới trong đóng góp và thụ hưởng thành quả của các Chương trình MTQG. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 cần tăng cường lồng ghép giới, với cách  tiếp cận công bằng, bình đẳng trong xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện.
2. Kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025
2.1. Bảo đảm lồng ghép giới trong các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025
Lồng ghép giới vào các chỉ tiêu cụ thể của Chương trình MTQG là bước để hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới. Do khoảng cách giới giữa nam và nữ trong thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và nông thôn mới hiện đang nghiêng về phía bất lợi cho phụ nữ, cho nên cần xác định một số chỉ tiêu có nhạy cảm giới để giải quyết những bất lợi này, cụ thể như sau:
a)      Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo
Phụ nữ làm chủ hộ tham gia mô hình giảm nghèo: Với Chương trình MTQG giảm nghèo, cần bổ sung chỉ tiêu: “hỗ trợ thí điểm, phát triển 1 nghìn mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khi hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó có ít nhất 50% hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ tham gia mô hình giảm nghèo”. Việc bổ sung chỉ tiêu này, xuất phát từ thực tế ở khu vực nông thôn, nhiều phụ nữ (63% trong số lao động nữ) tham gia sản xuất nông nghiệp nhiều hơn nam giới (57% số lao động nam). Tuy nhiên, lao động nữ thường tham gia vào các công việc không chính thức hoặc nông nghiệp phụ trợ khiến họ có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng từ tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến nông nghiệp[8]. Bên cạnh đó, mặc dù là nhóm dễ tổn thương, phụ nữ cũng là nhóm ít có cơ hội tiếp cận nguồn lực nhằm ứng phó với các hiện tượng cực đoan[9].
Đảm bảo tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo: Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo hiện nay chỉ ở mức 20,3%, so với tỷ lệ 25% ở nam giới. Tỷ lệ việc làm trên dân số từ 15 tuổi trở lên đạt mức 70,3% ở nữ giới, thấp hơn 10 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương đương ở nhóm nam – như vậy, tồn tại khoảng cách giới đáng kể trong trình độ lao động của nam và nữ[10]. Để khắc phục bất cập này, cần bổ sung vào Chương trình MTQG chỉ tiêu: “Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 40% lao động nữ qua đào tạo; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%”. Đặc biệt, cần quan tâm đến đào tạo nghề -  Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã đưa ra chỉ tiêu tối thiểu lao động nữ được đào tạo là 40%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ 0,8% lao động nữ có việc làm đã qua lớp dạy nghề ngắn hạn, so với tỷ lệ 6,3% ở nam giới[11].
Hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể do nữ quản lý hoặc đông thành viên là nữ: Đối với Tiểu dự án 2: Đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo để nâng cao thu nhập cho người nghèo của Dự án 1: Giảm nghèo, cần bổ sung quy định về cơ chế thực hiện tiểu dự án “hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã) do phụ nữ quản lý hoặc có đông thành viên là nữ, ưu tiên các mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch bản địa… theo hướng mở rộng quy mô, liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ 4.0”. Qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội đã hỗ trợ 656 hợp tác xã, hơn 10.000 mô hình tổ hợp tác/ tổ liên kết, là bước chuẩn bị để hình thành hợp tác xã (HTX) trong thời gian tới. Thành công của các mô hình này đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong giảm nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc đưa nội dung trên vào Tiểu dự án 2 chính là nhân lên những kết quả từ thực tiễn, phát huy vai trò của người dân, trong đó có vai trò tự chủ của phụ nữ có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bổ sung nội dung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh: Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có tới 97% các nghề nghiệp trên thế giới cần đến kỹ năng số. Nếu phụ nữ không trang bị các kỹ năng công nghệ thông tin sẽ bị bỏ lại phía sau. Thực tế hiện nay cho thấy, phần đông phụ nữ vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa mạnh dạn bước vào cuộc cách mạng của thời đại. Tỷ lệ phụ nữ trong công nghệ thông tin là rất khiêm tốn; ở khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ này lại càng ít. Việc phụ nữ được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, làm ra những sản phẩm mới sẽ là một lợi thế và là xu thế phổ biến để giảm nghèo hiệu quả. Vì vậy, các tác giả cho rằng, cần bổ sung nội dung hỗ trợ người dân, trong đó có phụ nữ được tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh trong Tiểu dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nghèo của Dự án 1.
Cung cấp kiến thức qua ứng dụng số: Một trong những nguyên nhân nghèo đói là thiếu kiến thức về sản xuất, thiếu vốn, xong với tình trạng nghèo đa chiều, thì việc đưa những kiến thức về gia đình, về văn hóa, y tế, pháp luật… cho người dân là nội dung cần thiết. Vì vậy, trong Tiểu dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, cùng với các nội dung nâng cao năng lực cho người nghèo trên nền tảng số, các tác giả cho rằng, cần bổ sung nội dung: “cung cấp kiến thức tài chính và kiến thức thường thức về gia đình, chăm sóc sức khỏe cho hộ nghèo và người dân thông qua ứng dụng số”.
Hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán trở về: Đối với Dự án 3 Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, các tác giả cho rằng, cần  bổ sung hoạt động “hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán trở về”. Thực tế hiện nay cho thấy, một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực quy định trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình chưa phát huy hiệu quả, thì mô hình Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển nằm trong danh sách 08 cơ sở ứng phó với bao lực giới quốc gia thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Ngôi nhà bình yên là mô hình hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp, toàn diện, đang hướng tới vận hành theo cơ chế thân thiện, một cửa. Nếu nhân rộng mô hình này ở các địa bàn triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo sẽ góp phần bổ sung mạng lưới trợ giúp xã hội cho người nghèo rất phù hợp và thiết thực.
Cơ sở dữ liệu có phân tách giới tính: Các tác giả cho rằng, trong Dự án 4: Giám sát, đánh giá chương trình, cần bổ sung và thể hiện lại như sau: “Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, cơ sở dữ liệu đồng bộ và có phân tách theo giới tính và dự trên các vấn đề cụ thể về giới và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chương trình”. Việc giám sát, đánh giá để phát hiện sự khác biệt trong tiếp cận, và thụ hưởng của mỗi giới, để kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện. Ngoài ra, cần quy định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền vận động nhân dân, trong công tác giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
b) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới
Đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong công tác quy hoạch: Trong Nội dung 1.1. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch gắn với đô thị hóa, trong các nội dung rà soát điều chỉnh quy hoạch, là trách nhiệm của các Bộ chủ quản: Bộ xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần bổ sung quy định sự tham gia của người dân với cơ cấu, thành phần đảm bảo tính đại diện cho các giới, với tư cách là chủ thể, đối tượng thụ hưởng của chương trình.
Ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều phụ nữ là đối tượng hưởng lợi: Nội dung 1.2. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền có nhiều hợp phần rất thiết yếu với phụ nữ và trẻ em như các công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, chợ an toàn thực phẩm, giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tiếp cận thông tin, tham gia vào quá trình ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số ở nông thôn…
Đảm bảo tiếp cận dịch vụ y tế của nữ giới: Đối với Nội dung 1.5. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, cần chú ý đến khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em, cần nghiên cứu điều chỉnh các chính sách bảo hiểm gia đình, trong đó có chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn.
Quan tâm xây dựng gia đình nông thôn: Gia đình nông thôn giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt trong các chiến lược phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc. Vì vậy, cần quan tâm đến xây dựng gia đình nông thôn trong Nội dung 1.6. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Một mô hình có thể tham khảo là Mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu” do Hội Liên hiệp phụ nữ một số tỉnh, thành[12] triển khai thí điểm thời gian qua đã bước đầu mang lại hiệu quả phát triển kinh tế, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, trở thành nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 Không, 3 Sạch”: Nội dung 1.7. Nâng cao chất lượng môi trường… đã đề cập đến việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn, thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải ngay từ nguồn phát sinh. Tuy nhiên, cần phát huy vai trò tự quản, tự giác của người dân trong phân loại tái chế rác thải tại nguồn. Đặt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với vun đắp giá trị gia đình Việt Nam thành một vấn đề độc lập của Chương trình MTQG vì nội hàm của cuộc vận động này rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và gắn với gia đình Việt Nam.
Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Nội dung 1.9. đã đề cập đến việc nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, việc thiết kế các phong trào thi đua và cuộc vận động và giao cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì hướng dẫn như Dự thảo có thể tạo nên sự chồng chéo, tạo thành áp lực cho người dân, nếu không có sự “phân vai” phù hợp. Cần thiết kế theo yêu cầu mỗi tổ chức chính trị - xã hội đều có trách nhiệm xây dựng nông thôn mới thông qua thế mạnh trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tại địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, đối với Nội dung 1.11. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới; Truyền thông về xây dựng NTM, cần thống nhất bộ tiêu chí đánh giá, trong đó có các chỉ số giám sát, đánh giá về giới.
2.2. Giải pháp tổ chức thực hiện những chỉ tiêu về bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia
Lồng ghép giới vào Chương trình MTQG về xây dựng NTM và giảm nghèo cần được thúc đẩy bằng những cơ chế thực dụng nhằm đảm bảo những chỉ tiêu về bình đẳng giới không chỉ “nằm trên giấy”. Kinh nghiệm từ Chương trình MTQG về giảm nghèo cho thấy, bình đẳng giới trên nguyên tắc là chưa đủ mà phải cụ thể hóa thành những cơ chế cụ thể trong hướng dẫn thực hiện, phát triển nguồn lực và cơ chế giám sát. Cụ thể:
(i) Cần tăng cường lồng ghép giới trong hướng dẫn đánh giá các tiêu chí NTM, tiêu chí giảm nghèo như tiêu chí về kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, trợ giúp xã hội, hệ thống chính trị…
(ii) Đảm bảo việc phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới trong dòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cần được tính đến để đảm bảo thực thi các nhiệm vụ lồng ghép giới một cách hiệu quả.
(iii) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ điều phối và tổ chức thực hiện Chương trình là rất cần thiết, bao gồm nhận diện vấn đề giới, phát hiện các khoảng cách giới, đề ra các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới…
(iv) Thiết kế các chỉ số phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu đảm bảo lồng ghép giới một cách thực chất.
Tóm lại, Chương trình MTQG về xây dựng NTM và giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đã có “nhạy cảm giới” nhất định nhưng cách thức lồng ghép giới chưa hiệu quả, chưa tạo ra những thay đổi mang tính bền vững trong đảm bảo đóng góp và thụ hưởng thành quả giữa hai giới. Để thúc đẩy lồng ghép giới trong các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, cần đưa bình đẳng giới trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong thiết kế và thực thi Chương trình, đồng thời lồng ghép giới vào các chỉ tiêu trọng yếu của Chương trình và thúc đẩy thực thi bằng những cơ chế và quy định cụ thể./.
 

 


[1] Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 800/QĐ-TTG ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
[2] Ban Chỉ đạo TW các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020 (2019) Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Hội nghị Toàn quốc tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, http://nongthonmoi.gov.vn/Pages/tai-lieu-hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon--.aspx, truy cập  ngày 18/7/2021.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-3672, truy cập ngày 18/7/2021.
[4] Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
[5] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2020), Báo cáo số 87/BC-LĐTBXH ngày 30/6/2020 về tổng kết, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021- 2025.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-3672, truy cập ngày 18/7/2021.
[7] Australian Aid; VPQG về giảm nghèo-Bộ LĐ,TB-XH, CARE, Oxfam, SNV (2020), Bản Tóm tắt Báo cáo Đánh giá phân tích giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 – 2020), tr.17.
[8] UN Việt Nam (2017), Bản tóm lược gợi ý định hướng chính sách bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tr.10.
[9] Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, UNDP (2015), Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, tr.15.
[10] Tổng cục Thống kê (2020), Điều tra Lao động việc làm 2019.
[11] Tổng cục Thống kê (2020), Điều tra Lao động việc làm 2019.
[12] Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 07/2021.)