Tổ chức đời sống, xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê ở Tây Nguyên - cơ sở hình thành Luật tục

27/01/2022

TS. LÊ DUYÊN HÀ

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Tóm tắt:Tây Nguyên là địa bàn sinh sống lâu đời của 12 dân tộc thiêu số tại chỗ, trong đó có đồng bào dân tộc Êđê. Cộng đồng người Êđê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc của dân tộc Êđê đã phản ánh lên từ các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian. Dù cư trú ở địa bàn nào, cộng đồng Êđê đều sống thành từng buôn làng, gắn với canh tác nương rẫy và luôn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có văn hóa phi vật thể là luật tục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích tổ chức đời sống, xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê - cơ sở hình thành Luật tục của người Êđê.
Từ khóa:Tổ chức đời sống, xã hội truyền thống, Dân tộc Êđê, Luật tục của người Êđê.
Abstract: The Central Highlands is a long-lived area of ​​12 ethnic minority groups, including the Ede people. The Ede community is a resident that has existed for a long time in the Central Highlands. The original traces of the Ede people have been reflected in epics and in architectural arts and folk visual ones. Regardless of where they reside, the Ede community lives in villages, associated with shifting cultivation, and always preserves and promotes their traditional cultural values. It is the traditional cultural values ​​of the Ede people that have created the typical cultural features, in which the intangible culture is customary practices. Within the scope of this article, the author provides introduction and an analysis of the traditional social and life organization of the Ede ethnic group - the basis for the formation of the Ede customary practices.
Keywords: Life organization; traditional society; Ede people; the Ede customary practices.
 1_118.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Cơ cấu xã hội của người Êđê
   Cho đến nay, cộng đồng Êđê vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta. Với số dân 398.671 người[1], xếp thứ 12 trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đứng thứ hai trong số các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên (sau dân tộc Gia Rai), sống tập trung chủ yếu trên cao nguyên Ðắk Lắk; ngoài ra còn định cư ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên và Khánh Hòa. Cơ cấu xã hội cơ bản của người Êđêđó chínhlà làng. Trong xã hội truyền thống, buôn làng là tổ chức xã hội cao nhất của người Êđê, đời sống xã hội của đồng bào Êđê mang đậm dấu ấn của chế độ thị tộc mẫu hệ, tự quản. Danh phận của người phu nữ Êđê được xã hội tôn kính, đặc biệt là những người lớn tuổi. Theo phong tục của người Êđê, trước khi lập một buôn làng mới, các tộc người Êđê thường cử người có uy tín (thường là người phụ nữ đứng đầu dòng họ) đi tìm bến nước; người tìm ra bến nước được gọi là chủ bến nước và là chủ buôn làng (Pô Pin Êa). Họ phải là người có đức độ và tài năng, được cả cộng đồng tôn trọng, bảo vệ, giúp đỡ, người đó phải chịu sự ràng buộc và có nghĩa vụ với các thành viên của buôn làng. Bên dưới chủ bến nước là những chủ nhân nhà dài là người đàn bà cao tuổi và cao thế hệ nhất dòng họ, có trách nhiệm quản lý các thành viên sống trong nhà dài và tài sản của dòng họ. Do vậy, buôn làng khung xã hội cơ bản cho việc hình thành và vận hành của Luật tục Êđê. Về cơ bản, Luật tục Êđê là sản phẩm của xã hội truyền thống và do đó, nội dung của Luật tục phản ánh đặc trưng của văn hoá, xã hội truyền thống; trong đó tính tộc người được thể hiện khá rõ nét. Trong Luật tục Êđê, từ các quy định thưởng phạt, các lời khuyên răn ... đều gắn liền với phạm vi và cơ cấu tổ chức buôn làng. Và hình phạt nặng nhất đối với kẻ phạm tội là đuổi ra khỏi cộng đồng buôn làng. Thêm nữa, Luật tục Êđê từng tồn tại khá lâu dài, là sản phẩm của bản thân tộc người và trên một khía cạnh nhất định, nó còn mang tính địa phương và nhóm địa phương tộc người. Đây là một đặc trưng khá độc đáo của Luật tục không thể không lưu ý khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa Luật tục và pháp luật, giữa sắc thái địa phương và sắc thái tộc người, nhất là khi đưa các yếu tố pháp luật hiện đại vào cuộc sống.
2. Quan hệ xã hội cơ bản của người Êđê ở Tây Nguyên
Thứ nhất, quan hệ cộng đồng, tự quản của người Êđê.
   Trước năm 1975, đời sống xã hội của đồng bào Êđê mang đậm dấu ấn của chế độ thị tộc mẫu hệ. Mỗi gia đình lớn sống trong một ngôi nhà sàn dài từ 50-70m (có nhiều nhà dài hơn 100m), trong ngôi nhà đó có hàng chục gia đình nhỏ sinh sống, các tiểu gia đình cư trú trong mỗi ngăn phòng của ngôi nhà dài hợp thành đại gia đình mẫu hệ Êđê.
   Mối quan hệ cộng đồng đóng vai trò như rường cột trong đời sống của tộc người, mỗi thành viên coi mối quan hệ cá nhân với cộng đồng là mối quan hệ thiêng liêng. Dù là việc xảy ra trong một gia đình, một dòng họ như sinh, tử, kết hôn, ốm đau… mọi người đều ghé vai gánh vác xem như đó là việc chung của cộng đồng, cho đến những việc như, sửa sang bến nước, tế lễ thần linh hoặc hệ trọng hơn như bảo vệ an ninh cho buôn làng, các chủ hộ đều được chủ làng (chủ bến nước) mời tới bàn bạc và đóng góp. Trẻ mồ côi, người thiếu ăn, bệnh hoạn, đều được mọi người nâng đỡ, chở che. Lối sống dân chủ, bác ái ấy đã gắn bó con người lại với nhau, mỗi người, mỗi nhà đều tự coi là một thành viên không thể rời xa cộng đồng. Người Êđê coi cái chết không đáng sợ bằng việc họ bị ly khai ra khỏi cộng đồng. Vì thế, xuyên suốt 236 Điều trong Luật tục Êđê là tính cộng đồng với tinh thần bình đẳng, dân chủ, bác ái, quy định mối quan hệ này bao giờ cũng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và đoàn kết, cộng đồng bao giờ cũng được đặt cao hơn cá nhân và cá nhân thể hiện mình thông qua đời sống của cộng đồng[2].
   Chính những hành vi ứng xử trong xã hội truyền thống của người Êđê được quy định trong Luật tục, đã tạo ra các giá trị chuẩn mực cho cộng đồng dân tộc Êđê trong cuộc sống. Luật tục đã quy định rất rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cá nhân với cộng đồng, đồng thời cũng nêu rõ trách nhiệm của thân tộc đối với mỗi thành viên trong dòng họ, nhằm mục đích tạo nên sự bình đẳng giữa các thành viên. Không có sự phân biệt, ưu đãi tầng lớp trên, hoặc ngược đãi tầng lớp dưới trong mọi lĩnh vực của đời sống buôn làng. Luật tục cũng quy định các nguyên tắc về quyền lợi và nghĩa vụ, các mối quan hệ về giới, quan hệ trong gia đình, về rèn luyện thế hệ trẻ.
   Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, những yếu tố tiêu cực trong tính cộng đồng. Đó là tính cục bộ, khép kín. Vấn đề hiện nay là cần khai thác tính tự quản cộng đồng trong mối liên hệ rộng hơn, từ buôn làng mở rộng ra khu vực và quốc gia. Không nên gạt bỏ nó trong sự phát triển bền vững của đời sống xã hội hiện nay ở các buôn làng của người Êđê vùng Tây Nguyên.
Thứ hai, sự bình đẳng và dân chủ trong sinh hoạt cộng đồng của người Êđê.    
Mặc dù được hình thành và phát triển trong điều kiện xã hội lạc hậu, chậm phát triển nhưng người Êđê đã có ý thức xây dựng và phát triển một xã hội có tôn ti, trật tự và bền vững. Chính vì thế, Luật tục được xây dựng và có tác động đến nhận thức, hành vi của cộng đồng, tạo nên một trật tự cần thiết cho các hoạt động của đời sống xã hội. 
   Các thành viên trong buôn làng phải sống hòa thuận, giúp đỡ, tương trợ nhau khi có khó khăn, hoạn nạn; cùng nhau bảo vệ buôn làng; tham gia các hoạt động, nghi lễ chung của cộng đồng. Người đứng đầu phải biết chăm sóc, giúp đỡ cho các thành viên trong cộng đồng, mỗi khi có bất cứ khó khăn nào mà họ gặp phải trong cuộc sống; phải thật công tâm, bình đẳng không phân biệt đối xử trong mối quan hệ với tất cả mọi người: “Đối xử cho thật công bằng/ Đừng để người cao người thấp/Đừng để người giàu, người nghèo/ Phải  hoà nhã vui vẻ với buôn làng/ Phải đứng vững giữa hai hòn đá”; cũng không được cậy quyền thế, cứ sai là hét, cậy lớn áp bức; “Có việc gì cũng phải bàn với nhau/ Có việc gì sai chỉ bảo cho nhau/ Làm như vậy không ai thắc mắc”. Luật tục Êđê quy định về trách nhiệm giữa các thành viên trong cộng đồng cũng như trách nhiệm của người đứng đầu đối với cộng đồng. Họ sẽ bị coi là phạm tội nếu không chăm lo đến đời sống của cộng đồng; giấu giếm, ăn hối lộ, bưng bít cho những người và sự việc xấu xảy ra; không có nguyên nhân gì mà gây chiến, chiếm dân, chiếm đất của làng khác; lợi dụng chức quyền chà đạp hoặc làm điều oan uổng cho thành viên trong buôn làng.
   Những điều quy định trong pháp luật về dân chủ ở cấp xã hiện nay như vận động bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội, hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống gia đình, cộng đồng, xây dựng buôn làng văn hóa… là những điều đồng bào đã tự dặn nhau từ hàng trăm năm nay thông qua Luật tục. Mặc dù một số quy định của Luật tục còn mang tính dị đoan,  không phù hợp đời sống hiện đại, nhưng nếu loại bỏ được những tiêu cực, lạc hậu thì Luật tục Êđê sẽ phát huy được giá trị trong đời sống đương đại đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên hiện nay.
3. Không gian sinh tồn, đời sống kinh tế của người Êđê
   Không gian sinh tồn của một buôn làng Êđê bao gồm đất dựng nhà ở, đất làm khu nghĩa địa, đất làm nương rẫy, bãi thả gia súc, rừng săn bắn hái lượm, rừng thiêng và rừng đầu nguồn là nguồn lợi thiên nhiên to lớn về nguồn nước, lâm sản, săn bắn, hái lượm, phòng hộ mưa to gió lớn. Rừng là nguồn tài nguyên nuôi sống con người và được con người trân trọng, bảo vệ. Người Êđê có những quy định chặt chẽ về bảo vệ rừng, khai thác đất rừng, đất rẫy, tập tục làm rẫy, tục lệ trồng trỉa, các hoạt động săn bắt thú rừng, việc chặt phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, mạch nước ngầm. Tín ngưỡng, lễ nghi liên quan tới việc làm rẫy, bảo vệ rừng thiêng, tôn trọng và không được xúc phạm tới thần linh, các phong tục, tập quán và lễ nghi liên quan tới rừng núi. Tách ra khỏi môi trường sống đó thì điều kiện sinh tồn của họ sẽ bị phá vỡ. Điều này phản ánh rõ nét trong Luật tục của người Êđê quy định rất cụ thể về các hành vi cấm đốt, phá rừng. Điều 80 của Luật tục Êđê quy định: “Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem về cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất bị trói lại ngay, tay họ tất bị xiềng lại ngay…Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ”. Điều 231 của Luật tục Êđê cũng quy định: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar”, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử. Luật tục cấm mọi người không được làm gì ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng. Đối với hồ nước sinh hoạt của buôn làng thì cấm mọi người làm dơ bẩn nguồn nước. Nếu người nào vi phạm những điều cấm trên thì tuỳ theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế giàu nghèo sẽ bị phạt trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Giàng xin tha tội.
Bởi vậy, ngày nay, từ góc độ môi trường và văn hoá, muốn phát triển, phát huy được nền văn hoá cổ truyền của dân tộc phải bắt đầu từ vấn đề cơ bản nhất, đó là môi trường sinh tồn của tộc người ấy. Cùng với pháp luật của Nhà nước, các giá trị tiến bộ của Luật tục của dân tộc Êđê về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường như chăm sóc phát triển rừng đang phát huy tác dụng rất tốt trong đời sống cộng đồng. Khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng vận dụng những giá trị tích cực trong Luật tục vào việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Để những quy định của Luật tục về bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường, cần phát huy những mặt tích cực, những quy định phù hợp của Luật tục, đồng thời hạn chế, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong Luật tục, khắc phục hiện tượng lạm dụng Luật tục trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất Tây Nguyên.
4. Các quan hệ hôn nhân và gia đình của người Êđê
Trong xã hội truyền thống, quan hệ hôn nhân của người dân tộc Êđê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ chủ động trao vòng tay cầu hôn người đàn ông và cưới người chồng về cư trú, sinh sống tại nhà mình, con sinh ra mang họ mẹ, người con gái út lấy chồng có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ cho đến khi cha mẹ qua đời. Người chồng không được bỏ bê vợ con, chểnh mảng công việc làm ăn, hạn chế tình trạng ly hôn. Nhìn chung, quan hệ hôn nhân của người Êđê là tự nguyện, trai gái đến tuổi trưởng thành tự do yêu đương, tự do tìm hiểu người bạn đời của mình mà không phải chịu sức ép nào cả. Luật tục đã chỉ rõ điều đó: "Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên. Nếu hai người ưng nhau muốn lấy nhau thì vòng cứ đặt trên chiếu, tự họ họ sẽ cầm lấy, không một ai cầm trao cho họ"[3]. Người Êđê cho rằng, vợ chồng không được bỏ nhau, nếu người chồng là chủ buôn mà vợ chồng ly dị nhau, người chồng - chủ buôn sẽ mất chức chủ buôn, người vợ đảm nhận cho đến khi có chồng khác và trao lại cho người chồng đó. Trong hôn nhân, sống thủy chung là đòi hỏi chính đáng: "Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết, đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại"[4]. Đây là nét tiến bộ quan trọng trong quan hệ hôn nhân, điều đó có tác động tích cực trong việc củng cố quan hệ vợ chồng, gia đình, bảo vệ lợi ích của người phụ nữ.
Đối với gia đình, xã hội truyền thống của dân tộc Êđê rất trọng người già. Các bậc cao tuổi đều được con cháu trong ngôi nhà dài tôn trọng, kính nể. Mọi mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nội bộ gia đình thì gia đình tự thu xếp giải quyết. Quan hệ giữa các anh, chị, em ruột được răn dạy phải tuân theo phép tắc, không chỉ quy định hiếu lễ với cha mẹ, mà còn cả thái độ ứng xử đối với ông bà, với người già trong buôn làng. Các thành viên trong gia đình, trong đó cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con cái, con cái phải phụng dưỡng cha mẹ khi về già, người nào vi phạm đều bị phạt. Trong gia đình, các vấn đề quan trọng như việc mua bán các tài sản có giá trị thì đều có sự bàn bạc trước giữa vợ và chồng. Điều đó được phản ánh khá chi tiết trong Chương VI của Luật tục.
5. Cá nhân trong cộng đồng chịu sự điều chỉnh từ tín ngưỡng, tôn giáo
Cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, tộc người Êđê nói riêng, thần linh là một bộ phận quan trọng gắn liền với con người, với súc vật và cây cối. Họ tin rằng, mỗi con suối, núi đồi, bến nước, rừng cây … đều có bóng hình của các thần linh ngự trị. Xã hội Êđê cổ truyền, đời sống hiện thực của con người gắn chặt với tín ngưỡng tâm linh. Họ tin vào lực lượng siêu nhiên, các vị thần ở 3 tầng thế giới: Trời, mặt đất và trong lòng đất, và đặt ra hàng loạt những lễ thức cầu xin sự trợ giúp của các đấng thần linh để đạt được những ước nguyện của mình: mùa màng tươi tốt, tránh được hoạn nạn, buôn làng có nhiều niềm vui và hạnh phúc[5]. Sự gắn bó con người với các vị thần linh đã hình thành nên cơ chế tự điều chỉnh, con người cảm thấy có một lực lượng vô hình luôn kiểm tra, theo dõi và uốn nắn hành vi của họ.
Trong Luật tục của người Êđê, chúng ta thấy yếu tố thần linh đã được đưa vào các điều luật để điều chỉnh các quan hệ cộng đồng nhằm bảo vệ lợi ích chung, mọi tội lỗi đều quy về việc xúc phạm với thần linh, khiến thần linh tức giận mà gây tai họa cho cộng đồng. Do vậy, trong việc xử kiện, từ hình thức nhẹ tới hình thức nặng đều có nghi lễ “rửa tội” để tẩy sạch tội lỗi, tạ lỗi với thần linh. Thậm chí, đối với một số lĩnh vực để phân biệt đúng sai, người ta phải mượn tới phương pháp thần bí, mê tín. Xét cho cùng, ý nguyện của thần linh cũng là ý nguyện của cộng đồng. Người ta chú ý xin phép thần linh tha thứ cho việc gây ra tội lỗi và thề nguyền trước thần linh không tái phạm. Trong ứng xử của Luật tục, người ta không quá quan tâm tới sự công bằng cho từng cá nhân mà điều quan trọng hơn cả là lợi ích cộng  đồng. Điều này khiến cho Luật tục được thực hiện một cách tự giác.
 6. Vấn đề sở hữu và quyền sở hữu
Quan hệ cộng đồng của buôn làng hình thành trên cơ sở một nền sản xuất nương rẫy còn ở trình độ lạc hậu trong môi trường tự nhiên là rừng núi hoang sơ. Do vậy, trong xã hội truyền thống cũng như đương đại, trong đời sống xã hội buôn làng tồn tại hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân. Sở hữu tập thể được xác lập bao gồm tất cả những gì mang tính chất chung của cả cộng đồng buôn làng được hưởng lợi, trên mọi lĩnh vực và mọi phương diện. Đó là quyền sở hữu về lãnh thổ giữa các buôn làng. Chủ sở hữu tập thể chính là cộng đồng dân cư cùng chung sống trong phạm vi buôn làng. Ở đó, già làng, trưởng buôn là người đại diện quản lý về mọi mặt.
Đối với sở hữu cá nhân trong phạm vi buôn làng, các thành viên có quyền tự do khai thác, canh tác và sử dụng các nguồn tài nguyên để phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như trong sinh hoạt đời sống. Trong trường hợp ai đó muốn xâm canh, khai thác các tài nguyên thuộc sở hữu của buôn, làng, của cá nhân thì nhất thiết phải được buôn, làng và cá nhân là chủ sở hữu chấp thuận, bằng không sẽ bị coi là vi phạm Luật tục của buôn làng và sẽ phải bị phạt buộc bồi thường do hành vi vi phạm gây ra. Khi xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu thì các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được thì già làng, trưởng buôn, người có uy tín sẽ hoà giải. Trong trường hợp này, mỗi bên đều bị phạt gà, heo hoặc trâu bò và rượu cho làng tùy mức độ vi phạm.
7. Thay cho lời kết
Từ những cơ cấu xã hội, quan hệ xã hội cơ bản, tính chất nền sản xuất, thiết chế gia đình, tín ngưỡng... đã hình thành nên bản sắc văn hóa của người Êđê, trong đó có văn hóa pháp lý được thể hiện trong Luật tục của người Êđê. Mặc dù cuộc sống còn hoang sơ, nhưng sự hình thành Luật tục của người Êđê đã phản ánh nhu cầu khách quan là cần quản lý, phối hợp và điều chỉnh những mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng để duy trì sự tồn tại và phát triển. Trong quá trình đó, Luật tục đã dần dần được hình thành từ những kinh nghiệm được chắt lọc qua cuộc sống của nhiều thế hệ, góp phần tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc, cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức, pháp lý theo quan niệm của người Êđê.
   Ngày nay, cùng với sự biến đổi về kinh tế - xã hội, thực tế cho thấy, đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần và tâm linh của buôn làng truyền thống người Êđê cũng có nhiều biến đổi, từ nhà dài của đại gia đình sang nhà nhỏ của gia đình hạt nhân, có thêm nhà cộng đồng, ngoài bến nước có giếng nước và nhiều công trình công cộng khác... Hệ thống tín ngưỡng truyền thống đa thần, tôn thờ vạn vật hữu linh vốn ngự trị lâu đời trong các buôn làng dần dần được thay bằng tín ngưỡng độc thần của các tôn giáo du nhập như Công giáo và Tin lành; các nghi lễ vốn truyền thống trong gia đình, dòng họ và cộng đồng cũng dần thu hẹp cơ sở và điều kiện tồn tại của chúng... Tuy vậy, những biến đổi đó không phải đã là toàn bộ, mà ngược lại nhiều yếu tố truyền thống văn hóa đặc trưng của người Êđê là nền tảng quan trọng để Luật tục tiếp tục tồn tại và phát huy tác trong cộng đồng người Êđê trên vùng đất cao nguyên đại ngàn./.
 
 

 


[1] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, "Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2019.
 
[2] Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Luật tục Êđê, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
[3] Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn: Luật tục Êđê, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 114.
[4] Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Sđd, tr. 127.
[5] Vũ Thị Bích Hường, Luật tục Êđê nhìn từ góc độ văn hóa pháp lý, Tạpchí khoa học pháp lý số 2/2001.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(448), tháng 12/2021)