Bàn về sự sẵn sàng của các chủ thể tham gia hoạt động cải cách hành chính nhà nước

23/12/2021

THS. NGUYỄN NGỌC TOÁN

GVC.Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Sự sẵn sàng tâm lý và chủ động tích cực tham gia cải cách hành chính nhà nước của các chủ thể trong hệ thống chính trị và các chủ thể có liên quan sẽ góp phần quan trọng cho cải cách hành chính nhà nước đạt kết quả tốt đẹp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích một số khía cạnh liên quan đến sự sẵn sàng của các chủ thể tham gia cải cách hành chính nhà nước hiện nay và đưa ra các kiến nghị nhằm góp phần khơi dậy sự sẵn sàng của các chủ thể chưa sẵn sàng cải cách hành chính nhà nước.
Từ khóa: Sự sẵn sàng chủ động, cải cách hành chính nhà nước.
Abstract: Psychological willingness and active participation by concerned actors of the political system in administrative reform and the related ones may provide a significant contribution to the administrative reform with good achievements. Within the scope of this article, the author provides discussions and analysis of a number of aspects related to the psychological willingness entities participating in the current administrative reform and also provides a number of recommendations so that it is to raise the psychological willingness of those who are non-active actors of administrative reform.
Keywods: Psychological willingness; administrative reform.
CẢI-CÁCH-HÀNH-CHÍNH1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Sự sẵn sàng của Đảng và Chính phủ cho cải cách hành chính
Sự sẵn sàng tâm thế và ý chí của Đảng ta trong lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước thể hiện rõ nét và phát triển dần qua thời gian.
Về chính trị, lịch sử hiện đại nước Việt Nam cho thấy, mọi hoạt động về chính trị, quản trị công đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng thành pháp luật. Cải cách hành chính được Đảng ta đặc biệt quan tâm kể từ sau đổi mới 1986. Để cải cách hành chính được cam kết lâu dài và hiệu quả, sự chuẩn bị về chính trị và pháp lý một cách vững chắc là rất cần thiết.
Sự chuẩn bị của Đảng ta cho cải cách hành chính là tích cực, nhất quán và xuyên suốt từ khi đổi mới đến nay. Điều này thể hiện trong các quan điểm của Đảng được ghi nhận trong các văn bản chủ yếu như[1]:
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) tại Đại hội XI của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;
- Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khoá X: Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước;
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (15-18/12/1986): Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI;
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (24-27/6/1991): Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức VII; Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII 20-25/1/1994: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII); Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) ngày 23/01/1995: Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một buớc nền hành chính;
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (28/6 –1/7/1996): Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức VIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ngày 18/6/1997:Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) ngày 16/8/1999: Nghị quyết về một số vấn đề về tổ chức, bộ máy và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước;
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), ngày 18/3/2002: Nghị quyết về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Về sự sẵn sàng của Nhà nước mà trung tâm là Chính phủ trong công cuộc cải cách hành chính thể hiện rõ nét nhất về phương diện lập pháp và hành chính.
Về phương diện lập pháp, việc xây dựng hệ thống pháp luật phục vụ cải cách hành chính luôn được quan tâm ở mức độ cao, hầu như các đạo luật được ban hành từ những năm 2000 trở lại đây đều có nội dung hướng đến phục vụ mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, chủ yếu thể hiện trong các điều khoản về đơn giản hoá thủ tục giải quyết các công việc quản lý hoặc công khai, minh bạch trong các quy trình hoạt động của Nhà nước…
Về phương diện hành chính, việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ có thể nói là hết sức quy mô và có hệ thống.
Trước đây, chúng ta cũng đã có Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 đã được triển khai và nay tiếp tục thực hiện chương trình mới theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Vừa qua, chúng ta đã tổng kết Chương trình cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP và đang chuẩn bị tiếp tục ban hành chương trình cải cách hành chính trong giai đoạn mới.
Như vậy, điểm qua các tình tiết trên cho thấy, sự sẵn sàng của Đảng và Nhà nước trong cải cách hành chính nhà nước đã tạo ra sự chuẩn bị về chính trị và pháp lý cho cải cách hành chính ở Việt Nam là tương đối chu đáo và công phu; đặc biệt là sau giai đoạn 2001 – 2010 khi mà chúng ta triển khai chương trình cải cách hành chính nhà nước thứ hai 2011 – 2020.
Sự sẵn sàng của các chủ thể đảm trách các phương diện về chính trị và pháp lý nêu trên kéo theo hệ quả tất yếu là cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong lòng xã hội cũng như toàn bộ hệ thống chính trị, trung tâm là bộ máy hành chính nhà nước phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cải cách hành chính, phải chuẩn bị về tinh thần và vật lực cho tiến trình cải cách hành chính nhà nước.
2. Các chủ thể đã sẵn sàng và đang nỗ lực cải cách hành chính
Những cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp và có liên quan đến cải cách hành chính được mô tả trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, đặc biệt là hệ thống các cơ quan thuộc ngành nội vụ và các đơn vị có chức năng nội vụ trong các cơ quan quản lý theo các ngành trong hệ thống hành chính và trong bộ máy nhà nước.
Sự sẵn sàng và sự nỗ lực cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị này thể hiện trong chương trình công tác và các kế hoạch cụ thể, các báo cáo kết quả cải cách hành chính và những đóng góp, thành công nhất định cho công cuộc cải cách hành chính của đất nước ta thời gian qua[2].
Những cán bộ, công chức công tâm vì công vụ và hết lòng vì nhân dân phục vụ. Những chủ thể này, trên từng vị trí công việc họ luôn có ý thức hướng đến sự thuận lợi cho nhân dân khi giao dịch với hệ thống các cơ quan nhà nước; những chủ thể này luôn lấy lợi ích của nhân dân làm ‘chuẩn’ từ khi soạn thảo các văn bản quy định về quy trình, thủ tục giao dịch cho đến trực tiếp thực hiện, tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của nhân dân.
Có thể nói, toàn thể hệ thống các bộ phận hợp thành bộ máy nhà nước ta từ trung ương đến địa phương đều có những chủ thể như vậy và chiếm đa số hiện nay.
Nhìn chung, những chủ thể đã sẵn sàng, luôn sẵn sàng và sẽ tiếp tục sẵn sàng cải cách hành chính nêu trên đã có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp cải cách hành chính ở nước ta thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sự hài lòng cho nhân dân và sự bình yên cho xã hội. Tuy vậy, vẫn còn không ít những chủ thể chưa thật sự sẵn sàng cho công cuộc cải cách hành chính. 
3. Các chủ thể chưa sẵn sàng cải cách hành chính
Nhìn tổng thể, hầu như tất cả các chủ thể trong đời sống chính trị - xã hội đều đã sẵn sàng tham gia cải cách hành chính. Tuy vậy qua quan sát, tác giả cho rằng vẫn còn hai nhóm chủ thể sau chưa thật sự sẵn sàng cho công cuộc cải cách hành chính.
Nhóm thứ nhất: Những chủ thể “thoái hoá biến chất” trong hệ thống chính trị và nhất là trong bộ máy hành chính xem việc thực thi công vụ là cơ hội để tham nhũng, tư lợi.
Những chủ thể này chưa bao giờ sẵn sàng muốn cải cách hành chính thực sự; đối với họ, quy định về quy trình, thủ tục thực thi công vụ càng rắc rối, phức tạp, tù mù thì họ càng thích. Vì rằng, trong tình cảnh như vậy, trong thực thi công vụ, khi quan hệ với khu vực tư nhân hay thuộc cấp trong nội bộ nhà nước, họ có thể “tự tung tự tác” và “vin” vào lý do rằng thủ tục hành chính phức tạp nên cá nhân, tổ chức, danh nghiệp hay cấp dưới… muốn được giải quyết công việc cho nhanh thì phải “bôi trơn”, “chạy chọt”, “lót tay”… cho cán bộ, công chức hay cấp trên giải quyết công việc cho mình.
Những chủ thể này dường như có ở mọi cấp hành chính, từ trung ương đến địa phương, từ chuyên viên cho đến lãnh đạo các đơn vị trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong thi hành công vụ, dường như họ lờ đi những hoạt động cải cách hành chính và thực hiện cho có, chiếu lệ.
Dù số lượng chưa được thống kê chính xác, chỉ được phát hiện qua sự phản ánh của nhân dân, báo chí và gắn với những vụ việc cụ thể đã được “phanh phui”, mà hầu như không ngày nào chúng ta không thấy trên các phương tiện truyền thông phản ánh, đưa tin.
Nhóm thứ hai: Những chủ thể là bên thứ 2 trong giao dịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực thi công vụ như cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay cấp dưới có sự không minh bạch, thực hiện không đúng các yêu cầu của pháp luật trong giao dịch công để thu lợi bất chính.
Những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cấp dưới không đáp ứng các điều kiện để thực hiện các giao dịch công (thậm chí có khi họ không có quyền được thực hiện…), nhưng họ vẫn được đáp ứng và thường là từ những chủ thể thuộc nhóm thứ nhất nêu trên. Những chủ thể này thường có tâm lý giống với nhóm chủ thể thứ nhất vì họ biết rằng nếu theo “chuẩn mực” của pháp luật thì họ sẽ không bao giờ được giải quyết nguyện vọng, yêu cầu như cá nhân, tổ chức khác, nên họ thường không thích công khai, minh bạch giao dịch của họ; họ thích đi “cửa sau” và “len lén giữa khuya” để thực hiện việc bôi trơn, lót tay… nên thường được gọi là “đi đêm” khi giao dịch với cơ quan công quyền (ở đây cần phân biệt với những chủ thể khi giao dịch dù đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn cứ bôi trơn vì nghĩ đơn giản là thấy người ta làm thì cũng làm theo)[3].
Hai nhóm chủ thể chưa sẵn sàng cải cách hành chính nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau và có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng nhất định, chính các chủ thể này làm ảnh hưởng nghiêm trọng và suy giảm hiệu quả của cải cách hành chính nước ta nên cần được nhanh chóng thay đổi mức độ sẵn sàng của họ trong cải cách hành chính. Cũng từ những chủ thể này đã để lại những cảm xúc tiêu cực[4] trong lòng nhân dân về nền hành chính quốc gia và nhiều khi không dễ để chỉ ra sự thiếu thiện chí, thiếu tích cực trong thực thi công vụ và cải cách hành chính.
4. Một số kiến nghị nhằm góp phần khơi dậy sự sẵn sàng của chủ thể chưa sẵn sang cải cách hành chính
Một là, cần kiễn nhẫn thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể chưa sẵn sàng cải cách hành chính về sứ mệnh của nền công vụ.
Vì rằng “tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng”; do đó, cần tiếp tục tuyên truyền, tổ chức học tập, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ… để nhóm chủ thể thứ nhất học cách thay đổi và cùng với nhóm chủ thể thứ hai thay đổi tư duy về cải cách hành chính và nền công vụ, giao dịch công vụ mà mình đảm nhận giải quyết hoặc tham gia.
Hai là, xử lý nghiêm minh, triệt để hơn nữa các chủ thể vi phạm công vụ.
Chiếu theo chức trách trong Luật cán bộ, công chức và các quy định có liên quan buộc họ phải thực thi những yêu cầu, nhiệm vụ của cải cách hành chính. Thường thì hai nhóm chủ thể nêu trên tận dụng những thiếu sót về quy định thực thi công vụ để cùng nhau có lợi; song xu hướng chung là các chủ thể ấy sẽ bất chấp chuẩn mực của pháp luật trượt dài trên lợi ích bất chính của mình mà không có điểm dừng, nên khi phát hiện chúng ta cần xử lý nghiêm minh để phòng ngừa cho lần sau và cho chủ thể khác.
Ba là, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước cần phát huy vai trò của mình là người đứng đầu nhằm phát hiện và phân hoá hai nhóm chủ thể nêu trên để xử lý, theo hướng cán bộ, công chức phải xử lý thật nghiêm minh, thậm chí loại khỏi bộ máy, thay thế những người khác. Mặt khác, cần khước từ, thậm chí loại bỏ ra khỏi các giao dịch công những chủ thể trong khu vực tư nhân có biểu hiện lợi dụng sơ hở của các quy định để trục lợi khi tham gia các giao dịch công.
Bốn là, công khai, minh bạch thường xuyên và thực chất, phổ biến những trường hợp vi phạm trong giao dịch hành chính công, những người có biểu hiện chưa sẵn sàng cải cách hành chính để Nhân dân được biết. Trong các nền hành chính tiên tiến, kinh nghiệm cho thấy, áp lực từ dư luận xã hội là một động cơ thúc đẩy cán bộ, công chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ và thẩm quyền được trao, nhiều khi có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt từ phía Nhà nước..
Hình phạt có thể hà khắc nhưng nếu áp dụng và thực thi hình phạt một cách “âm thầm” và “lặng lẽ” thì các đối tượng vi phạm có thể bất chấp để tái phạm và có thể làm giảm tác dụng phòng ngừa, nhưng khi những vi phạm được công khai, có thể họ chùn bước trước dư luận xã hội, đồng nghiệp, gia đình và hàng xóm.
Chúng ta đang tiếp tục trên hành trình gia tăng tốc độ cải cách hành chính nhà nước, chương trình cải cách hành chính mới sắp được ban hành, việc số hóa nền quản trị quốc gia đang bắt đầu, nên có thể nói đây là cơ hội có một không hai để xây dựng thành công chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển. Do vậy, việc nhận diện những ai chưa sẵn sàng và tích cực cho công cuộc cải cách hành chính nước nhà để làm thay đổi, “cải thiện” sự sẵn sàng cải cách hành chính của họ là vấn đề cần quan tâm thường xuyên và thấu đáo./.
 

 


[2] Xem các Báo cáo kết quả cải cách hành chính cho thấy, sự nhiệt tình và chất lượng của rất nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương trong cải cách hành chính, http://caicachhanhchinh.gov.vn.
[3] Một nghiên cứu do World Bank tài trợ ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, có 17% số người được hỏi cho rằng "không đưa tiền thì không xong việc", 41% chỉ vì thấy người khác cũng làm thế, http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/1188757/dien-dan/mat-tien-con-hon-duong-dau-voi-thu-tuc-rac-roi-.html, truy cập ngày 20/10/2014.
[4] Xem những câu chuyện thực tế: Tấn công thủ tục hành dân; Cán bộ quan liêu, dân khổ!,http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200947/20091116011420.aspx, truy cập ngày 09/4/2021; Nhập hộ khẩu trễ hạn cho trẻ, thủ tục quá rắc rối, http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20120907/nhap-ho-khau-tre-han-cho-tre-thu-tuc-qua-rac-roi/510406.html, truy cập ngày 08/4/2021.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (442), tháng 9/2021.)