Số hóa và thách thức đối với tư pháp quốc tế

21/01/2022

PGS.TS. NGÔ QUỐC CHIẾN

Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương.

Tóm tắt: Nhiệm vụ của tư pháp quốc tế là đi tìm cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp và luật áp dụng. Tòa án và các bên có một công cụ là quy phạm xung đột, được ví như chiếc “la bàn” của những người đi tìm luật. Các quy phạm xung đột truyền thống thường dựa trên một điểm định vị hữu hình - tài sản hữu hình, bất động sản, quốc tịch, nơi cư trú... Tuy nhiên, sự xuất hiện của Internet và công nghệ 4.0 đã làm cho thế giới không chỉ trở nên “phẳng” hơn, mà còn làm cho đời sống con người trở nên “ảo”. Bối cảnh số hóa đó buộc pháp luật nói chung và tư pháp quốc tế nói riêng phải có tư duy mới về cách phân loại tài sản và các chế định dành cho chúng. Đối với người đi tìm luật, những chiếc la bàn truyền thống giờ không còn đủ hữu hiệu nữa, thêm vào đó phải là những chiếc GPS cho phù hợp hơn với môi trường số. Các quy định của tư pháp quốc tế truyền thống dựa trên điểm định vị hữu hình về nơi xảy ra hành vi hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi vi phạm đó vốn không còn hoàn toàn phù hợp với đời sống dân sự hiện nay[1] và trở nên kém hiệu quả với sự xuất hiện của Internet vì các trang web không biết đến “đường biên giới” và kéo theo đó là các vi phạm gắn liền với chúng cũng không có “phạm vi lãnh thổ”.
Từ khóa: Môi trườngsố, định vị, thẩm quyền xét xử, tư pháp quốc tế.
Abstract: The task of international law is to find the competent authority to resolve the dispute and the applicable law. The court and the parties have a tool that is conflict rule, which is likened to the "compass" of law seekers. Traditional conflict rules are often based on a tangible locator - tangible assets, real estate, nationality, residence... However, the emergence of the Internet and 4.0 technology has made the world not only becomes "flatter", but also makes people's life more "virtual". That digitalization context forces law in general and international private law in particular to rethink how assets are classified and the institutions for them. For law seekers, traditional compasses are no longer effective enough, in addition to GPS devices to better suit the digital environment. The conflict rules are based on a tangible locator of the place where an act occurred or where the actual consequences of that violation arise, which are no longer fully relevant to contemporary civil relations. Currently, it has become even less effective with the advent of the Internet because websites know no “the borders” and consequently the violations associated with them are also not “territorial in scope”.
Keywords: Digitalization; location; jurisdiction; private international law.
Untitled_687.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
1. Định vị vật và hành vi trong môi trường số
Các tiến bộ công nghệ đã dẫn tới nhiều thay đổi quan trọng trong cách mà con người nhìn nhận về thế giới. Nhiều khái niệm truyền thống của tư pháp quốc tế cũng vì thế mà thay đổi theo, dẫn tới các hệ thuộc luật mà tư pháp quốc tế hiện đại sử dụng để định vị các mối quan hệ cũng phải được thay đổi để thích ứng với môi trường số. Trong đó, việc định vị vật cũng như định vị mối quan hệ pháp lý trở nên khó khăn hơn.
1.1. Định vị vật trong môi trường số
Hệ thuộc nơi có vật (lex loci situs) là một hệ thuộc luật cơ bản trong tư pháp quốc tế. Ban đầu, hệ thuộc nơi có vật thường được sử dụng để xác định luật áp dụng đối với các quan hệ liên quan đến tài sản, nhưng sau đó được sử dụng mở rộng cho việc xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp cũng như thẩm quyền xét yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định dân sự nước ngoài. Hệ thuộc luật nơi có vật đòi hỏi trước hết phải xác định được vật đó thuộc loại nào (hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản) và chúng đang ở đâu.  
Trước đây, tài sản - đối tượng của các quan hệ pháp lý - tồn tại chủ yếu dưới dạng hữu hình, tức là những vật mà người ta có thể nhìn thấy, sờ mó và tác động đến chúng bằng các giác quan của mình. Pháp luật dân sự phân chia tài sản hữu hình thành hai loại là động sản và bất động sản, và người ta có thể dễ dàng định vị chúng trong không gian. Nguyên tắc này tồn tại phổ quát và được áp dụng đối với mọi vật hữu hình, chỉ với một vài ngoại lệ liên quan đến một số tài sản đặc biệt như tàu bay và tàu biển. Những loại tài sản này có khả năng di chuyển ở các vùng không thuộc các quốc gia nào và vì vậy, gắn vị trí địa lý của chúng với một biên giới quốc gia là điều không khả dĩ, nên người ta thường sử dụng hệ thuộc luật nơi tàu bay, tàu thủy đăng ký để xác định luật áp dụng đối với các quan hệ phát sinh trên tàu bay và tàu biển đang di chuyển.
Tuy nhiên, ngày nay có những tài sản mà việc khẳng định chúng là vô hình hay hữu hình trở nên không chắc chắn. Ví dụ, các loại áng sáng, sóng (điện thoại, radio…) và năng lượng do con người tạo ra và khai thác nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Bằng mắt thường, người ta không thể nhìn được chúng, nhưng với các phương tiện khoa học kỹ thuật người ta có thể “thấy” chúng, sờ mó chúng và tác động đến chúng. Các vật này là lưỡng tính so với khả năng cảm nhận của con người nên cách phân loại truyền thống về hữu hình (nhìn thấy được, sờ mó được) và vô hình (không nhìn thấy được, không sờ mó được) không còn phù hợp đối với loại tài sản này[2]. Pháp luật chưa đưa ra một phân nhóm thứ ba và cũng không chấp nhận có những vật lưỡng tính “vô hình - hữu hình”. Vì vậy, người ta thường ghép chúng vào một nhóm hoặc vô hình hoặc hữu hình. Ví dụ, ở Québec (Canada), pháp luật coi các loại sóng và năng lượng do con người kiểm soát và khai thác, ví dụ sóng điện thoại, sóng radio,… như một tài sản thuộc nhóm động sản hữu hình[3].
Cùng với thời gian, xuất hiện thêm các loại tài sản “vô hình” hay tài sản “phi vật chất” mà sự tồn tại của chúng chỉ có thể được xác định về mặt pháp lý. Ví dụ, quyền đòi nợ và các quyền sở hữu trí tuệ. Sự xuất hiện về mặt pháp lý của các loại tài sản này đã đặt ra rất nhiều vấn đề về định danh tài sản cũng như xác định vị trí của tài sản. Ví dụ, ở Québec Canada, các khoản nợ và quyền đòi nợ được coi là “động sản hữu hình” và có thể định vị ở nơi cư trú của người mắc nợ[4]. Tương tự, đối với tài sản sở hữu trí tuệ, loại tài sản này chỉ tồn tại về mặt pháp lý và vì vậy, người ta có thể định vị chúng ở nơi chúng được đăng ký.
Với sự xuất hiện của Internet và công nghệ số, một loạt các loại vật hay tài sản ảo (tiền ảo), và các loại quan hệ “ảo” (mart contract), làm cho việc định vị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ngoài ra, còn có các loại nhà, cửa, công trình xây dựng, trang trại “ảo”… được xây dựng hoặc chế tạo trong môi trường số bởi những người tham gia các trò chơi điện tử và có thể được trao đổi để thu về tiền thật. Nhiều nước vẫn chưa công nhận chúng là một loại tài sản như được định nghĩa theo cách truyền thống trong các luật về tài sản. Một số nước khác bắt đầu công nhận và có những thử nghiệm bước đầu về việc sử dụng cũng như đưa ra các quy định pháp lý để điều chỉnh chúng[5]; nhưng dù có được các quốc gia thừa nhận hay không thừa nhận thì các quan hệ liên quan đến các “tài sản ảo” vẫn diễn ra rất sôi động hàng ngày[6]. Các giao dịch tiền ảo, dù pháp luật không quy định, vẫn tạo ra các quan hệ giữa người với người và được hiện thực hóa thông qua các tài sản pháp định (như USD, Euro và cả VND). Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, dù muốn hay không, các cơ quan nhà nước vẫn phải giải quyết. Khó khăn trong những loại quan hệ này không chỉ ở việc định vị và định danh tài sản mà còn cả ở định danh quan hệ pháp lý và các chế định pháp luật cần được áp dụng để điều chỉnh chúng[7].
Ở Việt Nam, cách định danh và phân loại tài sản có một số điểm không giống như các nước châu Âu. Sau khi liệt kê những gì có thể được coi là tài sản[8], pháp luật Việt Nam chia tài sản thành hai nhóm là động sản và bất động sản, mà không phân loại thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tương tự, trong quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam cũng chỉ quy định về luật áp dụng đối với phân loại tài sản thành động sản và bất động sản. Cụ thể, Điều 667 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản tuân theo pháp luật của nước nơi có tài sản”. Cách định danh tài sản và xác định luật áp dụng đối với quan hệ tài sản như trên chỉ phù hợp với những tài sản hữu hình vốn có thể được định vị trong một không gian vật lý. Trong khi các quan hệ tài sản vô hình đang ngày càng trở nên đa dạng hơn thì quy định về luật áp dụng đối với tài sản sở hữu trí tuệ ở Điều 679 BLDS năm 2015[9] là chưa đủ, bởi tài sản vô hình có rất nhiều loại khác nhau, chứ không chỉ gồm tài sản sở hữu trí tuệ. 
1.2. Định vị hành vi trong môi trường số
Tư pháp quốc tế thường sử dụng hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (lex locus actum) như một điểm quy chiếu để xác định luật áp dụng đối với hình thức của quan hệ[10]. Ví dụ, khoản 2 Điều 680 BLDS năm 2015 quy định: “Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập”. Nơi thực hiện hành vi cũng được sử dụng để xác định luật áp dụng điều chỉnh nội dung của một số quan hệ. Ví dụ, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại[11].
Tất cả những quy định trên đều chỉ phát huy được hiệu quả khi người ta định vị được hành vi trong không gian vật lý. Tuy nhiên, việc định vị hành vi trong một thế giới mà quan hệ dân sự đang ngày càng phức tạp hơn là điều hoàn toàn không hề dễ dàng. Một ví dụ xảy ra ở Canada cho chúng ta thấy điều này.
Trong vụ tranh chấp Royal Bank of Canada c. Capital Factors Inc., Tòa cấp cao Montréal, để xác định xem mình có thẩm quyền xét xử yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay không, đã phải định vị lỗi của bị đơn vì đã quên thực hiện một nghĩa vụ mà lẽ ra anh ta đã phải thực hiện. Làm sao có thể định vị một cái gì đó đã không xảy ra, bởi bản chất của sự quên này dẫn tới thực tế là đã không xảy ra một hành động? Trong vụ việc này, Tòa cấp cao đã định vị sự không hành động đó vào một địa điểm vật lý là nơi mà người có quyền lẽ ra đã phải đưa ra yêu cầu đối với người có nghĩa vụ[12]. Quan điểm này của Tòa án gây rất nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, người ta có thể gán cho “hành vi không hành động” này vị trí của nơi người có quyền cư trú hoặc nơi mà lẽ ra nghĩa vụ phải được thực hiện.
Vấn đề còn trở nên phức tạp hơn nhiều khi mà các hành vi được thực hiện trong môi trường Internet. Ví dụ, hai công dân Thụy Sỹ đã ký hợp đồng hôn nhân có thời hạn 42 tháng tự động gia hạn nếu không bên nào phản đối, nhưng hợp đồng này không được ký kết bằng các cách thức thông thường và đăng ký với cơ quan nhà nước, mà được ký kết và lưu trữ trên Blockchain[13]. Tuy chưa được pháp luật Thụy Sỹ bảo vệ, nhưng nhiều người trẻ ở Thụy Sỹ cho rằng việc này là “thú vị” và có thể sẽ làm điều tương tự như cặp vợ chồng trên. Và nếu việc này trở nên phổ biến thì pháp luật sẽ phải tính đến để điều chỉnh chúng.
2. Xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp trong môi trường số theo tư pháp quốc tế Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định chuyên biệt về xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp mà hành vi được thực hiện trong môi trường số. Thẩm quyền tài phán dân sự quốc tế của tòa án Việt Nam được xác định chủ yếu dựa trên Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 và một số quy định trong các văn bản luật chuyên ngành như: Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng... Theo quy định của pháp luật, Tòa án Việt Nam xét xử các tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, bị đơn có nơi cư trú (đối với cá nhân) hoặc có trụ sở (đối với pháp nhân) ở Việt Nam.
Thứ hai, bị đơn có tài sản ở Việt Nam[14]. Ở đây cần lưu ý đến tình tiết, bị đơn có tài sản ở Việt Nam là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền, mà không nhất thiết tài sản đó là đối tượng của tranh chấp.
Thứ ba, các quan hệ phát sinh tranh chấp đã được xác lập, thay đổi, chấm dứt ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ (tài sản hoặc nghĩa vụ cần thực hiện) ở Việt Nam, dù các bên trong quan hệ đó hoàn toàn là các chủ thể nước ngoài. Tương tự, các vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền[15].
Như vậy, các quan hệ pháp lý xảy ra tại Việt Nam hoặc phát sinh hậu quả trên lãnh thổ Việt Nam là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền.
Các trường hợp trên xác lập thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam đối với mọi vụ việc nói chung, dù đó là các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hay ngoài hợp đồng.
Trong một số quan hệ chuyên biệt, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam cũng được xác định dựa trên dấu hiệu nơi xảy ra hành vi hoặc nơi phát sinh hậu quả của hành vi. Cụ thể, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba trên mặt đất nếu thiệt hại xảy ra tại Việt Nam[16]. Trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại do tai nạn đâm va giữa tầu thủy, các bên được quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hoặc tòa án). Trường hợp các bên không lựa chọn thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử nếu căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ giữa các bên theo pháp luật Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở Việt Nam[17]. Tương tự, trong các tranh chấp về bồi thường thiệt hại về môi trường, các bên cũng có thể lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thì thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được xác định theo các nguyên tắc chung của Bộ luật Tố tụng dân sự[18].
Để áp dụng được các quy định nêu trên, điểm mấu chốt là phải xác định được nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc nơi phát sinh hậu quả của hành vi vi phạm. Trong môi trường số, việc xác định nơi phát sinh hậu quả của hành vi vi phạm không dễ dàng. Ví dụ, một doanh nghiệp của nước ngoài thực hiện quảng cáo thông qua Internet nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm của một doanh nghiệp Pháp có chi nhánh và hoạt động bán hàng tại Việt Nam, liệu Tòa án Việt Nam có thẩm quyền không? Trong trường hợp này, bị đơn là doanh nghiệp nước ngoài, có trụ sở ở nước ngoài nên Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền dựa trên dấu hiệu nơi bị đơn cư trú/có trụ sở[19]. Nếu dựa vào dấu hiệu nơi phát sinh quan hệ gây tranh chấp thì cũng khó khẳng định rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền bởi hành vi quảng cáo gây tranh chấp thực hiện trên Internet có máy chủ ở nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài. Nếu dựa vào nơi phát sinh hậu quả thì Tòa án Việt Nam cũng không có thẩm quyền bởi vì doanh nghiệp của Pháp không có trụ sở tại Việt Nam[20].
 Việc xác định nơi xảy ra hành vi vi phạm trong không gian mạng là rất khó khăn, bởi một thông tin được phát tán trên mạng tại một quốc gia có thể được truy cập bởi tất cả các máy tính kết nối mạng ở mọi quốc gia khác có Internet. Nơi thực hiện hành vi gây thiệt hại là nơi cư trú của người thực hiện hành vi, hay nơi có máy chủ chứa đựng trang web phát tán thông tin gây thiệt hại, hay nơi người ta có thể truy cập được thông tin gây thiệt hại?
Ví dụ, một công ty A của Việt Nam chuyên sản xuất đồng hồ phát hiện thấy một trang web của công ty B chào bán qua mạng các mẫu đồng hồ giống với các sản phẩm của mình, nhưng với giá thấp hơn. Theo A, B đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu đây là hành vi liên quan đến hai công ty của Việt Nam thì Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền xét xử và sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nếu B là công ty của nước ngoài. Làm thế nào để biết hành vi cạnh tranh không lành mạnh có xảy ra ở Việt Nam hay không?
Nếu cho rằng, trang web đó có thể truy cập được tại Việt Nam, như vậy Tòa án Việt Nam có thẩm quyền, thì một suy luận rộng hơn sẽ cho phép khẳng định Tòa án tất cả các nước trên thế giới[21] đều có thẩm quyền, vì web không biết đến đường biên giới quốc gia[22]. Giải pháp này có thể dẫn tới hiện tượng forum shopping, nghĩa là nguyên đơn sẽ chọn Tòa án của quốc gia nào có lợi nhất cho mình, chứ không phải Tòa án của quốc gia có mối liên hệ mật thiết với vụ việc.
Nếu cho rằng, nơi thực hiện hành vi là nơi đặt máy chủ chứa trang web đối tượng gây tranh chấp thì sẽ dẫn tới chỉ Tòa án của một số ít các quốc gia có thẩm quyền xét xử, trong khi tranh chấp có thể không hề có mối quan hệ nào đối với quốc gia đó.
Liệu có thể sử dụng tiêu chí tên miền làm dấu hiệu xác định thẩm quyền? Chẳng hạn, một trang web phát tán thông tin gây tranh chấp có tên miền là “.fr” thì Tòa án Pháp có thẩm quyền xét xử. Tương tự, nếu tên miền đó là “.vn” thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng không xác đáng. Bởi lẽ, không nhất thiết một trang web có tên miền của một quốc gia là hành vi vi phạm xảy ra tại quốc gia đó. Trên thực tế, có nhiều trang web sử dụng tên miền không phải của quốc gia mà trang web đó sử dụng máy chủ[23]. Ngoài ra, có những tên miền bao trùm một phạm vi địa lý lớn hơn quốc gia[24], hoặc không có liên quan gì đến lãnh thổ địa lý[25].
Liệu có thể coi ngôn ngữ mà trang web gây tranh chấp sử dụng là tiêu chí xác định thẩm quyền (chẳng hạn, thông tin trên trang web được viết bằng tiếng Việt thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền)? Tiêu chí này cũng không thỏa đáng; bởi lẽ, điều này sẽ dẫn đến tập trung thẩm quyền cho Tòa án các nước Anh-Mỹ, vì rất nhiều trang web kinh doanh, kể cả ở Việt Nam, sử dụng tiếng Anh.
3. Kinh nghiệm một số nước về xác định thẩm quyền xét xử đối với tranh chấp trong môi trường số và gợi mở cho Việt Nam
3.1. Kinh nghiệm của Pháp
   Công ty Champagne Louis Roederer của Pháp là chủ sở hữu nhãn hiệu Christal. Công ty Castellblanch của Tây Ban Nha được quyền sử dụng nhãn hiệu này trên lãnh thổ Tây Ban Nha và đã khai thác nhãn hiệu này trên một trang web viết bằng tiếng Tây Ban Nha có thể truy cập được không chỉ từ Tây Ban Nha mà còn cả ở Pháp. Năm 2003, cho rằng việc Công ty Castellblanch sử dụng nhãn hiệu này trên trang web có thể làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa sâm-panh của Pháp và vang sủi của Tây Ban Nha, Công ty Champagne Louis Roederer của Pháp đã yêu cầu công ty Castellblanch không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu này trên Internet. Sau khi yêu cầu không thành công, công ty Champagne Louis Roederer của Pháp đã kiện công ty Castellblanch của Tây Ban Nha trước Tòa Đại hình Reims, Pháp. Công ty Castellblanch đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Pháp với hai lập luận chính, đó là: i) Tòa án có thẩm quyền phải là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở (như vậy không phải Tòa án Pháp mà Tòa án Tây Ban Nha có thẩm quyền), và ii) Thiệt hại ở Pháp chỉ ở dạng tiềm năng. Tuy nhiên, lập luận này đã không được cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm của Pháp chấp nhận. Công ty Castellblanch đã kháng cáo lên Tòa tối cao Pháp. Trong vụ việc này, vì cả Pháp và Tây Ban Nha đều là thành viên của Công ước Bruxelles ngày 27/09/1968, nên Công ước này được áp dụng. Điều 5§3 Công ước Bruxelles quy định rằng ngoài thẩm quyền chung là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở thì “một người cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên có thể bị khởi kiện tại một quốc gia thành viên khác… : 3) liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trước Tòa án của nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại”. Công ty Castellblanch lập luận rằng, Điều 5§3 của Công ước Bruxelles chỉ được áp dụng khi đã có một thiệt hại đã xảy ra trong thực tế chứ không phải một thiệt hại có thể xảy ra trên lý thuyết. Theo quan điểm của Castellblanch, để thiệt hại xảy ra trên lãnh thổ Pháp, thì cần phải có một sự phát tán thông tin quảng cáo một cách chủ động và thực sự trên lãnh thổ Pháp chứ không phải chỉ đơn thuần là khả năng mà một người có thể đọc được trên một trang web từ một máy tính nằm ở Pháp. Tuy nhiên, lập luận này đã bị Tòa án tối cao Pháp bác bỏ khi cho rằng, “trang web này, dù phát tán thông tin quảng cáo một cách thụ động, nhưng có thể truy cập được trên lãnh thổ Pháp, nên có thể kết luận rằng thiệt hại từ việc phát tán thông tin này không phải là ảo cũng không phải là tiềm năng”[26].
Như vậy, Tòa tối cao Pháp đã thiết lập một nguyên tắc; theo đó, Tòa án Pháp có thẩm quyền đối với mọi vụ việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà hành vi vi phạm được thực hiện thông qua Internet nếu trang web có thể truy cập được từ lãnh thổ Pháp[27]. Nguyên tắc này rõ ràng là không phù hợp, bởi nó cho phép Tòa án Pháp có thẩm quyền gần như đối với tất cả các tranh chấp phát sinh trên Internet.
Chính vì thế, trong một bản án tuyên ngày 9/3/2010, Tòa tối cao Pháp cho rằng, việc một trang web gây tranh chấp có thể truy cập được ở Pháp chưa đủ làm căn cứ để xác lập thẩm quyền tài phán quốc tế cho Tòa án Pháp; để Tòa án Pháp có thẩm quyền thì trang web phải hướng tới người tiêu dùng ở Pháp; để xác định xem trang web có hướng tới người tiêu dùng Pháp hay không, Tòa dựa vào ngôn ngữ mà trang web đó sử dụng và khả năng hàng hóa được chuyển đến người mua trên lãnh thổ Pháp[28].
3.2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ
Một công ty tại bang New York có cơ sở kinh doanh dịch vụ hộp đêm nổi tiếng mang tên Blue Note[29]phát hiện thấy tại bang Missouri một công ty khác cũng sử dụng nhãn hiệu The Blue Note cho cửa hàng và cho trang web của mình để kinh doanh trong cùng lĩnh vực. Công ty tại New York đã kiện công ty tại Missouri ra Tòa án bang New York vì xâm phạm nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh. Cả Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm đều tuyên bố không có thẩm quyền xét xử theo các quy định của pháp luật của bang New York. Về nơi xảy ra hành vi vi phạm, Tòa phúc thẩm cho rằng tất cả các hành vi của bị đơn đều xảy ra tại Missouri. Mặc dù trang web này có thể truy cập được tại bang New York, nhưng đối tượng nhắm tới không phải là khách hàng tại New York, và như vậy Tòa án ở New York không có thẩm quyền. Còn về lập luận thẩm quyền theo nơi xảy ra thiệt hại, Tòa phúc thẩm cho rằng, mặc dù thông tin quảng cáo hộp đêm có thể truy cập được ở các Bang khác, nhưng hộp đêm đó nằm tại Missouri và trang web không bán vé điện tử, nên không thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đến hộp đêm ở New York. Vì hai doanh nghiệp kinh doanh ở hai khu vực địa lý khác nhau, nên ảnh hưởng của quảng cáo lên doanh thu của công ty tại New York là không tồn tại, và Tòa án New York không có thẩm quyền xét xử. Như vậy, theo Tòa phúc thẩm New York, việc truy cập đơn thuần thông tin trên web không cấu thành căn cứ đầy đủ để xác định thẩm quyền. Một suy luận ngược lại sẽ cho thấy rằng, nếu trang web đó chủ ý nhắm đến khách hàng tại New York và có tính tương tác với khách hàng để cho phép khách hàng mua hàng qua mạng thì thiệt hại có thể xảy ra tại New York, và Tòa án của New York có thẩm quyền. Tất nhiên, đây là vụ việc xảy ra trong nội địa của Hoa Kỳ, nhưng nếu xảy ra một vụ việc tương tự khác có yếu tố nước ngoài thì giải pháp trên vẫn có thể được áp dụng. Như vậy, Tòa án Hoa Kỳ cho rằng, việc một trang web có thể truy cập được tại một bang chưa đủ để xác định rằng Tòa án của bang đó có thẩm quyền. Để Tòa án của một bang nào đó có thẩm quyền thì ngoài việc trang web gây tranh chấp có thể truy cập được tại bang đó, còn cần phải thỏa mãn thêm điều kiện là hoạt động gây tranh chấp được hướng một cách có chủ ý tới bang này.
3.3. Những gợi mở cho Việt Nam
Internet đã “phá vỡ” đường biên giới quốc gia truyền thống, khiến cho việc định vị hành vi và hậu quả của hành vi trở nên khó khăn hơn. Tư pháp quốc tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, vẫn chỉ sử dụng các hệ thuộc luật truyền thống vốn chỉ phù hợp với các hành vi xảy ra trong không gian thực, nên không phải lúc nào cũng phù hợp với các hành vi xảy ra trong môi trường “ảo”. Việc phân tích án lệ ở nước ngoài cho thấy, khó có hệ thuộc luật nào hay một tiêu chí cụ thể nào cho phép xác định thẩm quyền tài phán phù hợp cho tất cả các tranh chấp mà hành vi được thực hiện trên Internet. Chỉ có thẩm phán, khi đối diện với từng trường hợp cụ thể, mới là người có khả năng xác định thỏa đáng nhất cần lựa chọn hệ thuộc luật nào cho phù hợp. Khi hành vi vi phạm được thực hiện thông qua Internet, Tòa án Việt Nam cần xem xét hành vi vi phạm nhắm tới đối tượng nào, ở quốc gia nào, thiệt hại xảy ra ở đâu. Nếu đối tượng được nhắm tới là người Việt Nam ở Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền. Tòa án Việt Nam có thể sử dụng tất cả các dấu hiệu có liên quan đến vụ việc để xác định thẩm quyền của mình. Phương pháp này sẽ giúp Tòa án Việt Nam xác định được tòa án Việt Nam có thẩm quyền một cách thỏa đáng nhất trong các vụ việc cụ thể. Khi các tiêu chí và phương pháp xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam phù hợp với đa số các quốc gia trên thế giới thì bản án của Tòa án Việt Nam sẽ tăng cơ hội được công nhận và cho thi hành tại nước ngoài./.
 

 


[1] Ví dụ, hành vi xảy ra ở một quốc gia nhưng hậu quả có thể phát sinh ở nhiều quốc gia.
[2] Brault Nicolas, “Le droit applicable à Internet: de l'abîme aux sommets”, LEGICOM, 1996/2 (n° 12), p. 1-15. DOI : 10.3917/legi.012.0001.
[3] Điều 906 Bộ luật Dân sự Québec quy định: “Các sóng và năng lượng do con người kiểm soát và sử dụng được coi là động sản hữu hình mà không phụ thuộc nguồn phát của chúng là động hay tĩnh” (Sont réputées meubles corporels les ondes ou l’énergie maîtrisée par l’être humain et mises à son service, quel que soit le caractère mobilier ou immobilier de leur source).
[4] [5] Ví dụ, El Salvador đã chấp nhận bitcoin là loại tiền tệ hợp pháp sau khi Quốc hội nước này, ngày 9/6/2021, đã phê chuẩn đề xuất của Tổng thống Nayib Bukele về việc chấp nhận tiền điện tử với 62/84 phiếu thuận. 
[6] Ví dụ, chỉ riêng đối với Bitcoin, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 6/2021, tháng ghi nhận giá trị giao dịch thấp nhất trong 6 tháng đầu năm 2021, vẫn lên tới 138 tỉ USD, https://vneconomy.vn/khoi-luong-giao-dich-giam-chong-mat-tien-ao-het-thoi.htm, truy cập ngày 30/9/2021.
[7] Dobah Carré, Le droit applicable aux biens virtuels, luận án tiến sỹ luật học, Montréal, Thémis, 2019.
[8] Đó là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105 BLDS năm 2015).
[9] Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo luật của nước nơi quyền sở hữu trí tuệ đó được yêu cầu bảo hộ.
[10] Ví dụ: Điều 681-2 BLDS năm 2015 (hình thức của di chúc), Điều 683-7 BLDS năm 2015 (hình thức của hợp đồng)…
[11] Khoản 1 Điều 773 BLDS năm 2005. Quy định này sau đó đã được sửa đổi bởi Điều 687 BLDS năm 2015, theo đó, luật áp dụng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại (khoản 1).
[14] Điểm c, khoản 1, Điều 469 BLTTDS năm 2015.
[15] Điểm d, e khoản 1 Điều 469 BLTTDS năm 2015.
[16] Cụ thể, Điều 185 Luật Hàng không dân dụng năm 2014 quy định: “Tòa án nơi xảy ra thiệt hại có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba ở mặt đất, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
[17] Điều 339 Bộ luật Hàng hải năm 2015.
[18] Điều 133 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[19] Điểm a, b khoản 1 Điều 469 Bộ luật TTDS năm 2015.
[20] Theo điểm e khoản 1 Điều 469 Bộ luật TTDS năm 2015.
[21] Trừ một số rất ít quốc gia không có internet hoặc áp dụng chính sách lọc web.
[22] Tất nhiên trừ trường hợp web đó bị chặn.
[23] Tên miền .tv (Iles Tuvalu) rất được các công ty kinh doanh trong lĩnh vực nghe nhìn sử dụng, mặc dù các công ty này hoàn toàn không phải của Tuvalu.
[24] Chẳng hạn, Nghị viện châu Âu đã quyết định sử dụng tên miền cho toàn bộ lãnh thổ EU là .eu.
[25] Ví dụ, tên miền .com thường được sử dụng cho mục đích kinh doanh, thương mại, nhưng cũng cả cá nhân, .int cho các tổ chức quốc tế, .net cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Internet và .org cho các hoạt động phi lợi nhuận.
[26] Cass. com, 9/12/2003, n° de pourvoi: 01-03225.
[27] Guiziou-Péronne, Les cyberdélits et le droit international privé, luận án tiến sỹ Luật học, Paris 1, 2013.
[28]Cass. com, 9/3/2010, n° de pourvoi: 08-16.752.
[29] La Cour d'appel du deuxième circuit de New-York, 1996, Bensusan Restaurant vs. King. Trích lại từ: Guiziou-Péronne, Les cyberdélits et le droit international privé, luận án tiến sỹ Luật học, Paris 1, 2013.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(447), tháng 12/2021)