Vướng mắc trong xác định thu thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng (LC)

19/11/2021

HỒ THANH BÌNH

Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước.

Tóm tắt: Thư tín dụng (L/C) hiện được sử dụng rất phổ biến, rộng rãi trong thanh toán quốc tế và nội địa. Trong thời gian qua, việc Tổng cục thuế đặt ra vấn đề truy thu thuế giá trị gia tăng đối với L/C đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ phía các tổ chức tín dụng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích khái quát hoạt động thư tín dụng; kinh nghiệm và cách tiếp cận việc thu thuế giá trị gia tăng đối với L/C ở một số nước trên thế giới; trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay trong việc xác định thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động này ở nước ta.
Từ khóa: Thuế giá trị gia tăng, Thư tín dụng (L/C), vướng mắc trong việc xác định thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng.
Abstract: Letter of Credit (L/C) is now widely used in international and domestic payments. In the past, the arrear matter of collection of the value added tax by the General Department of Taxation on L/C has received controversial opinions from the credit institutions. Within the scope of this article, the author provides discussions and analysis of the general operation of letters of credit; experience and approach to the collection of value added tax on L/C in some countries around the world and also propose recommendations for the current obstacles in determining value-added tax collection for this activity in our country.
Keywords: Value added tax; Letter of Credit; obstacles in determining value-added tax collection on letter of credit.
 THƯ-TÍN-DỤNG_1.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về Thư tín dụng
1.1. Khái niệm Thư tín dụng
Điều 1 Bản sửa đổi Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - The Uniform Custom and Practice for Documentary Credits có hiệu lực từ ngày 01/07/2007 (UCP600) của Phòng Thương mại quốc tế định nghĩa về tín dụng (Credit) mà không định nghĩa Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C). Theo Bản dịch không chính thức của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, “Tín dụng là một thỏa thuận, dù cho được mô tả hoặc đặt tên như thế nào, cũng không thể hủy bỏ và do đó, là một cam kết chắc chắn của ngân hàng phát hành về việc thanh toán cho một xuất trình phù hợp”.
Hiện tại, các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa ban hành một văn bản nào định nghĩa hay quy định chi tiết về hoạt động thư tín dụng. Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, Thư tín dụng chỉ được đề cập ở một số văn bản như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng), Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư số 22). Tuy nhiên, các quy định về Thư tín dụng chỉ liên quan đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực thanh toán, quản lý dư nợ từ hoạt động cấp tín dụng dưới hình thức Thư tín dụng, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Căn cứ vào quy định của Điều 1 UCP600, có thể hiểu một cách khái quát: Thư tín dụng là cam kết của Ngân hàng Phát hành (ngân hàng phục vụ Bên mua) về việc thanh toán một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định cho bên thụ hưởng (Bên bán) với điều kiện bên thụ hưởng xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ đúng theo quy định trong Thư tín dụng.
Trong hoạt động Thư tín dụng thường có 02 ngân hàng phục vụ Bên mua (khách hàng) – Ngân hàng phát hành (NHPH) và ngân hàng phục vụ Bên bán – Ngân hàng thông báo (NHTB). Sau khi Bên mua và Bên bán ký kết hợp đồng mua bán, Bên mua sẽ yêu cầu NHPH mở Thư tín dụng. NHTB sẽ thông báo về Thư tín dụng này cho Bên bán. Bên Bán sau đó thực hiện vận chuyển hàng hóa cho Bên mua và xuất trình bộ chứng từ cho NHTB; NHTB gửi bộ chứng từ cho NHPH; NHPH thực hiện thanh toán cho Bên bán thông qua NHTB sau khi kiểm tra bộ chứng từ hợp lệ; NHPH trả bộ chứng từ cho Bên mua. Bên mua thực hiện thanh toán cho NHPH nếu phát sinh các loại phí theo thỏa thuận của 02 bên.
 Giao dịch thư tín dụng cơ bản có thể được minh họa bằng sơ đồ dưới đây:
 Untitled1_5.png
2.1. Bản chất của Thư tín dụng
Việc xem xét đối xử với Thư tín dụng như một công cụ thanh toán hay hoạt động cấp tín dụng hiện còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.Tuy nhiên, cần khẳng định rằng,Thư tín dụng là một hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Tính chất này đã được luật hóa, quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng”.
Bên cạnh là một hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, trong một số trường hợp, Thư tín dụng còn được xem là nghiệp vụ cấp tín dụng. Khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.
Trong nghiệp vụ thư tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành (ngân hàng phát hành) cam kết thanh toán cho bên thụ hưởng theo nguyên tắc có hoàn trả, cụ thể là khách hàng đề nghị phát hành Thư tín dụng (Bên mua) phải thanh toán cho ngân hàng theo đúng thỏa thuận phát hành Thư tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng phát hành.
Về nghĩa vụ thanh toán của khách hàng đối với ngân hàng phát hành, trường hợp: (i) trong thỏa thuận phát hành Thư tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng phát hành, khách hàng không có thỏa thuận cho phép ngân hàng phát hành trích nợ tự động trên tài khoản thanh toán của khách hàng để thanh toán Thư tín dụng; hoặc (ii) khách hàng có thỏa thuận cho phép ngân hàng phát hành trích nợ tự động trên tài khoản thanh toán nhưng số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ để thanh toán Thư tín dụng, ngân hàng phát hành phải thực hiện cho vay bắt buộc đối với khách hàng Thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng theo quy định của khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng xác định Thư tín dụng là nghiệp vụ cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, thì việc ghi nhận Thư tín dụng là một hình thức cấp tín dụng chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Cụ thể khoản 11 Điều 3 Thông tư số 22 quy định: “Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C) và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả việc cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, Công văn số 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010 của Tổng cục thuế hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công văn số 11754) nhận định: “Thư tín dụng là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ người mua), bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các Điều kiện quy định trong Thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ. Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán”.
2. Vướng mắc liên quan đến thu thuế giá trị gia tăng đối với Thư tín dụng ở nước ta hiện nay
Theo quy định của điểm a khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2016 (Luật Thuế giá trị gia tăng), các đối tượng không chịu thuế bao gồm dịch vụ cấp tín dụng, trong đó có nghiệp vụ “cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật”.
Như đã đề cập ở trên, Công văn số 11754 xác định Thư tín dụng “là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế” (là nghiệp vụ cấp tín dụng). Vì vậy, Mục 1.2 Công văn này xác định:  “Các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo Thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.
Thực hiện hướng dẫn này, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng không tính thuế GTGT đối với các loại phí liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán trong quy trình phát hành, xác nhận, thông báo Thư tín dụng. Cụ thể như sau:
(i) Các loại phí liên quan đến Thư tín dụng nhập khẩu như phí mở/phát hành Thư tín dụng, phí tu chỉnh/sửa đổi Thư tín dụng, phí ký hậu vận đơn/phát hành bảo lãnh nhận hàng, phí sửa đổi bảo lãnh nhận hàng theo Thư tín dụng, phí chấp nhận hối phiếu trả chậm, phí chấp nhận thanh toán Thư tín dụng, phí xác nhận...;
(ii) Các loại phí liên quan đến Thư tín dụng xuất khẩu như phí xác nhận Thư tín dụng, phí thông báo Thư tín dụng, phí chiết khấu bộ chứng từ…; và 
(iii) Các loại phí liên quan đến Thư tín dụng dự phòng do Thư tín dụng dự phòng có bản chất là hoạt động bảo lãnh (ngân hàng phát hành cam kết thanh toán cho bên thụ hưởng trên cơ sở xuất trình chứng từ về việc vi phạm nghĩa vụ của khách hàng mở  Thư tín dụng dự phòng. Do đó,  Thư tín dụng dự phòng là cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ với bên thụ hưởng và là hình thức bảo lãnh ngân hàng).
 Tuy nhiên, sau đó tại Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 của Tổng cục thuế gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công văn số 1606), Tổng cục thuế có ý kiến như sau: “... kể từ ngày 01/01/2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì dịch vụ thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định. Tổng cục thuế đề nghị Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ Thư tín dụng thì thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định”.
Rất nhiều ngân hàng thương mại sau khi nhận được Thông báo này của Tổng cục thuế đã gửi kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; bởi lẽ, việc xem xét truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu thực hiện theo Công văn số 1606, các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ bị truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn đối với các khoản thu liên quan đến Thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng có khả năng sẽ phải bổ sung nguồn lực lớn, thành lập bộ phận riêng rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán, tổng hợp và truy thu các khoản phát sinh thuế từ năm 2011 đến năm 2020, theo đó phát sinh nguồn kinh phí hoạt động cần chi để thành lập và duy trì hoạt động của bộ phận này, ảnh hưởng đến hiệu quả và tiến độ kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, do thuế GTGT là thuế gián thu, các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện thu lại từ khách hàng. Điều này về mặt thực tế khó khả thi do thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi, không còn giao dịch với ngân hàng hoặc đã phá sản, giải thể, khách hàng không hợp tác nộp thuế. Trường hợp không thể thu được của khách hàng, các tổ chức tín dụng phải lấy từ lợi nhuận để lại để nộp bổ sung thuế GTGT cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã thực hiện phát hành báo cáo tài chính, quyết toán thuế, chia cổ tức cho cổ đông… tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh, các chỉ số an toàn, uy tín của các tổ chức tín dụng, tăng thêm gánh nặng cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, tác động tiêu cực đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. 
3. Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thu thuế giá trị gia tăng đối với Thư tín dụng
Những phân tích trên đây cho thấy, vướng mắc về việc thu thuế GTGT đối với Thư tín dụng xuất phát từ thay đổi trong cách nhìn nhận về Thư tín dụng của Tổng cục thuế. Tổng cục thuế đã vận dụng định nghĩa cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản bao gồm Thư tín dụng quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng làm cơ sở thực hiện thu thuế GTGT. Tuy nhiên, theo tác giả, cần khẳng định rằng khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chỉ liệt kê các hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, trong đó có Thư tín dụng; việc định nghĩa Thư tín dụng chỉ là phương tiện thanh toán dựa vào khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 làm căn cứ thu thuế GTGT là không chính xác.
Trong bối cảnh hội nhập thị trường, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước thành viên để dễ dàng hội nhập, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài khi tham gia các tổ chức, hiệp định, điều ước quốc tế thế hệ mới. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đến ngày 23/3/2021, các nước trên thế giới có cách tiếp cận khác nhau đối với Thư tín dụng, cụ thể như sau: Có nước không áp dụng tính thuế GTGT đối với Thư tín dụng khi nhìn nhận Thư tín dụng là cam kết tín dụng (Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, UK, EU); một số nước tính thuế thu nhập doanh nghiệp trực tiếp đối với nghiệp vụ Thư tín dụng (thuế này được tính vào chi phí) như Thái Lan, Phillipines, Trung Quốc, Đài Loan; Bangladesh thu thuế GTGT đối với Thư tín dụng nhập khẩu, không thu thuế GTGT đối với Thư tín dụng xuất khẩu. Do đó, việc Bộ Tài chính thay đổi chính sách thuế, thực hiện áp thuế gián thu GTGT đối với tất cả Thư tín dụng tại Việt Nam trong khi phần lớn các nước trong khu vực không xem xét áp dụng loại thuế này sẽ tạo trở ngại, tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư.
Để giải quyết triệt để vướng mắc này, tác giả cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành hướng dẫn khẳng định bản chất “lưỡng tính” của Thư tín dụng - vừa là hoạt động cấp tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán để thống nhất cách hiểu về Thư tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo thu thuế đúng đối tượng, tránh thất thu thuế của Nhà nước, đồng thời đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn của hệ thống ngân hàng; Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện việc thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ Thư tín dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 11754/BTC-CST./.    
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (439), tháng 8/2021.)