Hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

13/11/2021

THS. NGUYỄN THANH THƯ

Giảng viên Bộ môn Luật Tư pháp, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ

THS. NGUYỄN THỊ NGỌC TUYỀN

GVC. Giảng viên Bộ môn Luật Tư pháp, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ.

Tóm tắt: Hình thức di chúc là một điều kiện quan trọng của di chúc. Do vậy, để bảo vệ được quyền của người để lại di sản trong việc thể hiện ý chí của họ, bên cạnh việc quy định chặt chẽ về hình thức di chúc để tránh tình trạng giả mạo di chúc, cần phải đảm bảo tôn trọng quyền tự do ý chí và sự lựa chọn hình thức lập di chúc của người để lại di sản thừa kế.
Từ khóa: Di chúc, hình thức di chúc, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Abstract: The formality of the will is an important condition of the will. Therefore, in order to protect the right of the property leavers in expressing their wishes, in addition to strict regulations on the formality of wills to avoid forgery of wills, it is to ensure respect of the right to freedom of the formality of will to the heirs.
Keywords: Testamentary/will; formality of will; the Civil Code of 2015.  
 DI-CHÚC_1.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Di chúc bằng văn bản
Từ thời kỳ phong kiến, Bộ luật Hồng Đức thời nhà Lê đã quy định, “những người làm chúc thư, văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phải phạt từ 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được”[1]. Quy định này cho thấy, người có tài sản có thể tự mình viết chúc thư, nếu người để lại di sản không biết chữ thì chỉ được nhờ quan trưởng viết thay, không được nhờ người khác. Nếu nhờ người khác viết hộ di chúc mà không nhờ quan trưởng thì ngoài việc bị phạt, di chúc sẽ không có giá trị. Mặt khác, chúc thư phải có người làm chứng là người có chức sắc xã hội, là người đứng đầu họ tộc hoặc hương chủ làm chứng. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan của di chúc, tránh những tranh chấp về chữ viết, nội dung của di chúc. Từ quy định này cũng thấy rõ đã có sự phân loại rất cụ thể di chúc bằng văn bản: tự lập hoặc nhờ người khác lập và có người làm chứng. Đến thời nhà Nguyễn, trong Hoàng Việt Luật Lệ không có nhiều quy định về thừa kế nên đã không đề cập cụ thể đến hình thức di chúc. Đến giai đoạn pháp luật hiện đại, những quy định hình thức di chúc bằng văn bản có sự tiếp nối và thay đổi cho phù hợp. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS), di chúc bằng văn bản có 4 loại sau: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc có công chứng hoặc chứng thực và di chúc có giá trị tương đương như di chúc được công chứng hoặc chứng thực. 
1.1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì BLDS quy định: “Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc”[2]. Đây là loại di chúc do người lập di chúc phải tự tay viết vào bản di chúc, sẽ không chấp nhận đánh máy hoặc lưu trữ dưới dạng nào khác như viết trên máy tính bảng, viết và lưu vào các phần mềm trên điện thoại, máy tính[3],… mà chỉ có thể thể hiện trên bản giấy. Chúng ta có thể thấy quy định của pháp luật về hình thức của di chúc bằng văn bản không có người làm chứng khá là chặt chẽ. Di chúc được thể hiện dưới hình thức này phải thỏa mãn hai điều kiện: (1) người để lại di sản thừa kế tự tay viết bản di chúc; (2) người này phải tư tay ký vào bản di chúc. Do vậy, ở mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký của người lập di chúc. Quy định khắt khe nhằm tránh tình trạng di chúc của người để lại di sản bị người khác sửa đổi, thay thế, bị giả mạo… Trong trường hợp cần kiểm tra tính xác thực bản di chúc nếu tranh chấp xảy ra thì có thể giám định chữ viết trong bản di chúc, chữ ký của bản di chúc là được.
Vậy trong trường hợp nếu người lập di chúc đã tự tay viết bản di chúc nhưng không ký vào bản di chúc mà thay vào đó là điểm chỉ vào bản di chúc thì di chúc đó có giá trị hay không? Hoặc thậm chí người đó đã tự tay mình viết bản di chúc nhưng lại không ký vào bản di chúc. Nếu xét theo quy định của BLDS thì di chúc được lập như vậy sẽ vi phạm quy định về điều kiện hình thức và sẽ bị vô hiệu. Trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ một mình người lập di chúc biết về nội dung di chúc, nên để có thể làm cơ sở, làm bằng chứng cho việc phân chia tài sản, bản di chúc này phải do người lập di chúc tự viết và ký vào bản di chúc. Việc một người đã tự tay mình viết bản di chúc thì cũng sẽ thuận lợi trong việc ký vào bản di chúc mà không xem xét đến vấn đề điểm chỉ.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc rằng phải có chữ ký trong bản di chúc mà không xem xét đến vấn đề điểm chỉ hoặc thậm chí không cần chữ ký thì dường như quy định đang không mang tính linh hoạt. Trong An lệ số 07/2016/AL: bên mua chưa ký tên vào hợp đồng mua bán nhưng bên mua là người giữ hợp đồng thì hướng giải quyết của Tòa án là vẫn công nhận hợp đồng mua bán[4]. Mặc dù mối quan hệ hợp đồng có tính chất hoàn toàn trái ngược với hành vi lập di chúc. Tuy nhiên, Án lệ này chứng minh một vấn đề, hợp đồng thiếu đi một chữ ký thì vẫn có thể dựa vào các chứng cứ khác để xác định ý chí của các bên khi giao kết hợp đồng. Quay trở lại đối với di chúc, di chúc khi đã có chứng cứ chứng minh rằng di chúc là do tự bản thân người để lại di sản thừa kế viết, di chúc đúng với ý chí của người để lại di sản thừa kế thì việc có chữ ký hay không có chữ ký, được điểm chỉ thay vì là ký sẽ không còn là quan trọng nữa. Mặt khác, chữ ký của con người có thể khác nhau theo thời gian. Vì vậy, việc xác định chữ ký của người lập di chúc là một vấn đề không đơn giản. Trong khi đó, tính chính xác của việc điểm chỉ có độ tin cậy cao hơn so với chữ ký, vì điểm chỉ để lại dấu vân tay mà dấu vân tay thì khoa học hình sự đã chứng minh được tính cá biệt của nó. Mặc khác, dấu vân tay của một người cụ thể được thể hiện trên giấy chứng minh nhân dân của người đó được lưu giữ ở cơ quan công an. Vì vậy, nếu có tranh chấp xảy ra thì việc xác định dấu vân tay để lại trên di chúc lúc đó có đúng là của người để lại di sản hay không là việc làm đơn giản hơn, chính xác hơn so với việc giám định chữ ký của người để lại di chúc. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Điều 633 BLDS theo hướng “người lập di chúc phải tự viết vào bản di chúc”. Việc ký tên, điểm chỉ có hay không là không bắt buộc. Quy định này sẽ mang tính linh hoạt để cho người để lại di sản thừa kế quyền được lựa chọn mà cũng không mất đi tính an toàn của di chúc.
1.2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Điều 634 BLDS quy định: “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”. Người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc vì một số lý do nhất định nào đó có thể lựa chọn hình thức di chúc này. Hình thức di chúc bằng văn bản có người làm chứng cho phép người để lại di sản thừa kế có hai lựa chọn: (1) họ có thể tự mình đánh máy bản di chúc; (2) nhờ người khác viết hộ hoặc đánh máy hộ bản di chúc. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người không tự mình viết bản di chúc, có thể do không biết chữ (trình độ học vấn), trường hợp người lập di chúc có thể tự mình lập di chúc nhưng người đó lại không muốn tự viết, do sức khỏe đang yếu không tiện viết di chúc,…
Đây là điểm mới của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005. Bản chất quy định này là rất tiến bộ và phù hợp với thực tiễn, với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay vì chấp nhận bản đánh máy của di chúc chứ không cứ bắt buộc phải thể hiện bằng bản viết tay. Việc người lập di chúc tự đánh máy bản di chúc hoặc người đó nhờ đánh máy bản di chúc vẫn đảm bảo tính xác thực của bản di chúc vì còn có sự tham gia của người làm chứng[5]. Người làm chứng là cơ sở cho việc khẳng định tính đúng đắn, tính xác thực của di chúc. Hoặc trường hợp, người để lại di sản thừa kế tự mình đánh máy bản di chúc thì cũng thông qua người làm chứng để xác nhận đây chính là ý chí của người để lại di sản thừa kế. Sự thể hiện ý chí của người để lại di sản thừa kế, người làm chứng được chứng minh thông qua việc họ sẽ ký vào bản di chúc hoặc điểm chỉ vào bản di chúc.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 630 BLDS quy định, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Để làm rõ hơn quy định này cần phải giải thích người như thế nào là người bị hạn chế về thể chất. Người bị hạn chế thể chất là người có khiếm khuyết về thể chất như mù lòa, tay chân không lành lặn, bị câm, bị điếc,… Có những trường hợp người bị hạn chế thể chất không thể đọc được nội dung bản di chúc của mình khi người viết hộ viết. Nhưng sẽ có trường hợp người bị hạn chế thể chất vẫn có thể xác định được rất rõ nội dung di chúc của mình khi nhờ người viết hộ viết hoặc đánh máy hộ bản di chúc. Vậy thì có cần thiết phải bắt buộc đi công chứng bản di chúc này không, hay chỉ cần chính bản thân người đó và người làm chứng xác nhận. Do vậy, tác giả cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định cụ thể nhóm đối tượng sẽ áp dụng khoản 3 Điều 630 BLDS, trong đó cần loại trừ một số đối tượng để họ có thể lựa chọn hình thức di chúc có người làm chứng.
1.3. Di chúc bằng văn bản có công chứng
Theo quy định của BLDS, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc[6]. Khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó”[7]. Quy định này yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung di chúc trước đó được công chứng vẫn phải công chứng lại phần sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, Điều 640 BLDS không đặt ra yêu cầu về hình thức đối với việc sửa đổi, bổ sung di chúc. Từ hai quy định này có thể dẫn đến vấn đề sau: chẳng hạn ông A trước khi chết có lập một di chúc được mang đi công chứng và được gửi lưu giữ tại Phòng công chứng. Sau đó, một thời gian khi ông A đã tự mình viết một di chúc khác có một phần nội dung thay đổi di chúc ban đầu đã được công chứng và yêu cầu: Sau này, việc chia thừa kế phải dựa vào di chúc được lập ban đầu có công chứng và di chúc do ông tự lập. Ý nguyện của ông A phù hợp với quy định của BLDS nhưng không phù hợp với quy định của Luật Công chứng.
Quy định của Luật Công chứng năm 2014 không tạo điều kiện cho người để lại di sản thừa kế lựa chọn loại hình di chúc. Tác giả cho rằng, người để lại di sản thừa kế phải được quyền lựa chọn loại hình thức di chúc trong giới hạn luật cho phép. Vì vậy, cần sửa đổi khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng bỏ quy định bắt buộc này.  
2. Di chúc miệng
Theo quy định của khoản 5 Điều 630 BLDS, di chúc miệng chỉ được xem là hợp pháp nếu đáp ứng những điều kiện về hình thức sau đây: người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng; ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, quy định này còn một số bất cập sau:
Thứ nhất, về thời hạn đi công chứng, chứng thực di chúc miệng. Theo quy định của BLDS, thời hạn này là 5 ngày làm việc kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế thể hiện ý chí của mình ra bên ngoài. Vì sao BLDS giới hạn thời hạn công chứng, chứng thực trong khoảng thời gian chỉ có 5 ngày ngắn ngủi? Việc giới hạn khoảng thời gian sẽ có tác dụng gì trong trường hợp này? Tác giả cho rằng, quy định này nhằm mục đích bảo đảm sự an toàn và tính hợp pháp cho di chúc miệng đã được lập, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người để lại di sản thừa kế. Bởi lẽ, bất kỳ bất trắc nào đó xảy ra dẫn đến người làm chứng không thể công chứng, chứng thực di chúc được sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc miệng đã được lập. Ví dụ, trường hợp một trong hai người làm chứng lại xảy ra chuyện mà chưa kịp công chứng, chứng thực di chúc. Ngoài ra, cần phải giới hạn thời gian vì di chúc miệng có thể bị ảnh hưởng nếu sau 3 tháng kể từ thời điểm người để lại di sản thừa kế thể hiện ý chí còn sống, minh mẫn, sáng suốt[8]. Do vậy, luật giới hạn thời gian công chứng, chứng thực di chúc miệng.
Tuy nhiên, việc giới hạn thời điểm 5 ngày là quá ngắn. Bởi lẽ, người lập di chúc miệng là những người đang ở trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa, có thể là bệnh nặng sắp chết hay gặp hoạn nạn,… Sau khi người lập di chúc miệng chết, gia đình phải lo tang lễ mất ba đến năm ngày nên không thể kịp công chứng, chứng thực di chúc trong thời gian luật định. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của hình thức di chúc miệng, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 5 Điều 630 BLDS theo hướng kéo dài thời hạn đi công chứng, chứng thực di chúc miệng lên thành 07 ngày làm việc.
Mặt khác, trong thời gian người làm chứng đang đi công chứng, chứng thực di chúc mà người để lại di sản thừa kế chết thì liệu rằng di chúc có thỏa mãn điều kiện về hình thức hay không? Tác giả cho rằng, cần công nhận di chúc vì việc công chứng, chứng thực di chúc chỉ là thực hiện cho đúng về hình thức theo như yêu cầu. Bởi lẽ, về bản chất, những người làm chứng đã xác nhận đây đúng là di chúc của người để lại di sản thừa kế. Bên cạnh đó, việc công chứng, chứng thực chỉ là xác nhận chữ ký của người làm chứng. Do vậy, không thể vì thiếu công chứng, chứng thực mà lại không công nhận di chúc này[9].
Thứ hai, về chủ thể được quyền để lại di sản thừa kế bằng hình thức di chúc miệng: Theo quy định của BLDS, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ chỉ có thể lập di chúc thông qua việc người làm chứng thể hiện dưới văn bản. Văn bản này sau đó được mang đi công chứng hoặc chứng thực[10]. Quy định này có thể được hiểu theo hai cách sau:
Cách thứ nhất, người hạn chế về thể chất, người không biết chữ chỉ có thể lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Cách thứ hai, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ có thể lập di chúc bằng miệng. Bởi lẽ, theo quy định của khoản 3 Điều 630 BLDS, người làm chứng phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Đây cũng là một điều kiện đối với di chúc miệng. Cách hiểu này đảm bảo quyền lựa chọn và sự tự do ý chí của người để lại di sản thừa kế theo di chúc là đối tượng thuộc nhóm người đặc biệt.
Tuy nhiên, để tránh việc suy luận ra hai cách hiểu như trên, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 3 Điều 630 BLDS theo hướng quy định rõ, người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ có thể lập di chúc bằng miệng./.

 


[1] Điều 366, Bộ luật Hồng Đức.
[2] Điều 633 BLDS .
[3] Điều 1 Luật Giao dịch điện tử.
[4] Xem thêm Án lệ số 07/2016/AL tại Trang thông tin diện tử án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND014305 (truy cập ngày 3/6/2021).
[5] Đỗ Văn Đại, “Luật thừa kế Việt Nam, Bản án và bình luận bản án”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013, tr.419.
[6] Điều 635 BLDS.
[7] Khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng.
[8] Khoản 2 Điều 629 BLDS 2015.
[9] Xem thêm Đỗ Văn Đại, “Bình luận khoa học Những điểm mới của BLDS năm 2015”, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2016, tr.572.
[10] Khoản 3 Điều 630 BLDS. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 07/2021.)