Tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong CPTPP, EVFTA và yêu cầu đối với Việt Nam

20/10/2021

TS. PHAN QUỐC NGUYÊN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là hai hiệp định tự do thế hệ mới điều chỉnh nhiều vấn đề quan trọng về thương mại, đầu tư, môi trường, tài chính,... và đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ. Tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quy định trong hai Hiệp định này không cao nhưng lại có một số điểm khác biệt, cụ thể hơn so với quy định hiện hành của Việt Nam. Điều này dẫn đến hệ quả là bên cạnh những thuận lợivà cơ hội, các tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quy định trong những Hiệp định lớn này còn đặt ra một số yêu cầu đối với Việt Nam.
Từ khóa: Kiểu dáng công nghiệp,tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, CPTPP, EVFTA, Việt Nam.
Abstract: In recent years, Vietnam has entered CPTPP and EVFTA. Both new generation free trade agreements govern important matters such trade, investment, environment, finance, etc. and intellectual property in particular. Standards of industrial design protection in the Agreements are not high but more detailed and little bit different from that of Vietnam. Besides the opportunities, these standards of industrial design protection which are regulated in these agreements put some challenges for Vietnam.
Keywords:Industrial design;standards for industrial design protection; CPTPP; EVFTA, Vietnam
 evfta-.jpg
1. Tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Việt Nam
1.1. Khái niệm kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này[1]. Bên cạnh những sự sáng tạo mang tính kỹ thuật còn tồn tại những sự sáng tạo mang tính chất trang trí mà mục tiêu là mang lại tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, sự sáng tạo mang tính thẩm mỹ này lại được áp dụng vào các sản phẩm công nghiệp. Đẹp, độc đáo và khả năng áp dụng công nghiệp chính là các tiêu chí đi kèm khi nói đến kiểu dáng công nghiệp. Chính mối quan hệ chặt chẽ giữa tính chất mỹ học và tính hiệu quả về mặt kỹ thuật cùng nằm trong một sản phẩm đã tạo cơ sở cho một cơ chế bảo hộ đặc biệt đối với kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng được bảo hộ chính là quyền độc quyền đối với hình dáng bên ngoài của sản phẩm mang kiểu dáng đó.
1.2. Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Hệ thống bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có vai trò ngăn chặn sự giả mạo các sản phẩm mới được sáng tạo ra mang tính thẩm mỹ nguyên gốc. Do vậy, đối tượng được bảo hộ phải là các kiểu dáng có tính nguyên gốc và có tính thẩm mỹ liên quan đến hình dáng bên ngoài, kiểu cách hay màu sắc của sản phẩm. Hơn nữa, kiểu dáng được bảo hộ phải là những sản phẩm bắt nguồn từ những ý tưởng và hoạt động sáng tạo do con người thực hiện có giá trị về mặt thẩm mỹ.
Theo quy định của Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005[2] (Luật SHTT), kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a)Có tính mới;
b)Có tính sáng tạo;    
c)Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Có thể thấy rằng, điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ không khác gì so với điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ. Tuy nhiên, cách tiếp cận ở đây là khác nhau và đương nhiên, từng tiêu chuẩn sẽ được quy định cụ thể khác nhau giữa điều kiện bảo hộ sáng chế và điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
1.3. Tính mới của kiểu dáng công nghiệp      
Theo quy định của Điều 65 Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn, hoặc trước ngày ưu tiên, nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Tính mới đối với sáng chế sẽ khác tính mới đối với kiểu dáng công nghiệp như sau:
- Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
   - Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày công bố:
a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 Luật SHTT về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 Luật SHTT công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 Luật SHTT trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
1.4. Tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định của Điều 66 Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Tương tự quy định về tiêu chuẩn tính mới, tiêu chuẩn về trình độ sáng tạo liên quan đến kiểu dáng công nghiệp có sự khác biệt với tiêu chuẩn về trình độ sáng tạo đối với sáng chế.
Theo quy định của Điều 67 Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. Có thể thấy, sự khác biệt trong quy định về tiêu chuẩn “khả năng áp dụng công nghiệp” của kiểu dáng công nghiệp với quy định về tiêu chuẩn cùng loại của sáng chế.
1.5. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định của Điều 64 Luật SHTT, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
a) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
b) Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
c) Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
1.6. Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định của Điều 93 Luật SHTT, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm (05) năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai (02) lần liên tiếp, mỗi lần năm (05) năm.
2. Tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong CPTPP
Hiệp định CPTPP[3] không định nghĩa khái niệm kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong CPTPP cũng không được quy định cụ thể. Điều 18.55 Hiệp định quy định về việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp như sau:
“1. Mỗi Bên phải bảo bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả đối với kiểu dáng công nghiệp và cũng khẳng định rằng việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng được áp dụng cho những kiểu dáng nào:
(a) được thể hiện ở một phần của một sản phẩm; hoặc, thay vào đó,
(b) [liên quan đặc biệt đến]/[có điểm nhấn vào], nếu phù hợp, một phần của một sản phẩm trong tổng thể của toàn bộ sản phẩm,
2. Điều này phụ thuộc vào Điều 25 và 26 của Hiệp định TRIPS”.
Có thể thấy rằng, tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo CPTPP phù hợp với các quy định trong Hiệp định TRIPS[4] trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ 2007. Do vậy, quy định về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong pháp luật hiện hành của Việt Nam phù hợp quy định có liên quan trong CPTPP.
Cụ thể, khoản 1 Điều 18.55 CPTPP đã yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả các kiểu dáng công nghiệp đăng ký bao gồm kiểu dáng của sản phẩm hay một phần của sản phẩm. Theo cách hiểu này, các kiểu dáng công nghiệp nộp đơn, dù là sản phẩm hay một phần của sản phẩm, nếu đáp ứng đủ điều kiện được quy định theo pháp luật quốc gia thì sẽ được cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Như đã nêu ở trên, theo quy định của Điều 63 Luật SHTT, kiểu dáng công nghiệp, dù được nộp đơn từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, sẽ được bảo hộ tại Việt Nam nếu đáp ứng đủ ba điều kiện: tính mới; tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Hơn nữa, khoản 2 Điều 18.55 CPTPP cũng dẫn chiếu đến Điều 25 Hiệp định TRIPS. Khoản 1 Điều 25 Hiệp định TRIPS chỉ yêu cầu bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp được tạo ra một cách độc lập nếu chúng đáp ứng yêu cầu về tính mới và tính độc đáo. Tính độc đáo theo Hiệp định TRIPS được hiểu là tương đương với tính sáng tạo quy định trong Luật SHTT. Tuy nhiên, Việt Nam đã đặt ra điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cao hơn so với CPTPP, thêm điều kiện thứ ba là “có khả năng áp dụng công nghiệp”. Về thời hạn bảo hộ, Việt Nam cũng đưa ra thời hạn bảo hộ dài hơn so với quy định của CPTPP. CPTPP có dẫn chiếu đến thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Điều 26 Hiệp định TRIPS. Điều 26 Hiệp định TRIPS chỉ quy định thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tối thiểu cho các quốc gia thành viên là 10 năm trong khi Điều 93 Luật SHTT cho phép một kiểu dáng công nghiệp với tối đa hai lần gia hạn có thể được bảo hộ tại Việt Nam lên đến 15 năm.
3. Tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong EVFTA
Giống với CPTPP, Hiệp định EVFTA[5] cũng không định nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, khác với CPTPP, Hiệp định EVFTA quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Điều 7.2 Hiệp định EVFTA quy định:
“1. Các Bên quy định việc bảo vệ kiểu dáng công nghiệp được tạo ra một cách độc lập mới hoặc độc đáo. Việc bảo vệ này được thực hiện bởi việc đăng ký và dành quyền độc quyền đối với người nắm giữ các quyền và đăng ký theo quy định tại điều này.
2. Một kiểu dáng được áp dụng hoặc kèm theo một sản phẩm mà tạo thành một bộ phận cấu thành của một sản phẩm phức tạp thì chỉ được coi là mới và độc đáo:
 (a) nếu các thành phần cấu thành, đã được tích hợp vào các sản phẩm phức tạp, vẫn được nhìn thấy trong quá trình sử dụng bình thường các sản phẩm phức tạp, và
(b) đến mức mà những tính năng hữu hình của bản thân các thành phần cấu thành đạt được những yêu cầu để đạt được sự mới lạ và độc đáo.
3. <Sử dụng bình thường> tại đoạn 2 (a) được hiểu là sử dụng bởi người dùng cuối, không bao gồm bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa.
4. Chủ sở hữu của một kiểu dáng đã đăng ký có quyền ngăn chặn các bên thứ ba thực hiện hoặc yêu cầu mua bán, nhập khẩu hoặc tàng trữ để bán hàng mang một sản phẩm có kiểu dáng hoặc thể hiện các biểu hiện kiểu dáng được bảo vệ khi hành vi đó được thực hiện cho mục đích thương mại.
 5. Thời hạn bảo vệ được tính ít nhất là 15 năm”.
Về tổng quan, có thể thấy rằng, quy định của pháp luật SHTT Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của EVFTA dù còn có một số điểm khác biệt, cụ thể:
Thứ nhất, EVFTA chỉ yêu cầu tiêu chí bảo hộ là mới hoặc độc đáo, hoàn toàn giống với Điều 25.1 của Hiệp định TRIPS, trong khi Điều 63 Luật SHTT quy định cả 03 điều kiện: mới, sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Do vậy, về nguyên tắc, Việt Nam đã đặt ra điều kiện cao hơn so với EVFTA, thêm điều kiện thứ ba là “có khả năng áp dụng công nghiệp”.  
Thứ hai, nội hàm của yêu cầu về tính mới và trình độ sáng tạo không được quy định cụ thể trong TRIPS cũng như trong EVFTA, các quốc gia có thể tùy nghi quy định. Việt Nam lựa chọn quy định tách riêng hai tiêu chí này như điều kiện cần và đủ phải đáp ứng đồng thời. Đây cũng là phương án lựa chọn phổ biến phù hợp thông lệ quốc tế theo quy định của TRIPS. Do vậy, quy định của pháp luật SHTT của Việt Nam vẫn được xem là tương thích với TRIPS và EVFTA.
Thứ ba, theo Điều 93 Luật SHTT, thời hạn bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam là 05 năm, được gia hạn không quá 02 lần liên tiếp, nghĩa là tổng thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam tối đa là 15 năm, trong khi thời hạn theo Hiệp định này quy định tối thiểu là 15 năm, nên về căn bản, quy định của pháp luật SHTT của Việt Nam vẫn phù hợp EVFTA.
Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý một số điểm khác biệt trong quy định về tiêu chuẩn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo EVFTA so với quy định hiện hành của Việt Nam như sau:
- EVFTA đã đề cập cụ thể về việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng rẽ cho một bộ phận của một sản phẩm. Trong khi Việt Nam chưa có quy định riêng về việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng rẽ một bộ phận của một sản phẩm; vì vậy, cần sửa đổi Luật SHTT theo hướng bổ sung quy định riêng về việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho phù hợp với EVFTA.
- EVFTA đã đề cập tới tiêu chí bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của linh kiện. Hiệp định yêu cầu cụ thể là linh kiện khi đã được lắp vào sản phẩm hoàn chỉnh phải bảo đảm điều kiện là nhìn thấy được, đồng thời các đặc điểm tạo dáng nhìn thấy được này của linh kiện phải cùng lúc thỏa mãn điều kiện về tính mới và trình độ sáng tạo. Pháp luật SHTT của Việt Nam mới chỉ quy định gián tiếp về điều kiện nhìn thấy được trong Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN[6] mà chưa quy định chi tiết, cụ thể vấn đề này trong Luật SHTT. Cụ thể, điểm 35.3.b.(iii) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định, đối tượng nêu trong đơn đăng ký xác lập quyền kiểu dáng công nghiệp bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu đối tượng nêu trong đơn là hình dáng bên trong (phần không nhìn thấy được) trong quá trình sử dụng sản phẩm (khai thác công dụng của sản phẩm theo cách thức thông thường, được thực hiện bởi bất kỳ người sử dụng nào, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm). Để bảo đảm phù hợp với EVFTA về tiêu chí bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của linh kiện, cần sửa đổi Luật SHTT theo hướng bổ sung quy định tiêu chí bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của linh kiện./. 
  
[1] Điều 4.13, Luật SHTT.
[2] Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. 
[3] CPTPP “Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership” - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gồm 11 thành viên trong đó có Việt Nam. Xem phiên bản tiếng Anh tại https://www.mfat.govt.nz/assets/CPTPP/Comprehensive-and-Progressive-Agreement-for-Trans-Pacific-Partnership-CPTPP-English.pdf.
[4] Xem phiên bản đầy đủ tiếng Anh của Hiệp định tại https://www.wto.org/.
[5] EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement).Hiệp định EVFTA hay còn được gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, là thỏa thuận được kí kết giữa 28 nước thành viên liên minh châu Âu và Việt Nam. 
Xem phiên bản tiếng Anh tại http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1437
[6] Thông tư số 01/2007/TT–BKHCN của Bộ KHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN. (Thông tư số 01/2007/TT–BKHCN đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư số 16/2016/TT–BKHCN ngày 30/06/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT–BKHCN ngày 14/02/2007).
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (442), tháng 9/2021.)


Ý kiến bạn đọc