Trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng ở một số nước trên thế giới

20/09/2021

TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA

Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp;

THS. PHẠM THỊ NGA

Công Ty Cổ Phần Tư Vấn và Cung ứng nguồn nhân lực Tâm Quê.

Tóm tắt:Việc ký kết và thực hiện hợp đồng thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào kết quả quá trình đàm phán, thương lượng ban đầu giữa các bên. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý chi tiết liên quan đến trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, trong khi nó lại khá hoàn thiện ở các nước phát triển. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật ở một số nước về trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng không những nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam, mà còn thúc đẩy hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích một số nội dung cơ bản về trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức, Pháp và Anh.
Từ khóa: Hợp đồng, trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng, nguyên tắc thiện chí.
Abstract:The successful or unsuccessful signing and implementation of the contract depend greatly on the results of the initial negotiation process between the parties. However, the detailed legal issue related to the pre-contractual legal liability in Vietnam is still quite new, while it has been perfected in the developed countries. Therefore, the study of legal experience of some countries on pre-contractual liability is not only to improve Vietnamese law, but also to promote business in accordance with the law and international legal practice. Within the scope of this article, the authors provide an analysis of some basic contents of pre-contractual liability under the laws of Germany, France and England.
Keywords: Contract; pre-contractual legal liability; good faith principle.
 HỢP-ĐỒNG_3.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Quy định trách nhiệm của các bên trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, hay còn được gọi là trách nhiệm pháp lý (TNPL) tiền hợp đồng, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng là vấn đề không mới ở các nước có nền kinh tế phát triển và hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, ổn định như Anh, Pháp, Mỹ, Đức và một số quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì đây là một chủ đề khá mới mẻ và chưa được đề cập đến nhiều trên các lĩnh vực học thuật cũng như trong thực tiễn hoạt động ký kết hợp đồng của doanh nghiệp[1]. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật nước ngoài về các vấn đề pháp lý liên quan đến chế định TNPL tiền hợp đồng nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng, tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của các bên là yêu cầu, đỏi hỏi cấp bách đặt ra trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào sân chơi quốc tế chung gần đây như CPTPP[2], EVFTA, IPA[3].
1. Những vấn đề pháp lý đặt ra trong giai đoạn đàm phán tiền hợp đồng
Trước khi phân tích khái niệm TNPL tiền hợp đồng theo pháp luật ở một số nước trên thế giới, cần có cách hiểu chung về văn hóa pháp lý tiền hợp đồng ở một số nước thông qua một số thuật ngữ pháp lý có liên quan. Ví dụ, khái niệm “hợp đồng” được dịch từ thuật ngữ “contract”, “đàm phán” được dịch từ thuật ngữ “negotiation” và làm thế nào để một hợp đồng có hiệu lực pháp lý được hình thành. Hợp đồng được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều người, trong đó xác định nghĩa vụ phải thực hiện hoặc được công nhận theo pháp luật[4]. Đàm phán là quá trình thương lượng mà các bên nỗ lực để đạt được sự thỏa thuận, nhất trí từ những vấn đề còn tranh luận hoặc bất đồng tiềm ẩn[5]. Tranh luận về khái niệm trách nhiệm dân sự tiền hợp đồng “pre-contractual civil liability” đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, khi một luật sư người Đức có tên là R. Ihering tin tưởng và sử dụng nguyên tắc “culpa in contrahendo” trong giải quyết TNPL tiền hợp đồng. Tranh luận này cũng chưa có lời kết, bởi rất khó để định hình một quan điểm nhất quán về bản chất của TNPL tiền hợp đồng. Thậm chí không chỉ đến giai đoạn của Jhering, người đã phát triển khái niệm pháp lý “culpa in contrahendo” trong luận án của mình[6], thuật ngữ TNPL tiền hợp đồng đã được khái niệm hóa trước đó; theo tác giả, các tình huống mà hợp đồng vô hiệu, không phát sinh trách nhiệm pháp lý nhưng thiệt hại phát sinh từ giai đoạn tiền hợp đồng phải được bồi thường liên quan đến quan hệ hợp đồng, điều này là do thực tế các bên phải có nghĩa vụ cầu thị, mẫn cán trong giai đoạn này[7].
Giai đoạn tiền hợp đồng rất khó để phân tích các đặc điểm, kể cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn. Các bên gặp gỡ, trao đổi, tạo dựng mối quan hệ lẫn nhau đơn giản bởi vì họ cần phải đàm phán. Họ bắt đầu cuộc hành trình cùng nhau, nhưng mối quan hệ giữa họ chưa phải là cái đích họ hướng tới, mà mục đích của họ là hợp đồng được ký kết, nhưng có thể họ sẽ không bao giờ đạt được điều đó. Các cuộc đàm phán có thể thất bại, sự thất bại có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn[8]. Hơn nữa, TNPL tiền hợp đồng cũng không tồn tại ở các quốc gia theo hệ thống thông luật “common law”. Điều này liên quan đến khía cạnh giải thích tự do hợp đồng, theo đó, nội hàm khái niệm TNPL tiền hợp đồng mở rộng hơn ở các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, nơi một người có thể chấm dứt việc đàm phán hợp đồng ở bất kỳ giai đoạn nào mà không phát sinh trách nhiệm pháp lý. Mặt khác, việc ký kết hợp đồng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tiền bạc từ các bên tham gia đàm phán. Do đó, để bảo vệ các bên tham gia đàm phán trung thực, thiện chí, điều quan trọng quyết định điều kiện TNPL tiền hợp đồng, bao gồm mở rộng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng[9].
Trong giai đoạn đầu của các giao dịch sẽ được ký kết và thực hiện trong tương lai, các bên thường phải tham gia vào những thỏa thuận tiền hợp đồng. Ví dụ, thỏa thuận ban đầu về bảo mật thông tin và thỏa thuận độc quyền đàm phán. Những yêu cầu này có thể được đặt ra trong những thỏa thuận riêng biệt, hoặc có thể kết hợp với nhau tạo thành một thỏa thuận chung. Mặc dù không có một hình thức được miêu tả cho những thỏa thuận ban đầu hoặc những tài liệu tương tự (ví dụ, bản ghi nhớ, nội dung chính các điều khoản, thư tuyên bố ý định, v.v..). Tuy nhiên, những thỏa thuận ban đầu này sẽ thiết lập các điều khoản chính mà các bên đã nhất trí về nguyên tắc như thời gian dự định ký kết hợp đồng, nghĩa vụ của các bên trong suốt quá trình đàm phán và quy trình, thủ tục đàm phán. Một bản thỏa thuận ban đầu hoặc một tài liệu tương tự có thể có được sự ràng buộc về mặt pháp lý và phải bảo đảm rằng một cam kết ràng buộc pháp lý không được tạo ra một cách vô ý, hoặc rằng các bên không tham gia vào một cam kết không ràng buộc về mặt pháp lý, tin tưởng rằng nó có tính ràng buộc lẫn nhau.
Ở hầu hết các quốc gia châu Âu (ngoại trừ Vương quốc Anh) đều đặt ra nghĩa vụ đàm phán với thiện chí (duty of good faith) và điều này có thể bao gồm nghĩa vụ không được hủy bỏ các cuộc đàm phán mà không có lý do hợp lý.
TNPL tiền hợp đồng có vai trò, ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, trong đó có các án lệ, hoặc các quy tắc pháp luật về TNPL tiền hợp đồng sẽ đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về hợp đồng nói riêng, đúng với tinh thần chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật[10].
2. Trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật ở một số nước
2.1. Trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức[11]
Theo pháp luật của Đức, nguyên tắc “culpa in contrahendo” được xem như là yếu tố cơ bản của trách nhiệm tiền hợp đồng độc lập, phạm vi khái niệm này được phát triển rộng hơn và sâu hơn so với khái niệm gốc của nó trong suốt 150 năm qua. Vào năm 2002, như là kết quả đổi mới luật về nghĩa vụ, khái niệm “culpa in contrahendo” đã được quy định tại Bộ luật dân sự Đức (Điều 311 khoản 2) như sau: “Nghĩa vụ tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và các lợi ích khác của bên đối tác theo quy định tại khoản 2 Điều 241[12] cũng phát sinh: (1) từ khi bắt đầu đàm phán hợp đồng; (2) hoặc bắt đầu thực hiện hợp đồng; hoặc (3) đối với các quan hệ thương mại tương tự”[13]. Khái niệm này được xem như là một trong những phát minh lớn trong pháp luật dân sự Đức. Về mặt văn hóa pháp lý, “culpa in contrahendo” có nghĩa là “lỗi trong hợp đồng” và khi áp dụng trong pháp luật của Đức, nó ngụ ý là có bổn phận hành động thiện chí hoặc bổn phận quan tâm hợp lý đến lợi ích của bên khác trong đàm phán tiền hợp đồng, điều này có nghĩa là lỗi trong ngữ cảnh này là rộng hơn lỗi trong ngữ cảnh thông thường trong luật về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng[14]. Các nội dung cơ bản của trách nhiệm tiền hợp đồng theo pháp luật của Đức có thể tiếp cận dưới các góc độ sau đây:
a) Đàm phán tiền hợp đồng
Theo pháp luật của Đức, khi tham gia vào các cuộc đàm phán tức là sẽ tạo ra mối quan hệ tin tưởng (Treuepflicht) lẫn nhau giữa các bên, mối quan hệ này trở nên vững chắc với cường độ ngày càng tăng sau mỗi lần đàm phán. Nghĩa vụ tin tưởng này dẫn đến nghĩa vụ tôn trọng các quyền và lợi ích của bên đối tác, chẳng hạn như nghĩa vụ ngăn bên đối tác phải chịu thiệt hại phát sinh và thông báo cho bên đối tác về các trường hợp có thể phát sinh thiệt hại trong quá trình đàm phán, thiệt hại có thể là thiệt hại về sức khỏe hoặc thiệt hại về tài sản[15]. Ví vụ, trong giai đoạn tiền hợp đồng, một hành vi vi phạm có lỗi theo khoản 1 Điều 280 Bộ luật dân sự (BLDS) Đức[16] (lỗi cố ý hoặc vô ý là dấu hiệu bắt buộc theo Điều 276 BLDS Đức), có thể là do sơ suất trong việc tuân thủ Điều 278 BLDS Đức. Tuy nhiên, nếu xảy ra thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường theo khoản 2 Điều 241, điểm 1 khoản 1 Điều 280 BLDS Đức[17].
Nói chung, không có nghĩa vụ phải bắt buộc để tiếp tục các cuộc đàm phán, nhưng nếu một bên thông tin cho bên kia lý do để tin rằng hợp đồng sẽ sớm có hiệu lực và vẫn ngừng đàm phán mà không có lý do chính đáng thì bên đó có thể phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ chi phí không hiệu quả nào gây ra cho bên kia. Trong trường hợp một thỏa thuận yêu cầu công chứng, quy tắc này chỉ áp dụng nếu một bên cố tình vi phạm nghĩa vụ trung thực của mình (vorsätzliche Treuepflichtverletzung).
Theo pháp luật Đức, các bên có quyền tự do chấm dứt đàm phán, như đã nêu ở trên; tuy nhiên, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng phát sinh từ quan hệ tin tưởng thông qua hành động cố ý hoặc cẩu thả, luật pháp Đức cho phép bên kia yêu cầu bồi thường thiệt hại. khoản 2 Điều 241 BLDS Đức quy định: “Nếu một bên vi phạm bổn phận phát sinh từ nghĩa vụ, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại gây ra bởi sự vi phạm của bên kia”.
b) Thỏa thận về bảo mật[18]
Nghĩa vụ xem xét bất kỳ thông tin nào được tiết lộ trong các cuộc đàm phán được xem là bí mật và không để bên thứ ba tiếp cận thông tin này phát sinh từ nghĩa vụ tiền hợp đồng và nguyên tắc thiện chí giữa hai bên, đặc biệt khi nghĩa vụ bảo mật xuất hiện rõ ràng từ bản chất hợp đồng đang được thương lượng. Do đó, không có yêu cầu chung nào đối với các bên tham gia vào một thỏa thuận có tính chất bảo mật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cần phải ký một thỏa thuận bảo mật trước khi bước vào các giai đoạn đàm phán tiền hợp đồng vì lý do sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ bảo mật bắt buộc chỉ được áp dụng trong một số lĩnh vực pháp lý nhất định và tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể của từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, phạm vi của các nghĩa vụ như vậy có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng, điều này khiến các bên tham gia thỏa thuận bảo mật và xác định rõ ràng loại thông tin nào được xem là bí mật và loại tiêu chuẩn nào nên được áp dụng để bảo vệ các thông tin bí mật đó.
Một hành vi vi phạm có thể khiến bên vi phạm phải bồi thường hoặc cần có biện pháp ngăn chặn, nhưng vì khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại nên những biện pháp khắc phục thường được quy định ngay chính trong thỏa thuận bảo mật. Những thỏa thuận bảo mật có tính bắt buộc tuân thủ giữa các bên. Không có thủ tục hoặc hình thức chính thức nào phải tuân theo khi ký kết thỏa thuận bảo mật. Tuy nhiên, kinh nghiệm pháp luật Đức cho thấy, việc thay đổi và chấm dứt thỏa thuận bảo mật chỉ có thể được thực hiện bằng văn bản. Các nội dung nêu trên của pháp luật Đức cũng phù hợp với tiêu chuẩn chung châu Âu về trách nhiệm bảo mật tiền hợp đồng. Ví dụ, Điều 2:302 Luật hợp đồng châu Âu năm 2002 quy định: Biện pháp khắc phục đối với vi phạm tính bảo mật trong quá trình đàm phán có thể bao gồm[19] “bồi thường tổn thất mà bên kia bị thiệt hại và bồi thường lợi ích mà bên kia lẽ ra được nhận”[20] và bồi thường lợi ích là một biện pháp khắc phục cụ thể mà bên bị thiệt hại được hưởng ngay cả trong trường hợp không có thiệt hại thực tế xảy ra[21].
c) Thỏa thuận về độc quyền[22]
Như một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Đức, các bên được hưởng quyền tự do hợp đồng và do đó có thể tự do đưa ra quyết định của mình về việc đàm phán với ai cho đến khi một thỏa thuận được ký kết. Điều 242 Bộ luật dân sự Đức quy định về nguyên tắc thiện chí (principle of good faith) như sau: “Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, đồng thời có tính đến cả tập quán pháp”. Nguyên tắc này được áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phám tiền hợp đồng. Tuy nhiên, nghĩa vụ đàm phán độc quyền có thể phát sinh từ nghĩa vụ thiện chí trong trường hợp một bên cho bên kia biết rằng không có cuộc đàm phán nào khác đang diễn ra hoặc đang được bắt đầu đồng thời với cuộc đàm phán đang diễn ra.
Đối với bất kỳ hợp đồng nào khác, các thỏa thuận độc quyền là ràng buộc cho cả hai bên. Không có thủ tục chính thức nào phải tuân theo trừ khi các bên đồng ý về điều đó. Các thỏa thuận độc quyền thường quy định các mức phạt cụ thể nếu một bên vi phạm tính độc quyền để khiến bên kia không tiếp tục thương lượng với bên thứ ba. Tuy nhiên, khi mức phạt cao do vi phạm nguyên tắc độc quyền đến mức mà trên thực tế, nghĩa vụ ký kết một thỏa thuận cần phải được công chứng (ví dụ: hợp đồng mua bán và chuyển nhượng cổ phần trong một công ty trách nhiệm hữu hạn của Đức), thì thỏa thuận độc quyền cũng cần phải được công chứng.
2.2. Trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật của Pháp
a) Đàm phán tiền hợp đồng[23]
Theo pháp luật của Pháp, trong quá trình thương lượng, mỗi bên được quyền quyết định sau khi đàm phán có tiến tới việc giao kết hợp đồng hay không. Tuy nhiên, họ có nghĩa vụ phải hành động một cách thiện chí trong suốt quá trình đàm phán để ký kết hợp đồng. Điều 1112 BLDS Pháp năm 2016 quy định: “Việc bắt đầu, tiếp tục và kết thúc các cuộc đàm phán tiền hợp đồng là do các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, các bên bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc thiện chí.Trường hợp do lỗi trong quá trình đàm phán thì việc bù đắp tổn thất không được tính như là bù đắp tổn thất lợi ích mà các bên mong đợi trong trường hợp hợp đồng chưa được giao kết”[24].
Hậu quả của việc chấm dứt đàm phán phụ thuộc vào thời điểm và ý chí của các bên tham gia cuộc đàm phán, cụ thể:
- Nếu cuộc đàm phán chỉ mới bắt đầu, các bên có thể tự do chấm dứt đàm phán đơn phương theo ý muốn và không phải chịu hậu quả.
- Nếu kết quả đàm phán có tiến triển và các cuộc đàm phán phát triển làm cho bên kia kỳ vọng hợp lý rằng thỏa thuận sẽ được ký kết, thì hành vi của bên chấm dứt không nhất thiết phải cấu thành một vi phạm nghiêm trọng hoặc gian dối để bên kia vi phạm nghĩa vụ nếu họ hành động một cách thiện chí. Một bên sẽ vi phạm nghĩa vụ như đã đề cập nếu bên đó đột ngột chấm dứt các cuộc đàm phán mà không có lý do, không phụ thuộc vào bất kỳ ý định gây hại nào. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, bên không vi phạm có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại với lý do bên kia quanh co trách nhiệm bồi thường chi phí phát sinh trong quá trình đàm phán (ví dụ, thời gian dành cho các cuộc đàm phán và các chi phí). Theo án lệ của Pháp, các bên không được yêu cầu bồi thường thiệt hại trên cơ sở mất quyền ưu tiên giao kết hợp đồng. Hiện nay, ở Pháp có một thực tế phổ biến là các bên tham gia đàm phán tiền hợp đồng thường xác định quyền của họ trong việc chấm dứt các cuộc đàm phán tiền hợp đồng.
b) Thỏa thuận về bảo mật[25]
Điều 1112-2 Bộ luật dân sự Pháp năm 2016 quy định: “Người không được phép sử dụng hoặc tiết lộ thông tin bí mật thu được trong quá trình đàm phán sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo các điều kiện do luật chung quy định”[26]. Theo pháp luật Pháp, không có ngụ ý chung nào về nghĩa vụ bảo mật giữa các bên, mặc dù có quan điểm cho rằng chúng vẫn tồn tại ngầm theo nghĩa vụ vẫn giữ bí mật đàm phán giữa các bên. Do đó, các bên sẽ ký kết các thỏa thuận hoặc cam kết bảo mật bằng văn bản để tránh tiết lộ thông tin bí mật. Các bên tham gia thỏa thuận bảo mật sẽ được yêu cầu giữ bí mật thông tin trong và sau khi đàm phán chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, các nghĩa vụ bảo mật thông tin lâu dài là không thể thực hiện. Vì vậy, bất kỳ thỏa thuận bảo mật nào liên quan đến các cuộc đàm phán đều phải hợp lý về thời hạn (ví dụ: từ 01 năm đến 05 năm).
Nếu một bên vi phạm thỏa thuận bảo mật, bên không vi phạm sẽ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bên vi phạm và nộp đơn lên Tòa án để yêu cầu Tòa án ra lệnh cấm sử dụng thông tin bí mật đã cung cấp cho bên vi phạm. Bên yêu cầu có trách nhiệm chứng minh rằng bị đơn đã tiết lộ hoặc đã sử dụng thông tin bí mật. Pháp luật của Pháp không quy định điều khoản/thủ tục cụ thể để có được yêu cầu cho một thỏa thuận bảo mật có tính ràng buộc.
c) Thỏa thuận về độc quyền[27]
Theo quy định của BLDS Pháp năm 2016, trong các cuộc đàm phán, nghĩa vụ đàm phán độc quyền sẽ không được áp dụng theo luật, dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng. Các quy định chung về tiền hợp đồng như đàm phán tiền hợp đồng (Điều 1112, 1112-1 và 1112-2 BLDS Pháp năm 2016), đề nghị và chấp nhận đề nghị (từ Điều 1113 đến Điều 1122 BLDS Pháp năm 2016), các thỏa thuận ưu tiên trước và lời hứa đơn phương (Điều 1123 và Điều 1124 BLDS Pháp năm 2016) đều không quy định về thỏa thuận độc quyền. Do đó, các bên muốn có độc quyền sẽ phải tham gia một thỏa thuận độc quyền. Điều này có thể được diễn đạt bằng các thuật ngữ như là "khóa ngoài - lock out" hoặc "khóa trong - lock in", nhưng thời hạn của nghĩa vụ phải được giới hạn trong một khoảng thời gian hợp lý để tránh việc thỏa thuận độc quyền không thể thực thi.
Nếu một bên vi phạm một thỏa thuận độc quyền, bên không vi phạm sẽ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bên vi phạm. Thiệt hại có thể bao gồm bất kỳ chi phí nào mà bên không vi phạm phải chịu như chi phí phải trả, mất thời gian và cơ hội thương lượng với cá nhân hoặc tổ chức khác. Số tiền được bồi thường tùy thuộc vào sự xem xét của các Tòa án Pháp.
Pháp luật Pháp cũng quy định bất kỳ điều khoản/thủ tục cụ thể nào được yêu cầu để thực thi các thỏa thuận độc quyền, nhưng các thuật ngữ được sử dụng trong thỏa thuận độc quyền thường được diễn đạt cẩn thật và rõ ràng. Một danh sách các nghĩa vụ của cả hai bên thường được lập cẩn thận. Ngoài ra, điều khoản mức phạt trong trường hợp vi phạm có thể được các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, thẩm phán có quyền giảm hoặc tăng số tiền phạt đó.
2.3. Trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng theo pháp luật của Anh[28]
a) Đàm phán tiền hợp đồng
Khác với pháp luật của Đức và Pháp, pháp luật về hợp đồng Anh không bao hàm nghĩa vụ thiện chí trong các cuộc đàm phán tiền hợp đồng. Các cuộc đàm phán tiền hợp đồng thường không ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên và nói chung một trong hai bên có thể chấm dứt đàm phán khi họ lựa chọn. Nói chung, một trong hai bên có thể chấm dứt đàm phán khi họ lựa chọn mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Pháp luật Anh không phát triển trách nhiệm tiền hợp đồng, không xác định khái niệm pháp lý thống nhất và rõ ràng nào về trách nhiệm tiền hợp đồng.
Điểm khác nhau cơ bản giữa hai hệ thống pháp luật Anh và Đức về mối quan hệ tiền hợp đồng là ở vị trí của nguyên tắc “good faith”. Khi đánh giá về vị trí nguyên tắc này theo pháp luật Đức, Giáo sư John Cartwright khẳng định: Các hệ thống luật dân sự là không hoàn toàn giống nhau trong cách tiếp cận chi tiết nhưng vẫn có những nghĩa vụ được chấp nhận chung trong đàm phán và việc thực hiện hợp đồng sau đó, ở mức độ nào đó, rõ ràng rằng nguyên tắc “good faith” được vận dụng. Tuy nhiên, trong pháp luật Anh, bất kỳ bổn phận, hoặc nghĩa vụ chung nào xét theo nguyên tắc thiện chí “good faith” đã bị hủy bỏ kể cả trong giai đoạn đàm phán tiền hợp đồng, lẫn trong quá trình thực hiện sau đó.[29]
Trong những trường hợp ngoại lệ, một bên có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu trong quá trình đàm phán và thương lượng kéo dài, trong đó cả hai bên đều cho rằng một thỏa thuận chắc chắn sẽ được thực hiện, một bên đã bắt đầu thực hiện công việc với các giao dịch có liên quan và các cuộc thảo luận sau đó đã bị chấm dứt bởi bên kia. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra ở Anh và nói chung, sẽ không có trách nhiệm phát sinh đối với việc chấm dứt các cuộc đàm phán tiền hợp đồng.
b) Thỏa thuận về bảo mật[30]
Theo luật pháp Anh, có một nguyên tắc chung rằng một người đã nhận được thông tin bí mật thì không được lợi dụng việc có được thông tin bí mật này một cách không công bằng. Tuy nhiên, để bảo vệ thông tin, một người thường phải dựa vào tổng hợp nhiều quyền mà không phải lúc nào cũng đưa ra các biện pháp khắc phục rõ ràng. Để tránh sự không chắc chắn này, thông thường các bên sẽ ký kết các thỏa thuận hoặc cam kết bảo mật bằng văn bản.
Việc một bên vi phạm thỏa thuận bảo mật có thể cho phép bên không vi phạm yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại, trong phạm vi mà bên không vi phạm có thể chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do vi phạm như là một hậu quả. Trong thỏa thuận bảo mật có thể nêu rõ các thiệt hại cụ thể sẽ được thanh toán trong trường hợp vi phạm (ví dụ, các thiệt hại ước tính). Tuy nhiên, bất kỳ thiệt hại ước tính nào cũng không được vượt quá mức thông thường hoặc bất hợp lý nếu không có thể cấu thành một mức phạt và không thể thi hành.
c) Thỏa thuận về độc quyền[31]
Luật pháp Anh không ngụ ý tính độc quyền trong các cuộc đàm phán và do đó các bên tìm kiếm sự độc quyền thường sẽ tham gia vào một thỏa thuận độc quyền. Thỏa thuận như vậy không có giá trị ràng buộc pháp lý, trừ khi nó được thực hiện như một chứng thư hoặc được hỗ trợ bởi sự cam kết (ví dụ: nghĩa vụ độc quyền lẫn nhau hoặc việc cam kết thanh toán).
Đối với các thỏa thuận độc quyền, việc vi phạm thỏa thuận độc quyền có thể khiến bên không vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong chừng mực mà họ có thể chứng minh được mức tổn thất do vi phạm gây ra. Các bên có thể chọn đưa điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính vào thỏa thuận độc quyền nhưng đảm bảo rằng, điều khoản đó không cấu thành một mức phạt để tránh không thể thi hành.
Từ những phân tích nêu trên, có thể rút ra một số điểm tương đồng và khác biệt về TNPL tiền hợp đồng theo pháp luật Đức, Pháp và Anh[32] như sau:
Một là, tuân theo nguyên tắc thiện chí trong các cuộc đàm phán tiền hợp đồng.
Việc tuân theo nguyên tắc thiện chí trong các cuộc đàm phán tiền hợp đồng là bắt buộc theo quy định pháp luật của Đức và Pháp. Tuy nhiên, theo pháp luật Anh, nguyên tắc này không bắt buộc, trừ trường hợp ngoại lệ nhưng phải được thỏa thuận rõ ràng về tính hợp lý của nguyên tắc thiện chí.
Hai là, việc hủy bỏ đột ngột các cuộc đàm phán tiền hợp đồng.
Theo quy định của pháp luật Đức thì các bên có thể hủy bỏ đột ngột các cuộc đàm phán tiền hợp đồng, nhưng điều này có thể dẫn đến yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các trường hợp cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ thiện chí. Pháp luật Pháp cũng cho phép hủy bỏ đột ngột các cuộc đàm phán tiền hợp đồng, miễn là nó không vi phạm nghĩa vụ thiện chí. Theo pháp luật Anh, các cuộc đàm phán tiền hợp đồng có thể bị hủy bỏ đột ngột mà không bị ràng buộc nhiều trách nhiệm pháp lý khác.
Ba là, nghĩa vụ bảo mật trong quá trình đàm phán tiền hợp đồng.
Trong hệ thống pháp luật ở ba nước, chỉ có pháp luật Đức có ngụ ý về nghĩa vụ bảo mật trong quá trình đàm phán tiền hợp đồng.
Bốn là, cam kết ràng buộc pháp lý về độc quyền đàm phán.
Pháp luật Đức, Pháp và Anh đều có cam kết ràng buộc pháp lý về độc quyền đàm phán; trong đó, pháp luật Pháp quy định "lock in" và "lock out" nhưng phải có giới hạn thời gian, pháp luật của Anh thì thời gian “khóa” phải được quy định./.  

 


[1] Võ Minh Trí & Trần Phú Quý, Trách nhiệm tiền hợp đồng và việc bảo vệ quyền của các bên trong tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng, https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/TRACH-NHIEM-TIEN-HOP-DONG-VA-VIEC-BAO-VE-QUYEN-CUA-CAC-BEN-TRONG-THAM-GIA-DAM-PHAN-KY-KET-HOP-DONG-11331/.
[2] Comprehensive and progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership:Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); xem thêm: PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình, Việt Nam với CPTPP: Cơ hội và Thách thức, https://www.tapchicongsan.org.vn/quoc-phong2/-/2018/54880/viet-nam-voi-cptpp--co-hoi-va-thach-thuc.aspx.
[3] EU-Vietnam Free Trade Agreement: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và EU (EVFTA), Investment Protection Agreement: Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA), xem thêm: Vụ thị trường Châu Âu-Châu Mỹ, Bộ Công thương, http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=fb203c7b-54d6-4af7-85ca-c51f227881dd.
[4] A contract can be defined as “An agreement between two or more parties creating obligations that are enforceable or otherwise recognizable at law”,Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, Thomson West8th ed. 2004, p. 341.
[5] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, ibid., p.1064.
[6] Rudolf v. Jhering, Culpa in contrahendo: oder Schadensersatz bei nichtigen oder nicht zur Perfection gelangten Verträgen (1861), Jahrbücher für die Dogmatik des heutigen römischen und deutschen Privatrechts IV, Volume 4, Issue 1.
[7] Dr. Catarina Granadeiro, Precontractual Liability under the Portuguese, German and French Legal Systems, https://www.researchgate.net/publication/341945426_Precontractual_Liability_under_the_Portuguese_German_and_French_Legal_Systems.
[8] Martijin W. Hesselink, Precontractual Liability in European Private Law: Conclusions, http://ssrn.com/abstract=1309150.
[9]Natalja Leonova, Qualification of pre-contractual liability and the value of lost opportunity as a forrm of losses, Jurisprudencija/Jurisprudence, 2009, p. 222.
[10] Nghị Quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, tiếp tục được thực hiện bởi Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị khẳng định: “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”.
[11] Stephan Ulrich, An outline of pre contractual obligations in relation to Germany., ttps://www.simmons-simmons.com/en/features/pre-contractual-obligations/ck10mcm8le0fn0b49pw4tw2sm/pre-contractual-obligations-germany.
[12] Khoản 2 Điều 241 Bộ luật dân sự Đức: “An obligation may also, depending on its contents, oblige each party to take account of the rights, legal interests and other interests of the other party”.
[13] https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html#p1013.
[14] Xiao-Yang Li, The Legal Status of Pre-Contractual Liability: Contrasting Responses from German and English Law, National Taiwan University Law Review [Vol. 12:128], p. 132.
[15] Kevin Bork and Manfred Wandt, “Utmost” good faith in German contract law, published online: 14 October 2020, https://link.springer.com/content/pdf/10.1007/s12297-020-00478-6.pdf, footnote 15, p. 246 and see also Gerhard Dannermann, Reiner Schulze, German Civil Code, Volume I: Article-by-article Commentary, C. H. Beck, 2020, p. 12.
[16] MüKo/Emmerich, 2019, BGB, Sec. 311, Rec 203.
[17] Dr. Catarina Granadeiro, ibid. 8, p. 7.
[18]Simmons and Simmons, ibid..
[19] Mihaela Braut Filipović and Dr. Marjeta Tomulić Vehovec, Precontractual Liability in Europe and Croatian law, https://www.harmonius.org/dokumenta/01%20Precontractual%20Liability%20In%20Eu%20and%20Croatian%20Law.pdf, p.19.
[20] Article 2:302 of the Principles of European contract law: Article 2:302: Breach of Confidentiality
“If confidential information is given by one party in the course of negotiations, the other party is under a duty not to disclose that information or use it for its own purposes whether or not a contract is subsequently concluded. The remedy for breach of this duty may include compensation for loss suffered and restitution of the benefit received by the other party”.
[21] The Commission on European Contract law, O. Lando, H. Beale, op. cit. fn 25, 194.
[22] Simmons and Simmons, ibid..
[23]Simonetta Giordano, An outline of pre contractual obligations in relation to France., https://www.simmons-simmons.com/en/features/pre-contractual-obligations/ck10mcostnqwo0b78mjyht8b4/pre-contractual-obligations-france.
[24] Art. 1112. “The commencement, continuation and breaking-off of precontractual negotiations are free from control. They must mandatorily satisfy the requirements of good faith.
In case of fault committed during the negotiations, the reparation of the resulting loss is not calculated so as to compensate the loss of benefits which were expected from the contract that was not concluded”.
[25] Simonetta Giordano, ibid..
[26] Article 1112-2: A person who without permission makes use of or discloses confidential information obtained in the course of negotiations incurs liability under the conditions set out by the general law.
[27] Simonetta Giordano, ibid..
[28]Isabella Roberts, An outline of pre contractual obligations in relation to the United Kingdom, https://www.simmons-simmons.com/en/features/pre-contractual-obligations/ck10mcovz5sxr0b23r0a2b6ce/pre-contractual-obligations-uk.
[29] Xiao-Yang Li, ibid., p. 134, 140.
[30] Isabella Roberts, ibid..
[31] Isabella Roberts, ibid..
[32] Simmons and Simmons, Comparative table, https://www.simmons-simmons.com/en/features/pre-contractual-obligations/ck10lymrl0b9j0b94r51ovwc2/pre-contractual-obligations-comparative-table.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (435), tháng 6/2021.)