Giáo dục bắt buộc áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga và gợi mở cho Việt Nam

01/09/2021

THS. MAI THỊ THỦY

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) Liên bang Nga về các biện pháp giáo dục bắt buộc áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở so sánh với quy định của BLHS năm 2015 của Việt Nam và đưa ra các gợi mở cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự về vấn đề này.
Từ khóa: Các biện pháp giáo dục bắt buộc, người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga.
Keywords: Compulsory educational measures; the juvenile offenders; Penal Code of the Russian Federation
 
1.   Quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về các biện pháp giáo dục bắt buộc
Hiện nay, Liên bang Nga chưa có văn bản luật riêng quy định về hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên (NCTN). Các quy định liên quan đến việc xử lý NCTN phạm tội, trong đó có các biện pháp giáo dục bắt buộc được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) Liên bang Nga năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung nhiều lần; lần sửa đổi gần nhất là ngày 8/4/2021)[1] và Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS) Liên bang Nga năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung nhiều lần; lần sửa đổi gần nhất là ngày 13/4/2021)[2]. Trong đó, BLHS Liên bang Nga đã dành riêng Chương 14 (Trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với NCTN) để quy định những vấn đề áp dụng riêng đối với NCTN phạm tội với đường lối xử lý khoan hồng, nhân đạo hơn so với người đã thành niên.
Theo quy định của khoản 2 Điều 87 BLHS Liên bang Nga, có hai hướng xử lý hoàn toàn khác biệt đối với NCTN phạm tội: một là, áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc; hai là, áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội[3].boi-thuong-thiet-hai-678x381.jpg
Theo khoản 2 Điều 87 BLHS Liên bang Nga, NCTN phạm tội có thể được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc trong hai trường hợp: khi NCTN phạm tội được miễn TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 90 và khi NCTN phạm tội được Tòa án miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga. Cụ thể, khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga quy định: “NCTN phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo NCTN phạm tội có thể đạt được hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc” và khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga quy định: “NCTN bị kết án do phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt, thay vào đó là áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc được quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật này”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khi các biện pháp giáo dục bắt buộc được áp dụng trong trường hợp miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 BLHS thì đây là một hình thức thực hiện TNHS; trường hợp các biện pháp giáo dục bắt buộc được áp dụng đối với NCTN phạm tội được miễn TNHS theo quy định tại Điều 90 BLHS thì đây không phải là một hình thức thực hiện TNHS mà có thể hiểu các biện pháp này chỉ là hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội, là một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với NCTN phạm tội[4]. Các biện pháp cưỡng chế này của Nhà nước không phải là một hình phạt hình sự, nhưng chúng tồn tại và được thực hiện trong khuôn khổ quan hệ pháp luật hình sự và là một hình thức phản ứng của Nhà nước đối với NCTN phạm tội[5].
1.1. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc
Nguyên tắc thứ nhất, Điều 87 BLHS Liên bang Nga quy định các biện pháp giáo dục bắt buộc chỉ có thể được áp dụng đối với NCTN phạm tội. Theo đó, NCTN phạm tội là người tới thời điểm thực hiện hành vi phạm tội vừa đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi[6]. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 96 BLHS Liên bang Nga, trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào hành vi hoặc nhân thân của người phạm tội, Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc đối với những người phạm tội trong độ tuổi từ đủ 18 đến 20 tuổi[7].
Nguyên tắc thứ hai, theo quy định của khoản 2 Điều 87 BLHS Liên bang Nga, có hai hướng xử lý hoàn toàn khác biệt đối với NCTN phạm tội: một là, áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc; hai là, áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội.
Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định của Điều 90 và Điều 92 BLHS Liên bang Nga, khi xử lý đối với NCTN phạm tội, trước hết cần phải xem xét để ưu tiên việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc đối với NCTN phạm tội; chỉ khi nào không thể áp dụng được biện pháp giáo dục bắt buộc đối với NCTN phạm tội thì Tòa án mới được áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội và khi đã áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội thì NCTN phạm tội có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt và thay vào đó là áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc hoặc được đưa vào cơ sở giáo dưỡng đặc biệt thuộc loại hình khép kín của cơ quan quản lý giáo dục trong những trường hợp luật định[8]. Như vậy, có thể thấy rằng, trong chính sách hình sự, để xử lý đối với NCTN phạm tội, BLHS Liên bang Nga luôn ưu tiên trước hết là việc miễn TNHS cho NCTN phạm tội thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc.
Nguyên tắc thứ ba, NCTN phạm tội có thể được miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo NCTN phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc[9]
1.2. Các biện pháp giáo dục bắt buộc cụ thể
a) Điều kiện áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc
- Trường hợp thứ nhất, điều kiện để NCTN phạm tội có thể được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc trong trường hợp được miễn TNHS theo quy định của khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga.
Khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga quy định: “NCTN phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng có thể được miễn TNHS nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo NCTN phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc”. Theo quy định này, NCTN phạm tội để có thể được miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc cần phải thỏa mãn ba điều kiện sau đây:
Thứ nhất, về loại tội phạm, loại tội phạm mà NCTN phạm phải là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Theo đó, tội phạm ít nghiêm trọng là những hành vi cố ý hoặc vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức phạt cao nhất do BLHS Liên bang Nga quy định là hai năm tù[10]; tội phạm nghiêm trọng là những hành vi cố ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức phạt cao nhất do BLHS Liên bang Nga quy định là năm năm tù và những hành vi vô ý mà việc thực hiện những hành vi này phải chịu mức cao nhất của khung hình phạt được BLHS Liên bang Nga quy định là trên hai năm tù[11]. Căn cứ quy định của Điều 20 BLHS Liên bang Nga, người đủ 16 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm phải chịu TNHS về mọi tội phạm còn những người đủ 14 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm chỉ phải chịu TNHS do thực hiện các tội sau: tội giết người (Điều 105); tội cố ý gây thương tích rất nặng cho sức khỏe người khác(Điều 111); tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe người khác (Điều 112); tội bắt cóc (Điều 126); tội hiếp dâm (Điều131); tội cưỡng dâm (Điều 132); tội trộm cắp (Điều 158); tội cướp (Điều 161); tội cướp giật (Điều 162); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều163); chiếm giữ trái phép ô tô hoặc các phương tiện giao thông khác không nhằm mục đích chiếm đoạt (Điều166); tội cố ý làm huỷ hoại hoặc hư hỏng tài sản trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 167); tội khủng bố (Điều 205); tội bắt cóc con tin (Điều 206); tội thông tin sai sự thật về hành động khủng bố (Điều207); tội gây rối trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 213); tội phá hoại tài sản công cộng (Điều 214); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu nổ (Điều226); tội chiếm đoạt và cưỡng đoạt các chất ma tuý và hướng thần (Điều 229); tội làm hư hại các phương tiện giao thông và đường dây thông tin liên lạc (Điều 267).
Thứ hai, nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo NCTN phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc. Điều kiện này mang tính đánh giá tương đối của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đánh giá hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc đối với NCTN phạm tội.
Thứ ba, NCTN phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của NCTN phạm tội phải đồng ý với việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc này[12].
- Trường hợp thứ hai, điều kiện để NCTN phạm tội có thể được áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc trong trường hợp được Tòa án miễn chấp hành hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga.
Khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga quy định: “Người chưa thành niên bị kết án do phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt, thay vào đó là áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc được quy định tại khoản 2 Điều 90 Bộ luật này”. Theo quy định của khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga, NCTN phạm tội để có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt và áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc cần phải là người đã bị Tòa án kết án về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng(trừ trường hợp bị phạt tù do phạm tội nghiêm trọng)[13].
b) Nội dung của các biện pháp giáo dục bắt buộc
Theo quy định của khoản 2 Điều 90 BLHS Liên bang Nga, có bốn biện pháp giáo dục bắt buộc được áp dụng đối với NCTN phạm tội gồm: cảnh cáo; chuyển cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ, hoặc cơ quan chức năng nhà nước giám sát; giao trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra; hạn chế thời gian rảnh rỗi và đặt ra những yêu cầu riêng đối với hành vi của NCTN phạm tội. Đối với trường hợp được miễn TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 90, hoặc được Tòa án miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 92, NCTN phạm tội có thể bị áp dụng đồng thời cùng lúc một hoặc nhiều biện pháp giáo dục bắt buộc[14]. Nội dung các biện pháp giáo dục bắt buộc được quy định tại Điều 91 BLHS Liên bang Nga như sau[15]:
- Cảnh cáo nghĩa là giải thích cho NCTN phạm tội hiểu về thiệt hại do hành vi của mình gây ra và hậu quả của việc tái phạm tội đã được Bộ luật này quy định.
- Chuyển để giám sát nghĩa là giao trách nhiệm giáo dục, cải tạo NCTN phạm tội và trách nhiệm kiểm tra, giám sát hành vi của NCTN phạm tội cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ, hoặc cơ quan chức năng nhà nước.
- Trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra được giao dựa trên hoàn cảnh kinh tế và dựa trên những kỹ năng lao động đã có ở NCTN phạm tội.
- Hạn chế thời gian rảnh rỗi và đặt ra những yêu cầu riêng đối với hành vi của NCTN phạm tội có thể là cấm thăm viếng, qua lại những nơi đã quy định, cấm các hoạt động, trong đó gồm cả việc cấm lái các phương tiện giao thông cơ giới; hạn chế ra ngoài nhà ở sau thời gian xác định, hạn chế đi tới các địa phương khác mà không được sự cho phép của các cơ quan chức năng nhà nước. NCTN phạm tội có thể nộp đơn quay trở về trường học hoặc được thu xếp, bố trí công việc với sự giúp đỡ của cơ quan chức năng nhà nước. Ngoài ra, người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự còn có thế bị hạn chế một số hành vi khác khi áp dụng biện pháp này.
Có thể thấy, Điều 90, Điều 91 BLHS Liên bang Nga chỉ quy định điều kiện chung để được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc[16]; đồng thời, không quy định điều kiện để áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc cụ thể mà chỉ quy định về nội dung của các biện pháp giáo dục bắt buộc.
c) Thẩm quyền áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc
Theo quy định của Điều 427, Điều 431 và Điều 432 Bộ luật TTHS Liên bang Nga, thẩm quyền áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc thuộc về Tòa án[17].
d) Nghĩa vụ của người được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc; thời hạn thực hiện các biện pháp và hậu quả pháp lý của việc vi phạm
- BLHS Liên bang Nga không quy định nghĩa vụ của NCTN phạm tội khi họ được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, thông qua nội dung cụ thể của các biện pháp giáo dục bắt buộc quy định tại Điều 91 BLHS Liên bang Nga, có thể thấy, mỗi biện pháp giáo dục bắt buộc chính là một nghĩa vụ mà NCTN phạm tội phải thực hiện. Hơn nữa, khoản 3 Điều 90 BLHS Liên bang Nga quy định NCTN phạm tội có thể bị áp dụng đồng thời cùng một lúc nhiều biện pháp giáo dục bắt buộc. Do đó, NCTN phạm tội có thể phải thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ khi được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc.
- Theo quy định của BLHS Liên bang Nga, thời hạn áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc tùy thuộc vào loại tội phạm mà NCTN phạm tội thực hiện. Ví dụ, thời hạn áp dụng biện pháp chuyển cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ, hoặc cơ quan chức năng nhà nước giám sát và biện pháp hạn chế thời gian rảnh rỗi và đặt ra những yêu cầu riêng đối với hành vi của NCTN phạm tội là từ một tháng đến hai năm khi phạm tội ít nghiêm trọng, từ sáu tháng đến ba năm khi phạm tội nghiêm trọng[18].
- BLHS Liên bang Nga chỉ quy định hướng xử lý đối với NCTN phạm tội thường xuyên không thực hiện các biện pháp giáo dục bắt buộc trong trường hợp được miễn TNHS mà không quy định hướng xử lý đối với NCTN phạm tội thường xuyên không thực hiện các biện pháp giáo dục bắt buộc trong trường hợp được miễn chấp hành hình phạt. Khoản 4 Điều 90 BLHS Liên bang Nga quy định: “Trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội thường xuyên không thực hiện biện pháp giáo dục bắt buộc thì biện pháp này có thể bị hủy bỏ theo đề nghị của cơ quan chức năng nhà nước và tài liệu sẽ được chuyển đi để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội”.
2. Những gợi mở cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Xét về bản chất, BLHS năm 2015 của Việt Nam cũng có quy định những biện pháp có tính chất tương tự như các biện pháp giáo dục bắt buộc áp dụng đối với NCTN phạm tội trong BLHS Liên bang Nga nhưng lại được quy định với tên gọi khác, là “Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự”. Theo quy định tại mục 2 Chương XII BLHS năm 2015, có ba biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS là: biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát (VKS) hoặc Tòa án chỉ có thể áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục này.
2.1. Gợi mở về nguyên tắc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu được quy định tại khoản 4 và đoạn 1 khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015. Cụ thể, khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”; đoạn 1 khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa".
Như vậy, khi xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các hướng xử lý sau: (i) miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục là khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (ii) áp dụng biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt là giáo dục tại trường giáo dưỡng[19]; (iii) áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, quy định tại các điều khoản nêu trên chưa thể hiện rõ thứ tự ưu tiên áp dụng các biện pháp này đối với NCTN phạm tội, đặc biệt là quy định tại khoản 4 Điều 91 BLHS năm 2015 dẫn đến hai cách hiểu khác nhau về thứ tự ưu tiên của việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:
+ Cách hiểu thứ nhất, khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, trước hết cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét để miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội không đủ điều kiện để được miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục thì Tòa án có thể xem xét đến việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục cũng như việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì Tòa án mới xem xét đến hướng xử lý cuối cùng là việc áp dụng hình phạt.
+ Cách hiểu thứ hai, khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, trước hết cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét đồng thời việc áp dụng biện pháp miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục hoặc việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục cũng như việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì Tòa án mới xem xét đến phương án thứ hai là việc áp dụng hình phạt.
Như vậy, điểm khác biệt cơ bản giữa cách hiểu này chính là thứ tự của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục trước hay đồng thời với việc xem xét áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trước khi áp dụng hình phạt. Xét về bản chất và mức độ nghiêm khắc thì việc NCTN phạm tội được miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục sẽ khoan hồng hơn, có lợi hơn so với việc NCTN phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Về vấn đề này, từ kinh nghiệm của Liên bang Nga ưu tiên việc xem xét áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc đối với NCTN phạm tội, tác giả cho rằng, cần sửa đổi khoản 6 Điều 91 BLHS năm 2015 theo hướng quy định rõ thứ tự áp dụng các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó trước tiên là việc miễn TNHS. Theo đó, khoản 6 Điều 91 BLHS được viết lại như sau: “Khi xét xử, Tòa án cần xem xét việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội không đủ điều kiện để được miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này thì Tòa án mới xem xét đến việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”.
2.2. Gợi mở về các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể
a)Điều kiện áp dụng
Để được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, người dưới 18 tuổi phạm tội phải thỏa mãn các điều kiện áp dụng chung được quy định tại Điều 92 BLHS năm 2015 bao gồm: (i) Người dưới 18 tuổi phạm tội phải được miễn TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 và (ii) người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục này. Đây là hai điều kiện cần và đủ để áp dụng bất kỳ biện pháp giám sát, giáo dục nào. Đối với từng biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, BLHS năm 2015 lại quy định những điều kiện áp dụng riêng biệt bên cạnh các điều kiện chung này. Cụ thể:
- Biện pháp khiển trách:Theo khoản 1 Điều 93 BLHS năm 2015, khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các trường hợp sau đây:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS.
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- Biện pháp hòa giải tại cộng đồng: Khoản 1 Điều 94 BLHS năm 2015 quy định hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015. 
- Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:Theo khoản 1 Điều 95 BLHS năm 2015 thì điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn giống với điều kiện để người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
So sánh quy định về điều kiện áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong BLHS năm 2015 của Việt Nam và BLHS Liên bang Nga, chúng ta có thể thấy những điểm tương đồng và khác biệt trong quy định của BLHS hai nước về vấn đề này. Cụ thể, BLHS năm 2015 của Việt Nam và BLHS Liên bang Nga đều có quy định các điều kiện: (i) NCTN phạm tội được miễn TNHS; (ii) điều kiện về loại tội phạm; và (iii) phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục. Bên cạnh đó, BLHS của hai nước cũng có những điểm khác biệt nhất định. Theo đó, nếu BLHS Liên bang Nga quy định một trong các điều kiện để được áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc là “nếu xác định được rằng việc giáo dục cải tạo NCTN phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc”[20] và đây là điều kiện mang tính đánh giá tương đối của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì BLHS năm 2015 của Việt Nam không quy định điều kiện này trong các biện pháp giám sát, giáo dục mà chỉ quy định gián tiếp trong nguyên tắc xử lý được quy định tại khoản 4 Điều 69 BLHS năm 2015: “… nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Đồng thời, khi quy định điều kiện để được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, so với BLHS Liên bang Nga, BLHS năm 2015 còn quy định điều kiện phân hóa theo nhóm tuổi chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, dưới 18 tuổi); theo vai trò thực hiện tội phạm (là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án) và điều kiện về lịch sử phạm tội của người dưới 18 tuổi (lần đầu phạm tội).
b) Thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục
Nếu BLHS Liên bang Nga quy định thẩm quyền áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc chỉ thuộc về Tòa án[21] thì BLHS năm 2015 đã có sự mở rộng thẩm quyền khi quy định chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục so với BLHS Liên bang Nga. Cụ thể, theo quy định tại Điều 92 BLHS năm 2015 thì tùy vào từng giai đoạn tố tụng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử[22].
c) Nghĩa vụ của người được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục; thời gian thực hiện nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ
- Nghĩa vụ của người được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục: Người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng các biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã phường thị trấn đều phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp[23]. Ngoài ra, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì ngoài các nghĩa vụ trên, họ phải thực hiện thêm nghĩa vụ xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại[24]. Còn đối với người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì phải thực hiện thêm các nghĩa vụ gồm: Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép[25].
- Thời gian thực hiện nghĩa vụ: Thời gian thực hiện các nghĩa vụ của biện pháp khiển trách và hòa giải tại cộng đồng là từ 3 tháng đến 1 năm. Thời gian thực hiện các nghĩa vụ của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 1 năm đến 2 năm[26].
- Hậu quả pháp lý của việc vi phạm các nghĩa vụ:BLHS năm 2015 không quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp người được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục vi phạm các nghĩa vụ trên.
Như vậy, BLHS năm 2015 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng các biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đều phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định[27].Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại không quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp người được áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục vi phạm các nghĩa vụ ví dụ như trong trường hợp họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ trên thì sẽ xử lý như thế nào. Chính vì BLHS năm 2015 không quy định hậu quả pháp lý trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội vi phạm các nghĩa vụ trong quá trình thực hiện các biện pháp này đã làm giảm hiệu quả và tính nghiêm khắc của các biện pháp giám sát, giáo dục cũng như tạo ra một khoảng trống pháp lý khi quy định về các biện pháp này. Do đó, để nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người dưới 18 tuổi phạm tội cũng như nâng cao hiệu quả, tính giáo dục, phòng ngừa của các biện pháp giám sát, giáo dục, trên cơ sở kinh nghiệm quy định tại khoản 4 Điều 90 BLHS Liên bang Nga về hậu quả pháp lý mà NCTN phạm tội phải gánh chịu nếu họ thường xuyên không thực hiện biện pháp giáo dục bắt buộc, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Mục 2 Chương 12 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung thêm một điều luật (Điều 95a) để quy định về vấn đề này như sau:
Điều 95a. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm các nghĩa vụ
Nếu trong quá trình áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục mà người dưới 18 tuổi phạm tội không thực hiện hoặc thường xuyên không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 94 hoặc khoản 2 Điều 95 của Bộ luật này thì biện pháp giám sát, giáo dục sẽ bị huỷ bỏ theo đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng và cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án theo thủ tục chung”./.
 

 


[3] Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến các biện pháp giáo dục bắt buộc.
[4] Yuliya Vadimovna Serebryakova, Ph. D. in Culturology, Associate Professor, Department of Philosophy, https://www.gramota.net/articles/issn_1997-292X_2012_11-1_37.pdf.
[5]https://27.мвд.рф/Pravovoe_informirovanie/Pravovaja_pomoshh_detjam/UGOLOVNAJA_OTVETSTVENNOST_NESOVERSHENNOL.
[6] Khoản 1 Điều 87 BLHS Liên bang Nga.
[7] Điều 96 BLHS Liên bang Nga quy định: “Trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào hành vi đã gây ra hoặc nhân thân của người phạm tội, Tòa án có thể áp dụng những quy định của Chương này đối với những người phạm tội trong độ tuổi từ đủ 18 đến 20 tuổi, ngoài việc đưa họ đến những cơ sở giáo dưỡng đặc biệt thuộc loại hình kép kín của cơ quan quản lý giáo dục hoặc trại cải tạo”.
[8] Yuliya Vadimovna Serebryakova, Ph. D. in Culturology, Associate Professor, Department of Philosophy, https://www.gramota.net/articles/issn_1997-292X_2012_11-1_37.pdf.
[9] Khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga.
[10] Khoản 2 Điều 15 BLHS Liên bang Nga.
[11] Khoản 3 Điều 15 BLHS Liên bang Nga.
[12] Khoản 6 Điều 427 BLTTHS Liên bang Nga quy định: “Việc miễn TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga sẽ không được thực hiện nếu NCTN phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của NCTN phạm tội không đồng ý với việc áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc này”.
[13] Khoản 2 Điều 92 BLHS Liên bang Nga quy định: “NCTN phạm tội bị phạt tù do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt và được đưa vào cơ sở giáo dưỡng đặc biệt thuộc loại hình khép kín của cơ quan quản lí giáo dục”.
[14] Khoản 3 Điều 90 BLHS Liên bang Nga.
[15] Điều 91 BLHS Liên bang Nga.
[16] Xem khoản 1 Điều 90, khoản 1 Điều 92 BLHS Liên bang Nga.
[18] Khoản 3 Điều 90 BLHS Liên bang Nga.
[19] Điều 96 và Điều 97 BLHS năm 2015.
[20] Khoản 1 Điều 90 BLHS Liên bang Nga.
[21] Điều 427, Điều 431 và Điều 432 Bộ luật TTHS Liên bang Nga.
[22] Điều 427, Điều 428, Điều 429 BLTTHS năm 2015.
[23] Khoản 3 Điều 93, khoản 2 Điều 94, khoản 2 Điều 95 BLHS năm 2015.
[24] Khoản 3 Điều 94 BLHS năm 2015.
[25] Khoản 2 Điều 95 BLHS năm 2015.
[26] Khoản 4 Điều 93, khoản 4 Điều 94, khoản 1 Điều 95 BLHS năm 2015.
[27] Xem khoản 3 Điều 93, khoản 3 Điều 94 và khoản 2 Điều 95 BLHS năm 2015.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (433), tháng 5/2021.)


Ý kiến bạn đọc