Giới hạn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp tham vấn chuyên gia tại Việt Nam và một số nước trên thế giới

21/07/2021

LÊ NGỌC VÂN NHI

Cựu sinh viên Khóa 40, trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Người quản lý doanh nghiệp là người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia điều hành và quản lý các hoạt động của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp có thể tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn để đưa ra các quyết định cho hoạt động của doanh nghiệp. Vấn đề được đặt ra là, trong trường hợp quyết định do người quản lý doanh nghiệp ban hành dựa trên ý kiến tư vấn và thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp thì giới hạn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp đến đâu. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước trên thế giới về giới hạn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp tham vấn chuyên gia, và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Từ khóa: Người quản lý doanh nghiệp, giới hạn trách nhiệm, nghĩa vụ cẩn trọng.
Abstract: An enterprise manager is a person who directly or indirectly participates in operating and managing an enterprise. In the process of performing his duties in the enterprise, the manager could consult with professional agencies, organizations, and individuals to make decisions for the enterprise’s activities. It is doubtful whether the decisions based on opinions and information from professional agencies, organizations, and individuals made by the manager have a negative impact on the operation of the business, how would be the manager’s limitation on liability solved? The article analyzes the manager’s limitation on liability under the law of Vietnam and some developed countries in the world, thereby making a number of recommendations to complete Vietnam’s law on this issue.
Keywords: Manager, limitation on liability, duty of care and diligence, consultation.
THAM-VẤN.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo quy định của khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020, người quản lý doanh nghiệp (NQL) là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp mà NQL có tên gọi khác nhau. Ngoài ra, trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định thì NQL cũng có thể là cá nhân khác giữ chức danh quản lý có quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch. Bên cạnh đó, người trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng được xem xét để xác định là NQL giấu mặt và phải tuân thủ các trách nhiệm của NQL theo quy định của pháp luật. Các văn bản luật và án lệ về công ty ở Hoa Kỳ không đề cập đến thuật ngữ NQL (managers) mà chỉ đề cập đến thuật ngữ thành viên Hội đồng quản trị (directors) và người điều hành (officers); ngoài ra, thành viên Hội đồng quản trị được pháp luật mặc định là NQL[1]; và pháp luật của Úc quy định tương tự như Hoa Kỳ về mặt thuật ngữ. Luật Công ty 2006 của Vương quốc Anh cũng đề cập đến thuật ngữ thành viên Hội đồng quản trị (directors) được xem là NQL.
1. Pháp luật Việt Namvà pháp luật một số nước trên thế giới về nghĩa vụ cẩn trọng và giới hạn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp tham vấn chuyên gia
Một trong những tiêu chuẩn, điều kiện của NQL cần có là trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và/hoặc các điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định[2]. Pháp luật đặt ra yêu cầu đối với NQL cần có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty; trong khi đó, trên thực tế NQL là người điều hành và quản lý nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau và buộc phải đưa ra quyết định, chấp thuận, phê duyệt nhiều vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi kiến thức của NQL. Đôi khi các quyết định này là sai lầm và gây thiệt hại cho công ty. Vì vậy, việc tham vấn ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn đối với lĩnh vực cần quyết định là một điều cần thiết.
Theo pháp luật Việt Nam, một trong những trách nhiệm của NQL cần có là thực hiện quyền và nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty[3]. Quy định này cho thấy, pháp luật Việt Nam đã tiếp nhận pháp luật nước ngoài về nghĩa vụ ủy thác (fiduciary duty), đó là nghĩa vụ cẩn trọng và nghĩa vụ trung thành. Một trong những nội dung pháp lý về nghĩa vụ cẩn trọng đòi hỏi NQL phải ra quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin có được từ nguồn tin cậy, trường hợp nguồn thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc không đáng tin cậy thì NQL không được ra quyết định. Nếu NQL ra hoặc tham gia ra bất kỳ quyết định nào mà không đủ cơ sở thông tin tin cậy thì được coi là vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng[4].
Các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triểm kinh tế (OECD) yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị hoạt động với thông tin đầy đủ, tin cậy, mẫn cán và cẩn trọng. Ở hầu hết các quốc gia, nghĩa vụ cẩn trọng không bao gồm các sai sót trong đánh giá tình hình kinh doanh miễn là không quá sơ suất và quyết định được đưa ra với sự mẫn cán cần thiết[5].
Các nước theo hệ thống thông luật như Hoa Kỳ, Anh, Úc đã áp dụng quy tắc quyết định kinh doanh (Business judgment rule). Quyết định kinh doanh (Business judgment) được hiểu là bất kỳ quyết định nào thực hiện hoặc không thực hiện hành động đối với một vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Thẩm phán sẽ xem xét trách nhiệm của NQL trên khía cạnh tuân thủ các trình tự, thủ tục hợp lý để ra quyết định chứ không xác định quyết định kinh doanh là đúng hay sai. NQL khi đưa ra quyết định kinh doanh được coi là đáp ứng nghĩa vụ cẩn trọng (duty of care) và mẫn cán (diligence) nếu: (1) quyết định được đưa ra một cách thiện chí, trung thực cho mục đích thích hợp; (2) không có lợi ích cá nhân đối với vấn đề được đề cập trong quyết định; (3) tìm hiểu thông tin về vấn đề được đề cập trong quyết định trong phạm vi mà NQL tin rằng phù hợp một cách hợp lý; và (4) tin tưởng một cách hợp lý rằng quyết định vì lợi ích tốt nhất của công ty[6]. Để có được nguồn thông tin mà từ đó NQL xem xét, đánh giá đưa ra quyết định, NQL có thể dựa trên một số thông tin hoặc lời khuyên nhất định do một số người đưa ra, miễn là sự tin cậy đó được thực hiện một cách thiện chí và sau khi đánh giá độc lập về thông tin hoặc lời khuyên. Cụ thể, trong một số trường hợp nhất định, NQL có quyền dựa vào thông tin hoặc lời khuyên chuyên môn được đưa ra hoặc chuẩn bị bởi: (1) một người lao động của công ty mà NQL cho là đáng tin cậy và có năng lực liên quan đến các vấn đề được đề cập trong quyết định; (2) cố vấn chuyên môn hoặc chuyên gia nếu NQL tin tưởng một cách hợp lý rằng các vấn đề liên quan nằm trong năng lực chuyên môn của người đó; (3) NQL hoặc người điều hành khác liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền của người đó; hoặc (4) Hội đồng quản trị mà NQL (thành viên Hội đồng quản trị) không phục vụ liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng. Việc NQL dựa vào thông tin hoặc lời khuyên đó được coi là hợp lý nếu việc dựa vào đó được thực hiện một cách thiện chí và sau khi NQL đánh giá độc lập về thông tin hoặc lời khuyên đó (liên quan đến kiến ​​thức của NQL về công ty và mức độ phức tạp của cơ cấu và hoạt động của công ty)[7]. Trong trường hợp quyết định được NQL đưa ra dựa trên nguồn thông tin tư vấn, lời khuyên bởi các chủ thể trên và đáp ứng các điều kiện của nghĩa vụ cẩn trọng thì khi thiệt hại xảy ra cho công ty, NQL có thể được miễn trách nhiệm và thuộc trường hợp không vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng.
NQL không thể được mong đợi có các kỹ năng và kiến thức chuyên môn sâu của luật sư hoặc các chuyên gia trong các lĩnh vực khác. Theo quy định tại Luật mẫu hiệu chỉnh công ty của Mỹ (Revised Model Business Corporation Act – RMBCA)[8], nghĩa vụ cẩn trọng của NQL yêu cầu NQL phải tìm hiểu mọi thông tin có liên quan và chứng tỏ rằng họ đã cân nhắc mọi khả năng lựa chọn trước khi ra quyết định, cụ thể theo Điều 8.30(a) RMBCA đưa ra điều kiện để NQL hoàn thành nghĩa vụ cẩn trọng là: (1) có lòng thành, sự cẩn thận mà một người bình thường cũng sẽ làm khi ở vị trí đó trong các tình huống tương tự; và (2) theo cách thức mà người đó tin tưởng một cách hợp lý rằng hành động đó là vì lợi ích tốt nhất cho công ty. Khi thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng quản trị, NQL có quyền dựa vào thông tin, ý kiến, báo cáo bao gồm báo cáo tài chính và các dữ liệu tài chính khác, được lập hoặc trình bày bởi: (1) một hoặc nhiều người điều hành hoặc người lao động của công ty mà NQL cho rằng đáng tin cậy và có năng lực trong các chức năng được thực hiện hoặc cung cấp thông tin, ý kiến, báo cáo; (2) cố vấn pháp lý, kế toán, hoặc những người khác được công ty thuê để giải quyết về các vấn đề liên quan đến kỹ năng hoặc chuyên môn mà NQL tin tưởng một cách hợp lý là những vấn đề (i) trong phạm vi năng lực chuyên môn của người đó, hoặc (ii) người đáng tin cậy; hoặc (3) một hội đồng mà NQL không phải là thành viên nếu NQL tin tưởng hợp lý vào hội đồng đó.
Luật mẫu hiệu chỉnh công ty của Hoa Kỳ đặt ra các yêu cầu về trình tự mà NQL phải thực hiện đối với nguồn thông tin có được cùng với các điều kiện đối với năng lực chuyên môn của các chủ thể nêu trên. Ví dụ, NQL cần xem xét: (i) lý lịch, kinh nghiệm của cá nhân và phạm vi trách nhiệm trong công ty để đánh giá mức độ quen thuộc và kiến ​​thức của cá nhân đó đối với vấn đề cụ thể; và (ii) hồ sơ và danh tiếng của cá nhân đó về sự trung thực, cẩn thận và khả năng thực hiện trách nhiệm mà cá nhân đó đảm nhận. Cố vấn mà NQL có thể dựa vào thông tin họ cung cấp để đưa ra quyết định không chỉ bao gồm các chuyên gia được cấp giấy phép hành nghề, chẳng hạn như luật sư, kế toán và kỹ sư, mà còn những người trong các lĩnh vực khác liên quan đến kinh nghiệm và kỹ năng đặc biệt, chẳng hạn như chủ ngân hàng đầu tư, nhà địa chất, tư vấn quản lý, và thẩm định viên. Cố vấn có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức, chẳng hạn như một công ty luật hoặc ngân hàng đầu tư, miễn là NQL tin tưởng một cách hợp lý người đó đáng tin cậy. Theo đó, NQL không phải chịu trách nhiệm đối với công ty khi họ gây ra mất mát, thiệt hại cho công ty do các quyết định về kinh doanh đã đưa ra trong trường hợp nêu trên. Trách nhiệm này là cần thiết để cho NQL mạnh dạn quyết định khi thấy có cơ hội nhưng không thể kiểm soát được nó hoàn toàn. Nguyên tắc này cũng được quy định trong các đạo luật công ty của các bang ở Hoa Kỳ và được thừa nhận bởi các án lệ. Ví dụ, Điều 141(e) Luật Công ty của bang Delaware quy định, thành viên Hội đồng quản trị, hoặc thành viên của bất kỳ hội đồng nào do Hội đồng quản trị chỉ định, khi thực hiện nhiệm vụ của thành viên đó, sẽ được bảo vệ hoàn toàn khi dựa vào hồ sơ của công ty một cách thiện chí và dựa trên những thông tin đó, ý kiến, báo cáo hoặc tuyên bố của bất kỳ người điều hành hoặc người lao động nào của công ty, hoặc của Hội đồng quản trị, hoặc bởi bất kỳ người nào khác về những vấn đề mà thành viên đó tin tưởng hợp lý là thuộc về năng lực chuyên môn của người khác đó và được lựa chọn với sự cẩn trọng hợp lý bởi hoặc thay mặt cho công ty[9].
Ở Việt Nam, nghĩa vụ cẩn trọng của NQL xuất hiện đầu tiên trong Luật DN năm 1999. Tuy nhiên, cho đến nay, các quy định của pháp luật chưa định nghĩa, giới hạn một cách rõ ràng hay giải thích đầy đủ và cụ thể thế nào là nghĩa vụ cẩn trọng của NQL. Vì vậy, khi DN xảy ra thiệt hại, trách nhiệm của NQL phụ thuộc vào xét xử của Tòa án. Về mặt thực tiễn, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ án lệ nào giải thích về giới hạn trách nhiệm của NQL khi đã thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Giả sử khi DN thực hiện các hoạt động mua, bán, sáp nhập, liên doanh liên kết, thanh lý doanh nghiệp, đầu tư, góp vốn, mua – bán chứng khoán của doanh nghiệp, cổ phần hóa, niêm yết chứng khoán trên thị trường chứng khoán, vay vốn đầu tư kinh doanh, thuế, giải quyết, xử lý tranh chấp, các hoạt động thẩm định giá có vai trò rất quan trọng khi đó là khâu đưa ra giá trị xác thực nhất của tài sản, là giá trị mà ở đó người mua và người bán dễ dàng gặp nhau nhất. Đây không nhất thiết là giá giao dịch cuối cùng của tài sản, nhưng sẽ là căn cứ căn bản để hai bên thương thảo với nhau. Chính vì thế, tính khách quan là yếu tố quan trọng trong việc thuê thẩm định giá nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên[10]. Việc thẩm định không được thực hiện chính xác, sai quy chuẩn sẽ dẫn tới nguy cơ gây thiệt hại lớn cho tài sản của DN. Quá trình này do thẩm định viên chuyên nghiệp tiến hành, là một người được đào tạo, huấn luyện, và có kinh nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn để thực hiện việc thẩm định giá. Nếu NQL dựa vào báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá để làm căn cứ xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản và NQL chứng minh được mình đã tuân thủ các nghĩa vụ pháp luật quy định nhưng sau đó chính quyết định của NQL lại gây thất thoát tài sản cho DN thì Tòa án sẽ xét xử như thế nào trong trường hợp này, liệu Tòa án sẽ dựa vào hậu quả để buộc NQL chịu trách nhiệm. Đó vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết; trong khi hiện nay có rất nhiều vụ việc liên quan đến thẩm định giá gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của người quản lý DN nhà nước.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật một số nước thuộc hệ thống thông luật, NQL không phải chịu trách nhiệm pháp lý khi đưa ra hoặc tham gia đưa ra quyết định làm ảnh hưởng đến công ty nếu như dựa vào nguồn thông tin đầy đủ hoặc tư vấn từ các chuyên gia, cố vấn mà NQL tin tưởng rằng nó đáng tin cậy, hợp lý và đã thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng, mẫn cán của chính mình. Ngược lại, NQL chỉ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của DN khi đưa ra hoặc tham gia đưa ra quyết định làm ảnh hưởng đến DN khi chưa có nguồn thông tin đầy đủ và đáng tin cậy và được xem là vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại DN. Trên thực tế, quy định này tạo ra một cơ chế có lợi cho NQL, giải phóng họ khỏi trách nhiệm pháp lý tiềm tàng cho những sai lầm có thể xảy ra đối với các quyết định rủi ro cho DN, từ đó NQL sẽ không có tâm lý e dè lo ngại mà chủ động mạo hiểm hơn khi đưa ra các quyết định kinh doanh để không đánh mất đi các cơ hội kinh doanh mà DN có thể đạt được. Vì lẽ đó, không chỉ NQL mà DN cũng sẽ có được lợi ích nhất định từ quy định này.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ cẩn trọng và giới hạn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp tham vấn chuyên gia
Một là, cần cụ thể hóa nội dung của nghĩa vụ cẩn trọng trong pháp luật về DN hoặc án lệ bởi đây là quy định mang tính định tính, khó xác định dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng trong thực tiễn do thiếu các công cụ pháp lý hỗ trợ xét xử. Việc quy định chi tiết về nghĩa vụ cẩn trọng góp phần xác định rõ trách nhiệm của NQL, tránh sự tùy tiện, thiếu rõ ràng trong các quyết định của NQL.
Hai là, quy định các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm khi đưa ra quyết định sai lầm ảnh hưởng đến DN để tránh tình trạng khi xét xử hoặc truy cứu trách nhiệm của NQL theo hướng bất lợi (vì có thiệt hại thực tế xảy ra cho DN buộc NQL phải chịu trách nhiệm, vì NQL không thực hiện tròn trách nhiệm để đem lại lợi ích cho DN), từ đó NQL có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình và không bỏ sót bất kỳ cơ hội kinh doanh nào đem lại kết quả kinh doanh tốt cho DN.
Ba là, Tòa án khi xét xử các vụ án có liên quan, chỉ nên đánh giá quy trình tuân thủ các điều kiện về trình tự, thủ tục hợp lý để NQL có được nguồn thông tin hợp lý đáng tin cậy, trách nhiệm của NQL và tính hợp pháp của quyết định kinh doanh chứ không nên đánh giá tính đúng sai của vấn đề thể hiện trong quyết định kinh doanh. Bởi lẽ, quyết định kinh doanh luôn có tính biến động khôn lường nên không phải luôn luôn đúng tại mọi thời điểm và còn nhiều yếu tố khách quan tác động đến quyết định của NQL tại thời điểm đó./.
 

 


[1] TS. Đỗ Minh Tuấn (2018), Một số vấn đề pháp lý về nghĩa vụ của người quản lý công ty, Nxb. Tư pháp, tr.50 - 51.
[2] Khoản 2 Điều 64, điểm b khoản 3 Điều 82, khoản 2 Điều 93, khoản 2 Điều 101, điểm b khoản 1 Điều 155, điểm c khoản 5 Điều 162 Luật DN năm 2020.
[3] Điểm a, b khoản 1 Điều 71; khoản 2, 3 Điều 83; khoản 2, 3 Điều 97; điểm b, c khoản 1 Điều 165; điểm a khoản 2 Điều 181 Luật DN năm 2020.
[4] TS. Đỗ Minh Tuấn (2018), tlđd, tr.188.
[5] Dự án Quản trị Công ty tại Việt Nam của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Bản dịch G20/OECD Các nguyên tắc quản trị công ty (G20/OECD Principles of Corporate Governance), tr.49, https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/f05f4bff-81c1-4f41-a689-0bf68ec03b49/G20-ECD+CG+Principles_English-Vietnamese+by+IFC.pdf?MOD=AJPERES&CVID=lAAQVAw&fbclid=IwAR0Jyk97XxVbcP8nJRdzMKT-UNSfT5JEPOQm-gadgeOSm9fYG4ZARuI99Rs, truy cập ngày 18/10/2020.
[6] The Australian Corporations Act 2001, Chapter 2D – Officers and employees, Part 2D.1 – Duties and powers, Division 1 – General duties, Article 180.2 Business judgment rule.
[7] The Australian Corporations Act 2001, Chapter 2D – Officers and employees, Part 2D.1 – Duties and powers, Division 1 – General duties, Article 189 Reliance on information or advice provided by others.
[8] Model Business Corporation Act (2016 Revision) (December 9, 2016), Subchapter C Directors, Article 8.30 Standards of Conduct for Directors.
[9] Title 8 - Corporations, Chapter 1 - General Corporation Law, Subchapter IV. Directors and Officers, https://corplaw.delaware.gov/delaware-corporation-entity-laws/, truy cập ngày 20/10/2020.
[10] Hải Triều – Văn Cương, Thẩm định giá: Những chiêu “làm xiếc” với tài sản nhà nước, http://congan.com.vn/tin-chinh/tham-dinh-gia-nhung-chieu-lam-xiec-voi-tai-san-nha-nuoc_52441.html, truy cập ngày 19/10/2020.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (430), tháng 03/2021.)