Quyền của Chủ tịch nước trong ân giảm án tử hình và đặc xá

05/08/2021

THS. LÊ DUY TƯỜNG

Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước.

Tóm tắt: Trong phạm vibài viết này, tác giả trình bày làm rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong ân giảm án tử hình và đặc xá theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành nhằm góp phần tạo nhận thức thống nhất về ân giảm án tử hình và đặc xá.
Từ khóa: Chủ tịch nước, ân giảm án tử hình, đặc xá.
Abstract: This article provides clarification of the role and authority of the President in the death penalty parole and special amnesty in accordance with the Constitution of 2013 and the current law, on that basis, the unified understanding of the death penalty remission pictures and amnesty.
Key words: President, death penalty remission, amnesty.
 
 
ÂN-XÁ.jpg1. Quyền của Chủ tịch nước trong ân giảm án tử hình và đặc xá
Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân theo quy định của pháp luật, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người phạm đội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho những người này khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành.
Điều 258 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định trường hợp được ân giảm đối với hình phạt tử hình như sau: 1. Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao. Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước; 2. Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình. Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, theo quy định của Điều 35 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015), hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 bổ sung trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm” (khoản 6 Điều 63). Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù BLHS năm 2015 cho phép người bị kết án tử hình được ân giảm tiếp tục được xét giảm, nhưng điều kiện để xét giảm án của những người này chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, đó là: thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần thì vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm. 
Quy định trên đây thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta; chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Xét về bản chất, đặc xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt
Khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ, Chủ tịch nước quyết định đặc xá… Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
2. Thực trạng ân giảm án tử hình và đặc xá
Việc đặc xá, tha tù trước thời hạn được xem xét thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định. Kết quả thực hiện các đợt đặc xá trong thời gian qua được nhân dân trong nước đồng tình, dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao về tính nhân đạo, chính sách khoan hồng, tính công khai và minh bạch trong chủ trương cũng như trong quá trình thực hiện. Nhìn chung, công tác đặc xá đã có tác dụng giáo dục, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, trong giai đoạn 2016 -2021, căn cứ Luật Đặc xá, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 02/9/2016, Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.384 phạm nhân, trong đó: 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam[1].
Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật; vì vậy, việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng. Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Nhiệm kỳ vừa qua, việc thực hiện thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, xét đơn xin ân giảm án tử hình và thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật còn gặp khó khăn do số lượng người bị kết án tử hình tăng nhanh. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền vì người phạm tội không viết đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ viết đơn kêu oan, đơn xin thi hành án[2].
3. Một số vấn đề đặt ra
Mặc dù ân giảm án tử hình và đặc xá thể hiện rất rõ vai trò, thẩm quyền của Chủ tich nước, nhưng trong thực tiễn tố tụng trong thời gian vừa qua, còn có sự nhận thức chưa thống nhất về các thủ tục này, đặc biệt là ân giảm án tử hình, cụ thể:
Theo quy định của Bộ luật THHS và Luật Thi hành án hình sự, thủ tục xét ân giảm đối với người bị kết án tử hình là một thủ tục nằm trong giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên, không phải trong giai đoạn thi hành án thì mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án đó sẽ bị triệt tiêu, bởi lẽ:
Thứ nhất, về căn cứ pháp lý, theo Điều 367 Bộ luật TTHS về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành thì sau khi bản án kết án tử hình có hiệu lực pháp luật, TAND tối cao và VKSND tối cao phải xem xét có kháng nghị hay không. Thời hạn xem xét quyết định việc kháng nghị là 2 tháng.
Đồng thời, cũng trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án kết án tử hình có hiệu lực pháp luật, người bị kết án có quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Như vậy, thủ tục xem xét để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án tử hình và thủ tục xét ân giảm bản án tử hình là hai thủ tục độc lập, cùng được xác định trong thời hạn tính từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật, không phải là hai thủ tục tiếp nối nhau. Mặt khác, việc xem xét, quyết định kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền là một hoạt động tố tụng, với đối tượng xem xét là bản án đã có hiệu lực pháp luật, dựa trên những căn cứ pháp lý được quy định cụ thể trong Bộ luật TTHS. Trong khi đó, việc xem xét cho ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước là thủ tục hành chính, trên tinh thần nhân đạo, khoan hồng, với đối tượng xem xét là người đã bị kết án (tử hình). Hai thủ tục này khác nhau hoàn toàn về tính chất và đối tượng, do đó không có tính loại trừ nhau. Vì vậy, thủ tục xét ân giảm án tử hình không phải là thủ tục cuối cùng trước khi đưa người bị kết án ra thi hành nên không thể loại trừ hoàn toàn các hoạt động tố tụng, ví như việc kháng nghị giám đốc thẩm.
Thứ hai, về cơ sở lý luận, trong giai đoạn thi hành án, cụ thể là thi hành bản án tử hình, một số hoạt động tố tụng vẫn có thể được thực hiện. Ví dụ, Hội đồng thi hành án tử hình có thể ra quyết định tạm hoãn thi hành án nếu ngay trước khi thi hành án, người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm, hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015. Trong các trường hợp đó, một số quyết định tố tụng mới sẽ được ban hành như quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, quyết định chuyển bản án tử hình thành hình phạt tù chung thân… Như vậy, có thể thấy rằng, quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Chủ tịch nước không triệt tiêu các hoạt động tố tụng khác của chủ thể tiến hành tố tụng, nếu căn cứ của các hoạt động đó mới xuất hiện hoặc vẫn tồn tại trong vụ án.
Thứ ba, về căn cứ thực tế, trong vụ án Hồ Duy Hải, mặc dù Chủ tịch nước đã từng bác đơn xin ân giảm đối với người bị kết án nhưng tại nhiều thời điểm sau đó, Chủ tịch nước cũng có ý kiến tạm dừng việc thi hành tử hình hoặc yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, làm rõ và quyết định theo thẩm quyền nhằm đảm bảo việc kết án tử hình là đúng quy định của pháp luật. Như vậy, thực tế giải quyết vụ án cho thấy, Chủ tịch nước cũng đã có ý kiến để Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại vụ án theo thẩm quyền.
Về đặc xá, Luật Đặc xá năm 2018 bao gồm 6 chương, 39 điều với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung so với Luật Đặc xá năm 2007 về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quyền đại xá của Chủ tịch nước, tác giả cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định về các vấn đề sau đây:
Một là, quy định về “những sự kiện trọng đại của đất nước” để áp dụng đặc xá chưa rõ. Theo quy định của Luật Đặc xá, Chủ tịch nước sẽ xem xét quyết định việc đặc xá nhân sự kiện trọng đại, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về việc xác định những sự kiện nào là sự kiện trọng đại của đất nước. Tác giả cho rằng, để xác định sự kiện trọng đại của đất nước, cần quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện trọng đại làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Điều này góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai áp dụng.
Hai là, theo quy định của Điều 66 BLHS năm 2015, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách họ vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành; trường hợp phạm tội mới trong thời gian thử thách, Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước. Quy định này vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, vừa có tính răn đe đối với người bị phạm tội. Tuy nhiên, người được đặc xá lại không phải chịu thời gian thử thách như người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Chính điều này đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và phần nào tạo nên sự không đồng thuận của một bộ phận quần chúng nhân dân. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần sửa đổi BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về thời gian thử thách đối với người được đặc xá và các nghĩa vụ của người được đặc xá trong thời gian thử thách, chế tài xử lý trong trường hợp họ vi phạm nghĩa vụ tương ứng như quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện./.
 
 
 
 
 

 


[1] Báo cáo số 01/BC-CTN, ngày 12/3/2021 của Chủ tịch nước về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, tr.7.
[2] Báo cáo số 01/BC-CTN, ngày 12/3/2021 của Chủ tịch nước về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, tr.7.