“Thiên nga đen” - Covid-19 và cơ chế điều chỉnh của pháp luật hợp đồng Việt Nam

20/07/2021

TS. ĐỖ GIANG NAM

Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội,

TRẦN QUANG CƯỜNG

NCS. GV. Đại học Paris 10, Pháp.

Tóm tắt: Từ góc độ pháp luật hợp đồng, sự xuất hiện của Covid-19 có thể được coi là một sự kiện bất ngờ tác động mạnh mẽ đến quan hệ hợp đồng của các bên. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích nội dung, ý nghĩa pháp lý của sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản; và khả năng áp dụng các chế định này trong xử lý các tranh chấp hợp đồng chịu tác động của đại dịch Covid 19.
Từ khoá: Covid-19, nguyên tắc Pacta sunt servanda, sự kiện bất khả kháng, sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản.
Abstract: From the perspective of contract law, the emergence of Covid-19 can be considered as a supervening event which has generated a strong impact on the contractual relationship. Within this article, the authors provide a analysis of the contents and legal significance of the doctrine of force majeure and the doctrine of fundamental change of circumstances, assessment of the applicability of these doctrines to settle contract disputes affected by the Covid-19 pandemic.
Keywords: Covid-19; principle of Pacta sunt servanda; doctrine of force majuere; doctrine of fundamental change of circumstances.
 COVID.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Dẫn nhập
Covid-19 có thể được coi như hiện tượng “thiên nga đen” của thế kỷ 21 - nó là một sự kiện bất ngờ với xác suất xuất hiện cực nhỏ, nhưng đem lại tác động cực lớn[1]. Hiển nhiên, đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh doanh, thương mại trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa, nhiều lao động bị mất việc làm, hoặc có thu nhập bị giảm sút đáng kể, và nhiều giao dịch buộc phải trì hoãn hoặc chấm dứt. Các hoạt động này trên thực tế thường dựa trên cơ sở quan hệ hợp đồng; do đó, làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý như ảnh hưởng của covid-19 và các biện pháp can thiệp của nhà nước để kiểm soát dịch bệnh đến việc thực hiện hợp đồng của các bên? Cụ thể, liệu việc một bên không thực hiện hợp đồng do đại dịch Covid-19 có dẫn đến việc họ phải chịu chế tài nhất định? Hay họ nên được miễn trừ trách nhiệm dân sự trong hoàn cảnh này? Liệu đây có phải là căn cứ để các bên chấm dứt hợp đồng hay họ vẫn phải chịu sự ràng buộc vào quan hệ hợp đồng?
Sự xuất hiện của đạị dịch Covid-19 lần này là hiện tượng mới. Tuy nhiên, các hiện tượng như chiến tranh, lũ lụt, động đất, sóng thần… hay kể cả các đại dịch khác đều đã từng diễn ra trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, pháp luật hợp đồng, trải qua thời gian, đã thiết lập được những cơ chế pháp lý để ứng phó với tác động của những sự kiện bất ngờ đó đối với quan hệ hợp đồng giữa các bên. Trong đó, sự kiện bất ngờ có thể hiểu là một sự kiện pháp lý mà việc xảy ra, thời điểm và địa điểm xảy ra không thể dự báo trước bởi các bên trong quan hệ hợp đồng. Tính bất ngờ ở đây đóng một vai trò nền tảng. Bởi lẽ, suy cho cùng, chúng ta đều hiểu rằng thiên tai, địch hoạ hay dịch bệnh là những điều hoàn toàn có thể xảy ra trong đời sống, và do đó đều có thể dự báo được. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là các bên trong quan hệ hợp đồng không thể biết chắc chắn sự kiện đó sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng hay không và đặc biệt là thời điểm, địa điểm xảy ra sự kiện đó.
Chính vì vậy, bên cạnh một trong những nguyên tắc nền tảng của pháp luật hợp đồng là nguyên tắc Pacta sunt servanda - hiệu lực ràng buộc bất biến của hợp đồng, pháp luật hợp đồng cũng thừa nhận hai ngoại lệ cơ bản của nguyên tắc trên là sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Đây chính là hai cơ chế pháp lý quan trọng nhất để điều chỉnh, ứng phó những tác động của sự kiện bất ngờ như Covid-19 đến việc thực hiện hợp đồng và mối quan hệ hợp đồng giữa các bên.
2. Sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam
Trong pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện đại, sự kiện bất khả kháng đã được ghi nhận ngay trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995[2]. Cụ thể, Điều 308 Bộ luật này đã ghi nhận nguyên tắc loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện do sự kiện bất khả kháng. Không chỉ được quy định chung trong phần liên quan đến trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự, BLDS năm 1995 còn đề cập tới sự kiện bất khả kháng trong một số trường hợp liên quan tới các hợp đồng cụ thể như hợp đồng thuê khoán tài sản[3], hợp đồng vận chuyển hành khách[4], hợp đồng gửi giữ tài sản[5], hợp đồng thuê quyền sử dụng đất[6]. Sự kiện bất khả kháng cũng là căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể[7]. Mặc dù ghi nhận ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng trong việc ràng buộc trách nhiệm dân sự nói chung nhưng khái niệm sự kiện bất khả kháng lại chỉ được tìm thấy tại Điều 170 BLDS năm 1995 liên quan tới vấn đề về thời hiệu. Theo đó, một sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng theo quy định này khi hội tụ đủ các yếu tố sau: sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép. Tiếp nối tư duy của BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 vẫn giữ nguyên cách tiếp cận và cấu trúc pháp lý khá độc đáo này. Theo đó, một mặt, BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều chỉ định nghĩa sự kiện bất khả kháng trong phần quy định về thời hiệu[8]; mặt khác, sự kiện bất khả kháng vẫn được đề cập rải rác trong các phần của Bộ luật liên quan đến trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ, một số hợp đồng thông dụng và một số trường hợp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[9]. Như vậy, có thể khẳng định rằng, pháp luật hợp đồng Việt Nam đã ghi nhận và pháp điển hoá từ rất sớm sự kiện bất khả kháng như là cơ chế phản ứng trước sự tác động của sự kiện bất ngờ tới quan hệ hợp đồng giữa các bên.
Trước năm 2015, sự kiện bất khả kháng là trường hợp ngoại lệ chung duy nhất của nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng; theo đó, bất kể việc một bên chứng minh được rằng sự kiện khách quan, bất ngờ đó đã làm cho hợp đồng trở nên đặc biệt khó khăn - nhưng chưa đến mức không thể thực hiện được trên thực tế - thì pháp luật hợp đồng vẫn buộc họ phải chịu ràng buộc vào quan hệ bất biến của hợp đồng được dự liệu trước đó[10]. Cách tiếp cận truyền thống này dường như đã trở nên quá cứng nhắc và không đủ uyển chuyển để phản ứng với đòi hỏi của thực tiễn thương mại hiện đại khi các bên luôn phải đối mặt với những sự kiện bất ngờ dẫn đến sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh ở thời điểm thực hiện hợp đồng so với thời điểm xác lập hợp đồng[11]. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo BLDS năm 2015, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân 10 vấn đề trọng tâm về nội dung của dự thảo BLDS, trong đó vấn đề thứ 8 là BLDS có nên xây dựng chế định về hoàn cảnh thay đổi để cho phép Toà án được điều chỉnh hợp đồng khi có sự thay đổi hoàn cảnh hay không[12]? Cuối cùng, sau quá trình tranh luận và thảo luận sôi nổi, hoàn cảnh thay đổi cơ bản mới được chính thức ghi nhận tại Điều 420[13]; qua đó hình thành nên ngoại lệ thứ hai của nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng[14]. Theo quy định này, khi xuất hiện sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản so với hoàn cảnh xác lập hợp đồng khiến cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng gây nên thiệt hại nghiêm trọng thì bên có lợi ích ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Điều 420 BLDS năm 2015 cũng đặt ra các điều kiện cần hội tụ nhận biết sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh cũng như các biện pháp giải quyết trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Đặc biệt, khoản 4 Điều 420 BLDS năm 2015 khẳng định nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng của các bên trong suốt quá trình đàm phán hay chờ đợi Tòa án giải quyết vụ việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.  
Như vậy, theo xu hướng phát triển chung, pháp luật thế giới[15] và Việt Nam đều thừa nhận sự tác động của sự kiện bất ngờ tới quá trình thực hiện hợp đồng thông qua hai chế định là sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi của hoàn cảnh. Do đây là hai chế định hoàn toàn khác nhau nên các điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý của việc áp dụng hai chế định này cũng cần được phân biệt. Sự phân biệt này có ý nghĩa lớn về mặt áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.
3. Áp dụng sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh
3.1. Điều kiện áp dụng, hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng và sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong pháp luật Việt Nam
-Sự kiện bất khả kháng
Điều 156 BLDS năm 2015 định nghĩa sự kiện bất khả kháng là “sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Mặc dù quy định này thuộc các quy định liên quan đến thời hiệu, định nghĩa này vẫn được áp dụng rộng rãi trong các quan hệ pháp luật dân sự[16]. Xuất phát từ định nghĩa này, sự kiện bất khả kháng cần phải có những yếu tố đặc trưng sau:
Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện bất ngờ khách quan đối với các bên trong quan hệ hợp đồng[17]. Theo đó, nếu một sự kiện bất ngờ xảy ra do ý chí chủ quan hoặc do lỗi của một hay các bên, sự kiện đó không thể được coi là sự kiện bất khả kháng[18].
Thứ hai, sự kiện bất khả kháng phải không thể khắc phục mặc dù bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Không thể khắc phục được hiểu rằng sự kiện đã xảy ra và hậu quả của sự kiện hay sự tác động của sự kiện tới việc thực hiện hợp đồng là không thể khắc phục[19]. Theo chúng tôi, cần phải hiểu điều kiện này theo hướng bên có nghĩa vụ không thể tránh sự kiện diễn ra và không thể kháng cự lại sự tác động của sự kiện tới việc thực hiện nghĩa vụ[20].
Thứ ba, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn tới vi phạm nghĩa vụ. Thực chất, đây không hẳn là điều kiện để xác định một sự kiện có thể được coi là bất khả kháng hay không mà là điều kiện áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng để bên vi phạm nghĩa vụ có thể tránh khỏi sự ràng buộc trách nhiệm[21]. Điều kiện này trên thực tế có ý nghĩa rất quan trọng nhưng đôi khi lại bị lãng quên[22].
Hậu quả của việc áp dụng cơ chế này là bên vi phạm nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hơn thế nữa, các điều khoản phạt vi phạm hợp đồng cũng không thể được áp dụng bởi lẽ sự hội tụ của các yếu tố cấu thành sự kiện bất khả kháng cũng ngầm định rằng bên vi phạm không hề có lỗi[23]. Mặc dù vậy, với vai trò là một cơ chế bổ trợ trong quan hệ hợp đồng, các quy định về sự kiện bất khả kháng liên quan tới pháp luật về hợp đồng trong BLDS không mang tính bắt buộc. Điều này có nghĩa là, các bên có thể thỏa thuận bằng các điều khoản trong hợp đồng rằng, bên vi phạm nghĩa vụ vẫn phải bồi thường ngay cả trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, hoặc giới hạn một số sự kiện cụ thể sẽ được coi hoặc không được coi là sự kiện bất khả kháng… Cuối cùng, việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng tác động một cách trực tiếp tới vấn đề về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ nhưng chỉ tác động một cách gián tiếp tới sự tồn tại của hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể.
-Hoàn cảnh thay đổi cơ bản
BLDS năm 2015 đã ghi nhận chế định thay đổi hoàn cảnh tại Điều 420. Tuy nhiên, Điều 420 BLDS năm 2015 lại không định nghĩa thế nào là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” mà chỉ đưa ra các các điều kiện cần có để nhận biết hoàn cảnh thay đổi cơ bản và viện dẫn quy định này. Trước hết, nếu như sự kiện bất khả kháng là một “sự kiện” thì Điều 420 BLDS năm 2015 đề cập tới “hoàn cảnh”. Điều này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là với các quan hệ hợp đồng kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Ví dụ, đối với một hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng ngày được ký kết với thời hạn là 2 năm, việc sạt lở trên tuyến đường vận chuyển có thể được coi là sự kiện bất khả kháng khiến cho bên có nghĩa vụ vận chuyển không thể thực hiện nghĩa vụ trong khoảng thời gian là 1 tuần, nhưng khó có thể coi là sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh. Trên thực tế, việc phân biệt hai khái niệm này có thể giúp giải quyết câu hỏi được đặt ra khá nhiều ở thời điểm hiện tại: Quyết định của Nhà nước yêu cầu dừng một số hoạt động kinh doanh, thương mại trong thời gian 1 tháng có thể được coi là sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh?
Theo điểm a khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015 thì hoàn cảnh có thể thay đổi do bất cứ nguyên nhân khách quan nào, loại trừ trường hợp hoàn cảnh thay đổi do ý chí hay do lỗi của một hoặc các bên giống như đối với sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của chế định này so với chế định sự kiện bất khả kháng đó là, khi kết hợp điểm a và điểm b khoản 1 Điều 420, có thể nhận thấy rằng, BLDS năm 2015 không giới hạn sự thay đổi hoàn cảnh chỉ đến từ sự kiện bất ngờ. Theo đó, nếu như chỉ sự kiện bất ngờ mới có thể được coi là sự kiện bất khả kháng thì bất cứ sự kiện nào dẫn đến sự thay đổi hoàn cảnh mà sự thay đổi đó không được các bên dự liệu tại thời điểm giao kết hợp đồng cũng thuộc phạm vi áp dụng của Điều 420. Thông thường, sự thay đổi hoàn cảnh không thể lường trước là hậu quả của một sự kiện bất ngờ; ví dụ, dịch bệnh Covid-19 khiến cho sản xuất bị đình trệ và giá cả một số mặt hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự thay đổi hoàn cảnh đến từ những sự kiện thông thường do biến động của thị trường và sự tăng giảm của thị trường không phải là sự kiện bất ngờ trong quan hệ kinh tế. Đây chính là giả thiết tạo nên giá trị của chế định hoàn cảnh thay đổi, khi viện dẫn Điều 420, các bên không cần phải quan tâm tới nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh thay đổi mà chỉ cần chứng minh rằng sự thay đổi đó không thể được dự báo trước tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Cuối cùng, hoàn cảnh thay đổi khiến cho việc thưc hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên và bên đó đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích (điểm c, d, đ, khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015). Đối với những quan hệ hợp đồng mang tính liên tục và kéo dài, các bên có thể đã thực hiện hợp đồng trong một thời gian dài và đạt được các lợi ích như mong đợi. Trong trường hợp này, sự thay đổi hoàn cảnh chỉ ảnh hưởng tới tương lai; do đó, rất khó có thể xác định rằng nếu các bên biết trước sẽ có sự thay đổi hoàn cảnh thì sẽ không giao kết hoặc giao kết với nội dung hoàn toàn khác[24]. Hơn nữa, quy định này đề cập tới “các bên” thì gần như việc đáp ứng điều kiện này là bất khả thi vì bên không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh không có lý do gì mà không giao kết hoặc giao kết hợp đồng với nội dung hoàn toàn khác nếu biết trước về sự thay đổi. Quy định của điểm c khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015, vô hình trung, làm mất đi giá trị của chế định này.
Đặc trưng cốt lõi của chế định thay đổi hoàn cảnh là việc, mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi khiến cho bên có nghĩa vụ nếu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, nhưng khác với sự kiện bất khả kháng, việc thực hiện hợp đồng vẫn có thể thực hiện được nhưng sẽ gây thiệt hại cho bên thực hiện nghĩa vụ nếu hợp đồng không được sửa đổi[25]. Cơ chế này sẽ là một cứu cánh cho bên có nguy cơ phải chịu thiệt hại nếu tiếp tục hợp đồng bằng việc trao cho bên này quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng. Mặc dù vậy, cần lưu ý rằng, bên không bị ảnh hưởng không có nghĩa vụ buộc phải đàm phán để đạt kết quả nhất định bởi lẽ quyền tự do hợp đồng vẫn phải được đảm bảo[26]; có chăng, việc hợp đồng có nguy cơ bị sửa đổi hoặc chấm dứt bởi Tòa án có thể khiến cho bên không bị ảnh hưởng lo ngại và chọn giải pháp đàm phán hơn là đặt quan hệ hợp đồng vào tay một bên thứ ba. Hơn nữa, quy định này không thể được viện dẫn khi đã có vi phạm nghĩa vụ nếu như các bên không có thỏa thuận khác. Ngược lại, sự kiện bất khả kháng luôn được viện dẫn như một căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ[27]. Cuối cùng, khác với sự kiện bất khả kháng, việc áp dụng chế định thay đổi hoàn cảnh có tác động trực tiếp tới nội dung và sự tồn tại của quan hệ hợp đồng do hợp đồng có thể bị sửa đổi hoặc chấm dứt.
Như vậy, sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh chỉ có thể được viện dẫn bởi một bên để yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng chứ không thể được viện dẫn để hoãn thực hiện nghĩa vụ và đặc biệt không phải là căn cứ để miễn trừ trách nhiệm do không thực hiện đúng nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, do đó hậu quả của việc áp dụng các chế định này cũng khác nhau.
3.2. Áp dụng sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong điều kiện đại dịch Covid-19
Những phân tích ở trên cho thấy, chế định sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản là các chế định quan trọng và tiềm năng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở nước ta và trên thế giới. Việc áp dụng hay không áp dụng chế định nào trước hết phụ thuộc vào chiến lược pháp lý của các bên, nhưng cần có sự nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng bản chất của nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng cụ thể, đối chiếu với điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý của hai chế định này.
Trong các quan hệ dân sự, qua hệ thuê tài sản chịu khá nhiều ảnh hưởng do do đại dịch Covid-19 và do đó thường phát sinh tranh chấp giữa các bên về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng. Ví dụ, Tòa án nhân dân Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng thuê giữa nguyên đơn là công ty TNHH CJ CGV Việt Nam và bị đơn là công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Lapen[28] và một vụ việc tương tự giữa Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam và công ty cổ phần quốc tế truyền thông[29]. Căn cứ theo nội dung đơn khởi kiện của cả hai vụ việc, nguyên đơn (bên thuê) viện dẫn sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh (dịch bệnh Covid-19) và đã đề nghị bị đơn (bên cho thuê) đàm phán lại hợp đồng thuê nhằm tạo điều kiện giảm thiểu các thiệt hại cho bên thuê. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận, bên thuê đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng thuê do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Mặc dù vụ việc kể trên chưa nhận được phán quyết của Tòa án, dựa trên các dữ kiện đã thu thập được, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét, đánh giá trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Trước hết, trong các quan hệ về hợp đồng thuê tài sản, bên có nghĩa vụ rất khó có thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng bởi lẽ nghĩa vụ của bên thuê là nghĩa vụ thanh toàn trả tiền thuê mặt bằng, và do đó khó có thể chứng minh rằng nghĩa vụ này là không thể thực hiện được[30]. Có ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có thể coi là sự kiện bất khả kháng và vì vậy bên thuê có thể trả nhà (đơn phương chấm dứt hợp đồng) trước thời hạn mà không bị phạt[31]. Hiển nhiên, đại dịch Covid-19 là sự kiện khách quan, không thể lường trước. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của học thuyết sự kiện bất khả kháng là mối liên hệ giữa sự kiện đó với việc thực hiện nghĩa vụ. Tại đây, nghĩa vụ thanh toán của bên thuê không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có chăng là khả năng thanh toán của bên thuê do bị mất đi một phần thu nhập mà vấn đề này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của chế định sự kiện bất khả kháng[32].
Chính vì vậy, trong các hợp đồng thuê, cơ chế khả dĩ hơn để bảo vệ lợi ích của bên thuê có lẽ là áp dụng chế định hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Cụ thể, câu hỏi cần đặt ra là, bên thuê có thể viện dẫn sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh do Covid-19 tạo ra để yêu cầu bên cho thuê đàm phán lại hoặc yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng như công ty CGV đang làm không và khả năng Tòa án chấp nhận có cao không? Nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm sáng tỏ để trả lời cho câu hỏi này:
Thứ nhất, việc các cơ sở kinh doanh bị buộc phải đóng cửa trong thời gian cách ly có thể được coi là sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khi thời gian thực hiện giãn cách xã hội chỉ là trong một khoảng thời gian một vài tháng? Chúng tôi cho rằng, cần xem xét tình hình chung của vấn nạn đại dịch để có sự đánh giá chung về hoàn cảnh thực hiện hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể, vì thực tế cho thấy, thậm chí ngoài khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, một số hoạt động kinh doanh, thương mại vẫn bị đình trệ do tâm lý lo ngại của người dân. Áp dụng trong trường hợp các tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng, dường như lập luận của bên thuê cho rằng do dịch bệnh mà hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đã hoàn toàn thay đổi có thể có căn cứ.
Thứ hai, việc bên thuê phải trả tiền thuê mà không thể khai thác như mong muốn có thể được coi là ảnh hưởng nghiêm trọng hay không? Do Điều 420 BLDS năm 2015 còn rất mới mẻ nên việc viện dẫn áp dụng còn chưa rõ ràng, bởi lẽ có thể có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xác định thiệt hại.
- Cách hiểu thứ nhất, để xác định thiệt hại thì cần xem xét toàn bộ quan hệ hợp đồng, bao gồm cả khoảng thời gian hợp đồng đã được thực hiện trước khi có sự thay đổi của hoàn cảnh.
- Cách hiểu thứ hai, căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 420 BLDS năm 2015, thiệt hại cần được xác định trên cơ sở giả thiết bên bị ảnh hưởng tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Theo chúng tôi, cách hiểu thứ hai hợp lý hơn. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh là khi nào thì có thể coi là có thiệt hại nghiêm trọng cho một bên? Khi bên thuê hoàn toàn không thể khai thác mặt bằng kinh doanh (đóng cửa hoàn toàn) hay ngay cả khi bên thuê vẫn có thể khai thác nhưng lợi ích bị suy giảm và trong trường hợp này thì giới hạn là bao nhiêu để có thể coi là có thiệt hại nghiêm trọng? Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam trong vụ việc kể trên đã khẳng định rằng, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã ký kết mà không có sự điều chỉnh thì CGV sẽ bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại nghiêm trọng như quy định của Điều 420 BLDS năm 2015 phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan xét xử.    
 Thứ ba, Tòa án sẽ đứng trước khó khăn lớn trong việc quyết định sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng. Theo quy định của khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015, khi các bên yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng thì Tòa án không thể sửa đổi hợp đồng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ việc sửa đổi hợp đồng bởi Tòa án là sự can thiệt sâu vào quan hệ giữa các bên, một vấn đề khá tế nhị và gây nhiều tranh cãi[33]. Tuy nhiên, khi các bên yêu cầu sửa đổi hợp đồng thì “Tòa án chỉ được quyết định sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”. Quy định này đặt ra một bất cập lớn liên quan tới thẩm quyền của Tòa án[34] cũng như việc áp dụng trên thực tế bởi lẽ, việc xác định thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng để so sánh với các chi phí nhằm thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi với các bên là không đồng nhất và không thể xác định một cách dễ dàng.
Thứ tư, khoản 4 Điều 420 BLDS năm 2015 buộc các bên phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng trong quá trình đàm phán cũng như chờ đợi quyết định của Tòa án, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, điểm a khoản 3 Điều 420 năm 2015 lại cho phép một bên yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định. Như vậy, có thể tồn tại một khoảng thời gian giữa thời điểm chấm dứt hợp đồng do Tòa án tuyên bố và thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực. Rõ ràng, trong khoảng thời gian này, hợp đồng không còn tồn tại và bên bị ảnh hưởng phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Các vấn đề pháp lý đặt ra trong quãng thời gian các bên thực hiện nghĩa vụ “theo hợp đồng” mà hợp đồng đã chấm dứt sẽ được giải quyết như thế nào? Trong vụ việc liên quan tới công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, tại đơn khởi kiện, bên nguyên yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng kể từ thời điểm CGV ngừng kinh doanh tại mặt bằng. Theo chúng tôi, nếu giữa các bên không có thỏa thuận trước trong hợp đồng thì trong khi đợi quyết định của Tòa án, CGV Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và sẽ xảy ra tranh chấp tranh chấp liên quan đến khoảng thời gian giữa thời điểm CGV Việt Nam ngừng kinh doanh tại mặt bằng và thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực (cho đến thời điểm hiện tại đã là hơn 6 tháng).
Loại tranh chấp thứ hai cũng tương đối phổ biến là các tranh chấp về thực hiện hợp đồng dịch vụ. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như hợp đồng vận chuyển, nếu việc thực hiện nghĩa vụ bị cản trở do thực hiện quy định về giãn cách xã hội của Chính phủ thì bên có nghĩa vụ có thể viện dẫn học thuyết sự kiện bất khả kháng. Mặc dù vậy, cơ quan xét xử cần thận trọng trong việc xác định và áp dụng quy định này cũng như hậu quả của việc áp dụng. Sự kiện bất khả kháng chỉ được viện dẫn khi đã có sự vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ. Các trường hợp xảy ra có thể là bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (khoản 1 Điều 351 BLDS năm 2015) và dĩ nhiên là bao gồm cả trường hợp không thực hiện nghĩa vụ. Tuy khoản 2 Điều 351 năm 2015 chỉ đề cập tới việc viện dẫn sự kiện bất khả kháng trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ. Thực tế cho thấy rằng sự kiện bất khả kháng có thể được viện dẫn làm căn cứ miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Tại đây, cần phân biệt hai giả thiết: sự kiện bất khả kháng cản trở mãi mãi việc thực hiện nghĩa vụ hay chỉ là tạm thời. Ví dụ, bão tuyết trong vòng 3 ngày là sự kiện bất khả kháng mang tính tạm thời. Sự kiện này có thể là căn cứ tạm thời miễn trừ trách nhiệm của bên có nghĩa vụ tu sửa mái nhà trong khoảng thời gian đó. Hỏa hoạn có thể là sự kiện bất khả kháng cản trở mãi mãi việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp hỏa hoạn dẫn đến tài sản vận chuyển bị hủy hoại. Mặc dù vậy, cũng cần phải xem xét đến đặc trưng của nghĩa vụ và quan hệ hợp đồng như trong một ví dụ khác: do bão tuyết, một thợ làm bánh không thể giao bánh sinh nhật đúng hẹn, do tầm quan trọng về thời điểm sự kiện bất khả kháng ở đây khiến cho nghĩa vụ không bao giờ có thể thực hiện được nữa. Xuất phát từ sự phân biệt này, BLDS Pháp đưa ra giải pháp tại Điều 1218: “Nếu trở ngại mang tính tạm thời, việc thực hiện nghĩa vụ sẽ bị hoãn trừ khi việc chậm trễ là đủ căn cứ để hủy bỏ hợp đồng. Nếu trở ngại là mãi mãi, hợp đồng sẽ bị hủy bỏ một cách đương nhiên và các bên được giải phóng khỏi nghĩa vụ của mình theo các điều kiện tại các điều 1351 và 1351-1”[35]. Nếu theo cách phân tích này, pháp luật Việt Nam cũng có cách giải quyết tương tự. Đối với trường hợp sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân khiến cho bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng, bên có nghĩa vụ được miễn trách nhiệm do vi phạm nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ khi có thể theo tinh thần của Điều 352 BLDS năm 2015. Bên cạnh đó, các quy định về hủy bỏ hợp đồng từ Điều 423 đến Điều 426 BLDS năm 2015 cũng cho thấy cách giải quyết tương tự như trong pháp luật Pháp[36]. Đối với việc viện dẫn sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh nếu như nghĩa vụ vẫn có thể được thực hiện, những khó khăn đã nêu ở trên sẽ lặp lại tại đây.
4. Kết luận
Từ những phân tích trên có thể khẳng định, mặc dù đại dịch Covid-19 là sự kiện bất ngờ gây ra tác động mạnh mẽ đến quan hệ hợp đồng, nhưng cũng giống như pháp luật hợp đồng ở các quốc gia khác trên thế giới, luật hợp đồng Việt Nam đã dự liệu các cơ chế pháp lý để ứng phó với sự kiện này. Đặc biệt, bên cạnh chế định truyền thống sự kiện bất khả kháng, BLDS năm 2015 đã lần đầu tiên pháp điển hóa học thuyết hoàn cảnh thay đổi cơ bản như là ngoại lệ lớn thứ hai của nguyên tắc pacta sunt servenda. Đây có thể coi là sự bổ sung cần thiết cho chế định sự kiện bất khả kháng nhằm thiết lập một khuôn khổ pháp lý hiệu quả, linh hoạt và công bằng hơn để đối phó với tác động của các sự kiện xảy ra một cách khách quan, bất ngờ, không lường trước được đối với các quan hệ hợp đồng.
Mặc dù vậy, việc áp dụng một chế định còn tương đối mới lạ trong bối cảnh pháp lý Việt Nam như chế định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản chắc chắn sẽ đặt ra một số thách thức cho các Tòa án. Như đã phân tích, Điều 420 BLDS năm 2015 vẫn để lại một số lỗ hổng cần được giải thích và những khoảng trống này chỉ có thể được bổ sung, hoàn thiện bằng sự phát triển của án lệ trong tương lai. Bên cạnh đó, thiết nghĩ, trong khi chờ đợi câu trả lời từ phía án lệ thì các bên nên tìm một giải pháp an toàn bằng cách xây dựng các điều khoản cụ thể trong hợp đồng để phản ứng với sự tác động của sự kiện bất ngờ như Covid-19 đến quan hệ hợp đồng giữa các bên[37].

 


[1] Lý thuyết “thiên nga đen” là một phép ẩn dụ được Nassim Nicholas Taleb sử dụng để mô tả một sự kiện bất ngờ, có ảnh hưởng rộng lớn và thường được giải thích một cách không thích hợp để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó. Xem thêm Nassim Nicholas Taleb, Black swan - Thiên Nga Đen, Nxb. Thế giới, 2018.
[2] Ngay từ thời La Mã, các luật gia La Mã lập luận rằng tác động của sự kiện bất khả kháng tới việc thực hiện hợp đồng xuất phát từ nguyên tắc Impossibilium nulla obligatio est (trong trường hợp không thể thì không có nghĩa vụ). Cụ thể, họ cho rằng sự kiện bất khả kháng có thể được hiểu là “trường hợp mà năng lực của conngười không thể vượt qua được: ví dụ một hỏa hoạn, đổ sập, chìm đắm”, hoặc sự kiện mà ta “không thể ngăn cản được”. Mặc dù được gọi bằng các thuật ngữ khác nhau như “damnum fatale”, “causus major”, “casus fortuitus”, “vis major”, nhưng nó đều thể hiện giới hạn pháp lý mà kể từ đó hiệu lực bắt buộc của hợp đồng bị loại bỏ. Xem Rochfelaire Ibara, “L’aménagement de la force majeure dans le contrat : essai de théorie générale sur les clauses de force majeure dans les contrats internes et internationaux de longue durée” (Thèse de doctorat, Poitiers, 2012), 33; [3] Điều 509 và Điều 512.
[4] Điều 549.
[5] Điều 566.
[6] Điều 721.
[7] Điều 627, Điều 630, Điều 631.
[8] Điều 161 BLDS 2005, Điều 156 BLDS 2015.
[9] Cần lưu ý rằng mặc dù trong cả 3 BLDS, định nghĩa sự kiện bất khả kháng chỉ được tìm thấy trong phần quy định về thời hiệu nhưng một số văn bản luật chuyên ngành đã đưa ra định nghĩa sự kiện bất khả kháng từ khá sớm. Ví dụ: Điều 77 Luật Thương mại năm 1997; Điều 4 Quyết định số 42/2002.QĐ-BCN ngày 9/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện.
Trên thực tế, việc thiếu vắng một định nghĩa chung về sự kiện bất khả kháng trong lĩnh vực hợp đồng cũng không phải là trở ngại lớn đối với các cơ quan xét xử. Xem thêm: [10] Mặc dù vậy, trong các văn bản pháp luật điều chỉnh một số lĩnh vực hợp đồng cụ thể từ trước năm 2015, chúng ta đã thấy manh nha việc chấp nhận học thuyết hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Xem thêm: [11] [12] Quyết định số 1/QĐ-TTg ngày 2/1/2015 của Thủ tướng ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); [13] Xem thêm: [14] Về mặt lịch sử, ngay từ khi nguyên tắc Pacta sunt servanda được thừa nhận trong pháp luật La Mã, câu hỏi về sự tác động của sự thay đổi của hoàn cảnh đến giá trị bắt buộc của hợp đồng đã được đặt ra. Cicero lập luận rằng: Khi hoàn cảnh thay đổi thì nghĩa vụ cũng thay đổi và không còn như cũ; do đó theo luật gia này thì chúng ta không cần phải giữ lời hứa có thể gây hại cho người nhận hoặc việc giữ lời hứa gây hại cho chúng ta nhiều hơn là lợi ích mà nó mang lại cho người nhận, cần phải ưu tiên lợi ích lớn hơn lợi ích nhỏ. Tiếp đó, các luật gia Trung Cổ cho rằng có một điều kiện ngầm định (condicio tacita) về hoàn cảnh trong giao kết: Bartolus de Saxoferrato, một trong những nhà chú giải nổi tiếng nhất trong thời kỳ này được cho là người đầu tiên đã đề cập tới “rebus sic se habentibus” (hoàn cảnh được giữ nguyên). Vào khoảng đầu thế kỷ XV, “rebus sic habentibus” dần được chuyển thành ngạn ngữ “Rebus sic stantibus” và bắt đầu ảnh hưởng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi luật gia đều thừa nhận sự tồn tại ngầm định một cách đương nhiên của “clausula rebus sic stantibus” (điều khoản hoàn cảnh không thay đổi), điển hình là Grotius. Tư tưởng này của Grotius cũng được chấp nhận bởi Samuel von Pufendorf và có vẻ như sự bác bỏ sự tồn tại ngầm định như một nguyên tắc chung của “clausula rebus sic stantibus” này đã ảnh hưởng lớn tới các nhà lập pháp theo trường phái pháp luật tự nhiên. Tư duy lập pháp này được thể hiện ở việc các bộ pháp điển lớn ở châu Âu như Bộ luật dân sự Pháp và Bộ luật dân sự Đức, Bộ luật dân sự Áo đều không thừa nhận sự tồn tại của nguyên tắc này ngay từ khi mới được ban hành mà rất muộn sau này, được thể hiện qua việc ghi nhận tác động của sự thay đổi của hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Xem thêm, [15] Bộ nguyên tắc châu Âu về Luật hợp đồng cũng có quy định tương tự về sự kiện bất khả kháng tại Điều 8:108, về sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh tại Điều 6:111. Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế quy định về sự kiện bất khả kháng tại Điều 7.1.7 và về sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh từ Điều 6.2.1 đến Điều 6.2.3. Dự thảo khung tham chiếu chung để xây dựng BLDS chung châu Âu quy định về miễn trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ do trở ngại tại Điều 3:104 và quy định về sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh tại Điều 1:110 trong Quyển III về Nghĩa vụ và các quyền liên quan.
[16] [17] [18] Ví dụ trong một hợp đồng dịch vụ sửa chữa máy móc tại nhà, bên cung ứng dịch vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình do bên sử dụng dịch vụ không cung cấp chìa khóa thì trong trường hợp này cần áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 351, Điều 410 BLDS năm 2015 để giải quyết.
[19] [20] [21] Điều 1218 BLDS Pháp; Điều 8:108 Bộ nguyên tắc châu Âu về Luật hợp đồng; Điều 6.2.1 đến Điều 6.2.3 Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế.
[22] [23] Xem thêm: [24] Ví dụ giữa A và B tồn tại một hợp đồng có thời hạn là 10 năm, theo đó A làm đại lý bán các mặt hàng do B sản xuất và hưởng chênh lệch. Trong 8 năm đầu, A luôn đạt được lợi nhuận như mong đợi. Do sự biến động của thị trường, hoàn cảnh thay đổi cơ bản và nếu A tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ phải chịu thiệt hại. Trong trường hợp này, xét về lợi ích chung mà hợp đồng mang lại thì khó có thể nói rằng bên có lợi ích bị ảnh hưởng sẽ không giao kết hoặc giao kết hợp đồng với nội dung hoàn toàn khác nếu biết trước về sự thay đổi hoàn cảnh. Có ý kiến cho rằng, cần phải đặt việc giao kết hợp đồng trong bối cảnh mới với giả thiết rằng với hoàn cảnh đã thay đổi thì các bên sẽ không giao kết hợp đồng vì không đạt được lợi ích, hoặc để có lợi ích thì các bên phải thỏa thuận nội dung hợp đồng hoàn toàn khác [25] Đây cũng là điểm mấu chốt tạo nên giá trị của chế định này. Các học thuyết đã viện dẫn đều xuất phát từ một vấn đề xoay quanh ảnh hưởng của sự thay đổi của hoàn cảnh tới lợi ích (cụ thể hơn là lợi ích kinh tế) của các bên trong quan hệ hợp đồng.
[26] Một số tác giả đã diễn giải khoản 2 Điều 420 theo hướng cho rằng “Việc yêu cầu đàm phán là quyền của bên gặp bất lợi khi xảy ra thay đổi hoàn cảnh, và vì thế sẽ trở thành nghĩa vụ của bên còn lại của hợp đồng. Ở đây là nghĩa vụ đàm phán một cách thiện chí để tìm ra giải pháp khắc phục sự thay đổi của hoàn cảnh”. Tuy nhiên, cách diễn giải này có thể đi quá xa so với tinh thần của Điều 420; về nguyên tắc, vẫn phải tôn trọng quyền tự do hợp đồng của bên không bị ảnh hưởng. Vì vậy, nghĩa vụ đàm phán của bên không bị ảnh hưởng (nếu có) chỉ có thể xem là nghĩa vụ cấp phương tiện, chứ không thể coi nó là nghĩa vụ thành quả. [27] Khoản 2 Điều 351, Điều 541, Điều 556, Điều 557 BLDS năm 2015.
[28] [29] [30] Xem thêm: [31] [32] Tại Pháp, theo án lệ của Tòa Phá án Pháp, quy định về sự kiện bất khà kháng không thể được viện dẫn trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền bởi lẽ trong gần như mọi trường hợp, nghĩa vụ thanh toán luôn có thể được thực hiện và bên có nghĩa vụ không thể viện dẫn một sự kiện bất khả kháng để trốn tránh trách nhiệm khi có vi phạm (Cass. com., 16 sept. 2014, n° 13-20.306).
[33] [34] [35] Tham khảo thêm: Điều 3:104, Quyển 3, Dự thảo khung tham chiếu chung để xây dựng BLDS chung châu Âu; khoản 2 Điều 7.1.7 Bộ nguyên tắc Unidoit về hợp đồng thương mại quốc tế; khoản 2 Điều 8:108 Bộ nguyên tắc châu Âu về luật hợp đồng.
[36] Quy định về sự kiện bất khả kháng tại Điều 156 BLDS năm 2015 cũng trên tinh thần coi đó là nguyên nhân làm gián đoạn việc tính thời hiệu.
[37] Chẳng hạn, các bên có thể tham khảo các điều khoản mẫu soạn thảo về sự kiện bất khả kháng (force majeure) hay hoàn cảnh thay đổi cơ bản (hardship) soạn sẵn bởi Phòng Thương mại quốc tế có trụ sở tại Paris. Truy cập thông qua đường dẫn: 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (437), tháng 7/2021.)