Những thuận lợi và thách thức với việc xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam

24/07/2021

PGS.TS.VŨ CÔNG GIAO

Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội,

TS. NGUYỄN QUANG ĐỨC

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Giống như nhiều quốc gia khác, hình phạt tử hình đã được áp dụng từ lâu và hiện vẫn đang được quy định trong pháp luật và thi hành trên thực tế ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân trí ngày càng cao và xã hội ngày càng cởi mở hơn, Việt Nam trong tương lai vẫn sẽ theo xu hướng giảm hình phạt tử hình trong pháp luật và giảm việc áp dụng hình phạt này trong thực tế. Mặc dù vậy, đây sẽ không phải là một sự thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn, do vẫn còn nhiều lý do để duy trì hình phạt này. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích những yếu tố tác động tích cực cũng như tiêu cực đến việc xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam và đồng thời đề xuất những gợi mở nhằm thúc đẩy việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình ở nước ta trong tương lai.
Từ khoá: Hình phạt tử hình, tội phạm, quyền sống, Việt Nam.
Abstract: Like many other countries, the death penalty has been used for a long time and is still being regulated in law and practice in Vietnam. In the context of increasingly deep and wide international integration, increasing people's standings and open society, Vietnam in the future will still follow the reduction trend of the death penalty in law and reducing the application of the death penalty in practice. This will not be a rapid change in the short term, though, as there are still plenty of reasons to maintain this penalty. Within the scope of this article, the authors provide an introduction and an analysis of the factors that both positively and negatively impact the abolition of the death penalty in Vietnam and also propose suggestions to speed up the deadline and proceed to abolish the death penalty in our country in the future.
Keywords: Death penalty, crime, right to life, Vietnam.
ÁN-TỬ-HÌNH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát lịch sử hình phạt tử hình ở Việt Nam
Pháp luật thành văn của Việt Nam có thể xem là bắt đầu với Bộ Hình thư thời Lý (1042)[1]. Bộ luật này hiện đã thất truyền; bởi vậy, có ý kiến cho rằng nó bao gồm các quy định về hình phạt tử hình, trong khi ý kiến khác cho rằng, thời kỳ này hình phạt tử hình không được áp dụng, ít nhất ở một giai đoạn nhất định, do vào thời Lý Phật giáo là quốc giáo của Việt Nam.
Trong trường hợp Bộ Hình thư đã có quy định hình phạt tử hình, điều đó có nghĩa là hình phạt tử hình đã được thiết lập trong luật thành văn của Việt Nam kể từ thời Lý[2]. Tiếp sau thời Lý là triều đại nhà Trần. Thời Trần, hệ thống văn bản pháp luật bao gồm bộ ‘Quốc Triều Thông chế’[3] và bộ ‘Hoàng Triều Đại điển’[4]. Cả hai bộ luật này đều có quy định hình phạt tử hình. Thời (Hậu) Lê có một bộ luật nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đó là bộ ‘Quốc Triều Hình luật’ (còn gọi là ‘Bộ luật Hồng Đức’) năm 1483[5]. Mặc dù chứa đựng nhiều quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, song Bộ luật Hồng Đức cũng bao gồm các quy định về hình phạt tử hình. Thời Nguyễn, bộ luật nổi tiếng là “Hoàng Việt Luật lệ” (còn gọi là “Bộ luật Gia Long”) năm 1815[6]. Đây có thể coi là bộ luật cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam và tương tự như các bộ luật ở các triều đại trước, nó cũng bao gồm các quy định về hình phạt tử hình.
Nhìn chung, các bộ luật thời phong kiến kể trên đều theo hệ thống ngũ hình: xuy (hình phạt đánh bằng roi), trượng (hình phạt đánh bằng gậy), đồ (hình phạt bắt lao động khổ sai), lưu (hình phạt bắt đi đày), tử (hình phạt tử hình). Hệ thống những tội phạm có thể bị kết án tử hình ở các triều đại khác nhau có sự khác nhau, song nhìn chung, số tội phạm có thể bị áp dụng hình phạt này là lớn; trong đó, có một số loại tội phạm mà bộ luật nào cũng quy định hình phạt tử hình như tội giết người, tội phản nghịch, tội nhận hối lộ, tội tham ô, v.v... Nhiều biện pháp thi hành án tử hình có tính chất tàn bạo hoặc báo thù tàn khốc như “chu di tam tộc”, “tùng xẻo”[7], “phanh thây”, “băm xác”, “đáo mã”, v.v... theo các phương châm “dục phạt bất nhi bách” (phạt một người để răn đe trăm người), hoặc “dùng hình kỳ vu vô hình” (quy định hình phạt để không cần dùng đến hình phạt)[8].
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Những văn bản pháp luật đầu tiên xác lập nền tảng cho nền tư pháp của Nhà nước Việt Nam mới là loạt Sắc lệnh số 33 ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh[9]. Trong đó, Sắc lệnh số 33C quy định các Toà án quân sự có quyền tuyên án và thi hành án những người có những hành động phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (trừ những phạm nhân là binh sĩ thì xử theo quân luật) với các loại hình phạt khác nhau, trong đó cao nhất là hình phạt tử hình.
Tiếp theo những văn bản pháp luật trên, trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1985, vấn đề hình phạt tử hình còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước, bao gồm các sắc lệnh, luật, pháp lệnh, thông tư[10]. Nghiên cứu các văn bản này, có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, thời kỳ này, do các hoàn cảnh của đất nước nên công tác lập pháp, lập quy chưa có điều kiện phát triển và hoàn thiện, vì thế chưa có văn bản nào quy định riêng về hình phạt tử hình cũng như về hệ thống hình phạt nói chung. Hình phạt tử hình được đề cập rải rác trong nhiều văn bản pháp luật ban hành vào những năm khác nhau.
Thứ hai, hình phạt tử hình ở thời kỳ này chịu ảnh hưởng bởi tình trạng chiến tranh nên nặng về mục đích trừng trị, được gắn với nhiều tội phạm về an ninh quốc gia[11] và chưa phân biệt rõ ràng với việc xử phạt hành chính.
Thứ ba, về thủ tục, ở thời kỳ này đã áp dụng thủ tục xem xét lại bản án tử hình. Theo Luật (không số) ngày 14/7/1960 về tổ chức Tòa án nhân dân, các bản án tử hình phải được Hội đồng toàn thể thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao duyệt lại trước khi thi hành, trong đó phải có 2/3 tổng số thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao tham dự và quá nửa số thẩm phán tham dự tán thành thì Nghị quyết mới có giá trị[12].
Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên được ban hành ở Việt Nam vào năm 1985, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều các năm 1989, 1991, 1992, 1997. Trong phần các tội phạm của BLHS năm 1985, hình phạt tử hình được quy định với 29 điều trong tổng số 195 điều luật về tội phạm. Tuy nhiên, qua 4 lần sửa đổi, đến năm 1997, số điều luật quy định hình phạt tử hình trong BLHS năm 1985 đã tăng lên thành 44 điều trong tổng số 216 điều. Sự gia tăng này phản ánh đường lối phòng, chống tội phạm theo hướng ngày càng nghiêm khắc hơn trong giai đoạn 1985 - 1997 ở Việt Nam.
BLHS năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 để thay thế cho BLHS năm 1985, gồm 24 chương với nhiều điều, trong đó có 29 điều có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, Bộ luật này đã được sửa đổi vào năm 2009, trong đó bỏ hình phạt tử hình với tám (08) điều[13].
Việc sửa đổi nêu trên bắt nguồn từ chủ trương hạn chế hình phạt tử hình theo tinh thần của Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08/NQ-TW). Theo đó, Nghị quyết số 49/NQ-TW đã khẳng định việc “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Chủ trương này đã được thực hiện từ năm 2009 khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 và tiếp tục được thực hiện khi xây dựng và ban hành BLHS năm 2015.
BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 tiếp tục bỏ án tử hình ở tám (08) tội danh khác, đồng thời quy định người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình. Tổng cộng, số lượng tội phạm áp dụng hình phạt tử hình trong BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 là 18/314 tội danh.
2. Những yếu tố thuận lợi với việc xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam
2.1. Xu hướng xoá bỏ hình phạt tử hình trên thế giới
Trong 50 năm qua, xu hướng xóa bỏ hình phạt tử hình đã tăng đáng kể. Khi Tuyên ngôn toàn cầu về quyền con người được thông qua vào năm 1948, chỉ có 8 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, và khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 1966, số quốc gia như vậy mới chỉ là 26 nước. Tuy nhiên, trong chưa đầy 50 năm qua, số quốc gia bãi bỏ hình phạt tử hình đã đi từ thiểu số tới đa số áp đảo[14]. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, ở thời điểm kết thúc năm 2018 có 106 quốc gia đã xoá bỏ hình phạt tử hình với mọi tội phạm, 8 quốc gia đã xoá bỏ hình phạt tử hình với những tội phạm thông thường, 28 quốc gia tuy chưa xoá bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật nhưng thực tế không áp dụng. Như vậy, tổng số quốc gia xoá bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật và trong thực tế là 142 nước, chỉ còn 56 nước vẫn đang duy trì hình phạt tử hình và áp dụng hình phạt đó trong thực tế[15].
Ở châu Á, quốc gia được cho là thi hành án tử hình nhiều nhất là Trung Quốc cũng đã thay đổi. Năm 2007, đoàn đại biểu Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền LHQ đã tuyên bố: “Phạm vi áp dụng án tử hình sẽ sớm được cân nhắc lại […] với mục tiêu là xóa bỏ hình phạt này[16]. Cùng năm đó, Trung Quốc đã tiến hành xem xét lại tất cả các bản án tử hình được thi hành ngay lập tức bởi Tòa án nhân dân cấp tỉnh (được trao quyền trong thời gian diễn ra các chiến dịch “thanh trừng” từ những năm 1980) và Tòa án nhân dân tối cao, dẫn đến việc giảm số lượng các tội danh chịu án tử hình từ năm 2011. Mặc dù Trung Quốc không công bố số liệu về việc áp dụng án tử hình, song qua nhiều nguồn thống kê hợp pháp cho thấy, số lượng những người bị xử tử hình đã giảm ít nhất một nửa kể từ năm 2007. Quan điểm ủng hộ việc xoá bỏ hình phạt tử hình cũng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Ví dụ, giáo sư Zhao Bingzhi của Đại học Sư phạm Bắc Kinh khẳng định: “Việc xóa bỏ án tử hình là một xu hướng tất yếu cũng như một dấu hiệu cho thấy lối tư duy khoáng đạt của các quốc gia văn minh (the broad-mindedness of civilized countries) […] Xóa bỏ án tử hình giờ đây là một yêu cầu quốc tế bắt buộc[17].
Hiện nay, việc xoá bỏ hình phạt tử hình và khuyến khích bãi bỏ hình phạt tử hình đã trở thành một phong trào mang tính toàn cầu. Các tổ chức quốc tế như LHQ đã có nhiều sáng kiến ủng hộ xu hướng này[18]. Một số quốc gia khác cũng đã đưa vấn đề tạm ngừng áp dụng và bãi bỏ hình phạt tử hình vào trong chính sách đối ngoại của mình, như Úc đã thông qua chiến lược và kế hoạch hành động để tiến hành các chiến dịch về tạm ngừng áp dụng và bãi bỏ hình phạt tử hình[19]; Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ đã thông qua Kế hoạch hành động về bãi bỏ tử hình trên phạm vi toàn cầu giai đoạn 2017 - 2019[20], trong khi đó Chính phủ Anh cũng có chiến lược bãi bỏ tử hình trong giai đoạn 2011- 2015[21].
Trong bối cảnh quốc tế kể trên, Việt Nam giữ lập trường “trung lập”[22] nhưng tiến dần đến việc xóa bỏ án tử hình, thể hiện qua việc tại phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền năm 2019, đại diện của Việt Nam cho biết: “Việt Nam còn duy trì án tử hình nhưng chỉ áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng” và Việt Nam “cũng đang xem xét gia nhập nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền dân sự, chính trị để tiến tới xem xét bãi bỏ án tử hình[23].
2.2. Vận động của các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu
Năm 2005, Ủy ban Nhân quyền của LHQ đã yêu cầu các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình “bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình và, trong thời điểm hiện tại, thực hiện việc hoãn thi hành[24]. Tháng 12/2007, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt, trong đó kêu gọi các quốc gia hoãn áp dụng hình phạt tử hình và tái khẳng định cam kết của LHQ đối với việc bãi bỏ hình phạt tử hình. Nghị quyết được thông qua với 104 quốc gia ủng hộ, 54 quốc gia chống và 29 quốc gia bỏ phiếu trắng. Trong năm 2008 và 2010, Đại hội đồng LHQ thông qua các nghị quyết lần thứ hai và thứ ba tái khẳng định việc kêu gọi hoãn áp dụng hình phạt tử hình. Các nghị quyết này phản ánh xu hướng ở cấp độ quốc tế, được xem là một bước quan trọng trong nỗ lực quốc tế tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.
Những vận động nêu trên dựa trên quy định về việc hạn chế và giới hạn áp dụng hình phạt tử hình theo luật quốc tế. Cụ thể, Điều 6(2) Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR) quy định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng nhất, phù hợp với luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không trái với những quy định của Công ước này…”. Ngoài ra, còn có các hạn chế và giới hạn về hình phạt tử hình được quy định tại một loạt các hiệp định và văn kiện quốc tế khác, như Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Các quy định bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người đối mặt với án tử hình (thông qua theo Nghị quyết số 1984/50 của ECOSOC của LHQ vào năm 1984).
 
   Châu Âu hiện đóng vai trò dẫn đầu toàn cầu về nỗ lực xóa bỏ hình phạt tử hình[25]. Liên minh châu Âu (EU) rất tích cực vận động xoá bỏ hình phạt tử hình thông qua các mối quan hệ song phương và đa phương với tất cả các các quốc gia mà còn đang duy trì hình phạt này. Điều này bắt nguồn từ việc Tòa án nhân quyền châu Âu (ECtHR) xem hình phạt tử hình là sự vi phạm quyền con người. Cụ thể, trong Phán quyết năm 2010 về vụ Al-Saadoon và Mufdhi kiện Vương quốc Anh, ECtHR đã dựa trên Điều 2 Công ước châu Âu về Quyền con người (quyền được sống) để lý giải nghĩa vụ không được trục xuất hoặc dẫn độ người phạm tội về quốc gia mà họ đang phải đối mặt với án tử hình. Bản hướng dẫn của EU về hình phạt tử hình (thông qua vào 1998) là công cụ cho EU trong cuộc chiến chống lại hình phạt tử hình và đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc áp dụng hình phạt tử hình[26].
   Đối với trường hợp của Việt Nam, từ nhiều năm nay, EU đã vận động Việt Nam tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ. Vận động mạnh mẽ nhất là qua Hiệp định thương mại EVFTA, EU cho rằng, Việt Nam muốn có một quan hệ bình đẳng với EU thì cần tôn trọng những tôn chỉ của EU, trong đó bao gồm việc không áp dụng án tử hình[27].
2.3. Sự ủng hộ của giới học thuật và của xã hội
Mặc dù mới có ít nghiên cứu về vấn đề này, song giới học thuật ở Việt Nam nhìn chung ủng hộ chủ trương giảm và xoá bỏ hình phạt tử hình. Nhiều nhà nghiên cứu đề nghị giảm và loại bỏ hình phạt tử hình xuất phát từ quan điểm cho rằng[28]: 1) Tử hình là hình phạt trái với nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự; 2) Bãi bỏ hình phạt tử hình sẽ góp phần đưa giá trị nhân đạo và nguyên tắc nhân đạo vào cuộc sống; 3) Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, nhiều giá trị nhân đạo, trong đó bao gồm xoá bỏ hình phạt tử hình, đã mang tính toàn cầu bắt buộc chung và 4) Các quốc gia đang duy trì hay tái áp dụng hình phạt tử hình đều cố gắng giảm đến mức tối đa hình phạt này.
Bên cạnh đó, các học giả Việt Nam cũng nêu ra những lý do khác để đề nghị loại bỏ hình phạt tử hình, trong đó bao gồm[29]: 1) Hình phạt tử hình không có tác dụng bảo vệ một cách hiệu quả giá trị tính mạng của con người; 2) Tất cả các hệ thống tư pháp hình sự đều tồn tại những vấn đề và khả năng sai sót, không có hệ thống nào có thể tự cho là hoàn thiện, vì vậy, nguy cơ người vô tội bị kết án tử hình và bị tước bỏ tính mạng là sai lầm không thể lấy lại được; 3) Tính chất tàn bạo của hình phạt tử hình là không thể chấp nhận; 4) Việc áp dụng hình phạt tử hình có nguy cơ bất công và phân biệt đối xử trong tố tụng hình sự; 5) Do tính chất tàn khốc của hình phạt tử hình nên việc áp dụng hình phạt này là trái với những giá trị đạo đức, đặc biệt là làm tổn hại lòng nhân đạo và sự khoan dung - những giá trị đạo đức cơ bản mà tất cả các xã hội đều cần phải vun đắp nên; 6) Tử hình trái với nguyên tắc khoan dung - nhân đạo trong hoạt động tư pháp; 7) Vấn đề hiệu quả phòng ngừa của hình phạt tử hình cần phải bàn xét lại vì không có chứng cứ nào cho thấy hiệu quả vượt trội của hình phạt tử hình trong việc ngăn ngừa tội phạm (thậm chí trong một số trường hợp việc áp dụng hình phạt tử hình còn làm cho tình hình tội phạm trở nên nghiêm trọng hơn; 8) Tính vô nghĩa và luẩn quẩn của hình phạt tử hình (Ví dụ: Một người bị kết án tử hình về tội giết người không những không giúp lấy lại được tính mạng của nạn nhân mà còn gây thêm cái chết cho một người nữa); 9) Chi phí cho việc thi hành hình phạt tử hình trong thực tế là rất tốn kém; 10) Hình phạt tử hình có nguy cơ vi phạm các chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền con người và 11) Hình phạt tử hình trái với tinh thần nhân đạo - khoan dung của tôn giáo.
Tháng 12/2018, trong một cuộc hội thảo tham vấn về chủ đề “Khả năng của Việt Nam gia nhập Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước về Quyền dân sự, chính trị” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng,[30] đa số người tham gia hội thảo cho rằng, việc duy trì hình phạt tử hình là biện pháp mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất để phòng, chống một số loại tội phạm nghiêm trọng (ví dụ: tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm mang tính bạo lực, tội phạm ma túy), song cũng đồng tình với sự cần thiết nghiên cứu các biện pháp thay thế hình phạt tử hình và hạn chế dần việc sử dụng hình phạt này[31].
3. Những yếu tố gây trở ngại với việc xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam
3.1. Hiểu biết thiếu chính xác về tác dụng của hình phạt tử hình
Bên cạnh những quan điểm ủng hộ việc xoá bỏ, ở Việt Nam đồng thời có quan điểm muốn duy trì hình phạt tử hình mà phần lớn dựa trên những hiểu biết thiếu chính xác về tác dụng của hình phạt này.
Phân tích các xuất bản phẩm trong sách báo pháp lý hình sự ở Việt Nam (trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21) cho thấy, nói chung những tác giả ủng hộ việc tiếp tục duy trì hình phạt tử hình ở Việt Nam dựa trên quan điểm cho rằng, hình phạt này có tác dụng răn đe vượt trội, vì thế việc duy trì nó là cần thiết do tình hình tội phạm đang diễn ra phức tạp[32]. Đây cũng là quan điểm chính thức của đoàn Việt Nam nêu ra với LHQ[33].
Bên cạnh đó, một số tác giả còn cho rằng, việc duy trì hình phạt tử hình: 1) Sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự; 2) Góp phần nâng cao phẩm giá của con người; đảm bảo chất lượng cuộc sống và đảm bảo an toàn xã hội; 3) Không trái với nguyên tắc nhân đạo, không trái với luật quốc tế và không vi phạm nhân quyền; 4) Hiện nay, việc xóa bỏ hình phạt tử hình chưa phải là xu thế chung của toàn thế giới;[34] 5) Hình phạt tử hình góp phần đem lại công lý cho nạn nhân của tội phạm; 6) Hành quyết phạm nhân bị tử hình sẽ đỡ tốn kém hơn việc giam giữ họ; 7) Tử hình sẽ “nhân đạo” hơn vì “việc giam cầm cả đời hoặc trong thời gian dài trong nhà tù còn gây đau khổ hơn” cho người bị kết án; 8) Xóa bỏ hình phạt tử hình là trái với đạo lý tôn giáo và 9) Công luận trong nước của hầu hết các quốc gia vẫn ủng hộ việc áp dụng hình phạt tử hình[35].
Về phía công chúng và những người làm việc thực tiễn, kết quả phỏng vấn cho thấy[36], hầu hết các ý kiến được hỏi cũng cho rằng, hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ở Việt Nam do tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ nguy hiểm. Nhiều người có quan điểm rằng, hình phạt tử hình với tính cách là biện pháp phòng ngừa và là con đường để nâng cao ý thức cộng đồng về hậu quả nặng nề của việc phạm tội. Hiện tại chưa có hình phạt thay thế nào với tính cách là một biện pháp thật hữu hiệu, đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm để thay thế hình phạt tử hình. Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhất trí rằng, hình phạt tử hình tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người. Do vậy, cần từng bước thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hình phạt này trong tương lai.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy tâm lý ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình còn khá phổ biến ở Việt Nam. Điều này tương tự như ở nhiều quốc gia khác. Ngay cả ở những nước mà đã bãi bỏ hình phạt tử hình thì tại thời điểm bãi bỏ và sau khi bãi bỏ, qua thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ dân chúng ủng hộ việc duy trì hình phạt này vẫn cao hơn tỷ lệ phản đối.
Song cũng cần thấy rằng, kết quả thăm dò dư luận không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực chất của vấn đề, thậm chí còn làm trầm trọng thêm định kiến hay nhận thức thiếu chính xác của xã hội về vấn đề. Một số công trình nghiên cứu đã cho thấy, kết quả nêu trên ở các quốc gia, cũng như ở Việt Nam, có thể là do nội dung câu hỏi và cách thức tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến dư luận về hình phạt tử hình chưa hợp lý (thường bỏ qua những tác động tiêu cực của hình phạt này)[37].
3.2. Tâm lý báo thù
Hình phạt tử hình ngay từ khi xuất hiện đã mang trong mình tính chất trả thù đối với người phạm tội, trước khi nó được “gán” cho các mục đích ngăn chặn, răn đe tội phạm, phòng ngừa riêng, phòng ngừa chung, … Lúc đầu đó là sự trả thù giữa các cá nhân, còn khi xã hội phát triển thì sự trả thù đó được thông qua nhà nước với vai trò thiết lập lại trật tự, công bằng xã hội. Hình phạt tử hình đồng thời mang ý nghĩa an ủi nỗi đau, vuốt ve lòng hận thù của người bị hại hoặc thân nhân người bị hại (mặc dù đây không phải là suy nghĩ của tất cả những người bị hại hoặc thân nhân người bị hại). Những lập luận như vậy về hình phạt tử hình từ lâu đã được các xã hội xem là hợp tình, hợp lý, vì thế hình phạt này tồn tại như một lẽ đương nhiên. Nói cách khác, việc duy trì hình phạt tử hình có nguồn gốc từ nhận thức, văn hóa của con người, vì thế, chỉ khi nào nhận thức về nó thay đổi thì hình phạt này mới bị loại bỏ một cách triệt để.
Văn hóa được hình thành do sự tác động của nhiều thành tố; trong đó, tồn tại xã hội giữ vai trò quyết định đến trình độ của nền văn hóa, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, xóa bỏ lòng hận thù ở mỗi con người. Nền văn hoá của Việt Nam hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả; tuy nhiên, cũng như nhiều nền văn hoá khác, nó vẫn có chỗ cho tâm lý báo thù. Giống như nhiều dân tộc khác, người Việt Nam thường biện minh cho việc áp dụng án tử hình trên cơ sở “chủ nghĩa trừng phạt” (retributivism), thể hiện qua quan điểm “lấy mạng đền mạng” (a life for a life), mà đã ăn sâu cả vào văn học dân gian của Việt Nam. Dấu ấn của tâm lý báo thù trong văn hóa hiện nay vẫn còn thể hiện qua nhận thức của người dân Việt Nam về hình phạt tử hình. Theo Dự án “Khảo sát tác động ngăn ngừa của một số hình phạt trong BLHS Việt Nam năm 1999” được tiến hành bởi nhóm chuyên gia Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, đa phần người dân coi việc có hình phạt tử hình trong cơ cấu của hệ thống hình phạt là một lẽ đương nhiên mà thiếu nó là sự trống vắng, sự không công bằng của pháp luật. Với 04 câu hỏi: (1) Xóa bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt; (2) Duy trì hình phạt tử hình; (3) Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; (4) ý kiến khác thì tỷ lệ tương ứng trong tổng số những người tham gia trả lời là: 37, 82% (222 người); 5, 96% (35 người); 51, 96% (305 người); 4, 26% (25 người), nếu cộng tỷ lệ câu hỏi (2) + (3) của những người đồng tình với việc duy trì hình phạt tử hình là 57, 92 sẽ cao hơn tỷ lệ 37, 82% của những người ủng hộ quan điểm loại bỏ hình phạt này[38].
4. Kết luận
Giống như ở nhiều quốc gia khác, hình phạt tử hình là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Việc duy trì hay xoá bỏ hình phạt này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả trong và ngoài nước, trong đó ở trong nước thì yếu tố nhận thức và tâm lý có ý nghĩa quan trọng, còn ở ngoài nước là sự vận động của LHQ, EU và các tổ chức quốc tế khác về nhân quyền có tác động to lớn.
Mặc dù Việt Nam hiện nay vẫn thuộc về những quốc gia duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật, nhưng số lượng tội danh có thể bị kết án tử hình trong BLHS đã giảm liên tục kể từ năm 1999. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới là giảm bớt hình phạt này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng tội danh bị kết án tử hình trong BLHS còn nhiều và số người bị kết án tử hình và bị hành quyết (thống kê qua các nguồn hợp pháp và công khai) còn cao so với nhiều nước trên thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân trí ngày càng cao và xã hội ngày càng cởi mở hơn, trong tương lai, Việt Nam vẫn sẽ theo xu hướng giảm hình phạt tử hình trong pháp luật và giảm việc áp dụng hình phạt này trong thực tế. Mặc dù vậy, đây sẽ không phải là một sự thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn, do vẫn còn nhiều động lực về duy trì hình phạt này.
Việc giảm và xoá bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện để chứng minh rằng hình phạt tử hình không có tác dụng ngăn ngừa vượt trội với tội phạm như định kiến hiện nay của nhiều nhà lập pháp và của phần lớn công chúng. Thêm vào đó, để có tác động chính sách cao hơn, các nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam cũng cần chứng minh được những tác động tiêu cực của hình phạt tử hình đối với xã hội, đặc biệt trong những vấn đề mà các nhà lập pháp và công chúng từ trước tới nay ít quan tâm, chẳng hạn như việc làm gia tăng tỷ lệ phạm tội của trẻ em có cha mẹ bị kết án tử hình, hay việc làm gia tăng tính chất bạo lực, thiếu khoan dung trong xã hội./.
 

 


[1] Được cho là gồm ba quyển, do vua Lý Thái Tông cho biên soạn vào năm 1042.
[2] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Những điều cần biết về hình phạt tử hình (sách chuyên khảo),Nxb. Lao động Xã hội, Hà Nội, tr.212-213.
[3] Do vua Trần Thái Tông cho biên soạn vào năm 1230, gồm 20 quyển.
[4] Do vua Trần Dụ Tông cho biên soạn vào năm 1341.
[5] Do vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, cho biên soạn vào năm 1483, gồm sáu Quyển, 13 Chương, 722 Điều.
[6] Do vua Gia Long cho biên soạn vào năm 1815, gồm 22 Quyển, 398 Điều.
[7] Còn được gọi là “Lăng trì”.
[8] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), tlđd, tr.214.
[9] Bao gồm Sắc lệnh số 33A cho phép Ty liêm phóng[9] bắt những người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hoà Việt Nam để đưa đi an trí; Sắc lệnh số 33B định thể lệ cho Ty Liêm phóng và Sở cảnh sát theo mỗi khi bắt người nào; Sắc lệnh số 33C thiết lập các Toà án quân sự; Sắc lệnh số 33Đ định thể lệ phóng thích các tội nhân bị kết án trước ngày 19/8/1945.
[10] Xem chi tiết trong: Phạm Văn Lợi (chủ biên), Một số vấn đề về hình phạt tử hình và thi hành án tử hình, Nxb. Chính trịQuốcgia, Hà Nội, năm 2006, tr. 36‐38.
[11] Chẳng hạn các tội như: tội gián điệp; tội bạo loạn; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội hoạt động phỉ; tội theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài; tội giết người, đánh người gây thương tích, bắt giữ người, dọa giết người vì mục đích phản cách mạng; tội phá hoại; tội chống lại hoặc phá hoại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước, v.v...
[12] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), tlđd, tr. 217-218.
[13] Bao gồm: Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội buôn lậu (Điều 153); Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); Tội tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); Tội đưa hối lộ (Điều 289); Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
[14] Penal Reform International (2011), International trends toward abolition Death Penalty Information Pack, Link: http://www.penalreform.org/wp-content/uploads/2013/06/PRI_DP_Info_Pack-1.pdf, truy cập lần cuối ngày 22/01/2021.
[15] Amnesty, Abolitionist and retentionist countries as of july 2018, https://www.amnesty.org/download/Documents/ACT5066652017ENGLISH.pdf.
[16] Dẫn lại: Roger Hood, “Xóa bỏ hình phạt tử hỉnh - một yêu cầu cấp thiết về nhân quyền”, tlđd, tr.21.
[17] Dẫn lại: Roger Hood, “Xóa bỏ hình phạt tử hỉnh - một yêu cầu cấp thiết về nhân quyền”, tlđd, tr.21.
[18] Cao ủy Quyền con người của Liên hợp quốc, Xóa bỏ án tử hình - những bài học từ kinh nghiệm quốc gia, https://www. ohchr.org/Lists/MeetingsNY/Attachments/27/moving_away_ from_death_penalty_web.pdf, truy cập lần cuối ngày 25/01/2021.
[19] Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Khuê (2019), tlđd, tr.6.
[20] Xem: Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, Kế hoạch hành động FDFA bãi bỏ toàn cầu án tử hình, 2017–2019, https:// www.eda.admin.ch/dam/eda/en/documents/publications/MenschenrechtehumanitaerePolitikundMigration/aktionsplan-todesstrafe-2017-19_EN.pdf, truy cập lần cuối ngày 25/01/2021.
[21] Xem: Bộ Ngoại giao Anh, Chiến lược HMG xóa bỏ án tử hình giai đoạn 2010-2015, https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/35448/death-penalty-strategy-oct-11-15.pdf, truy cập lần cuối ngày 25/01/2021.
[22] Trong các kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam không phản đối, song đã bỏ phiếu trắng đối với cả 4 nghị quyết được đưa ra từ năm 2007 đến năm 2012 (mà được sự ủng hộ của đa số các quốc gia), trong đó  kêu gọi đình chỉ tạm thời (moratorium) việc áp dụng và thi hành án tử hình trên toàn thế giới.
[23] Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người tại phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, tlđd.
[24] Penal Reform International (2011), tlđd, truy cập lần cuối ngày 22/01/2021.
[25] Hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) thông qua nghị quyết vào năm 2009 kêu gọi các quốc gia thành viên còn duy trì hình phạt tử hình ra tuyên bố hoãn ngay lập tức thi hành án tử hình.
[26] Penal Reform International (2011), tlđd, truy cập lần cuối ngày 22/01/2021.
[27] Quốc Phương, Tuyên bố của EU về vụ xử Đồng Tâm nói lên điều gì?, https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54238069, truy cập lần cuối ngày 31/01/2021.
[28] Xem: Báo cáo của Hồ Sỹ Sơn trong Tập tài liệu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề giới hạn hình phạt tử hình trong một số tội phạm tại Việt Nam”. Dẫn lại: Lê Văn Cảm, Nguyễn Thị Lan (2014), tlđd, tr.3.
[29] Xem: Hội luật gia Việt Nam (2008), Hình phạt tử hình trong luật quốc tế (Sách tham khảo), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 37 - 41.
[30] Hội thảo tổ chức ngày 17/12/2018 tại thành phố Đà Nẵng trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE).
[31] Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Khuê (2019), tlđd, tr.34-35.
[32] Xem thêm: Trịnh Quốc Toản (2012), “Chế định hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN - chuyên san Luật học, Tập 30, Số 1, tr.30-41. Trong bài báo này, tác giả cho rằng ở Việt Nam hình phạt tử hình vẫn là cần thiết và cần phải có nhằm trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, bảo đảm cho an ninh và trật tự an toàn xã hội, tức là loại hình phạt này vẫn có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ hữu hiệu lợi ích công cộng (tr.36).
[33] Báo cáo Quốc gia của Việt Nam về Thực hiện quyền con người tại phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền trước Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, tlđd,nêu ra các lý do về văn hóa, con người của việc duy trì án tử hình, và khẳng định “đây là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.  
[34] Võ Khánh Vinh, Nguyễn Mạnh Kháng, Phạm Văn Tỉnh (2008), Vấn đề giới hạn hình phạt tử hình trong một số tội phạm tại Việt Nam, Hội thảo khoa học do Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện KHXH Việt Nam) phối hợp với Viện Konrad-Adenauar-Stiftung tổ chức, ngày 23 - 24/12/2008 tại Hà Nội; Phạm Văn Beo (2010), Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.210.
[35] Hội Luật gia Việt Nam (2008), tlđd, tr.22-35.
[36] Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Khuê (2019), tlđd, tr.43.
[37] Tham khảo: Penal Reform International (2011), tlđd, truy cập lần cuối ngày 22/01/2021.
[38] Dự án “Khảo sát tác động ngăn ngừa của một số hình phạt trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999” của Trung tâm Tội phạm học thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2011. Dẫn lại: Nguyễn Ngọc Chí (2012), “Một số suy nghĩ về hình phạt tử hình trong Luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội - chuyên san Luật học, tập 28, tr.42-48, tr.46.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (430), tháng 03/2021.)