Xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu

28/06/2021

THS. NGUYỄN NGỌC YẾN

Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt:Thương hiệu là một loại tài sản quan trọng trong cơ cấu tài sản của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các cơ sở pháp lý thừa nhận sự tồn tại của tài sản này hiện nay vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định đúng, đủ giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng. Điều đó ảnh hưởng đến việc xác định giá trị của tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh tương lai, khi hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng diễn ra một cách sôi nổi, chủ động dưới các hình thức mua lại, sáp nhập, hợp nhất..., những khó khăn trong việc xác định giá trị thương hiệu, xuất phát từ góc độ pháp lý cho tới thực tiễn thực hiện sẽ tạo nên những trở ngại lớn cho các bên khi tham gia giao dịch.
Từ khoá: Xác định giá trị thương hiệu, xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng, tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Abstract: The brand name is a crucial property of the property structure of a credit institution. However, the legal framework to recognize the existence of this type of property is still unclear, which may make it difficult to correct and full valuation of the brand name of a credit institution. That also affects the valuation of a credit institution as a whole. In the future context, when the restructuring of credit institutions takes place actively, proactively in the form of acquisitions, mergers, consolidations ..., the difficulties in the valuation of the brand name, from legal aspects to practices, may provide significant obstacles for parties to participate in transactions.
Keywords: Valuation of brand name, valuation of brand name of a credit institution, credit institution restructures.
 TÁI-CƠ-CẤU-NGÂN-HANG.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
Khi giá trị của một tổ chức tín dụng được coi là sự biểu hiện những khoản thu nhập hiện hữu dựa trên tổng giá trị tài sản của tổ chức tín dụng được xác định tại một thời điểm nhất định, đồng nghĩa với việc cần phải nhận diện và xác định chính xác giá trị những loại tài sản của tổ chức đó. Đối với việc xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu nhóm chủ thể này, chúng ta cần quan tâm một số điểm đặc biệt sau:
Thứ nhất, trong cơ cấu tài sản, nếu những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá khác, tài sản hữu hình là chủ yếu và hoàn toàn có thể định giá một cách tương đối rõ ràng, thì đối với tổ chức tín dụng, cơ cấu tài sản vô hình có sự đa dạng hơn và ảnh hưởng lớn đến giá trị của tổ chức tín dụng. Nói cách khác, đối với tổ chức tín dụng, nếu chỉ dựa trên tài sản hữu hình mà không đánh giá đầy đủ tài sản vô hình sẽ dẫn tới việc xác định giá trị của tổ chức tín dụng không chính xác. Thực tế, với tư cách là chủ thể kinh doanh tiền tệ, là trung gian luân chuyển vốn từ nơi tạm thời nhàn rỗi đến nơi có nhu cầu sử dụng vốn, thực hiện kinh doanh trên cơ sở “tín dụng” - niềm tin, khiến cho những tài sản vô hình như thương hiệu, mạng lưới khách hàng, bộ máy quản trị điều hành... mới là những yếu tố tạo nên giá trị lớn cho tổ chức tín dụng, quyết định vị thế của tổ chức tín dụng trên thị trường và phần nào phản ánh, dự liệu được nguồn thu nhập mà tổ chức tín dụng có thể mang lại cho nhà đầu tư vào thời điểm tương lai. Như vậy, khi xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng, một số nội dung quan trọng cần phải được làm rõ gồm: thương hiệu được xếp vào nhóm tài sản nào của tổ chức tín dụng, cách thức, phương pháp xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng như thế nào...
Theo thông lệ quốc tế, thương hiệu được xếp vào nhóm tài sản vô hình. Trong Tiêu chuẩn về định giá thương hiệu được công nhận trên toàn thế giới - ISO 10668:2010, Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế quan niệm thương hiệu là một tài sản vô hình liên quan đến quảng bá sản phẩm, bao gồm, nhưng không giới hạn, tên, cụm thuật ngữ, ký hiệu, logo và thiết kế, hoặc sự kết hợp của các hình thức này, với mục đích để nhận dạng một sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp, hoặc sự kết hợp cả các hình thức này, mang đến hình ảnh hoặc sự gắn kết riêng biệt trong tâm trí các bên liên quan, từ đó tạo ra lợi ích/giá trị kinh tế[1]. Đối với các tổ chức tín dụng, thương hiệu là yếu tố then chốt quyết định tới sự tồn tại và phát triển. Bởi lẽ, từ niềm tin của khách hàng vào giá trị thương hiệu sẽ dẫn tới hiệu quả huy động vốn và thực hiện các hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, ngay cả trong bối cảnh sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng phổ biến với khả năng sao chép không quá khó khăn.
Về việc xác định giá trị thương hiệu, dưới góc độ kinh tế học, hoạt động này được tiếp cận dưới một trong hai cách thức: Một là, xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng dựa trên nghiên cứu thị trường. Cách tiếp cận này đánh giá và xếp hạng thương hiệu của tổ chức tín dụng dựa trên đo lường hành vi và thái độ của khách hàng đến hiệu quả kinh tế của thương hiệu của tổ chức tín dụng và những phản ứng của thị trường đối với thương hiệu của tổ chức tín dụng. Từ đó, các nhà quản trị ngân hàng có những chính sách và biện pháp quản lý phù hợp để nâng cao sự nhận diện, niềm tin, lòng trung thành... của khách hàng.
Hai là, xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng dựa trên các số liệu tài chính, hướng tới mục tiêu là xác định một cách cụ thể giá trị tiền tệ của tài sản thương hiệu. Với cách tiếp cận này, giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng được xác định dựa trên những số liệu tài chính của tổ chức tín dụng; từ đó, ngoài những ý nghĩa về quản trị thương hiệu, kết quả này còn giúp ghi nhận thương hiệu như một tài sản có giá trị của tổ chức tín dụng trên bảng cân đối kế toán, có thể mua bán, góp vốn, sáp nhập... Nói cách khác, xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng là một tập hợp các công việc nhằm tính toán giá trị tài chính của thương hiệu của tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là một nội dung có tính chất đặc biệt so với tái cơ cấu doanh nghiệp thông thường, từ đó ảnh hưởng đến việc xác định giá trị của tổ chức tín dụng nói chung, xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng nói riêng. Đối với đa phần doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh là yếu tố then chốt và bao trùm trên toàn bộ quá trình từ khi ra đời, tồn tại cho tới thời điểm doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại. Điều này chi phối khá lớn đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, chủ yếu là hoạt động mang tính “tự thân”, xuất phát từ nhu cầu, ý chí của bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng có sự khác biệt, khi quyền tự do kinh doanh của tổ chức tín dụng có sự giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, do đó, hoạt động tái cơ cấu tổ chức tín dụng cũng diễn ra với những nội dung khác biệt đáng kể với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp thông thường, trong một số trường hợp có sự tham gia, tác động của Nhà nước đối với quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp, hoạt động tái cơ cấu diễn ra xuất phát từ ý chí và mong muốn của chính các tổ chức tín dụng; tức là, tái cơ cấu được tiến hành một cách tự nguyện, tổ chức tín dụng sẽ muốn có được một kết quả giá trị tối ưu nhất phục vụ cho những mục đích phát triển, mở rộng, cạnh tranh, hoặc hướng tới thương vụ tái cơ cấu có lợi nhất cho chủ sở hữu, thay vì chấp nhận một mức giá không phản ánh đúng vị thế và vị trí của mình trên thị trường. Để có kết quả tốt, việc xác định giá trị thương hiệu cần được dựa trên các số liệu tài chính.
Ngược lại, đối với những trường hợp tái cơ cấu theo hướng bắt buộc, nghĩa là có sự tác động ý chí từ phía Nhà nước, đa phần, giá trị thương hiệu nói riêng, giá trị của tổ chức tín dụng nói chung thường không được phản ánh một cách chính xác, khi những yếu tố cấu thành giá trị không được bảo đảm tính đúng, tính đủ. Bởi lẽ, trong trường hợp này, mục tiêu tái cơ cấu được đặt ra là giữ sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, không gây những hệ luỵ tới nền kinh tế.... Vì vậy, hoạt động xác định giá trị thương hiệu thường diễn ra sau giai đoạn tái cơ cấu bắt buộc, khi tổ chức tín dụng mới cần thay đổi về mô hình tổ chức, quản trị, vốn... để “trụ vững” trước sức ép cạnh tranh trên thị trường.
2. Thực trạng quy định của pháp luậtvề xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
Thứ nhất, pháp luật của nước ta hiện naycòn thiếu vắng những quy định cụ thể, thống nhất về xác định thương hiệu, giá trị thương hiệu trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp nói chung, của tổ chức tín dụng nói riêng.
Thương hiệu là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong đời sống dân sự, thương mại ở Việt Nam và trên thế giới. Về mặt lý thuyết, nếu coi thương hiệu là tài sản, thì thương hiệu sẽ được xếp vào nhóm tài sản vô hình. Tuy nhiên, Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình không xác định cụ thể về tài sản thương hiệu mà liệt kê tài sản vô hình gồm: (i) Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; (ii) Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật; (iii) Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác; (iv) Các tài sản vô hình khác thoả mãn điều kiện.
Soi chiếu với quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, thương hiệu không được xếp vào nhóm tài sản trí tuệ được ghi nhận và bảo hộ. Một số loại hình tài sản trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu (dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau), tên thương mại (tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh)[2]... Trong trường hợp không đồng nhất về phạm vi giữa tài sản trí tuệ và thương hiệu, thương hiệu khi là tài sản vô hình sẽ phải thoả mãn được các điều kiện theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13. Theo đó, thương hiệu là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế. Tài sản thương hiệu phải thoả mãn đồng thời các điều kiện: (i) Không có hình thái vật chất; tuy nhiên, một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình; (ii) Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình; (iii) Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu; (iv) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được[3].
Tuy nhiên, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 (Nghị định số 126) lại quy định về giá trị thương hiệu. Theo đó, giá trị thương hiệu cùng với tiềm năng phát triển sẽ tạo thành giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp và cần được xác định chính xác để tìm ra giá trị thực tế của doanh nghiệp. Trong đó, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị của doanh nghiệp 05 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp[4]. Như vậy, quy định này có sử dụng thuật ngữ giá trị thương hiệu, và có xác định tên thương mại, nhãn hiệu cấu thành giá trị thương hiệu. Hay nói cách khác, có thể hiểu thương hiệu là tài sản trí tuệ và được coi là tài sản vô hình.
Mặt khác, liên quan đến việc xác định lợi thế kinh doanh trong giá trị doanh nghiệp, hiện nay vẫn tồn tại những mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ghi nhận giá trị lợi thế kinh doanh là một yếu tố để xác định giá trị doanh nghiệp, thì theo Chuẩn mực Kế toán số 04, lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ của doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản, vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được[5]. Đồng nghĩa với đó, thương hiệu không được coi là tài sản cố định vô hình để được định giá, tính vào giá trị doanh nghiệp và ghi vào sổ kế toán.
Như vậy, có thể thấy, giữa các quy định của pháp luật hiện hành đang tồn tại mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong việc xác định thương hiệu có phải là tài sản vô hình của doanh nghiệp hay không và giá trị thương hiệu có được tính toán trong giá trị của doanh nghiệp không.
Thứ hai, quy định về phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình đã tiếp cận với thông lệ quốc tế nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Nếu coi thương hiệu là tài sản vô hình như trong quy định của một số văn bản pháp luật nêu trên và theo thông lệ quốc tế thì việc xác định giá trị thương hiệu sẽ được thực hiện tương tự như xác định giá trị các tài sản vô hình nói chung. Tuỳ thuộc vào từng cách tiếp cận sẽ có những phương pháp khác nhau để xác định giá trị thương hiệu: cách tiếp cận từ chi phí (bao gồm phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế), cách tiếp cận từ thị trường theo phương pháp so sánh và cách tiếp cận từ thu nhập (bao gồm phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội và phương pháp thu nhập tăng thêm)[6]. Theo pháp luật Việt Nam, về cơ bản, nội dung những phương pháp này khá gần gũi với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá quốc tế IVS[7]. Thực tế, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm nổi trội và tồn tại những hạn chế riêng, dẫn tới việc chủ thể thực hiện hoạt động xác định giá trị thương hiệu phải lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất cho từng thời điểm và mục đích nhất định để xác định được giá trị chính xác nhất của tài sản thương hiệu.
Mặt khác, dù Tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam có quy định đa dạng về các nhóm phương pháp có thể sử dụng để xác định giá trị thương hiệu với các cách tiếp cận khác nhau, thậm chí chủ thể tiến hành thẩm định giá còn có thể đưa ra một phương pháp xác định phù hợp khác ngoài các phương pháp được pháp luật ghi nhận, nhưng đối với các tổ chức tín dụng nhà nước lại không có sự tự do lựa chọn các phương pháp đa dạng này. Bởi lẽ, pháp luật quy định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần xác định rõ cách thức xác định giá trị thương hiệu, trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 05 năm... Có thể thấy, quy định này dựa trên cách tiếp cận từ chi phí; tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phương pháp và cách tiếp cận như vậy sẽ bỏ qua mất một yếu tố quan trọng, đó là thương hiệu là tài sản mà thị trường sẵn sàng trả tiền để có được nó và thường được tính bằng những khoản thu nhập hay lợi ích mà doanh nghiệp mang lại cho các nhà đầu tư. Vì vậy, quy định cứng về cách xác định giá trị thương hiệu như trong Nghị định số 126 có thể dẫn tới một kết quả không chính xác.
Thứ ba,quy định về các chủ thể tham gia xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu còn hạn chế, dẫn tới việc xác định giá trị thương hiệu trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng hiện nay chưa mang tính phổ biến và chuyên nghiệp, chuyên sâu hoá.
Việc xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu có thể được thực hiện bởi chính tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức có chức năng định giá thực hiện tư vấn xác định giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản nào ghi nhận đầy đủ về các chủ thể tham gia; đồng thời, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Chẳng hạn, Nghị định số 126 quy định về các trường hợp tổ chức tín dụng có thể tự định giá và có những trường hợp được thuê tổ chức tư vấn. Đối với các tổ chức tư vấn, Nghị định liệt kê rõ gồm: công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, văn bản này cũng có đưa ra những điều kiện và trách nhiệm chung của tổ chức tư vấn để xác định giá trị thương hiệu nói riêng, giá trị doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này thì không được văn bản quy định rõ ràng. Bất cập này tương tự đối với trường hợp tổ chức tín dụng tự mình thực hiện xác định giá.
Từ thực tiễn các thương vụ mua lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng những giai đoạn qua cho thấy, các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng mô hình xác định giá trị tài sản thương hiệu phù hợp, hoặc nếu có, các tổ chức tín dụng cũng chủ yếu xây dựng mô hình xác định giá trị thương hiệu dựa trên nghiên cứu thị trường, phục vụ cho việc quản trị thương hiệu. Đối với việc xây dựng mô hình xác định giá trị thương hiệu dựa trên các số liệu tài chính phục vụ cho các hoạt động tái cơ cấu như mua lại, sáp nhập, hợp nhất... gần như chưa được các tổ chức tín dụng chú trọng. Thực trạng này có thể dễ lý giải do có sự bắt buộc từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, khi tái cơ cấu là một nhu cầu tự thân của chính các tổ chức tín dụng, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện để tìm tới phương án tồn tại tối ưu và hiệu quả trên thị trường ngân hàng, một trong những yêu cầu bức thiết đối với các tổ chức tín dụng là cần xây dựng mô hình xác định giá trị thương hiệu với các số liệu tài chính một cách đầy đủ.
Thêm vào đó, Việt Nam hiện nay cũng có những tổ chức thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá tài sản vô hình, trong đó có tài sản thương hiệu và những tổ chức thực hiện đánh giá giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng, nhưng hoạt động này dường như chưa mang tính chuyên nghiệp hoá[8], đồng thời, kết quả được đưa ra từ những chủ thể này có thể chưa mang tính thuyết phục. Điều này một mặt, xuất phát từ sự thiếu vắng nhu cầu xác định giá trị thương hiệu của chính các tổ chức tín dụng; mặt khác, xuất phát từ tính đa dạng của các phương pháp xác định giá trị thương hiệu với các cách tiếp cận khác nhau, thậm chí tổ chức thẩm định giá còn có thể đưa ra một phương pháp xác định khác được cho là hợp lý để tính toán giá trị thương hiệu. Chưa kể tới việc với mỗi mục đích, thời điểm khác nhau, giá trị thương hiệu cũng sẽ được tính toán có sự khác biệt đáng kể. Những kết quả được đưa ra khác nhau khiến cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng gặp những trở ngại đáng kể, nếu không có sự thiện chí, hợp tác của các bên tham gia tái cơ cấu.
Thứ tư, pháp luật hiện hành không thể hiện rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc xác định giá trị thương hiệu đối với các tổ chức tín dụng cổ phần, tư nhân khi thực hiện các hoạt động tái cơ cấu. Theo đó, việc xác định giá trị thương hiệu trong trường hợp này cơ bản được các tổ chức tín dụng tự do thực hiện trên cơ sở các quy định của Bộ Tài chính và các Tiêu chuẩn thẩm định giá. Trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu thông qua tổ chức lại, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò trong việc chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận các hoạt động tổ chức lại này. Ở hoạt động này, việc quan trọng nhất mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm không phải giá trị thương hiệu được xác định như thế nào mà quan tâm tới việc tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu, tổ chức tín dụng hình thành sau tái cơ cấu có tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, có tuân thủ các quy định về tổ chức và hoạt động, có bảo vệ quyền lợi của khách hàng và người lao động không… Việc pháp luật không ràng buộc vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng cổ phần, tư nhân khi tái cơ cấu cho thấy quan điểm của Nhà nước trong việc đưa việc xác định giá trị thương hiệu này trở về đúng bản chất, tuân theo quy luật cung - cầu trên thị trường và thể hiện đúng ý chí của các bên tham gia giao dịch tái cơ cấu.
3. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu
Để hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất,cần xác định rõ khái niệm và nội hàm thương hiệu theo hướng nhận định rõ thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp và vận dụng các phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình để xác định giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành Hệ thống chuẩn mực kế toán mới để thay thế cho Hệ thống chuẩn mực kế toán trước đây, trong đó có Chuẩn mực kế toán số 04 về tài sản cố định vô hình, theo hướng ghi nhận thương hiệu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng như các tài sản có giá trị khác như tín dụng, đầu tư, tài sản cố định... Thực tế, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành từ năm 2001 và đã bộc lộ rất nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn cũng như các văn bản pháp luật khác về việc xác định các tài sản trí tuệ, phương pháp xác định, thời điểm xác định...
Thứ hai, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về cách tiếp cận và phương pháp xác định giá trị thương hiệu. Dù là tổ chức tín dụng nhà nước hay tổ chức tín dụng cổ phần, giá trị thương hiệu đều có thể sử dụng một hệ thống phương pháp xác định tương đồng như nhau. Việc có các cách tiếp cận và phương pháp khác nhau để xác định cùng một nội hàm giá trị thương hiệu sẽ tạo nên sự không tương thích khi xem xét tổng thể các quy phạm pháp luật và gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Ngoài ra, các nhóm phương pháp xác định giá trị thương hiệu dựa trên các cách tiếp cận cũng cần được rà soát lại về mặt nội dung, cách thức thực hiện... để đảm bảo có sự tương thích với tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.
Thứ ba,cần thống nhất các quy định của pháp luật để xác định cụ thể về các chủ thể tham gia vào hoạt động xác định giá trị của doanh nghiệp nói chung, giá trị thương hiệu nói riêng trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và ghi nhận đầy đủ quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có các quy định nhằm gắn trách nhiệm độc lập của từng chủ thể tham gia xác định giá trị thương hiệu với kết quả định giá mà họ đưa ra.
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các quy định của pháp luật điều chỉnh cụ thể việc xác định giá trị thương hiệu trong hoạt động tái cơ cấu gắn liền với các đặc trưng về tài sản của chủ thể kinh doanh này. Điều này có ý nghĩa trong việc xác định chính xác giá trị của tổ chức tín dụng, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định về việc xác định giá trị của tổ chức tín dụng trước và sau khi tái cơ cấu, là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng, từ đó làm tiền đề để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định của pháp luật điều chỉnh phù hợp với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong tương lai. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể cơ chế giám sát và kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước trong xác định giá trị của các tổ chức tín dụng nói chung, giá trị thương hiệu của tổ chức tín dụng nói riêng khi thực hiện tái cơ cấu cũng như chế tài xử lý vi phạm, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo việc thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan./.
 

 


[1] The International Organization for Standardization - ISO 10668: 2010, Brand valuation - Requirements for monetary brand valuation, 2.2, page 1.
[2] Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009.
[3] Điều 3.1 Tiêu chuẩn Thẩm định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình, ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[4] Điều 31 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
[5] Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam - Chuẩn mực số 04 Tài sản cố định vô hình, Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[6] Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình, ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[7] IVS là Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế do Uỷ ban các Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC) ban hành. Cho đến nay, IVSC đã 10 lần xét lại tiêu chuẩn định giá được xuất bản vào các năm 1985, 1994, 1997, 2000, 2001, 2003, 2005, 2007, 2013 và gần đây nhất, IVSC ban hành Bộ tiêu chuẩn Thẩm định giá có hiệu lực từ ngày 31/01/2020. Cấu trúc của IVS phiên bản mới ngoài các phần giới thiệu, phần chú giải thuật ngữ và khung tiêu chuẩn, gồm 02 phần chính: Phần thứ nhất là các tiêu chuẩn chung về thẩm định giá và Phần thứ hai là các tiêu chuẩn hướng dẫn thẩm định giá cụ thể đối với từng loại tài sản, trong đó có IVS 210 về thẩm định giá tài sản vô hình.
[8] Nguyễn Trung Thắng (2015), Định giá thương hiệu: Khoa học hay nghệ thuật?, Viện Marketing và Quản trị Việt Nam VMI.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (429), tháng 3/2021.)