Tiếp tục hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm

03/05/2021

TS. PHAN PHƯƠNG NAM

Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 đã lần lượt được Quốc hội thông qua và có những tác động tích cực vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào hoạt động này. Tuy nhiên, một số quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) vẫn còn bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.
Từ khoá: Hợp đồng bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Abstract: The Law on Insurance Business of 2000, the Law on Amendments of a number of articles of the Law on Insurance Business of 2010 and the Law on Amendments of a number of articles of the Law on Insurance Business of 2019 and Law on Intellectual Property approved by the National Assembly in turn has provided positive effects on life, making an important contribution to the development of insurance business as well as reasonable protection of rights and legitimate interests of entities. However, a number of provisions under the Law on Insurance Business are still inadequate and need to be further improved.
Keywords: Insurance contracts, insured interests, insurance enterprises, transfer of the right to claim, Law on Insurance Business.
 BẢO-HIỂM.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Bảo hiểm là một nội dung quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Bởi lẽ, bảo hiểm giúp cho con người có một cơ chế nhằm chuyển giao rủi ro, tìm kiếm một khoản tài chính bù đắp tổn thất khi gặp rủi ro trong cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, các nội dung của hoạt động bảo hiểm cũng vận động và phát triển. Theo đó, các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng cần phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Luật KDBH năm 2000), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ  năm 2019 đã lần lượt được Quốc hội thông qua và có những tác động tích cực vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như bảo vệ hợp lý quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào hoạt động này. Tuy nhiên, một số quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, một số quy định về giải thích từ ngữ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa chính xác.
Một là, quy định về bảo hiểm phi nhân thọ. Khoản 18 Điều 3 Luật KDBH quy định: “Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ”. Quy định này là chính xác trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH năm 2010. Theo quy định của Luật KDBH, bảo hiểm chia thành hai loại là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Tuy nhiên, sau khi Luật KDBH năm 2000 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010, pháp luật kinh doanh bảo hiểm đã xác định có ba loại hình bảo hiểm là nhân thọ, phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe[1]. Do bảo hiểm sức khỏe có những đặc thù riêng nhất định nên pháp luật đã tách và điều chỉnh bằng các quy định riêng. Do vậy, quy định về “bảo hiểm phi nhân thọ” trong Luật KDBH là đã trở nên lạc hậu, không chính xác, không phù hợp với cách tiếp cận hiện nay. Vì vậy, cần xem xét và điều chỉnh lại quy định về bảo hiểm phi nhân thọ cho phù hợp với các quy định tương ứng khác để đảm bảo tính chính xác của pháp luật.
Tác giả cho rằng, quy định về bảo hiểm phi nhân thọ cần được sửa đổi như sau: “Bảo hiểm phi nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ”. Quy định này đã chỉ ra có 3 loại bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và sức khoẻ. Theo đó, bảo hiểm phi nhân thọ là các sản phẩm bảo hiểm không nằm trong bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ.
Hai là, quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm. Khoản 9 Điều 3 Luật KDBH quy định: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm”. Theo quy định này, trong bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được bảo hiểm được xác định là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay đang có rất nhiều các quy tắc bảo hiểm và điều khoản bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận cho phép tổ chức (người sử dụng lao động) mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như là một biện pháp, chính sách nhằm thu hút, giữ chân người lao động trong các doanh nghiệp[2]. Căn cứ quy định của Luật KDBH, các quy tác, điều khoản bảo hiểm trên là không phù hợp với tinh thần của Luật KDBH. Bởi lẽ, khoản 9 Điều 3 và Điều 31 Luật KDBH năm 2000 đều xác định, người mua bảo hiểm chỉ mua bảo hiểm cho người khác khi có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng. Trong khi đó, mối quan hệ giữa tổ chức (người sử dụng lao động) và người lao động không hề có mối quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình hoặc Bộ luật Dân sự, mà đó là mối quan hệ lao động chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010, đối với các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ… phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai[3]. Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/03/2018 quy định : “2.11. Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp … bảo hiểm nhân thọ cho người lao động” là khoản chi không được vào khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.... Khoản chi trích... mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn…”. Như vậy, khoản chi này được pháp luật thừa nhận là hợp pháp nên hoạt động mua bảo hiểm nhân thọ giữa tổ chức cho người lao động là hợp pháp. Đây có thể xem là biện pháp áp dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động, thu hút nhân sự tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Có thể nói rằng, nội dung trên đây không hề mới mẻ mà nó đã được xây dựng và khẳng định trong học thuyết quyền lợi được bảo hiểm[4]. Tuy nhiên, đặt trong tương quan với quy định của Luật KDBH, nội dung này lại chưa phù hợp. Điều đó cho thấy, chính vì sự chưa hợp lý, thiếu chính xác trong quy định về quyền lợi được bảo hiểm của Luật KDBH nên dẫn đến trường hợp quy định này chưa phản ảnh đúng thực tế đời sống xã hội. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần sửa đổi quy định của khoản 9 Điều 3 và Điều 31 Luật KDBH theo hướng mở rộng nội hàm của phần quyền lợi được bảo hiểm. Theo đó, trong bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được bảo hiểm không chỉ là quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng bảo hiểm mà còn có thể bao hàm cả các lợi ích kinh tế (nếu có).
Thứ hai, quy định về loại hình bảo hiểm bắt buộc chưa hợp lý. Về lý luận, bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội[5]. Điều này được thể hiện rất rõ tại Điều 8 Luật KDBH: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; bảo hiểm cháy, nổ. Bên cạnh đó, Luật KDBH còn dự liệu là trong trường hợp cần thiết thì “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác”[6]. Tuy nhiên, quy định này chưa bao quát hết các trường hợp phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, cụ thể:
Một là, quy định hiện hành chưa bao quát hết các trường hợp bảo hiểm bắt buột trong chính các hoạt động được quy định cụ thể trong Luật KDBH. Điểm b khoản 3 Điều 93a Luật KDBH được bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ  năm 2019 quy định “Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”. Quy định này xác định nghĩa vụ của cá nhân khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm này theo quy định của pháp luật. Do vậy, cần phải bổ sung loại hình bảo hiểm bắt buộc này vào khoản 2 Điều 8 Luật KDBH khi xác định về các loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Hai, quy định hiện hànhchưa bao quát hết các trường hợp bảo hiểm bắt buộc khác như: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên[7], bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng[8].
Để khắc phục bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Điều 8 Luật KDBH theo hướng bổ sung các trường hợp phải tham gia bảo hiểm bắt buộc hiện có và các trường hợp phát sinh mới đã được liệt kê ở trên.
Thứ ba, bất cập trong các quy định về chuyển giaoquyền yêu cầu bồi hoànTheo quy định của khoản 1 Điều 49 Luật KDBH, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã bồi thường cho người được bảo hiểm, sau đó được quyền yêu cầu người được bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn. Để bảo vệ quyền lợi cho DNBH, trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho DNBH, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường, khoản 2 Điều 49 Luật KDBH cho phép DNBH, tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm, có quyền khấu trừ số tiền bồi thường. Tuy nhiên, quy định này chỉ đúng khi DNBH biết trước và có những bằng chứng chứng minh rằng, người được bảo hiểm không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho DNBH, theo quy định của khoản 2 Điều 49 Luật KDBH, DNBH không thể áp dụng được. Bởi lẽ, về nguyên tắc, DNBH chỉ có quyền yêu cầu người được bảo hiểm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn bên thứ ba gây thiệt hại khi và chỉ khi DNBH đã chi trả tiền bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của quy định nêu trên, tác giả cho rằng, khoản 2 Điều 49 Luật KDBH cần được sửa đổi theo hướng DNBH vẫn chi trả tiền bảo hiểm khi có đầy đủ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho DNBH, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì DNBH mới có quyền yêu cầu người được bảo hiểm hoàn trả lại một hoặc toàn bộ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm. 
Thứ tư, quy định về chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm còn bất cập. Theo quy định của Điều 26 Luật KDBH, “việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho DNBH về việc chuyển nhượng và DNBH có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó” (Luật KDBH không trao cho Chính Phủ quy định chi tiết điều này). Tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định : “Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới thì mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới”. Điều này đã cho phép, trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới cũ sang chủ xe cơ giới mới chỉ cần thực hiện theo hình thức chuyển giao Giấy chứng nhận bảo hiểm mà không cần phải thực hiện các thủ tục như quy định của Điều 26 Luật KDBH. Như vậy, mặc dù quy định của  Nghị định số 03/2021/NĐ-CP là vượt thẩm quyền được Luật KDBH giao nhưng phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho chủ sở hữu phương tiện và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tác giả cho rằng cần sửa đổi Điều 26 Luật KDBH theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều luật này./. 

 


[1] Khoản 12, 18 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010; khoản 1, 2, 3 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
[2] Khánh Ngọc, “Bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên: Tuyệt chiêu giữ chân nhân tài”, https://baodautu.vn/bao-hiem-nhan-tho-cho-nhan-vien-tuyet-chieu-giu-chan-nhan-tai-d87110.html, truy cập ngày 20/02/2019; P.V, “Bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên: Lời giải cho bài toán giữ chân nhân tài”, https://baonghean.vn/bao-hiem-nhan-tho-cho-nhan-vien-loi-giai-cho-bai-toan-giu-chan-nhan-tai-218504.html, truy cập ngày 19/02/2019; Phan Anh, “Trả ơn nhân viên bằng bảo hiểm nhân thọ”, https://vnexpress.net/kinh-doanh/tra-on-nhan-vien-bang-bao-hiem-nhan-tho-2687981.html,truy cập ngày 19/02/2019.
[3] Khoản 3 Điều 39 Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
[4] Peter N.Swisher, The Insurable Interest Requirement For Life Insurance: A Critical Reassessment, Drake Law Review, số 477 (2005), p. 483, 514.
[5] Khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
[6] Khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
[7] Theo khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng năm 2014.
[8] Nghị định số 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03 + 04 (427+428), tháng 2/2021.)


Ý kiến bạn đọc