Bàn về thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng

10/03/2021

TS. PHẠM THỊ HUỆ

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

Tóm tắt: Thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng nằm trong chủ trương chung của Đảng về hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện với mục đích đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động. Qua 3 năm thực hiện, việc thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng đã và đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần phải nghiên cứu, tổng kết để đề ra giải pháp cho vấn đề này ở cả khía cạnh lý luận và thực tiễn.
Từ khóa: Cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, hợp nhất cơ quan kiểm tra đảng với cơ quan thanh tra nhà nước.
Abstract: The pilot consolidation of the state inspection agencies with the party inspection agency is part of the Party's general policy of merging the consultancy and assistance agencies of the party committee with specialized agencies under the People's Committee with similar functions and mandates at the provincial level and district one with the aim of renewing, streamlining the organizational structure, unifying the leadership and direction of the party committee, management and administration of the government, enhancing the effectiveness and efficiency of their performance. Over the past 3 years of enforcement, the pilot consolidation of state inspection agency with the party inspection one has faced with difficulties and obstacles, requiring reviews to find out the solutions for this issue in both theoretical and practical aspects.
Keywords: Party inspection agency; state inspection agencies; consolidation of the state inspection agencies with the party inspection agency. 
 
1. Chủ trương hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng
Cách đây gần 10 năm, vấn đề hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng đã được đặt ra. Trong Đề án 01-ĐA/UBKTTW ngày 8/7/2009 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 đã đưa ra vấn đề: “…hợp nhất cơ quan UBKT với cơ quan Thanh tra và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”[1]. Mục đích của việc hợp nhất này là hướng đến việc tinh giảm biên chế, tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền; đặc biệt là khắc phục những chức năng, nhiệm vụ bị chồng chéo giữa hai cơ quan này. Tiếp đó, Kết luận Số 64-KL/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" tiếp tục đưa vấn đề hoàn thiện, tổ chức lại bộ máy nhà nước với yêu cầu “xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị”[2].hợp-nhất-UBKT-và-thanh-tra.jpg
Năm 2017, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đặt ra mục tiêu tổng quát là “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”. Ngày 07/8/2018, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 34-KL/TW về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó đã chỉ ra những định hướng cơ bản trong việc hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng.
Tinh thần của các nghị quyết, kết luận nêu trên cho thấy, việc thực hiện hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng là thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tránh trùng lặp, chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Việc thực hiện hợp nhất hai cơ quan này cũng nằm trong chủ trương chung thí điểm hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc Ủy ban nhân dân (UBND). Việc hợp nhất được thực hiện “thí điểm” tại những nơi “có đủ điều kiện” và chỉ thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.
2. Thực tiễn triển khai thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra đảng
Thực hiện chủ trương của Đảng, một số địa phương đã tiến hành thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra đảng[3] ở những cấp độ khác nhau; có nơi tiến hành hợp nhất ở cấp tỉnh như Hà Giang, nhưng về cơ bản các địa phương mới chỉ tiến hành hợp nhất ở cấp huyện. Quá trình hợp nhất và việc triển khai hoạt động sau hợp nhất đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Xin được khái quát trên một số phương diện như sau:
Thứ nhất, chủ trương hợp nhất đều được cán bộ công chức (CBCC) biết đến nhưng chưa thực sự hiểu rõ.
Thực tế cho thấy[4], chủ trương hợp nhất được đại đa số CBCC biết đến hoặc nghe nói đến, nhưng chưa thực sự được hiểu rõ, hiểu thống nhất trong đội ngũ CBCC thanh tra, kiểm tra. Đa số CBCC đều đồng nhất khái niệm giữa “hợp nhất” với “sáp nhập” và “nhất thể hóa” chức danh người đứng đầu hai cơ quan và đều mang nghĩa là “gộp cơ học” hai cơ quan thuộc hai hệ thống khác nhau vào thành một.
Việc thí điểm hợp nhất được thực hiện dựa trên kế hoạch của Tỉnh ủy và Đề án của Thường vụ tỉnh ủy, nội dung của kế hoạch và đề án sẽ trên cơ sở Nghị quyết số 18, Kết luận số 34 và tình hình thực tế của từng địa phương. Việc hợp nhất ở một số địa phương không giống nhau và không thống nhất trong cách thức thực hiện. Một số nơi tiến hành hợp nhất ngay (Hà Giang, Trà Vinh, Yên Bái), một số nơi tiến hành theo lộ trình chậm hơn, ban đầu là nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, sau một thời gian mới tiến hành hợp nhất (Quảng Ninh). Việc thí điểm được các địa phương tiến hành thận trọng, những nội dung được hướng dẫn trong các văn bản của Đảng sẽ thực hiện đúng theo hướng dẫn, những nội dung chưa được hướng dẫn, địa phương sẽ tùy tình hình thực tế và có sự tham khảo ở địa phương đã thực hiện trước đó. Tuy nhiên, vì là “tùy tình hình thực tế” nên lộ trình, cách thức tiến hành là không giống nhau do nhận thức không thống nhất.
Thứ hai, vấn đề hợp nhất chỉ dừng lại ở chủ trương chung mà chưa được hướng dẫn và thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật
Vấn đề hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan UBKT đảng được đề cập chung trong chủ trương thí điểm hợp nhất một số cơ quan khác trong Nghị quyết số 18 và do vậy, chưa có hướng dẫn cụ thể, riêng biệt cho hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan UBKT đảng.
Nội dung hướng dẫn thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan UBKT đảng trong Nghị quyết số 18 và Kết luận số 34 chỉ giới hạn ở một số vấn đề khá chung chung, mang tính định hướng, nguyên tắc chỉ đạo chung về tổ chức bộ máy, những vấn đề cụ thể, chi tiết liên quan đến chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp hay thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thanh tra, kiểm tra chưa được đề cập đến.
Thực tế cho thấy, việc thí điểm hợp nhất được thực hiện hoàn toàn trên cơ sở Nghị quyết số 18 và sau này là Kết luận số 34 và chỉ đạo của tỉnh ủy căn cứ vào thực tế của địa phương. Việc thiếu vắng căn cứ pháp lý và hướng dẫn cụ thể từ cơ quan Trung ương đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và cũng phần nào làm giảm hiệu quả của việc thí điểm hợp nhất trên thực tế.
Thứ ba, thực tiễn thí điểm đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 18 và hơn một năm thực hiện Kết luận số 34, đến thời điểm cuối năm 2019 đã có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm hợp nhất. Trong đó, Hà Giang thực hiện hợp nhất ở cấp tỉnh trước, sau đó là cấp huyện; còn các địa phương khác mới hợp nhất cấp huyện và chưa hợp nhất cấp tỉnh. Theo đánh của một số địa phương, việc thí điểm hợp nhất đã đạt kết quả tiêu biểu đó là:
(i) Thu gọn bộ máy, giảm số lượng lãnh đạo. Giảm chức lãnh đạo (01 cấp trưởng và 02 cấp phó). Từ việc thu gọn bộ máy, giảm số phòng, lãnh đạo phòng đến giảm đầu mối liên hệ công việc.
(ii) Mô hình cơ quan hợp nhất đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự thống nhất giữa hoạt động thanh tra của chính quyền và kiểm tra, giám sát của Đảng, rút ngắn quy trình, khắc phục trùng lặp, bỏ được các khâu trung gian trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; kế thừa được kết quả và tạo sự đồng bộ trong xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân[5].
Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm hợp nhất cũng gặp những khó khăn, vướng mắc sau đây:
- Về địa vị pháp lý của cơ quan sau hợp nhất trong hệ thống chính trị
Cơ quan sau hợp nhất thuộc một ban của Đảng (UBKT). Nghĩa là, sau hợp nhất, không còn một thực thể là “cơ quan thanh tra” trong bộ máy nhà nước, chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vẫn được đội ngũ cán bộ thanh tra viên trước đây (nay thuộc cơ quan UBKT-thanh tra thực hiện nhưng trên danh nghĩa là cơ quan của Đảng. Bên Đảng, cơ quan UBKT vẫn tồn tại nhưng giờ có phạm vi, quy mô tổ chức bộ máy lớn hơn, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn sẽ rộng hơn do gộp thêm cả phần của cơ quan thanh tra trước đây).
Ở những địa phương tiến hành thí điểm đồng loạt cấp huyện (như Yên Bái), hay cấp tỉnh (như ở Hà Giang) thì cơ quan thanh tra cấp huyện sẽ không còn, nhưng chức năng của cơ quan thanh tra vẫn được thực hiện. Hệ quả là, sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hay đánh giá hiệu quả hoạt động trong hệ thống cơ quan thanh tra bị ảnh hưởng khá nặng nề. Bởi lẽ, với cấp tỉnh như ở Hà Giang, mối liên hệ giữa Thanh tra Chính phủ và hoạt động thanh tra ở Hà Giang gặp khó khăn do địa phương này không còn cơ quan thanh tra cấp tỉnh. Việc đánh giá hiệu quả công tác hay bình xét thi đua cuối năm sẽ không thể thực hiện ở cấp tỉnh Hà Giang trong khi hệ thống tổ chức bên Đảng chưa có đủ căn cứ pháp lý, chính trị để đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra do chỉ có chức năng, nhiệm vụ với công tác kiểm tra bên Đảng. Vướng mắc này cũng xảy ra với Yên Bái khi cơ quan thanh tra cấp tỉnh rất khó để giữ mối liên hệ trong hệ thống với hoạt động thanh tra cấp huyện.
Bên cạnh thực tế sau khi hợp nhất, việc một ban của Đảng thực hiện chức năng quản lý nhà nước (vốn thuộc chức năng của hành pháp) trong khi bộ máy nhà nước sẽ bị thu hẹp lại (do khuyết một chức năng) thì một câu hỏi lớn cho vấn đề này là tới đây, khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về nội dung kiểm soát thu nhập tài sản, thì chức năng kiểm soát tài sản thu nhập được quy định cho cơ quan thanh tra sẽ do chủ thể nào thực hiện ở những địa phương đã hợp nhất? Nếu do bộ phận thực hiện chức năng thanh tra trong cơ quan UBKT-Thanh tra (UBKT-TT) thực hiện thì vẫn do Đảng thực hiện. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về kiểm soát quyền lực nhà nước và tính hệ thống trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi cùng với việc hợp nhất các cơ quan khác nữa theo tinh thần Nghị quyết số 18 thì tổ chức bộ máy trong hệ thống Đảng sẽ mở rộng ra rất nhiều, trong khi hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước sẽ thu hẹp lại.
- Mối liên hệ chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra
Mô hình hợp nhất được thí điểm thực hiện ở một số địa phương. Nghĩa là, việc hợp nhất giữa hai cơ quan mới chỉ xuất phát từ “cơ sở lý luận” mà thiếu cơ sở thực tiễn. Hiện nay, chưa có tổng kết, đánh giá hiệu quả về mô hình này. Đây là mô hình mới chưa tồn tại trong lịch sử, bản thân các địa phương thực hiện là "thí điểm" nên quá trình triển khai trên thực tế là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; nhận thức chưa thống nhất nên mỗi nơi làm theo một cách khác nhau. Mô hình này lại chưa được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương (ở cấp Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Ủy Ban KTTW chưa từng có cuộc họp chung để thảo luận về vấn đề này) nên dẫn đến việc cơ quan sau hợp nhất chịu sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều hệ thống; quá trình hoạt động phải báo cáo nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực hiện.
Sau khi hợp nhất, người đứng đầu cơ quan hợp nhất là Trưởng cơ quan UBKT, thanh tra. Cơ quan UBKT, thanh tra chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Huyện ủy với tư cách là cơ quan tham mưu cho cấp ủy. Vấn đề đặt ra là quá trình thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan sau hợp nhất sẽ chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) hay Bí thư? Ai là người có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch thanh tra, quyết định thành lập đoàn thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, quyết định thu hồi sau thanh tra? Quá trình xây dựng, báo cáo, trình văn bản phải gửi cho cả Chủ tịch UBND và Bí thư, vậy nếu giữa hai chủ thể đó có sự bất đồng ý kiến chỉ đạo thì ý kiến của chủ thể nào sẽ đóng vai trò quyết định khi Bí thư Tỉnh ủy (huyện ủy) là người chỉ đạo trực tiếp cơ quan UBKT, thanh tra theo quy định của Đảng nhưng Chủ tịch UBND cấp tỉnh (huyện) là chủ thể có thẩm quyền chỉ đạo hoạt động thanh tra theo quy định của Luật?
Một vấn đề nữa đặt ra là, theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, khi quyết định hoặc kết luận thanh tra bị khiếu kiện đến Tòa án, người đại diện theo pháp luật của cơ quan ban hành quyết định đó phải tham dự phiên Tòa, lúc này người đại diện cơ quan UBKT, thanh tra là đồng chí Chủ nhiệm UBKT, Chủ nhiệm cơ quan UBKT - TT. Vậy chủ thể này có phải tham dự phiên Tòa khiếu kiện hành chính hay không?
- Về tổ chức nội bộ
Các cơ quan sau hợp nhất, người đứng đầu/thủ trưởng cơ quan sẽ là Chủ nhiệm cơ quan UBKT, Chánh thanh tra sẽ là phó thủ trưởng. Tuy nhiên, trong quá trình phân công chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra thì Chánh thanh tra/phó thủ trưởng cơ quan sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Vấn đề đặt ra là, vị trí phó thủ trưởng cơ quan – Chánh thanh tra có thẩm quyền và chuyên môn trong chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra nhưng sẽ không có thẩm quyền quyết định kết quả hoạt động thanh tra, những kiến nghị của Đoàn thanh tra mà thẩm quyền này thuộc về thủ trưởng cơ quan – Chủ nhiệm cơ quan UBKT. Đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt trong trường hợp ý kiến của phó thủ trưởng cơ quan – Chánh thanh tra không thống nhất với ý kiến của thủ trưởng cơ quan – Chủ nhiệm cơ quan UBKT.
Thực tiễn các địa phương cho thấy, sau hợp nhất, vấn đề tinh giản biên chế được đặt ra ở hầu hết các cơ quan. Sau hợp nhất, số lượng CBCC của cơ quan UBKT – TT sẽ tăng lên nhưng chỉ tiêu biên chế không tăng, các cơ quan phải tinh giản. Thực tế là các cơ quan chủ yếu tinh giản công chức thuộc biên chế của cơ quan thanh tra trước hợp nhất. Ở cấp huyện, công chức thanh tra được điều động, luân chuyển hoặc bổ nhiệm vào một vị trí khác hoặc điều động xuống xã đảm nhận các vị trí khác nhau. Rất nhiều huyện (ở Yên Bái, Hà Giang, Trà Vinh), sau hợp nhất chỉ còn duy nhất chánh thanh tra còn công tác ở cơ quan KT-TT sau hợp nhất.
Vấn đề đặt ra là chức năng thanh tra vẫn phải thực hiện bởi cơ quan KT-TT sau hợp nhất nhưng công chức thanh tra thì không còn và sẽ giao công chức của cơ quan UBKT trước đây thực hiện. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra (đặc biệt là thanh tra cấp huyện) là vấn đề còn nhiều trăn trở.
- Về chế độ, chính sách cho CBCC và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Sau hợp nhất, chế độ, chính sách cho CBCC đều được các cấp lãnh đạo quan tâm xử lý, vấn đề là việc áp dụng phải theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên rất khó để đảm bảo sự công bằng cho tất cả CBCC. Vấn đề là việc chuyển biên chế từ khối chính quyền sang khối Đảng; xếp ngạch, nâng ngạch công chức cho cán bộ kiểm tra, thanh tra theo hướng một công chức sẽ cùng lúc giữ hai ngạch kiểm tra viên và thanh tra viên chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn cụ thể nên thực tế địa phương rất khó triển khai thực hiện.
- Công tác chỉ đạo, điều hành
Vướng mắc trong chỉ đạo điều hành thể hiện ở việc lựa chọn thể thức văn bản và sử dụng con dấu.
Trước hợp nhất, cơ quan UBKT là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, UBKT nên văn bản là văn bản tham mưu. Một số nơi, cơ quan UBKT chưa có con dấu riêng mà dùng chung với dấu của UBKT.
Cơ quan thanh tra là cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Vậy nên, vấn đề đặt ra là, sau hợp nhất, với những văn bản mà nội dung là báo cáo về hoạt động thanh tra thì:
+ Về chủ thể có thẩm quyền ký: Nếu do thủ trưởng cơ quan (Chủ nhiệm UBKT) ký thì sẽ báo cáo Chủ tịch UBND như vậy có hợp lý không? Khi Chủ nhiệm UBKT không là cấp dưới thuộc quyền quản lý của Chủ tịch UBKT về mặt tổ chức chính quyền, về mặt Đảng, hai chủ thể này đều là thành viên trong Ban Thường vụ tỉnh ủy/huyện ủy.
+ Về thể thức văn bản: Báo cáo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan sẽ theo thể thức văn bản do Luật Thanh tra quy định và sử dụng con dấu thanh tra. Báo cáo thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra sẽ theo quy định của Đảng và sử dụng con dấu của UBKT. Báo cáo về hoạt động chung của cơ quan UBKT-TT sẽ theo thể thức văn bản nào? Và sử dụng con dấu chung của cơ quan? Vậy trong nội bộ một cơ quan mà việc quản lý, điều hành có quá nhiều thể thức văn bản và sử dụng nhiều con dấu như vậy có vấn đề vì thủ tục hành chính rườm rà, thời gian xử lý công việc sẽ kéo dài.
Bên cạnh đó, thực tế là không phải lúc nào cũng có thể tách bạch nội dung văn bản một cách rạch ròi, riêng rẽ, vậy nên mỗi khi cần phải ban hành, các bộ phận chức năng sẽ phải xác định sử dụng thể thức văn bản nào, con dấu gì… nên việc thực hiện nhiệm vụ hàng ngày của cơ quan sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
3. Một số khuyến nghị
Mục tiêu lớn nhất của việc hợp nhất là nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế thí điểm cho thấy, sau hợp nhất số lượng chức danh lãnh đạo có giảm, đầu mối các phòng trong tổ chức nội bộ có giảm do ghép cơ học các phòng vào với nhau, số biên chế có tinh giản được nhưng chủ yếu là theo diện đến tuổi nghỉ hưu hoặc điều động đi nơi khác. Do vậy, từ góc độ kinh tế thì có tiết kiệm được ngân sách nhà nước nhưng không đáng kể. Nhìn tổng thể thì việc hợp nhất thời gian qua mang lại kết quả nổi bật nhất là giúp giảm đầu mối thực hiện nhiệm vụ, nhưng đó là giảm cơ học do việc gộp cơ học đầu mối các cơ quan trước hợp nhất chứ chức năng, nhiệm vụ không giảm. Do đó, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thực sự có sự khác biệt so với trước khi hợp nhất.
Có thể nói rằng, việc hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng là nhiệm vụ khá phức tạp, động chạm nhiều mặt từ tư tưởng đến thể chế, chính sách, đòi hỏi cần nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị:
- Tạm dừng việc thí điểm hợp nhất để tổng kết thí điểm, đánh giá lại kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc để tìm ra nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc đó. Hợp nhất, sáp nhập, nhất thể hóa … vì mục tiêu tinh gọn bộ máy là vấn đề lớn cần được khảo sát, tổng kết thực tiễn kỹ lưỡng và bàn luận thấu đáo để có được những biện pháp, cách thức thực hiện và lộ trình rõ ràng cho một chủ trương lớn của Đảng để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó sẽ định hướng công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn tiếp theo.
- Cần nghiên cứu, làm rõ hơn về cơ sở lý luận và pháp lý cho việc hợp nhất. Trong đó, cần làm rõ về mặt lý luận, việc nhất thể hóa hay hợp nhất hiện nay có đảm bảo kiểm soát quyền lực cá nhân người đứng đầu không?
- Cần xác định rõ, cụ thể sự giống và khác nhau giữa hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước với cơ quan kiểm tra đảng và việc nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, việc sáp nhập, hợp nhất cơ quan khác cùng chức năng tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn khác (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện. Từ đó có định hướng cụ thể đối với từng mô hình hợp nhất tránh tình trạng chung chung như hiện nay./.

 


[1] Dẫn theo: http://ubkttw.vn/nghien-cuu-trao-doi/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/ban-ve-hop-nhat-uy-ban-kiem-tra-va-thanh-tra-o-cap-tinh-va-cap-huyen?inheritRedirect=false.
[2] Dẫn theo: http://ubkttw.vn/nghien-cuu-trao-doi/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/ban-ve-hop-nhat-uy-ban-kiem-tra-va-thanh-tra-o-cap-tinh-va-cap-huyen?inheritRedirect=false.
[3] Đó là các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Trà Vinh.
[4] Kết quả nghiên cứu khảo sát “Thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan kiểm tra Đảng” do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2019.
[5] Nguồn: Xem Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát “Thí điểm hợp nhất cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan kiểm tra Đảng” do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ thực hiện năm 2019. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (423), tháng 12/2020.)