Việc thi hành án dân sự điển hình

19/03/2021

TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA

Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp,

THS. HOÀNG THỊ THANH HOA

Chấp hành viên, Cơ quan THADS thành phố Hà Nội.

Tóm tắt: “Việc thi hành án dân sự điển hình” là thuật ngữ pháp lý mới được sử dụng ở nước ta. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích để làm rõ thuật ngữ “việc thi hành án dân sự điển hình”, các tiêu chí để phân biệt với các loại việc thi hành án dân sự khác và nêu ra ý nghĩa của việc xác định “việc thi hành án dân sự điển hình” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc áp dụng và thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự trên thực tiễn.
Từ khóa: Việc thi hành án dân sự; việc thi hành án dân sự điển hình.
Summary: The concept of “typical civil judgment enforcement case” is a new legal term. Under the scope of this article, the authors provide introductions, an analysis and clarifications of the term "typical civil judgment enforcement case", the characters to distinguish this type from other types of civil judgment enforcement and point out the meaning of defination of “typical civil judgment enforcement case”, with an aim of improvement of the efficiency of the application and enforcement of the law on civil judgment enforcement in practice.
Keywords: Civil judgment enforcement, typical civil judgment enforcement case.
 
Thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn thực thi các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan tài phán nhằm khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Sau khi bản án, quyết định được chuyển giao cho cơ quan THADS, cơ quan này tiếp nhận, phân loại và thống kê theo đơn vị “việc THADS” để tổ chức thi hành. Việc THADS gồm việc THADS chủ động và việc THADS theo yêu cầu; tùy vào tính chất khó khăn, phức tạp, giá trị phải thi hành hoặc nhằm mục đích chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà việc THADS còn được phân loại thành việc THADS trọng điểm, việc THADS tham nhũng, kinh tế. Thực tiễn công tác THADS thời gian qua cho thấy, trong số các loại việc THADS nêu trên nổi bật lên nhiều việc THADS nhưng chưa được tách lọc, thống kê, tổng hợp thành những loại việc THADS điển hình để có dữ liệu nghiên cứu, phân tích, đánh giá, cung cấp cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm nhằm kiến nghị hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật THADS. Dưới góc độ pháp lý, theo nghiên cứu của chúng tôi, cho đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống pháp luật THADS Việt Nam cũng như trong các công trình nghiên cứu chưa có tài liệu nào đề cập đến khái niệm “việc THADS điển hình”, trừ một bài viết bàn về khái niệm và phân tích các tiêu chí của BA điển hình đã được công bố cách đây gần 20 năm, nhưng bài viết lại chưa đề cập đến việc THADS điển hình[1]. Do đó, việc nghiên cứu các khía cạnh pháp lý về việc THADS điển hình dưới đây sẽ có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn.THI-HANH-AN-DS.jpg
1. Khái niệm “Việc thi hành án dân sự điển hình”
Khoản 9 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (Luật THADS) gián tiếp đề cập khái niệm việc THADS thông qua quyết định THADS. Theo đó, cách xác định số lượng “việc thi hành án” dựa trên số lượng “Quyết định thi hành án”. Quyết định thi hành án (chủ động hoặc theo yêu cầu) là một văn bản do Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền ký ban hành để thi hành một hoặc nhiều khoản trong các bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS. Quyết định của Thủ trưởng cơ quan THADS là căn cứ pháp lý đầu tiên trong hồ sơ thi hành án chủ động hoặc hồ sơ thi hành án theo yêu cầu[2] (đều là bút lục số 01) và là căn cứ để Chấp hành viên lập hồ sơ, ban hành các quyết định về THADS để tổ chức thi hành (Điều 36 Luật THADS, Điều 6, 7, 8 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP).
Dưới góc độ ngữ pháp Tiếng Việt thì “việc THADS” là một từ ghép của từ “việc” và từ “THADS”. “Việc” theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là cái phải làm, nói về mặt công sức bỏ ra; hoặc cái làm hàng ngày theo nghề và được trả công; hoặc đây là một từ có tác dụng danh hóa một hoạt động, một sự việc xảy ra (cùng với từ, hoặc tổ hợp từ hay cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ đứng sau làm thành một tổ hợp có chức năng)[3]. “Thi hành” là làm cho thành có hiệu lực điều đã được chính thức quyết định[4], ở đây là làm cho những nội dung đã được quyết định trong bản án, quyết định được thực hiện trên thực tế.“Thi hành án” được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân tư nhân được Nhà nước trao quyền thực hiện các thủ tục, trình tự được pháp luật quy định nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền và các nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức theo bản án, quyết định có hiệu lực thi hành. “THADS” là hoạt động đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định về dân sự có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định[5]. Từ đó, có thể hiểu, việc THADS là các loại việc được nhà nước trao cho Chấp hành viên, Thừa phát lại thực hiện nhằm đảm bảo thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định về dân sự có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Theo Từ điển Tiếng Việt, khái niệm “điển hình” là một tính từ, có nghĩa là có tính tiêu biểu nhất, biểu hiện tập trung và rõ nhất về bản chất của một nhóm hiện tượng, đối tượng[6]. Theo nghĩa của từ “việc” nêu trên khi kết hợp với từ “THADS” và từ “điển hình” tạo thành một tổ hợp từ “việc THADS điển hình”. Vì vậy, có thể định nghĩa như sau: “Việc THADS điển hình là loại việc THADS có tính chất tiêu biểu, đặc trưng; có ý nghĩa đặc biệt về mặt lý luận và có giá trị tham khảo thực tiễn trong số các loại việc THADS do Chấp hành viên, Thừa phát lại thi hành nhằm đảm bảo thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định về dân sự có hiệu lực thi hành theo trình tự, thủ tục luật định”.
2. Đặc điểm của “Việc thi hành án dân sự điển hình”
Việc THADS điển hình có các đặc điểm sau:
Một là, việc THADS điển hình trước tiên phải có các đặc điểm chung của việc THADS thông thường, như: Thứ nhất, mỗi việc THADS đều được thống kê và bắt nguồn từ mỗi quyết định thi hành án (dù là việc THADS trọng điểm hay việc THADS thông thường hay việc THADS được thống kê theo tiêu chí khác thì theo quy định hiện hành cũng thuộc một trong hai loại quyết định, đó là quyết định thi hành án chủ động và quyết định thi hành án theo yêu cầu[7]); Thứ hai, các việc THADS này cơ bản đều được thi hành theo một trình tự, thủ tục thống nhất theo quy định của pháp luật THADS, trừ một số loại việc thi hành án ngoài việc tuân theo những thủ tục chung còn phải tuân theo một số quy định riêng, ví dụ: Thi hành quyết định về phá sản[8], thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại; Thứ ba, việc THADS đều do Chấp hành viên hoặc Thừa phát lại tổ chức thi hành; Thứ tư, việc THADS đều hướng tới mục đích chung đó là nhằm bảo đảm khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo đúng quyết định của Tòa án hoặc cơ quan tài phán trong bản án, quyết định; v.v.
Hai là, việc THADS điển hình phải là việc có tính chất tiêu biểu, khác biệt so với các việc THADS thông thường, được thể hiện bởi một đặc điểm riêng rẽ hoặc đồng thời có nhiều đặc điểm như: tiêu biểu về giá trị phải thi hành (có giá trị đặc biệt lớn hoặc giá trị nhỏ nhưng thủ tục thi hành phức tạp, tốn kém); tiêu biểu về chủ thể (có số lượng đương sự đông đảo, có thể lên đến hàng trăm người hoặc đương sự là người nước ngoài hoặc là những người có chức vụ, quyền hạn cao trong bộ máy nhà nước hoặc là người thuộc diện chính sách dân tộc, tôn giáo, đối tượng được bảo vệ đặc biệt bởi pháp luật); điển hình về thời gian thi hành (kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm); bản án, quyết định đã được thi hành nhưng sau đó lại bị xử lại nhiều lần theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; việc thi hành chưa từng có tiền lệ hoặc chưa có quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành; việc còn có nhiều quan điểm trái chiều của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương về luật áp dụng hoặc biện pháp thi hành; việc THADS bị khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc đã thi hành để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với đương sự hoặc với cơ quan nhà nước; v.v.
Tính chất điển hình còn được thể hiện thông qua mức độ phản ánh của dư luận xã hội (được dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đề cập nhiều lần trong một thời gian dài và được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm, biết đến từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án). Tính chất điển hình còn được thể hiện ở số lượng việc ít nhưng tiêu biểu, điển hình, ví dụ, trong hàng trăm hoặc hàng nghìn việc THADS trọng điểm và trong hàng trăm nghìn việc THADS thông thường mới có thể lựa chọn được một vài việc THADS điển hình; không phải tất cả các tỉnh, thành phố đều có thể lựa chọn được việc THADS điển hình; không phải mỗi năm đều có việc THADS điển hình mà có thể qua nhiều năm mới có thể lựa chọn được một vài việc THADS điển hình;…
Ba là, việc THADS điển hình phải là những việc có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Về lý luận, kết quả thi hành việc THADS điển hình sẽ là cơ sở thực tiễn đánh giá tính đúng đắn của khái niệm việc THADS điển hình, hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí về việc THADS điển hình và kiến nghị hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Chấp hành viên, Ban Chỉ đạo THADS Trung ương; là cơ sở để kiến nghị hoàn thiện thể chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan như ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký kinh doanh, v.v.. Về mặt thực tiễn, nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành các việc THADS điển hình sẽ là cơ sở để đưa ra các khuyến nghị, các bài học kinh nghiệm có giá trị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, ... đồng thời cũng đề xuất các giải pháp, bài học về áp dụng pháp luật và vận dụng sáng tạo, linh hoạt kinh nghiệm tổ chức thi hành án để tham khảo thi hành những việc tương tự về sau; làm rõ nhu cầu thực tiễn (số lượng, năng lực trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ Chấp hành viên, đặc biệt là những Chấp hành viên giỏi được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn và có bản lĩnh) để đáp ứng yêu cầu thi hành những việc THADS điển hình; hồ sơ việc THADS điển hình còn là nguồn tư liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh THADS; v.v..
3. Phân biệt “Việc thi hành án dân sự điển hình” với các loại việc thi hành án dân sự khác
Hiện nay, thống kê phân loại việc THADS được thực hiện theo Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi thi hành án hành chính. Ngoài ra, còn có các tiêu chí để phân theo việc THADS trọng điểm trên cơ sở Quyết định số 907/QĐ-TCTHADS ngày 29/8/2016 của Tổng cục THADS được thực hiện từ ngày ban hành Quyết định. Hoặc trước việc gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng của tội phạm tham nhũng, kinh tế và hiệu quả thi hành thấp đối với các loại việc này, cơ quan quản lý nhà nước về THADS và cơ quan THADS địa phương còn thống kê theo loại việc tham nhũng, kinh tế. Ví dụ, năm 2019, tổng số việc THADS phải thi hành liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế là 3.295/959.508 tổng số việc phải thi hành của các cơ quan THADS trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,34%),[9] trong khi đó tổng số tiền phải thi hành là 87.393 tỷ VNĐ/251.171 tỷ VNĐ (chiếm tỷ lệ rất cao 34,8%) trên tổng số tiền phải thi hành[10]. Tương tự như vậy, năm 2020, tổng số việc THADS phải thi hành liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế là 5.796/885.833 tổng số việc phải thi hành của các cơ quan THADS trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,65%),[11] trong khi đó tổng số tiền phải thi hành là trên 79.086 tỷ VNĐ/264.707 tỷ VNĐ (chiếm tỷ lệ rất cao, gần 30%)[12]. Đáng chú ý, riêng trong năm 2020, chỉ tính riêng đối với án tham nhũng, kinh tế thì số tiền thi hành xong là 15.417 tỷ VNĐ/40.119 tỷ VNĐ (đạt tỷ lệ 38,43% trên tổng số có điều kiện thi hành); số tiền chuyển kỳ sau là 63.669 tỷ VNĐ/210.956 tỷ VNĐ tổng số tiền chuyển kỳ sau (chiếm tỷ lệ 30%)[13].
Giữa việc THADS điển hình với việc THADS thông thường có những điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Một là, căn cứ phân loại việc THADS: Việc THADS chủ động và việc THADS theo yêu cầu được phân loại dựa vào mục đích của việc thi hành án, chủ thể yêu cầu thi hành án và tính chủ động hoặc phụ thuộc khi ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS (Điều 36 Luật THADS và Thông tư số 06/2019/TT-BTP). Đối với việc THADS trọng điểm thì căn cứ để thống kê việc THADS là dựa vào 01 trong 09 nhóm tiêu chí quy định tại Điều 3 Quyết định số 907/QĐ-THADS ngày 29/8/2016 của Tổng cục THADS quy định về tiêu chí xác định việc THADS trọng điểm, đó là:
Tiêu chí 1: Khi tổ chức thi hành án phát sinh vấn đề phức tạp liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước;
Tiêu chí 2: Các vụ việc THADS mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo địa phương đã có văn bản chỉ đạo giải quyết;
Tiêu chí 3: Việc THADS có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tình huống pháp lý mà pháp luật chưa quy định, quy định chưa cụ thể hoặc pháp luật có mâu thuẫn, xung đột, đã tổ chức họp liên ngành nhưng chưa thống nhất được quan điểm giải quyết; việc THADS chưa nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền địa phương về việc xét xử, thi hành án;
Tiêu chí 4: Khi tổ chức cưỡng chế có sự chống đối quyết liệt của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương và việc cưỡng chế đã được tạm dừng;
Tiêu chí 5: Có vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, đã phát sinh hoặc có thể phát sinh hậu quả phức tạp, khó khắc phục;
Tiêu chí 6: Cần giải quyết các quyền lợi của tập thể người lao động trong trường hợp tổ chức cưỡng chế đối với người phải thi hành án là các doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;
Tiêu chí 7: Bản án, quyết định của TA hoặc Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan THADS hoặc đương sự đã có yêu cầu giải thích nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời theo quy định tại khoản 2 Điều 179 Luật THADS hoặc đã có văn bản trả lời nhưng chưa rõ;
Tiêu chí 8: Việc thi hành các bản án liên quan đến tội phạm về tham nhũng thuộc diện án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoặc Thành ủy, Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo;
Tiêu chí 9: Các việc THADS khác mà Thủ trưởng cơ quan THADS xét thấy cần đưa vào danh sách việc THADS trọng điểm.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về tiêu chí xếp loại việc THADS tham nhũng, kinh tế, nhưng có thể hiểu, đó là việc THADS tổ chức thi hành các bản án về tham nhũng, kinh tế. Thông thường, đây là những vụ việc có giá trị lớn, tính chất phức tạp, kéo dài, khó thi hành, người phải thi hành án thường là những chủ thể đặc biệt. Khác với căn cứ phân loại của việc THADS chủ động, việc THADS theo yêu cầu, việc THADS trọng điểm, việc THADS tham nhũng, kinh tế, việc THADS điển hình dựa vào tính chất tiêu biểu, đặc điểm đặc trưng của việc THADS. Việc THADS điển hình có thể dựa vào 03 nhóm tiêu chí: Thứ nhất, căn cứ vào thực trạng quy định của pháp luật (những việc thuộc tiêu chí thứ 3 và tiêu chí thứ 7 việc THADS trọng điểm); Thứ hai, căn cứ vào thực trạng tổ chức thi hành án (những việc thuộc tiêu chí thứ 4, tiêu chí thứ 5, tiêu chí thứ 6 việc THADS trọng điểm); Thứ ba, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của đương sự, bản án, quyết định (những việc thuộc các tiêu chí 1, 2, 8 và tiêu chí thứ 9 của việc THADS trọng điểm); Thứ tư, đặc điểm, tính chất tiêu biểu của việc THADS tham nhũng, kinh tế.
Hai là, loại việc THADS theo mỗi cách phân loại: Việc thi hành án chủ động và việc thi hành án theo yêu cầu được thống kê theo 13 nhóm việc THADS, đó là: dân sự; kinh doanh, thương mại; tín dụng; dân sự trong hình sự (tội phạm chức vụ, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các loại tội phạm khác); dân sự trong hành chính; hôn nhân và gia đình; lao động; phá sản; trọng tài thương mại; vụ việc cạnh tranh và loại khác[14].
Đối với việc THADS trọng điểm, hiện có 09 loại nhóm việc THADS trọng điểm tương ứng với 09 tiêu chí được nêu ở trên. Hàng năm, Cục trưởng các cơ quan THADS chỉ đạo rà soát, lập danh sách việc THADS trọng điểm trên địa bàn trình Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS để xem xét, ra quyết định phê duyệt. Đồng thời, Cục trưởng rà soát, cập nhật và báo cáo Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS kết quả giải quyết các việc THADS trọng điểm đã được phê duyệt; đề xuất đưa ra khỏi danh sách các việc đã được giải quyết xong hoặc không còn phù hợp với tiêu chí đã được xác định; để xuất bổ sung vào danh sách những việc mới phát sinh. Thời hạn thực hiện việc báo cáo, thống kê việc THADS trọng điểm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2019/TT-BTP).
Xét về số lượng, số việc THADS thông thường được thụ lý hàng năm được thống kê theo Thông tư số 06/2019/TT-BTP đang tiến tới con số gần 1.000.000 việc; việc THADS trọng điểm, trong những năm gần đây, dao động khoản từ 1.000 đến 3.000 việc; tỷ lệ giữa tổng số việc THADS trọng điểm/tổng số việc THADS của cả nước trong năm 2018 là khoảng 0,1% (1.300/927.000); năm 2017 là khoảng 0,2% (2.000/882.000); năm 2016 là khoảng 0,3% (2.600/836.000)[15]. Do đó, hàng năm, số lượng việc THADS điển hình có thể chỉ dừng lại con số 1% trên tổng số việc THADS trọng điểm (tức là khoảng từ 10 đến 30 việc), tương đương với 0,1%-0,3% tổng số việc THADS thông thường. Như vậy, số lượng việc THADS điển hình chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, rất ít so với số việc THADS thông thường cũng như so với số việc THADS trọng điểm nhưng có giá trị đặc biệt lớn về kinh tế, có giá trị phổ biến và tính kế thừa, giáo dục cao.
Ba là, mục đích của từng cách phân loại việc THADS: Phân loại việc THADS chủ động và việc THADS theo yêu cầu là cách thống kê việc THADS truyền thống, đã được áp dụng từ khá lâu trong công tác quản lý nhà nước về THADS. Đây là cách thống kê số liệu đặc trưng, toàn diện, đầy đủ và quan trọng nhất về tất cả các loại việc phát sinh trong hoạt động THADS, nó chứa đựng đầy đủ mục đích, ý nghĩa của toàn bộ hoạt động THADS. Đây là cơ sở để đánh giá kết quả thi hành án, tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan THADS, Chấp hành viên và các công chức khác trong các kỳ báo cáo, năm báo cáo; là căn cứ để lập kế hoạch thi hành án và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án hàng năm cho các cơ quan THADS và Chấp hành viên; là cơ sở để phân bổ biên chế; đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm Chấp hành viên và công chức của cơ quan THADS; là căn cứ tính chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ và tổng hợp, bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan THADS và Chấp hành viên; v.v..
Mục đích của phân loại việc THADS trọng điểm là nhằm giải quyết dứt điểm các loại việc THADS này và đưa ra khỏi danh sách các việc THADS trọng điểm đã được giải quyết xong hoặc không còn phù hợp với tiêu chí được xác định; đề xuất bổ sung vào danh sách những việc THADS trọng điểm mới phát sinh.
Lựa chọn việc THADS điển hình nhằm mục đích xây dựng một số hồ sơ mẫu về các việc THADS điển hình; đề xuất hệ các giải pháp và các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thi hành việc THADS điển hình; đề xuất ban hành quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS về tiêu chí việc THADS điển hình để có biện pháp tập trung giải quyết và nâng cao hiệu quả thi hành những loại việc này trong tương lai. Về lâu dài, sẽ xây dựng quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng hồ sơ việc THADS điển hình trong toàn bộ ngành THADS trên phạm vi cả nước.
4. Ý nghĩa của việc xác định “Việc thi hành án dân sự điển hình”
Một là, thực tế đã có nhiều việc THADS được xem là điển hình đã được thi hành thành công[16] nhưng cho đến nay chưa có tài liệu nào tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho việc thi hành các việc THADS điển hình về sau. Việc tập hợp, nghiên cứu các việc THADS điển hình sẽ giúp phát hiện ra những sai sót, những “khoảng trống pháp lý” cần phải bổ sung, hoàn thiện trong quy trình thi hành án, tìm ra những “điểm nghẽn” dẫn đến quy trình thi hành án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Hai là, từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả thi hành các việc THADS điển hình nói riêng cũng như nâng cao hiệu quả thi hành án nói chung cần có sự đánh giá toàn diện, xuyên suốt toàn bộ các việc THADS còn vướng mắc, tồn đọng, kéo dài, để cùng tư duy, nhận định những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong hệ thống, từ tất cả các “mắt xích” trong hoạt động thi hành án, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật THADS toàn diện, hiệu quả hơn nữa. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất tiêu chí việc THADS điển hình, đồng thời xây dựng hồ sơ việc THADS điển hình sẽ mang lại ý nghĩa mang tính thực tiễn-lý luận cao; đề xuất rút ngắn thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thi hành án, đặc biệt là việc THADS điển hình.
Ba là, trong THADS có những vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, có giá trị phải thi hành lớn, đặc biệt lớn hoặc mặc dù giá trị không lớn nhưng quá trình tổ chức thi hành rất khó khăn, phức tạp, tốn kém; việc thi hành những việc như vậy là chưa từng có tiền lệ; chưa có văn bản pháp luật quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định, trong khi về mặt nguyên tắc thì mọi bản án, quyết định đã có hiệu lực đều phải được thi hành. Đứng trước thực tế khó khăn này đòi hỏi Chấp hành viên phải có những kỹ năng, biện pháp nghiệp vụ và áp dụng sáng tạo pháp luật để tổ chức thi hành bản án, quyết định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự. Vậy, trong những trường hợp này với những việc như vậy được tổ chức thi hành có hiệu quả có thể trở thành những việc “thi hành án lệ“ không? Việc Chấp hành viên áp dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp kỹ năng, nghiệp vụ mà chưa được pháp luật quy định nhằm thi hành bản án, quyết định, bảo vệ hài hòa lợi ích của các bên có được xem là đã áp dụng lẽ công bằng[17] không? Hay nói cách khác, Chấp hành viên có được áp dụng lẽ công bằng trong tổ chức thi hành bản án, quyết định khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng hay không? Chấp hành viên có được áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức thi hành bản án, quyết định khi việc áp dụng các nguyên tắc THADS không có kết quả? Đây là những vấn đề lớn, mới và có tính học thuật cao, cần phải tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong lĩnh vực THADS, đặc biệt trình tự, thủ tục thi hành việc THADS điển hình.
Bốn là, làm rõ mối liên hệ giữa số lượng và tính chất của đơn vị được thống kê của ngành TA là “Bản án, Quyết định với đơn vị thống kê của ngành THADS là “việc THADS”. Sau một thời gian thực hiện Luật THADS đã phát sinh một số bất cập như Tòa án không nắm được các bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không. Pháp luật hiện hành quy định cơ quan THADS khi ra quyết định về thi hành án phải “gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”[18] chứ không gửi cho Tòa án nhân dân. Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, không khả thi nên khó thi hành; một số Tòa án vì một lý do nào đó nên chậm trả lời hoặc không trả lời yêu cầu cơ quan THADS về giải thích bản án đã làm cho việc thi hành án gặp không ít khó khăn[19]. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, cần phải xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan THADS trong những trường hợp bản án, quyết định tuyên đã rõ ràng nhưng có yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa, bổ sung[20]. Điều này cho thấy sự cần thiết phải làm rõ tính hiệu quả trong công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan Tòa án và cơ quan THADS. Thực tế có thể sẽ có việc THADS điển hình liên quan đến các khái niệm như “bản án tuyên không rõ, án khó thi hành”. Vậy, lý do và giải pháp là gì, liệu có mối liên hệ nào giữa tính chất điển hình trong việc THADS với tính chất điển hình trong cùng bản án, quyết định đã được tuyên trước đó? Quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của mỗi cơ quan cũng như cơ chế phối hợp giữa ngành Tòa án và ngành THADS cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này./. 
 

 


[1] ThS. Phan Trung Hoài, Bàn về khái niệm và tiêu chí của bản án điển hình, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 05/2002.
[2] Điều 30 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS.
[3] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Năm 2003, tr. 1115.
[4] Hoàng Phê, tlđd, tr. 936.
[5] Bùi Đức Tiến, Luận án Tiến sỹ: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế THADS ở Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Năm 2018, tr. 31-32.
[6] Hoàng Phê, tlđd, tr. 318.
[7] Ví dụ, Mẫu số B: 01-THADS hoặc Mẫu số B: 01a-THADS (Ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp).
[8] Điều 137 Luật THADS.
[9] Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (2020), Báo cáo số 234/BC-TKDLCN ngày 12/10/2020 về kết quả THADS 12 tháng năm 2020, tr. 3 và tr. 2 (chú thích số 4).
[10] Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (2020), tlđd, tr. 2 (chú thích số 7) và tr. 3 (chú thích số 5).
[11] Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (2020), tlđd, tr. 2-3.
[12] Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (2020), tlđd, tr. 3-4.
[13] Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (2020), tlđd, tr. 4.
[14] Biểu số 01/KT-THA ban hành kèm theo Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019.
[15] Thanh Hà, Phê duyệt danh sách việc thi hành án dân sự trọng điểm năm 201, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/ThiHanhAnDanSuTrongDiem/View_Detail.aspx?ItemID=3518, truy cập ngày 03/11/2020.
và các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 và Báo cáo số 234/BC-TKDLCN ngày 12/10/2020 của Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục THADS (kết quả sử dụng trong bài viết được lấy với số gần đúng).
[16] Ví dụ, vụ Epco - Minh Phụng phải thi hành trên 4000 tỷ đồng, vụ Tân Trường Sanh phải thi hành trên 1000 tỷ đồng.
[17] Điều 45, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
[18] Điều 38 Luật THADS.
[19] Hương Bằng, “Chật vật“ với các bản án tuyên không rõ”; https://baophapluat.vn/tu-phap/chat-vat-voi-cac-ban-an-tuyen-khong-ro-353683.html; ngày đăng 19/11/2017, truy cập ngày 01/11/2020.
[20] ThS. Chu Thành Quang & Phùng Thị Hoàn, tlđd, tr. 134.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (422), tháng 11/2020.)