Tiền ảo có thể được xem là tài sản

01/03/2021

NGUYỄN ĐÌNH PHƯỚC

NCS. Đại học Victoria University of Wellington, New Zealand.

Tóm tắt: Vụ cướp tiền ảo diễn ra giữa năm 2020 đã dấy lên tranh luận về tính hợp pháp của việc sở hữu tài sản là tiền ảo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các khía cạnh pháp lý và kinh tế của quyền sở hữu đối với tài sản là tiền ảo, cùng với lý luận chung về quyền sở hữu dưới các quan điểm quốc tế phổ biến hiện nay để làm rõ một số quan điểm chưa rõ ràng về vấn đề sở hữu đối với loại hình mới này.
Từ khóa: Tiền ảo, tiền mã hóa, quyền sở hữu, sở hữu trí tuệ.
Abstract: The incident of robbing virtual currency in the middle of 2020 has raised the debate of the legitimacy of owning the property as virtual currency. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the legal and economic aspects of ownership over the virtual currency as property, along with the general theory of ownership under current popular international perspectives to clarify some unclear viewpoints on the ownership of this new type of currency.
Keywords: Virtual currency, cryptocurrency, property right, intellectual property
 bitcoin-9.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Vụ cướp 35 tỷ đồng tiền ảo xảy ra vào giữa năm nay[1] đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về bản chất vụ việc có hay không hành vi cướp xảy ra, nếu tiền ảo không phải là một loại tài sản? Đã có khá nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng, tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tài sản, với lý do chủ yếu dựa vào Công văn số 5747/NHNN-PC  ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thừa nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán; từ đó suy luận rằng, tiền ảo không phải là tiền, nên không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đây là một lập luận có nhiều thiếu sót do chưa hiểu hết được bản chất của loại tiền ảo nêu trên. Tác giả cho rằng, tiền mã hóa hoàn toàn có thể được xem là một loại tài sản, kể cả theo quy định của pháp luật Việt Nam hay theo lý luận chung về sở hữu tài sản.
1. Sơ lược về tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa, tiền ảo
Tiền ảo (virtual currency), tiền kỹ thuật số (digital currency), tiền mã hóa (cryptocurrency) là các khái niệm dễ gây nhầm lẫn với những người không có hiểu biết sâu về công nghệ viễn thông. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đang sử dụng các thuật ngữ này lẫn lộn với nhau. Mặc dù không hoàn toàn thống nhất về cách gọi, nhưng dựa vào các khuyến nghị của Ngân hàng trung ương Châu Âu, Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Tạp chí Bitcoin thì các loại tiền nêu trên có thể được phân loại một cách khái quát như sau:[2] Tiền điện tử (electronic money) là danh từ chỉ chung tất cả các loại tiền tệ hoặc tài khoản không tồn tại dưới một hình thức vật lý bất kỳ; tiền kỹ thuật số (digital currency) là một tập con của tiền điện tử dùng để chỉ các loại tiền chỉ tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số mà không được chấp nhận quy đổi một cách rộng rãi ra các đồng tiền vật lý khác[3]. Tiền ảo (virtual currency) được xem là tập con của tiền kỹ thuật số, khi nó được tạo ra với mục đích chủ yếu để chỉ thanh toán mua bán dịch vụ và hàng hóa[4]. Tiền mã hóa là một tập con của tiền điện tử[5], dùng để chỉ các loại tiền điện tử được tạo ra trên nền tảng mã hóa (cryptographic) nhằm bảo đảm tính xác thực của giao dịch với các đồng tiền này.
Trong vụ việc có dấu hiệu của tội cướp tài sản nêu trên, đồng tiền bị cướp là một loại tiền mã hóa mang tên Bitcoin. Nghiên cứu này chỉ điểm qua mà không đi sâu vào giải thích công nghệ blockchain (khối chuỗi) nền tảng của tiền mã hóa, vì vấn đề này đã được làm sáng tỏ bởi nhiều nghiên cứu khác. Thay vào đó, nghiên cứu này tập trung nêu ra các tính chất khiến tiền mã hóa khác với các loại tiền kỹ thuật số khác, từ đó làm cơ sở cho lập luận bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản là tiền mã hóa.
Trước khi tiền mã hóa xuất hiện, đã có nhiều loại tiền kỹ thuật số khác tồn tại, ví dụ như tín dụng của các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ qua mạng internet (như Apple, Amazon), cho phép người dùng có thể mua hàng hóa dịch vụ trên website của công ty đó mà không cần dùng tới tiền hoặc tín dụng ngân hàng. Thực chất, nếu suy xét kỹ lưỡng thì tín dụng tại ngân hàng thương mại cũng là một loại tiền kỹ thuật số, vì nó là những thông tin điện tử được lưu trữ bằng máy chủ của các ngân hàng, được bảo đảm sử dụng bởi tài sản của chính ngân hàng cung cấp tín dụng đó, cũng như bảo hiểm của ngân hàng đã mua. Nếu một ngân hàng bị phá sản thì tín dụng của ngân hàng đó cũng khó có thể được quy đổi ra tiền mặt (tiền lưu thông trên thị trường), vì chỉ có tài khoản ghi nợ của ngân hàng mới được nằm trong danh sách được ưu tiên thanh toán khi phá sản[6].
Một dạng tiền kỹ thuật số phổ biến khác là các đồng tiền được phát hành bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử như Momo, Zalo. Với việc sở hữu các đồng tiền này, người dùng có thể thanh toán sản phẩm, dịch vụ của một bên thứ ba mà không cần dùng đến tiền mặt. Dạng tiền kỹ thuật số này thực chất vẫn gắn liền với đồng tiền pháp lý (legal tender) của một quốc gia, vì các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử thực chất chỉ đang hoạt động như một bên trung gian thanh toán, nhận tiền của khách hàng và thanh toán cho bên cung cấp sản phẩm dịch vụ, chứ không phát hành ra một loại đồng tiền mới.
Ngoài ra, đôi khi người dùng cũng nhầm tưởng tiền tệ trong các ứng dụng, trò chơi điện tử là một loại tiền kỹ thuật số, dù về mặt pháp lý thì hoàn toàn không được thừa nhận bởi cả Nhà nước và chính các nhà phát hành[7]. Tuy nhiên, thực tế trên thế giới đã từng có những giao dịch trị giá hàng triệu đô la Mỹ cho những tài sản trong trò chơi điện tử trực tuyến[8]. Ở Việt Nam cũng từng ghi nhận những phi vụ giao dịch chui các tài sản ảo trong trò chơi trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng[9].
Đặc điểm chung của các loại tiền kỹ thuật số trên là đều được ghi nhận bởi một (cụm) máy chủ của một đơn vị phát hành. Trong tiếng Anh, thuật ngữ được dùng để chỉ những loại tiền trên là centralised currency (tiền tệ tập trung). Nói một cách rộng hơn, bất kỳ loại tiền tệ nào được bảo đảm bởi một đơn vị phát hành, bất kể là tư nhân hay nhà nước, đều được xem là tiền tệ tập trung. Tính chất tập trung của loại tiền tệ này được thể hiện ở chỗ, nếu đơn vị phát hành bị phá sản, thì đồng tiền đó bị mất giá trị. Có thể nhìn nhận vụ việc lạm phát phi mã 10 con số ở Zimbabwe vào những năm 2008 là một ví dụ cho việc một nhà nước có thể bị phá sản và đồng tiền của họ gần như không còn giá trị.
Lý thuyết về tiền tệ phi tập trung (decentralised currency) đã được manh nha hình thành bởi các nhà kinh tế học từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước[10], nhưng với sự hạn chế của công nghệ thời bấy giờ thì ý tưởng đó chưa thể phổ biến được. Mãi đến năm 2009, với sự phát triển của công nghệ điện toán và viễn thông, loại tiền tệ phi tập trung được phát triển bởi một lập trình viên mang bí danh Satoshi Nakamoto được biết đến với tên gọi Bitcoin mới được trở nên thịnh hành, mở đầu cho kỷ nguyên của tiền mã hóa (cryptocurrency).
Để dễ hình dung, có thể tạm xem vàng như một loại tiền tệ phi tập trung sơ khai. Lý do hầu hết mọi nơi trên thế giới trong quá khứ cũng như hiện nay, vàng đều được xem là một kim loại quý. Tính chất quý hiếm của vàng khiến nó trở nên có giá trị và được thừa nhận bởi hầu hết các cá nhân và chính phủ các nước. Dựa trên ý tưởng này, nếu tồn tại một loại thông tin điện tử cũng quý hiếm và có thể cạn kiệt thì nó cũng hoàn toàn có thể trở nên có giá trị toàn cầu, không phụ thuộc vào sự thừa nhận hay bảo đảm của một đơn vị phát hành. Đó chính là ý tưởng cơ bản của tiền mã hóa.
Có quan điểm cho rằng, thông tin nói chung và thông tin điện tử nói riêng không thể quý hiếm, và cũng không phát sinh từ hoạt động khai thác giống như vàng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về bản chất của công nghệ blockchain (công nghệ nền tảng khai sinh nên tiền mã hóa), có thể thấy điều này là khả thi cả về mặt công nghệ lẫn về mặt sử dụng thông tin. Phát minh, bằng sáng chế, với tư cách là một loại tài sản thuộc nhóm sở hữu trí tuệ, cũng là một bằng chứng cho việc thông tin quý hiếm có thể có giá trị kinh tế. Những loại tiền mã hóa ở giai đoạn đầu như Bitcoin (trên cơ sở proof of work – bằng chứng công việc) quý hiếm ở chỗ nó cần sử dụng sức mạnh điện toán và năng lượng điện để tìm kiếm. Bên cạnh đó, còn tồn tại những loại tiền mã hóa trên cơ sở Proof of stake (bằng chứng cổ phần) tuy không phải là sản phẩm được tạo ra thuần túy dựa trên sức mạnh điện toán, nhưng lại sở hữu giá trị kinh tế thông qua việc nắm quyền định đoạt đối với các giao dịch khác, có thể hình dung tương tự như cổ phần ưu đãi biểu quyết.
Như vậy, có thể thấy, dưới góc độ kinh tế, tiền mã hóa có giá trị kinh tế, có thể giao dịch được.
2. Tiền tệ với tư cách là một loại tài sản
2.1. Quyền tài sản
Tại sao con người lại có quyền sở hữu tài sản? Đó là câu hỏi không dễ trả lời dưới góc độ triết học pháp lý. Đứng trên quan điểm của John Locke, một nhà tư tưởng nổi tiếng người Anh thế kỷ 15, thì quyền sở hữu tài sản là một quyền năng tự nhiên gắn liền với quan điểm về quyền sở hữu thành quả lao động (fruit of labour)[11]. Một người có công trồng cây thì đương nhiên quả của cây đó thuộc quyền sở hữu duy nhất của người đã trồng nó mà không thuộc về ai khác, đó là lẽ tự nhiên và không phụ thuộc vào sự thừa nhận của bất cứ ai khác, kể cả nhà nước.
Một số nhà luật học theo trường phái thực chứng (positivism) cận đại như John Austin lại cho rằng, con người sinh ra không có quyền, quyền của con người chỉ được thừa nhận bởi nhà nước. Đây cũng là quan điểm mà một số nhà luật học theo trường phái Mác xít của Nga đã tiếp thu khi diễn giải quan điểm của Mác về con người trong mối quan hệ với nhà nước, và sau này được tiếp thu bởi các nhà lập pháp của Việt Nam[12].
Có thể nói đây là quan điểm cũ, mang tính chất giáo điều khi cho rằng quan hệ sở hữu đơn thuần là quan hệ pháp luật, do đó nội dung của quan hệ là do pháp luật quy định. Theo tư duy này, quyền sở hữu là một quyền pháp lý do nhà nước thừa nhận nên chỉ những thứ được nhà nước thừa nhận mới có thể được coi là tài sản. Tư duy này không những có khả năng đi ngược lại với quan điểm gốc của pháp luật theo chủ nghĩa Mác, mà còn không phù hợp với các quan điểm triết học pháp lý phổ biến trên thế giới, và đặc biệt trở nên cũ kỹ trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay[13].
Các tư tưởng pháp lý thực chứng hiện đại như HLA Hart[14] hay Joseph Raz[15] cũng thừa nhận, pháp luật do nhà nước ban hành là nền tảng cho các quyền pháp lý, nhưng lại không quá đề cao vai trò của nhà nước đối với quyền con người, đồng thời phủ nhận luận điểm của John Austin[16] và Jeremy Bentham[17] cho rằng pháp luật đơn giản là những mệnh lệnh của những người có quyền lực[18]. Trong phân tích của Hart, pháp luật được lý giải như một chức năng của nhà nước, nghĩa là trong quá trình hoạt động của mình, nhà nước thừa nhận các quyền của cá nhân, chứ không phải nhà nước đặt ra pháp luật để định nghĩa đâu là quyền của cá nhân.
Mặt khác, việc quy định theo hướng liệt kê những tài sản nào được phép sở hữu tư rõ ràng là không phù hợp và không khả thi, mà thay vào đó nhà nước chỉ có thể quy định không cho phép sở hữu tư với một số loại tài sản như đất đai. Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể cấm sở hữu dạng tài sản như tiền mã hóa.
2.2. Tiền tệ là một loại vật quyền đặc biệt
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), tài sản là “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”[19]. Như vậy, BLDS 2015 đã có sự tách biệt rõ ràng giữa tiền với các tài sản khác. Tại sao lại có sự tách biệt này?
Nếu như ở thời trung cổ trở về trước, tiền có thể hiểu đơn giản là một vật như tờ giấy, đồng xu. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại và hệ thống ngân hàng, tiền được mở rộng sang những loại tiền phi vật chất như tín dụng, ghi nợ, và tiền kỹ thuật số như đã phân tích ở trên. Tiền cũng không phải đơn thuần là một dạng tài sản phi vật chất như kiến thức (các loại tài sản sở hữu trí tuệ), và tiền cũng không phải là trái quyền vì nó không trực tiếp làm phát sinh năng lực yêu cầu người khác thực hiện hay không thực hiện một hành vi. Do đó, tiền cần phải có một chỗ đứng riêng trong hệ thống các quyền về tài sản.
Thực chất, quyền tài sản không chỉ bao gồm quyền về các tài sản như quy định tại Chương VII BLDS 2015, mà là một nhóm các quyền và lợi ích, bao gồm vật quyền và trái quyền[20]. Mặt khác, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sẽ là thiếu sót nếu chỉ coi những vật quyền và trái quyền được thừa nhận bởi BLDS mới là tài sản. Các nghiên cứu này đã chỉ ra mặc dù BLDS 2015 không sử dụng thuật ngữ vật quyền, nhưng đã mở rộng tư duy về sở hữu theo hướng thừa nhận mối quan hệ sở hữu đối với cả những tài sản và quyền tài sản theo hướng rộng hơn[21].
Bàn về tiền tệ với tư cách là một loại tài sản, cần phải trả lời câu hỏi: tại sao tiền tệ lại được sinh ra? Trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về chức năng của tiền tệ, nhưng về cơ bản đều đồng ý những chức năng cơ bản nhất của nó là thước đo giá trị, phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ[22]. Được sinh ra với những chức năng trên, tiền tệ là một loại tài sản đặc biệt có giá trị do được cộng đồng người sử dụng thừa nhận, chứ bản thân tiền tệ không có giá trị nội tại. Nếu một thương gia đem một tờ tiền 100 USD đến trao đổi hàng hóa với những bộ lạc chưa kết nối với thế giới văn minh như tộc người Awa ở Brazil thì gần như chắc chắn thương gia đó sẽ ra về với bàn tay trắng, vì đối với những người này, một tờ giấy nhỏ như vậy chẳng có giá trị sử dụng gì. Ngược lại, vàng – kim loại thường được dùng làm tiền tệ trong quá khứ - lại có giá trị nội tại bởi sự khan hiếm cũng như công sức lao động để khai thác vàng, nhưng chúng đã bị từ bỏ làm bản giá trị cho đồng tiền từ đầu thế kỷ 20. Có thể thấy, giá trị nội tại không phải là tính chất thiết yếu của tài sản nói chung và tiền nói riêng[23]. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tiền mặt hay tín dụng đều được xem là tiền tệ, và tiền không còn mang tính chất là một vật hữu hình như trong quá khứ.
Dù ở Việt Nam và đa số nước khác, tiền tệ chỉ do ngân hàng trung ương phát hành và được chính phủ bảo đảm làm phương tiện thanh toán, trên thế giới vẫn tồn tại những loại tiền do ngân hàng phát hành tư như đồng đô la Liberty ở Mỹ, đồng 1000 đô la Hồng Kông do Ngân hàng HSBC Hồng Kông phát hành.
Từ những luận điểm trên, có thể thấy tiền với tư cách là một loại tài sản có thể sở hữu tư, là một dạng vật quyền (jus in rem), nơi mà quyền của chủ sở hữu làm phát sinh nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu với toàn thể mọi người trong xã hội đối với một tài sản dù cho đó (tiền) là tài sản phi vật thể.
3. Tiền mã hóa là tài sản
Sau khi phân tích lý luận về sở hữu tiền tệ cũng như tìm hiểu về bản chất của tiền mã hóa, có thể kết luận, tiền mã hóa hoàn toàn có thể được xem là tài sản, dựa vào hai luận điểm sau:
Thứ nhất, kể cả nếu tiền mã hóa không được thừa nhận là một loại tiền tệ chính thức tại Việt Nam, tiền mã hóa vẫn có thể đáp ứng tư cách là một loại quyền tài sản, do đó tiền mã hóa vẫn là tài sản. Nói cách khác, tiền mã hóa dù không phải là tiền tệ theo quan điểm quản lý nhà nước, vẫn là một loại vật quyền phù hợp với tinh thần chung của BLDS 2015 về quyền tài sản.
Mặc dù, tiền mã hóa không được sử dụng như phương tiện thanh toán, nhưng cũng có thể được sử dụng như một phương thức lưu trữ giá trị. Cho dù bị lược bỏ chức năng như phương tiện thanh toán giống như tiền tệ chính thức, tiền mã hóa vẫn có giá trị kinh tế đối với người sở hữu.
Giá trị lưu trữ của đồng tiền proof of work như Bitcoin, có thể được hiểu như sau: giả sử để phát sinh một Bitcoin thì cần một máy tính có tốc độ xử lý 10 megahertz bật liên tục chạy trong 1 năm và tiêu thụ hết 01 gigawatt điện; hoặc cần hai máy tính mỗi máy có tộc độ 05 megahertz bật liên tục trong một năm và tiêu thụ hết 02 gigawatt điện (do các máy tính này cũ hơn và tốn nhiều điện năng hơn), thì một Bitcoin đều có giá trị là 01 năm xử lý của một máy tính 10 megahertz. Đây là thành quả tính toán của máy tính, nơi con người cần đầu tư hạ tầng (máy móc) và năng lượng (điện) để có được thông tin (Bitcoin).
Thứ hai, tiền mã hóa là một dạng thông tin đặc biệt có giá trị kinh tế độc nhất cho người sở hữu. Điều này khiến tiền mã hóa giống với quyền tài sản đối với tài sản sở hữu trí tuệ như bằng phát minh ở chỗ nó cho phép người sở hữu thông tin có được một quyền lợi kinh tế khi biết được thông tin này, nhưng nó khác ở chỗ chỉ có một và chỉ một người có thể sử dụng thông tin này, sau khi Bitcoin đã được chuyển nhượng thì thông tin đó trở nên vô giá trị.
Tiền mã hóa có một số định danh xác định cho một đồng tiền (tương tự như số serie của một tờ tiền giấy), cho phép người sở hữu đồng tiền được xác thực rằng có tồn tại trên hệ thống blockchain một đồng tiền Bitcoin đã được khai thác bởi một máy tính tham gia vào hệ thống. Đồng thời, gắn liền với mỗi đơn vị Bitcoin đã được khai thác là một mã khóa tư (private key) cho phép người dùng giao dịch nó, tức chuyển nhượng vào một tài khoản khác. Khi một Bitcoin đã được chuyển nhượng vào một tài khoản khác, nó sẽ được ghi nhận bởi một số serie mới, và số serie của đồng Bitcoin cũ được xem là hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc với 01 đồng Bitcoin chỉ có thể tồn tại duy nhất 01 chủ sở hữu cùng lúc, không thể có người thứ hai được phép giao dịch bằng đồng Bitcoin đó.
Nói cách khác, mã khóa tư là một dạng thông tin độc quyền cho phép người dùng quyền độc nhất để sử dụng (giao dịch) một Bitcoin. Mã khóa công (public key) là một thông tin đi kèm một Bitcoin cho phép tất cả mọi người kiểm tra xem có tồn tại trên hệ thống một Bitcoin đã được khai thác với số serie như vậy hay không.
Để dễ hình dung, có thể tưởng tượng thông tin này giống như địa chỉ của một Bitcoin trên hệ thống. Ai có được địa chỉ này thì sẽ có quyền giao dịch với số Bitcoin ghi nhận tại địa chỉ đó. Sau khi giao dịch, Bitcoin sẽ thay đổi địa chỉ, và người biết địa chỉ cũ của Bitcoin chỉ biết được nó đã chuyển đến địa chỉ mới chứ không có quyền thực hiện giao dịch với nó.
Với hai đặc tính là có giá trị kinh tế và có thể được chuyển nhượng, tiền mã hóa hoàn toàn đáp ứng tính chất là một loại tài sản.
Ở Việt Nam, việc cấm phát hành, cung ứng và sử dụng tiền mã hóa, như đề cập tại Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước, bộc lộ một số nhược điểm sau đây:
Một là, nhu cầu sử dụng và mua bán tiền mã hóa như một kênh đầu tư kinh tế là nhu cầu chính đáng và có thể đánh thuế được. Việc không thừa nhận tiền mã hóa đã và đang làm Việt Nam tự mất đi nguồn thu từ hoạt động kinh doanh này.
Hai là, việc không thừa nhận tiền mã hóa như tài sản, đồng thời cũng làm bộc lộ bất cập trong việc bảo hộ quyền sở hữu của công dân. Hơn nữa, với xu hướng bùng nổ của nhiều nền tảng tiền mã hóa cùng với ICO (Initial Coin Offering),[24] việc cho phép đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ tiền mã hóa là một động lực thúc đẩy phát triển công nghệ này tại Việt Nam, khi các dạng hợp đồng thông minh dựa trên công nghệ blockchain được cho là sẽ thống trị giao dịch điện tử trong tương lai.
Ba là, việc cấm sử dụng tiền ảo không đem lại lợi ích trực tiếp gì cho Chính phủ cũng như người dân Việt Nam, ngược lại còn làm giảm tính cạnh tranh trên trường thương mại quốc tế. Quan điểm không quản lý được thì cấm không phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Lo ngại sử dụng tiền mã hóa như công cụ rửa tiền hoàn toàn phản tác dụng, vì rất khó hoặc gần như không thể cấm người dân mua tiền mã hóa từ các nguồn nước ngoài như một kênh đầu tư, mà lại làm mất đi cơ hội đưa việc mua bán vào vòng kiểm soát để giảm thiểu việc rửa tiền.
4. Kết luận
Thừa nhận tiền mã hóa là tài sản là xu hướng chung trên thế giới. Điều này không chỉ phù hợp với các lý luận chung về tài sản và sở hữu, mà còn đáp ứng với thực tiễn phát triển của các đồng tiền mã hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. Theo nghiên cứu vào năm 2015 của Chính phủ Hoa Kỳ[25], chỉ có 9/130 quốc gia cấm tuyệt đối sở hữu tiền mã hóa, trong đó có Việt Nam, 16 quốc gia khác cấm một cách gián tiếp.
Vì vậy, theo tác giả, Nhà nước, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu ban hành quy chế sở hữu đối với loại tài sản tiền mã hóa này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả Nhà nước và người dân trong tương lai./.

 


[1] Bùi Yên, “Tranh cãi vụ doanh nhân bị cướp 35 tỷ đồng tiền ảo”, https://baophapluat.vn/phap-luat/tranh-cai-vu-doanh-nhan-bi-cuop-35-ty-dong-tien-ao-527218.html.  
[2] Pieters, G. C. (2017) “The potential impact of decentralized virtual currency on monetary policy” Federal Reserve Bank of Dallas-Globalization and Monetary Policy Institute 2016 Annual Report.
[3] Để tiện so sánh. tiền điện tử như tài khoản Paypal có thể được quy đổi ra tiền vật lý như đồng USD hay EUR bởi rất nhiều tổ chức tín dụng trên toàn thế giới.
[4] Trong khi đó, tiền kỹ thuật số vẫn có thể sử dụng với các chức năng khác như làm thước đo giá trị hoặc phương tiện cất trữ.
[5] Mặc dù cùng là tập con của tiền điện tử, nhưng tiền mã hóa có nội hàm rộng hơn tiền điện tử, và có thể bao hàm cả điện tử. Có thể tạm xem rằng tại thời điểm này Bitcoin là một loại tiền điện tử đã được chấp nhận quy đổi rộng rãi trên thế giới ra các loại tiền vật lý khác khi được chấp nhận thanh toán bởi tổ chức Paypal.
[6] Điều này phù hợp cả về mặt lý luận phá sản và quy định phá sản của tổ chức tín dụng tại Việt Nam, quy định tại khoản 3 Điều 152b Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.
[7] Điều 104, 105, 106 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
[8]Andrew Steinwold (2019) The World’s Most Expensive Digital Items, https://medium.com/@Andrew.Steinwold/the-worlds-most-expensive-digital-items-a5110047f13e.
[9] “Những bảo vật đắt nhất lịch sử từng xuất hiện trong làng game Việt”, https://gamek.vn/nhung-bao-vat-dat-nhat-lich-su-tung-xuat-hien-trong-lang-game-viet-20200420165025643.chn.
 [10]“Tiền mã hóa là gì? Tìm hiểu về lịch sử ra đời của tiền mã hóa”, https://timebit.news/tin-tuc/tien-ma-hoa-la-gi-tim-hieu-ve-lich-su-ra-doi-cua-tien-ma-hoa/.
[11]John Locke “Hai khảo luận về chính quyền”, Chương 5, khảo luận thứ 2.
[12]Các tư duy này được du nhập vào Việt Nam thông qua các phân tích pháp lý của Nga dưới thời Stalin, phủ nhận các phân tích pháp lý của Pashukanis. Theo nhiều quan điểm hiện đại được lật lại gần đây, thực chất Pashukanis mới có thể được xem là ông tổ của học thuyết pháp lý Mác xít với tác phẩm “Lý thuyết chung về pháp luật và chủ nghĩa Mác” năm 1924 (Bản gốc tiếng Nga Obshchaiateoriiapravaimarksizm: Opytkritikiosnovnykhiuridicheskikhponiatii, bản dịch tiếng Anh The General Theory of Law and Marxism bởi Peter B. Maggs). Trong tác phẩm này, Pashukanis thể hiện quan điểm rất hiện đại khi phủ nhận luận điểm của Austin, nhìn nhận hệ thống pháp luật là các nguyên tắc xử sự xã hội hơn là các mệnh lệnh của nhà nước. 
[13] Trang 29, 46-47.
[14] Herbert Lionel Adolphus Hart FBA (1907-1992), thường được viện dẫn vắn tắt dưới tên H.L.A Hart, là một nhà triết gia pháp lý người Anh nổi tiếng với tác phẩm kinh điển Khái niệm Luật pháp (The Concept of Law), được cho là nền tảng của tư tưởng pháp lý thực chứng hiện đại.
[15] Joseph Raz, giáo sư triết học pháp luật hiện đang giảng dạy tại Đại học Luật Columbia, là một nhà triết gia pháp lý, chính trị và đạo đức nổi tiếng người Israel, người đã phát triển lý thuyết pháp lý thực chứng của H.L.A Hart sau khi Hart mất.
[16] John Austin (1790-1859) là một nhà tư tưởng pháp lý người Anh, được cho là người đã đặt nền móng cho tư tưởng pháp lý thực chứng cận đại, có sức ảnh hưởng rất lớn đến các tư tưởng pháp lý của thế kỷ 19-20.
[17] Jeremy Bentham (1748-1832) là một nhà triết gia và luật gia người Anh, người phát triển chủ nghĩa vị lợi (ultilitarianism), đặt nền móng cho tư tưởng pháp luật của hệ thống luật Anh-Mỹ hiện đại.
[18]Raymond Wacks Philosophy of law (2nd ed, Oxford University Press, 2014) tr.35.
[19]Khoản 1 Điều 105 BLDS 2015.
[20]Huỳnh Anh “Tư duy vật quyền qua chế định tài sản và chế định chiếm hữu trong pháp luật dân sự” https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Tu-duy-vat-quyen-qua-che-dinh-tai-san-va-che-dinh-chiem-huu-trong-phap-luat-dan-su-13166/.
[21]Đoàn Thị Ngọc Hải (2019) “Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Namhttps://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2449; Trương Thị Diệu Thúy (2017) “Một số suy nghĩ về quy định liên quan đến “vật quyền” trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208002.
[22] Các chức năng này có thể được hiểu như sau: Một người nông dân có thể sản xuất 01 tấn lúa trong một năm, và một ngư dân có thể đánh bắt được 02 tấn cá trong một năm. Nếu cho rằng sức lao động đã bỏ ra của người nông dân và ngư dân là tương đương nhau, thì 01 tấn lúa và 02 tấn cá đều có giá trị là một năm lao động của một người. Đó chính là chức năng của tiền tệ với tư cách là một thước đo giá trị. Nếu lấy một năm lao động của một người làm đơn vị tiêu chuẩn của tiền tệ (tức 01 đồng), thì một người trồng rừng ở một ngôi làng khác có thể đến mua 01 tấn lúa hoặc 02 tấn cá với giá 01 đồng mà không cần mang theo 01 tấn gỗ bên mình. Đó chính là chức năng làm phương tiện thanh toán. Nếu một người nông dân trong 10 năm có thể sản xuất được 10 tấn gạo nhưng chỉ ăn hết 01 tấn gạo thì có thể bán 09 tấn còn lại để lấy 09 đồng và mua các hàng hóa khác, tránh để gạo bị mối mọt hư hại. Đó chính là chức năng làm phương tiện cất trữ.
[23]Jongchul Kim “Money Is Rights in Rem: A Note on the Nature of Money” (2014) 48 Journal of Economic Issues 1005 tr.1009.
[24] ICO tương tự như việc một công ty chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (còn gọi là phát hành công khai lần đầu - IPO), nhưng thay vì chứng khoán thì công ty sẽ chào bán đồng tiền mã hóa của công ty phát hành.
[25]Law library of Congress, “Regulation of Cryptocurrency Around the World”, https://www.loc.gov/law/help/cryptocurrency/world-survey.php.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (421), tháng 11/2020.)