Tiếp tục đổi mới phiên họp toàn thể của Quốc hội

15/03/2021

TS. TRẦN VĂN

ĐBQH khóa XII, XIII.

Tóm tắt: Đổi mới các phiên họp toàn thể của Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm các nguồn lực của xã hội là việc làm cần thiết và thường xuyên. Đây cũng là những hành động cụ thể để Quốc hội hoàn thành sứ mạng, nhiệm vụ lịch sử của mình trước sự phát triển trường tồn của đất nước.
Từ khóa: Đổi mới phiên họp toàn thể, phiên họp toàn thể, Quốc hội.
Abstract: The innovation of plenary sessions of the National Assembly under the context of the National Assembly of Vietnam making strong changes towards efficiency, practicality, and saving of social resources is necessary and should be regularly required. These are also particular activities for the National Assembly to fulfill its historic missions and tasks in the face of the country's sustainable developments.
Keywords: Innovation of plenary session; plenary session; National Assembly.
 QUỐC-HỘI-HỌP-TOÀN-THỂ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy trình, thủ tục tiến hành phiên họp toàn thể của Quốc hội
Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ và có thể có các kỳ họp bất thường do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu hoặc theo quyết định triệu tập của mình Uỷ ban thương vụ Quốc hội (UBTVQH) để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong chương trình làm việc của các kỳ họp có các phiên họp toàn thể và họp tổ.
Phiên họp toàn thể của Quốc hội chủ yếu họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định họp kín. Các vấn đề trong chương trình kỳ họp Quốc hội được thảo luận và quyết định tại các phiên họp toàn thể. Ví dụ, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019), Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật, một báo cáo giám sát tối cao chuyên đề, chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề, xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; quyết định nhân sự; tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác, giám sát 01 chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại phiên họp toàn thể, thành viên chính phủ không phải là ĐBQH được mời tham dự, phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà thành viên đó phụ trách, theo yêu cầu của Quốc hội hoặc được Quốc hội đồng ý theo đề nghị của thành viên đó. Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.
Tại phiên họp toàn thể về các dự án luật, sau khi nghe tờ trình của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trình dự án và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua. Kết quả biểu quyết thể hiện trên bảng điện tử tại hội trường. Từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội được trang bị thiết bị máy tính bảng với phần mềm Quốc hội điện tử (gọi tắt là App Quốc hội, có thể được tải xuống từ Internet) có chức năng đăng ký phát biểu và biểu quyết để các vị đại biểu Quốc hội sử dụng trong các phiên họp trực tuyến của Quốc hội. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp bãi nhiệm đại biểu quốc hội, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội hoặc sửa đổi Hiến pháp, thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Một nội dung quan trọng của các phiên họp toàn thể là Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của đất nước; chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước do Chính phủ trình Quốc hội xem xét các dự án sau khi nghe thuyết trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng hoặc Uỷ ban có liên quan và biểu quyết thông qua sau khi Quốc hội đã thảo luận.
Ví dụ, trong hai đợt làm việc trực tuyến và trực tiếp với tổng cộng 18 ngày, kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với việc thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 04 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 cũng như năm 2021, năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Những nội dung của kỳ họp kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho thấy được cường độ làm việc của Quốc hội cũng như khối lượng thông tin mà ĐBQH phải nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến là rất lớn mà nếu không được sớm tiếp cận, nghiên cứu, tham vấn thì khó mà có thể tham gia có chất lượng tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Quốc hội tiến hành bầu lãnh đạo Nhà nước tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong số các đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước giới thiệu.
UBTVQH chủ trì kỳ họp Quốc hội theo quy định tại Điều 47 của Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm tính dân chủ, đúng pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực theo chương trình đã được Quốc hội thông qua. Chủ tọa các phiên họp toàn thể có trách nhiệm điều hành phiên họp theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm thực hiện đúng chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị, thường được tổ chức trước một ngày hay vào ngay trước phiên họp chính thức. Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Quốc hội nghe thuyết trình về dự án, đề án, trình bày báo cáo; thảo luận và quyết định các vấn đề trong chương trình kỳ họp tại phiên họp toàn thể. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội chủ tọa phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.
Tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội được lưu hành bằng hình thức bản in giấy hoặc bản điện tử, bao gồm tài liệu chính thức được sử dụng tại kỳ họp, gồm tài liệu thuộc hồ sơ của các dự án luật, dự thảo nghị quyết, đề án theo quy định của pháp luật và các tờ trình, báo cáo khác thuộc nội dung của kỳ họp, do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội; và tài liệu tham khảo gồm các ấn phẩm và chuyên đề nghiên cứu được cung cấp cho đại biểu Quốc hội để cung cấp thêm thông tin về nội dung Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp, do Tổng thư ký Quốc hội quyết định. Khi cần thiết, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.
Các phiên họp toàn thể được Quốc hội quyết định và ghi trong chương trình kỳ họp. tại kỳ họp Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể, thời gian thuyết trình về dự án, đề án, trình bày báo cáo cũng được quy định trong khoảng 10-15 phút, chủ yếu là trình bày báo cáo tóm tắt, còn bản đầy đủ được gửi cho các ĐBQH nghiên cứu trước đó. Thời gian phát biểu của ĐBQH tham gia thảo luận lần thứ nhất không quá 07 phút, lần thứ hai không quá 03 phút; thời gian tranh luận không quá 3 phút; chất vấn không quá 2 phút theo đồng hồ đếm ngược trên bảng điện tử trong hội trường, trừ trường hợp được chủ tọa cho phép kéo dài.
Chất vấn tại phiên họp toàn thể được tiến hành theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 02 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn.
   Biểu quyết tại phiên họp toàn thể do Quốc hội quyết định, áp dụng bằng hệ thống biểu quyết điện tử, bằng bỏ phiếu kín hay bằng giơ tay. Kỳ họp Quốc hội và các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội phải được ghi âm, ghi biên bản. Biên bản tổng hợp do Chủ tịch Quốc hội và Tổng thư ký Quốc hội ký xác thực, phản ánh đầy đủ ý kiến phát biểu, kết quả biểu quyết của Quốc hội tại phiên họp, ý kiến bằng văn bản của đại biểu Quốc hội và do Chủ tọa phiên họp, Thư ký phiên họp ký xác thực.
Như vậy, có thể khẳng định, phiên họp toàn thể của Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của kỳ họp Quốc hội được luật định với quy trình, thủ tục chặt chẽ, mang tính chất chính trị, pháp lý ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, thủ tục nghị trường với sự tranh luận phản biên dân chủ được truyền thông rộng rãi về những vấn đề trọng đại của quốc gia có tác động sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ trong nước mà còn trên cả bình diện quốc tế.
2. Một số kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới phiên họp toàn thể của Quốc hội
(1) Từ thực tiễn nghiên cứu cách thức tiến hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội cho thấy, chúng ta có thể cân nhắc rút ngắn thời gian song song với nâng cao chất lượng kỳ họp. Trong xu hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH với nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, vì vậy, tùy theo yêu cầu, tình hình thực tiễn, UBTVQH có thể triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dự thảo, dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, giảm thời gian thảo luận, thông qua dự án luật mà vẫn đảm bảo chất lượng của luật. Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu có thể phát biểu 5 phút, thay vì 7 phút như hiện nay, để tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất, ít dẫn dắt, diễn giải, đi thẳng vào vấn đề để nhiều đại biểu được phát biểu, để nhiều nội dung, khía cạnh của vấn đề được đề cập hơn, đa dạng, đa chiều hơn.
Chất vấn là một trong những hình thức giám sát hiệu quả nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội thường được thực hiện tại các phiên họp toàn thể, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều tầng lớp nhân dân[1]. Chính vì lẽ đó, hoạt động chất vấn luôn được đổi mới, chú trọng về chất lượng, tinh thần xây dựng, trách nhiệm, dân chủ, công khai, tính tranh luận, đối thoại. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy, thời gian chất vấn có hạn, nhưng mong muốn, bức xúc của người dân, cử tri lại rất nhiều. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường chất vấn ở UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tại phiên toàn thể có thể lựa chọn tối đa 2-3 thành viên Chính phủ với 2-3 vấn đề trọng tâm để chất vấn, thay vì 4-5 thành viên Chính phủ như hiện nay. Phương thức chất vấn này vừa cho phép các đại biểu và người bị chất vấn có thể trao đổi kỹ hơn về vấn đề đưa ra chất vấn; mặt khác, có thể tiết kiệm được thời gian thảo luận của Quốc hội.
Đối với hoạt động đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể, do ĐBQH đã có bản báo cáo, tờ trình, bản tóm tắt gửi trước, vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần giảm thời gian đọc báo cáo từ 15 phút xuống 10 phút để dành thời gian cho thảo luận; trong một số trường hợp, cần chạy chữ, hoặc slide trên bảng điện tử, đặc biệt là các báo cáo có nhiều số liệu như ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển KTXH… để ĐBQH thuận tiện hơn cho việc theo dõi[2].
(2) Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào kỳ họp là một xu thế mạnh mẽ. Theo Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), trong đại dịch Covid-19, các nghị viện có nhiều giải pháp khác nhau để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh cả nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan, UBTVQH đã đồng ý tổ chức Kỳ họp thứ 9, 10 của Quốc hội khóa XIV, theo phương thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, đây là cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động và cũng là kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả nước tập trung chống dịch và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Đây cũng là cách Quốc hội kiểm nghiệm năng lực công nghệ thông tin hiện có của mình trên con đường tiến tới Quốc hội số (digital Parliament) sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất. Cách tổ chức họp Quốc hội trực tuyến để giải quyết một số nội dung của kỳ họp có thể mang lại những trải nghiệm mới. Các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp cận các ứng dụng thường nhật đã được nâng cấp hoặc ứng dụng mới như: Khai thác, sử dụng tài liệu; đăng ký phát biểu; xin ý kiến đại biểu; biểu quyết... Các phát biểu thảo luận, tranh luận của đại biểu dễ dàng được ghi âm, ghi hình, bóc băng kịp thời, làm tài liệu lưu hành trong kỳ họp. Sau các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động.
Với cơ cấu của Quốc hội có gần 70% là đại biểu kiêm nhiệm, nên việc họp trực tuyến còn giúp các đại biểu kiêm nhiệm thuận lợi hơn trong giải quyết các công việc thường nhật theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Về phương diện nào đó, có thể các đại biểu cũng tự tin hơn khi phát biểu tại địa phương mình về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng có thể mời cử tri “dự khán” các phiên họp trực tuyến tại phòng họp của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Như vậy, số lượng cử tri được “dự khán” trực tiếp kỳ họp của Quốc hội ở địa phương sẽ tăng lên, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Quốc hội và cử tri, khoảng cách giữa từng đại biểu Quốc hội và cử tri. Bên cạnh đó, về khía cạnh ngân sách hoạt động thì thời gian họp trực tuyến sẽ tiết kiệm được một số chi phí, như vé máy bay, tàu xe, ăn nghỉ, đưa đón, in ấn, chuyển phát tài liệu… không chỉ với đại biểu mà cả bộ máy giúp việc, nhất là khi cân đối ngân sách còn rất khó khăn, đặt ra yêu cầu thực hành tiết kiệm một cách thực chất ở mọi cấp, mọi ngành và lĩnh vực[3].
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc bố trí kỳ họp thành hai đợt trực tuyến và trực tiếp như kỳ họp thứ 9, 10 vừa qua và có khoảng thời gian 1 tuần ở giữa là một kinh nghiệm tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi để UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua. Các vị đại biểu Quốc hội cũng có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, tham khảo chuyên sâu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động của các chính sách để chuẩn bị tốt ý kiến tham gia thảo luận, xem xét, quyết định tại đợt 2[4].
(3) Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ các phiên họp toàn thể của Quốc hội để đảm bảo việc cung cấp, trao đổi thông tin về hoạt động của Quốc hội theo quy định của pháp luật là xu hướng tất yếu. Văn bản được thông tin chính thức dưới hình thức bản điện tử trong phạm vi giữa các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội qua hệ thống điều hành điện tử của Quốc hội và hệ thống mạng nội bộ của Văn phòng Quốc hội. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ gắn với tăng cường trách nhiệm sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu, phần mềm của đội ngũ cán bộ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của ĐBQH tại Văn phòng Quốc hội sẽ bảo đảm chủ động trao đổi thông tin qua hệ thống mạng để nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống mạng thông tin và bảo vệ người dùng, Văn phòng Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu kỹ trong lựa chọn sử dụng các ứng dụng, tránh cài đặt, sử dụng các ứng dụng đang bị cảnh báo tồn tại lỗ hổng, điểm yếu bảo mật; tải và cài đặt ứng dụng từ các nguồn chính thống, không sử dụng các ứng dụng trực tuyến để trao đổi, gửi nhận các dữ liệu bí mật nhà nước, dữ liệu nội bộ.
Tăng cường năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ kỹ thuật cho các phiên họp toàn thể của Quốc hội do việc đổi mới quy trình cùng với áp dụng công nghệ cao trong các phiên họp toàn thể của Quốc hội sẽ dẫn tới sự thay đổi về cơ cấu nguồn nhân lực và cách thức hỗ trợ kỹ thuật cho ĐBQH và Quốc hội. Nền tảng tự động hóa trên cơ sở phần mềm mới và máy móc, thiết bị tiên tiến sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với con người vận hành, lao động có tri thức, lao động chất lượng cao sẽ đóng vai trò quan trọng. Các ĐBQH cũng cần cập nhật kiến thức, kỹ năng thích ứng, ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong công việc để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của mình. Ứng dụng công nghệ và thay đổi quy trình cũng sẽ đặt ra yêu cầu, thách thức trong bố trí lại nguồn nhân lực của Văn phòng Quốc hội cho phù hợp.
Tóm lại, đổi mới các phiên họp toàn thể của Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiệu quả, thiết thực, tiết kiêm các nguồn lực của xã hội là việc làm cần thiết và thường xuyên. Đây cũng là những hành động cụ thể để Quốc hội hoàn thành sứ mạng, nhiệm vụ lịch sử của mình trước sự phát triển trường tồn của đất nước.

 


[1] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: Kế thừa, đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội-2016, tr. 387.
[2] Ví dụ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, phát thanh, truyền hình trực tiếp trình bày nhiều tờ trình, báo cáo, trong đó có 02 hiệp định EVFTA, EVIPA, để bảo đảm thời gian phiên họp toàn thể, Tổng Thư ký Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan cần chuẩn bị văn bản tóm tắt cô đọng, súc tích, chỉ sử dụng đúng thời gian được ghi trong chương trình; tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội tại kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa 14, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình chiếu 2 phóng sự về an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập thay vì trình bày báo cáo giám sát về 2 nội dung này, và đây cũng được coi như ý kiến thảo luận của tập thể 2 ủy ban. Đây là một sáng kiến mới của kỳ họp, giúp cho các ĐBQH được trực tiếp nắm bắt nội dung, kết quả giám sát chuyên đề của 2 ủy ban bằng cả hình ảnh và lời thuyết minh bên cạnh việc nghiên cứu báo cáo đầy đủ kết quả giám sát.
[3] Trần Văn, Quốc hội họp trực tuyến kết hợp họp tập trung: Thêm một bước đổi mới, Báo Đại biểu nhân dân ngày 30/4/2020.
[4] Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phát biểu tại Đợt họp tập trung của kỳ họp thứ 9 Quôc hội khóa XIV ngày 8/6/2020.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (422), tháng 11/2020.)