Xây dựng Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trở thành cơ quan báo chí tiên phong trong dự báo chính sách

17/12/2020

Thư của đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Quốc hội gửi Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập
 Ảnh-UCLuu.jpg
Các đồng chí thân mến,
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Tạp chí), thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tôi thân ái gửi tới công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, các nhà khoa học, cộng tác viên của Tạp chí tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Tạp chí NCLP tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội.
Hai mươi năm qua, Tạp chí đã thực hiện tốt sứ mệnh, tôn chỉ mục đích là diễn đàn về nhà nước, pháp luật và chính sách, góp phần thực hiện các chức năng của Quốc hội. Tôi cũng nhìn thấy ở Tạp chí là một không gian tương tác đa chiều, từ quan điểm trong giới nghiên cứu tới ý kiến trao đổi, thảo luận tại nghị trường Quốc hội; từ quyết định của Quốc hội đến kiến nghị trong cơ chế thực hiện của các cơ quan, tổ chức và của cả người dân. Ngày càng nhiều hơn các đại biểu Quốc hội lựa chọn Tạp chí để gửi gắm ý tưởng, quan điểm khoa học nhằm phục vụ các hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội cũng như biểu đạt ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến của chuyên gia đăng tải trên Tạp chí đã được xem xét, nghiên cứu và tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Không chỉ có ý nghĩa đối với các hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các bài viết trên Tạp chí đã được các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật, chính trị và chính sách sử dụng trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Như vậy, tầm ảnh hưởng của Tạp chí đã lan tỏa tích cực đến công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, xây dựng chính sách của Nước nhà.
Năm 2010, tôi vinh dự được tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Tạp chí. Bên cạnh việc chung vui và ghi nhận những thành công, kết quả của Tạp chí đã đạt được trong 10 năm đầu tiên, với những góp ý, chia sẻ của các cộng tác viên, chúng ta đã thẳng thắn nhìn nhận về một số hạn chế mà Tạp chí còn gặp phải trong chặng đường đầu thực hiện nhiệm vụ. Sau 10 năm nhìn lại, trên cơ sở báo cáo công tác của Tạp chí, đặc biệt được chứng kiến những tình cảm nồng hậu, chân thành của các cộng tác viên, các nhà khoa học và sự theo dõi của quý bạn đọc đối với Tạp chí, chúng ta có thể thấy, nhiều hạn chế của 10 năm trước đã được các đồng chí giải quyết, khắc phục. Tạp chí đã nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề đặt ra đối với Quốc hội và đất nước trong xu thế phát triển của thế giới, là diễn đàn học thuật uy tín, chất lượng, gắn kết các nhà khoa học với hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động lập pháp.
Các đồng chí thân mến,
Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế hoạt động của Tạp chí còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Trong chặng đường tiếp theo, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm, có giải pháp khắc phục những hạn chế và có những định hướng phát triển Tạp chí, cụ thể:
 Một là, đề cao tính dự báo: Với việc phát triển thông tin trong thời đại số, yêu cầu đặt ra không chỉ là việc bám sát chương trình của Quốc hội, mà sứ mệnh của Tạp chí phải đi đầu trong dự báo chính sách, đặc biệt phải sớm phát hiện những vấn đề mới, những đòi hỏi mới của xã hội và cử tri đối với công tác lập pháp và thi hành pháp luật, để kịp thời điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, tất yếu sẽ phát sinh trong thời kỳ hiện đại. Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới, quan trọng được đặt ra trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, tiếp tục mở rộng nội dung, hình thức chuyển tải: Được biết, năm 2020, Tạp chí mở Chuyên mục Chính quyền địa phương. Tôi rất vui mừng vì đây là hoạt động thiết thực, kịp thời trong xu thế chung của Quốc hội khi đã có nhiều hoạt động gắn kết với cơ quan dân cử ở địa phương.Đây cũng là thời điểm thích hợp khi chúng ta đang bắt đầu bước vào thời kỳ áp dụng mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh tại một số thành phố trực thuộc Trung ương.
Tạp chí cần nhanh chóng nắm bắt xu thế, xây dựng Tạp chí điện tử để hòa nhịp tổng thể với hoạt động xây dựng Quốc hội điện tử. Việc nâng cấp trang Thông tin điện tử tổng hợp thành Tạp chí điện tử sẽ tăng tốc độ xuất bản, đa dạng nguồn bài viết, đáp ứng tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội, góp phần lan tỏa ảnh hưởng của Tạp chí với xã hội trong tình hình mới.
Ba là, gắn bó mật thiết với các nhà khoa học: Tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên, có các hình thức quan tâm thích hợp đối với các nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết trong cả nước. Khác với cơ quan báo, thường chú trọng đưa thông tin mang tính thời sự cao thì Tạp chí là nơi nghiên cứu, thảo luận chuyên sâu vấn đề của các chuyên gia, nhà khoa học. Vì vậy, Tạp chí cần có một chiến lược phát triển lâu dài, xác định Tạp chí có sứ mệnh, tầm nhìn, phương châm hành động thống nhất, biết nâng niu, quý trọng các ý tưởng lập pháp về nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế, về quyền con người, quyền công dân, phấn đấu trở thành một trong các tạp chí hàng đầu về lĩnh vực lập pháp, là nơi các nhà khoa học, cộng tác viên tôn trọng, tin cậy và ưu tiên lựa chọn để truyền tải quan điểm, ý kiến.
Bốn là, tăng cường đoàn kết và nâng cao trình độ nghiệp vụ của công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên: Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa các phòng ban trong Tạp chí, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, quyết sách và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp. Mỗi hành động, lời nói, bài viết của công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên phải hướng tới mục tiêu nâng cao uy tín, chất lượng, thương hiệu ấn phẩm và tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong mối quan hệ với nhà khoa học, cộng tác viên và bạn đọc trong và ngoài nước. Tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ của phóng viên, biên tập viên để mỗi cán bộ trong Tạp chí đồng thời cũng là nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp nhằm khẳng định vị thế ngày càng cao của Tạp chí trong giới nghiên cứu khoa học nói chung và giới luật học nói riêng.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, cảm ơn sự tận tâm, nhiệt thành của các đồng chí công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, cảm ơn sự đồng hành của các cộng tác viên và sự chào đón của quý độc giả trong suốt 20 năm qua. Một lần nữa, xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục góp phần tích cực vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Tạp chí.
                  Thân ái,
 Uông Chu Lưu,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
 Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam