Chuyên mục “Chính quyền địa phương” – đến sau nhưng sẽ đi cùng

13/12/2020

THS. HOÀNG THỊ LAN

Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Khi chưa bắt đầu công việc nghiên cứu, tôi thường nghĩ về các tạp chí khoa học chuyên ngành với một tâm lý “ngại”, giống như một thứ hàn lâm huyền bí không dành cho người làm thực tiễn. Trước tiên là ngại đọc, như vậy, đương nhiên sẽ là ngại nghĩ, ngại viết. Cái ngại tạo ra cản trở khiến tôi gần như không biết đến sự hiện diện của một Tạp chí khoa học uy tín trong ngành luật và xây dựng chính sách - Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - ngay cả khi đó là một tổ chức thuộc cơ quan mình đang công tác.
Nhưng rồi, vì nhu cầu hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, tôi bắt đầu tìm hiểu và thấy nhiều tư liệu đáng quý, củng cố cho những quan điểm khoa học mà mình đang mơ hồ trong đề tài luận án. Đọc Tạp chí nhiều hơn, tôi nhận ra rằng, ở đây có một khoảng không gian nghiên cứu dành cho hoạt động thực tiễn.
Là một công chức làm việc tại Văn phòng Quốc hội, nhưng có công việc chuyên môn gắn với cơ quan dân cử địa phương. Do đó, tôi ít nhiều có suy nghĩ, nhận định về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Cảm xúc của tôi, có lẽ bị chi phối nhiều bởi tâm tư, nguyện vọng của cơ quan dân cử địa phương, trong đó có cả khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, có cả những ngậm ngùi khi Hội đồng nhân dân luôn cố gắng để khẳng định vị thế của mình trong hệ thống chính trị.
Giải quyết được nguyện vọng của cơ quan dân cử là một câu chuyện dài, cần có thời gian, thậm chí cần có cả một hệ thống lý thuyết về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện. Nhưng, trong tiến trình chờ đợi đó, tôi cảm nhận được niềm vui đang có khi biết Tạp chí Nghiên cứu lập pháp mở chuyên mục Chính quyền địa phương nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (14/12/2000 – 14/12/2020). Tôi và các đồng nghiệp tại Vụ Công tác đại biểu cùng những người bạn đang công tác tại cơ quan dân cử địa phương sẽ có một diễn đàn khoa học để bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như được tiếp cận với những bài viết phản ánh hoạt động thực tiễn.
Chính quyền địa phương, không chỉ là nơi chấp hành, triển khai chính sách, pháp luật của cơ quan Trung ương, mà còn có sứ mệnh phát hiện vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cho hợp lý. Chuyên mục chính quyền địa phương sẽ là nơi truyền tải kinh nghiệm thực tế, những va vấp trong quá trình áp dụng pháp luật để các nhà khoa học, chuyên gia chính sách và đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Với lịch sử 20 năm, bên cạnh những chuyên mục gắn bó cùng Tạp chí, đã đem đến giá trị tri thức cho tôi và có lẽ là của rất nhiều người, hi vọng chuyên mục Chính quyền địa phương sẽ nhận được sự quan tâm của Tạp chí, sự theo dõi và đóng góp bằng các bài viết của các nhà khoa học và đương nhiên không thể thiếu những bài viết của cán bộ công tác tại chính quyền địa phương để kinh nghiệm trở thành khoa học.
Từ cảm xúc có được khi bài báo đầu tiên được công bố trên Tạp chí, đến nay viết bài để chia sẻ quan điểm, góc nhìn về công việc đang làm đã trở thành niềm vui, động lực để cống hiến. Tôi nhận ra rằng, có nhiều thứ, không phải từ ước mơ, không phải là nhu cầu tự thân, nó có thể do yêu cầu nhiệm vụ, từ một cái “vì” nhất thời nào đó. Nhưng, khi tìm đúng con đường, được nâng đỡ bởi sự đồng hành thì cảm hứng và hạnh phúc sẽ đến để ta thấy được giá trị cá nhân cũng như giá trị công việc mình đang theo đuổi.
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp bước sang tuổi 21, nhưng chuyên mục Chính quyền địa phương mới chập chững trong tuổi đầu non nớt. Sẽ có rất nhiều nội dung, bất cập và kiến nghị được cả hệ thống chính quyền địa phương ấp ủ, muốn gửi đến Tạp chí.
“Tuy đến sau nhưng sẽ được đi cùng” là mong muốn của các cộng tác viên và độc giả chờ đợi ở chuyên mục Chính quyền địa phương trong sự phát triển Tạp chí thời gian tới.
Xin chân thành ơn và kính chúc Tạp chí Nghiên cứu lập pháp sẽ có năm khởi đầu thành công trong việc tạo sự kết nối giữa khoa học và thực tiễn, kết nối giữa cơ sở với Trung ương để cùng xây dựng hệ thống cơ quan dân cử vững vàng, đoàn kết. 

Ý kiến bạn đọc