Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

23/10/2020

TS. BÙI ĐỨC HIỂN

Viện Nhà nước và Pháp luật,

THS. NGUYỄN PHÚC THIỆN

Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tóm tắt: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi) đã được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47, tháng 8 năm 2020 và đang được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả chỉ ra một số hạn chế, bất cập của Dự thảo Luật này và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Bảo vệ môi trường, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Abstract: Draft Law on Environmental Protection 2014 (amended) was submitted to the Standing Committee of the National Assembly for comments at the 47th session in August 2020 and is being finalized to submit to the National Assembly for consideration and approval. Under the scope of this article, the authors provide discussions of shortcomings of the Draft Law and also recommendations for further improvements.
Keywords: Environmental Protection, draft Law on Environmental Protection, Law on Environmental Protection of 2014.
BẢO-VỆ-MÔI-TRƯỜNG_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi) đã được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47, tháng 8 năm 2020, chúng tôi thấy Dự thảo Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014. Cụ thể như bổ sung thêm nguyên tắc coi chất thải thông thường là tài nguyên; sửa đổi quy định về quy hoạch BVMT theo hướng phù hợp với Luật Quy hoạch; quy định rõ hơn về ứng phó với biến đối khí hậu gồm hai nhóm vấn đề là thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính; bổ sung quy định về sàng lọc dự án đầu tư (với dự án đầu tư thân thiện môi trường thì có chính sách khuyến khích phát triển, còn với dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì kiểm soát ô nhiễm); bổ sung quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sơ bộ; về tham vấn cộng đồng và các cơ quan liên quan với báo cáo ĐTM; bổ sung quy định về thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, thể tích và chủng loại; quy định về cơ chế đặt cọc hoàn trả với sản phẩm bao bì (doanh nghiệp được tính tiền đặt cọc vào giá sản phẩm, người tiêu dùng được lấy lại tiền đặt cọc nếu trả lại bao bì cho nhà sản xuất tái chế hoặc tái sử dụng); cơ chế ưu đãi cho tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường, Nhà nước hỗ trợ giá để người dân sử dụng các sản phẩm này; tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng có quyền ban hành quy chế BVMT và có quyền xử phạt theo quy chế; quy định cụ thể về trách nhiệm quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp trong BVMT; trách nhiệm của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội trong phản biện, góp ý, tham vấn, giám sát việc thực hiện pháp luật môi trường; quy định chi tiết hơn về bồi thường thiệt hại về môi trường và giải quyết bồi thường thiệt hại môi trường,…
Ở giác độ chung nhất, các tác giả nhận thấy những sửa đổi này trong Dự thảo Luật khá toàn diện, Ban Soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều quan điểm tiến bộ nhằm xây dựng một đạo luật môi trường có hiệu lực, hiệu quả thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Bên cạnh đó, các tác giả nhận thấy Dự thảo Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.
2. Những hạn chế, bất cập của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Thứ nhất, vềgiải thích thuật ngữ: Mặc dù Điều 3 Dự thảo Luật đã giải thích tới 46 thuật ngữ, nhưng có thể thấy, nhiều thuật ngữ được sử dụng trong Dự thảo Luật vẫn chưa được giải thích, hoặc giải thích chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa rõ ràng; cụ thể:
- Dự thảo Luật không giải thích thuật ngữ “Bảo vệ môi trường”, mà lại giải thích thuật ngữ “hoạt động bảo vệ môi trường”;
- Thuật ngữ “kiểm soát ô nhiễm môi trường” được giải thích là một chu trình, nhưng chưa xác định được trong chu trình đó ai là chủ thể kiểm soát, kiểm soát bằng công cụ phương tiện nào, kiểm soát nhằm mục tiêu gì, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm có phải là nội dung của kiểm soát hay là mục tiêu của kiểm soát ô nhiễm;
- Môi trường không khí có rất nhiều khác biệt so với môi trường đất, nước nên đòi hỏi cách kiểm soát cũng khác nhau. Tuy nhiên, thuật ngữ “kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí” chưa được giải thích;
- Nhiều thuật ngữ được giải thích tại các chương, mục mà chưa được tập hợp vào Điều 3. Điều này dẫn tới sự thiếu thống nhất trong Dự thảo Luật.
Thứ hai, vềcác nguyên tắc của Luật BVMT: Điều 4 Dự thảo Luật đưa ra 9 nguyên tắc cơ bản làm nền tảng tư tưởng cho quá trình xây dựng và thực hiện Luật BVMT, trong đó có bổ sung nguyên tắc coi chất thải là một loại tài nguyên. Tuy nhiên, sự thể hiện các nguyên tắc này trong nội dung các quy định của Luật BVMT khá mờ nhạt.
Thứ ba, quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong BVMT chưa bảo đảm sự thống nhất giữa các điều khoản trong Dự thảo Luật, giữa Dự thảo Luật với một số văn bản pháp luật khác. Cụ thể như sau:
- Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội có trách nhiệm giám sát, vận động…”, trong khi đó, Điều 162 Dự thảo Luật trao cho Mặt trận Tổ quốc cả quyền chất vấn, giám sát, phản biện, xây dựng chính sách pháp luật về BVMT; Điều 163 quy định, các tổ chức chính trị - xã hộicó cả quyền đại diện, tư vấn, tham vấn, tham gia xây dựng pháp luật về môi trường
- Vai trò của các tổ chức nghề nghiệp được ghi nhận rất mờ nhạt, chủ yếu là đối tượng được tham vấn trong ĐTM tại điểm c khoản 1 Điều 33 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Điều 33 Dự thảo Luật không xác định đối tượng tham vấn là tổ chức nghề nghiệp mà chỉ ghi chung chung là …"nhóm người không chịu ảnh hưởng của dự án nhưng quan tâm đến dự án và những tác động của dự án”[1].
- Điều 157 Dự thảo Luật quy định chỉ có các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia phổ biến pháp luật về BVMT là chưa thống nhất với Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.  
Thứ tư, Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các Ủy ban lưu vực sông trong BVMT nước, đặc biệt là đối với các sông liên tỉnh ở Việt Nam hiện nay (Mục 1 Chương 2 Dự thảo Luật). Thực tế các dòng sông này đang được quản lý bởi các Ủy bản lưu vực sông, nhưng nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm còn rất hạn chế, thiếu minh bạch.
- Điều 11 Dự thảo Luật chỉ quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh trong BVMT nước biển. Thực tiễn cho thấy, biển gồm có nước biển và phần thềm lục địa. Biển và thềm lục địa Việt Nam đang đối diện với hai nguy cơ chính là ô nhiễm môi trường biển và suy thoái tài nguyên biển. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan đến hoạt động này như: Tổng cục Thủy sản, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, cảng vụ hàng hải, Cục hàng hải,.... Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng chưa quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa là những thiếu sót rất lớn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển hiện nay.
- Mục 2 Chương II  Dự thảo Luật quy định về BVMT không khí còn khá sơ sài; chưa dựa trên đặc thù của môi trường không khí với tính khuếch tán, tính lan truyền, tính khó xác định chủ sở hữu, tính khó xác định giá trị… để BVMT; chưa làm rõ được thế nào là kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; chưa căn cứ trên các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí lớn nhất ở nước ta là từ các phương tiện giao thông và từ hoạt động công nghiệp, để xây dựng các quy định về BVMT không khí, để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình này. Nguyên tắc BVMT là trách nhiệm của Nhà nước, chủ nguồn thải và cộng đồng. Do vậy, xác định trách nhiệm của các chủ thể trong BVMT không khí cần toàn diện hơn.
- Với BVMT đất, cần lưu ý đến môi trường đất ở Việt Nam hiện nay đang đối diện với hai vấn đề lớn là ô nhiễm đất và suy thoái tài nguyên đất. Hơn nữa, môi trường đất Việt Nam đối diện với ô nhiễm đất do chất độc hóa học Dioxin gây ra nên cũng phải dựa trên thực tiễn nay để xây dựng quy định về BVMT đất được hiệu quả hơn.
Thứ năm, Điều 22 quy định về chiến lược BVMT quốc gia còn khá sơ sài, chưa thể hiện được tầm quan trọng của Chiến lược này. Dự thảo Luật xác định thời kỳ chiến lược BVMT quốc gia 10 năm là chưa hợp lý. Các tác giả cho rằng, kỳ Chiến lược cần phải dài hơn so với thời kỳ quy hoạch. Bên cạnh đó, Chiến lược BVMT quốc gia rất quan trọng và liên quan đến nhiều lĩnh vực và quá trình phát triển bền vững nên Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, không chỉ về xây dựng chiến lược, phê duyệt chiến lược, mà phải quy định cả về tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình này để góp phần xây dựng được Chiến lược quốc gia về môi trường tốt nhất.
- Điều 23 Dự thảo Luật cũng chưa quy định về tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan, quan tâm. Đây là một thiếu sót rất lớn cần được bổ sung. Bởi quy hoạch về môi trường quốc gia và nội dung môi trường trong quy hoạch cấp tỉnh đặc biệt quan trọng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và quốc gia, ảnh hưởng đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.
Thứ sáu, Điều 33 Dự thảo Luật chưa quy định về tham vấn các cộng đồng hay tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dự án cũng như tham vấn các tổ chức xã hội. Đây cũng là một thiếu sót. Bởi thực tiễn cho thấy có nhiều dự án không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng nơi trực tiếp thực hiện dự án mà còn ảnh hưởng cả đến các cộng đồng, tổ chức, cá nhân cách rất xa dự án. Ví dụ: tham vấn tác động môi trường của Dự án nhà máy thủy điện không chỉ tham vấn cộng đồng dân cư nơi có nhà máy, có hồ chứa mà còn phải tham vấn cả các tổ chức, cá nhân ở thượng nguồn cũng như hạ nguồn của dòng sông. Đây là các chủ thể cách xa dự án, nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dự án. Bên cạnh đó, đối với dự án liên quan đến lưu vực sông, Dự thảo Luật cũng chưa quy định phải tham vấn Ủy ban quản lý lưu vực sông. Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về giá trị pháp lý của ý kiến tham vấn cộng đồng và các cơ quan liên quan trong Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.
- Quy định của Dự thảo Luật về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá ĐTM đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thuộc UBND tỉnh phối hợp với Bộ chuyên ngành là chưa hợp lý. Bởi lẽ, cơ quan có quyền quyết định dự án đầu tư lại tham gia thẩm định không bảo đảm sự khách quan trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM. Chúng tôi cho rằng, đối với những dự án này, sẽ hợp lý hơn nếu giao cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Dự thảo Luật cũng chưa quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và truyền thông trong giám sát việc tham vấn, thẩm định, quyết định báo cáo ĐTM.
- Khoản 8 Điều 38, điểm c khoản 1 Điều 116 và khoản 1 Điều 118 Dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng về việc cung cấp thông tin và công khai thông tin về môi trường nói chung, về báo cáo ĐTM nói riêng. Cung cấp thông tin về môi trường với việc công khai thông tin về môi trường là hai việc khác nhau. Tuy nhiên, Điều 118 Dự thảo Luật mới chỉ quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ dự án về báo cáo ĐTM cho cơ quan nhà nước về BVMT mà không quy định cụ thể bắt buộc về việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình các thông tin về báo cáo ĐTM; chưa quy định thời điểm nào chủ dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai, công khai sau khi phê duyệt hay lúc nào; công khai trên hệ thống dữ liệu quốc gia hay trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức nào; chưa quy định về thời hạn công khai thông tin; chưa quy định nếu không công khai chủ dự án, cơ quan nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý gì, ….
- Dự thảo Luật đã có bước tiến khi tích hợp 7 loại giấy phép môi trường vào 1 loại nhằm giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà. Tuy nhiên, các quy định của Điều 44 Dự thảo Luật về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép môi trường còn khá lỏng lẻo chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả khi triển khai trên thực tế. Các tác giả cho rằng, trước khi cấp Giấy phép môi trường, chủ dự án phải đảm bảo được thẩm định đánh giá về mặt pháp lý.
Thứ bảy, Dự thảo Luật quy định về phân loại rác thải và thu tiền rác thải theo khối lượng, thể tích hoặc chủng loại. Tuy nhiên, quy định này chưa thể chế hóa đầy đủ nguyên tắc coi chất thải thông thường là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất; nguyên tắc xã hội hóa các hoạt động BVMT. Dự thảo Luật chưa quy định thúc đẩy việc phân loại rác thải; việc khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường mua bán rác thải; thị trường mua bán các sản phẩm tái chế từ rác thải sau phân loại.
Thứ tám, Điều 60 Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng có quyền ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế… được phạt tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, quy chế đã ban hành theo thẩm quyền; tiền phạt được sử dụng để thực hiện các hoạt động giữ gìn vệ sinh, BVMT. Có thể thấy, đây là quy định khá mới. Chúng tôi cho rằng, cần xem xét sự phù hợp của quy định này với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Nếu Dự thảo Luật bổ sung quy định này dưới dạng mới hoàn toàn thì có thể áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật để giữ quy định này. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa luận giải rõ, nơi công cộng là những nơi nào? có bao gồm khu đô thị do tư nhân thành lập hay một số dự án của nhà đầu tư nước ngoài tự đặt ra và xử phạt như ở Formosa, Hà Tĩnh mấy năm trước hay không? Hơn nữa, khoản 4 Điều 168 Dự thảo Luật quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại nơi công cộng”. Như vậy, có thể thấy, có nhiều chủ thể tham gia vào việc xử phạt này.  Thứ chín, Mục 6 Chương VI quy định về quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác là còn quá sơ sài.Như chúng ta biết, bụi, khí thải ở Việt Nam chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng gây ra. Do vậy, cần phải kiểm soát được nguồn phát thải: với phương tiện giao thông cần nâng cao quy chuẩn về khí thải với phương tiện giao thông nhập mới hoặc sản xuất mới trong nước theo hướng đẩy nhanh hơn lộ trình thực hiện theo quy chuẩn khí thải, tiếng ồn của khu vực và quốc tế; với những phương tiện giao thông đã qua sử dụng không đạt tiêu chuẩn về khí thải phải quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông, các nhà sản xuất trong việc thực hiện các chính sách về đổi sản phẩm, thu hồi sản phẩm trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và nhà sản xuất…; đối với bụi thì phải quy định về trách nhiệm của các chủ thể làm phát sinh nguồn bụi, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc phòng ngừa, giảm thiểu nguồn bụi, trách nhiệm của các chủ đầu tư, cơ quan xây dựng trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động xây dựng, trách nhiệm của các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải, của thanh tra giao thông, môi trường trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động của phương tiện giao thông….
Thứ mười, Điều 72 Dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng về việc cấm nhập khẩu các mặt hàng phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh cũ đã sử dụng quá 10 năm. Do vậy, các tác giả cho rằng, Dự thảo Luật vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu, chưa quy định cụ thể về cấm nhập khẩu các đồ điện tử, điện lanh, phương tiện giao thông cũ đã sử dụng quá 10 năm là chưa hợp lý và làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.
Thứ mười một, khoản 3 Điều 133 Dự thảo Luật quy định: “Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường…”. Các tác giả cho rằng, quy định về việc ủy quyền này là không cần thiết bởi việc ủy quyền này đã được quy định trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.
Thứ mười hai, Dự thảo Luật quy định có 4 hình thức giải quyết tranh chấp là: tự thỏa thuận giữa các bên; hòa giải; giải quyết tranh chấp tại trọng tài; giải quyết tranh chấp tại tòa án. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa quy định rõ các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức nào nêu trên để giải quyết hay phải tuần tự giải quyết từng bước, từ tự thỏa thuận không được mới đến hòa giải; hòa giải không được mới chọn trọng tài hoặc tòa án? Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng chưa quy định rõ Trọng tài giải quyết tranh chấp môi trường là Trọng tài nào? Hiện nay, Việt Nam chưa có Trọng tài về môi trường; trong khi đó, Trọng tài thương mại lại không chuyên về giải quyết các tranh chấp về môi trường với nhiều đặc thù so với tranh chấp thương mại.            
Ngoài ra, quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường còn khái quát chưa cụ thể, chưa dựa trên tính khả thi của vấn đề này trên thực tiễn để quy định.
3. Kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật, các tác giả có một số kiến nghị sau:    
Thứ nhất, chuyển quy định về giải thích thuật ngữ tại các Chương về Điều 3. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn nội hàm của thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm môi trường như sau: Kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổng thể các hoạt động phòng ngừa, dự báo, theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường, hiện trạng môi trường, sự biến đổi của các thành phần môi trường so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường; ngăn chặn; xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải nhằm đảm bảo sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường không khí thông qua việc xác định nguồn phát thải khí dựa trên sức chịu tải của môi trường không khí nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.
Thứ hai, sửa đổi nguyên tắc thứ nhất của Điều 3 Dự thảo Luật như sau: “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và các tổ chức liên quan, quan tâm đến BVMT có trách nhiệm tham gia phản biện, tham vấn, giám sát, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BVMT”.
- Sửa đổi khoản 9 Điều 4 Dự thảo Luật như sau: Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý ô nhiễm và phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật…;
Thứ ba, bổ sung quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các Ủy ban lưu vực sông trong quyết định các vấn đề liên quan đến tài nguyên, môi trường nước lưu vực sông.
- Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Cục Hàng hải, Cảng vụ, Hải quan, Bộ đội biên phòng trong tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.
- Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, chủ nguồn thải trong phòng ngừa, giảm thiểu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường không khí; quy định về giám sát các tổ chức, cá nhân chủ nguồn khí thải và giám sát các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Thứ tư, bổ sung quy định cụ thể về tham vấn cộng đồng dân cư và các cơ quan liên quan trong ĐTM theo hướng, chủ đầu tư dự án không chỉ tham vấn cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án mà tham vấn cả các tổ chức xã hội, đặc biệt là tham vấn cả các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dự án.
- Bổ sung quy định về giá trị pháp lý của các ý kiến tham vấn đối với quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phối hợp thực hiện tham vấn; vai trò của tổ chức xã hội và truyền thông trong giám sát quá trình tham vấn này.
- Bổ sung quy định về việc thẩm định những tác động đến môi trường của các dự án trước khi được cấp giấy phép môi trường để nâng cao tính hiệu quả của các giấy phép này.
- Bổ sung quy định chỉ nước thải đã qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì mới được xả thải ra môi trường; khi xử lý chất thải đạt quy chuẩn mới được cấp phép xả thải ra môi trường.
Thứ năm, bổ sung quy định cấm nhập khẩu phế liệu dưới mọi hình thức.
Thứ sáu, bổ sung quy định nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và các hệ thống kỹ thuật kèm theo; khuyến khích phát triển thị trường mua bán chất thải sau phân loại, sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải sau phân loại; theo đó các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện pháp luật quy định được mua bán rác thải đã phân loại để tái chế, tái sử dụng.
Thứ bảy, rà soát, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phản biện, góp ý, tham vấn, giám sát việc BVMT của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng như các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải.
Thứ tám, sửa đổi Điều 163 Dự thảo Luật theo hướng bổ sungquy định tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm khởi kiện hoặc tự mình kởi kiện vì lợi ích của cộng đồng.
Thứ chín, sửa đổi Điều 143 Dự thảo Luậttheo hướng mở rộng đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường; theo đó, không chỉ là các dự án có nguy cơ gây thiệt hại lớn mới phải mua bảo hiểm môi trường mà cần quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại cho môi trường bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho chủ nguồn thải khi gây ra thiệt hại và để thu hút sự tham gia các doanh nghiệp bảo hiểm./.

 


[1] Điểm c khoản 1 Điều 33 Dự thảo Luật quy định đối tượng tham vấn là “Các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhóm người không chịu ảnh hưởng của dự án nhưng quan tâm đến dự án và những tác động của dự án”.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (420), tháng 10/2020.)