Quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng

12/10/2020

THƯỢNG TÁ, THS. NGUYỄN VIỆT DŨNG

Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng.

Tóm tắt: Đất quốc phòng là đất được Nhà nước giao cho các đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng.
Từ khóa: Đất quốc phòng, quản lý nhà nước, Bộ Quốc phòng.
Abstract: Land for national defense is the land allocated by the State to the people's armed forces units for use for the purposes of military and national defense according to land use plannings and plans approved by competent authorities to perform their assigned functions and duties, to improve the capacity of national defense and to protect the Fatherland. In the current period, in order to meet the requirements of the national development and protecting the Fatherland in a new situation, it is necessary to review for further improvement of the legal regulations for the effectiveness and efficiency of state management on land for national defense.

 ĐẤT-QUỐC-PHÒNG.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Đất quốc phòng và vai trò của đất quốc phòng
Đất quốc phòng được xác định là đất được Nhà nước giao cho các đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đất quốc phòng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, các khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn ở nước ta. Vai trò của đất quốc phòng luôn gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân, các đơn vị quân đội và được thể hiện ở một số nội dung như:
(1) Đất quốc phòng ở những địa điểm để quân đội trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Việc xây dựng doanh trại, trụ sở làm việc; căn cứ quân sự; công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng; ga, cảng quân sự; xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hoá, thể thao, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng; xây dựng kho bãi của quân đội và xây dựng thao trường, bãi tập bắn, bãi huỷ vũ khí thể hiện rõ nét vai trò này. Việc xây dựng các công trình kể trên thể hiện vai trò trực tiếp đối với hoạt động quốc phòng toàn dân, thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội, có tính chất đe doạ đối với kẻ thù.  
(2) Đất quốc phòng cũng là nơi quân đội thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quốc phòng, thể hiện ở việc xây dựng các trung tâm đào tạo, huấn luyện; bệnh viện, nhà an dưỡng của quân đội; xây dựng nhà công vụ của quân đội; xây dựng các cơ sở giam giữ và giáo dục do Bộ Quốc phòng quản lý. Những nhiệm vụ này không trực tiếp tham gia vào hoạt động phòng thủ hay chiến đấu, nhưng có tác dụng bổ trợ cho các hoạt động kể trên.
(3) Đất quốc phòng chiếm lĩnh vị trí trọng yếu của đất nước. Các vị trí của đất quốc phòng ngoài việc được đặt ở những nơi quan trọng, hiểm yếu để phòng thủ đất nước, còn có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống và hỗ trợ bảo vệ nhân dân trong những trường hợp đặc biệt, đó là các đơn vị quân đội đóng ở các đảo xa có thể hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão biển, hoặc các đơn vị đóng quân ở khu vực miền núi có thể giữ đất, giữ rừng không bị xâm phạm.
(4) Đất quốc phòng được đưa vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần rèn luyện thể lực bộ đội, cải thiện đời sống thông qua việc chăn nuôi, trồng trọt; liên doanh, liên kết, khai thác công trình đã đóng góp một phần ngân sách quốc phòng đảm bảo hoạt động cho quân đội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đất đai, trong đó có đất quốc phòng, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
2. Một số quy định của pháp luật về đất quốc phòng qua các thời kỳ
Luật Đất đai năm 1987 đã có những quy định đối với đất quốc phòng. Điều 38 Luật Đất đai năm 1987 quy định: Việc sử dụng đất vào mục đích quốc phòng phải tuân theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Khi sử dụng đất phải triệt để tiết kiệm và hạn chế đến mức thấp nhất những trở ngại cho việc sử dụng đất đai của vùng lân cận.
Luật Đất đai năm 1993 (khoản 1 Điều 65) quy định đất quốc phòng sử dụng để:(1) Đơn vị đóng quân; (2) Làm các căn cứ không quân, hải quân và căn cứ quân sự khác; (3) Làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt; (4) Làm các ga, cảng quân sự; (5) Làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế; (6) Làm kho tàng của lực lượng vũ trang; (7) Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; (8) Xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang; (9) Xây dựng các công trình quốc phòng khác do Chính phủ quy định.
Khoản 1 Điều 2 và Điều 3 Nghị định số 09/CP ngày 12-02-1996 của Chính phủ về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh nhấn mạnh: Đất quốc phòng sử dụng vào mục đích quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng được Nhà nước giao.
Thông tư liên tịch số 2708/TT-LT ngày 14-10-1997 của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Địa chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/CP ngày 12-02-1996 của Chính phủ về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh (điểm 3 Phần thứ nhất) khẳng định đất quốc phòng sử dụng để: Làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng như sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang thiết bị và đồ dùng chuyên dụng cho quốc phòng hoặc đất thuộc các công trình này có kết hợp một phần phục vụ kinh tế xã hội do các đơn vị, xí nghiệp quốc phòng sử dụng là đất quốc phòng.
Luật Đất đai năm 2003 (khoản 1 Điều 89) quy định đất quốc phòng sử dụng để: (1) Đơn vị đóng quân; (2) làm căn cứ quân sự; (3) làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng; (4) làm ga, cảng quân sự; (5) làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; (6) làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; (7) làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi huỷ vũ khí; (8) xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; (9) làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; (10) làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng quản lý; (11) xây dựng các công trình quốc phòng khác do Chính phủ quy định.
Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 tại khoản 4, 5, 6 Điều 83 quy định như sau:
- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định.
- Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi để giao cho người khác sử dụng. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất quốc phòng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng đã được xét duyệt thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Đất do các đơn vị vũ trang nhân dân đang sử dụng nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng đã được xét duyệt thì phải bàn giao cho địa phương quản lý.
- Đối với diện tích đất do hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng làm nhà ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì phải do các doanh nghiệp quốc phòng sử dụng và phải chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Bộ Quốc phòng xét duyệt; mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất phải được xác định trong phương án sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp quốc phòng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
So với Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 đã bổ sung mục đích sử dụng đất quốc phòng để làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và đất quốc phòng làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2003 đã bỏ cụm từ “quốc phòng kết hợp làm kinh tế” trong mục đích sử dụng “đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng”. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2003 lại không có quy định chuyển tiếp đối với đất quốc phòng đã sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 thì được xử lý như thế nào và cũng không quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý đất quốc phòng. Vì vậy, thiếu cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng đất quốc phòng kết hợp với kinh tế và xử lý đất quốc phòng đã sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế.
Để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý nêu trên và bảo đảm cho Quân đội nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, ngày 12-9-2003, Chính phủ đã ban hành Công văn số 1231/CP-ĐMDN về việc xử lý đất quốc phòng ở các doanh nghiệp quân đội thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, các doanh nghiệp quân đội thực hiện cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần, đang sử dụng diện tích đất đã được quy hoạch cho Bộ Quốc phòng, vẫn được tiếp tục sử dụng nhưng phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng. Giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc thực hiện theo quy định hiện hành; trường hợp đặc biệt Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngày 04/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1869/TTg-KTN về cơ chế sử dụng đất quốc phòng. Theo đó, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1231/CP-ĐMDN ngày 12-9-2003; đối với đất do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đang sử dụng, không có tranh chấp nhưng chưa sử dụng ngay cho mục đích quốc phòng thì Bộ Quốc phòng có phương án giao cho các đơn vị và doanh nghiệp quân đội sử dụng vào mục đích kinh tế phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Luật Đất đai năm 2013 (Điều 61, khoản 1 Điều 148) quy định Nhà nước thu hồi đất để làm đất quốc phòng trong các trường hợp: (1) Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc; (2) Xây dựng căn cứ quân sự; (3) Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng; (4) Xây dựng ga, cảng quân sự; (5) Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng; (6) Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; (7) Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; (8) Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; (9) Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; (10) Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng quản lý.
Luật Đất đai năm 2013 (khoản 2 Điều 10, Điều 61) quy định đất quốc phòng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp; cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng cơ bản được áp dụng như các loại đất khác trong nhóm đất này. Ngoài mười mục đích sử dụng nêu trên, đất quốc phòng không được phép sử dụng vào mục đích khác.
Theo tác giả, việc quy định đất quốc phòng chỉ được sử dụng vào các mục đích nêu trên là chưa phù hợp, chưa thống nhất, đồng bộ với nguyên tắc hoạt động quốc phòng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, đảm bảo nguồn lực đất đai cho quốc phòng để Quân đội nhân dân thực hiện và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại khoản 4 Điều 3, khoản 1 Điều 15, khoản 2 Điều 25, Điều 31 và Điều 32 Luật Quốc phòng năm 2018.
Trên thực tế, căn cứ vào Luật Đất đai năm 1993 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên, Bộ Quốc phòng đã đưa một phần đất quốc phòng sử dụng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế góp phần rèn luyện thể lực bộ đội, cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ thông qua chăn nuôi, trồng trọt; liên doanh, liên kết, khai thác công trình, đóng góp một phần ngân sách quốc phòng đảm bảo hoạt động cho quân đội. Việc đưa đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực là tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai năm 1993. Mặc dù việc đưa đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế sau khi Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, thực tiễn khách quan và cơ chế sử dụng đất quốc phòng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng lại không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013. Đây là thực trạng khách quan trong xây dựng và thi hành pháp luật về đất đai, cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất quốc phòng; là những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý mà trong những năm qua chưa giải quyết được, cần phải tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, trong đó điều chỉnh về cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong thời gian tới khi sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.
3. Quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng qua các thời kỳ và một số kiến nghị
Luật Đất đai năm 1987 (Điều 6) và Nghị định số 30-HĐBT ngày 23-3-1989 của Hội đồng bộ trưởng về việc thi hành Luật Đất đai (Điều 18) quy định, Quốc hội thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong cả nước. Hội đồng bộ trưởng thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, bảo vệ và cải tạo đất đai. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với đất đai trong địa phương mình theo thẩm quyền được quy định trong Luật này. Thủ trưởng các ngành trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình tổ chức và quản lý việc sử dụng đất đai do Nhà nước giao cho các tổ chức thuộc ngành mình sử dụng. Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương và địa phương có nhiệm vụ giúp Hội đồng bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm tổ chức và quản lý việc sử dụng đất đai do Nhà nước giao cho các tổ chức thuộc ngành mình sử dụng theo những nội dung sau đây: (1) Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của ngành; (2) Xét duyệt các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thiết kế chuyên ngành có liên quan đến đất đai theo phân cấp; (3) Quy định các chế độ, thể lệ sử dụng đất đai có liên quan đến hoạt động chuyên ngành theo thẩm quyền; (4) Thanh tra việc sử dụng đất đai trong ngành.
Luật Đất đai năm 1993 (Điều 7, Điều 8, Điều 9) và Nghị định số 09/CP ngày 12-02-1996 của Chính phủ quy định về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh (Điều 3): Quốc hội thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong cả nước. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền quyết định, quyền giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai trong địa phương mình. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong cả nước. Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về đất đai trong địa phương mình theo thẩm quyền được quy định tại Luật này. Thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai ở địa phương chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc quản lý nhà nước về đất đai. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đất do Nhà nước giao cho các tổ chức trực thuộc Bộ, ngành mình. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng được Nhà nước giao.
Luật Đất đai năm 2003 (Điều 6, Điều 7) và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP (Điều 8) quy định: Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai. Quốc hội ban hành pháp luật về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cả nước; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước. Chính phủ quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng; thống nhất quản lý về đất đai trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về đất đai. Hội đồng nhân dân các các thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được thành lập thống nhất từ trung ương đến cơ sở gắn với quản lý tài nguyên và môi trường, có bộ máy tổ chức, cụ thể: (1) Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường; (2) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường; (3) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường; (4) Xã, phường, thị trấn có cán bộ địa chính; (5) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường; hướng dẫn việc bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn; quy định nhiệm vụ và tiêu chuẩn của cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn; (6) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương và bố trí cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.
Luật Đất đai năm 2013 (Điều 23, Điều 24) quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Đất đai, các Luật khác có liên quan.
Bộ, cơ quan ngang Bộ không có chức năng thống nhất quản lý nhà nước, chỉ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được quy định trong các luật, nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ và phân công, phân cấp, giao quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Về nguyên tắc, từng Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước một ngành, một lĩnh vực hoặc đa ngành, đa lĩnh vực hoặc một ngành nhưng đa lĩnh vực.
Theo tác giả, việc khoản 2 Điều 23 Luật Đất đai năm 2013 quy định giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai là chưa đảm bảo rõ ràng, minh bạch, sát với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Luật Đất đai năm 2013 quy định hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhưng đồng thời lại quy định cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Quốc phòng phải là chủ thể có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, nhưng Điều 24 Luật Đất đai năm 2013 không xác định Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý đất quốc phòng. Điều này là chưa phù hợp, logic với Điều 23 Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, các Nghị định quy đinh chi tiết thi hành Luật Đất đai chưa có điều khoản nào quy định thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý đất quốc phòng.
Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ thì Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, đất quốc phòng; quản lý việc bảo vệ bí mật nhà nước và quốc phòng theo quy định của pháp luật. Như vậy, tại Nghị định này, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý đất quốc phòng. Tác giả cho rằng, quy định này phù hợp với nội dung của khoản 2 Điều 23 Luật Đất đai năm 2013. Cho đến nay, phạm vi, nội dung, phương thức quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng của Bộ Quốc phòng chưa được quy định rõ ràng, chưa thể hiện tính đặc thù trong phân công, phân cấp, giao quyền quản lý nhà nước, mục đích, tính chất sử dụng đất quốc phòng và vị trí, vai trò, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý các nguồn lực vật chất, trong đó có nguồn lực đất đai đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn chung, trách nhiệm, quyền hạn quản lý nhà nước về đất quốc phòng hiện nay chưa được rõ ràng, không rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng đến đâu và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến đâu, chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi trong thi hành pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng trong thời gian qua.
Thực tiễn hiện nay, Bộ Quốc phòng đang làm nhiệm vụ giúp và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất quốc phòng và tài sản nhà nước gắn liền với quyền sử dụng đất quốc phòng, nhưng chưa được pháp luật về đất đai quy định cụ thể. Do đó, Bộ Quốc phòng thiếu cơ sở pháp lý để hoàn thành trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đất quốc phòng. Tại cuộc họp với Ban thường vụ Quân ủy Trung ương ngày 12-9-2020, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quản lý đất đai (đất quốc phòng); Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương về quản lý đất quốc phòng trong một số kết luận gần đây.
Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng cần tăng cường, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh cơ chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo nguồn lực đất đai cho Quân đội nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc một cách tốt nhất trong mọi tình huống; đồng thời đây cũng là trách nhiệm chung của các ban, bộ, ngành, ủy ban ở trung ương trong phối hợp thực hiện tham mưu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Theo tác giả, cần tham mưu để quy định rõ những vấn đề, nội dung: (1) Đưa ra khái niệm chính xác, khoa học, rõ ràng về đất quốc phòng; (2) Phân loại đất quốc phòng phù hợp với chủ thể quản lý, sử dụng, tính chất bảo mật về loại đất, vị trí, diện tích, công trình, dự án, vật kiến trúc dưới lòng đất và trên mặt đất quốc phòng; (3) Đất quốc phòng được sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng và hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội để Nhà nước đảm bảo nguồn lực vật chất cho Quân đội nhân dân và các đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện và hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình; (4) Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương đối với đất quốc phòng có thẩm quyền, trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về đất quốc phòng; (5) Phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền giao đất, thu hồi đất quốc phòng và một số chính sách khác về đất quốc phòng.
Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng cần phải tuân thủ các yêu cầu sau:
- Dưới góc độ bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, vị trí, diện tích, công trình, dự án, vật kiến trúc dưới lòng đất, trên mặt đất gắn liền với đất quốc phòng thuộc diện bí mật nhà nước và cần phải có cơ chế quản lý đặc thù, khác với cơ chế mang tính phổ quát chung, nhằm đảm bảo cho Quân đội nhân dân thực hiện và hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Nội dung và phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực quốc phòng rất rộng, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (giữ nước) và đồng thời với nhiệm vụ xây dựng đất nước. Vì vậy, đất quốc phòng được Nhà nước giao theo quy hoạch, kế hoạch phải được sử dụng vào mục đích khác nhau, không liệt kê, bó hẹp theo Điều 61 Luật Đất đai năm 2013 để phù hợp với yêu cầu Nhà nước đảm bảo nguồn lực đất đai cho Quân đội nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và được quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở theo hệ thống ngành quốc phòng.
- Phạm vi, nội dung và phương thức quản lý đất quốc phòng cần được nghiên cứu để phục vụ việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết để hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, phân công, phân cấp, giao quyền quản lý nhà nước kết hợp giữa quản lý ngành, lĩnh vực với quản lý địa bàn lãnh thổ đảm bảo rõ ràng, minh bạch, thông suốt, không để khoảng trống, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cơ sở các yêu cầu trên, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng cần được thực hiện theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất quốc phòng; Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng. Phạm vi nội dung quản lý nhà nước về đất quốc phòng bao gồm: (1) Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng và tổ chức thực hiện văn bản đó; (2) Khảo sát, đo đạc, xác định ranh giới, lập và quản lý hồ sơ, thống kê, kiểm kê, xây dựng hệ thống thông tin bản đồ đất quốc phòng; (3) Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; (4) Quản lý việc giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bàn giao đất quốc phòng; (5) Quản lý tài chính về đất quốc phòng sử dụng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; (6) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất quốc phòng; (7) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật về đất quốc phòng; (8) Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng.
Trong tình hình mới, với sự biến đổi của xã hội dẫn đến các chính sách pháp luật về đất quốc phòng cũng cần có những thay đổi cho phù hợp để Nhà nước đảm bảo nguồn lực đất đai cho Quân đội nhân dân hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Để giải quyết những vấn đề trước mắt khi chưa sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, cần rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, toàn diện về các yếu tố vật chất của nền quốc phòng, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng công trình có tính lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới về đất quốc phòng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thực thi pháp luật./. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (416), tháng 8/2020.)


Ý kiến bạn đọc