Chủ nghĩa hợp hiến tích cực

01/02/2013

BÙI NGỌC SƠN

Đại học Quốc gia Hà Nội, NCS Đại học Hong Kong

1. Đam mê và giới hạn: nhìn lại chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực
Alexander Hamilton - triết gia chính trị và nhà lập hiến Mỹ, nói trong tập Người Liên bang, số 15, rằng: “Tại sao chính quyền được thành lập? Bởi vì đam mê của con người sẽ không tuân theo mệnh lệnh của lý trí và công lý nếu không có giới hạn”[1]. Người cùng thời James Madison cũng có tuyên bố nổi tiếng trong Người Liên bang, số 51 “Trong việc xây dựng chính quyền để con người quản lý con người, khó khăn lớn nhất là ở chỗ: chính quyền, trước tiên, phải kiểm soát được dân chúng; và tiếp theo, chính quyền phải kiểm soát được mình”[2].
Quan ngại về kiểm soát hay giới hạn quyền lực của chính quyền xuất phát từ cách nhìn bi quan về bản tính đam mê quyền lực của con người. Một học giả Mỹ viết: “Về bản chất, hiến gia[3] là những người bi quan. Bất cứ quan niệm nào về chủ nghĩa hợp hiến và bất cứ những áp lực tương ứng nào về việc soạn thảo hiến pháp thường bắt nguồn từ một niềm tin về bản tính suy đồi và vô thập toàn cố hữu của con người. Quan tâm chủ yếu của hiến gia là nếu có cơ hội hầu hết mọi người đều chọn lạm dụng người khác trong khi cố gắng để giữ lại quyền lực cá nhân của mình”[4].
Chủ nghĩa bi quan này có thể truy nguyên về tư tưởng của những nhà khai sáng. Triết gia người Anh Thomas Hobbes diễn đạt một cách mạnh mẽ và rõ ràng trong danh tác Thủy quái: “Trước hết tôi kể trong xu hướng tổng quát của loài người một sự thèm khát thường trực, khôn nguôi hết quyền lực này đến quyền lực khác, mà nó chỉ chấm dứt cùng với cái chết”[5]. Do vậy, ý tưởng về giới hạn quyền lực được hình thành, như sự giải thích của nhà tư tưởng danh tiếng người Pháp - C.S. Montesquieu trong Tinh thần Pháp luật: “Kinh nghiệm thường xuyên cho chúng ta thấy rằng, ai có quyền cũng có xu hướng lạm quyền. Để tránh sự lạm quyền, quyền lực cần phải ngăn chặn quyền lực”[6].
Những nhà khai quốc của nước Mỹ là những người ủng hộ nhiệt thành tư duy chính trị tự do của thời kỳ Khai sáng. Điều này tiêu biểu ở cách nhìn bi quan về bản tính con người và các yêu cầu tương ứng về các giới hạn hiến pháp đối với quyền lực. James Madison cho rằng “Chính phủ là gì nếu không phải là sự phản ánh tốt nhất bản tính con người? Nếu con người là thiên thần, chính phủ sẽ không cần thiết. Nếu thiên thần cai quản con người, cũng không cần phải có những sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với chính phủ”[7]. Có lẽ Madison lấy nguồn cảm hứng từ khẳng định này của triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau “Nếu có một quốc gia của thánh thần, nó sẽ được cai trị một cách dân chủ. Một chính phủ hoàn thiện như vậy không phù hợp với con người”[8]. Trong một cách nhìn bi quan tương tự, Thomas Jefferson nói: “trong các vấn đề quyền lực, đừng tin gì nữa vào con người, mà phải trói buộc những điều ác của anh ta bằng dây xích hiến pháp”[9]. Tổng thống George Washington cũng cảnh báo đồng bào mình rằng “sự đam mê quyền lực, xu hướng lạm quyền thống trị trái tim nhân loại” có tiềm năng dẫn nước Mỹ đến “một nền chuyên chế thực sự” và vì vậy “cần có sự kiểm tra lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực chính trị”[10].
Chủ nghĩa hợp hiến, được quan niệm dựa trên cách nhìn tiêu cực về bản tính con người, chính quyền và hiến pháp, được gọi là chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực. Do sự ảnh hưởng rộng rãi của chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực, các văn thức “giới hạn” (limitation), “hạn chế” (restraint), “kiểm soát” (control) trở thành xu hướng phổ biến trong các thảo luận quốc tế về chính quyền hợp hiến[11].
Có những lý do thực tế của việc nhấn mạnh đến những giới hạn hiến pháp đối với chính quyền. Đối với các nhà khai sáng, có lẽ nỗi ám ảnh của các nhà quân chủ độc tài trung cổ dẫn đến niềm tin tiêu cực vào bản tính con người và các kêu gọi về giới hạn quyền lực. Đối với các nhà khai quốc Mỹ, chế độ thuộc địa của Anh được mô tả trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ như tất cả chỉ hướng đến “thiết lập ách chuyên chế bạo ngược ở những bang này” là nguyên nhân thực tế cho những khao khát về giới hạn quyền lực nhà nước bằng hiến pháp. Đối với các nền dân chủ chuyển đổi hồi cuối thế kỷ trước, trải nghiệm của các chế độ độc đoán trước đó có thể được lý giải như là nguyên nhân của các nỗ lực giới hạn quyền lực chính phủ. Graham Walker, nhà nghiên cứu hiến pháp và chính trị học người Mỹ,  nói: “quá trình chuyển đổi chính trị đáng nhớ đã diễn ra ở các vùng khác nhau của thế giới. Hầu hết các vùng này đều đã từng tồn tại chế độ độc tài hoặc các hình thức tương tự, và điều này dẫn đến sự tái sinh những mong muốn về chủ nghĩa hợp hiến”[12].
2. Chủ nghĩa hợp hiến tích cực
Các hiến gia, trong các nỗ lực giới hạn quyền lực, vô tình hay hữu ý, đang vẽ lên một bức tranh tối màu về bản tính con người, chính quyền và hiến pháp: nhấn tính bản ác, chính quyền phải được xích lại, hiến pháp là sợi dây xích. Có thể nào chủ nghĩa hợp hiến lại hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa bi quan? Có thể hình dung về một chủ nghĩa hợp hiến với một cách nhìn tích cực hơn về bản tính con người, chính quyền và hiến pháp? Trong học thuật quốc tế, dù không nhiều, nhưng đã có những thách thức đối với chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực.
Từ sớm, Leslie Lipson, nhà nghiên cứu chính trị học ở Đại học California, Berkeley (Mỹ), đã đặt vấn đề: “Một số người quá lo ngại về lạm dụng quyền lực đến mức bức tranh của họ về chủ nghĩa hợp hiến là hàng loạt những điều cấm đoán. Theo đó, pháp quyền biến thành một loạt những điều tiêu cực. Kiểm tra, kiểm soát, hạn chế, giới hạn trở thành bản chất của chủ nghĩa hợp hiến và sự bảo vệ chính yếu đối với tự do của con người. Nhưng có thể vì chú ý quá mức tới sự lạm quyền khiến chính quyền hợp hiến tự làm hỏng mục đích của nó không?”[13].
Gần đây hơn, Stephen Holmes, một nhà hiến pháp học nổi tiếng ở Đại học New York, Mỹ có lẽ là người có tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng nhất phê bình chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực và đề xuất loại hình chủ nghĩa tích cực, dù ông là người bảo vệ chủ nghĩa tự do - người bạn đồng hành của chính phủ hữu hạn. Học giả này lo lắng rằng: “những văn thức phổ biến về kiểm tra, ngăn chặn, giới hạn, hạn chế tất cả đều coi hiến pháp như là một công cụ tiêu cực được sử dụng để chống lạm quyền”[14].
Holmes định nghĩa chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực (negative constitutionalism) như là “một học thuyết coi hiến pháp chủ yếu là một công cụ có tính chất ngăn ngừa và giới hạn, có mục đích kiểm tra hoặc hạn chế độc tài và các hình thức lạm dụng quyền lực khác”[15]. Học giả này phê bình chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực là “một trong những trở ngại lớn nhất cho việc khám phá về mặt lý thuyết có tính hữu dụng mối quan hệ giữa chủ nghĩa hợp hiến và dân chủ”[16]. Holmes sau đó chỉ ra rằng: “điều mà chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực đã bỏ qua là một bản hiến pháp có thể xác lập các thể chế, phân bổ các tránh nhiệm, xác định các mục đích, và làm cho quốc gia có thể quản trị được”[17].
Không hài lòng với chủ nghĩa hợp hiến tiêu cực, Stephen Holmes đề xuất quan niệm về chủ nghĩa hợp hiến tích cực (positive constitutionalism) với những cảm hứng lý thuyết từ triết gia Pháp Jean Bodin (1530-1596) và triết gia Anh John Stuart Mill (1806-1873). Holmes coi Bodin là “cha đẻ của chủ nghĩa hợp hiến tích cực”[18], người đã quan niệm rằng một hiến pháp là một văn bản có tính cách xúc tiến hơn là giới hạn và vì vậy “chủ quyền có thể được củng cố hơn là bị lật đổ bởi các giới hạn hiến pháp”[19]. Theo Holmes, Stuart Mill cũng là người ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến tích cực vì tác phẩm Chính phủ Đại diện của ông ta “thu hút sự chú ý về chức năng sáng tạo hơn là giới hạn của các hiến pháp dân chủ tự do”[20]. Holmes giải thích rõ thêm: “Mill ủng hộ chính phủ đại diện vì tiềm năng sáng tạo của nó chứ không phải chỉ là việc nó là một bảo đảm chống lại độc tài và suy đồi… Các cải cách thể chế mà Mill ủng hộ, vì vậy, có mục đích không chỉ ở việc bảo vệ quyền cá nhân và tăng cường phát triển cá nhân. Quan trọng hơn, chúng có mục đích xúc tiến sự tiến bộ của nhận thức hữu ích có tính cách công cộng”[21].
Đi theo lý thuyết của Bodin và Mill, Holmes kêu gọi xem xét nghiêm túc phương diện tích cực của chủ nghĩa hợp hiến. Holmes cho rằng, hiến pháp không chỉ giới hạn quyền lực độc tài mà là một văn bản đa chức năng: nó có thể xây dựng quyền lực, định hướng quyền lực theo những mục đích mà xã hội mong muốn, ngăn ngừa rối loại xã hội và đàn áp cá nhân, xác lập các quy tắc cho sự vận hành có tính cách tập thể của nền dân chủ, xây dựng một nền tảng thể chế cho quá trình quyết định chính sách sáng suốt, vận động các nguồn lực công cộng để giải quyết các vấn đề công cộng[22]… Homes, cuối cùng kết luận: “các quy tắc hiến pháp làm cho khả thi chứ không phải làm cho bất khả thi”[23].
Tiến đến một cách nhìn tích cực hơn về chủ nghĩa hợp hiến, Holmes đề nghị cần phải quan niệm lại về “giới hạn”. Theo đó, giới hạn có tính cách tích cực hơn là tiêu cực. Holmes viết: “giới hạn không nhất thiết làm yếu quyền lực; nó có thể làm cho quyền lực mạnh lên… Các hiến pháp, hơn nữa, có thể ràng buộc theo một cách thức làm cho những khả năng chưa từng có xảy ra”[24]. Holmes lấy vấn đề phân chia quyền lực để minh họa. Học giả này cho rằng phân chia quyền lực không hẳn là một cơ chế tiêu cực để chống lạm quyền: “Giống như các quy tắc hiến pháp khác, phân chia quyền lực có thể củng cố quyền lực của chính phủ. Nó có thể tháo gỡ những sự trùng lắp về thẩm quyền, phân loại các thẩm quyền không rõ ràng, giúp vượt qua những sự nhập nhằng về chức năng. Như là một hình thức phân công lao động chính trị, nó có tính cách sáng tạo theo nghĩa rằng sự chuyên môn hóa tăng cường sự nhậy bén đối với các vấn đề xã hội đa dạng”[25].
3. Vấn đề và triển vọng
Lý thuyết của Holmes về chủ nghĩa hợp hiến tích cực gợi mở một cách nhìn tươi sáng hơn về chủ nghĩa hợp hiến và hiến pháp. Holmes giúp chỉ ra hiến pháp là một văn bản đa chức năng, không chỉ là một công cụ tiêu cực đơn thuần giới hạn quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, lý thuyết của Holmes có một số vấn đề cần được thảo luận.
Trong khi Holmes đi đúng hướng khi vạch ra một cách nhìn tích cực hơn về chủ nghĩa hợp hiến, Holmes tự làm yếu lập luận của mình bằng việc đơn giản quan niệm lại về “giới hạn” theo nghĩa tích cực: làm mạnh chứ không làm yếu quyền lực. Có lẽ mô thức “giới hạn” đã được xác lập đủ lâu, vững chắc và phổ biến trong học thuật hiến pháp học thế giới đến mức, mặc dù muốn hướng tới phương diện tích cực của chủ nghĩa hợp hiến, Holmes không thể từ bỏ quan niệm về “giới hạn” mà giản đơn định nghĩa lại “giới hạn” theo một cách thức tích cực. Kỳ thực, rất mạo hiểm cho một hiến gia tư duy về chủ nghĩa hợp hiến mà không có quan niệm về giới hạn. Tuy nhiên, khi cho rằng giới hạn không có mục tiêu làm yếu mà làm mạnh quyền lực, có lẽ Holmes xa rời mục đích thực sự của chủ nghĩa hợp hiến.
Chủ nghĩa hợp hiến không có mục đích làm yếu hay làm mạnh quyền lực. Chủ nghĩa hợp hiến không hướng đến quyền lực mạnh hay quyền lực yếu mà là quyền lực chính đáng. Bản chất của chủ nghĩa hợp hiến là một trật tự chính trị - pháp lý bảo đảm một nền quy chuẩn và cấu trúc được xác lập theo lý tính mà dựa trên đó chính quyền có thể quan hệ một cách chính đáng với dân chúng. Tính chính đáng của quan hệ được xác định bởi việc nhà cầm quyền có trách nhiệm đối với các tiêu chuẩn công cộng thay vì tự do theo đuổi những mục đích riêng tư. Một học giả phương Tây đã nhấn mạnh “Bất kể một chính quyền nào thực sự cam kết về mặt lý thuyết cũng như thực hành đối với chủ nghĩa hợp hiến dưới bất cứ hình thức nào - đặc biệt là hình thức dân chủ - đều phải gắn kết với nguyên tắc trách nhiệm theo tất cả các nghĩa của nó”[26].
Để bảo đảm quyền lực chính đáng hay trách nhiệm của chính quyền đối với các chuẩn mực công cộng, cả các giới hạn tiêu cực và các sắp xếp, phân phối tích cực đều cần thiết. Ẩn dụ thú vị của Leslie Lipson vẫn hữu dụng để hình dung về chủ nghĩa hợp hiến: “Đóng yên cương một con ngựa là một việc, và cột chân nó lại là một việc khác. Kiểm soát công việc của chính quyền là một việc và làm tê liệt chính quyền đó là một việc khác… Nhà nước phải được hình dung như một con kênh trong đó quyền lực chính trị có thể chảy ra và phát ra năng lực để phụng sự loài người, hơn là một chiếc đập để ngăn cản nó lại”[27].
Chủ nghĩa hợp hiến có cả phương diện tích cực và tiêu cực mà mục đích của nó chỉ là một: giữ cho chính quyền có trách nhiệm đối với các chuẩn mực công cộng. Những giới hạn tiêu cực không có mục đích làm tê liệt chính quyền bằng việc rút đi các công cụ quản trị cần thiết của nó. Các giá trị chung thường nhạy cảm đối với ý chí riêng, và vì vậy, các giới hạn tiêu cực bảo đảm quyền lực được sử dụng vì các chuẩn mực công cộng trong khi loại bỏ khả năng theo đuổi các mục đích riêng tư. Phương diện tích cực của chủ nghĩa hợp hiến bao gồm các sắp xếp, phân phối việc sử dụng quyền lực. Những hình thức tích cực này không có ý làm mạnh quyền lực. Ngược lại, một nền tảng quy chuẩn và cấu trúc dựa trên lý tính sắp xếp, phân phối việc sử dụng quyền lực thúc đẩy chính quyền tiến lên phía trước theo những định hướng và mục đích chính đáng để bảo đảm trách nhiệm của nó đối với các chuẩn mực công cộng. 
Một vấn đề khác trong lý thuyết của Holmes là trong khi tập trung vào chức năng tích cực của hiến pháp, Holmes đã bỏ qua việc xem xét cách nhìn tích cực đối với bản tính con người. Xét tổng thể, tư duy về phương diện tích cực của chủ nghĩa hợp hiến đòi hỏi tư duy tương ứng về các phương diện tích cực của bản tính con người, chính quyền, và hiến pháp.
Trước tiên, có thể quan niệm về chủ nghĩa hợp hiến với cách nhìn về phương diện tích cực của bản tính con người không? Bản tính con người là chủ đề hóc búa gây nhiều tranh cãi chưa có hồi kết trong các lý thuyết đạo đức, chính trị và luật pháp[28]. Tuy nhiên, bất luận bản tính con người thế nào, con người vẫn là thực thể có thể giáo dục, có thể được định hướng để làm điều tốt. Ngay cả người bảo vệ một cách nồng nhiệt nhất giả thuyết nhấn tính bản ác như triết gia Trung Quốc Tuân Tử cũng thừa nhận rằng “người ngoài đường [một người bình thường] có thể trở thành Đại Vũ [một thánh vương]”[29]. Đời sống chính trị vẫn không biến mất các hành động chính đáng. Vì vậy, chủ nghĩa hợp hiến không thể chỉ được nhìn nhận với việc kìm chế các hành động lạm quyền; hơn thế, để bảo đảm trách nhiệm của chính quyền đối với các chuẩn mực công cộng, vẫn có khả năng xúc tiến các hành động chính trị chính đáng dựa trên một niềm tin vào tính có thể định hướng đến điều tốt của con người.
Chủ nghĩa hợp hiến cũng có thể dung hợp được với một cách nhìn tích cực hơn về chính quyền. Hai nhà kinh tế học người Mỹ, Daron Acemoglu ở Học viện Công nghệ Massachusetts và James A. Robinson ở Đại học Harvard, trong cuốn sách gây tiếng vang lớn trên thế giới gần đây, Why Nations Fail (Tại sao các quốc gia thất bại) đưa ra những chứng cứ thực nghiệm cho thấy, trong khi sự giới hạn thường xuyên đối với quyền lực tuyệt đối là không thể từ bỏ, chính phủ hiệu năng với quyền lực cần thiết để thực thi pháp luật, duy trì trật tự, cung cấp các dịch vụ công, khuyến khích và điều chỉnh các hoạt động kinh tế, là một điều kiện quan trọng cho quốc gia thành công[30].
Quan niệm về các phương diện tích cực của nhân tính và chính quyền dẫn đến quan niệm tương ứng về hiến pháp. Mô phỏng theo ẩn dụ của Leslie Lipson, hiến pháp có thể được hình dung như một con kênh, không phải một con đập. Hiến pháp không phải là một con đập để ngăn chặn quyền lực mà là một con kênh giữ cho quyền lực chảy thông suốt theo đúng hướng, đúng mục tiêu, giải phóng năng lượng của nó để phụng sự con người. Holmes đã minh họa bằng việc xem xét các quy tắc trong hiến pháp về phân quyền theo một cách thức tích cực. Có thể bổ sung bằng những xem xét tích cực các quy định của hiến pháp về: quyền con người, chế độ bảo hiến, và thể chế liêm chính.
Trước tiên, quyền con người có thể được quy định theo một lối tích cực. Trong tư duy tiêu cực, quyền con người được coi như các giới hạn đối với hành động của nhà nước. Đặc biệt các quyền chính trị, dân sự được xác lập trong hiến pháp tự do truyền thống như những giới hạn mà nhà nước không được xâm phạm. Những tiến triển về nhân quyền đi xa hơn để đòi hỏi nhà nước không chỉ không được xâm phạm mà còn xúc tiến nhân quyền. Do vậy, hiến pháp không thể chỉ cấm đoán nhà nước xâm phạm nhân quyền; nó có thể cần đi xa hơn để xác định một cách tích cực trách nhiệm của nhà nước trong việc xúc tiến nhân quyền. Tư duy này đặc biệt thích hợp đối với việc xúc tiến các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chế độ bảo hiến cũng có thể được nhìn nhận và xác định theo một cách thức tích cực. Các định chế bảo hiến, dù theo mô hình nào, về cơ bản được xác định với các chức năng tiêu cực: xem xét, loại bỏ các hành động vi hiến. Chủ nghĩa hợp hiến có lẽ cần nhiều hơn thế. Nếu con người có thể được định hướng đến các điều tốt, dù nguyên tính thế nào, và nếu chính quyền có thể hành động chính đáng một cách tích cực, chủ nghĩa hợp hiến cần cả việc ngăn ngừa, loại bỏ những hành động vi hiến lẫn việc xúc tiến, khuyến khích, định hướng các hành động hợp hiến. Một định chế bảo hiến, do vậy, cần cả hai loại chức năng tiêu cực và tích cực.
Hiến pháp cũng có thể hình thành thể chế liêm chính theo một cách thức tích cực. Xác lập trong hiến pháp một ủy ban chống tham nhũng có lẽ chỉ phản ánh phương diện tiêu cực của hiến pháp. Thể chế liêm chính trong hiến pháp cần làm nhiều việc hơn là chỉ chống tham nhũng. Thể chế liêm chính trong hiến pháp có thể làm cả việc chống tham nhũng lẫn việc xúc tiến sự minh bạch, trong sạch trong chính quyền. Vì vậy, một ủy ban liêm chính hơn là một ủy ban chống tham nhũng, cần được xác định trong hiến pháp với cả chức năng tiêu cực và tích cực./.

 


[1]Alexander Hamilton, James Madison, John Jay, The Federalist, ed. J. R. Pole (Indianpolis/Cambridge: Hackett Publishing Company, 2005), No.15.
[2]The Federalists, No. 51.
[3]Danh từ tiếng Việt “hiến gia” được tạm dùng để chuyển ngữ từ tiếng Anh “constitutionalist”, một danh từ chỉ những người chủ trương, ủng hộ, hay vận động cho chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism).
[4] Beau Breslin, The Communitarian Constitution (Baltimore and London: The Johns Hopkins University Press, 2004), p. 115.
[5]Thomas Hobbes, Leviathan, ed. Richard E. Flathman & David Johnston (New York, London: W.W. Norton & Company, 1997), p. 55.
[6] Montesquieu, The Spirit of the Laws, trans. Thomas Nugent (New York: Hafner Publishing Company, 1962), p. 150.
[7]The Federalist, No. 51.
[8]Jean-Jacques Rousseau, The Social Contract, trans. Christopher Betts (Oxford: Oxford University Press, 1994), p. 102.
[9]The Papers of Thomas Jefferson, Volume 30, ed., Barbarra B. Oberg (Princeton University Press, 2003), p. 541.
[10]George Washington: A Collection, ed., W.B. Allen (Indianapolis: LibertyClassics, 1988), p. 521.
[11]Xem, ví dụ: Larry Catá Backer, “From Constitution to Constitutionalism: A Global Framework for Legitimate Public Power Systems”, 113 Penn State Law Review(2008-2009), p. 679; Chaihark Hahm, “Ritual and Constitutionalism: Disputing the Ruler’s Legitimacy in a Confucian Polity”, 57 The American Journal of Comparative Law (2009), p. 135; Kam C Wong, “Human Rights and Limitation of State Power: The Discovery of Constitutionalism in The People’s Republic of China” 7 Asia- Pacific Journal on Human Rights and the Law (2006), p. 1-37; O.P Gauba, Constitutionalism in a Changing Perspective (New Delhi: Segment Books, 1996).
[12]Craham Walker, “The Idea of Nonliberal Constitutionalism” in Ian Shapiro and Will Kymlicka (eds), Nomos XXXIX: Ethnicity and Group Rights (New York and London: New York University Press, 1997), p. 154.
[13] Leslie Lipson, The Great Issues of Politics: An Introduction to Political Science (New Jersey: Prentice- Hall, 1960), p. 236.
[14] Stephen Holmes, Passions and Constraint: On the Theory of Liberal Democracy (Chicago: University of Chicago Press, 1995), p. 163.
[15]Stephen Holmes, tlđd, p. 7.
[16] Stephen Holmes, tlđd, p. 7.
[17] Stephen Holmes, tlđd, p. 101.
[18] Stephen Holmes, tlđd, p. 8.
[19] Stephen Holmes, tlđd, p. 8.
[20] Stephen Holmes, tlđd, p. 178.
[21] Stephen Holmes, tlđd, p. 178.
[22]Stephen Holmes, tlđd, p. 6.
[23]Stephen Holmes, tlđd, p. 163.
[24]Stephen Holmes, tlđd, p. 163.
[25]Stephen Holmes, tlđd, p. 165.
[26]Dẫn trong Raymond Polin, Plato and Aristotle on Constitutionalism: An Exposition and Reference Source (Aldershot, England: Ashgate Publishing Ltd, 1998), p. 12.
[27]Leslie Lipson, The Great Issues of Politics, p. 236.
[28]Các giả thuyết khác nhau: nhân tính thiện, nhân tính ác, nhân tính không thiện không ác, nhân tính vừa thiện vừa ác.
[29] John Knoblock, Xunzi: A Translation and Study of the Complete Works, Volume III (Stanford, California: Stanford University Press, 1994), p. 159.
[30] Daron Acemoglu & James A. Romison, Why Nations Fails (UK: Profile Books, 2012), p. 79-81.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2+3(234+235), tháng 2/2013)


Thống kê truy cập

33933375

Tổng truy cập