Hoàn thiện quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013

01/03/2016

TS. NGUYỄN HOÀNG THANH

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Về tổng thể, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi[1] (Dự thảo) đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật Báo chí hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Điểm mới quan trọng của Dự thảo so với Luật hiện hành là bổ sung một chương (Chương II) quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…” (Điều 25 Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, các quy định của Chương này có nhiều điều cần phải bàn thêm.
Untitled_134.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1.  Quy định trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Điều 10 Dự thảo quy định vềquyền tự do báo chí của công dân
       “Công dân có quyền:
       1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.
       2. Cung cấp thông tin cho báo chí.
       3. Phản hồi thông tin trên báo chí.
       4. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.
       5. In, phát hành báo in”.
 
Điều 11 Dự thảo quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân:
       “Công dân có quyền:
       1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
       2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
       3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó”.
Theo chúng tôi, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chílà những quyền tự nhiên, cơ bản của công dân. Đã là quyền tự nhiên, cơ bản thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm thực hiện. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chírất rộng, chứ không chỉ gói trong các nội dung mà các Điều 10, Điều 11 đã liệt kê trên đây. Ví dụ, vềquyền tự do báo chí của công dân, công dân còn có các quyền như: quyền tiếp nhận thông tin từ báo chí, quyền thụ hưởng báo chí, quyền bình luận khen chê các sản phẩm báo chí, quyền trích dẫn các nội dung báo chí, quyền nhân bản, phát tán các sản phẩm báo chí… hoặc có cả quyền tác động, thuyết phục nhà báo hay các cơ quan báo chí tin vào các thông tin hoặc nhận định chủ quan của mình trước một hiện tượng, sự việc nào đó. Hoặc đối với quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, công dân còn có các quyền tự bảo vệ mình trên báo chí, có quyền lên án các hành vi xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của mình, của người khác và của xã hội trên báo chí…
Như vậy, việc liệt kê các quyền tự do báo chí của công dân, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tại Điều 10 và Điều 11 là không đủ. Đó là chưa kể đến nguyên tắc, công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ được làm những gì mà pháp luật liệt kê.
Một thách thức với cơ quan soạn thảo là muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo hướng liệt kê, nhưng quả thực, điều đó là khó khả thi.
Tuy nhiên, nếu không liệt kê như thế, thì Luật Báo chí sẽ không thể quy định được quyền tự do báo chí theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 vì không có nội dung của các quyền. Do vậy, đây là một phương án chấp nhận được.
Song, liệt kê các quyền ra để có nội dung quyền, giúp các chủ thể quyền và đối tượng chịu tác động của quyền nhận diện được quyền, thì cần phải có sự đảm bảo ngay việc tôn trọng và thực thi quyền, nếu không thì việc liệt kê ra là ít ý nghĩa. Cả Điều 10 và Điều 11 của Dự thảo đang thiếu sự đảm bảo này, mà mới chỉ nêu ra các nội dung chính của quyềntự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo chúng tôi, các Luật Báo chí trước đây của nước ta đã làm tốt hơn việc này. Ví dụ như, năm 1946, ngay sau những ngày đầu tiên đất nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một luật về quyền tự do báo chí, nên đến ngày 29/3/1946, Người đã ký Sắc lệnh số 41/SL về chế độ báo chí. Tiếp đó, kế thừa Sắc lệnh này, ngày 14/12/1956, Người ký Sắc lệnh số 282/SL. Điều 4 của Sắc lệnh số 282/SL ghi rõ: “Quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí được đảm bảo. Tất cả các báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận, không phải kiểm duyệt trước khi in…”. Đến ngày 20/5/1957, Quốc hội Việt Nam quyết định lấy Sắc lệnh này làm Luật Báo chí đầu tiên của nước ta[2].
Từ thực tiễn này, chúng tôi kiến nghị:
- Bổ sung vào Điều 10 thêm một khoản: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do báo chí của công dân”. Khoản này có thể đặt trước hoặc sau khoản “Công dân có quyền”. Như vậy, Điều 10 sẽ có hai khoản, đó là:
“Điều 10. Quyền tự do báo chí của công dân: 
       a) Công dân có quyền:
       1. Sáng tạo tác phẩm báo chí.
       2. Cung cấp thông tin cho báo chí.
       3. Phản hồi thông tin trên báo chí.
       4. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.
       5. In, phát hành báo in.
b) Nhà nước tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do báo chí của công dân”.
- Tương tự, với Điều 11 cũng bổ sung thêm nội dung: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyềntự do ngôn luận trên báo chí của công dân”. Như vậy, Điều 11 sẽ là:
 
   “Điều 11.Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
       a) Công dân có quyền:
       1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
       2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
       3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
b) Nhà nước tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyềntự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.
Nếu thấy việc quy định khoản bổ sung này không tương thích với tiêu đề của điều luật, thì bổ sung tiêu đề các điều luật thànhQuyền tự do báo chí của công dân và trách nhiệm của Nhà nước ở Điều 10;Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và trách nhiệm của Nhà nước ở Điều 11.
Trong trường hợp ngại sự trùng lắp (vì Dự thảo muốn quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dântại Điều 13), thì đưa quy định này xuống Điều 13, nhưng thay ngay vào Khoản 1, đồng thời, đổi trật tự các Điều, nội dung của Điều 13 lên thành nội dung của Điều 12, nội dung của Điều 12 đưa xuống thành nội dung của Điều 13. Như vậy, Điều về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dânsẽ xếp trước quy địnhvề trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
2. Quy định trong Dự thảo về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Điều 12 Dự thảo quy định về Trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, theo đó, các cơ quan báo chí có trách nhiệm:
“1. Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không vi phạm khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 9 Luật này; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu;
2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”.
Theo các quy định này thì những việc làm để thể hiện trách nhiệm của các cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là chưa mang tính chủ động. Các cơ quan báo chí vẫn phải thụ động chờ công dân gửi kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác, chờ công dân gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan báo chí để “đăng, phát” hoặc “trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”, trong khi đó, vai trò chủ động của báo chí trong việc đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là cực kỳ quan trọng. Do vậy, tại Điều 12, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm một khoản. Đó là: “Các cơ quan báo chí, nhà báo chủ động phát hiện, tìm hiểu, điều tra các sự kiện, vụ việc phát sinh trong đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời có tác phẩm báo chí phù hợp đăng, phát trên báo chí hoặc trực tiếp kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, Điều 12 sẽ có ba khoản là:
“Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
 1. Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không vi phạm khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 9 Luật này; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu;
2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến;
3. Các cơ quan báo chí, nhà báo chủ động phát hiện, tìm hiểu, điều tra các sự kiện, vụ việc phát sinh trong đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời có tác phẩm báo chí phù hợp đăng, phát trên báo chí hoặc trực tiếp kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
3. Quy định trong Dự thảo về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Điều 13 Dự thảo quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân có ba khoản:  
“1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo; phóng viên, biên tập viên chưa được cấp thẻ nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ;
Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.
Đối với các quy định này, chúng tôi có ý kiến như sau:
- Tại khoản 1: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”, theo chúng tôi, đây là một quy định còn mơ hồ bởi cụm từ “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi”. Thế nào là “tạo điều kiện thuận lợi”, điều kiện thuận lợi là những điều kiện gì? Nếu không tạo điều kiện thuận lợi thì sao? Theo chúng tôi, cần phải quy định rõ ràng hơn, dứt khoát hơn, như: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gây bất kỳ trở ngại nào cho việc thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân” hoặc như đã kiến nghị ở phần trên: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền tự do báo chí,tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”. Còn ở vế thứ hai của khoản 1 “để báo chí phát huy đúng vai trò của mình” thì nên bỏ, vì tại Chương 1. Những quy định chung đã có Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí đã có các nội dung thể hiện quan điểm “để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”.
- Tại khoản 2: “Báo chí, nhà báo; phóng viên, biên tập viên chưa được cấp thẻ nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ;
Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân”.
Quy định này không ổn, vì nó mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Cụ thể là ở nội dung thứ nhất: “báo chí, nhà báo; phóng viên, biên tập viên chưa được cấp thẻ nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ” có vẻ mang tính răn đe và ban phát không cần thiết và không thấy được trách nhiệm phải có của Nhà nước. Cần thiết phải sửa lại là: “Nhà nước có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp để báo chí, nhà báo; phóng viên, biên tập viên chưa được cấp thẻ nhà báo hoạt động. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm để các hoạt động báo chí được thực hiện hiệu quả”.
Ở nội dung thứ hai, “không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân” thì nội dung này hoặc là thừa, hoặc đã được đặt không đúng chỗ, thậm chí còn có vẻ răn đe không cần thiết. Vì trong Dự thảo Luật, tại Chương 1. Những quy định chung đã có Điều 9 quy định về Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó, các hành vi bị cấm đã thể hiện nội dung “không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân”. Còn nếu thấy rằng, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chíquy địnhtại Điều 9 là chưa đủ, thì nên sửa chữa và đưa nội dung này vào.
- Chúng tôi cũng đề nghị nên thêm vào Điều này một nội dung nữa, đó là, Nhà nước “4. Thực hiện các hình thức tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân phù hợp với các quy định của pháp luật”.
4. Cuối cùng, xin được nêu thêm ý kiến về tên gọi của Dự thảo Luật.
Tháng 7/2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đăng trên Số chủ đề bài viết Tên gọi của một đạo luật của nhà văn Nguyên Ngọc. Trong bài này, nhà văn viết: “Ngay từ thời đầu tiên của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam đã sớm có một đạo luật về báo chí. Việc làm đạo luật đó cũng như nhiều đạo luật khác thời bấy giờ, có sự chỉ đạo chặt chẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và Bác đã yêu cầu đặt tên cho đạo luật về báo chí là "Luật về Quyền tự do báo chí". Về sau, không biết từ bao giờ, đạo luật thay thế lại mang tên khác, và như ta biết bây giờ là "Luật Báo chí"[3].
Hiến pháp năm 2013 đã quy định những quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Luật Báo chí là sự thể hiện cụ thể của Hiến pháp năm 2013. Mục đích trước hết của một đạo luật về báo chí là nhằm đảm bảo cho mọi người có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Do vậy, đối tượng chế tài của nó là Nhà nước; nó buộc Nhà nước phải đảm bảo quyền tự do báo chí, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong Luật Báo chí. Nếu Nhà nước hay bất kỳ chủ thể nào trong các chính sách, pháp luật hay hành động cụ thể của mình trong thực tế không đảm bảo quyền tự do báo chí thì Nhà nước, chủ thể đó đã vi phạm luật, vi phạm Hiến pháp và phải chịu chế tài. Cho nên, cách gọi tên đúng nhất phải là "Luật về Quyền tự do báo chí"[4]. "Luật Báo chí về nguyên tắc thể hiện một cách hiểu, và do đó là một cách làm hoàn toàn ngược lại. Đối tượng chế tài của một đạo luật mang tên như vậy sẽ là nhân dân và đó sẽ là một đạo luật của Nhà nước, để cho Nhà nước nắm lấy mà cai trị dân về mặt báo chí. Đạo luật đó sẽ nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí của Nhà nước chứ không phải của dân. Một Nhà nước nắm luật đó sẽ có quyền cho phép người dân được tự do về mặt báo chí đến đâu, tức ngược với tinh thần của Hiến pháp”[5].
Thật tiếc, theo chúng tôi, Dự thảo Luật Báo chí lần này đang đúng với nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc hơn mười năm trước, dù đã có thêm chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Và không chỉ có nhà văn Nguyên Ngọc, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng từng khẳng định, “quyền tự do báo chí đã hiến định nên việc sửa luật là để công dân thực hiện được quyền tự do đó, cũng như để hoạt động báo chí đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Dự thảo Luật này mới chỉ đi sâu vào nghề làm báo và đưa ra các cách để quản lý báo chí, còn vấn đề làm sao để cho công dân thực hiện quyền tự do báo chí thì chưa thể hiện rõ”[6]./.
 

[1] Dự thảo 19, tháng 2/2016.
[3] Nguyên Ngọc, Tên gọi của một đạo luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 7/2005, tr. 8.
[4] Xem: Phí Thị Thanh Tâm, Sửa đổi Luật Báo chí phù hợp với tinh thần quyền tự do báo chí trong Hiến pháp năm 2013, trong “Thực hiện các quyền tự do hiến định trong Hiến pháp năm 2013” (PGS,TS. Trịnh Quốc Toản và PGS, TS. Vũ Công Giao chủ biên), Nxb. Hồng Đức, H., 2013, tr. 479.
[5] Nguyên Ngọc, Tlđd, tr. 9.
[6] Dẫn theo vnexpress.net/.../quyen-tu-do-bao-chi-va-ngon-luan-duoc-de-nghi-lam-r..., Thứ năm, 17/9/2015 | 20:33 GMT+7, truy cập ngày 4/3/2016.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(310) - tháng 3/2016)


Thống kê truy cập

33947535

Tổng truy cập