Bàn về một số vấn đề liên quan đến Luật tiếp cận thông tin

01/01/2016

PGS,TS. THÁI VĨNH THẮNG

Chủ nhiệm Khoa Hành chính, nhà nước, Đại học Luật Hà Nội.

1. Sự ra đời và phát triển của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tự do thông tin trong phạm vi toàn cầu
  Cách đây gần 250 năm, vào năm 1766 Thụy Điển đã ban hành Luật Báo chí (Freedom of the Press), trong đó đã xác định mọi người dân Thụy Điển đều có quyền tự do thông tin (TDTT)[1]. Tuy nhiên, phải đợi đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI khi hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã đi vào chiều sâu, mạng thông tin toàn cầu Internet đã đi vào những vùng xa xôi, hẻo lánh khắp các châu lục, thì Luật TDTT/Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) mới trở nên phổ biến trong phạm vi toàn cầu: Thụy
Điển (1766), Colombia (1885), Phần Lan (1919), Mỹ (1966), Na Uy (1970), Pháp (1978), Australia (1982), Canada (1983), Đan Mạch (1985), Philippines (1987), Italia (1990), Hungary (1992), Tây Ban Nha (1992), Ukraina (1992), Belgium (1994). Iceland (1996), Hàn Quốc (1996), Thái Lan (1997), Ireland (1997), Uzbekistan (1997), Kirgizstan (1997), Israel (1998), Latvia (1998), Georgia (1999), Hy lạp (1999), Nhật Bản (1999), Czech (1999), Anbani (1999), Moldova (2000), Estonia (2000), Vương quốc Anh (2000), Bulgaria ( 2000), Slovakia (2000), Lithuania (2000), Bosnia-Heszegovina (2000), Nam Phi (2000), Romania (2001), Ba Lan (2001), Portugal (2001), Mexico (2002), Pakistan (2002), Scotland (2002), Jamaica (2002), Peru (2002), Zimbabwe (2002), Thổ Nhĩ Kỳ (2003), Uganda (2005), Azerbaijan (2005), Nga (2006), Macedonia (2006), Indonesia (2007), Nigeria (2011), Rwanda 2013[2], Paraguay (2014)[3]... Trung Quốc, mặc dù chưa có luật nhưng năm 2007 cũng đã ban hành Pháp lệnh về quyền TCTT.
  Theo Toby Mendel, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Luật TCTT, trong công trình nghiên cứu “Tầm quan trọng của Quyền TCTT: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm”[4] năm 1990 chỉ có 13 nước trên thế giới có Luật TCTT, nhưng đến năm 2009 đã có hơn 80 quốc gia đã ban hành Luật TCTT. Hiện nay (năm 2015), theo số liệu thống kê gần nhất đã có trên 100 quốc gia ban hành Luật TCTT/ Luật TDTT và khoảng 20 quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng Luật TCTT. Chỉ riêng năm 1997 đã có 22 nước ban hành Luật TDTT/Luật TCTT. Từ năm 2004 đến 2014 ở châu Phi từ 04 nước đã tăng lên 13 nước có Luật TDTT[5]. Đó là các nước như Zimbabwe, Sierra Leone, Niger, Tunisia, Angola, Côte d, Ivoire, Ethiopia, Guinea, Liberia, Nigeria, South Africa, Uganda, Rwanda[6]. Trong phạm vi toàn cầu, những nước mới ban hành Luật TCTT/Luật TDTT từ năm 2013 đến nay là: Croatia, Maldives , Ivory Coast, Sierra Leone, Paraguay. Các nước đang trong quá trình soạn thảo là Bahama, Bhutan, Marocco, Mozambique, Tunisie… Ngày 19/9/2014, Paraguay là nước thứ 100 đã ban hành luật TCTT[7]. Tên gọi của Luật quy định về quyền TDTT của con người và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan công quyền có thể khác nhau; có thể là Luật TCTT (Right of Access to Information Act), Luật về TDTT (Freedom of Information Act viết tắt là FOI), hoặc Luật về Quyền được biết (Right to know Act). Mặc dù tên gọi có thể khác nhau nhưng nội dung cơ bản của những luật này là quy định về quyền TDTT của con người và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan công quyền. Quyền TDTT/quyền TCTT được xác định là một quyền đặc biệt quan trọng và cơ bản của quyền con người và công dân.
2.Vai trò của Luật Tiếp cận thông tin trong việc đảm bảo thực hiện các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người và công dân
Quyền TCTT là gì? Quyền TCTT (Right of access to information) là quyền của mọi người được tiếp cận các thông tin, được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không vì bản thân họ mà với tư cách là người bảo vệ lợi ích của công chúng. Thông tin được coi là tài sản quốc gia và cũng như mọi tài sản khác không thể để cho một cá nhân hay tổ chức nào độc quyền chiếm đoạt nếu đó không phải là các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân. Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới”. Điều 19 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp vào. Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng như Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966, Việt Nam tham gia hai Công ước này vào năm 1982.
 Tổ chức phi Chính phủ quốc tế về nhân quyền có tên là ARTICLE 19 đã coi thông tin là “khí oxy của nền dân chủ”. Thông tin là nguồn sống cơ bản của nền dân chủ vì về bản chất dân chủ là khả năng của cá nhân tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến cá nhân đó[8]. Theo chúng tôi, quyền TCTT không những là “oxy của nền dân chủ” mà suy cho cùng nó là quyền để thực hiện mọi quyền. Vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm, không thể kiểm tra về bất cứ vấn đề gì. Nói một cách khác tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân đều chỉ có thể đảm bảo thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền TCTT.
 Quyền chính trị của công dân bao gồm các quyền: tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia xây dựng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tham gia thực hiện giám sát bộ máy nhà nước, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, tự do thể hiện ý chí của mình khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Muốn thực hiện các quyền trên đây thì trước hết công dân phải có đầy đủ các thông tin. Nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ thì công dân không thể thực hiện các quyền Hiến định đó của mình. Chẳng hạn, để thực hiện quyền bầu cử, nếu các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp đầy đủ các thông tin về các ứng cử viên trong danh sách bầu cử, người dân không biết lựa chọn người nào mặc dù có quyền lựa chọn nhưng người dân không thể thực hiện được quyền này. Các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên của Chính phủ trong các phiên họp của Quốc hội nhưng nếu các đại biểu Quốc hội không được cung cấp thông tin đầy đủ hoặc không có bộ máy giúp việc có năng lực hoặc không có các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) hay Kiểm toán Quốc hội (Parliamentary Audit), các đại biểu Quốc hội không thể có thông tin để đối chiếu với những số liệu mà các Bộ trưởng đã đưa ra khi trả lời chất vấn thì hiệu quả của quyền chất vấn cũng rất hạn chế. Ngay quyền bỏ phiếu để thông qua kế hoạch dài hạn và ngắn hạn nếu không có thông tin đầy đủ thì các đại biểu Quốc hội cũng không dám chắc việc “bấm nút” của mình đúng hay sai. Việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng các hình thức trực tiếp hay gián tiếp đều dựa trên sự hiểu biết của công dân. Sự hiểu biết này chủ yếu được hình thành trên cơ sở các thông tin mà công dân nắm được. Các khu đô thị mới ở Hà Nội hình thành một cách nhanh chóng với dân số ngày càng tăng theo mức độ phát triển của các khu đô thị, nhưng các trường học từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các khu vực đó lại không được xây dựng. Điều đó dẫn đến tình trạng các trường học ở Hà Nội bị quá tải, trẻ em các khu vực đô thị mới phải đi học xa hoặc phải chịu mọi sự bất tiện do thiếu trường học trên địa bàn của mình cũng là hệ quả của việc thiếu các thông tin toàn diện và việc thiếu vai trò điều hoà, phối hợp giữa các bộ, ngành do các bộ, ngành này không nắm được thông tin của các bộ, ngành khác.
  Do không có các thông tin đầy đủ, việc thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của công dân sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, họ không biết gửi đơn khiếu kiện đến cơ quan nào, thủ tục giải quyết khiếu kiện sẽ ra sao, ai là người chịu trách nhiệm chính về loại vụ việc này. Do không có thông tin đầy đủ nên người dân có thể buộc phải chịu đựng tình trạng vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà không dám đấu tranh vì còn có trường hợp cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước đã bưng bít các thông tin.
  Mọi công dân đều có đầy đủ các quyền dân sự của mình. Một trong các quyền dân sự của công dân là quyền được yêu cầu bồi thường khi họ là nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp. Công dân chỉ có thể đấu tranh để thực hiện quyền này khi họ được cung cấp thông tin về điều kiện và mức độ bồi thường, cơ quan bồi thường. Nếu không có các thông tin đó thì người dân sẽ rất khó khăn khi bảo vệ các quyền của mình. Quyền tài sản là quyền dân sự đặc biệt quan trọng của công dân. Vì lợi ích công, các bất động sản của công dân có thể bị Nhà nước trưng dụng với sự đền bồi thoả đáng. Tuy nhiên, công dân chỉ có thể bảo vệ được quyền đền bù thoả đáng này khi họ được Nhà nước cung cấp đầy đủ và chính xác về giá cả đền bù và điều kiện, cách thức đền bù.
  Quyền tự do kinh doanh là một quyền cơ bản của công dân, nhưng muốn thực hiện quyền này thì công dân phải có đầy đủ thông tin trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn công dân cần phải có đầy đủ các thông tin về nhu cầu tiêu dùng của xã hội, về thị trường tiêu thụ hàng hoá để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Khi có đầy đủ thông tin, công dân có thể xác định đúng sản xuất mặt hàng gì, yêu cầu chất lượng như thế nào và tiêu thụ ở đâu. Tình trạng nhiều nơi nông dân trồng mía, nuôi bò sữa, trồng các loại hoa quả, chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc nhưng không bán được sản phẩm của mình do nhu cầu tiêu thụ ít nhưng sản xuất lại nhiều, mặt hàng cần thì không có, mặt hàng có thì không cần chính là do sự thiếu thông tin theo quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp cho người dân biết những thông tin về nguy cơ phá sản hay tình trạng đã phá sản của một số doanh nghiệp của Nhà nước cũng như tư nhân thì người dân có thể sẽ mất trắng hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng nếu làm ăn với các doanh nghiệp đã hoặc đang trên đà phá sản mà họ không biết. Đối với quyền học tập của công dân cũng vậy. Các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về các nghề nghiệp mà xã hội đang cần, mặt khác cũng cần cung cấp các thông tin về những ngành nghề mà nhiều người đã tốt nghiệp được cấp các bằng đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp nhưng không có việc làm. Nếu không có thông tin đầy đủ về các chỉ số trên đây thì sẽ dẫn đến tình trạng đào tạo tràn lan, đào tạo theo nhu cầu cảm tính, cán bộ vừa thừa vừa thiếu. Tình trạng nhiều sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp không có việc làm hiện nay ở Việt Nam minh chứng rõ điều này. Quyền TCTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tạo công ăn việc làm cho công dân đặc biệt là các chính sách xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Do không có thông tin đầy đủ và chính xác về việc làm và chế độ tiền lương ở nước ngoài mà một số công nhân xuất khẩu lao động với những chi phí tốn kém để ra nước ngoài lao động nhưng khi ra nước ngoài họ đã thất vọng vì công việc nặng nhọc mà đồng lương thấp, hoặc không có việc làm buộc họ phải trở về nước với những khoản nợ nặng nề do chi phí cho các dịch vụ môi giới tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Sự thiếu thông tin cần thiết và đầy đủ cũng tước đi khả năng của công dân có thể hưởng thụ những tinh hoa văn hoá của nhân loại như thông tin về những thành tựu mới trong văn học nghệ thuật, âm nhạc, trong phát minh sáng chế, trong các thành tựu y học về giải phẫu, về khả năng chữa các căn bệnh hiểm nghèo, các thành tựu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và công nghệ sinh học tạo ra các giống cây mới, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao.
 Việc cung cấp đầy đủ các thông tin cho công dân về môi trường, chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo, phương pháp đào tạo ở nước ngoài có thể giúp cho các bậc phụ huynh chọn đúng trường, đúng ngành nghề, phù hợp với khả năng kinh tế của mình, định hướng cho con em họ  đến những nơi tốt nhất để học tập, rèn luyện để sớm thành đạt trong nghề nghiệp của mình khi ra trường.
 Một trong các quyền thuộc về lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội là quyền được sống trong môi trường trong sạch, nhưng nếu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp thường xuyên các số liệu về mức độ ô nhiễm không khí, sự trong sạch của các nguồn nước thì người dân có thể không biết họ đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm về mức độ tiếng ồn, về mức độ bụi trong không khí, về các nguồn nước uống có chứa các chất độc hại, các thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày; nếu không có thông tin đầy đủ thì người dân cũng có thể sử dụng các thực phẩm độc hại như hoa quả được tẩm hoá chất để bảo quản lâu ngày, các loại rau quả bị nhiễm thuốc trừ sâu, các loại thịt có nguy cơ được đưa đến từ một vùng mà súc vật đang bị các bệnh dịch.
 Từ những phân tích trên đây cho thấy, quyền TCTT chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện các quyền con người và quyền công dân. Việc ban hành Luật TCTT đối với Việt Nam hiện nay là cần thiết và cấp bách. Trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá quyền TCTT đã và đang trở nên một quyền cơ bản và là một trong những quyền quan trọng nhất của con người và công dân.
3. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin và tự do thông tin
  Ở Việt Nam, quyền TCTT đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và trong một số văn bản pháp luật khác, đặc biệt là trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Điều 11 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định:
- Chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật phải được công khai, phải minh bạch đảm bảo công bằng dân chủ;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ.
 Hình thức công khai theo quy định của Luật này bao gồm công bố tại cuộc họp của cơ quan tổ chức đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai quy định tại khoản 1 Điều này.
 Các lĩnh vực cần phải công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 bao gồm:
- Công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản (Điều 13).
Trong lĩnh vực này, phải công khai kế hoạch đấu thầu, mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển mời thầu; danh mục các nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế; kết quả lựa chọn nhà thầu; thông tin về cá nhân, tổ chức thuộc chủ dự án bên nhà thầu, mời thầu…
- Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng (Điều 14). Dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được tổ chức lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch. Dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định. Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định phê duyệt thì phải được công khai để nhân dân giám sát.
- Công khai, và minh bạch về ngân sách nhà nước (Điều 15). Các cấp ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn kể cả ngân sách bổ sung. Đơn vị dự toán ngân sách có nguồn thu và các khoản chi từ các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật phải công khai mục đích huy động, kết quả huy động và hiệu quả việc sử dụng các nguồn huy động.
- Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công khai các nội dung liên quan đến số liệu dự toán, quyết toán; các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân (nếu có); cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ.
- Dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước phải công khai các nội dung về việc phân bổ vốn đầu tư trong dự án ngân sách được giao hàng năm trong các dự án, dự toán ngân sách của dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được duyệt, mức vốn đầu tư của dự toán được giao trong dự toán ngân sách hàng năm; quyết toán vốn đầu tư của dự toán hàng năm;
- Công khai, minh bạch việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân (Điều 16);
- Công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng các khoản viện trợ, hỗ trợ;
- Công khai, minh bạch trong việc quản lý doanh nghiệp của Nhà nước (Điều 18). Doanh nghiệp của Nhà nước có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán, việc trích lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và nội dung khác theo quy định của pháp luật;
- Công khai, minh bạch trong cổ phần hoá doanh nghiệp của Nhà nước (Điều 19);
- Báo cáo kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải được công khai (Điều 20);
- Công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất (Điều 21);
- Công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng nhà ở (Điều 22). Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải được công khai, việc hoá giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, đối tượng được hoá giá nhà ở và các khoản tiền phải nộp khi hoá giá nhà ở phải được công khai; Việc bán nhà ở cho người tái định cư, người có thu nhập thấp và những đối tượng ưu tiên khác phải được công khai;
- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục (Điều 23);
- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực y tế (Điều 24);
- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoa học công nghệ (Điều 25). Việc xét tuyển chọn giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và việc đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được tiến hành công khai, cơ quan quản lý khoa học công nghệ, đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ phải công khai việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước, các khoản hỗ trợ, viện trợ, đầu tư, các khoản thu từ các hoạt động khoa học công nghệ;
- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực thể dục thể thao (Điều 26);
- Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán nhà nước (Điều 27);
- Công khai, minh bạch trong các hoạt động giải quyết các công việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền (Điều 28);
- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực tư pháp (Điều 29). Việc thụ lý, điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án phải được công khai theo quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ (Điều 30). Việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai về số lượng tiêu chuẩn, hình thức và kết quả tuyển dụng. Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, chuyển ngạch, luân chuyển, điều động, khen thưởng, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, hưu trí đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động khác phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.
 Điều 31 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, theo đó cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm và các niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu biết và nêu rõ lý do. Điều 32 của Luật này đã quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân, theo đó cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó (khoản 1 Điều 32). Công dân có quyền yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó (khoản 2 Điều 32). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 32).
 Ngoài các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, các văn bản pháp luật sau đây cũng đã quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước và quyền TCTT của công dân. Luật Báo chí năm 1989, Luật Xuất bản năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, Pháp lênh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Pháp lệnh về Vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003. Đặc biệt, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu phố, khối phố… của cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan. Điều 5 của Pháp lệnh này đã quy định 11 vấn đề cần phải công khai:
1.  Kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của cấp xã.
2. Dự án công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên tiến độ thực hiện phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã, phường, thị trấn.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân.
4.  Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư tài trợ theo chương trình dự án đối với cấp xã (phường, thị trấn); các khoản huy động nhân dân đóng góp.
5.  Chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.
6. Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.
7. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của các cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
8.  Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
9.   Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.
10. Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.
11.  Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
 Điều 6 Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định về các hình thức công khai thông tin:
a, Niêm yết công khai tại trụ sở của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
b, Công khai trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn.
c, Công khai qua trưởng thôn, tổ dân phố để thông báo đến nhân dân.
 Điều 19 Pháp lệnh này đã quy định về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến:
1. Dự thảo phát triển kinh tế, xã hội của cấp xã (phường, thị trấn); phương án chuyển đổi kinh tế, cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, đề án định canh, định cư vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành nghề của cấp xã.
2.  Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh việc quản lý sử dụng quỹ đất của cấp xã.
3.  Dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình dự án trên địa bàn cấp xã; chủ trương phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư, phương án quy hoạch khu dân cư.
4.  Dự thảo đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp đến cấp xã.
5.  Những nội dung khác cần phải lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
Theo quy định tại Điều 20 Pháp lệnh, có 03 hình thức để nhân dân tham gia ý kiến:
1.  Họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố.
2.  Phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.
3.  Thông qua hòm thư góp ý.
  Những quy định trên đây về việc TCTT của công dân và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước về cung cấp thông tin trong một số lĩnh vực và phạm vi địa bàn áp dụng cũng đã khá rõ nhưng việc thực hiện các quy định nói trên còn rất hạn chế vì trong tất cả các văn bản pháp luật hầu như có rất ít chế tài quy định về vấn đề xử phạt việc không cung cấp thông tin và những quy định nói trên nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau và thiếu tính hệ thống nên vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để đảm bảo cho công dân được thực hiện một cách đầy đủ quyền TCTT.
 Quyền TCTT của công dân Việt Nam mặc dù đã được thể hiện rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành được một đạo luật riêng về quyền TCTT.
4. Một số ý kiến về Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin năm 2015
 Dự thảo Luật TCTT năm 2015[9] với 6 chương, 34 Điều là một bản Dự thảo luật gọn nhẹ, vừa phải. Bên cạnh những ưu điểm của Dự thảo này là quy định khá rõ ràng, dễ hiểu, chúng tôi thấy còn có một số điểm cần được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và nghĩa vụ của quốc gia thành viên của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân.
4.1. Về phạm vi điều chỉnh của Luật
  Phạm vi điều chỉnh của Luật theo Điều 1 Dự thảo là “quyền tiếp cận thông tin của công dân…”, theo chúng tôi nên xác định lại là “quyền TCTT của mọi người” vì như vậy mới phù hợp với quy định của Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948, Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 như đã trình bày ở trên và khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”.
Điều 2 Dự thảo, vì lý do nói trên, thay vì quy định “Quyền TCTT của công dân” nên quy định “ Quyền TCTT của mọi người”.
4.2. Về nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin
 Cũng vì nguyên nhân đã trình bày ở mục 4.1, nên thay thế nguyên tắc “Mọi công dân bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền TCTT” bằng nguyên tắc: “Mọi người đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền TCTT”. Thay thế tên gọi của Điều 5 Dự thảo: “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc TCTT bằng quy định:
“ Quyền và nghĩa vụ của con người và công dân trong việc TCTT”.
4.3. Về các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin
  Dự thảo quy định các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin, nhưng theo chúng tôi, ở Việt Nam, do đặc thù, công chức không những làm việc trong các cơ quan nhà nước mà còn làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội thanh niên Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam. Các cơ quan này đều sử dụng ngân sách nhà nước do công dân đóng góp. Về nguyên tắc, nhân dân có quyền đòi hỏi các cơ quan sử dụng ngân sách phải công khai thông tin về việc đã sử dụng ngân sách như thế nào. Vì vậy, không những các cơ quan nhà nước mà bất kỳ cơ quan nào hưởng ngân sách nhà nước đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhân dân về việc đã sử dụng ngân sách nhà nước như thế nào.
4.4. Về giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin
 Điều 10 Dự thảo Luật TCTT năm 2015 quy định về thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong việc bảo đảm quyền TCTT cho công dân và quyền giám sát của Hội đồng nhân dân trong việc đảm bảo quyền TCTT cho công dân ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm giám sát xã hội đảm bảo quyền TCTT của công dân. Những quy định trên đây là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, để đảm bảo quyền TCTT của công dân cần có một cơ quan chuyên trách về thông tin. Đó là thành lập Ủy ban thông tin quốc gia, một cơ quan trực thuộc Chính phủ chuyên trách giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại về quyền TCTT. Ủy ban thông tin quốc gia có các chi nhánh ở các tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) và các huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh). Ngày nay, thông tin là nguồn lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng bậc nhất vì kinh tế tri thức được xây dựng chủ yếu từ các nguồn thông tin. Thông tin tạo nên sức mạnh của quốc gia, dân tộc, cộng đồng và kể cả thành đạt của các cá nhân trên bất cứ lĩnh vực nào. Với tư duy này, cải cách bộ máy nhà nước cũng có nghĩa là bỏ bớt đi các bộ phận không cần thiết và thành lập thêm những bộ phận mới phù hợp với nhu cầu của thời đại./.
 

 


[1] Toby Mendel – Freedom of Information: An Internationally protected Human Right (http://www.judicas.unam.mx/publica/rev/comlawj/cont/1/cts/cts3.htm).
[2] http://www.humanrightsinitiative.org/post of the day/2013/18/Rwanda_ATI_Law_March2013_Newdelhi_Satbirs.pdf.
[3] http://www.judicas.unam.mx/publica/rev/comlawj/cont/1/sts/sts3.htm.
[4] Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Xây dựng Luật TCTT tại Việt Nam” ngày 06-07/05/2009 tại Hà Nội, trang 30.
[8] Tài liệu đã dẫn trang 32.
[9] Xem toàn văn Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin trên Trang Dự thảo online, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=448&LanID=1153&TabIndex=1.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 2+ 3(306+307), tháng 2/2016)


Thống kê truy cập

33949046

Tổng truy cập