Hoàn thiện pháp luật về tội nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự

01/10/2015

TRIỆU LÀ PHAM

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

1. Tội nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự  
Theo quy định tại khoản 1 Điều 279 Bộ luật Hình sự (BLHS), có thể thấy một số dấu hiệu của tội nhận hối lộ như sau:
1. Chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ. Như vậy, chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Người có chức vụ theo Điều 277 BLHS “là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Bên cạnh đó, những đối tượng cụ thể được coi là người có chức vụ, quyền hạn còn được xác định theo khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 bao gồm: “a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
2.  Có sự thỏa thuận trước về việc đưa và nhận hối lộ (trực tiếp hoặc qua trung gian) giữa người đưa hối lộ và người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất đó mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao hay nhận hay chưa.
Hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tức là dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm. Ví dụ trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận đòi hỏi đó.
3. Hình thức của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (vàng, ngọc, ô tô, nhà đất …). Như vậy, trong khi Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc xác định hối lộ bao gồm lợi ích vật chất và phi vật chất thì quy định pháp luật của nước ta mới chỉ dừng lại ở đối tượng hối lộ là vật chất.
4. Để cấu thành tội phạm, giá trị lợi ích vật chất dùng để hối lộ tối thiểu phải là hai triệu đồng, trường hợp dưới 2 triệu đồng thì phải có thêm một trong những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mức hình phạt cao nhất của tội hối lộ được quy định tại khoản 4 Điều 279 là phạt tù hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 279 cần xem xét hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 như sau:
5. Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ và điểm a khoản 4 Điều 289 BLHS về tội đưa hối lộ cần chú ý:
5.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau:
a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng; b. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng. c. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
5.2. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 Mục 5 này như sau: a. Xử phạt tù từ mười lăm năm (đối với tội nhận hối lộ) hoặc từ mười ba năm (đối với tội đưa hối lộ) đến dưới hai mươi năm nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS); b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng; c. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
5.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 5.1 Mục 5 này như sau: a. Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng; b. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên.
5.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 5.1 và 5.3 Mục 5 này thì người phạm tội nhận hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội nhận hối lộ đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tội đã nộp thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào giá trị của hối lộ nộp lại mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã nộp lại một phần đáng kể giá trị của hối lộ nếu: a. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được ít nhất một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận; b. Giá trị của hối lộ đã nộp lại phải được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị của hối lộ đã nhận, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt… của người phạm tôi) đã thực hiện mọi biện pháp để nộp lại giá trị của hối lộ đã nhận (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn… đến mức tối đa).
5.5. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 5.1 và 5.3 Mục 5 này thì người phạm tội đưa hối lộ phải bị xử phạt tử hình, nhưng người đưa hối lộ bị ép buộc hoặc không bị ép buộc mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS.
6. Cần chú ý là trường hợp được hướng dẫn tại Mục 2 Nghị quyết này là trường hợp không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; các trường hợp được hướng dẫn tại các mục 4 và 5 Nghị quyết này là các trường hợp không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác (đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ) thì phân biệt như sau:
6.1. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này, thì phải áp dụng cả hai điểm a và b khoản 4 Điều luật tương ứng. Để xử phạt người phạm tội mức án tương xứng với hành vi phạm tội và hậu quả, thì ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này cần xem xét đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm gây ra.
6.2. Nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ dưới mức tối thiểu được hướng dẫn tại các mục 2, 4 và 5 Nghị quyết này thì chỉ áp dụng điểm b khoản 4 Điều luật tương ứng và xử phạt người phạm tội mức án tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do tội phạm gây ra”.
2. Thực tiễn xét xử theo Điều 279 Bộ luật Hình sự những năm gần đây
Tình hình tham nhũng, nhận hối lộ hiện nay ở nước ta đang diễn ra hết sức phức tạp. Mức độ tham nhũng, nhận hối lộ nặng nề đang được lý giải từ sự yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy, thậm chí tham nhũng, nhận hối lộ có cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. 
Hiện nay, có loại tham nhũng, nhận hối lộ nhỏ, vặt vãnh. Thủ đoạn của kiểu tham nhũng, nhận hối lộ này là cố ý làm phức tạp hóa những việc đơn giản, lợi dụng những quy định rườm rà để hành dân. Có loại tham nhũng, nhận hối lộ lớn trong tìm kiếm việc làm, thuyên chuyển, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Càng ở cấp cao, vị trí có khả năng sinh lợi nhiều thì mức độ tham nhũng, nhận hối lộ càng lớn. Có loại tham nhũng, nhận hối lộ cực lớn, tham nhũng, nhận hối lộ theo nhóm, gọi là lợi ích nhóm. Đây là dạng tham nhũng, nhận hối lộ có tổ chức, có chủ mưu. Loại tham nhũng, nhận hối lộ này thường xảy ra trong các dự án, đấu thầu, các hợp đồng kinh tế, đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, mở mang khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế. Đất đai và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, kinh doanh bất động sản chỉ là một trong những trường hợp, những tình huống nổi bật trong vô số những trường hợp, những tình huống tham nhũng, nhận hối lộ hiện nay.
Thực tế còn cho thấy, ở nhiều nơi đã từng diễn ra tình trạng chạy chức, chạy quyền. Còn có các kiểu “chạy” khác nữa, từ nhỏ đến lớn và rất lớn, đó là chạy trường, chạy lớp, cho đến chạy dự án và chạy án. Đây mới là tiêu điểm của những nhức nhối, bức xúc trong vòng xoáy của tiền bạc và quyền lực, trong những mua bán, đổi chác, tội phạm và tệ nạn[1].  
Tình trạng tham nhũng nói chung, nhận hối lộ nói riêng trong thời gian gần đây đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2013, số vụ án về các tội về tham nhũng được đưa ra xét xử sơ thẩm không tăng mà theo chiều hướng giảm đi. Số lượng vụ án về các tội về tham nhũng cao nhất vào năm 2009, với 299 vụ/714 bị cáo; thấp nhất vào năm 2011, với 220 vụ/485 bị cáo; tuy nhiên, đến năm 2012, số lượng vụ án về các tội về tham nhũng lại tăng lên, năm 2012 là 250 vụ/527 bị cáo, đến 2013 là 282 vụ/554 bị cáo. Năm 2009, có số vụ án ít nhất, 58 vụ án/111 bị cáo bị xét xử phúc thẩm, cao nhất vào năm 2013, với 174 vụ án/227 bị cáo[2].
Trong các tội phạm về tham nhũng, đối với tội nhận hối lộ, trong 5 năm đã xét xử sơ thẩm 106 vụ án/246 bị cáo, chiếm 8,1%% tổng số các vụ án về tham nhũng và 8,6% tổng số các bị cáo phạm tội về tham nhũng, xét xử theo thủ tục phúc thẩm 62 vụ án/129 bị cáo, chiếm 10,1% tổng số các bị cáo phạm tội về tham nhũng được xét xử phúc thẩm và 10,8% tổng số các bị cáo phạm tội về tham nhũng. Số lượng vụ án xét xử sơ thẩm cao nhất vào năm 2013 là 26 vụ/52 bị cáo, thấp nhất vào năm 2010 với 16 vụ án/212 bị cáo[3].
Một điều đặc biệt là, số các vụ bị xét xử vì tội nhận hối lộ qua các năm có xu hướng “ổn định”, dù rằng bằng cảm quan, người dân có thể nhận thấy hiện tượng đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ diễn ra ngày càng phổ biến hơn, ngày càng trắng trợn hơn. Xin tham khảo các số liệu từ việc thống kê kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:
Tội nhận hối lộ:
Năm
Số vụ
Bị can
2009
12
37
2010
30
82
2011
17
73
2012
26
65
2013
26
60[4]
2014
26
65[5]
Theo thống kê này, các vụ bị xét xử vì tội nhận hối lộ các năm 2012, 2013, 2014 gần như bằng nhau, cả về số vụ và số lượng bị can. Đây là một thực trạng phi lý, vì sẽ không bao giờ có “sự ổn định” của một loại tội phạm theo thời gian, như là việc thực hiện ổn định một kế hoạch có trước. Đồng thời, số vụ án về các tội về tham nhũng được đưa ra xét xử sơ thẩm không tăng mà lại theo chiều hướng giảm đi. Thực tế này có phải do“tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức”?[6]
3. Những bất cập trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử hành vi tham nhũng, hối lộ  
3.1.Bất cập trong quá trình phát hiện và xử lý tội nhận hối lộ
Chúng ta đều biết, đặc trưng cơ bản của hành vi tham nhũng, hối lộ là chỉ xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền. Nhưng trong quá trình chống tham nhũng, hối lộ chúng ta mới mạnh về hô hào chứ chưa mạnh về biện pháp, bước đi, cách làm cụ thể. Thậm chí, còn có trình trạng áp dụng đấu tranh không đúng đối tượng, khiến dư luận xã hội cho rằng việc chống tham nhũng chỉ là hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. Ví dụ, trong Luật Phòng, chống tham nhũng, việc quy định các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải kê khai tài sản khi làm ứng cử viên là chưa đúng đối tượng, bởi vì đa số các đại biểu không phải là người có chức, có quyền, không có cơ hội để tham nhũng, hối lộ.
Trong công tác phát hiện và xử lý tội phạm của tội nhận hối lộ, chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém do thái độ không nghiêm túc và thiếu kiên quyết khi đối tượng nhận hối lộ là những cán bộ, đảng viên, thậm chí là cấp trên trực tiếp. Do đó, việc phát hiện các vụ việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ trở nên ít ỏi trong số các vụ việc về tham nhũng. Sự hạn chế trong công tác phát hiện xử lý tội phạm làm cho tội phạm coi thường pháp luật; không phát huy được tác dụng trừng trị, ngăn chặn, phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung.   
Mức hình phạt được quy định trong BLHS hiện nay cũng chưa thật sự chặt chẽ và chưa hợp lý. Khi áp dụng BLHS, nhìn chung còn hai khuynh hướng xử lý: xử quá nhẹ và xử quá nặng, nhưng khuynh hướng xử phạt nhẹ hơn so với tội đang có vẻ chủ đạo. Không ít trường hợp, một vụ án nhận hối lộ có tính chất nghiêm trọng, lẽ ra phải áp dụng hình phạt nặng theo đúng trách nhiệm hình sự, song kẻ phạm tội lại được áp dụng hình phạt nhẹ hơn, không tương xứng với hành vi phạm tội. Nhiều vụ án, lẽ ra xét tính nguy hiểm của hành vi, theo yêu cầu của luật thì phạt tù giam, nhưng Tòa án lại cho hưởng án treo, hoặc đáng lẽ phải chịu 10 năm tù thì lại xử chỉ còn 5 năm hay 7 năm. Nhiều vụ án có đủ những tình tiết để truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị xử phạt hành chính. Nhiều nơi đã cố tình chia nhỏ vụ án lớn ra thành nhiều vụ án nhỏ nhằm giảm trách nhiệm cho bị can, áp dụng hình phạt nhẹ hơn, hoặc khắc phục hậu quả bồi thường một ít thì có thể miễn truy tố trước pháp luật…
Thực tế này dẫn đến trình trạng người dân mất lòng tin vì xử lý không nghiêm minh, không công bằng. Nhiều vụ tham nhũng, hối lộ bị phanh phui nhưng việc xử lý chưa đi tới cùng, chỉ cảnh cáo, nhắc nhở vì thiếu tinh thần trách nhiệm thôi thì chưa đủ, vì đối tượng tham nhũng, hối lộ là những người có chức quyền, nếu không trừng trị thẳng tay họ sẽ như “con bệnh nhờn thuốc”.
Những bất cập, thiếu sót của cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh với các tội tham nhũng, hối lộ hiệu quả còn thấp và gặp nhiều khó khăn, do các cơ quan bảo vệ pháp luật còn những hạn chế sau:  
- Sự phối hợp giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với nhau (cùng ngành nhưng khác cấp, cùng cấp nhưng khác ngành) và với cơ quan tổ chức khác còn thiếu chặt chẽ;
- Tinh thần quyết tâm đấu tranh với tham nhũng của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa cao;
- Cán bộ còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, hối lộ. Tình trạng phổ biến là thiếu cán bộ được đào tạo có hệ thống pháp lý, trình độ năng lực của một số Thanh tra viên, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán lại không đáp ứng được nhu cầu hiện nay
- Điều kiện vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu. Hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án gặp nhiều khó khăn về phương tiện hoạt động, nhất là ở cấp cơ sở quận, huyện, thị xã..
- Việc hướng dẫn, giải thích pháp luật để xác định đúng các tội danh vi phạm pháp luật cũng chưa thống nhất, thiếu sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền nên các ngành, các địa phương gặp nhiều lúng túng trong việc xác định tội danh và hình thức xử lý.
- Trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng, hối lộ vẫn còn có sự can thiệp, bao che của một số cơ quan, cá nhân.
- Giữa các cơ quan nội chính còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, do đó thời gian giải quyết kéo dài, chậm trễ, vẫn còn tình trạng phổ biến là hồ sơ trả đi trả lại, có những vụ Công an bắt rồi hồ sơ mới chuyển qua Viện Kiểm sát.
- Do buông lỏng công tác thanh tra cho nên nhiều hành vi tham nhũng xảy ra không được phát hiện kịp thời, hoặc tuy có phát hiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có hiện tượng bao che, nên tham nhũng bị bỏ qua hoặc chỉ bị xử lý kỷ luật, trong số này có không ít hành vi tham nhũng, hối lộ đã cấu thành tội phạm.
- Một số biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đánh giá tốt, nhưng vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam (trách nhiệm giải trình, xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, cách ly đối tượng có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm của pháp nhân…).
3.2. Nhũng bất cập trong thực hiện cơ chế kinh tế
Công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, như tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ tương đối cao, đưa đất nước ta thoát khỏi nạn lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã xảy ra hàng loạt những biến động xấu về kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống chính trị - xã hội, văn hóa… cũng làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt các tội về tham nhũng, hối lộ. Sở dĩ tham nhũng, hối lộ có điều kiện phát triển và gia tăng đáng kể là do nguyên nhân khách quan chủ yếu sau:
- Nền kinh tế bị mất cân đối nặng, chưa thoát khỏi hậu quả của chiến tranh; nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng cần phải giải quyết cấp bách nhưng bị kéo dài và ngày càng phức tạp; nạn thiếu việc làm ngày càng gia tăng; kết cấu hạ tầng cho sản xuất và sinh hoạt còn yếu kém, chưa đồng bộ ở các vùng như vùng sâu, vùng xa, vùng cao; hiện tượng mất dân chủ, vi phạm trật tự kỷ cương ngày càng gia tăng…
- Cơ chế quản lý mới chưa được hình thành một cách đồng bộ, đặc biệt là vấn đề phân phối thu nhập giữa những người lao động, giữa cơ sở này với cơ sở khác, giữa ngành này với ngành khác, giữa trung ương với địa phương có sự chênh lệch quá mức. Có những ngành có mức thu nhập quá cao trong khi có những ngành có mức thu nhập lại quá thấp. Thu nhập của người lao động cũng rất khác nhau. Người có chức vụ thu nhập cao hơn nhân viên, người lao động ở các ngành nghề, các thành phần kinh tế, vùng, miền và các tỉnh, thành phố khác nhau thì cũng có thu nhập khác nhau. Sự bất hợp lý trong việc phân phối thu nhập cũng đã tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội nhận hối lộ, tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của nhân dân…
- Trong công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp kinh tế - xã hội, chúng ta còn lúng túng trong giai đoạn chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Khi cơ chế quản lý mới chưa kịp hoàn thiện, còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, sơ hở, hệ thống chính sách pháp luật, các công cụ quản lý kinh tế- xã hội cần thiết lại chưa được xây dựng đầy đủ, còn nhiều chồng chéo, thiếu đồng bộ đã làm cho tham nhũng, hối lộ có điều kiện phát sinh.
- Hệ thống pháp luật còn nhiều khe hở, thiếu sót, chưa chặt chẽ, nhiều chính sách đã ban hành nhưng việc thể chế hoá thành luật lại quá chậm chạp, có khi trong cùng một điều luật lại có trình trạng mâu thuẫn nên đã gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý các hành vi phạm tội.
3.3 Những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ
Mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho các tàn dư của chế độ xã hội cũ sống lại và phát triển khá nhanh chóng, trước hết là tâm lý tư hữu, thói tham lam, ích kỷ, tham vọng làm giàu nhanh bằng mọi giá ở một bộ phận cán bộ, công chức. Những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất đã lợi dụng, sử dụng quyền lực nhà nước không vì thực thi công vụ mà vì mưu cầu lợi ích cá nhân, đã vơ vét tiền và tài sản của người khác. Từ thực tiễn xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng trong thời gian qua, có thể thấy những nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng có tổ chức, kéo dài trong nhiều năm mới bị phanh phui và xử lý:
- Một là, tự phê bình và phê bình trong nội bộ cơ quan, tổ chức có vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất yếu, thậm chí bị tê liệt. Những kẻ tham nhũng, tiêu cực không còn gương mẫu, bị tha hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, nên không còn ý thức tự phê bình và phê bình. Đôi khi những quan tham có chức, có quyền lợi dụng phê bình để ca tụng nhau, quy kết người có tinh thần đấu tranh, mạnh dạn phê bình những vụ việc tham nhũng, tiêu cực là bất mãn, phá rối đoàn kết nội bộ và tìm cách triệt hạ người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trước.
Điều đáng lo ngại là công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức ở những cơ quan, đơn vị có tham nhũng, tiêu cực không được chú trọng, còn mang tính hình thức; việc nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức của tổ chức đảng, chính quyền không được coi trọng; việc xét thi đua, khen thưởng về chuyên môn, đoàn thể hàng năm mang tính hình thức, không bảo đảm chất lượng, còn chạy theo thành tích nhiều; cấp trên còn nể nang, thiếu trách nhiệm… nên tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý có khuyết điểm, vi phạm, kể cả vi phạm nghiêm trọng vẫn được xét công nhận đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh trong nhiều năm, thậm chí còn được khen thưởng.
- Hai là, các cơ quan, đơn vị đa số đều do một người vừa làm bí thư cấp ủy, vừa làm thủ trưởng cơ quan. Như vậy, nếu có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì đều dễ bị ém đi, tinh thần đấu tranh bị vô hiệu hóa, bị tê liệt. Kẻ tham nhũng, hối lộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ tìm mọi cách vô hiệu hóa vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, biến các tổ chức này thành bình phong để tự tung, tự tác, thậm chí, còn vô hiệu hóa cả cấp trên của mình  
- Ba là, công tác tổ chức cán bộ còn có sơ hở, bất cập cả về cơ chế, chính sách, cả về tổ chức thực hiện. Do vậy, không quản lý chặt chẽ, không nắm chắc tình hình cán bộ về năng lực, trình độ thực tế, về ưu điểm, khuyết điểm, về công tác, sinh hoạt, nơi cư trú, về đạo đức, lối sống… nên để những kẻ cơ hội, thực dụng, tha hóa, tham nhũng chui được vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị. Tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp” vẫn còn xảy ra, khiến các “quan tham” có cơ hội chui sâu, leo cao vào các chức vụ quan trọng hơn ở các vị trí quản lý và phân bổ các nguồn lực quốc gia để tiếp tục tham nhũng, nhận hối lộ ngày càng lớn hơn.
 Cơ chế về từ chức, thay thế, kỷ luật, cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ có vi phạm (kể cả người trực tiếp vi phạm và người chịu trách nhiệm liên đới) chưa rõ ràng, cụ thể và đầy đủ, nên còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc xử lý khi có vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra.
3.4. Những bất cập trong công tác thanh tra, giám sát
 Trong lĩnh vực thanh tra, giám sát, trong mỗi cơ quan luôn có tổ chức đảng, công đoàn, thanh tra nhân dân; ngoài ra còn có Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội. Nhưng vì những lý do khác nhau nên hiệu lực giám sát của các thiết chế, tổ chức này còn nhiều hạn chế.
Có một thực tế là ở những cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, hối lộ thường mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, nên tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, dẫn đến tình trạng quyền làm chủ của quần chúng bị triệt tiêu, bị người đứng đầu hoặc một số ít người thâu tóm, điều phối. Vì vậy, dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng, tham nhũng từ đó ít bị phát hiện, không bị xử lý. Đã có nhiều trường hợp, quần chúng phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ, tham ô… nên đã dũng cảm đứng lên tố cáo, nhưng đơn thư của họ lại được trả về nơi bị tố cáo để giải quyết và họ trở thành nạn nhân của sự trù dập
4. Đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ
Chúng tôi xin nêu một số đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành của BLHS đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Thứ nhất, nghiên cứu để sửa đổi khái niệm người có chức vụ, quyền hạn quy định tại Điều 277 BLHS đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu mở rộng chủ thể của tội phạm tham nhũng, hối lộ đối với người nước ngoài và mở rộng sang lĩnh vực tư. Như trình bày, BLHS hiện hành quy định chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, là các cán bộ, công chức của Nhà nước hay những người khác được giao thực hiện công vụ, đại diện cho quyền lực công. Điều này có nghĩa, đối tượng hối lộ gồm những người có quyền hạn, ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực công quyền của quốc gia. Trong khi đó, các Điều 15, 16, 21 của Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc thể hiện đối tượng được hối lộ gồm: công chức quốc gia; công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; người điều hành hay làm việc - ở bất kỳ cương vị nào - cho tổ chức thuộc khu vực tư.
Như vậy, cần điều chỉnh khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” trong BLHS hiện hành theo hướng không chỉ gắn với việc bầu, bổ nhiệm mà còn gắn với “vị trí công tác” của chủ thể. Nói cách khác, có thể thay khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” bằng khái niệm: “người có được những quyền hạn do có được vị trí công tác” (có thể cả vị trí công tác trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư). Nếu theo hướng này, thì không cần thiết phải bổ sung thêm các tội phạm tham ô, hối lộ trong lĩnh vực tư nữa.
Thứ hai, xác định tính chất của tội đưa hối lộ là một tội phạm về tham nhũng và xếp tội phạm này ngay sau tội nhận hối lộ để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của các quy định về hai tội phạm này.
Thứ ba, nghiên cứu đề xuất bỏ tội môi giới hối lộ, vì trong thực tiễn rất khó phân biệt trường hợp nào người môi giới chủ động và trường hợp nào người môi giới làm theo sự chỉ đạo của người khác. Kinh nghiệm các nước cho thấy, có rất ít quốc gia quy định hành vi môi giới thành tội độc lập mà chỉ nên coi là người giúp sức trong một vụ đồng phạm về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ. Quy định theo hướng này sẽ đáp ứng tốt hơn khuyến nghị của các công ước quốc tế.
 Thứ tư, quy định tội nhận và đưa hối lộ theo hướng mô tả rõ hành vi phạm tội phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc cũng như hài hòa với quy định của luật hình sự nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, tội nhận hối lộ sẽ được quy định là hành vi nhận hoặc chấp nhận lời mời hoặc đòi hỏi người khác đưa lợi ích không chính đáng dưới bất kỳ hình thức nào, cho mình hoặc cho bất kỳ người nào khác; tội đưa hối lộ là hành vi đưa hoặc mời nhận hoặc chấp nhận đòi hỏi đưa lợi ích không chính đáng dưới bất kỳ hình thức nào…
 Thứ năm, mở rộng phạm vi khái niệm “của hối lộ” tới những loại giá trị phi vật chất. Thực tiễn tổng kết thi hành BLHS cho thấy, để đạt được mục đích của mình, người “đưa hối lộ” có khi không dùng tiền hoặc các lợi ích vật chất như trong BLHS hiện hành quy định mà còn sử dụng những hình thức tác động khác về tinh thần như: hối lộ tình dục hoặc các hình thức tạo điều kiện để thăng tiến… Trong một xã hội hiện đại, các hành vi này sẽ càng nhiều.
Do đó, nên mở rộng khái niệm của hối lộ thành: các lợi ích vật chất, hay các hình thức hối lộ khác về tinh thần, miễn sao để chủ thể làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa “của hối lộ”. Nghiên cứu hình sự hóa một số hành vi theo tinh thần Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Phương án này chỉ đặt ra khi không sửa đổi khái niệm người có chức vụ, quyền hạn như trình bày ở trên. Trong trường hợp này, cần nghiên cứu để hình sự hóa một số hành vi sau:
- Hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài và công chức quốc tế hiện nay. Việc áp dụng các điều luật hiện hành để truy cứu TNHS đối với trường hợp hối lộ công chức nước ngoài đang gặp các trở ngại về cơ sở pháp lý: một là, Điều 289 quy định về tội đưa hối lộ nhưng không nêu rõ những đối tượng được đưa hối lộ; hai là, Điều 279 quy định người nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, trong khi khái niệm người có chức vụ, quyền hạn vẫn được hiểu là chỉ bao gồm cán bộ, công chức Việt Nam và chỉ giới hạn trong phạm vi các cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành một văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng luật trong trường hợp này. Do đó, hành vi hối lộ công chức nước ngoài dễ bị hiểu lầm về tính chất pháp lý. Nói một cách khác, hành vi này thường được cho là không có tội theo luật hình sự Việt Nam.
Thực tế đó cùng với yêu cầu của Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc chính là những cơ sở quan trọng cho việc kiến nghị hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài trong luật hình sự Việt Nam. Điều đó vừa có ý nghĩa khẳng định về mặt pháp lý sự tồn tại của loại tội phạm này trong luật, vừa phù hợp với xu thế lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, quy định đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu tranh ở bình diện quốc tế với hình thức hối lộ đang trở nên gia tăng này. Quy định tội hối lộ công chức nước ngoài còn đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế và quan trọng là phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Về hình thức quy định hành vi hối lộ công chức nước ngoài, tổ chức OECD[7] gợi ý rằng các quốc gia có thể quy định một tội phạm hoàn toàn mới trong BLHS hoặc trong một văn bản luật hình sự, hoặc có thể xây dựng riêng một luật về loại tội phạm này. Những hình thức lập pháp này đều có ý nghĩa khẳng định sự khác biệt của loại tội phạm hối lộ.
- Hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư. Theo quy định hiện hành của luật hình sự Việt Nam, các tội phạm về hối lộ chỉ cấu thành trong những trường hợp hành vi hối lộ nhằm tới đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công hoặc hành vi được thực hiện bởi những chủ thể đặc biệt này. Quy định đó hiện nay đã trở nên thiếu thực tế bởi hoạt động hối lộ còn diễn ra trong khu vực tư và hoàn toàn có khả năng thực hiện bởi các chủ thể hoạt động trong khu vực tư. Nên quy định thêm tội hối lộ trong khu vực tư với các hành vi tương tự như các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ trong BLHS hiện hành. Vấn đề này cũng đã được khuyến nghị trong các công ước quốc tế và được luật hình sự ở nhiều quốc gia quy định. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc và Công ước này khuyến nghị các quốc gia thành viên tội phạm hoá các hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Như đã đề cập ở trên, quan điểm cần tội phạm hoá các hành vi hối lộ trong khu vực tư đã khá thống nhất. Vai trò kinh tế của khu vực tư ngày càng trở nên quan trọng và việc sử dụng pháp luật hình sự bảo vệ một số giá trị có ý nghĩa đối với sự phát triển của khu vực này là cần thiết. Nhiều ý kiến đều cho rằng, tính liêm chính của viên chức trong khu vực tư cũng cần được xem là quan trọng và cần được bảo vệ. Việc hình sự hoá hành vi hối lộ trong khu vực tư còn có ý nghĩa bảo vệ lợi ích của người sử dụng lao động trong khu vực này.
Căn cứ vào hình thức lỗi thì luật hình sự Việt Nam nên quy định những tội danh riêng cho các hành vi hối lộ trong khu vực tư, vì: hình thức hối lộ này có những đặc điểm riêng, do đó dấu hiệu pháp lý cũng khác với các tội phạm về hối lộ trong khu vực công; tính nguy hiểm cho xã hội của hối lộ trong khu vực tư khác so với hối lộ trong khu vực công nếu đặt trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam, do đó hình phạt được quy định đối với các tội về hối lộ trong khu vực tư sẽ không giống như hình phạt đối với các tội phạm về hối lộ trong khu vực công. Việc quy định bổ sung các tội phạm về hối lộ trong khu vực tư cũng đồng nghĩa với việc xác định những điểm khác biệt của hình thức hối lộ này so với hối lộ trong khu vực công.
- Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân liên quan đến hành vi hối lộ. Trước hết cần thống nhất về nhận thức rằng, việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải nhằm triệt tiêu pháp nhân vì pháp nhân còn liên quan đến đời sống của nhiều người, do đó trong chính sách xử lý cần tính toán sao cho vừa đủ để vừa trừng trị hành vi vi phạm, nhưng lại vẫn để pháp nhân tồn tại, phát triển và không tiếp tục tái phạm. Việc quy định TNHS của pháp nhân trong mối liên hệ với các tội phạm hối lộ trước hết phải trên cơ sở quy định TNHS chung của pháp nhân. Nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước cho thấy, xu thế quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân ngày càng nhiều. Do đó, việc nghiên cứu để hình sự hóa TNHS của pháp nhân là cần thiết. Cụ thể:
a) Về điều kiện truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Không phải pháp nhân nào cũng có thể bị truy cứu TNHS, mà chỉ với những điều kiện sau đây: (i) pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân là thành viên pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân (đại diện của pháp nhân hoặc đại diện theo ủy quyền); (ii) pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân; (iii) pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi theo chủ trương hoặc có sự chỉ đạo từ pháp nhân, thoả mãn điều kiện của pháp nhân. Trong trường hợp này việc buộc pháp nhân phải chịu TNHS là hoàn toàn thoả đáng.
b) Về giới hạn loại pháp nhân phải chịu TNHS. Nghiên cứu pháp luật ở một số nước cho thấy, mỗi quốc gia đều có quy định riêng nhưng đều thống nhất ở một điểm là đều loại trừ trách nhiệm của Nhà nước. Ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, TNHS đối với pháp nhân là một vấn đề mới, nên cần vận dụng một cách thận trọng. Do vậy, trước mắt chỉ nên giới hạn loại pháp nhân phải chịu TNHS là pháp nhân kinh tế.
Tuy nhiên, vì các quy định của BLHS hiện nay được thiết kế chủ yếu để xử lý TNHS của cá nhân, nên theo chúng tôi, để thuận tiện cho việc áp dụng, trước mắt chỉ nên quy định hai hình phạt đối với pháp nhân là phạt tiền và đình chỉ hoạt động, trong đó hình phạt tiền là cơ bản, hình phạt đình chỉ hoạt động là biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng đối với các “doanh nghiệp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”./.
 
 
 
[1] Xem: GS,TS Hoàng Chí Bảo, Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống. Nguồn: https://vi-vn.facebook.com/...tham-nhũng...giải-pháp-phòng-chống/492...
[2] Số liệu dẫn từ Báo cáo số 03/BC-TANDTC Báo cáo hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp (2011-2014) ngày 15/1/2015 của TANDTC
[3] Số liệu dẫn từ Báo cáo số 03/BC-TANDTC Báo cáo hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp (2011-2014) ngày 15/1/2015 của TANDTC
[4] Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thống kê công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, Biểu 4A-KSXXST/2009 ban hành theo Quyết định số 758 ngày 03/12/2008 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
[5] Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thống kê kết quả điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, Biểu số 09/2013, ban hành theo Quyết định số 452 ngày 04/10/2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
 
[6] GS,TS Hoàng Chí Bảo, Nhận diện tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân và giải pháp phòng chống, Tlđd.
[7] OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19(299), tháng 10/2015)


Thống kê truy cập

33944170

Tổng truy cập