Tính hệ thống của các quy định về quyền nhân thân trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

01/10/2015

PGS.TS. NGÔ HUY CƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Con người không thể sống mà không được đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần. Để đáp ứng các nhu cầu này người ta cần tới các vật thể vật chất, các mối quan hệ, các hoàn cảnh và điều kiện… Tổng thể những gì dùng để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần ấy được gọi là các lợi ích. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh pháp lý, không phải bất kỳ lợi ích nào đều được pháp luật xác lập và giới hạn. Chẳng hạn, một người nữ bị người tình của mình chia tay, mặc dù có thể bị tổn thương về tinh thần, song không thể khởi kiện người nam giới chỉ vì lý do tình cảm. Thế nhưng trong trường hợp hai người là vợ chồng, thì việc chấm dứt tình cảm vợ chồng của họ phải có sự can thiệp của pháp luật. Vậy khi pháp luật xen vào một lợi ích nào đó để điều chỉnh thì làm phát sinh ra một quyền lợi. Và quyền lợi phải gắn với một chủ thể nhất định (trừ một số kỹ thuật pháp lý đặc biệt). Suy cho cùng, quyền lợi có hai loại là quyền lợi nhân thân và quyền lợi tài sản. Việc phân loại quyền lợi như vậy phản ánh về mặt hình thức pháp lý của việc đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Luật dân sự điều chỉnh các quyền lợi nhân thân và quyền lợi tài sản của tư nhân. Và Bộ luật Dân sự (BLDS) theo truyền thống Civil Law luôn cố gắng bao quát tất cả các quy tắc của ngành luật dân sự (mặc dù không thể), vì vậy không thể không xác lập và giới hạn các loại quyền lợi chủ quan này.
Dự thảo BLDS (sửa đổi)[1] của Việt Nam hiện nay, dù có thể theo truyền thống Sovietique Law, song vẫn cố gắng theo ý tưởng bao quát như vậy và theo định hướng kinh tế thị trường. Để góp ý cho Dự thảo này, bài viết này, trong phạm vi có hạn, chỉ có thể nói về tính hệ thống của các quyền nhân thân.
Trong Dự thảo, Chương III, Mục 2 có tên gọi là “Quyền nhân thân”. Tại đây tập trung 22 điều (từ Điều 30 tới Điều 51) quy định về một số quyền, song thiếu sự chính xác trong phân biệt quyền nào thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự, thiếu sự xác định nguyên tắc ghi nhận và giải thích các quyền, thiếu sự gắn kết các quyền với các chế định liên quan, và thiếu sự xác định nội dung của một số quyền, đồng thời kỹ thuật thể hiện một số quyền còn thiếu thỏa đáng.
Untitled_193.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Khái niệm quyền nhân thân và phạm vi điều chỉnh của luật dân sự đối với quyền nhân thân
Quyền nhân thân là một lĩnh vực rộng không chỉ được điều chỉnh bởi chỉ một ngành luật. Các quyền lợi, kể cả quyền lợi nhân thân và quyền lợi tài sản, được chia thành quyền lợi công và quyền lợi tư. Luật công xác lập và giới hạn các quyền lợi công. Còn luật tư xác lập và giới hạn các quyền lợi tư. Do đó, quyền nhân thân không chỉ được điều chỉnh bởi luật dân sự, mà còn là đối tượng điều chỉnh của các ngành luật công, trong đó điển hình là luật hiến pháp và luật hành chính. Vậy có một câu hỏi được đặt ra: Luật dân sự điều chỉnh quyền nhân thân trong phạm vi nào? Việc xác định được phạm vi này liên quan tới tính hệ thống của pháp luật nói chung và của luật dân sự nói riêng, đồng thời liên quan tới việc xác định các nguyên tắc điều chỉnh và kỹ thuật lập pháp… Muốn xác định được phạm vi này trước hết cần làm rõ khái niệm quyền nhân thân.
Dự thảo định nghĩa tại khoản 1, Điều 30: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Để bình luận định nghĩa khái niệm quyền nhân thân này, trước tiên cần tìm hiểu thuật ngữ diễn đạt quyền nhân thân. Khi nói tới quyền nhân thân hay quyền lợi nhân thân có nghĩa là nói tới quan hệ nhân thân, giống như khi nói quyền đối vật hay vật quyền là nói tới mối quan hệ giữa người và vật (một phạm trù của luật dân sự dùng để chỉ các bộ phận khác nhau của thế giới vật chất có khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của con người và đã được quan hệ xã hội hóa); hoặc giống như khi nói quyền đối nhân hay trái quyền là nói tới mối quan hệ giữa trái chủ (chủ nợ hay người có quyền yêu cầu) và người thụ trái (con nợ hay người có nghĩa vụ) xác định.
Hiện nay, việc xác định quyền nhân thân và phạm vi điều chỉnh của luật dân sự đối với quyền nhân thân chưa được làm rõ tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam xuất bản năm 2006 của Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ dành 34 dòng trong khổ sách 14,5 × 20,5 cm để nói chung về các quyền nhân thân[2]. Trước đó, “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam” xuất bản năm 1995 của cơ sở đào tạo luật này dành 23 dòng trong khổ sách 13 × 19 cm để nói về vấn đề này[3]. Cũng như vậy, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (Phần chung) xuất bản năm 2002 của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội dành 63 dòng trong khổ sách 14, 5 × 20,5 cm để nói về vấn đề này[4]. Vượt lên trên các giáo trình này, Giáo trình Luật dân sự của Học viện Tư pháp xuất bản năm 2007 đã dành 122 dòng trong khổ sách 16 × 24 cm nói chung về quan hệ nhân thân, nhưng thiếu sự dẫn dắt để có thể tìm đến nguồn tài liệu tham khảo[5]. Có lẽ vì vậy nên có thể có ý kiến lo lắng về tính thuyết phục của các dòng kiến thức này? Điểm khiếm khuyết chung của các giáo trình này là không có sự xác định rõ quyền nhân thân và phạm vi điều chỉnh của luật dân sự đối với quyền nhân thân. Phải chăng vì thế mà Dự thảo BLDS quá rộng rãi trong việc quy định các quyền nhân thân xét từ luật dân sự, nhưng lại quá chật hẹp trong việc đề cập tới các quyền con người xét từ giác độ luật hiến pháp hay công pháp quốc tế?
Giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội quan niệm: “Quyền nhân thân như là một bộ phận cấu thành của quyền con người: như danh dự, nhân phẩm, uy tín, tên gọi, quốc tịch, hình ảnh, bí mật đời tư… Về nguyên tắc chung, các quyền nhân thân luôn gắn với chủ thể và không thể dịch chuyển được trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”[6].
Quan niệm này coi quyền nhân thân có bản chất là quyền con người. Và quyền nhân thân có các đặc điểm là luôn gắn với chủ thể và không thể chuyển giao. Không khẳng định bản chất của quyền nhân thân, nhưng đồng quan điểm với giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải: “Quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh từ một giá trị tinh thần như danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân v.v.. Vì vậy, nó không mang tính giá trị, không tính được thành tiền và do đó, nó không là đối tượng để trao đổi, chuyển dịch từ chủ thể của các giá trị đó sang các chủ thể khác. Vì vậy, trong luật dân sự, quan hệ nhân thân được xem là một loại quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối”[7].
Tuy nhiên tính tuyệt đối của quan hệ này theo nghĩa của luật dân sự phải được hiểu là: chủ thể của quyền dân sự (cụ thể ở đây là chủ thể của quyền nhân thân) được xác định; còn chủ thể của nghĩa vụ không xác định. Khi có sự kiện xâm phạm quyền nhân thân, có thể phát sinh ra một quan hệ pháp luật dân sự tương đối mà trong đó chủ thể của quyền và chủ thể của nghĩa vụ đều xác định. Và cần phải hiểu giá trị tinh thần như danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân v.v.. không phải là căn cứ hay nguồn gốc phát sinh ra quan hệ nhân thân hay quyền nhân thân bởi căn cứ hay nguồn gốc phát sinh ra quyền lợi hay quan hệ pháp luật, suy đến cùng, chỉ có ba loại là hành vi pháp lý, sự kiện pháp lý và hiệu lực của luật.
Các đoạn văn vừa dẫn chủ yếu nói tới các đặc tính của quyền nhân thân hay quan hệ nhân thân, nhưng không đưa ra định nghĩa về quyền nhân thân. Giáo trình luật dân sự của Học viện Tư pháp định nghĩa: “Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa các chủ thể pháp luật dân sự về quyền nhân thân”[8]. Chưa bàn tới pháp nhân (một chủ thể của luật dân sự) có hay không sự hưởng quyền nhân thân, có thể thấy định nghĩa này đã xem quyền nhân thân không phải là một quan hệ và xem quyền nhân thân là khách thể của quan hệ nhân thân. Trong khi đó, trong cuốn giáo trình đưa ra định nghĩa này, sau đó hơn 100 trang, lại xác định khách thể của quan hệ pháp luật bao gồm “các giá trị nhân thân phi tài sản”[9]. Giáo trình này tự mâu thuẫn mà nguyên nhân của nó có lẽ là do sự chia sẻ nội dung của giáo trình cho nhiều người viết, không có ý tưởng thống nhất. Có quan niệm nhấn mạnh “những giá trị nhân thân là đối tượng của một phạm trù quyền chủ thể đặc biệt - quyền nhân thân”[10]. Đây là quan niệm cần được ủng hộ.
Quyền nhân thân có bản chất của quyền con người hay không là một câu hỏi không thể không đặt ra khi nghiên cứu quyền nhân thân, bởi nó không chỉ giúp xác định phạm vi điều chỉnh đối với quyền nhân thân mà còn liên quan tới các kỹ thuật pháp lý và kỹ thuật lập pháp.
Dự thảo xác định quyền nhân thân là một bộ phận của quyền dân sự. Đây là sự xác định đúng đắn. Vì vậy, khoản 2 Điều 30 Dự thảo quy định: “Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính hoặc áp dụng các phương thức bảo vệ quy định tại Điều 16 của Bộ luật này”. Điều 16 Dự thảo được nhắc tới trong điều khoản vừa dẫn quy định về các phương thức bảo vệ các quyền dân sự. Thực chất điều luật này liệt kê các chế tài dân sự mặc dù còn thiếu sự thỏa đáng. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì người ta có thể nhận định rằng quyền nhân thân theo Dự thảo không có bản chất quyền con người. Thế nhưng Dự thảo cũng lại có khuynh hướng trái ngược là đồng nhất quyền dân sự với quyền con người. Chẳng hạn khoản 2 Điều 2 Dự thảo gần như chép lại nguyên văn khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 với nội dung: “Quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hơn nữa, Dự thảo còn quy định về nhiều quyền trong hệ thống quyền con người tại mục nói về các quyền nhân thân, chẳng hạn như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 44); quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 45); quyền lao động (Điều 46); quyền tự do kinh doanh (Điều 47); quyền tiếp cận thông tin (Điều 48); quyền lập hội (Điều 49); quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 50)... Nói tóm lại Dự thảo đã tự mâu thuẫn khi xác định bản chất pháp lý của quyền nhân thân.
Quyền con người có các đặc tính cơ bản là “vốn có”, “không thể chuyển giao” và “phổ biến”. Đặc tính vốn có của quyền con người được hiểu: con người sinh ra là có các quyền này chỉ bởi lý do họ là người, có nghĩa là các quyền này không phải được ban phát bởi người cai trị. Đặc tính không thể chuyển giao của quyền con người nói lên rằng quyền này không thể rời bỏ con người. Đặc tính phổ biến của quyền con người có nghĩa là mọi người đều có các quyền đó không kể đến quốc tịch, địa vị xã hội, giới tính hay chủng tộc[11]. Xét cho cùng, một số quyền nhân thân thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự có đặc tính giống với quyền con người (chẳng hạn quyền sống, quyền toàn vẹn về thân thể, quyền riêng tư...). Tuy nhiên, một số quyền ở một vài khía cạnh không phản ánh đủ các đặc tính của quyền con người (chẳng hạn quyền đối với họ tên...). Thực tế cho thấy, các điều ước quốc tế về quyền con người không quy định về mối quan hệ giữa các tư nhân với nhau mà quy định các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ quyền con người. Vì vậy, quyền con người thuộc lĩnh vực luật công. Các quy định của luật công về quyền con người có mục đích bảo vệ cá nhân trước sự xâm phạm của công quyền. Đối với quyền con người, bất kể người nào, dù là người bản xứ hay người nước ngoài, đều được hưởng, có nghĩa là ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều có các quyền như nhau. Còn quyền nhân thân do luật tư quy định bảo vệ cá nhân trước sự xâm phạm của tư nhân[12]. Tuy nhiên, quyền con người và quyền nhân thân có chung một hạt nhân lý luận là phẩm giá. BLDS Nhật Bản năm 2005 công bố nguyên tắc giải thích BLDS này rằng: “Bộ luật này phải được giải thích phù hợp với sự tôn trọng phẩm giá của các cá nhân và sự bình đẳng thực chất giữa các giới” (Điều 2). Lưu ý rằng: quyền con người có phạm vi rất rộng nếu xét từ phương diện chính trị hay xã hội nói chung, song khi được ghi nhận vào pháp luật, thì sự ghi nhận đó phải thỏa đáng xét từ giác độ kỹ thuật pháp lý mà ở đây chí ít là giác độ phân chia các ngành luật. Nếu không có sự tôn trọng kỹ thuật pháp lý, thì khó có thể có pháp điển hóa nói riêng hay luật lệ nói chung.
Nói về các đặc tính của quyền nhân thân, ở Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau. Giáo trình của Trường Đại học Luật Hà Nội coi quyền nhân thân có hai đặc tính là: (1) luôn luôn gắn với chủ thể; và (2) không thể chuyển dịch được[13], trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quan điểm này hoàn toàn giống quan điểm trong giáo trình của Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội[14]. Có lẽ vì thế, BLDS năm 2005 và Dự thảo đều phản ánh quan điểm này tại Điều 24 và Điều 30 tương ứng. Khác hơn thế, nhiều luật gia cho rằng, quyền nhân thân có ba đặc tính, bao gồm: (1) đối tượng của quyền là một giá trị tinh thần (phi vật chất); (2) gắn liền với chủ thể và không thể chuyển giao; và (3) cá thể hóa chủ thể[15]. Đặc tính cá thể hóa thể nhân giúp người ta phân biệt được thể nhân này với thể nhân khác. Có bốn yếu tố chủ yếu của vấn đề cá thể hóa, bao gồm: họ tên, nơi cư trú, nghề nghiệp và quốc tịch[16]. John E. C. Brierley và Roderick A. Macdonald chia quyền nhân thân thành ba nhóm như sau: nhóm thứ nhất bao gồm các quyền gắn với sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần của thể nhân như nguyên tắc bất khả xâm phạm, quyền của một người đối với họ tên hoặc hình ảnh của mình; nhóm thứ hai bao gồm các quyền gắn với tự do của một người như bảo đảm các quyền con người căn bản, tự do biểu lộ tư tưởng và tự do lập hội; và nhóm thứ ba bao gồm các quyền gắn với quy chế pháp lý của một người như quyền phụ hệ, quyền kết hôn, quyền ly hôn[17]. Một số luật gia Việt Nam trước kia cũng sử dụng sự phân loại như vậy[18].
Vì tính phức tạp và phong phú của các quyền nhân thân, Dự thảo không nên đưa ra định nghĩa quyền nhân thân và loại bỏ một số quyền con người thuộc lĩnh vực công pháp ra khỏi Dự thảo. Thực tế, nhiều BLDS trên thế giới không có chương, mục riêng cho các quyền nhân thân. Chẳng hạn BLDS Đức năm 2002, BLDS Nhật Bản năm 2005, BLDS Pháp năm 1804, BLDS Tây Ban Nha năm 1889, BLDS Hà Lan năm 2008, BLDS và Thương mại Thái Lan năm 1992, BLDS Louisiana (Hoa Kỳ) năm 2009, BLDS Quebec (Canada) năm 1994, BLDS Bắc Kỳ năm 1931, BLDS Trung Kỳ năm 1936, BLDS năm 1972 của chính quyền Sài Gòn cũ... Khi nói về thể nhân tức là nói về quyền nhân thân. Vì thế BLDS năm 1972 của chính quyền Sài Gòn cũ có quyển đầu tiên mang tên “Quyển thứ nhứt - Nói về nhân thân”.
Song tại đây lại có một câu chuyện đặt ra: Pháp nhân có được hưởng quyền nhân thân hay không? Dự thảo chưa cân nhắc khi viết về nguyên tắc bình đẳng tại Điều 3 rằng: “Trong quan hệ dân sự, các cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để đối xử không bình đẳng với nhau; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của cá nhân, pháp nhân khác, trong việc thực hiện quyền, khôi phục quyền khi bị vi phạm và bảo vệ quyền theo các phương thức được Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”. Theo nguyên tắc này, pháp nhân được hưởng quyền nhân thân. Các giáo trình về luật dân sự đã kể ở trên không đưa ra một gợi ý thật rõ ràng nào về việc này, vậy tại sao Dự thảo lại tuyên bố như vậy? Có công trình khoa học đã bảo vệ trước sự ra đời của Dự thảo đã định nghĩa: “Như vậy, quyền nhân thân trong luật dân sự là quyền chủ thể của các cá nhân xuất hiện do việc điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật dân sự đối với các quan hệ liên quan đến các giá trị nhân thân của các chủ thể đó”[19]. Định nghĩa này khẳng định quyền nhân thân là quyền của thể nhân. BLDS Liên bang Nga năm 1994 quy định tại Điều 152 bảo vệ danh dự, phẩm giá và danh tiếng kinh doanh. Theo Andrei V. Rakhmilovich, danh tiếng kinh doanh của pháp nhân khác với danh tiếng kinh doanh của thể nhân ở chỗ nó không phải là lợi ích phi vật chất mà nó có giá trị vật chất và biểu hiện đầy đủ của quyền tài sản[20].
2. Cấu trúc của quyền nhân thân
Chủ thể của quyền hay quyền lợi là người mà theo quan niệm pháp lý là thể nhân và pháp nhân (con người thể chất và con người pháp định). Con người có đời sống hữu hạn - đó là một quy luật không tránh khỏi. Vì vậy, thời điểm được hưởng quyền và thời điểm chấm dứt quyền là vấn đề pháp lý không thể bỏ qua trong các bộ pháp điển hóa luật dân sự. Từ đó, khái niệm nhân cách pháp lý được đặt ra. Về nguyên tắc, bất kỳ thể nhân nào từ lúc sinh ra cho tới lúc chết đều có nhân cách pháp lý, có nghĩa là họ có khả năng hưởng các quyền lợi. Vì vậy BLDS Quecbec (Canada) năm 1994 tuyên bố tại Điều 1: “1. Mọi thể nhân (every human being) đều có nhân cách pháp lý (judicial personality) và được hưởng đầy đủ các quyền dân sự. 2. Mọi người (every person) đều có một sản nghiệp (patrimony)”.
Sự sử dụng các thuật ngữ khác nhau trong hai khoản của điều luật trên là một câu tổng kết cho những gì đã nghiên cứu ở trên. Thuật ngữ “person” (người) để chỉ cả thể nhân và pháp nhân. Hai loại chủ thể này có một điểm chung là đều có các quyền dân sự liên quan tới sản nghiệp (một khái niệm của truyền thống Civil Law dùng để chỉ quan hệ tài sản trong đó bao gồm cả phần tích sản và phần tiêu sản mà ở Việt Nam hiện nay nhiều người quen gọi là tài sản và nghĩa vụ tài sản). Các quyền nhân thân thuộc về các thể nhân. Tuy nhiên, trong lịch sử, dưới chế độ nô lệ, người nô lệ không được xem là thể nhân, có nghĩa là không có nhân cách pháp lý (không phải là chủ thể của các quyền và có thể trở thành đối tượng của các quyền). Dự thảo hiện nay cho rằng “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự” (khoản 1, Điều 21). Đoạn văn này không khẳng định: “là thể nhân là có các quyền dân sự”, mà chỉ ngụ ý thể nhân có khả năng hưởng các quyền dân sự. Như vậy, có thể có băn khoăn: Dự thảo về vấn đề này có phần nào đó không phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc mà Việt Nam là một thành viên. Công ước này tuyên bố “Mọi người đều có quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật ở mọi nơi” (Điều 16). Lịch sử pháp luật cho thấy (hiện vẫn còn dấu tích), luật dân sự Pháp (ảnh hưởng tới cả Quebec - Canada) có khái niệm “cái chết dân sự” (civil death), có nghĩa là tử tù hoặc bị tù chung thân bị tước bỏ nhân cách pháp lý (không được hưởng các quyền dân sự)[21]. Vì vậy, ý niệm tước quyền công dân của người bị án tù cứ ám ảnh mãi nhiều người ở Việt Nam cho đến tận hôm nay.
Liên quan tới nhân cách pháp lý, cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản sau: thứ nhất, có và chấm dứt nhân cách pháp lý như thời điểm có quyền, các trường hợp hạn chế liên quan tới quyền, các trường hợp bỏ đi khỏi nơi cư trú, mất tích, bị coi là đã chết và chết; thứ hai, cá thể hóa nhân cách pháp lý như họ tên, nơi cư trú; và thứ ba, các quyền về nhân cách như: các quyền toàn vẹn về thể chất và tinh thần, các quyền gắn với quy chế pháp lý của một người như quyền phụ hệ, quyền kết hôn, quyền ly hôn.
Do sự lựa chọn không mấy thỏa đáng, pháp luật Việt Nam pháp điển hóa riêng luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, để có được quy chế nhân thân tương đối đầy đủ và hệ thống, BLDS tương lai nên làm rõ sự gắn kết giữa bộ luật này và đạo luật về hôn nhân và gia đình, nếu như không hợp nhất chúng. Sẽ là phù hợp nhất và đỡ tốn kém nhất, cũng như dễ dàng nhất cho vấn đề thi hành, nên pháp điển hóa BLDS gần với tư tưởng và kỹ thuật pháp lý của thế giới mà một trong những vấn đề đó là đưa các quy tắc về hôn nhân và gia đình vào BLDS nếu có pháp điển hóa luật dân sự.
3. Kiến nghị chung
Trong khuôn khổ có hạn, bài viết này khó có thể bao quát hết các vấn đề về quyền nhân thân, nhưng trong chừng mực của các nghiên cứu tại đây, có thể thấy việc nghiên cứu luật dân sự và hiểu vai trò của luật dân sự hiện nay của chúng ta còn nhiều hạn chế. Vì vậy rất khó khăn để xây dựng được một BLDS đúng với nghĩa của nó, góp phần làm ổn định đời sống xã hội. Bởi thế:
Thứ nhất, nên xác định thật rành mạch về mô hình một BLDS tương lai và xây dựng một khung các điều khoản tỉ mỉ có kèm theo lý giải về mặt lý luận, về mặt thực tiễn và khả năng thi hành trước khi viết các điều khoản cụ thể;
Thứ hai, nên thành lập một ủy ban cải cách pháp luật có nhiệm vụ xây dựng mô hình hệ thống pháp luật, đồng thời lãnh đạo tiểu ban xây dựng BLDS tương lai mà trong tiểu ban đó tập hợp các chuyên gia đứng đầu về luật dân sự ở trong nước, không kể học hàm học vị hay địa vị xã hội./.
 

[1] Dự thảo do Bộ Tư pháp cung cấp tại cuộc Hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia luật về góp ý Dự thảo BLDS (sửa đổi), ngày 30/3/2015 tại Hà Nội
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 69 & 73.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Lưu hành nội bộ, 1995, tr. 334 - 335.
[4] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 15 - 17.
[5] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 20 – 24.
[6] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 69.
[7] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 15.
[8] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 20.
[9] Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 122.
[10] Nguyễn Thị Quế Anh, Ghi nhận và bảo vệ các giá trị nhân thân trong pháp luật dân sự, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số QL.09.02, Hà Nội, 2011, tr. 14.
[11] Department of Foreign Affairs and Trade, Human Rights Manual, Australian Government Publishing Service, Canbera, 1993, p. 10.
[12] Trần Văn Liêm, Dân luật, Quyển 1 – Dân luật nhập môn, Sài Gòn, 1972, tr. 288.
[13] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 69.
[14] Xem Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002, tr. 15.
[15] Nguyễn Thị Quế Anh, Ghi nhận và bảo vệ các giá trị nhân thân trong pháp luật dân sự, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số QL.09.02, Hà Nội, 2011, tr. 13; Học viện Tư pháp, Giáo trình luật dân sự, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 20.
[16] Trần Văn Liêm, Dân luật, Quyển 1 – Dân luật nhập môn, Sài Gòn, 1972, tr. 274.
[17] John E. C. Brierley and Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law – An Introduction to Quebec Private law, Emond Montgomery Publication Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 207.
[18] Xem Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, In lần thứ hai, Sài Gòn, 1960, tr. 381 – 406; Trần Văn Liêm, Dân luật, Quyển 1 – Dân luật nhập môn, Sài Gòn, 1972, tr. 263 – 297.
[19] Nguyễn Thị Quế Anh, Ghi nhận và bảo vệ các giá trị nhân thân trong pháp luật dân sự, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số QL.09.02, Hà Nội, 2011, tr. 16.
[20] Andrei V. Rakhmilovich, “The Protection of Honor, Dignity, and Business Reputation under the RF Civil Code: Problems of Judicial Enforcement”, Private and Civil Law in the Russia Federation, Essays in Honor of F.J.M. Feldbrugge, Edited by William Simons, Martinus Nijhoff Publisher, Leiden. Boston, 2009, (pp. 231 – 249), p. 231.
[21] Xem John E. C. Brierley and Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law – An Introduction to Quebec Private law, Emond Montgomery Publication Limited, Toronto, Canada, 1993, p. 203; Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luận, Bộ Quốc gia Giáo dục Xuất bản, In lần thứ hai, Sài Gòn, 1960, tr. 380; Trần Văn Liêm, Dân luật, Quyển 1 – Dân luật nhập môn, Sài Gòn, 1972, tr. 263; Bộ luật Dân sự Pháp 1804 (các điều từ 17 tới 33) trước khi bị bãi bỏ từ ngày 31/5/1854 và 10/8/1927. Hiện Bộ luật Dân sự Pháp vẫn để tên Chương II, Quyển thứ nhất là “Tước quyền dân sự”.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19 (299), tháng 10/2015)


Thống kê truy cập

33945557

Tổng truy cập