Trung Quốc với công tác phòng, chống tham nhũng

01/08/2015

ThS, TRẦN THÁI HÀ

Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Hiện nay, tham nhũng trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội Trung Quốc. Tham nhũng diễn ra trong mọi lĩnh vực và len lỏi từ cấp thấp đến cấp cao, từ khu vực công đến khu vực tư. Số tiền trong các vụ án tham nhũng ngày càng lớn. Nếu những năm đầu của cải cách, mở cửa, tham nhũng chỉ mười ngàn, vài chục ngàn nhân dân tệ đã là các vụ án tham nhũng lớn, thì đến nay, mức tham nhũng phổ biến lên đến hàng triệu, hàng chục triệu nhân dân tệ. Bên cạnh đó, thủ đoạn tham nhũng ngày càng xảo quyệt, cách thức che giấu tham nhũng ngày càng tinh vi; khuynh hướng trẻ hóa tham quan ngày một gia tăng; tội phạm tham nhũng có tổ chức ngày càng tăng; bên cạnh tham quan là nam giới, đã xuất hiện nhiều tham quan là nữ giới; tệ nạn mua quan, bán tước diễn ra công khai ở nhiều nơi; sự tham nhũng trong xây dựng cơ bản là tệ nạn ghê gớm nhất và sự tham nhũng đã dần phát triển xuống đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đến nay, hiện tượng tham nhũng là vấn đề được người dân Trung Quốc quan tâm thứ hai, chỉ sau vấn đề thất nghiệp.
Untitled_208.png 
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và pháp luật của nhà nước Trung Quốc về phòng, chống tham nhũng và một số kết quả  
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công cuộc chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phòng, chống tham nhũng. Chính phủ Trung Quốc cũng đã thể chế hóa thành hàng loạt các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực.
Trung Quốc đã lần lượt thông qua các đạo luật phòng, chống tham nhũng như: Luật Chống hối lộ năm 1988; Luật Chống tham nhũng năm 1997. Bên cạnh những đạo luật phòng, chống tham nhũng riêng biệt đó, hành vi tham nhũng còn được tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự (BLHS) của Trung Quốc. BLHS Trung Quốc dành một chương, gồm 15 điều, quy định các tội về tham nhũng như: tham ô, lạm dụng công quỹ, nhận hối lộ, đưa hối lộ, không nộp quà biếu hoặc lễ vật vào công quỹ, không chứng minh được nguồn gốc tài sản, phân chia tài sản trái phép… Luật hình sự của nước này hình sự hóa một loạt các tội tham nhũng, trong đó bao gồm cả tham nhũng chủ động và thụ động trong khu vực công, tống tiền, rửa tiền và lạm dụng vị trí của công chức. Hành vi tham nhũng cấu thành tội phạm khi giá trị tài sản tham nhũng từ 10.000 nhân dân tệ trở lên. Hình phạt cao nhất được áp dụng với tội phạm tham nhũng là tử hình. Năm 1993, Trung Quốc đã ban hành Luật Cạnh tranh, quy định cả về hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân, theo đó hành vi hối lộ của các công ty tư nhân và nhà quản lý để có được lợi thế không chính đáng là bất hợp pháp.
Đầu năm 2005, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố “Cương lĩnh xây dựng và thực thi kiện toàn hệ thống giáo dục, chế độ giám sát, coi trọng trừng trị và đề phòng tham nhũng”, yêu cầu đến năm 2010, Trung Quốc phải xây dựng xong khung cơ bản của hệ thống trừng trị và đề phòng tham nhũng. Cũng trong năm đó, Trung Quốc đã gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tháng 5/2007, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố “Một số quy định về việc nghiêm cấm lợi dụng những tiện lợi trong công tác để mưu cầu lợi ích không chính đáng”.
Tháng 9/2007, Trung Quốc thành lập Cục Phòng, chống tham nhũng quốc gia và sửa đổi Luật Chống tham nhũng năm 1997.
Năm 2008, Trung Quốc đã đề ra chiến lược phòng, chống tham nhũng mới: “Kế hoạch phòng chống tham nhũng giai đoạn 2008 - 2012”. 
Từ năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành bốn cuộc vận động chống tham nhũng. Cuộc vận động thứ nhất diễn ra vào năm 1982, tập trung vào tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế và đã thu được nhiều thành công lớn. 136.024 vụ án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế đã được điều tra, trong đó 44.000 người đã bị khởi tố và 26.000 người trong số đó đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cuộc vận động thứ hai bắt đầu từ cuối năm 1983 và kết thúc vào đầu năm 1987, tập trung vào cải cách tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, một số lượng lớn đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và có dính líu đến hành vi tham nhũng đã bị xử phạt. Trong đó có 35.616 quan chức cấp cao ở cả trung ương và địa phương. Cuộc vận động chống tham nhũng thứ ba được tiến hành từ năm 1988 và kết thúc vào đầu năm 1989. Theo thống kê chính thức, riêng trong năm 1989, 116.763 vụ án về tham ô, nhận hối lộ và những hành vi tham nhũng khác đã bị Viện Kiểm sát khởi tố; trong đó, 20.794 kẻ phạm tội đã bị bắt giữ. 482,86 triệu nhân dân tệ đã được thu hồi. Chỉ từ ngày 15/8/1989 đến 31/10/1989, đã có 36.171 công chức đã tự thú trước các cơ quan chống tham nhũng của quốc gia này. Cuộc vận động chống tham nhũng lần thứ tư bắt đầu từ cuối năm 1993 và kéo dài cho đến nay[1].
Trong năm năm thực hiện Kế hoạch Chống tham nhũng 2013-2017 của Chủ tịch Tập Cận Bình với chủ trương “đả hổ, diệt ruồi” (tức là chống tham nhũng cả ở cấp cao và cấp thấp), 182.000 quan chức cấp cao và quan chức ở địa phương đã bị truy tố vì hành vi tham nhũng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Trong đó, có hàng loạt quan chức cao cấp bị truy tố và kết án nghiêm khắc như: Zhang Xinhua (cựu Giám đốc điều hành của tập đoàn Công - nông nghiệp Bạch Vân bị tử hình); Lưu Thiết Nam (Phó Ban phát triển và cải cách quốc gia bị tù chung thân); Chu Vĩnh Khang (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Bộ Công an bị tù chung thân); Qi Dacai (Phó Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc bị bắt) …
Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc cải cách chi tiêu công - một trong những điều kiện cho tham nhũng tồn tại - mà Chính phủ đã cắt giảm được 193 triệu đôla Mỹ trong việc tổ chức các nghi lễ, hội thảo, diễn đàn. Ngoài ra, Chính phủ đã bắt đầu nghiêm cấm việc sử dụng các giấy phép quân đội trên những chiếc xe sang trọng và điều chỉnh các thẻ quà tặng không được vượt quá 1.000 nhân dân tệ.
Trong những năm gần đây, với những nỗ lực không ngừng của Đảng và Chính phủ, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc đã đem lại nhiều kết quả. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua sự tăng lên của chỉ số CPI[2] của Trung Quốc qua từng năm.  
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số CPI của Trung Quốc qua các năm được đánh giá như sau:
Năm
Chỉ số
Xếp hạng trên tổng số quốc gia được đánh giá
2001
3,5
57/91
2002
3,5
59/102
2003
3,4
66/133
2004
3,3
70/145
2005
3,2
78/159
2006
3,3
70/163
2007
3,5
72/179
2008
3,6
72/180
2009
3.6
79/180
2010
3,5
79/178
2011
3,6
75/185
2012
39/100
80/178
2013
40/100
80/175
2014
36/100
100/175
Bảng: Chỉ số minh bạch của Trung Quốc từ năm 2001 đến năm 2014[3]
 
Trung Quốc hiện đang được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách chống tham nhũng rất mạnh mẽ và cương quyết.
2. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu quả của Trung Quốc
Có thể nhận thấy, những kết quả đó có được nhờ những biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả của Trung Quốc. Cụ thể như sau:
Một là, coi trọng việc giáo dục đạo đức cho công chức
Trung Quốc coi việc giáo dục đạo đức cho công chức là một trong những biện pháp rất quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng. Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và Nhà nước.
Tháng 8/2010, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành 18 điều quy định đối với cán bộ đảng viên, trong đó đề cập một cách cụ thể những điều cấm đối với cán bộ lãnh đạo. Những quy định này nhằm chống lại việc sử dụng đặc quyền, đặc lợi để mưu cầu lợi ích không chính đáng, kiên quyết ngăn chặn hành vi lấy danh nghĩa để nhận tiền, quà, lợi dụng tiền công, của công, lấy việc công làm việc tư, biến của công thành của tư …
Hai là, phòng ngừa sự xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung
Đây là việc đề ra và thực hiện các quy định nhằm giúp công chức tránh được tình trạng phải đối đầu với xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung (nói cách khác là làm cho công chức không có cơ hội lợi dụng vị trí công tác của mình nhằm thu lợi riêng gây thiệt hại đến lợi ích chung). Theo đó, Trung Quốc quy định: cán bộ khi rời chức vụ lãnh đạo hoặc nghỉ hưu thì trong vòng 3 năm sau đó, không được kinh doanh ở những lĩnh vực có liên quan đến công việc trước đây mình phụ trách; vợ (hoặc chồng), con cán bộ lãnh đạo không được kinh doanh ở các lĩnh vực do chồng (hoặc vợ), cha mẹ mình quản lý. Từ năm 1997, Trung Quốc đã giải tán các cơ sở kinh doanh trong công an, quân đội, hải quan nhằm tránh lợi dụng quyền lực để tham nhũng.
Ba là, quy định về việc kê khai tài sản của công chức
Tất cả công chức ở mọi vị trí đều phải kê khai tài sản của mình mỗi năm hai lần. Tất cả các nguồn thu nhập từ các nguồn khác nhau đều phải được kê khai đầy đủ. Cán bộ lãnh đạo phải kê khai rõ các khoản như: tiền tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, đồ dùng có giá trị trên 10.000 nhân dân tệ (khoảng 19 - 20 triệu đồng Việt Nam), ô tô, nhà riêng, đất đai, tranh cổ quý hiếm... Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật của Đảng và Bộ Giám sát của Chính phủ theo dõi, giám sát việc kê khai và xem xét, xử lý những trường hợp có tài sản bất minh. Công chức không giải thíchđược nguồn gốc tài sản của mình thì bị coi là tham ô. Điều 395 BLHS Trung Quốc quy định: "Bất cứ công chức nào có tài sản vượt quá mức thu nhập và số lượng chênh lệch quá lớn thì bắt buộc phải giải trình nguồn gốc của tài sản. Nếu công chức đó không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì sẽ bị kết án 5 năm tù giam và phần tài sản vượt quá mức thu nhập sẽ bị tịch thu".
Bốn là, xem xét cả đơn thư nặc danh để phát hiện tham nhũng
Trung Quốc cho rằng, hiện nay pháp luật Trung Quốc chưa hoàn thiện, người tố cáo còn bị đe dọa, do đó cho phép người tố cáo được giấu tên và chấp nhận thư nặc danh. Trong thực tế, Trung Quốc có khoảng 60% đơn thư tố cáo là thư nặc danh và trong số đó có rất nhiều thông tin chính xác về tham nhũng. Theo một tài liệu của Uỷ ban Kiểm tra và Kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc thì những năm gần đây, 80% các vụ án lớn ở nước này được xử lý là do nhân dân tốcáo.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tố giác hành vi tham nhũng, Trung Quốc đã thiết lập nhiều kênh thu thập thông tin về tham nhũng để người dân có thể dễ dàng tố giác hành vi tham nhũng. Từ năm 1988, các trung tâm tiếp nhận thông tin về tham nhũng của Viện Kiểm sát và Bộ Giám sát đã được thành lập ở tất cả các địa phương. Công dân có thể cung cấp các chứng cứ về hành vi tham nhũng của đảng viên và công chức trực tiếp tại các trung tâm này hoặc qua điện thoại (đường dây nóng hoạt động 24 giờ trong ngày), fax, thư. Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương cũng mở trang web đặc biệt (12388.gov.cn) để quần chúng phát hiện tham nhũng trong các cơ quan đảng, Nhà nước.
Năm là, xử lý nghiêm khắc các phần tử tham nhũng
Trung Quốc cho rằng, việc áp dụng các hình phạt nghiêm khắc dành cho những cá nhân có hành vi tham nhũng sẽ là một công cụ hữu hiệu để trừng phạt những người vi phạm cũng như để răn đe, giáo dục các thành viên khác trong xã hội không tham nhũng. Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, người thực hiện hành vi tham nhũng bị xử lý rất nghiêm khắc. Cụ thể là:
- Tham ô dưới 2.000 nhân dân tệ (gần 300 đô-la Mỹ) thì bị xử lý hình sự, dưới mức đó thì xử lý ở mức hành chính.
- Tham ô dưới 5.000 nhân dân tệ (gần 750 đô-la Mỹ) nhưng tự nguyện nộp tài sản cho Nhà nước và có hành vi ăn năn hối cải thì có thể được xét giảm trách nhiệm hình sự.
- Tham ô từ 2.000 nhân dân tệ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù đến 2 năm.
- Tham ô từ 2.000 nhân dân tệ đến 10.000 nhân dân tệ thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
- Tham ô từ 50.000 nhân dân tệ trở lên, gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, xã hội sẽ bị phạt tử hình.
Ngày 28/02/2010, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi BLHS, thắt chặt hơn các quy định về chống tham nhũng. Bộ luật sửa đổi đã tăng hình phạt đối với các hành động chiếm hữu tài sản không kê khai. Điều chỉnh mới cũng tăng gấp đôi khung hình phạt tù tới 10 năm đối với các quan chức bị phát hiện chiếm hữu một số lượng lớn thu nhập hay tài sản mà họ không thể giải trình được nguồn gốc.
Đáng chú ý là, BLHS của Trung Quốc còn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong các tội về tham nhũng chứ không chỉ có trách nhiệm của cá nhân người phạm tội. Theo đó, cơ quan, tổ chức có người phạm tội về tham nhũng sẽ bị phạt tiền. Đồng thời, BLHS cũng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý công chức có hành vi tham nhũng.
Sáu là, xây dựng cơ quan chống tham nhũng theo mô hình “một nhà, hai cửa”
Từ năm 1978, Trung Quốc đã thành lập và tái lập nhiều cơ quan chống tham nhũng khác nhau. Cuối năm 1978, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan có chức năng chính là giám sát đảng viên trong việc tuân thủ điều lệ Đảng, được thành lập lại. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các viện kiểm sát nhân dân địa phương cũng được tái lập. Đến năm 1987, Bộ Giám sát - cơ quan có chức năng chính là giám sát công chức nhà nước và xử phạt những công chức vi phạm kỷ luật nhà nước được thành lập. Bộ Giám sát là một cơ quan trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Là một tổ chức đặc biệt để giám sát hành chính và thanh tra, Bộ Giám sát được thành lập để đảm bảo việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ, duy trì kỷ luật hành chính, tạo thuận lợi cho việc xây dựng một Chính phủ trung thực, cải thiện hành chính công và nâng cao hiệu quả hành chính, nâng cao nhận thức pháp luật của công chức trong thi hành công vụ. Bộ Giám sát được bảo vệ khỏi sự can thiệp của bất kỳ cơ quan hành chính, tổ chức hoặc cá nhân nào. Đầu năm 1990, một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng lần đầu tiên được xây dựng là Cục Điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát. Các cơ quan này là lực lượng nòng cốt trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Điểm đáng lưu ý là Trung Quốc đã kết hợp giữa cơ quan chống tham nhũng của Đảng (Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật) với cơ quan chống tham nhũng của Nhà nước (Bộ Giám sát và Cục Điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát). Bộ trưởng Bộ Giám sát (tương đương với Tổng Thanh tra Chính phủ của Việt Nam) đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Trung ương Đảng. Sự kết hợp giữa cơ quan chống tham nhũng của Đảng và cơ quan chống tham nhũng của Nhà nước được thể hiện trong cả tổ chức và hoạt động, được Trung Quốc gọi là mô hình “một nhà, hai cửa”. Mô hình này vừa xử lý được các tổ chức đảng và đảng viên, vừa xử lý được các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước tham nhũng. Các cấp hành chính ở địa phương cũng có mô hình tương tự.
Bảy là, phát triển chính phủ điện tử
Mặc dù chính phủ điện tử là một biện pháp chống tham nhũng mới được áp dụng ở Trung Quốc nhưng các nhà lãnh đạo của quốc gia này cho rằng, chính phủ điện tử là một yếu tố quan trọng của cải cách hành chính và là một cách thức hiệu quả để tăng hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Các trang web của Chính phủ trung ương có chứa các liên kết đến tất cả các chính quyền cấp tỉnh và thành phố. Trung Quốc có khoảng 100.000 cổng thông tin web của Chính phủ. Các nội dung trên hầu hết các trang web của Chính phủ chỉ được viết bằng ký tự tiếng Trung Quốc đơn giản. Chỉ một số trang web, bao gồm cả các trang của những thành phố lớn, được cung cấp bằng tiếng Anh. Các cổng thông tin của Chính phủ đã được tăng cường bằng cách cung cấp thông tin toàn diện, các dịch vụ tích hợp nhiều hơn giữa các ngành khác nhau, và tương tác lớn hơn giữa các quan chức chính phủ và công dân.  
Nhận thức được tính chất nguy hiểm của nạn tham nhũng, Trung Quốc luôn coi phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước. Những biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thực hiện trong thời gian qua đã chứng tỏ sự hiệu quả rõ rệt trên thực tế./.  
 

 
 
[1] Zengke He (2003): Corruption and anti – corruption in reform China, p. 267.
[2] CPI là chỉ số cảm nhận tham nhũng được công bố hàng năm bởi Tổ chức Minh bạch quốc tế. Chỉ số CPI xếp hạng các quốc gia/vùng lãnh thổ trên cơ sở cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia/vùng lãnh thổ đó. Đây là một chỉ số tổng hợp, một sự kết hợp giữa các cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá tham nhũng do các tổ chức có uy tín thu thập. CPI là chỉ số về tham nhũng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
[3] Theo website của Tổ chức Minh bạch quốc tế: http://www.transparency.org

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(295), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

33947040

Tổng truy cập