Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

01/04/2015

TS. NGUYỄN DUY PHƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Huế

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Ngay từ năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã ký kết gia nhập “Công ước của Liên hiệp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women) gọi tắt là CEDAW, đồng thời ban hành các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao điều chỉnh các vấn đề có liên quan BLGĐ như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới. Đặc biệt, ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống BLGĐ, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế. Việc ra đời của Luật Phòng, chống BLGĐ là một trong những công cụ pháp lý để bảo vệ nạn nhân BLGĐ, là cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ của Việt Nam.
Để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ. Quá trình triển khai thực hiện các văn bản phòng, chống BLGĐ về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, vấn đề BLGĐ đã được nhìn nhận một cách thực sự như một vấn nạn xã hội, phòng, chống BLGĐ đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, theo Báo cáo nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Namđược Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc công bố ngày 25/11/2011, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%. Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng: thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức BLGĐ kể trên. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng[1].
Trong những năm gần đây, tình trạng BLGĐ vẫn không có chiều hướng giảm. Ngày càng có nhiều trường hợp BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng được phát hiện, công tác phòng, chống BLGĐ vẫn chưa thật sự hiệu quả, nhận thức về BLGĐ chưa đầy đủ. Đặc biệt ở một số vùng nông thôn, đa số người dân chưa nhận thức được chính xác thế nào là BLGĐ, nhầm lẫn giữa BLGĐ với những mâu thuẫn thường gặp hàng ngày trong đời sống gia đình. BLGĐ chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ chưa được hiểu và thực hiện đúng.
Mặc dù Luật Phòng, chống BLGĐ đã được áp dụng gần bảy năm, nhưng qua thực tiễn thực hiện pháp luật cho thấy, vẫn còn những bất cập, mâu thuẫn và thiếu những quy định cần thiết để hoạt động phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả.
Chính vì vậy, ngày 06/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020, với mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống BLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn quốc”[2]. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu là: “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống BLGĐ, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ”[3].
Để đáp ứng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020, khắc phục những hạn chế này, theo chúng tôi, cần phải hoàn thiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng sau:
1. Hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình  
Thứ nhất, cầnlàm rõ khái niệm “thành viên gia đình” trong Luật Phòng, chống BLGĐ nhằm thống nhất với các luật khác.
Về khái niệm “thành viên gia đình”, Khoản 2, Điều 1Luật Phòng, chống BLGĐ quy định:“BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”[4].Tuy nhiên, Luật lại không giải thích khái niệm "thành viên gia đình", nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành có tới hai khái niệm thành viên gia đình. Hai khoản của Điều 49 được thể hiện bằng hai cụm từ ngữ khác nhau: “Các thành viên cùng sống chung trong gia đình có nghĩa vụ” và “Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng”. Việc quy định không đồng nhất này dẫn đến cách hiểu tồn tại song song hai loại thành viên gia đình: (1) thành viên cùng sống chung trong gia đình có nghĩa vụ, (2) thành viên trong gia đình có quyền. Như vậy, nếu đối chiếu với Luật Hôn nhân và Gia đình, thành viên gia đình trong Luật Phòng, chống BLGĐ được xếp vào loại thứ 2, điều này là hoàn toàn bất hợp lý.  
Mặt khác, hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, có người cho rằng thành viên gia đình bao gồm tất cả những người sống chung dưới một mái nhà như ông, bà, cha, mẹ con cái, dâu, rể, anh chị em... Có người lại cho rằng “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau” theo như quy định Điều 8Luật Hôn nhân và Gia đình; từ đó cho rằng: thành viên gia đình là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng. Trong thực tế, việc con dâu bạo hành với bố mẹ chồng, con rể bạo hành đối với bố mẹ vợ xảy ra khá phổ biến, vậy hành vi này có phải là BLGĐ không? Điều đó cho thấy đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống BLGĐ chưa được quy định một cách rõ ràng, có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, và do đó việc áp dụng các quy định của Luật để bảo vệ nạn nhân trở nên khó khăn hơn.
Để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, theo chúng tôi, cần quy định cụ thể, rõ ràng về “khái niệm thành viên gia đình”. Thành viên gia đình là những người có một khoảng thời gian sống chung với nhau ổn định, có sự quan tâm chia sẻ với nhau những công việc của gia đình và xã hội, từ đó hình thành nên mối liên hệ đặc biệt về tâm lý, tình cảm, tạo nên cách ứng xử giữa họ với nhau, bao gồm những đối tượng sau: (1) những người sống trong cùng một gia đình, có đời sống chung về mặt vật chất và tinh thần như ông, bà cha mẹ và con cái, vợ và chồng, (2) giữa những người là con dâu với cha mẹ chồng, là con rể với cha mẹ vợ, (3) giữa những người sống chung với nhau như vợ chồng.
 Thứ hai, quy định các hành vi cụ thể của từng loại BLGĐ
Hành vi BLGĐ được liệt kê tại Điều 2 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007, theo chúng tôi, là quá chung chung và không đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng người thực hiện hành vi bạo lực cũng không biết mình đang thực hiện hành vi BLGĐ, đồng thời nạn nhân cũng khó xác định được đâu là hành vi BLGĐ để tố cáo, để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp. Do đó cần phải phân loại hành vi BLGĐ như:
- Bạo lực thân thể: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
- Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
- Bạo lực về mặt xã hội: gồm việc cắt đứt các mối quan hệ giữa người phụ nữ với người thân trong gia đình và bạn bè.
- Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…).
 Ngoài ra cần bổ sung các hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng như: hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai...
Thứ ba, quy định về biện pháp cấm tiếp xúc trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ
Điểm d Khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định về việc cấm tiếp xúc: “Cấm người có hành vi BLGĐ đến gần nạn nhân; sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (sau đây gọi là biện pháp cấm tiếp xúc)”.
Cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người có hành vi bạo lực là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo hành về lỗi lầm của họ. Tuy nhiên, Luật quy định việc áp dụng biện pháp này phải: “Có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ”[5], điều này có phần chưa khả thi. Bởi vì hầu hết nạn nhân bị bạo lực là người vợ, người con trong đó nhiều người bị phụ thuộc vào người chồng về kinh tế, đặc biệt là người phụ nữ lại rất gắn bó với con cái, nên dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng họ vẫn có thể cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Do đó, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân, có sự đồng ý của nạn nhân” là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo vệ được các nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 20 thì điều kiện để cấm tiếp xúc là: “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Điều này là không khả thi, vì đa số hành vi BLGĐ xảy ra với những người trong gia đình, sống chung trong một mái nhà nên họ không có nơi ở khác. 
Do đó, khi áp dụng biện pháp này, trong trường hợp hành vi bạo lực gây tổn hại hết sức nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của nạn nhân; hành vi lặp lại nhiều lần; người có hành vi đã được giáo dục mà tiếp tục vi phạm… thì không cần đến sự yêu cầu hay cho phép của nạn nhân. Khi thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc, nếu nạn nhân hoặc thủ phạm không có nơi ở khác thích hợp thì các cơ quan, tổ chức hữu quan phải bố trí chỗ ở cho họ (có thể ở tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, bản...)
Thứ tư, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống BLGĐ được quy định tại Chương IV Luật Phòng, chống BLGĐ (từ Điều 33 đến Điều 41). Tuy nhiên, Luật chỉ quy định chung chung về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thi hành Luật, mà không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế. Vì vậy, theo chúng tôi, cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Cụ thể cần quy định việc tuyên truyền này như là một trách nhiệm thường xuyên của một số cơ quan, tổ chức cụ thể ở địa phương, cơ sở (Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Hội phụ nữ, Tổ dân phố…).
Đồng thời, cũng cần phải quy định những biện pháp xử lý cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống BLGĐ. Mặc dù Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã bổ sung một số biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, cơ quan, tổ chức phòng, chống BLGĐ có hành vi vi phạm trong phòng, chống BLGĐ như: (i) nhân viên tư vấn, y tế, phóng viên các cơ quan truyền thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân BLGĐ mà không được sự đồng ý của nạn nhân làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của nạn nhân hoặc cố ý tiết lộ, tạo điều kiện cho người có hành vi bạo lực biết nơi tạm lánh của nạn nhân sẽ bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng; (ii) nếu tổ chức, cá nhân có hành vi đòi tiền của nạn nhân sau khi có hành động giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để yêu cầu họ thực hiện hành vi trái luật sẽ bị phạt 300 ngàn đồng; (iii) đối với việc cố tình thành lập cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ hoặc lợi dụng hoạt động phòng, chống BLGĐ để trục lợi sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP chưa quy định bất cứ một hình thức xử phạt nào cho những hành vi dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật các hành vi BLGĐ. Do đó, cần phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ cũng như những chế tài xử lý thích đáng đối với các cơ quan, tổ chức để các vụ việc bạo lực xảy ra liên tục, kéo dài, không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. 
2. Hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ nhất, quy định về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống chữa cháy; phòng, chống BLGĐ đã đưa ra những chế tài cần thiết đối với người thực hiện hành vi BLGĐ, các mức phạt đối với các hành vi vi phạm đã được điều chỉnh hợp lý hơn, khắc phục những tồn tại của các quy định cũ. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định về hình thức phạt tiền của Nghị định này chưa thực sự hợp lý và không có tính khả thi, cụ thể như:
- “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: (1). Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác, (2). Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác”[6]. Mức phạt như vậy là quá thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, vì đối với những người có điều kiện kinh tế thì mức phạt tiền như trên là không có ý nghĩa giáo dục với họ. Còn đối với người có điều kiện kinh tế khó khăn thì biện pháp phạt tiền lại càng phản tác dụng do người có hành vi bạo lực vì phải nộp phạt mà trút giận lên nạn nhân bằng những hành vi bạo lực kinh khủng hơn, tinh vi hơn. Ngoài ra, trong trường hợp người có hành vi bạo lực không có thu nhập thì việc phạt tiền với họ là không khả thi, không có tác dụng, do họ không có công ăn việc làm, thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn và đánh đập vợ để lấy tiền uống rượu, khi bị xử phạt thì người phải bỏ tiền nộp phạt chính là nạn nhân (vợ, con).
- “Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 01 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình” (Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 167). Vậy mức độ lăng mạ, chửi bới thành viên trong gia đình như thế nào thì sẽ bị xử lý? Muốn có căn cứ để xử phạt cần có bằng chứng, có người đứng ra tố giác hoặc cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Trong khi đó, sự lăng mạ thực hiện bằng lời nói mà thường thì “lời nói gió bay” lấy gì làm căn cứ; liệu lực lượng cán bộ xã, công an… có đủ để theo sát từng nhà, phát hiện hành vi để xử lý trong khi tâm lý chung của người dân Việt Nam là không thích “vạch áo cho người xem lưng”? Mặt khác như đã phân tích ở trên, với mức xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 01 triệu đồng, đối với người có điều kiện thì họ sẵn sàng nộp phạt và coi như hết trách nhiệm, như vậy, tính răn đe sẽ không cao. Còn nếu rơi vào gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của gia đình họ. Vì vậy, chắc chắn người người bị lăng mạ không dại gì lại đi khai báo với cơ quan chức năng chỉ vì một câu nói xúc phạm của chồng (vợ) để bị mất tiền, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình.
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, có thể bỏ chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ khi có hành vi bạo hành mà dùng hình thức chế tài khác như lao động công ích tại địa phương... Nếu phạt chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề tài chính mà chính nạn nhân lại là người gánh chịu, như vậy sẽ không đạt được mục đích của biện pháp chế tài hành chính này. Việc xử phạt lao động công ích tại địa phương cũng chạm được đến lòng tự trọng của họ, tạo nên tiếng nói dư luận, do đó họ sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm, vì thế hiệu quả phòng, chống BLGĐ sẽ cao hơn.
Thứ hai, quy định về xử lý hình sự đối với hành vi bạo lực
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, khung hình phạt hiện nay đối với một số tội liên quan đến những hành vi bạo lực trong gia đình như: đối với tội bức tử (Điều 100) cao nhất là bảy năm tù, còn các tội khác mức hình phạt cao nhất cũng chỉ tới ba năm tù là chưa nghiêm, chưa đủ để mang tính răn đe. Cần quy định mức hình phạt đối với các hành vi BLGĐ cao hơn mới có tác dụng ngăn chặn tình trạng bạo lực trong gia đình hiện nay ở Việt Nam.
Đối với các tội giết người (Điều 93), tội cố ý gây thương tích (Điều 104) thì không có sự khác biệt giữa người thực hiện hành vi là thành viên gia đình hay không phải thành viên gia đình. Do đó pháp luật hình sự cần bổ sung thêm các tình tiết định khung như: "phạm tội đối với vợ, chồng, con cái" và "gây tổn hại sức khỏe cho các thành viên trong gia đình"vào các tội danh trên.Hành vi hành hạ, ngược đãi gây thương tích, tước đoạt tính mạng của người khác đều là những hành vi mang tính chất đặc biệt nguy hiểm vì nó vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng - một trong những quyền cơ bản của con người, ảnh hưởng xấu cho gia đình và xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức. Những hành vi này nếu đặt trong quan hệ gia đình thì nó càng mang tính chất nguy hiểm nhiều hơn và cần phải có sự trừng trị nghiêm khắc hơn, bởi những thành viên trong gia đình là những người đã luôn yêu thương, chăm sóc nhau và gắn bó với nhau suốt cuộc đời.
Một vấn đề bất cập nữa là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên mới là cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các hành vi BLGĐ gây thương tích cho người khác và tỷ lệ này chỉ có thể xác định trên cơ sở kết luận của giám định pháp y. Điều này làm vô hiệu quy định của Luật phòng, chống BLGĐ, bởi vì ngay cả khi người bị hại đã quyết định thực hiện quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự (theo yêu cầu của người bị hại) để xử lý người có hành vi BLGĐ, thì lại gặp khó khăn nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% (do cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố) và ngay cả trường hợp tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì nạn nhân cũng lúng túng với đòi hỏi phải có chứng cứ về tỷ lệ thương tật. Do đó, theo chúng tôi, đối với hành vi BLGĐ, gây thương tích cho thành viên trong gia đình thì không nhất thiết phải có tỷ lệ thương tật là 11% mà chỉ cần quy định đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm là đủ.
Mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh về phòng, chống BLGĐ, nhưng qua thực tế cho thấy, BLGĐ vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đang tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội, trong khi đó vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật cũng còn rất nhiều hạn chế. Do đó việc hoàn thiện Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc phòng, chống BLGĐ là rất cần thiết, vì pháp luật là công cụ chủ yếu và hữu hiệu nhất trong phòng, chống BLGĐ để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đem lại hạnh phúc cho con người nói chung và người phụ nữ nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ./.

 


* TS. Trường đại học Luật thuộc Đại học Huế.
[1]Tổng cục Thống kê Việt Nam (2010), Nghiên cứu quốc gia về BLGĐđối với phụ nữ ở Việt Nam.
[2] Chương trình hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ đến năm 2020.
[3] Chương trình hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ đến năm 2020.
[4] Luật Phòng, chống BLGĐ 2007.
[5] Khoản 1 Điều 20 Luật phòng, chống BLGĐ 2007
 
[6]Điều 55 Luật Phòng chống BLGĐ.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 7(287), tháng 4/2015)


Thống kê truy cập

33938393

Tổng truy cập