Ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và kiến nghị hoàn thiện chế tài xử lý trong lĩnh vực môi trường

01/03/2015

ThS. NGUYỄN QUANG HÙNG

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội

1. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nằm ở hữu ngạn của sông Hồng với diện tích tự nhiên khoảng 7.949 km2, với dân số trên lưu vực năm 2013 trên 8,3 triệu người và nằm trọn trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình[1]. Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã và đang có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng thủ đô Hà Nội. Trong những năm gần đây, hoạt động phát triển KT-XH trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm, nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài những lợi ích KT-XH đã mang lại, tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đang ở mức báo động. Theo báo cáo đánh giá kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy năm 2014 thì các chỉ tiêu COD, BOD5, NH4+  trên sông Nhuệ - sông Đáy đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT[2] loại B1 nhiều lần, nhất là đoạn từ Cầu Diễn (Hà Nội) đến cầu Đồng Quan (Thường Tín) do tiếp nhận nhiều nước thải công nghiệp và sinh hoạt của Hà Nội. Chỉ số COD dao động từ 5-126,2 mg/l (cao gấp 4,2 lần QCVN), BOD5 dao động từ 3-60,2 mg/l (cao gấp 4,2 lần QCVN), NH4+ dao động từ 1,0-29,6 mg/l (cao gấp 2-59,2 lần QCVN). Chỉ số chất lượng nước[3] (Water Quality Index-WQI) trên sông Nhuệ cũng khá thấp, WQI nằm trong khoảng 16-50 (hình 1) nên chất lượng nước chỉ đạt được mục đích giao thông thủy[4] và vài mục đích khác. Chỉ số WQI (hình 2) trên sông Đáy trong khoảng 51-75, môi trường nước có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và cuối hạ lưu - do cơ chế tự làm sạch nên nước ở một số điểm quan trắc có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, một số điểm này lại không có ý nghĩa lắm đối với chất lượng nước toàn lưu vực.
1_44.jpg
2_26.jpg
Hình 1: Giá trị WQI trên sông Nhuệ
Hình 2: Giá trị WQI trên sông Đáy
 
Trước những thách thức về quản lý sử dụng và phát triển bền vững trên lưu vực sông, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số chế tài nhằm xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung và trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm các quy định về BVMT trên lưu vực sông không có dấu hiệu được cải thiện, mà đang có xu hướng gia tăng, các vấn đề ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã và đang rất bức xúc. Nguyên nhân ô nhiễm thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do các áp lực về tăng dân số, phát triển KT-XH khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương, chính sách mở cửa, phát triển kinh tế để có hành vi thải các chất ô nhiễm ra môi trường. Đồng thời, các chế tài xử lý các vi phạm về chất thải chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; chưa trừng trị được người vi phạm; chưa ngăn cản được người vi phạm không tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm và chế tài cũng chưa đủ sức để giáo dục và làm thay đổi nhận thức, hành vi của người vi phạm. Từ góc độ nghiên cứu cụ thể trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, chúng tôi nêu một số kiến nghị góp phần hoàn thiện chế tài xử lý hành chính và hình sự trong lĩnh vực môi trường liên quan đến chất thải.
2.Một số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trênlưu vực sông Nhuệ - sông Đáy  
2.1.  Các áp lực gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông
Hiện nay, áp lực lớn nhất vẫn là sự gia tăng dân số và kéo theo đó là nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Điều này đã tạo áp lực rất lớn lên môi trường nói chung và môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng. Theo dự báo đến năm 2020, dân số trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tăng gần 9,5 triệu người, tăng 1,26%/năm[5].
Mục tiêu phát triển KT-XH của các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, phấn đấu GDP đạt trung bình từ 10,5-15,5%/năm, GDP/người đạt từ 1.927 - 3.115 USD, tỷ trọng ngành công nghiệp trên lưu vực tương đối cao: TP. Hà Nội là 42%, tỉnh Hà Nam là 58,6%, tỉnh Nam Định 54% và tỉnh Ninh Bình là 40,6%[6]. Do sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, đô thị, gia tăng dân số trên lưu vực sông đã tạo nên áp lực về nhu cầu sử dụng nước. Dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu dùng nước trên lưu vực sông của các ngành tăng 37,5% so với năm 2012. Nhu cầu nước công nghiệp năm 2012 chỉ chiếm 12,47% tổng nhu cầu, nhưng đến năm 2020 dự báo chiếm tới 18% tổng nhu cầu (648 triệu m3). Nhu cầu nước sinh hoạt năm 2020 dự báo tăng tới 73,3% so với năm 2009, chiếm tới 15% tổng nhu cầu sử dụng nước trên toàn lưu vực (xem hình 3)[7].
 
3_17.jpg
Hình 3: Cơ cấu dùng nước năm 2020 trên lưu vực sông  Nhuệ - Đáy
Theo thống kê, mỗi ngày lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy phải tiếp nhận khoảng 610.000 m3 nước thải sinh hoạt, chiếm 16%; 15.500 m3 nước thải bệnh viện, chiếm 0,4% và 636.000 m3 nước thải công nghiệp, chiếm 17%. Dự báo đến năm 2020 lượng nước có xu hướng gia tăng (xem Bảng 1)[8].
Bảng 1: Dự báo lượng nước thải tăng đến năm 2020 trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy
TT
Nguồn
Nước thải năm 2010
(m3/ngày)
Nước thải năm 2020[9]
(m3/ngày)
Tỷ lệ tăng
(%)
1
Đô thị (sinh hoạt và y tế)
625.000
912.135
45,94
2
Công nghiệp
636.000
724.448
13,91
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Môi trường, tính đến tháng 10/2014 có khoảng 1.942 nguồn thải lỏng[10]. Trong đó có: 1.639 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 28 nguồn thải là khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); 132 cơ sở y tế, bệnh viện.
2.2. Vi phạm pháp luật BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy diễn ra phổ biến
Năm 2013-2014, Bộ TN&MT đã tập trung thanh tra, kiểm tra đối với 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, trong đó xử phạt 53/68 (chiếm 77,9%) cơ sở với tổng số tiền xử phạt7.795.641.700 đồng; đình chỉ hoạt động đối với 01 cơ sở, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 02 cơ sở là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Năm 2014, Bộ Công an cũng đã phát hiện khám phá và xử lý 91 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng. Chưa khởi tố được vụ hình sự nào.
Các năm 2013 - 2014, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đối với 2.049 cơ sở sản xuất, kinh doanh, 5 KCN, CCN và tiến hành xử phát 603 cơ sở với số tiền 10.867.829.700 đồng[11]
Việc triển khai xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủmặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Đã xử lý triệt để 38/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc 05 tỉnh. Tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội đã hoàn thành công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Nam Định còn 2/6 cơ sở, tỉnh Hà Nam còn 2/4 cơ sở, tỉnh Hoà Bình còn 1/2 cơ sở đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý, một số cơ sở đang trong giai đoạn hoàn thiện, đóng cửa hoặc trình hồ sơ phê duyệt hoàn thành. Tuy nhiên, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phát sinh mới là có xu hướng gia tăng. Căn cứ Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT về việc hướng dẫn phân loại quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý thì năm 2014, tỉnh Hòa Bình phát sinh thêm 27 cơ sở góp phần vào tổng số 150 cơ sở, doanh nghiệp thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Hà Nam phát sinh thêm 25 cơ sở[12].
Qua các con số trên cho thấy phần nào thực trạng xâm phạm đến chất lượng môi trường và các quy định về BVMT trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng. Có thể nói rằng, người dân đã và đang phải sống trong môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cũng như ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân là do còn nhiều bất cập và khó khăn trong thực hiện các chế tài xử lý. Điều đáng nói là, trong triển khai xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, pháp luật về hành chính đang vô hiệu hóa pháp luật hình sự về môi trường. Trên lưu vực sông, chưa tiến hành được vụ khởi tố hình sự nào đối với tội phạm về môi trường. Thực trạng này đòi hỏi cần phải xây dựng và hoàn thiện chế tài xử lý hành chính và hình sự một cách rõ ràng, không được mâu thuẫn và vô hiệu hóa lẫn nhau.
3. Những bất cập của các chế tài xử lý 
3.1. Các căn cứ trong chế tài xử phạt là rất mong manh và khó áp dụng
Thực tiễn cho thấy, căn cứ rất quan trọng trong việc xử lý vi phạm là hành vi thải chất thải ra môi trường, làm thiệt hại về môi trườngvà tác động đến xã hội. Việc xác định mức độ nguy hiểm của hành vi trong lĩnh vực môi trường nhiều trường hợp dựa vào mức độ gây hậu quả nghiêm trọng để tiến hành xử phạt. Tuy nhiên, cả hai căn cứ này hiện nay rất mơ hồ, khó xác định trong lĩnh vực môi trường và có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không biết áp dụng theo chế tài xử lý hành chính hay hình sự. Để làm rõ các căn cứ trên, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn vào các khái niệm và các trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, về hành vi được cho là nguy hiểm cho xã hội được định nghĩa trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và Bộ luật Hình sự (BLHS) là rất phổ quát, chưa tính đến những trường hợp cụ thể trong lĩnh vực môi trường. Theo Luật Xử lý VPHC thì “VPHC là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC”. BLHS năm 1999 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Hai quy định này dẫn đến cách hiểu rằng, ranh giới giữa VPHC và tội phạm là “mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi”. Trong hai khái niệm trên thì “hành vi” được đánh giá mức độ nguy hiểm ở đây là hành vi của một vụ việc cụ thể hay các hành vi giống nhau diễn ra trong các vụ việc giống nhau. Tiêu chí “mức độ nguy hiểm cho xã hội” rất trừu tượng và hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của nhà làm luật và thậm chí phụ thuộc vào cảm tính của người áp dụng pháp luật.
Thứ hai, Các quy định tại Chương XVII của BLHS năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 về tội phạm môi trường đều yêu cầu một yếu tố khách quan là “gây hậu quả” để cấu thành tội phạm và được phân ra thành các mức độ nghiêm trọng tức là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, các thuật ngữ này chưa được giải thích cụ thể trong BLHS về tội phạm môi trường và Luật BVMT năm 2014 vừa sửa đổi mới đây cũng không có khái niệm này. Vì thế, các quy định đó được hiểu rằng, nếu một hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hành chính, còn nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự. Chưa nói đến sự tùy tiện trong việc thi hành, chỉ riêng việc sử dụng yếu tố hậu quả (cấu thành vật chất) trong cấu thành tội phạm môi trường trong các quy định này đã là điều quá bất hợp lý. Ví dụ như một cá nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ao nuôi cá của gia đình mình thì có được coi là tội phạm môi trường không hay chỉ bị xử lý hành chính. Trong trường hợp này, người thực thi pháp luật dựa vào cảm tính của mình có thể áp dụng hình sự hoặc hành chính đều được. Đây là một lỗ hổng khá lớn và rất nguy hiểm của công tác lập pháp trong lĩnh vực môi trường.
Hoặc một ví dụ khác, một ông chủ của một công ty chuyên sản xuất thực phẩm thuộc KCN Phụng Hiệp (Thường Tín, TP. Hà Nội) thực hiện hành vi xả nước thải ra lưu vực sôngNhuệ - sông Đáy có hàm lượng chất hữu cơ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Nước sông đó được một số người khác ở Hà Nam sử dụng để nuôi cá bè trên sông. Vào đúng lúc người này xả thải thì trời mưa to nên chất thải được pha loãng và cá không chết. Vào thời điểm khác, một ông chủ của một doanh nghiệp khác trong KCN này cũng thực hiện hành vi hoàn toàn tương tự nhưng do trời không mưa, nước thải được thải ra sông gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá chết (đến mức thiệt hại nghiêm trọng về tài sản). Trường hợp thứ hai này, khi áp dụng xử lý sẽ được áp dụng trong BLHS là gây hậu quả nghiêm trọng. Còn hành vi đầu tiên chỉ bị xử lý hành chính. Do đó, “mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi” ở đây dựa trên “hậu quả nghiêm trọng của hành vi” là không phù hợp.
3.2. Các chế tài hành chính và hình sự chưa xử lý được người vi phạm
Hai chế tài xử lý hành chính và hình sự dễ nhận thấy là được phân ra làm hai mức độ xử lý khác nhau để xử lý người vi phạm. Hành chính thì xử lý nhẹ và bằng hình thức phạt tiền. Đây gần như là chế tài được hiểu ở mức độ nhắc nhở và có tính giáo dục đối với các hành vi xả thải vào môi trường. Còn hình sự vừa áp dụng xử lý hành chính vừa bỏ tù và xử lý hình sự có ý nghĩa trừng trị người vi phạm cao hơn so với xử lý hành chính. Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay thì bắt buộc phải xử lý hành chính trước và nếu hành vi của người đó được lặp lại sau 01 năm vẫn gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể được xem xét khởi tố hình sự (theo Luật Xử lý VPHC). Điều này đã vô hiệu hóa pháp luật hình sự và mức độ trừng trị của các chế tài được giảm đi rõ. Mặt khác, việc xử lý hình sự đối với pháp nhân chưa được quy định trong BLHS, do đó, có thể có việc một pháp nhân nào đó sẵn sàng tái phạm vì mục đích kinh tế do họ chỉ bị xử lý hành chính. Như vậy đã khiến cho các chế tài không thể xử lý nghiêm minh đối với các hành vi trong lĩnh vực môi trường.
3.3. Các chế tài xử lý chưa răn đe người khác không tiến hành các hành vi tương tự
Hiện nay, đa số nước thải làm ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là của các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề. Nhiều KCN có xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng sau đó không hoạt động và xả trộm nước thải vượt quy chuẩn môi trường ra các sông để thu lời từ việc tiết kiệm chi phí xử lý nước thải, đây rõ ràng là một hành vi mưu lợi kinh tế. Trong lĩnh vực BVMT, đây có thể coi là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng, cần được tập trung làm rõ khi xây dựng pháp luật về xử lý vi phạm môi trường. Theo lý thuyết về các hành vi kinh tế của Gary Becker[13] thì tác dụng răn đe của chế tài xử lý sẽ được phát huy nếu mức chế tài nhân với xác suất bị xử lý cao hơn lợi ích thu được từ hành vi vi phạm về môi trường. Công thức này cũng chỉ áp dụng được cho các hành vi mưu lợi kinh tế, khi mà chủ thể thực hiện hành vi đủ tỉnh táo và nhận thức rõ được ích lợi cũng như nguy cơ phải chịu những hậu quả bất lợi từ hành vi của mình. Điều này đúng với rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Cùng một hành vi vi phạm, việc chọn hình thức xử lý hành chính hay hình sự, phụ thuộc vào các yếu tố S và P (mức chế tài và xác suất bị xử lý).
S x P > B
Trong đó:
S là mức chế tài xử lý
P là xác suất dự tính sẽ bị xử lý
B là lợi ích dự tính thu được từ hành vi
Ví dụ: P là xác suất dự tính sẽ bị xử lý phụ thuộc vào pháp luật và năng lực xử lý vi phạm của Nhà nước. Xác suất này phụ thuộc vào nhận định của chủ thể thực hiện hành vi. Thông thường, xác suất bị xử lý hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường cao hơn so với xử lý hình sự. Điều này xuất phát từ việc thủ tục xử lý VPHC đơn giản hơn, nghĩa vụ chứng minh các yếu tố cấu thành cũng đơn giản hơn và cơ quan có thẩm quyền xử lý VPHC về môi trường cũng chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra còn phụ thuộc vào tần suất kiểm tra và quy định thời hiệu xử lý hành chính. Theo nhận định hiện nay, nếu thay đổi P tức là tăng xác suất xử lý lên thì phải thay đổi rất nhiều và thay đổi cả thời hiệu xử lý. Vì vậy, trước mắt việc nâng mức chế tài xử lý (S) là điều khả thi và dễ làm nhất[14]. Mặt khác, mức chế tài xử lý của trách nhiệm hình sự cao hơn so với trách nhiệm hành chính. Việc phải ngồi tù sẽ khiến một cá nhân cảm thấy bất lợi hơn rất nhiều so với việc bị phạt tiền. Do các yếu tố này nên các chủ thể đều có sự cân nhắc, suy nghĩ trước khi hành động.
3.4. Các chế tài xử lý chưa ngăn cản người vi phạm không tiến hành các hành vi tương tự
Trong lĩnh vực môi trường thì việc xử lý hành chính được thực hiện trước, kèm theo đó là áp dụng các biện pháp bổ sung: yêu cầu khắc phục, rút giấy phép, cấm đảm nhận công việc, tịch thu tang vật… Tuy nhiên, bản chất của việc thải chất thải là hành vi có tính chất kinh tế nên đối tượng vẫn còn có thể tái phạm. Tuy nhiên, trong chế tài hình sự thì lại khác, người vi phạm phải chịu hình phạt tù, mất tự do, không có cơ hội và điều kiện để tiếp tục hành vi vi phạm tương tự. Ý nghĩa giữa chế tài hành chính và hình sự khác nhau ở chỗ này.
3.5. Chế tài xử lý chưa thay đổi được nhận thức và giáo dục người vi phạm thay đổi hành vi
Công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp người vi phạm có nhận thức pháp luật tốt hơn, từ đó thay đổi hành vi trong những hoàn cảnh tương tự. Nếu xét về tính hiệu quả trong giáo dục và thay đổi nhận thức trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường thì xử lý hình sự có ý nghĩa cao hơn xử lý hành chính. Bởi việc bị truy tố, xét xử, thậm chí ngồi tù sẽ tác động đến nhận thức của người vi phạm cao hơn so với một quyết định xử lý hành chính.
3.6. Chưa có chế tài xử lý rõ ràng đối hành vi phạm tội của người có chức vụ trong lĩnh vực môi trường
Nhiều người đã đề cập đến việc thực hiện quyền của người dân khi cơ quan nhà nước không hoàn thành trách nhiệm của mình gây thiệt hại về môi trường cho người dân[15]. Ví dụ, một cán bộ phê duyệt cho phép triển khai dự án ven sông khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt có thể khiến dự án đó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hay việc cấp phép xả thải vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trái pháp luật, hoặc thanh tra viên cố ý bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của một doanh nghiệp… Theo đánh giá của một số chuyên gia về BVMT thì đây có thể coi là một trong những nguyên nhân của hiện tượng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Về vấn đề này, hiện nay chúng ta đã có Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi những người này không hoàn thành các nghĩa vụ quản lý nhà nước về môi trường. Nếu các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức gây thiệt hại về môi trường cho cá nhân, tổ chức thì sẽ phải thực hiện bồi thường dân sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, đây mới là các chế tài kỷ luật và dân sự. Nếu các hành vi vi phạm này đến mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội về chức vụ. Cách tiếp cận này gây ra một số vấn đề.
Một là, các quy định tội phạm về chức vụ có tính khái quát hóa quá cao, không thích hợp để xử lý các tội phạm cụ thể như lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường. Ví dụ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đề cập đến tất cả các hành vi của người có chức vụ trong hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Sự thiếu phân loại này dẫn đến việc không tập trung xử lý được các hành vi vi phạm có nguy cơ gây thiệt hại cao, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường.
Hai là, tương tự như trên, cách thiết kế này đặt lại câu hỏi về khách thể cần được bảo vệ là chất lượng môi trường hay trật tự quản lý nhà nước về môi trường? Việc quá thiên về bảo vệ trật tự quản lý nhà nước về môi trường trong pháp luật hình sự về môi trường cũng bị nhiều học giả[16] về pháp luật hình sự coi là một nhược điểm lớn.
4. Một số kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, dưới góc độ nghiên cứu, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế tài xử lý hành chính và hình sự trong lĩnh vực môi trường đối với chất thải như sau:
Thứ nhất, không nên quy định hành vi nguy hiểm cho xã hộigây hậu quả nghiêm trọng là yếu tố cấu thành tội phạm môi trường và vi phạm các quy định về BVMT trong lĩnh vực chất thải. Vì điều kiện này gần như không thực tế do việc xác định hậu quả trực tiếp cũng như quan hệ nhân quả là rất khó. Mà phải quy định sao cho định hướng các hành vi đó có nguy cơ gây hậu quả của những hành vi tương tự. Tức là phải kiểm soát được trước khi những hành vi đó xảy ra.
Thứ hai, bỏ quy định phải xử lý hành chính trước khi xử lý hình sự và thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường liên quan đến chất thải. Bởi vì, theo quy định của Luật Xử lý VPHC, thời hạn có hiệu lực của quyết định xử phạt VPHC chỉ là 01 năm. Tức là sau 01 năm kể từ thời điểm chấp hành quyết định xử phạt VPHC, chủ thể được coi là chưa từng VPHC và lúc này, chủ thể tiếp tục vi phạm nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính thay vì hình sự.
Thứ ba, bỏ yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng thay bằng yếu tố vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải nghiêm trọng trong cấu thành tội phạm môi trường; vì việc xác định và quy định vượt quy chuẩn ở mức độ nghiêm trọng dễ hiểu và dễ xác định hơn rất nhiều so với yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải nghiêm trọngphải được căn cứ vào hai yếu tố: nồng độ chất thải độc hại khối lượng chất thải độc hại được thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật.Chính vìvậy,để áp dụng quy định trên cũng cần phải làm rõ cả hai nội dung là vượt bao nhiêu lần quy chuẩn kỹ thuật về nồng độ và khối lượng chất thải thải ra môi trường.
Thứ tư, nâng mức chế tài xử phạt hành chính lên cao hơn so với mục đích thu lời từ hành vi không tuân thủ quy định về xử lý chất thải. Như đã phân tích, do việc thải ra môi trường các chất thải xuất phát từ lợi ích kinh tế, các doanh nghiệp sẵn sàng tái phạm nhiều lần để được xử phạt mà vẫn có lợi lớn, nên việc nâng mức xử phạt hành chính cao hơn lợi ích từ hành vi thải chất thải ra môi trường sẽ có tính ngăn ngừa và răn đe cao hơn. Mặt khác, việc phát hiện, thu thập chứng cứ, chứng minh và xử phạt trong nhiều trường hợp là rất khó vì biểu hiện của hậu quả và tác động đến ô nhiễm là không tức thời, không rõ ràng.
Cũng có ý kiến cho rằng, hành vi thải vào môi trường xuất phát từ động cơ kinh tế, nên ngoài hình thức phạt tiền,cần có các chế tài khác buộc chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm về mặt kinh tế như “bồi thường thiệt hại” hay “đóng phí bảo vệ môi trường”. Vì vậy, không cần thiết phải tăng nặng mức phạt tiền. Quan điểm này, theo chúng tôi là chưa bảo đảm tính thực tế trong lĩnh vực môi trường.Bởi khi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường bị phát hiện, thì hầu như chỉ có đủ chứng cứ để xử lý đối với hành vi vừa bị “bắt quả tang” còn hầu như không có đủ chứng cứ để xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trước đó. Ví dụ như vụ việc Tung Kuang[17] và Vedan[18], do bị bắt quả tang nên chỉ đủ chứng cứ để xử lý hành vi trong lĩnh vực hành chính tại thời điểm đó và không thể truy thu phí. Còn đối với việc bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra lại càng khó hơn nữa. Bởi cũng không xác định được hành vi xả thải ra môi trường trước đó của các chủ thể.
Thứ năm, bổ sung quy định việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường đối với pháp nhân. Hiện nay, việc quy định xử phạt pháp nhân vi phạm trong lĩnh vực môi trường đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng (như Đức, Singapore)... Đồng thời, pháp nhân là chủ thể vi phạm các quy định và xâm phạm đến môi trường đã khá phổ biến và nghiêm trọng. Ở nước ta, trong nhiều trường hợp, chủ thể bị xử phạt VPHC là các pháp nhân, trong khi theo pháp luật hình sự hiện hành, chỉ cá nhân mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm môi trường. Do vậy, nếu như trước đó công ty X bị xử phạt hành chính về hành vi thải chất thải nghiêm trọng ra môi trường, chưa hết thời hạn một năm, công ty này tái phạm thì cũng vẫn chỉ có thể xử lý hành chính đối với công ty này, do không thể xử lý hình sự đối với người đứng đầu doanh nghiệp khi người đứng đầu chưa từng bị xử lý hành chính.
Thứ sáu,Lĩnh vực môi trường mang tính địa phương rất rõ rệt và gắn liền với yếu tố xã hội nên pháp luật về xử phạt hành chính và hình sự trong lĩnh vực môi trường cần có “độ mở” để giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh có những quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn địa phương. Bởi lẽ, việc quy định chung cho tất cả các hành vi xả thải vào môi trường mà không phân biệt được vị trí xả thải, thời gian xả thải, khả năng chịu tải, đồng hóa của môi trường và các yếu tố khác liên quan như hiện nay trong lĩnh vực môi trường, thì sẽ rất khó tiến hành xử lý đối với các hành vi. Do vậy, việc quy định khung hay quy định mang tính mở sẽ rất quan trọng và tạo điều kiện cho địa phương được chủ động hơn trong việc tiến hành xử phạt./.
 

 


*ThS. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội
[1] Số liệu từ cục thống kế các tỉnh: Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và TP. Hà Nội, năm 2014.
[2] Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
[3] Được tính theo phương pháp ban hành tại Quyết định số 879 /QĐ-TCMT, ngày 01/7/2011 của Tổng cục Môi trường.
[4] Thang đánh giá chất lượng nước thông qua chỉ số WQI được đánh giá theo Quyết định số 879 /QĐ-TCMT.
[5] Sự gia tăng dân số này một phần là do tăng tự nhiên và phần lớn khác là do tăng dân số cơ học và thường là hệ quả của các mục tiêu phát triển KT-XH.
[6] Tổng hợp từ Quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của các tỉnh, TP: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.
[7] Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, Tổng cục Môi trường, năm 2013
[8] Quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 và Quyết định số 681/QĐ-TTg, ngày 03/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.
[9] Theo Quyết định số 681/QĐ-TTg, ngày 03/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.
[10] Thống kê các nguồn thải từ 50m3/ngày.
[11] Tổng hợp từ Báo cáo đánh giá kết quả triển khai Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2013-2014, phục vụ hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, năm 2014.
[12] Báo cáo đánh giá kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy..., tlđd.  
[13] Gary Becker là một nhà kinh tế học Hoa Kỳ, đoạt giải Nobel Kinh tế, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học. Ông là một trong những học giả kinh tế hàng đầu nghiên cứu về hành vi xã hội của con người như phân biệt chủng tộc, tội phạm, tổ chức gia đình, nghiện ma túy, dân chủ, nhập cư. Ông nổi tiếng với lý luận rằng các kiểu hành vi của con người dù khác nhau song đều dựa trên nguyên tắc duy lý và tối đa hóa thỏa dụng.
[14] Thông qua việc sửa đổi Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường. Nghị định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường đã nhiều lần thay đổi, từ mức phạt cao nhất 70 triệu đồng (Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006) cho đến nay đã lên tới 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức theo khoản 6 Điều 13, 14, 15, 16 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.
[15] Như ý kiến của PGS.TS. Vũ Thu Hạnh, Ban Nội chính Trung ương.
[16] Michael G. Faure và Hao Zhang, 2011
[17] Ngày 14/4/2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C36) Bộ Công an phát hiện một vụ xả thải trái phép tại Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình, Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Km39+400 Quốc lộ 5, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong bể chứa thu gom nước thải có khối lượng khoảng 500m3, được bơm thường xuyên qua hệ thống đường ống ngầm này, thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại như Chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), Mangan, sắt... đều có nồng độ vượt Quy chuẩn kỹ thuật.
[18] Sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13/9/2008, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an phối hợp với Bộ TN&MT phát hiện và bắt quả tang Công ty Vedan Việt Nam, ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai chuyên sản xuất bột ngọt đã xả một lượng nước thải lớn (ước tính tới 5.000 m3/ngày) chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6(286), tháng 3/2015)


Thống kê truy cập

33938509

Tổng truy cập