Lao động phạm nhân - nhìn từ góc độ lịch sử, hiện thực và so sánh

01/08/2014

NGUYỄN CÔNG LONG

Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội

Hình phạt tù và hệ thống nhà tù là phạm trù lịch sử gắn liền với sự hình thành, tồn tại của nhà nước và pháp luật. Nhà tù (prison)[1] được thiết lập cùng với quân độicảnh sáttòa án để tạo nên hệ thống công cụ trấn áp của giai cấp thống trị đối với xã hội. Trong hệ thống hình phạt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong quá khứ cũng như hiện tại, lao động có thể là một hình phạt độc lập, thay thế cho hình phạt tù hoặc là một hình thức bổ sung của hình phạt tù. Người bị kết án có thể bị áp dụng hình phạt lao động dưới hai hình thức: hình phạt nô lệ (penal servitude) và tù lao động khổ sai (imprisonment with hard labour)[2]. Hai loại hình phạt này được sử dụng với mục đích đơn thuần chỉ là đày đọa, hành hạ, gây đau đớn về thể chất đối với kẻ phạm tội hoặc cũng nhằm sản xuất của cải vật chất phục vụ cho bộ máy cai trị.
Ngày nay, trong hệ thống tư pháp hình sự của đa số các nước, nhà tù vẫn được dùng làm nơi giam giữ, quản lý, cách ly người bị kết án tù (phạm nhân) khỏi đời sống xã hội, đồng thời, là nơi giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Thông qua việc tổ chức cho phạm nhân lao động trong suốt thời gian chấp hành án, nhà tù còn là một "trường dạy nghề" giúp phạm nhân nhận thức được giá trị của sức lao động, tránh cho họ "nhàn cư vi bất thiện". Tuy nhiên, phạm nhân là những người phải sống trong môi trường đặc biệt, với một thân phận không được đối xử và bảo vệ đầy đủ như một công dân, bị tước và hạn chế nhiều quyền cơ bản, nên việc sử dụng lao động của đối tượng này luôn là chủ đề hết sức nhạy cảm. Có thể nói, chế định lao động phạm nhân và quá trình tổ chức lao động đối với phạm nhân là một trong những biểu hiện rõ nét nhất chính sách hình sự của một nhà nước đối với người phạm tội. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ hay lạc hậu, nhân đạo hay hà khắc của một hệ thống pháp luật hình sự. Chính vì lẽ đó, vấn đề sử dụng lao động phạm nhân (prison labor) luôn thu hút được quan tâm đặc biệt trong phạm vi quốc gia và quốc tế, ở cả góc độ chính trị - pháp lý cũng như nghiên cứu[3].
Untitled_338.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái lược quá trình hình thành và phát triển
1.1. Thời cổ đại
Việc xây dựng các nhà tù chủ yếu để giam giữ những kẻ chống đối và người nô lệ. Các nhà tù này thường xây dựng đơn giản nhưng rất kiên cố, người bị kết án tù (phạm nhân) bị giam giữ giống như những con thú nuôi, trong các lồng, cũi... Người La Mã cổ đại là những người đầu tiên sử dụng nhà tù như một hình thức trừng phạt mà không phải chỉ đơn giản là tạm giam. Các cấu trúc đã được sử dụng để giam giữ phạm nhân như: lồng kim loại, tầng hầm của các tòa nhà công cộng hoặc thậm chí các mỏ đá. Một trong những nhà tù La Mã đáng chú ý nhất là nhà tù Mamertine, được thành lập khoảng 640 trước Công nguyên. Cưỡng bức lao động trong các công trình công cộng cũng là một hình thức phổ biến của hình phạt, trong nhiều trường hợp, người bị kết án làm nô lệ, phạm nhân bị xích vào các dây chuyền sản xuất và phải làm công việc nặng nhọc[4].
Ở phương Đông, ngay từ thời thượng cổ Trung Hoa, hệ thống hình luật đã hình thành rất sớm. Mặc dù đề cao lễ nghĩa, nhưng pháp luật Trung Hoa đã hình thành 5 loại hình phạt hết sức khốc liệt: đại hình; chém bằng lưỡi búa; cắt một phần cơ thể; thích vào mặt và đánh bằng roi da và gậy. Đến thế kỷ thứ 26 trước Công nguyên, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa đã đặt ra 5 hình phạt mới, gồm: Mặc: thích chữ vào mặt; Tỵ: cắt mũi; Phi: chặt ngón chân; Cung: thiến và Đại tịch: tội chết.
Đến triều đại nhà Đường, bộ “Đường luật sớ nghị” ban hành năm 653 đã thiết lập nguyên tắc "ngũ hình" (5 hình phạt): Xuy: đánh bằng roi; Trượng: đánh bằng gậy; Đồ: làm việc khổ sai; Lưu: đi đày; Tử: tội chết. Nguyên tắc áp dụng hình phạt chính và hình phạt bổ sung cũng đã được ghi nhận và phải ghi trong bản án. Theo đó có 4 phụ hình: đồ, trượng, suyphạt tiền. Ví dụ: một người bị lưu, hay đồ đều bị đánh thêm bằng trượng; người tội lưu còn bị phạt thêm làm việc nặng nhọc tại nơi đi đày v.v..[5] Như vậy, ngoài việc đặt nền móng cho quy định hệ thống hình phạt theo nguyên tắc ngũ hình, pháp luật Trung Hoa cổ đại và phong kiến đã xuất hiện hai hình phạt mang tính tước đoạt tự do và bắt buộc lao động nặng nhọc đối với người phạm tội (lưu, đồ).
1.2. Thời phong kiến Việt Nam
Nguyên tắc ngũ hình đời Đường đã chi phối cơ bản luật hình của hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam, các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều mô phỏng hệ thống hình phạt này. Nhìn chung, các hình phạt đều mang tính chất nhục hình, tàn bạo, gây đau đớn, khiếp đảm cho phạm nhân cũng như người khác. Trong Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê) và Bộ luật Gia Long triều Nguyễn đều có đủ ngũ hình, ngoài ba hình phạt gây đau đớn về thể xác hoặc tước đoạt tính mạng là: Xuy (đánh bằng roi), Trượng (đánh bằng gậy) và Tử bằng các hình thức thắt cổ, chém, chém bêu đầu và lăng trì (phạm nhân bị mang ra pháp trường, bị cắt chân tay, rồi xẻo thịt dần cho đến chết), có hai hình phạt mà theo đó, phạm nhân bắt buộc phải lao động nặng nhọc, gồm:
Đồ hình: là hình phạt tù khổ sai có thời hạn, người phạm tội phải đi làm những công việc phục dịch nặng nhọc, đồng thời, kèm theo hình phạt trượng, được chia thành ba bậc:
- Bậc thứ nhất: dịch đinhdịch phụ (lao công trong các công sở), đàn ông phải chịu hình phạt phụ 80 trượng; đàn bà 50 roi;
- Bậc thứ hai: tượng phường binh, đàn ông quét dọn chuồng voi, đánh 80 trượng; đàn bà làm đầy tớ nấu cơm, đánh 50 roi. Cả hai đều bị thích chữ vào cổ.
- Bậc thứ ba: chủng điền binh, đàn ông bị đánh 80 trượng, thích vào cổ bốn chữ, đày vào Diễn Châu (Nghệ An ngày nay) để khai thác đồn điền; đàn bà bị đánh 50 roi, khắc vào cổ bốn chữ và bắt làm đày tớ giã gạo.
Điểm nổi bật trong Quốc triều hình luật là sự phân biệt công việc của đàn ông và đàn bà, trong đó hình phạt bổ sung đối với đàn bà luôn nhẹ hơn, điều này thể hiện sự tiến bộ và nhân đạo của hình luật thời Lê sơ. Trong Luật Gia Long, tội này chia làm 5 bậc, thời gian phục dịch từ một đến ba năm kèm theo hình phạt bổ sung đánh 60 đến 100 trượng (không phân biệt đàn ông, đàn bà). Đến triều Vua Thành Thái (1906), năm bậc tội đồ được thay bằng hình phạt khổ sai từ một đến năm năm.
Lưu hình: theo Quốc triều hình luật, đi đày từ châu gần đến châu xa, có ba bậc tùy theo tội mà tăng, giảm: Châu gần: đàn ông đánh 90 trượng, thích vào mặt sáu chữ, bắt đeo xiềng. Đàn bà bị đánh 50 roi, thích vào mặt sáu chữ, bắt phải làm việc nhưng không phải đeo xiềng; Châu ngoài: đánh 80 trượng, thích vào mặt tám chữ, bắt đeo xiềng hai vòng, đày đi làm việc ở xứ Bố Chính (nay là Quảng Bình); Châu xa: đánh 100 trượng, thích vào mặt mười chữ, bắt đeo xiềng ba vòng, đày đi làm việc ở các xứ Tân Bình (Thuận Hóa) và phải làm việc nặng nhọc. Vì hình phạt lưu hình là đi đày chung thân, nên cho phép gia đình được đi theo phạm nhân. Trong Bộ luật Gia Long, tùy theo mức độ tội, việc đi đày chia làm ba bậc, gần nhất là 500 lý, xa nhất 3.000 lý, tuy nhiên, phạm nhân chỉ bị đày ở phạm vi trong nước[6].
1.3. Thời Pháp thuộc
Từ cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi xâm chiếm và áp đặt chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta, hệ thống pháp luật với các hình phạt hà khắc cũng được chính quyền thực dân Pháp áp dụng nhằm đàn áp phong trào cách mạng cũng như tạo công cụ cai trị nhân dân.
Ngoài việc tử hình bằng máy chém, hình phạt đại hình thời thuộc Pháp đều mang tính chất đày đọa thể chất và tinh thần của người phạm tội, trong đó có hình phạt khổ sai hữu hạn 5 - 20 năm và khổ sai chung thân, phạm nhân phải chịu các điều kiện giam cầm và lao động khắc nghiệt nhất. Án khổ sai do Tòa đại hình tuyên xử theo thủ tục độc nhất cấp thẩm, tức là sơ thẩm đồng thời chung thẩm hoặc do Toà đệ tam cấp Bắc Kỳ xử. Một hệ thống các nhà tù cũng được thiết lập để giam cầm, đày ải những người bị kết án như: Sơn La, Hỏa Lò, Lao Bảo, Kon Tum, Côn Đảo, Phú Quốc... Lịch sử của địa danh Côn Đảo luôn gắn liền với hình ảnh tù nhân đập đá, với Cầu Tàu 914 (theo ước tính có tới 914 tù nhân bỏ xác khi xây dựng). Còn nhà ngục Kon Tum mãi mãi còn ghi lại sự tàn ác của thực dân Pháp và tay sai đối với tù chính trị trên công trường Đăk Pao, Đăk Pét. Chỉ tính trong vòng sáu tháng làm đoạn đường 15 km tại Đăk Pao, Đăk Pét, đã có 150 trong số 295 tù chính trị bị chết một cách thê thảm, số còn lại chỉ còn là da bọc xương. Đoạn đường này được ví như “địa ngục của trần gian”[7]. Trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc cũng có những minh họa rất sống động về chế độ lao tù thời kỳ này: “… Một đoàn tù khốn khổ, gầy đói, quần áo tả tơi, bị lôi dậy từ tờ mờ sáng, cổ mang gông, chân buộc xiềng, người nọ bị xích vào người kia, cùng kéo một chiếc xe lu to tướng trên những lớp sỏi dày. Hoàn toàn kiệt sức, họ ỳ ạch kéo chiếc xe lu nặng nề dưới ánh nắng như thiêu như đốt...”[8]. Hậu quả của chính sách tù đày man rợ là hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng cũng như người dân đã bỏ mạng trong chốn lao tù trên khắp đất nước.
2. Lao động phạm nhân tại Hoa Kỳ
Nghiên cứu về lao động phạm nhân, không thể không đề cập vấn đề này tại Hoa Kỳ. Có thể nói, chế độ lao động phạm nhân ở Hoa Kỳ mang nhiều nét đặc trưng tiêu biểu, cả về chiều dài lịch sử, sự hà khắc và tính hiệu quả kinh tế. Trong khi là quốc gia có số lượng phạm nhân lớn nhất thế giới, tỷ lệ người bị giam rất cao (752 tù nhân/100.000 dân), tình trạng giam giữ không xét xử tràn lan, điển hình như việc giam giữ hàng ngàn nghi can tại nhà tù Guantanamo trên lãnh thổ Cuba[9], nhưng Hoa Kỳ lại luôn tìm cách áp đặt những giá trị về pháp lý và nhân quyền đối với quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trong Báo cáo nhân quyền hằng năm của Chính phủ cũng như các phiên “điều trần về nhân quyền Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, cái gọi là “quyền lao động bị vi phạm” vẫn được xem như một trọng tâm và các dẫn chứng về tình trạng “lao động khổ sai trong các trại giam ở Việt Nam” được khai thác triệt để[10]. Để kiểm chứng những gì mà bộ máy nhà nước Hoa Kỳ luôn thuyết giảng cho thế giới và thực tiễn đã và đang xảy ra ở trong các nhà tù của họ, thiết nghĩ, một số nét dưới đây về lao động phạm nhân tại Hoa Kỳ sẽ giúp hình dung phần nào bức tranh tương phản này.
2.1. Lịch sử hình thành
Hình phạt tù đã được sử dụng ở Anh từ đầu triều đại Tudor (1485-1603). Tuy nhiên, trước thế kỷ 19, rất hiếm khi các tòa án hình sự ở Bắc Mỹ kết án tù. Giam giữ trở thành một hình thức trừng phạt phổ biến từ sau cách mạng Mỹ (cuối thế kỷ 18). Mô hình trại giam đầu tiên được áp dụng như những Trại tế bần mà nước Anh trước đó đã áp dụng để chữa bệnh lười biếng của những đối tượng nghèo, lang thang. Dần dần, hệ thống này hình thành như một hệ thống cải huấn người bị kết án[11].
Tù nhân và nhà tù xuất hiện tại Bắc Mỹ đồng thời với sự xuất hiện của những người định cư châu Âu. Trong đoàn thám hiểm của Christopher Columbus có một số phạm nhân được mang theo để phục dịch. Năm 1570, người Tây Ban Nha đã xây dựng nhà tù đầu tiên. Khi các quốc gia khác ở châu Âu cạnh tranh với Tây Ban Nha ở Tân thế giới, họ cũng mang theo tù nhân. Ước tính một phần tư người di dân Anh đến Bắc Mỹ trong những năm 1700 là tù nhân, từ đây hình thành hệ thống nhà tù thuộc địa và chế độ tù nô lệ tại vùng đất này.
Sau cuộc nội chiến 1861-1865, theo Tu chính án thứ 13 Hiến pháp Hoa Kỳ (1865), chế độ nô lệ bị bãi bỏ, ngoại trừ trường hợp tội phạm bị tuyên làm nô lệ như một hình phạt. Tuy nhiên, một hệ thống "cho thuê tù nhân ra ngoài" (hiring out prisoners) đã được tạo dựng để kế tục chế độ nô lệ truyền thống mà trong đó, sự phân biệt chủng tộc hết sức nặng nề. Từ năm 1870 đến năm 1910 ở bang Georgia, 88% tù nhân được thuê là người gốc Phi. Ở bang Alabama, 93% số tù nhân thuê làm thợ mỏ là người da đen. Ở bang Mississippi, có trang trại tù khổng lồ tương tự như đồn điền nô lệ cũ tồn tại cho đến những năm 70 của thế kỷ 20[12].
Chính sách khai thác tù nhân cho thuê rất tàn nhẫn, sinh mạng của người tù hầu như không được đếm xỉa đến, vì vậy, số phạm nhân chết rất lớn. Theo những con số tổng kết, tỷ lệ tử vong của các tù nhân cho thuê tại các công ty đường sắt ở Nam Carolina giữa các năm 1877 và 1879 lên đến 45%, ở Arkansas 25% và ở Mississippi là 16%[13]
Chính sự tàn ác trên đã làm cho chế độ lao động nhà tù gắn liền với lịch sử đấu tranh của tù nhân và tầng lớp lao động. Đầu những năm 1800, cùng với việc hàng trăm tù nhân lao động cho đến chết, các cuộc đấu tranh phản đối của những người lao động bị mất việc làm do nhà thầu thuê tù liên tiếp nổ ra. Một trong các vụ đụng độ nổi tiếng nhất là cuộc nổi dậy tại mỏ than Creek năm 1891, các mỏ than sắt và đường sắt đã bị khóa, các thợ mỏ đã xông vào giải thoát 400 tù nhân và đốt nhà tù. Hệ thống nhà tù cho thuê đã bị giải tán ở Tennessee ngay sau đó, nhưng vẫn còn ở nhiều tiểu bang. Cho đến khi phong trào tiếp tục dâng cao với sự lãnh đạo của các tổ chức công đoàn trong những năm 1930. Kết quả là Quốc hội phải thông qua Luật Ashurst-Sumners năm 1935, theo đó, việc vận chuyển hàng hóa nhà tù qua các bang bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trải qua thời gian khá dài, đến nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter, Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách hệ thống tư pháp (năm 1979), trong đó có điều khoản miễn trừ cho bảy dự án thí điểm "tăng cường công nghiệp tù” (Prison Industry Enhancement). Kể từ đó, đã có 50 hệ thống nhà tù của các bang được cấp miễn trừ, đây là tiền đề thúc đẩy ngành công nghiệp tù Hoa Kỳ phát triển không ngừng[14]
2.2. Một số nét chính
Theo số liệu thống kê ước tính, năm 2010, có ít nhất 10,1 triệu người đang bị cầm tù trên toàn thế giới và Hoa Kỳ luôn là nước có số phạm nhân lớn nhất. Năm 1985 mới chỉ có 744.000 người với ngân sách chi phí khoảng 37 tỷ USD, đến năm 2012, số phạm nhân tại Hoa Kỳ đã lên trên 2,3 triệu, tỷ lệ phạm nhân tính trên số người thành niên là 1/100. Ngân sách dành cho hệ thống này lên tới 74 tỷ USD mỗi năm. Với số lượng phạm nhân lớn như vậy, các nhà tù đều ở tình trạng quá tải. Nhà tù bang California được thiết kế để giữ 84.000 phạm nhân, nhưng vào năm 2009 có tới 158.000 người.
Ngoài hệ thống nhà tù Liên bang và của các bang, nhà tù tư nhân bắt đầu hình thành vào những năm 80 thế kỷ trước, dưới chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan và G.W.Bush (cha) và phát triển tới đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Clinton. Để cắt giảm lực lượng lao động liên bang, Bộ Tư pháp đã ký các hợp đồng với các công ty tư nhân thực hiện việc giam giữ tù nhân và tổ chức lao động. Có khoảng 18 nhà tù tư nhân quản lý 10.000 tù nhân tại 27 bang, trong đó hai nhà tù lớn nhất là Tổng công ty Correctional Mỹ (CCA) và Wackenhut kiểm soát 75%. Nhà tù tư nhân nhận được khoản chi phí quản lý phạm nhân và được quyền khai thác sức lao động của họ. Bí quyết để có chi phí vận hành thấp, thu lợi nhuận cao là “số lượng tối thiểu nhân viên cho số lượng tối đa tù nhân”. Tuy nhiên, trong hệ thống nhà tù tư nhân, cơ hội phạm nhân được giảm thời hạn tù ít hơn 8 lần so với nhà tù của nhà nước.
Theo số liệu của cơ quan thống kê tư pháp Hoa Kỳ, 100% số phạm nhân bị buộc làm việc trong tù[15]. Về nguồn đầu tư khai thác hệ thống nhà tù, có ít nhất 37 bang hợp pháp hóa việc các tập đoàn tư nhân ký kết hợp đồng lao động với các nhà tù của bang. Danh sách các công ty đầu tư vào khu vực này bao gồm cả các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ và thế giới[16]. Có thể nói, hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ của “nền kinh tế tù nhân”. Từ năm 1980 đến năm 1994, lợi nhuận đã tăng từ 392 triệu USD lên 1,31 tỷ USD. Đối nghịch với sự tăng trưởng trên, phạm nhân bị bóc lột thậm tệ, chỉ có số ít nhận được mức lương tối thiểu cho công việc của họ. Tại Colorado, họ nhận được khoảng 2 USD/giờ, còn trong các nhà tù tư nhân, phạm nhân nhận được ít nhất là 17 cent/giờ với thời gian làm việc tối đa là 6 tiếng/ngày. Hệ thống lao động tù nhân lớn nhất được điều hành bởi Văn phòng Tập đoàn sản xuất nhà tù liên bang (UNICOR). UNICOR có tổng doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Sở dĩ có được điều này là do UNICOR nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng, đây không chỉ là nguồn sản xuất ổn định mà còn mang lại lợi nhuận khổng lồ (sản xuất các trang - thiết bị cho quân đội, phụ tùng máy bay, thậm chí cả vật tư y tế…). Riêng năm 2001, Bộ Quốc phòng đặt hàng từ UNICOR tới 388 triệu USD[17].
Đối nghịch với lợi nhuận khổng lồ thu được, theo phân tích của các tổ chức nhân quyền, các nhà hoạt động chính trị - xã hội thì sự tàn nhẫn, vô nhân đạo của ngành công nghiệp tù tại Hoa Kỳ cũng ngày một tăng thêm, đó là:
Thứ nhất, dù luôn lớn tiếng chỉ trích về nhân quyền đối với phần còn lại của thế giới, nhưng khó thể biện minh cho việc Hoa Kỳ luôn có số phạm nhân lớn nhất và họ bắt buộc phải làm việc cho các ngành công nghiệp rẻ mạt. Trong khi hệ thống công nghiệp tù trở thành một trong những ngành tiêu tốn nhiều vốn đầu tư nhất của ngân sách và nền kinh tế thì theo đánh giá của Stephen Hartnett - giảng viên Đại học California-Berkeley, các mục tiêu đề ra hoàn toàn thất bại, thể hiện ở cả ba tiêu chí: i) không chứng minh hiệu quả cải tạo phạm nhân trong tù; ii) không hạ thấp tỷ lệ tội phạm và thực tế không liên quan đến tỷ lệ tội phạm; iii) mô hình này chỉ làm sâu sắc thêm nạn phân biệt chủng tộc[18].
Thứ hai, các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp nhà tù được ví như kiếm được mỏ vàng. Trong con mắt của các công ty, lao động tù nhân là một chiến lược xuất sắc trong nhiệm vụ vĩnh cửu là tối đa hóa lợi nhuận. Bởi các ông chủ không phải lo lắng về đình công, thanh toán bảo hiểm thất nghiệp hoặc thời gian nghỉ và nếu phạm nhân từ chối làm việc, họ sẽ bị biệt giam. Có thể nói, với việc thực thi chế độ lao động phạm nhân như trên, Hoa Kỳ đã và đang là quốc gia đi ngược lại những cam kết quốc tế về đối xử tù nhân, đặc biệt là nghĩa vụ “tạo điều kiện để cho phép tù nhân thực hiện việc làm có ý nghĩa, được trả lương và các điều kiện tái hòa nhập vào thị trường lao động và cho phép họ đóng góp cho riêng mình và hỗ trợ tài chính cho gia đình”[19].
Thứ ba, ngành công nghiệp tù dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa Hoa Kỳ và các nước kém phát triển cũng như giữa các khu vực sản xuất nội địa. Hàng loạt công việc được thiết kế cho thị trường lao động thế giới thứ ba, nhưng rốt cuộc lại được dành cho sản xuất trong tù. Ví dụ: các nhà máy lắp ráp ở gần biên giới Mexico phải đóng cửa hoạt động, vì việc sản xuất được chuyển tới nhà tù tiểu bang San Quentin ở California. Ở Texas, một nhà máy sản xuất các bảng mạch lắp ráp cho các công ty như IBM và Compaq đã sa thải hàng trăm công nhân để ký hợp đồng sản xuất với nhà tù ở bang này[20].
Thứ tư, sự tàn bạo của chính sách lao động tù nhân còn thể hiện ở chỗ, lợi nhuận quá lớn cho những nhà tư bản đầu tư vào các cụm công nghiệp nhà tù đã làm thay đổi chính sách hình sự của nhà nước. Theo đó, để duy trì số lượng phạm nhân đủ cung cấp lực lượng lao động cho các nhà đầu tư, bắt buộc hệ thống tư pháp phải kết án tù nhiều hơn, thời hạn tù lâu hơn và việc kết án không quan tâm tới các điều kiện, hoàn cảnh khác. Vì thế, chỉ có Hoa Kỳ mới có tình trạng “tội phạm giảm xuống, tù nhân tăng lên”. Theo cáo buộc của nhiều tổ chức nhân quyền, tại Mỹ ngày càng nhiều người bị kết án tù về các hành vi phi bạo lực, hoặc hành vi không nghiêm trọng. Thậm chí chỉ cần sở hữu số lượng nhỏ các loại thuốc bất hợp pháp cũng sẽ bị kết án tù dài hạn. Ví dụ: ở Texas, một người có thể bị kết án đến hai năm tù giam vì sở hữu 4 ounces cần sa, ở New York, theo Luật Chống ma túy, hành vi tàng trữ 4 ounces của bất kỳ loại thuốc bất hợp pháp cũng có thể bị kết án 15 năm tù. Thậm chí, có trường hợp ăn cắp một chiếc ô tô và hai xe đạp đã bị kết án tù 25 năm.
Thứ năm, sự bùng nổ của ngành công nghiệp tù mà ở Hoa Kỳ thường được ví như “pháo đài kinh tế” (fortress economy) đã thúc đẩy nhà nước thực thi chính sách “nhà tù nhiều hơn trường học”. Theo thống kê của Cục Thống kê tư pháp liên bang Mỹ, chi tiêu của nhà nước về xây dựng nhà tù đã tăng 612% từ năm 1979 đến năm 1990, trong khi các bang đều cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, nhà ở, y tế, và nhu cầu cơ sở hạ tầng dài hạn khác. Dẫn chứng cho thấy: từ năm 1980 California đã cắt giảm chi tiêu giáo dục của khoảng 25%, trong khi tăng chi tiêu nhà tù bằng khoảng 500%. Trong thập niên 1984-1994, các trường đại học và cao đẳng ở bang California mất 8.000 nhân viên do cắt giảm chi tiêu giáo dục, trong khi Bộ Cải huấn California "thuê 26.000 nhân viên mới để bảo vệ 112.000 tù nhân mới”[21].
2.3. Kinh nghiệm tham khảo
Đánh giá về bản chất chế độ lao động phạm nhân tại Hoa Kỳ, giới nghiên cứu và các nhà hoạt động chính trị - xã hội Hoa Kỳ cũng cho rằng, “Chủ nghĩa tư bản, chế độ nô lệ và lao động nhà tù đã có cuộc hôn phối chắc chắn từ thế kỷ XVIII” (Stephen Hartnett)[22] và hiện tại thực chất vẫn là chủ nghĩa nô lệ kiểu mới, là cỗ máy bóc lột sức lao động với tất cả sức mạnh tàn bạo của nó. Những lợi ích ngắn hạn từ ngành công nghiệp này là sự tương phản mạnh mẽ với các nhu cầu lâu dài của một xã hội dân chủ, với những câu hỏi chưa có lời giải là làm thế nào để giảm bớt bạo lực, làm sao để phân phối lại của cải xã hội và đặc biệt là giải quyết nạn phân biệt chủng tộc.
Song, bên cạnh những khoảng tối đó, không thể không ghi nhận những lợi ích, hiệu quả về nhiều mặt cũng như những kinh nghiệm mà Hoa Kỳ đã và đang áp dụng trong lĩnh vực này. 
i) Về cách tiếp cận, với con số trung bình luôn có trên hai triệu phạm nhân thụ án tại các nhà tù liên bang và các bang của Hoa Kỳ, thật khó có thể hình dung cách thức quản lý số lượng đông đảo những kẻ nguy hiểm nhất xã hội như vậy để vừa bảo đảm trật tự, vừa có đạt được mục tiêu giáo dục, cải tạo, phục hồi nhân cách và đưa họ trở lại với đời sống xã hội. Sẽ rất mơ hồ nếu chỉ nhấn mạnh các giải pháp mang tính giáo dục, thuyết phục mà thiếu những chế tài đủ mạnh. Theo đó, lao động trong suốt quá trình chấp hành án tù phải là nghĩa vụ bắt buộc chứ không thể chỉ là một biện pháp giáo dục như một số nước đã và đang áp dụng (trong đó có cả Việt Nam).
ii) Về kết cấu của chương trình cải tạo phạm nhân, xuất phát từ mục tiêu nói trên và căn cứ đặc điểm của đời sống nhà tù, các chương trình trong quá trình cải tạo đều được thiết kế để lấp đầy thời gian nhàm chán, không để phạm nhân “nhàn cư vi bất thiện” và cũng là một cách để chuẩn bị cho cuộc sống của phạm nhân sau khi được trả tự do bằng cách trang bị cho họ các kỹ năng với thị trường[23]. Do đó, hệ thống thi hành án phạt tù của Hoa Kỳ được xây dựng theo nguyên lý “cải huấn-công nghiệp tổ hợp” (The Correctional-Industrial Complex). Trong quá trình chấp hành án phạt tù, rất nhiều chương trình được thực hiện như: lao động, cải huấn, điều trị tâm lý, giáo dục... Theo cơ quan National Criminal Justice Reference Service (thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ), một trong những mục đích và ý nghĩa rất thực tế của ngành “công nghiệp tù nhân” là tạo điều kiện để các tù nhân có thể trả tiền bồi thường và tiền phạt, giúp người phụ thuộc hỗ trợ và xây dựng các tài khoản tiết kiệm để tự nuôi sống mình khi được phóng thích[24].
iii) Những tác động tích cực của lao động phạm nhân đối với tỷ lệ tái phạm cần được đánh giá khách quan và đầy đủ. Đối lập với quan điểm phủ nhận ý nghĩa của lao động với tỷ lệ tội phạm, nhiều nghiên cứu đưa ra kết quả cho rằng, một trong những lợi ích quan trọng nhất của lao động phạm nhân là trực tiếp làm giảm tỷ lệ tái phạm. Ví dụ: năm 1994, tiểu bang Oregon đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó quy định 100% phạm nhân của nhà tù tiểu bang phải được làm việc có trả lương trong tù. Điều này đã thúc đẩy phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp nhà tù ở tiểu bang này. Với việc xây dựng loại hình doanh nghiệp tù nhân có môi trường làm việc hiệu quả về kinh tế và hữu ích cho tù nhân (được gọi là Prison Blues), đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ tái phạm ở khu vực này chỉ còn 33% so với tỉ lệ tái phạm của cả liên bang là 46,8%. Trong khi đó, có số liệu thống kê của CNN khẳng định, số phạm nhân làm việc trong quá trình chấp hành án tù của cả Hoa Kỳ khả năng tái phạm ít hơn từ 26 đến 60% so với số không làm việc[25].
Còn theo phân tích của Morgan O. Reynolds, Giám đốc Trung tâm Tư pháp hình sự tại NCPA và giáo sư kinh tế tại Đại học Texas A & M University, công việc nhà tù và chương trình đào tạo dường như rất hiệu quả trong việc làm giảm khả năng tái phạm trong thời gian dài. Kết quả Dự án việc làm cho phạm nhân sau khi được trả tự do (Post-Release Employment Project - PREP) của liên bang cho thấy, sau khi được tạm tha, người đã tham gia PREP có khả năng kiếm việc làm nhiều hơn 24% so với những người không làm việc trong nhà tù. Số người này cũng kiếm được nhiều thu nhập hơn và có nhiều khả năng để chuyển sang một công việc được trả lương tốt hơn. Đặc biệt, chỉ có 6,6% người đã làm việc trong nhà tù phạm tội mới sau khi được tạm tha hoặc bị hủy bỏ quyết định tạm tha trong thời gian năm đầu tiên, trong khi nhóm người không làm việc thì tỷ lệ này lên tới 10,1%[26].
iv) Dù bị đánh giá là mang nặng tính bóc lột nhưng thực tế, lao động phạm nhân thực sự là một giải pháp giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế và làm lợi cho chính bản thân phạm nhân. Việc tăng số lượng công việc sản xuất của phạm nhân là nguồn hứa hẹn để giảm chi phí tư pháp hình sự của nhà nước. Thống kê cho thấy, 80% lợi nhuận thu được từ lao động của phạm nhân được sử dụng để giảm gánh nặng tài chính cho người nộp thuế và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do chính người bị kết án gây ra. Ngoài khả năng chi trả một phần cho chi phí nhà tù (theo thời giá năm 1997 thì người nộp thuế phải chi cho mỗi phạm nhân thụ án 20.000 – 25.000 USD/năm), phần còn lại có thể giúp các gia đình phạm nhân, trả chi phí cá nhân và tiết kiệm để sử dụng sau khi họ được phóng thích. Theo ước tính năm 1997, nếu năm năm tiếp theo, số phạm nhân nhà tù tăng lên 1,6 triệu người mà một nửa số đó được sử dụng bởi các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian đó thì công việc của họ sẽ giảm chi phí người nộp thuế gần 9 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 25% tổng chi phí hỗ trợ nhà tù[27].
Về phương diện kinh tế đơn thuần, bên cạnh những lợi ích trên, lao động phạm nhân mang lại tác dụng kinh tế trực tiếp. Trước hết, ngành công nghiệp nhà tù phải mua nguyên - vật liệu từ các doanh nghiệp bên ngoài nhà tù, do đó tạo ra một nhu cầu lớn các dịch vụ lao động khác. Do lĩnh vực sản xuất trong tù rất đa dạng, kéo theo việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu sản xuất lớn, gồm cả kim loại, vải và các nguyên liệu khác cũng như tham gia vào công việc lắp ráp hàng hóa sản xuất và tham gia vào các dịch vụ khác… Đồng thời, lao động tù nhân có tiềm năng sản xuất khối lượng hàng hóa và dịch vụ giá trị hàng tỷ USD. Ước tính, chỉ cần 800.000 phạm nhân làm việc (tương đương với lực lượng lao động của các tiểu bang Wyoming, Alaska và Vermont cộng lại) thì năng suất của họ sẽ bổ sung thêm 20 tỷ USD cho nền kinh tế[28].
Như vậy, với một lịch sử phát triển lâu đời, ngày nay công nghiệp nhà tù dường như đã vượt qua khuôn khổ của hệ thống tư pháp để trở thành một trong những khu vực sản xuất rất quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tế cũng như mặt trái của nó, thiết nghĩ, sẽ rất hữu ích cho chúng ta trong việc tham khảo, chọn lọc trong bối cảnh công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam đã và đang đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách hình sự, cả về hệ thống hình phạt cũng như việc áp dụng và thi hành các hình phạt, đặc biệt là hình phạt tù./.
 

[1] Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự của Việt Nam, cơ quan thi hành án phạt tù là “Trại giam”.
[3] Nếu sử dụng công cụ “Google” trên Internet để tìm kiếm về “Prison labor” (lao động tù nhân) sẽ được ngay khoảng 76.900.000 kết quả trong 0,38 giây; nếu tìm kiếm "Academic articles about prison labor" (các bài viết học thuật về lao động tù nhân) thì sẽ có ngay 74.000.000 kết quả trong 0,35 giây.
[5] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng – Quyển thứ hai, Sài Gòn 1975, Thư viện Bộ Tư pháp (VV139).
[6] Vũ Văn Mẫu, tlđd.
[7] Ngô Đức Hải,  Kỷ niệm 82 năm đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931-12/12/2013) – (http://www.tuyengiaokontum.org.vn/KonTum/814/Ky-niem-82-nam-dau-tranh-Luu-huyet-tai-Nguc-Kon-Tum--(12/12/1931-12/12/2013).aspx).
[8] Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia  năm 2008.
[9] Báo Nhân Dân, Bộ Ngoại giao Mỹ nên có thái độ hợp tác và xây dựng hơn thứ hai, ngày 22/04/2013.
[10] Báo Công an nhân dân, Vở kịch lố “điều trần về nhân quyền” - , ngày 10/4/2013.
[12] Vicky Pelaze, The Prison Industry in the United States: Big Business or a New Form of Slavery? (http://www.globalresearch.ca/the-prison-industry-in-the-united-states-big-business-or-a-new-form-of-slavery/8289).
[13] Stephen Hartnett, Prison Labor, Slavery & Capitalism In Historical Perspective 
[14] Alan Whyte and Jamie Baker, Prison labor on the rise in US (http://www.wsws.org/en/articles/2000/05/pris-m08.html)
[15] General Accounting Office, Prisoner Labor: Perspectives on Paying the Federal (http://www.prisonpolicy.org/prisonindex/prisonlabor.html)
[16] Các tập đoàn lớn đấu tư vào lĩnh vực này gồm: IBM, Boeing, Motorola, Microsoft, AT & T, Texas Instrument, Dell, Compaq, Honeywell, Hewlett-Packard, Nortel, Lucent Technologies, 3Com, Intel, Northern Telecom, TWA, Nordstrom, Revlon, Macy, Pierre Cardin… (Nguồn: http://www.globalresearch.ca/the-prison-industry-in-the-united-states-big-business-or-a-new-form-of-slavery/8289.).
 
 
[17] General Accounting Office, Prisoner Labor: Perspectives on Paying the Federal (http://www.prisonpolicy.org/prisonindex/prisonlabor.html).
[18] Stephen Hartnet,tlđd.
[19] Khoản 8 Phụ lục của Nghị quyết số 45/111 ngày 14/12/1990 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Nguyên tắc cơ bản cho việc đối xử với tù nhân.
[20] Vicky Pelaze,tlđd.
[21] Stephen Hartnett,tlđd.
[22]Stephen Hartnett là Giảng viên thỉnh giảng của Đại học California-Berkeley. Ông cũng là hướng dẫn viên tình nguyện trong nhà tù San Quentin California. (nguồn:http://www.historyisaweapon.com/defcon1/hisprislacap.html)
[23] U.S. Prison labor At home and Abroad (nguồn: http://www1.american.edu/ted/jail.htm).
[24] Work in Prison -R A Davis Prison Journal  Volume:62  Issue:2  Dated:(Autumn/Winter 1982) .Nguồn: www.ncjrs.gov/App/abstractdb/AbstractDBDetails.aspx?id=86773.
[25] U.S. Prison labor At home and Abroad (nguồn: http://www1.american.edu/ted/jail.htm).
[26] Morgan O. Reynolds - The Economic Impact of Prison Labor - (Nguồn: http://www.ncpa.org/pub/ba245).
 
[27] Morgan O. Reynolds , tlđd.
[28] Morgan O. Reynolds, tlđd.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 15(271), tháng 8/2014)


Thống kê truy cập

33950101

Tổng truy cập