Cần xây dựng Luật Tổ chức Hội đồng bầu cử quốc gia

01/05/2014

TS. VŨ ĐỨC KHIỂN

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định về Hội đồng Bầu cử quốc gia (BCQG) như sau:  
"1. Hội đồng BCQG là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
2. Hội đồng BCQG gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng BCQG và số lượng thành viên Hội đồng BCQG do luật định".
Tại điểm 2 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội xem xét báo cáo công tác của Hội đồng BCQG, điểm 6 Điều 70 quy định Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng BCQG; điểm 7 Điều 70 quy định Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng BCQG; điểm 6 Điều 74 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có nhiệm vụ và quyền hạn đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng BCQG.
Từ những quy định trên đây trong Hiến pháp, nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tế đã đề nghị Quốc hội chọn một trong hai phương án quy định tổ chức và hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng BCQG như sau:
 - Phương án I: Sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Luật Bầu cử đại biểu HĐND để bổ sung vào hai Luật này những quy định về Hội đồng BCQG.
Tại cuộc Hội thảo do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc UBTVQH và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức[1], đã có ý kiến đề nghị phải sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH một cách cơ bản để chuyển những nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH về tổ chức bầu cử ĐBQH sang cho Hội đồng BCQG; quy định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng BCQG trong tổ chức bầu cử ĐBQH; sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu HĐND để quy định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng BCQG trong việc chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp[2]. Phương án này cũng được một thành viên UBTVQH đề nghị trình Quốc hội trong phiên họp của UBTVQH thảo luận về dự kiến điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và năm 2014, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015 (phiên họp thứ 27 của UBTVQH)[3].
Đây cũng là phương án đã được các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh) để trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 7 sắp tới vào cuối tháng 5 và tháng 6 năm 2014, lựa chọn. Vì vậy, trong các tài liệu trình UBTVQH thảo luận tại phiên họp thứ 27 (tháng 4/2014) dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đều không có dự án Luật tổ chức Hội đồng BCQG. Trong Báo cáo thẩm tra dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ đề nghị đưa vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 dự án Luật sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và trình Quốc hội thảo luận thông qua Dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 9 (đầu năm 2015). Ủy ban Pháp luật cho rằng, đề nghị trên đây đã quán triệt quan điểm, căn cứ lập dự kiến Chương trình do Ủy ban Pháp luật xác định là "Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2015 các dự án triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước...”[4]. Vì mới là dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2015, nên chúng tôi chưa có bản Dự thảo Luật này để nghiên cứu, góp ý kiến, nhưng chúng tôi dự liệu rằng, đưa những quy định cụ thể, chi tiết về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, trình tự, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và nhiệm kỳ của Chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng BCQG vào Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là không hợp lý, tạo ra sự mất cân đối với những quy định chính về quy trình, thủ tục, trình tự tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp và nếu theo phương án này sẽ hạ thấp vai trò, vị trí của Hội đồng BCQG. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về nội dung này khi trình bày Phương án II sau đây.
- Phương án II: Đề nghị Quốc hội ban hành một luật riêng quy định về tổ chức và hoạt động, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể, về những điều kiện bảo đảm cho Hội đồng BCQG hoạt động có hiệu quả và chất lượng như các Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước và tới đây có lẽ cả Luật tổ chức Chính quyền địa phương nữa. Phương án này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tại Phiên họp thứ 27 của UBTVQH[5]. Chúng tôi tán thành phương án II và cũng đã nêu ý kiến tại Hội thảo ngày 22-23/4/2014 tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Nhưng tiếc rằng, phương án này đã không được đưa ra thảo luận, tranh luận. Chúng tôi đã dẫn chứng là trong Hiến pháp có những quy định cơ bản chung về Hội đồng BCQG. Đây là cơ quan hiến định, hoạt động thường xuyên chứ không phải lâm thời như Hội đồng bầu cử Trung ương và các tổ chức phụ trách bầu cử khác được thành lập theo pháp luật bầu cử hiện hành, khi làm hết nhiệm vụ, tổ chức thực hiện xong cuộc bầu cử ĐBQH thì giải thể. Để bảo đảm công bằng, khách quan và minh bạch, chúng tôi đề nghị trong Luật tổ chức Hội đồng BCQG quy định rõ: thành viên Hội đồng BCQG không được là người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; không phải là ĐBQH, đại biểu HĐND đương nhiệm và có nhiệm vụ thẩm tra tư cách đại biểu của những người vừa trúng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp để báo cáo với Quốc hội, với HĐND các cấp tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất của Quốc hội mỗi khóa, tại ngày đầu tiên của phiên họp thứ nhất của HĐND mỗi nhiệm kỳ. Có như vậy mới chấm dứt được việc làm bất hợp lý, không công bằng đã diễn ra lâu nay là người chưa được thẩm tra tư cách đại biểu lại được bầu vào Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu để thẩm tra tư cách đại biểu của những người khác[6].
Một quy định cũng rất quan trọng khác nhưng không hợp lý nên lâu nay không thực hiện được, là ngưng việc xem xét giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử mười ngày trước ngày bầu cử, toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết phải chuyển đến UBTVQH khóa mới giải quyết theo thẩm quyền (Điều 49 Luật Bầu cử ĐBQH (bản hợp nhất 1997-2010), trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND thì toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết phải chuyển đến Thường trực HĐND cùng cấp khóa mới để giải quyết theo thẩm quyền (Điều 43 Luật Bầu cử đại biểu HĐND (bản hợp nhất 2003-2010). Nhưng trong thực tế, chưa bao giờ UBTVQH khóa mới, Thường trực HĐND nhiệm kỳ mới giải quyết những khiếu nại, tố cáo đó vì ngay trong ngày đầu kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, phiên họp thứ nhất của HĐND, Quốc hội, HĐND đã ra Nghị quyết công nhận những người trúng cử đủ tư cách đại biểu để Quốc hội, HĐND tiếp tục thực hiện chương trình của kỳ họp, của phiên họp mà có nhiều nghị quyết các đại biểu phải biểu quyết. Thực tế cho thấy, có trường hợp trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XI (2002-2007) một vị ứng cử ở Hà Nội từ khi giới thiệu là ứng cử viên đến ngày bầu cử (ngày 19/5/2002) có đơn khiếu nại, tố cáo liên tục và ngày càng gay gắt, bức xúc vì đã vi phạm pháp luật, nhưng việc này được "ngưng" xem xét giải quyết theo quy định tại Điều 49 Luật Bầu cử ĐBQH đã dẫn ở trên. Sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XI thì đơn thư khiếu nại, tố cáo vị đại biểu này vẫn được gửi liên tiếp đến UBTVQH khóa XI. Trước tình hình đó, UBTVQH đã cho xem xét và xác minh nội dung đơn khiếu nại, tố cáo. Tại phiên họp thứ 3 (tháng 10/2002), UBTVQH đã nghe và thảo luận báo cáo kết quả xác minh thì thấy rằng, nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đối với vị đại biểu này là chính xác. Nhưng vì đã có Nghị quyết của Quốc hội công nhận vị đại biểu này đủ tư cách và đại biểu này đã nhận thẻ ĐBQH, đã tham gia biểu quyết nhiều nghị quyết tại kỳ họp thứ nhất nên không thể xem xét sửa các nghị quyết đó, mà phải làm thủ tục bãi nhiệm. Vấn đề này lại càng phức tạp hơn khi UBTVQH "đề nghị Chính phủ có hình thức xử lý hành chính thích hợp đối với các vi phạm của vị ĐBQH này..."[7].  
Chúng tôi thấy rằng, nếu giao cho Hội đồng BCQG thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn giải quyết những việc trên đây và nhiều việc khác nữa - kể cả việc trình Quốc hội, HĐND xem xét bãi nhiệm đại biểu khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri theo quy định tại Điều 7 Hiến pháp 2013 - thì hợp lý và đúng đắn hơn.
Từ những quy định trong Hiến pháp 2013 và từ thực tế bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND những năm qua, chúng tôi thấy cần có một Luật riêng về Hội đồng BCQG, cụ thể là Luật tổ chức Hội đồng BCQG theo Phương án II mà không theo Phương án I để quy định cụ thể, chi tiết những nội dung về tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng BCQG cùng với những quy định về trình tự, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng BCQG và v.v.. Chúng tôi đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014 và năm 2015 hai dự án luật là Luật Tổ chức Hội đồng BCQG và Luật sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND ngay trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 này, nhưng phải dành ưu tiên và sự khẩn trương tích cực chuẩn bị cho dự án Luật Tổ chức Hội đồng BCQG để có hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (vào cuối năm 2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (vào đầu năm 2015) để làm căn cứ cho Quốc hội thành lập Hội đồng BCQG, tạo điều kiện bảo đảm cho Hội đồng BCQG hoạt động và tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào đầu năm 2016. Sau khi có Luật tổ chức Hội đồng BCQG, mới sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND và những luật liên quan khác để bảo đảm sự thống nhất trong các văn bản pháp luật về bầu cử.
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, chúng tôi thấy ở Ấn Độ, Philippin, Tây Ban Nha đều có các cơ quan bầu cử độc lập. Hiến pháp Ấn Độ quy định rõ các nguyên tắc cơ bản bảo đảm tính độc lập của Hội đồng bầu cử. Tổng thống Ấn Độ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng bầu cử và các thành viên của Hội đồng với nhiệm kỳ 06 năm. Chủ tịch Hội đồng có thể bị bãi miễn thông qua thủ tục đàn hặc của Nghị viện. Các ủy viên Hội đồng có vị trí và hưởng các chế độ như Thẩm phán Tòa án tối cao. Ở Philippin, Hiến pháp cũng quy định Cơ quan quản lý bầu cử độc lập (Ủy ban bầu cử COMELEC) có 06 ủy viên do Tổng thống chỉ định với nhiệm kỳ là 06 năm. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chính của cơ quan này là tổ chức bầu cử và thi hành Luật Bầu cử, điều tra và xử lý các gian lận trong bầu cử, giải quyết các vấn đề trước bầu cử và một số vấn đề sau bầu cử, giám sát trong thời gian bầu cử. Ủy ban bầu cử COMELEC ở Philippin có hơn 5.883 nhân viên làm việc trong 10 ban, 04 văn phòng ở trung ương, 16 văn phòng vùng, 80 văn phòng cấp tỉnh, 138 văn phòng thành phố và 1.496 văn phòng thị trấn. Còn Ban bầu cử trung ương ở Tây Ban Nha có 13 thành viên, trong đó có 08 thành viên là Thẩm phán Tòa án tối cao, 05 thành viên được lựa chọn theo đề nghị chung của các chính đảng trong Nghị viện. Ở các nước Campuchia, Nhật Bản, Mô-dăm-bích cũng thành lập Hội đồng bầu cử trung ương. Hội đồng quản lý bầu cử trung ương ở Nhật Bản có 05 thành viên do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Quốc hội với nhiệm kỳ là ba năm. Ở mỗi tỉnh và thành phố của Nhật Bản có Ủy ban bầu cử với địa vị pháp lý như một cơ quan hành chính của chính quyền[8].
Hội đồng BCQG là cơ quan mới, có vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước ta, được quy định trong Hiến pháp 2013 nên dự án Luật tổ chức Hội đồng BCQG cần có sự chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng và khẩn trương thì mới có thể kịp trình Quốc hội cho ý kiến và thảo luận thông qua trong một thời gian ngắn như chúng tôi đã đề nghị trên đây./.

 


[1] Tại Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 22-23/4/2014.
[2] Xem tài liệu Hội thảo “Thiết chế Hội đồng BCQG trong Hiến pháp và sửa đổi các Luật về bầu cử ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Lập pháp và UNDP tổ chức tại Đồ Sơn ngày 22-23/4/2014, trang 78 và 133.
[3] Xem bản bóc băng ghi âm phiên họp sáng ngày 23/4/2014 của UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, trang 48.
[4] Báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII (Báo cáo số 2364/BC-UBPL13 ngày 15/4/2014) về thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, trang 9 và trang 5.
[5] Xem bản bóc băng ghi âm Phiên họp sáng 23/4/2014 của UBTVQH. Tlđd, trang 53.
[6] Xem tài liệu Hội thảo “Thiết chế Hội đồng BCQG trong Hiến pháp và sửa đổi các luật về bầu cử ở Việt Nam" Tlđd, trang 76.
[7] Xem Kỷ yếu phiên họp thứ 3 (10/2002) của UBTVQH. Lưu hành nội bộ. Bảo quản và sử dụng theo quy định đối với tài liệu mật. Văn phòng Quốc hội. Hà Nội tháng 10/2002, trang 455 - 456.
[8]Xem: Tài liệu hội thảo “Thiết chế Hội đồng BCQG trong Hiến pháp và việc sửa đổi các luật về bầu cử ở Việt Nam”.Tlđd, trang 36, 39, 43 và 48.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 10(266), tháng 5/2014)


Thống kê truy cập

33931054

Tổng truy cập