Quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 2013

01/04/2014

TS. HOÀNG MINH HỘI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Mục đích của hoạt động đó nhằm bảo đảm cho cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Quyền giám sát của Nhân dân được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Bài viết phân tích những quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước thông qua ba thiết chế: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội; cá nhân công dân với việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân và qua việc thực hành Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
 Untitled_387.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quy định về quyền giám sát của Nhân dân trong Hiến pháp   
Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, Hiến pháp mới tiếp tục kế thừa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của các Hiến pháp trước đó là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, so với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát. Đây là một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của dân nên quyền lực phải được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực có thể thực hiện bằng cơ chế kiểm soát bên trong nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước theo luật định và thông qua cơ chế bên ngoài nhà nước. Đó là sự kiểm soát của các tổ chức Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, của các tổ chức xã hội và cá nhân công dân.
Từ nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Điều 6 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung phương thức Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Đây là điểm mới so với Hiến pháp năm 1992, trước đó tại Điều 6 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND các cấp. Dân chủ trực tiếp được thực hiện qua nhiều cách thức khác nhau, qua việc trưng cầu dân ý, qua việc tham gia quản lý nhà nước, thông qua hoạt động giám sát.
Cùng với nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân, thống nhất và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nguyên tắc tiếp theo được khẳng định là cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phục tùng Nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của Nhân dân. Với tư tưởng chỉ đạo như vậy, bảo đảm tính hợp lý, logic, Điều 8 và Điều 12 Hiến pháp năm 1992 được viết gọn lại, ghi nhận trực tiếp quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước, được thể hiện trong Điều 8 Hiến pháp năm 2013 là “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
Quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước được thể hiện nhất quán thông qua nhiều quy định trong Hiến pháp năm 2013, trong đó phải kể đến việc kế thừa và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể Nhân dân của các Hiến pháp trước đó, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992. Lần đầu tiên, quyền giám sát của Nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc trở thành quyền hiến định, thể hiện quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc. Trước đây, quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc được ghi nhận trong một số văn bản luật và quy chế ở một số lĩnh vực như giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát đầu tư cộng đồng, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì nay, với Hiến pháp mới, Mặt trận Tổ quốc có quyền giám sát cả hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng phản biện xã hội.
Hiến pháp quy định trách nhiệm của Chính phủ “phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” (Điều 96). Sự phối hợp đó là yêu cầu khách quan, là bắt buộc vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân, động viên Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật. Trách nhiệm phối hợp của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị diễn ra trên tất cả các lĩnh vực như hoạt động xây dựng pháp luật, giải quyết những yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, cũng như việc thực hiện hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó, khi bàn về các vấn đề có liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, “Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan”(Điều 101). Đây là một trong những hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với Chính phủ.
Vai trò và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn tiếp tục được khẳng định, tuy nhiên có điểm mới là trước đây Hiến pháp năm 1992 ghi nhận Công đoàn Việt Nam chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác thì nay được ghi nhận Công đoàn Việt Nam được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đặc biệt, quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam đối với bộ máy nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động” (Điều 10).
Như vậy, không chỉ quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát mà còn "tham gia thanh tra" hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Ðiều này hoàn toàn phù hợp, logic và khoa học vì Công đoàn là do người lao động tự nguyện lập ra để tham gia quản lý và chăm lo, bảo vệ người lao động. Nếu Công đoàn không tham gia thanh tra việc tuân thủ và thực thi pháp luật liên quan đến người lao động, thì không thể tham gia quản lý nhà nước và cũng khó có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích người lao động.
Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua việc lập ra Quốc hội và HĐND để bảo vệ, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, Nhân dân có quyền giám sát các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận nguyên tắc đó. Đây cũng là hình thức Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với bộ máy nhà nước. Hiến pháp quy định “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 79). Tương tự như vậy, Hiến pháp năm 2013 quy định trách nhiệm của đại biểu HĐND: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 115).
Để thực hiện quyền giám sát của mình đối với cơ quan nhà nước, người dân phải có quyền nắm bắt các thông tin chung của đất nước, kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 25 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền tiếp cận thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Có thể khẳng định rằng, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là nền tảng đảm bảo cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tạo khả năng lên tiếng của người dân, cho phép người dân tham gia vào các hoạt động của Nhà nước. Mặt khác, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là cơ sở, nền tảng để thực hiện các quyền khác của công dân như quyền khiếu nại, tố cáo, trưng cầu ý kiến. Quy định này của Hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng để tới đây chúng ta luật hóa các quyền đó, góp phần hoàn thiện cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.
Công dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với nhà nước thông qua hoạt động tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Hoạt động đó thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: công dân có quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan nhà nước về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp và pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, vai trò làm chủ của công dân, bảo đảm thực hiện các quyền trên, Hiến pháp năm 2013 quy định Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28).
Khiếu nại, tố cáo là hình thức thực hiện trực tiếp quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Qua khiếu nại, tố cáo, người dân đã chuyển tới cơ quan hành chính những thông tin về hành vi vi phạm pháp luật để trên cơ sở đó, Nhà nước kiểm tra lại hoạt động quản lý, hành vi của cán bộ, công chức. Từ đó cơ quan nhà nước kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước. Đây là một quyền quan trọng và cơ bản của công dân. Kế thừa Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt, Hiến pháp mở rộng chủ thể có quyền tố cáo rộng hơn, từ chủ thể là “công dân” sang chủ thể “mọi người”. Thêm vào đó, xác định trách nhiệm của Nhà nước phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trước đó, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định, Nhà nước xem xét và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời hạn pháp luật quy định, thì nay, Hiến pháp năm 2013 viết: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác” (Điều 30).
Trưng cầu ý dân là một hình thức của dân chủ trực tiếp, cho phép người dân thể hiện ý chí trực tiếp của mình thông qua việc biểu quyết, qua đó thực hiện quyền giám sát đối với bộ máy nhà nước. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể hơn, đó làCông dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 29);“Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân” (Điều 70);Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội(Điều 74); vàViệc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”(Điều 120). “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” (Điều 110).
Quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 không chỉ bằng hình thức ghi nhận quyền của công dân mà còn khẳng định trách nhiệm giải trình, công bố thông tin liên quan đến dân những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước. Thủ tướng được Hiến pháp khẳng định rõ vị trí, vai trò là người đứng đầu Chính phủ. Đây là quy định mới so với Hiến pháp năm 1992, đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, trước Nhân dân về hoạt động của Chính phủ, về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia. Quy định này không chỉ là bảo đảm thông tin cho hoạt động giám sát của Nhân dân đối với cơ quan hành chính trung ương mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để luật hóa quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý đất nước của Nhân dân.
Đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công” (khoản 1 Điều 99). Hiến pháp lần này đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không chỉ chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình” (khoản 2 Điều 99). Trước đó, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chỉ quy định Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật, ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở,trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Như vậy, đây là điểm mới nhằm xác định trách nhiệm cung cấp thông tin cho Nhân dân, qua đó thực hiện có hiệu quả quyền giám sát của mình đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân, Hiến pháp tiếp tục kế thừa Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định chế độ báo cáo thông tin về tình hình địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Qua đó, Nhân dân biết và nắm được thông tin và tham gia vào quản lý nhà nước, thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Hiến pháp năm 2013 quy định “HĐND, UBND thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp HĐND và được mời tham dự hội nghị UBND cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan” (Điều 116).
2. Một số kiến nghị
Kế thừa nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước của các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định chủ quyền tối cao của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước không chỉ thống nhất, phân công, phối hợp mà còn phải được kiểm soát bởi Nhân dân. Hiến pháp mới đã thiết lập sơ sở pháp lý vững chắc của quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước, chúng tôi xin kiến nghị các giải pháp sau:
- Tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung) để luật hóa quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong Hiến pháp mới, xác định nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục và hậu quả hoạt động giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước với các quy định rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giám sát của mình, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân lao động.
- Tăng cường công tác tập huấn về hoạt động giám sát cho cán bộ Mặt trận, các đoàn thể và các cấp, các ngành có liên quan. Tổ chức các đợt tập huấn về nội dung giám sát cho cán bộ Mặt trận đoàn thể nói chung và thành viên của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt ở các ngành, các cấp về phối hợp thực hiện giám sát và giải quyết kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, các đoàn thể.
- Tăng cường sự phối hợp giữa giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, Ban thanh tra Nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động thanh tra của Chính phủ và hoạt động kiểm tra của Đảng; phát huy tối đa sự tham gia của các tổ chức hội ở cơ sở như Hội Cựu chiến binh, Người Cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Luật gia, Đoàn Thanh niên vào các hoạt động giám sát nhằm đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực ở địa phương.
- Triển khai đồng bộ thực hiện Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011 và Luật Tiếp công dân năm 2013, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Cần có các điều kiện bảo đảm, các phương án bảo vệ cho những cá nhân mạnh dạn tố cáo các hành vi tham nhũng, đi đôi với chế độ khen thưởng kịp thời.
- Nghiên cứu ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản của công dân, người dân được trang bị thông tin đầy đủ sẽ góp phần thực hiện tốt và đầy đủ hơn quyền giám sát đối với cơ quan hành chính nhà nước. Nội dung của Luật này không chỉ quy định rõ quyền tiếp cận thông tin, quyền được biết thông tin của người dân, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc cung cấp thông tin, mà còn quy định trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin, đặc biệt là đối với thông tin không công bố rộng rãi sẽ phải được cung cấp theo yêu cầu của cá nhân công dân, qua đó Nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền giám sát của mình với cơ quan nhà nước.
- Nghiên cứu ban hành Luật Trưng cầu ý dân, trong đó xác định rõ nội dung, phạm vi, quyền quyết định trưng cầu ý dân, trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân, thủ tục xem xét ý kiến, kiến nghị của Nhân dân và đánh giá sử dụng kết quả trưng cầu ý dân. Luật Trung cầu ý dân sẽ tạo hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế để người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình; đồng thời bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
- Hệ thống hóa những văn bản dưới luật về quy chế dân chủ cơ sở để nâng Pháp lệnh Dân chủ cơ sở thành Luật về Dân chủ cơ sở.
- Sửa đổi và hoàn thiện Luật Báo chí năm 1999, góp phần thực hiện tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.
- Xây dựng và ban hành Luật về Hội. Luật về Hội ra đời đáp ứng yêu cầu lập hội của công dân theo quy định của Hiến pháp. Đây là yêu cầu khách quan và cần thiết bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân đối với cơ quan nhà nước.
- Về lâu dài, nghiên cứu ban hành Luật về Giám sát của Nhân dân trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản pháp luật hiện hành về quyền giám sát của Nhân dân đối với các cơ quan nhà nước trong đó quy định về nội dung, phạm vi, chủ thể, trình tự, thủ tục các hình thức giám sát của Nhân dân bao gồm giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, giám sát của các tổ chức xã hội, giám sát của báo chí và giám sát trực tiếp của công dân, xác định cơ chế phối hợp giữa các hình thức giám sát khác với giám sát của Nhân dân và hậu quả pháp lý trong hoạt động giám sát của Nhân dân./. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(264), tháng 4/2014)


Thống kê truy cập

33932244

Tổng truy cập