Tự do hóa dịch vụ bảo hiểm trong bối cảnh gia nhập cộng đồng kinh tế Asean

01/02/2017

TS. NGUYỄN THỊ THỦY

Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt:Bài viết phân tích những thuận lợi, khó khăn và thách thức đối với ngành bảo hiểm Việt Nam khi thực hiện tự do hóa dịch vụ bảo hiểm trong khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Thông qua sự phân tích này, tác giả chứng minh sự tác động của việc hội nhập sẽ có những ảnh hưởng đối với nền kinh tế và pháp luật kinh doanh bảo hiểm (KDBH) Việt Nam để từ đó đưa ra những kiến nghị về chính sách kinh tế cũng như những sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật KDBH Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập.
Từ khóa: hội nhập; bảo hiểm; dịch vụ bảo hiểm; tự do hóa thị trường; cộng đồng kinh tế Asean
Abstract: This article analyzes the advantages, difficulties and challenges for Vietnam’s insurance industry when liberalization of insurance services in the ASEAN Economic Community is widely spread. Through the analysis, it is the author’s demonstrations of the integration impacts on the economy and the insurance laws of Vietnam, from which it is proposed recommendations for economic policies as well as amendments to Vietnam laws on insurance business in order to meet the integration requirements.
Keywords: integration, insurance services, market liberalization, ASEAN Economic Community. 
Untitled_430.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những nội dung hội nhập của dịch vụ bảo hiểm Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN
Dịch vụ bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá non trẻ so với các nước trong khu vực. So với các nước phát triển như Singapore, Thái Lan thì doanh thu phí bảo hiểm của chúng ta còn khiêm tốn. Cụ thể, thị trường bảo hiểm Singapore - thị trường phát triển nhất khu vực Đông Nam Á - có tổng doanh thu từ bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ năm 2013 đạt gần 23 tỷ USD[1]. Trong khi đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam năm 2015 ước đạt 68.688 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD[2].
Đối với dịch vụ bảo hiểm, các quốc gia thành viên AEC đã cam kết tự do hóa vào năm 2015 bao gồm:  
Nguồn: Trang Điện tử Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, ngày 27/2/2014 [3]
Như vậy, theo bảng cam kết trên đây, Việt Nam đã cam kết tự do hóa dịch vụ bảo hiểm từ năm 2015 đối với các lĩnh vực bảo hiểm gốc phi nhân thọ; tái bảo hiểm và tái bảo hiểm tiếp (retrocession); trung gian bảo hiểm. Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam chưa thực hiện việc tự do hóa. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là lĩnh vực còn khá mới mẻ của Việt Nam. Mãi đến năm 2000, khi chúng ta ban hành Luật KDBH thì dịch vụ bảo hiểm nhân thọ mới bắt đầu phát triển bằng việc các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, nếu chúng ta quyết định tự do hóa dịch vụ bảo hiểm nhân thọ quá sớm sẽ gây những bất lợi cho lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với hiện tượng các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam sẽ rời bỏ thị trường. Với các ngành dịch vụ phụ trợ của bảo hiểm, chúng ta cũng chưa cam kết hội nhập vì đây là những dịch vụ yêu cầu khả năng cạnh tranh cao, trong khi đó các DNBH Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ này.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam cam kết tự do hóa cả 4 phương thức: cung cấp dịch vụ qua biên giới (phương thức 1); tiêu dùng ngoài lãnh thổ (phương thức 2); hiện diện thương mại (phương thức 3); hiện diện thể nhân (phương thức 4).
Cụ thể, theo cam kết này, sau AEC, các DNBH từ các nước ASEAN có thể:
- Cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức ở nước ASEAN khác;
- Các cá nhân, tổ chức trong ASEAN có thể tự do mua các dịch vụ bảo hiểm ở các nước ASEAN khác;
- Các DNBH ASEAN được mở công ty, chi nhánh hoạt động ở nước ASEAN khác;
- Các chuyên gia bảo hiểm có thể tự do kiếm việc làm, cung cấp dịch vụ ở các nước ASEAN khác (căn cứ theo lộ trình cam kết của từng quốc gia ASEAN cụ thể, nhưng mục tiêu là sẽ tự do hóa toàn bộ ở tất cả các nước ASEAN vào năm 2020).
Việc thực hiện các nội dung cam kết trên đây sẽ tạo điều kiện cho các DNBH Việt Nam gia nhập vào thị trường bảo hiểm của các nước ASEAN. Đồng thời, các DNBH các nước ASEAN cũng có cơ hội thâm nhập vào thị trường bảo hiểm Việt Nam thông qua các phương thức đã được cam kết.
2. Tác động của tự do hóa dịch vụ bảo hiểm trong cộng đồng kinh tế ASEAN đối với nền kinh tế Việt Nam
Với một thị trường bảo hiểm còn non kém như Việt Nam hiện nay thì việc hội nhập bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm và cân nhắc. Khi thực hiện các cam kết hội nhập, chúng ta phải đảm bảo giúp các DNBH Việt Nam có thể mở rộng thị phần sang các nước khác nhưng cũng phải đảm bảo không để các công ty bảo hiểm nước ngoài thôn tính thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tác động của hội nhập kinh tế đã mang đến hệ quả, số lượng các DNBH có sự gia tăng đáng kể. Đặc biệt, số lượng các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 2 lần trong giai đoạn 2007 - 2015. Hội nhập sâu rộng đã góp phần tăng quy mô của các DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. Trong năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP2. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2015, doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 13.000 tỷ đồng. Doanh thu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng (tăng 14%) - hồi phục đà tăng trưởng trước năm 2010, trong khi doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% - tốc độ tăng trưởng cao nhất 10 năm qua[4].
Việc Việt Nam tự do hóa dịch vụ bảo hiểm trong cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có những tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường bảo hiểm Việt Nam. Những kết quả mà ngành bảo hiểm Việt Nam có thể đạt được bao gồm:
- Tự do hóa dịch vụ bảo hiểm sẽ giúp mở rộng các sản phẩm bảo hiểm do giao lưu thương mại, vận tải hàng không phát triển. Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã được cam kết tự do hóa. Bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm hai loại hình bảo hiểm: bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tài sản. Hai loại hình bảo hiểm này rất thông dụng trong hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo an toàn tài sản, hàng hóa… trong kinh doanh, các doanh nghiệp thường phải mua bảo hiểm tài sản. Đối với các hoạt động kinh doanh như dịch vụ vận chuyển đường biển, dịch vụ hàng không, các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự để tránh những rủi ro trong việc bồi thường thiệt hại cho người thứ ba nếu phát sinh trách nhiệm dân sự. Khi giao lưu thương mại và vận tải hàng không phát triển, các DNBH sẽ phát triển dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tài sản.
- Tự do hóa dịch vụ bảo hiểm giúp mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNBH. Mặc dù Nhà nước ta đã chú trọng đến việc phát triển thị trường bảo hiểm bằng việc ban hành các văn bản pháp luật như Nghị định số 100/1993/NĐ-CP ngày 18/12/1993 về KDBH, tiếp sau đó là việc ban hành Luật KDBH năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH năm 2010. Song song với đó là các chính sách, chiến lược về phát triển thị trường bảo hiểm như Nghị định số 193/QĐ-TTg ngày 15/12/2012 về chiến lược phát triển thị trường dịch vụ bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn phát triển khá khiêm tốn. 
Một số chỉ tiêu phát triển thị trường bảo hiểm
Đơn vị: tỷ đồng
 
2010
2011
2012
2013
2014
2015*
Doanh thu phí bảo hiểm
30.842
36.552
41.248
46.130
52.680
68.024
Tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm phi nhân thọ (%)
55,3
56,2
55,4
49,5
47,9
46,1
Tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm nhân thọ (%)
44,7
43,8
44,6
50,5
52,1
55,9
Đầu tư trở lại nền kinh tế
79.069
83.439
89.567
113.682
131.371
152.543
Bồi thường và trả tiền bảo hiểm
12.300
15.971
16.649
17.821
18.552
21.160
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam các năm. *: Số ước tính
Bảng tổng hợp trên cho thấy, chỉ tiêu phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam khá thấp, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ KDBH còn chậm, thậm chí có chỉ tiêu năm sau còn thấp hơn năm trước. Tự do hóa dịch vụ bảo hiểm sẽ giúp các DNBH Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, có cơ hội để học hỏi nghiệp vụ KDBH và đầu tư từ các nước trong khu vực.
- Tăng thị phần đối với hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới. Cung cấp dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới là việc cung ứng dịch vụ bảo hiểm từ lãnh thổ của Bên này sang lãnh thổ Bên khác; hoặc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong lãnh thổ của một Bên cho cá nhân thuộc Bên khác; hoặc cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công dân của Bên này đang hoạt động trên lãnh thổ của Bên khác. Khi chúng ta tham gia vào AEC, các DNBH nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm vào thị trường Việt Nam và ngược lại, các DNBH Việt Nam cũng được cung cấp dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài thông qua các phương thức đã thỏa thuận.
- Giải quyết được vấn đề khó khăn về nhân sự cấp cao như các chuyên gia tính toán phí bảo hiểm, chuyên gia về đầu tư tài chính, luật, chuyên gia phân tích rủi ro. Hoạt động KDBH có đối tượng kinh doanh là rủi ro, là yếu tố trừu tượng, vì vậy, phí bảo hiểm (tức giá cả của sản phẩm bảo hiểm) không phải được hình thành dựa vào giá thành của sản phẩm mà dựa vào xác suất rủi ro. Việc tính toán xác suất rủi ro của các sản phẩm bảo hiểm tương tự trước để định ra mức phí cho sản phẩm bảo hiểm sau là vô cùng phức tạp. Thị trường bảo hiểm Việt Nam là thị trường còn khá non trẻ, vì vậy, các chuyên gia tính toán phí bảo hiểm chưa đảm bảo đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Khi hội nhập bảo hiểm, chúng ta có thể thu hút được nhiều chuyên gia giỏi từ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và ngược lại, các chuyên gia tính toán phí bảo hiểm của Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, song song với việc thực hiện hoạt động KDBH, các DNBH còn thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính. Đây là hoạt động kinh doanh bổ trợ của DNBH nhưng lại mang đến lợi nhuận lớn cho DNBH. Hội nhập bảo hiểm sẽ giúp ngành bảo hiểm giải quyết khó khăn trong việc đào tạo các nhân sự cấp cao trong các lĩnh vực như đầu tư tài chính, luật, phân tích rủi ro.
- Thu hút nguồn vốn cho nền kinh tế thông qua kênh bảo hiểm. Hoạt động KDBH ngoài việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội còn là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Thông qua việc các DNBH thu phí bảo hiểm để tạo lập quỹ bảo hiểm nhằm chi trả bảo hiểm, khi quỹ bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi, các DNBH sẽ sử dụng số vốn này để đầu tư vào nền kinh tế. Hội nhập bảo hiểm sẽ giúp các DNBH Việt Nam mở rộng thị phần, đồng nghĩa với việc doanh thu phí bảo hiểm của các DNBH Việt Nam tăng lên, quỹ bảo hiểm nhàn rỗi sẽ lớn. Việc thu hút nguồn vốn từ kênh bảo hiểm cho nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, khi thực hiện hội nhập, ngành bảo hiểm Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn, thách thức sau:
- Các DNBH có quy mô nhỏ, vốn pháp định thấp. Theo quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ thì mức vốn pháp định của DNBH nhân thọ là 600 tỷ VND, mức vốn pháp định của DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ VND. Theo cam kết hội nhập, Việt Nam sẽ tự do hóa bảo hiểm chỉ với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Với mức vốn pháp định đối với DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ VND (chưa đến 1,5 triệu USD) thì việc cạnh tranh về khả năng tài chính của các DNBH Việt Nam với các DNBH nước ngoài là vô cùng khó khăn. Hiện tại, cơ quan quản lý bảo hiểm ở một số nước đã nâng mức quy định về vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với các cam kết ASEAN (ví dụ, các nước Indonesia, Phillipines, các DNBH phải tăng vốn với những mốc thời hạn bắt buộc rất cụ thể vào 31/12/2014, 31/12/2016[5]…). Muốn nâng cao khả năng tài chính, các DNBH Việt Nam phải có lộ trình tăng vốn điều lệ. Mức tăng này phải tương đương với các DNBH nước ngoài. Nhưng điều này là tương đối khó với các DNBH Việt Nam khi khả năng tài chính có hạn. Muốn khắc phục được thực trạng này, các DNBH Việt Nam phải có phương án tăng vốn điều lệ trong thời gian ngắn để đảm bảo cạnh tranh được với các DNBH nước ngoài.
- Các sản phẩm bảo hiểm của DNBH Việt Nam cung ứng ra thị trường hầu hết là các sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Sức hấp dẫn và sự đảm bảo an toàn cho người được bảo hiểm của các sản phẩm này chưa cao. Để đảm bảo cạnh tranh, các DNBH Việt Nam phải tiến hành đổi mới các sản phẩm bảo hiểm. Ngoài ra, cần phải chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm có sức hấp dẫn với người mua bảo hiểm trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm.
- Hiện nay, phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm Việt Nam khá cao. Hơn nữa, trên thực tế, các DNBH Việt Nam sau khi bán bảo hiểm chủ yếu tái lại cho các DNBH nước ngoài. Nếu các DNBH Việt Nam không giảm phí, hội nhập sẽ giúp các DNBH nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam. Với mức phí thấp, các DNBH nước ngoài sẽ dễ dàng thu hút khách hàng mua bảo hiểm tại doanh nghiệp mình.
- Trình độ nghiệp vụ quản lý của các DNBH Việt Nam chưa cao, phong cách kinh doanh chưa chuyên nghiệp. Các tranh chấp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam khá nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp thường là do các DNBH không thực hiện trách nhiệm bảo hiểm hoặc do DNBH không giải thích cụ thể điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm dẫn đến gây nhầm lẫn về phạm vi bảo hiểm. Để khắc phục tình trạng này, các DNBH cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ quản lý, nâng cao uy tín trong kinh doanh, tạo thương hiệu cho mình để có thể cạnh tranh với các DNBH nước ngoài.
- Mạng lưới khai thác của các DNBH Việt Nam không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp. Đa số các đại lý bảo hiểm thực hiện hoạt động đại lý với tư cách là một nghề phụ, một công việc làm thêm, vì thế mà họ chưa thật sự chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm. Chính vì vậy, việc tư vấn các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của các đại lý bảo hiểm khá sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm. Trong khi đó, mạng lưới đại lý của các DNBH nước ngoài hoạt động khá chuyên nghiệp, trách nhiệm nghề nghiệp của họ cao. Nếu các DNBH Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này sẽ dễ mất thị phần ngay trên sân nhà.
3. Một số kiến nghị về chính sách kinh tế để phục vụ cho việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đối với dịch vụ bảo hiểm của Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập, nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường thế giới, cơ quan quản lý bảo hiểm đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện, liên tục cập nhật, sửa đổi cơ chế chính sách nhằm đảm bảo phù hợp với quá trình mở cửa, tiến tới chuẩn mực quốc tế, song vẫn đảm bảo quyền lợi của DNBH trong nước cũng như quyền lợi của bên mua bảo hiểm[6].
Để giúp cho các DNBH tự tin trong quá trình hội nhập, Nhà nước đã có quy định: “Về lĩnh vực bảo hiểm: Tiếp tục triển khai, hoàn thiện các chính sách để thực hiện các cam kết về dịch vụ bảo hiểm trong các Hiệp định thương mại của Việt Nam, hoàn thiện các quy định quản lý, giám sát, quản trị doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNBH, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm”[7]. Cụ thể hóa quy định này, ngành bảo hiểm cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện việc nâng cao năng lực tài chính cho các DNBH bằng việc sáp nhập các DNBH để tăng khả năng cạnh tranh. Hiện nay, việc tăng vốn điều lệ cho các DNBH vừa khó khăn, vừa là giải pháp mang tính dài hạn, nên trước mắt, chúng ta nên thực hiện việc sáp nhập các DNBH như đã từng làm với ngành ngân hàng. Thực hiện được điều này sẽ tăng khả năng tài chính cho các DNBH để thực hiện tốt hoạt động chi trả bảo hiểm cũng như hoạt động đầu tư tài chính.
Thứ hai, các DNBH phải tập trung chú trọng xây dựng các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm, như: xây dựng các sản phẩm bảo hiểm rủi ro mạng, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng… Hiện nay, các DNBH Việt Nam chủ yếu khai thác các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm con người, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm tài sản mà chưa chú trọng đến các sản phẩm bảo hiểm cao cấp trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, chứng khoán. Trong khi đó, dịch vụ tài chính - ngân hàng, chứng khoán ngày càng phát triển theo xu thế phát triển của nền kinh tế và hội nhập. Nếu các DNBH triển khai được các hình thức bảo hiểm phục vụ các lĩnh vực trên sẽ tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, các DNBH phải xây dựng các kênh bán hàng chuyên nghiệp. Hoạt động bán bảo hiểm của DNBH được thực hiện bằng việc bán bảo hiểm trực tiếp hoặc thông qua trung gian như đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, kênh trung gian bán hàng của các doanh nghiệp còn rất yếu về nghiệp vụ và thiếu tính chuyên nghiệp. Để mở rộng kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, các DNBH cần chú trọng đến việc đào tạo mạng lưới đại lý bảo hiểm có trình độ chuyên môn về bảo hiểm và cách thức bán hàng chuyên nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập các công ty môi giới bảo hiểm để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Thứ tư, các DNBH cần mở rộng quy mô hoạt động của mình bằng việc thành lập thêm văn phòng đại diện, chi nhánh. Đặc biệt, Nhà nước cần phải có cơ chế tạo điều kiện để thành lập các DNBH liên doanh, DNBH 100% vốn nước ngoài để tăng cường tính chuyên nghiệp và đa dạng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Thứ năm, Nhà nước và các DNBH cần quan tâm đến việc mua lại các DNBH nước ngoài để mở rộng hoạt động KDBH ra nước ngoài một cách nhanh nhất, với chi phí thấp nhất. Hiện nay, việc mua lại các doanh nghiệp đã có sẵn là phương thức thành lập doanh nghiệp nhanh và tốn ít chi phí nhất. Việc mua lại các DNBH có sẵn ở nước ngoài là một phương thức gia nhập thị trường bảo hiểm nước ngoài với cơ cấu quản lý và thị phần sẵn có, điều này giúp các DNBH Việt Nam tiếp cận được thị trường bảo hiểm nước ngoài trong thời gian ngắn nhất.
4. Kiến nghị sửa đổi một số nội dung của pháp luật kinh doanh bảo hiểm Việt Nam để nâng cao hiệu quả hội nhập ASEAN đối với dịch vụ bảo hiểm
Một trong những nội dung cam kết về dịch vụ bảo hiểm trong AEC là các DNBH từ các nước ASEAN có thể thực hiện việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức ở nước ASEAN khác, các cá nhân, tổ chức trong ASEAN có thể tự do mua các dịch vụ bảo hiểm ở các nước ASEAN khác. Để các cam kết này được thực thi một cách hiệu quả, các nước ASEAN phải chú trọng đến việc hoàn thiện pháp luật về KDBH của mình. Đối với Việt Nam, để pháp luật KDBH thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích các bên trong quan hệ bảo hiểm, Nhà nước phải chú trọng bổ sung và sửa đổi các quy định sau:
Thứ nhất, pháp luật KDBH cần có những quy định chi tiết về trách nhiệm của chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật KDBH và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KDBH có quy định về điều kiện thành lập chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam, nhưng chưa quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của chi nhánh khi hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, nội dung này là cần thiết để chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có hiệu quả, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Thứ hai, để đảm bảo khả năng tài chính của DNBH Việt Nam có thể cạnh tranh với các DNBH nước ngoài, Chính phủ cần tăng mức vốn pháp định đối với các DNBH và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm của Việt Nam. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, mức vốn pháp định của các DNBH nhân thọ là 600 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ 300 tỷ đồng, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm 4 tỷ đồng là quá thấp. Với mức vốn pháp định hiện nay, các DNBH và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm Việt Nam khó có thể cạnh tranh về khả năng tài chính với các DNBH nước ngoài.
Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định còn bất cập của Luật KDBH về hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo pháp luật phải thống nhất với bản chất của quan hệ bảo hiểm như cần có quy định về quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản, quyền lợi được bảo hiểm trong bảo hiểm con người. Những nội dung này, pháp luật KDBH các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia quy định khá chi tiết, nhưng Luật KDBH Việt Nam quy định còn chung chung. Cần thống nhất các quy định về đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và hậu quả pháp lý của hành vi này. Sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, theo đó điều khoản hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu khi bên mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm cần xem xét lại đối với loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự[8].
Thứ tư, pháp luật KDBH cần bổ sung quy định về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người quản trị và điều hành DNBH. Theo quy định của pháp luật hiện hành[9], tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên là có bằng đại học hoặc trên đại học; trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng tối thiểu 5 năm. Tiêu chuẩn đối với Tổng giám đốc, người đại diện trước pháp luật là có bằng đại học hoặc trên đại học; có tối thiểu 5 năm làm trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có ít nhất 3 năm giữ vị trí là người quản trị, điều hành tại DNBH, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm…
Theo chúng tôi, với tiêu chuẩn có bằng đại học hoặc trên đại học của người quản trị và điều hành cần bổ sung thêm lĩnh vực chuyên môn, đó là bằng cấp này phải thuộc một trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật. Sở dĩ cần phải yêu cầu trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các lĩnh vực trên vì hoạt động KDBH là hoạt động phức tạp, để thực hiện được hoạt động này, cần thiết phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Người quản trị, điều hành DNBH phải có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực KDBH. Nếu như người quản trị, điều hành không có bằng cấp thuộc một trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật sẽ rất khó thực hiện vai trò điều hành và kiểm soát hoạt động KDBH. Việc bổ sung quy định về bằng cấp chuyên môn của người quản trị và điều hành DNBH sẽ hạn chế được rủi ro trong việc điều hành hoạt động KDBH của DNBH, giúp thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và lành mạnh.
Thứ năm, pháp luật cần quy định cụ thể về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm trong bối cảnh cho phép các DNBH nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam. Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH quy định DNBH phải lập quỹ này, nhưng cơ chế đảm bảo an toàn cho quỹ chưa được pháp luật quy định chi tiết[10]. Nếu nội dung này không được pháp luật chú trọng sẽ không đảm bảo được ý nghĩa của việc thành lập quỹ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm khi DNBH mất khả năng thanh toán, DNBH bị phá sản./.

 


[1] Nguyễn Thị Tuyết “Cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức cho ngành tài chính Việt Nam” - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8(93) - 2015, tr. 10.
 
[2] WWW.MOF.GOV.VN - Cổng thông tin điện tử - Cục Giám sát bảo hiểm đăng ngày 10/2/2016.
[4] TS. Lê Thị Thùy Vân, “Thị trường tài chính Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế: Những tác động tích cực và một số hạn chế”, www.mof.gov.vn - Cổng thông tin Bộ Tài chính - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đăng ngày 07/06/2016.
 
[5] Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, “AEC - Cơ hội đối với các DNBH Việt Nam”, http://www.hiephoibaohiemvietnam.vn cập nhật ngày 18/11/2016.
[6] Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, “Thị trường bảo hiểm Việt Nam triển khai mạnh các cam kết mở cửa hội nhập”, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 10/2015.
 
[7] Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 18/02/2016 của Bộ Tài chính về hội nhập trong lĩnh vực tài chính.
 
 
[8] Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba. Mục đích của loại hình bảo hiểm này là người mua bảo hiểm muốn chuyển giao trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được bảo hiểm sang DNBH. Như vậy, người phải có quyền lợi được bảo hiểm trong loại hình bảo hiểm này là người được bảo hiểm chứ không nhất thiết phải là người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, Điều 22, Luật KDBH lại quy định một trong những trường hợp dẫn đến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là: “Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm”.
[9] Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết Luật KDBH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH.
[10] Thông tư số 101/2013/TT-BTC ngày 30/7/2013 của Bộ Tài chính mới quy định về nguồn hình thành quỹ, việc sử dụng quỹ… nhưng chưa có quy định việc áp dụng các cơ chế nhằm đảm bảo an toàn cho sự tồn tại của quỹ.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3(331)-tháng 2/2017)


Thống kê truy cập

33943406

Tổng truy cập