Thực hiện pháp luật về sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường

01/12/2012

ThS. NGUYỄN NGỌC ANH ĐÀO

Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt.

1. Thực thi Thuế Bảo vệ môi trường  
Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là một sắc thuế hoàn toàn mới trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc ban hành thuế BVMT là một tất yếu, xuất phát từ các yêu cầu thực tế, nhằm tăng thêm nguồn thu ngân sách dành cho công tác BVMT và định hướng hành vi tác động vào môi trường từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh (SXKD) lẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra khi thực thi loại thuế này, như việc xác định mức thuế suất như thế nào đối với các doanh nghiệp và các vùng lãnh thổ khác nhau, căn cứ tính thuế dựa trên tổng lượng phát thải của đơn vị SXKD được xác định như thế nào còn phải căn cứ vào các tiêu chuẩn môi trường, hay vấn đề đánh thuế vào sản phẩm đảm bảo cho môi trường được sản xuất theo quy mô, công nghệ tiên tiến, sạch hơn, đâu là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường do sản xuất không đảm bảo về mặt môi trường… Việc xác định căn cứ tính thuế dựa trên tổng lượng chất thải phải căn cứ vào tiêu chuẩn môi trường. Do đó, phải có đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn môi trường đáp ứng với tình hình thực tế của Việt Nam nhưng cũng theo kịp với các tiêu chuẩn của quốc tế. Tiêu chuẩn môi trường phải phù hợp với thực trạng về quy trình, quy mô của các nhà sản xuất, không cao quá cũng không thấp quá sẽ khó làm căn cứ dựa vào để xác định lượng chất thải vượt quá chuẩn để tính thuế.
Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu, đôn đốc chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với nhau để sớm đưa ra phương thức áp dụng loại thuế này, nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tài chính, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng một biểu thuế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta, vừa đảm bảo về mặt môi trường vừa ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế.
Mục đích của việc áp dụng chế độ tăng, giảm thuế môi trường là nhằm khuyến khích tiêu thụ sản phẩm an toàn về môi trường. Như việc sử dụng thuế đối với xăng ở Hà Lan là một ví dụ điển hình: Xăng không pha chì chịu thuế 0,1 ECU cho 100 lít (khoảng 0,004 USD/một gallon) sẽ khuyến khích người tiêu dùng dùng xăng không pha chì. Hay như sự khác biệt về thuế đối với ô tô mới, dựa trên mức ô nhiễm, được sử dụng ở các nước Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan và Đức. Tương tự là việc giảm thuế đối với khí đốt (gas) để khuyến khích dùng khí đốt đun nấu thay thế cho việc dùng than, dầu, vì than, dầu gây ô nhiễm hơn khí đốt ở các nước. Một số nước còn áp dụng các biện pháp khuyến khích về thuế, bao gồm ưu đãi thuế, khấu hao nhanh các khoản đầu tư công nghiệp vào thiết bị làm giảm ô nhiễm. Sự khuyến khích này cũng có thể thể hiện dưới dạng miễn thuế đặc biệt cho các công ty sử dụng các phương pháp quản lý và các công nghệ sản xuất có thể đảm bảo thải ra môi trường một lượng chất thải ô nhiễm tối thiểu.
2. Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường  
 Phí BVMT là một công cụ kinh tế khá hữu hiệu được sử dụng phổ biến ở các nước nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tạo nguồn thu cho ngân sách dành cho hoạt động BVMT. Ở nước ta, việc áp dụng loại công cụ này còn hết sức mới mẻ, tuy nhiên chúng ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện phí BVMT. Vấn đề là phải vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm từng bước. Chúng tôi xin nêu một vài kiến nghị để việc áp dụng phí BVMT có kết quả tốt hơn.
Thứ nhất, thu phí môi trường theo từng bước thích hợp:
Hoạt động công nghiệp thường tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường từ nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn… Các tác động này đều có thể đưa vào làm đối tượng để thu phí. Tuy nhiên, đây là loại hình phí mới mẻ, cần có từng bước áp dụng thích hợp, từ thử nghiệm cho đến đại trà, từ hẹp đến rộng. Có thể chia ra làm hai bước:trước tiên, nên thu phí BVMT đối với nước thải có chứa chất gây ô nhiễm, rồi tiến hành thu phí BVMT đối với khí thải. Do đối tượng phát tán ở đây rất đa dạng, khó nắm bắt, nên chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài khi xác định mức phí BVMT đối với khí thải căn cứ theo nguyên liệu đầu vào.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn môi trường để làm cơ sở cho việc đánh giá mức thu cho mục tiêu BVMT:
Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tiêu chuẩn môi trường phải bao hàm được tất cả các thông số ô nhiễm theo luật định. Ví dụ, Trung Quốc, Philippin có hệ thống tiêu chuẩn môi trường bao gồm 100 thông số cho cả môi trường không khí và nước (tất cả các thông số luật định). Chúng ta đã hình thành hệ thống tiêu chuẩn như TCVN 5945-1995 với 33 thông số về nồng độ ô nhiễm của nước thải công nghiệp, có Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (1995). Nhưng hệ thống tiêu chuẩn môi trường hiện hành đã không còn phù hợp với hiện trạng môi trường đã thay đổi đáng kể và với các yêu cầu mới về hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Sắp tới, chúng ta cần phải xây dựng mới và điều chỉnh Bộ Tiêu chuẩn môi trường, khắc phục được những tồn tại, sự chưa tương thích.
Thứ ba, nghiên cứu phương thức sử dụng một cách hiệu quả nhất nguồn kinh phí thu được:
Về vấn đề này, các nước có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Trung Quốc rất đáng để chúng ta học tập. Trước kia, tiền thu được từ các khoản phí BVMT sử dụng để trợ cấp cho các hoạt động kiểm soát ô nhiễm. Nhưng hiện nay, Trung Quốc có xu hướng thiên về sử dụng số tiền này để cho vay, thay vì cấp không như cũ. Phần lớn nguồn thu được gửi vào các quỹ của địa phương để dành cho các xí nghiệp có nhu cầu vay. Khoảng 20% còn lại dùng để chi trả cho các hoạt động theo dõi, điều hành chương trình, kể cả việc đào tạo nhân lực, mua máy móc, thiết bị.
Sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn kinh phí thu được sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thu phí BVMT, bởi nó khuyến khích các đối tượng tích cực thực hiện nghiêm chỉnh quy định chung về nộp phí BVMT. Ở nước ta, theo chúng tôi, việc thu phí BVMT cần phải dựa trên cơ sở tự giác của các cơ sở công nghiệp. Đồng thời, có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Thứ tư, phương thức tiếp cận đối với phí BVMT:
Phí đánh vào người sử dụng. Đây là khoản phí mà người sử dụng dịch vụ xử lý các chất thải, làm sạch môi trường, cảnh quan, nguồn nước phải đóng. Mức phí có thể thống nhất, cũng có thể chênh lệch nhau tùy thuộc vào lượng chất thải được thu gom, xử lý. Thực tế ở nước ta, loại phí này mới chỉ được áp dụng ở một số đô thị, thành phố. Mức thu phí còn thấp và tỷ lệ thu cũng chưa cao. Nhiều nơi, ngân sách nhà nước còn phải bao cấp lớn cho việc thu gom chất thải, kể cả chất thải ở các điểm du lịch, dịch vụ mà chưa huy động được nguồn thu này để chi cho các mục tiêu BVMT.
Cần từng bước đưa thêm một số chất thải vào đối tượng thu phí BVMT như chất thải khí, sinh ra do sinh hoạt phát tán ra dưới dạng khí chất đốt (than, củi, dầu...), hay từ các loại xí không hợp vệ sinh (xí thùng, xí chung, xí hai ngăn…) và từ các loại động cơ, thiết bị gây ô nhiễm môi trường. Chất thải khí là lượng chất thải đáng kể, như ở các đô thị thì lượng khí thải ra dưới dạng khí chất đốt chiếm 2,4% tổng lượng bụi trong không khí.
Phí đánh vào sản phẩm. Đây là những khoản phí được đưa vào giá bán các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng (có thể áp dụng phụ thu). Khoản phụ thu này ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp có các sản phẩm như vậy, nên các doanh nghiệp phải có biện pháp phòng tránh, xử lý ô nhiễm (như thu hồi bao bì, dầu thải từ động cơ…). Trên thế giới, nhiều nước cũng đã áp dụng có hiệu quả khoản phụ thu này cả về mặt kinh tế (huy động tài chính) và cả về mặt môi trường (giảm thiểu chất thải).
3. Ký quỹ môi trường
Biện pháp ký quỹ chưa được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực khai thác tài nguyên ở Việt Nam mà mới chỉ áp dụng đối với khai thác khoáng sản. Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng hình thức này để áp dụng cho hoạt động kinh tế cũng có khả năng gây ô nhiễm và tổn thất môi trường. Đơn cử như lĩnh vực khai thác rừng, bởi việc khai thác gỗ rừng chắc chắn sẽ đem đến tổn thất cho môi trường, mặc dù rừng là tài nguyên có thể tái tạo - nghĩa là có khả năng phục hồi nguồn tài nguyên khi trồng lại rừng. Hơn nữa, việc khai thác gỗ rừng chắc chắn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái thực vật, động vật khác trong rừng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các chủ thể tiến hành khai thác rừng là trong quá trình khai thác phải bảo đảm được tính ổn định của hệ sinh thái rừng, cũng như khôi phục lại hiện trạng xung quanh khu vực vừa khai thác. Mặc dù theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, thì sau khi khai thác rừng, cơ quan kiểm lâm kiểm tra việc khai thác rồi sau đó sẽ ra quyết định đóng cửa rừng, nhưng trên thực tế, tình trạng bừa bãi, không dọn dẹp các cây gỗ hư, mục, thu dọn nơi khai thác rừng vẫn tràn lan. Vì vậy, cũng cần phải quy định biện pháp ký quỹ môi trường đối với các chủ thể khai thác rừng cũng như các chủ thể khai thác khoáng sản. Hiện nay, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 chưa có quy định về biện pháp này nên chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu để sớm ban hành quy định dưới luật về ký quỹ phục hồi môi trường trong lĩnh vực khai thác rừng.
Hơn nữa, cần khuyến khích việc áp dụng ký quỹ môi trường cho các chủ thể SXKD trong những ngành nghề dễ gây ô nhiễm môi trường như chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp xây dựng… Vịêc quy định ký quỹ như thế sẽ buộc các doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề sử dụng những công nghệ an toàn cho môi trường. Hiện nay, mọi hồ sơ dự án đều phải thực hiện việc báo cáo đánh giá tác động môi trường và được thẩm định bởi các chuyên gia. Do đó, trên cơ sở báo cáo này, nếu dự án đầu tư là của doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định được mức độ tác động xấu đến môi trường của doanh nghiệp và từ đó, có thể xác định mức tiền mà doanh nghiệp phải ký quỹ nhằm bảo đảm phục hồi môi trường. Ngoài ra, có thể áp dụng tương tự như trong lĩnh vực khai thác khoáng sản - phải ký quỹ để đảm bảo cho việc phục hồi hiện trạng môi trường theo từng diện tích khi đóng cửa mỏ, kết thúc khai thác. Áp dụng như vậy sẽ tạo ra ý thức cho các chủ thể này, buộc họ phải tiến hành công tác phục hồi môi trường thường xuyên trong từng khâu của quá trình sản xuất và ở phạm vi tổng thể của toàn bộ chu trình sản xuất.
Việc mở rộng áp dụng biện pháp ký quỹ môi trường còn tạo cơ sở để đảm bảo tài chính cho hoạt động môi trường ở phạm vi rộng hơn, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Số tiền ký quỹ sẽ cao hơn chi phí phục hồi môi trường, nên các doanh nghiệp ngay từ đầu, khi hoạch định kế hoạch dự án xây dựng, sẽ thiết kế, đầu tư sử dụng kỹ thuật công nghệ để đảm bảo việc tác động đến môi trường là an toàn. Chắc rằng, nếu các doanh nghiệp thiết lập được cơ cấu kỹ thuật và vận hành đúng với quy trình công nghệ sản xuất sạch hơn thì chi phí này bỏ ra sẽ nhỏ hơn chi phí mà họ phải chịu để phục hồi môi trường và khi đó, họ sẽ được nhận lại khoản tiền ký quỹ.
Không những thế, việc thực hiện biện pháp ký quỹ môi trường này còn mang ý nghĩa sâu xa là giúp cho doanh nghiệp tránh được trách nhiệm pháp lý. Bởi vì, khi tiến hành ký quỹ một khoản tiền lớn, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vừa tuân thủ những tiêu chuẩn pháp lý về môi trường, đảm bảo an toàn cho môi trường, vừa tiết kiệm chi phí phục hồi môi trường. Còn ngược lại, nếu doanh nghiệp không ký quỹ môi trường, không có ý thức BVMT trong quá trình sản xuất, họ sẽ vi phạm những tiêu chuẩn môi trường do pháp luật đặt ra, như thế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp trách nhiệm pháp lý - dành cho các cơ sở này - rất nghiêm khắc. Họ bắt buộc phải thực hiện chi phí phục hồi môi trường, bù đắp những tổn thất môi trường và còn chịu những chế tài do việc không tuân thủ những quy định BVMT do pháp luật quy định.
4. Biện pháp đặt cọc - hoàn trả
Thực chất, đây là một nội dung còn thiếu trong pháp luật môi trường nói riêng cũng như trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Đặt cọc - hoàn trảlà các biện pháp cần được pháp luật quy định để tăng cường ý thức BVMT trong cộng đồng dân cư. Để áp dụng biện pháp này, chúng ta cũng cần nghiên cứu về phạm vi sử dụng cũng như mức đặt cọc. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, mức đặt cọc là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của biện pháp này. Nếu mức đặt cọc thấp sẽ không tạo ra động cơ kinh tế đủ mạnh cho việc thu gom và tái chế phế thải. Bên cạnh đó, phạm vi sử dụng đặt cọc tương đối rộng, nhắm đến các sản phẩm mà khi sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể xử lý tái chế hoặc tái sử dụng. Các sản phẩm làm tăng lượng chất thải cần các bãi thải có quy mô lớn và tốn nhiều chi phí tiêu huỷ, các sản phẩm chứa chất độc hại còn gây khó khăn đặc biệt cho việc xử lý, nếu tiêu huỷ không đúng cách sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người. Do vậy đặt cọc - hoàn trảlà các biện pháp cần được pháp luật quy định để góp phần nâng cao trách nhiệm BVMT.
5. Quỹ Bảo vệ môi trường 
Các Quỹ BVMT của địa phương, ngành và quốc gia của nước ta có nhiều điểm yếu, bất cập, cần phải bổ sung xây dựng quy chế chính sách cho phù hợp để có thể tạo điều kiện cho các quỹ hoạt động.
Với các Quỹ địa phương, mặc dù đã được thành lập nhưng hầu hết chưa hoạt động được. Nguyên nhân là do chưa tách biệt giữa quản lý hành chính và quản lý tài chính, nên Quỹ địa phương đang được quản lý chặt chẽ về mặt kinh tế - chính sách. Nguồn vốn cho Quỹ địa phương còn hạn chế, do Sở Tài chính quyết định, phần có thể cho vay chỉ dao động từ 10-12 tỷ đồng nên không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp vay vốn đầu tư BVMT.
Với Quỹ BVMT Việt Nam, hiện vẫn chưa có những quy định cụ thể liên quan tới việc xác định khoản thu đền bù thiệt hại môi trường từ ngân sách nhà nước chuyển cho Quỹ, điều này liên quan trước hết tới việc quy định bóc tách khoản thu này thành một khoản thu riêng trong danh mục thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, theo quy định về phí, lệ phí và danh mục các khoản phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ thì khoản phí BVMT bao gồm 4 loại phí: phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, phí BVMT và ban hành phí BVMT đối với khí thải, trong đó cần quy định cụ thể, rõ ràng nguồn bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ BVMT Việt Nam.
Quỹ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy trình nghiệp vụ theo hướng thông thoáng, gọn nhẹ theo các quy định của Nhà nước, chủ động xử lý, phối hợp với các cơ quan chức năng, kiến nghị các cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án (cơ chế, quy trình cho vay, thẩm định, giải ngân, thu nợ...) tài trợ hoạt động nhằm phát huy hiệu quả các dự án, các hoạt động tài trợ theo đúng mục tiêu, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định các dự án, chú trọng công tác thu nợ để tạo nguồn vốn quay vòng của các Quỹ BVMT. Do tính chất hoạt động của đa số các Quỹ BVMT là bảo toàn vốn, mặc dù chưa phát sinh nợ quá hạn, nhưng về lâu dài, các quỹ cần tính trước đến công tác thu nợ để bảo đảm an toàn vốn, tăng nhanh vòng quay của vốn.
6. Kết luận
Nếu chúng ta sử dụng tốt các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, những tác động tích cực sẽ có được là:
- Xét về mặt hiệu quả kinh tế, chúng ta sẽ giảm được những chi phí kinh tế trong quản lý so với các biện pháp điều hành và kiểm soát, trước hết là bộ máy quản lý thực thi pháp luật. Mặt khác, nếu sử dụng tốt công cụ kinh tế, đặc biệt là thuế và phí, sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách để đầu tư trở lại cho môi trường, thậm chí còn đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ xã hội khác.
Đối với các đối tượng thực thi thuộc cơ quan quản lý môi trường quốc gia và địa phương, cần tạo điều kiện kích thích và khuyến khích họ thực thi nhanh chóng, bởi lẽ họ được hưởng lợi từ những nguồn thu đó.
Công cụ kinh tế tự nó sẽ tạo ra động cơ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường và do vậy, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn, hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường sẽ được nâng cao.
- Xét về mặt xã hội, sử dụng công cụ kinh tế sẽ đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội. Vì xét về bản chất, công cụ kinh tế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP) và người được hưởng lợi từ môi trường cũng phải trả tiền (BPP). Thể chế kinh tế thị trường sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn trong quản lý môi trường.
- Sử dụng công cụ kinh tế sẽ đảm bảo yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải. Điều đó dẫn đến kết quả là chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện hơn. Mặt khác, những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư và khôi phục thì việc sử dụng công cụ kinh tế cũng sẽ thực thi dễ dàng./. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(232), tháng 12/2012)


Thống kê truy cập

33962199

Tổng truy cập