Tự do hóa thị trường lao động: trở ngại từ pháp luật hành chính, kinh tế và biện pháp khắc phục

01/12/2012

VŨ VĂN HUÂN

Văn phòng Quốc hội

VÕ TRÍ HẢO

Khoa Luật kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Để phát triển nền kinh tế hàng hoá, không thể thiếu được vai trò của một loại hàng hoá đặc biệt, đó là hàng hóa sức lao động. Nó là yếu tố đầu vào, cùng với nguyên liệu và năng lượng để tạo ra tất cả các sản phẩm khác. Vì vậy, lần đầu tiên, Bộ luật Lao động 1994 của Việt Nam thừa nhận lao động là một loại hàng hoá (BTV nhấn mạnh) và cho phép tự do mua bán thông qua hợp đồng lao động. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng ta đã khẳng định “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa…”[1]. Văn kiện đại hội còn nhấn mạnh “Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động (BTV nhấn mạnh), thị trường chứng khoán…”. Muốn đạt được thị trường lao động hoàn hảo - tức là thị trường mà ở đó hàng hoá được phân phối một cách có hiệu quả - như Nghị quyết Đại hội IX đặt ra - thì thị trường đó phải được điều chỉnh thông qua giá cả, nghĩa là giá cả bao giờ cũng được xác định tại mức cân bằng cung cầu và có tác dụng điều tiết cung cầu hàng hoá trên thị trường[2]. Muốn đạt được sự cân bằng cung cầu thì trước hết lao động phải được tự do mua bán, tự do dịch chuyển và loại bỏ các yếu tố bóp méo quy luật cung cầu, xây dựng các tiền đề môi trường cần thiết cho sự lưu thông.   
THI-TRUONG-LAO-DONG.jpg
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Các trở ngại do pháp luật tạo ra đối với tự do hoá thị trường lao động                          
Sự tự do hoá thị trường lao động là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của nền kinh tế nhưng ở Việt Nam hiện nay, đang có rất nhiều trở ngại đối với tự do hoá thị trường lao động.
Các trở ngại này có thể do điều kiện khách quan như: phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển rộng khắp, giao thông chưa thuận tiện, nên người bán hàng và người mua hàng khó gặp nhau; do tâm lý “ta về ta tắm ao ta”, “an cư lạc nghiệp”, coi thường “dân ngụ cư”... của người Việt Nam; do một tỷ lệ lớn cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam được trả lương (giá cả của lao động) không hoàn toàn theo quy luật cung cầu, làm biến dạng thị trường này... Dưới góc độ luật học, chúng tôi chỉ tập trung bàn về các trở ngại tạo ra do sự can thiệp không hợp lý của Nhà nước và cách dỡ bỏ những trở ngại đó mà không tập trung bàn các biện pháp kinh tế, tác động vào cung và cầu của thị trường lao động.
1.1. Trở ngại từ pháp luật về hộ tịch
Gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra là quá trình đô thị hoá. Khi tiến hành đô thị hóa, một số lượng lớn lao động phải dịch chuyển từ thị trường nông thôn ra thành thị và quá trình đô thị hoá này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài thập niên tới. Việc đô thị hoá này là một tín hiệu đáng mừng và với tỷ lệ lao động nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chiếm xấp xỉ 70% tổng số lao động, khi công nghiệp hoá, đô thị hóa thành công, tỷ lệ này sẽ giảm xuống ít nhất dưới 40%. Điều này còn có nghĩa là, các thành thị sẽ cần thu hút số lao động gấp ba lần như hiện nay. Thế nhưng, đáng tiếc là pháp luật hiện hành lại đang có những quy định cản trở quá trình này.
Thứ nhất, quy định nhà mượn hoặc thuê thông qua hợp đồng dân sự của giữa người thuê, mượn với tổ chức, cá nhân không có chức năng cho thuê, mượn nhà, không được chấp nhận là “chỗ ở hợp pháp ”.
Thứ hai, có “chỗ ở hợp pháp”rồi chưa chắc đã có thể đăng ký hộ khẩu, vì phải kèm theo điều kiện thứ hai “được chủ nhà đồng ý cho nhập hộ khẩu”. Mà chủ nhà thì do không am tường pháp luật, có tâm lý ngại tranh chấp nhà cửa, đất đai, nên trừ những trường hợp thân thích, chủ nhà sẽ không đồng ý cho người thuê, mượn nhà đăng ký thường trú tại nhà mình;
Thứ ba, nếu có đủ hai điều kiện trên thì còn thêm điều kiện thứ ba, là phải đã tạm trú ít nhất từ một năm (Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2012 còn nâng lên thành ba năm). Vậy trong ba năm tạm trú, chờ đủ thời gian để đăng ký thường trú, người lao động có được thỏa mãn nhu cầu mua xe máy, đăng ký điện thoại, internet... không, con cái họ có được tới trường đi học không?
Thứ tư, khi có đủ ba điều kiện trên, nếu lý lịch tư pháp có tỳ vết thì cũng chưa chắc được nhập hộ khẩu. Quy định tại Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành năm 2011 là một ví dụ.
Bằng việc đặt ra những điều kiện như vậy và tương tự, quyền tự do đi lại và tự do cư trú ở trong nước của công dân - được long trọng ghi nhận tại Điều 68 Hiến pháp 1992 - đã bị hạn chế đáng kể một cách không hợp lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Bởi vì hàng loạt các vấn đề khác như điều kiện để thuê bao điện thoại, thuê bao truyền hình cáp, đăng ký xe máy, vay vốn ngân hàng… đều gắn liền với hộ khẩu thường trú. Thiếu những điều kiện này, người lao động sẽ thiếu những phương tiện làm việc hoặc sẽ rất phiền toái khi mỗi lần phải quay về quê xa - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú - để xin xác nhận các loại giấy tờ để làm thủ tục.   
Nhà nước hạn chế, nhưng người lao động và người sử dụng lao động thì vẫn phải tìm đến nhau, do vậy, hiện diện một số lượng lớn lao động tự do trôi nổi ở các thành phố lớn, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý hộ tịch, phát sinh tiêu cực, tăng thêm tình trạng tội phạm, tăng các hành vi gian dối trong kinh doanh... Những người lao động này, mặc dù có thể đã liên tục làm việc ở thành phố, thị xã hàng chục năm, nhưng họ không đăng ký hộ khẩu thường trú, thậm chí không đăng ký tạm trú. Đối với họ, muốn được an cư lạc nghiệp, họ thường áp dụng hai cách phổ biến: i) những người có tiền sẽ nhờ một người đứng tên mua nhà, sau đó hối lộ cho một số cán bộ quản lý hộ tịch biến chất để hợp thức hoá việc nhập hộ khẩu. Để làm vậy, họ sẽ mất một khoản chi phí lớn; ii) những người kinh tế kém hơn thì đành chọn kế sách thứ hai, là kết hôn với một người đã có hộ khẩu thường trú ở thành phố, thị xã để được nhập hộ tịch, nên có hiện tượng “lấy nhau vì cái hộ khẩu”. Còn lại đa số người lao động không có tiền, kém may mắn, họ sẽ là đối tượng thường xuyên của việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm các quy định về đăng ký, quản lý hộ khẩu. Và với họ, tiền xử phạt sẽ trở thành một khoản chi dễ chấp nhận hơn so với việc sáu tháng một lần quay về quê xa hàng nghìn cây số để xin các loại xác nhận, chứng thực giấy tờ. 
Ở các nước phát triển, nhà nước ra sức thúc đẩy tự do lưu thông lao động bằng thủ tục thông thoáng, trợ cấp dịch chuyển nơi làm việc… Đặc biệt, chính quyền các thành phố còn xây các bãi đỗ xe lưu động[3] phục vụ người lao động nghèo. Còn ở Việt Nam, thị trường lao động còn có quá nhiều trở ngại cho tự do lưu thông lao động. Các trở ngại này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của từng cá nhân người lao động, mà đối với toàn thể xã hội và người sử dụng lao động, nó sẽ gây ra hiện tượng chia cắt thị trường lao động. Hiện tượng chia cắt thị trường lao động sẽ dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động không tìm được thứ hàng cần mua, thiếu yếu tố đầu vào, làm giảm tổng sản phẩm quốc gia; người bán không tìm được người mua hoặc bán với giá thấp.
1.2. Trở ngại từ pháp luật kinh tế
Sự chia cắt thị trường lao động không chỉ là chia cắt về địa lý, mà còn xuất hiện trong việc phân chia các thành phần kinh tế. Ở đây là giữa thị trường mà người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế phi nhà nước và thị trường lao động mà nhà nước là người sử dụng lao động. Trong các thị thường này cũng có những tác nhân làm biến dạng cung/cầu lao động.  
Hiện tượng thứ nhất, liên quan việc tuyển dụng lao động của các DNNN: Mặc dù Luật Doanh nghiệp 2005 đã cố tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng một số DNNN vẫn có độc quyền trực tiếp[4] hoặc độc quyền gián tiếp; hoặc có các lợi thế về quyền lực hành chính mà cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp mang lại, nên các doanh nghiệp này thường đạt được những lợi nhuận siêu ngạch. Và các doanh nghiệp này thường có khả năng trả lương cho người lao động cao hơn so với giá chung của thị trường, do vậy, các doanh nghiệp này rất dễ tuyển lao động theo yêu cầu. Nhưng ở các doanh nghiệp này, quy luật cung cầu về lao động không có tác dụng, vì trong việc tuyển dụng lao động ở đây, yếu tố thân quen, họ hàng, gửi gắm luôn đóng vai trò quan trọng hơn yếu tố giá cả và chất lượng lao động. Hiện tượng này đã làm biến dạng quy luật cung cầu lao động, giá cả lao động được quyết định không phải tại điểm cân bằng cung cầu và giá cả cũng không có tác dụng điều tiết cung cầu. Hiện nay, vì các DNNN nắm trên 60% nguồn lực toàn xã hội[5], nên khả năng làm biến dạng cung cầu của thị trường lao động là rất lớn; làm cho định hướng hoàn thiện thị trường lao động mà Nghị quyết IX đặt ra khó đạt được.
Hiện tượng thứ hai, liên quan đến việc phá sản doanh nghiệp: hiện nay, do các quy định về phá sản doanh nghiệp, về thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản doanh nghiệp nên việc phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam rất khó xảy ra. Phải nói rằng, đây là một hiện tượng thể hiện sự trì trệ của nền kinh tế. Vì một doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả luôn cần phải “chết đi”, tức phá sản, để những doanh nghiệp khác làm ăn hiệu quả hơn, với khả năng sử dụng nguồn lực của xã hội với hiệu suất cao hơn, ra đời và phát triển, không phân biệt doanh nghiệp đó thuộc thành phần kinh tế nào. Điều đó có nghĩa là, việc phá sảncác doanh nghiệplàm ăn thua lỗ sẽ giúp giải phóng lao động trong các doanh nghiệp đó, chuyển lao động từ nơi có “giá trị thặng âm” đến nơi có “giá trị thặng dư”, đồng thời, người lao động sẽ được phát huy hết khả năng của mình trong một môi trường phát triển lành mạnh.
Hiện tượng phá sản lại càng khó xảy ra đối với các DNNN, mặc dù các doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, mặc dù họ cũng không phải là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cộng. Bởi vì so với các doanh nghiệp khác, DNNN luôn được các cơ quan chủ quản cấp vốn bổ sung, giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ, hoãn thuế, miễn thuế… Thân phận người lao động trong các doanh nghiệp này dĩ nhiên là không mấy khá khẩm trong điều kiện làm ăn thua lỗ, nhưng họ hy vọng một ngày nào đó doanh nghiệp lại quay lại thời kỳ hoàng kim, hoặc họ là những người kém ý chí, kém năng lực, không thể chủ động chuyển việc, nên tiếp tục “trú ẩn” nhờ vào sự ổn định lay lắt của các DNNN, dù rằng doanh nghiệp đó “đã chết nhưng không được chôn”. Điều này cũng “làm đông lạnh” một bộ phận hàng hoá lao động, không tham gia thị trường chung. Việc để các doanh nghiệp này tiếp tục sống lay lắt, sẽ dẫn đến nguồn lực của xã hội bị lãng phí, tạo ra một tâm lý trì trệ cho người lao động Việt Nam.  
Hiện tượng thứ ba, liên quan việc cổ phần hoá các DNNN: Để tránh tình trạng “nuôi báo cô” một số DNNN, Nhà nước đã đưa ra giải pháp cổ phần hoá các DNNN. Trải qua hơn năm năm thực hiện chủ trương cổ phần hoá các DNNN, việc cổ phần hoá vẫn diễn ra rất chậm chạp. Việc cổ phần hoá diễn ra chậm chạp có nhiều nguyên nhân như: đa phần các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá là các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, lãnh đạo cơ quan chủ quản và lãnh đạo doanh nghiệp không muốn mất một số quyền lợi cá nhân trong đó; do việc Nhà nước vẫn giữ cổ phần kiểm soát trong doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, nên các thương nhân không muốn kinh doanh “chung đụng” với Nhà nước; các điều kiện kèm theo cổ phần hoá quá nặng nề. Một trong các điều kiện kèm theo thường thấy trong cổ phần hoá các DNNN là bảo đảm việc làm cho những người đang làm việc trong doanh nghiệp. Điều kiện này trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì các DNNN thường sử dụng hệ số nhân công dư thừa; vì những người được DNNN tuyển dụng trước đó thường già và năng lực không tốt, tác phong làm việc chậm chạp. Xét dưới góc độ xã hội thì “bảo đảm việc làm cho những người đang làm việc trong doanh nghiệp đó” là một chính sách bảo hộ việc làm cho người lao động mang đậm tính nhân đạo. Nhưng đó là sự nhân đạo ngắn ngủi, vì một khi nguồn lực của xã hội không được sử dụng một cách hiệu quả thì tổng phúc lợi chung của toàn xã hội sẽ không được nâng lên.
Như vậy, nếu như hiện tượng thứ nhất dẫn đến hàng hoá lao động tốt không được phép tự do bán vào thị trường các DNNN thì ở hiện tượng thứ hai và thứ ba, Nhà nước đã gián tiếp làm hạn chế sự lưu thông hàng hoá sức lao động từ thị trường các DNNN có “giá trị thặng âm” ra thị trường bên ngoài, nơi có “giá trị thặng dư”.
2. Đề xuất biện pháp khắc phục
Những khiếm khuyết của thị trường lao động Việt Nam, nếu không được sớm khắc phục thì ngoài những hậu quả vừa phân tích ở trên, sẽ đặc biệt ảnh hưởng lợi ích của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là một vấn đề tất yếu vì trên toàn thế giới đang diễn ra khuynh hướng toàn cầu hoá kinh tế và một số quan hệ xã hội. Có thể ví toàn cầu hoá như luồng gió. Sức gió có thể thổi căng cánh buồm đẩy con thuyền đi và cũng có thể lật con thuyền nếu chúng ta không biết sử dụng nó. Để khắc phục những khiếm khuyết nói trên của thị trường lao động, theo chúng tôi, cần phải:
- Ý thức một cách sâu sắc ý nghĩa của tự do hoá thị trường lao động đối với sự phát triển kinh tế;
- Cùng với việc mở rộng quy hoạch thành phố để đón nhận sự dịch chuyển lao động do quá trình công nghiệp hoá, cần phải dỡ bỏ các rào cản về hộ tịch để cho phép lao động từ khu vực nông thôn và thành thị được cạnh tranh một cách bình đẳng, góp phần tạo nên sự bình đẳng giữa nông thôn và thành thị;
- Thay đổi quy định về thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, sao cho các quy định này trở nên thông thoáng hơn. Cùng với việc thông thoáng trong việc đăng ký tạm vắng, tạm trú, các cơ quan quản lý hộ tịch cần thiết kế lại giấy chứng minh thư nhân dân, áp dụng các biện pháp chống làm giả của kỹ thuật in tiền, để cho chứng minh thư nhân dân mang nhiều ý nghĩa hơn nữa trong các việc liên quan cần có sự xác thực về nhân thân[6];
- Không nên theo đuổi những chính sách bảo hộ lao động trong các DNNN. Khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra việc làm cho xã hội, không phân biệt doanh nghiệp đó có thuộc thành phần kinh tế chủ đạo hay không./.    

 


[1]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2001, tr. 23.
[2]Phạm Thị Tuệ chủ biên, Giáo trình Kinh tế phát triển, Nxb. Thống kê, H., 2002, tr. 118.
[3]Ở các quốc gia phát triển thì một số gia đình làm nghề lao động tự do thường có các xe tải cỡ lớn, trên đó có nhà đầy đủ các tiện nghi như một căn hộ ở Việt Nam, hàng năm họ mang cả gia đình lang thang trên nhà lưu động để tìm việc làm.
[4]Ví dụ bưu điện, điện lực, cấp thoát nước…
[5] Ở các nước phát triển thì tỷ lệ này là dưới 40%.
[6]Hiện nay, để xác thực về nhân thân, rất nhiều các thủ tục hành chính ở Việt Nam bên cạnh chứng minh thư nhân dân còn phải xuất trình sổ hộ khẩu, thẻ sinh viên,… Xem Nguyễn Văn Hoài, Để xuất khẩu lao động được công bằng hơn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 3/2003, tr. 67.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23(231), tháng 12/2012)


Thống kê truy cập

33962178

Tổng truy cập