Ưu đãi thuế - giải pháp tài chính hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

01/07/2012

PGS.TS. NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN

Học viện Tài chính.

TS. LÝ PHƯƠNG DUYÊN

Học viện Tài chính

1. Chính sách ưu đãi thuế trong việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ưu đãi thuế (ƯĐT) được hiểu là hình thức mà một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một khu vực hành chính thuế dành những điều kiện, những quyền lợi đặc biệt về thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế hơn so với các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực hành chính thuế khác khi đáp ứng được những điều kiện nhất định của chính sách ưu đãi. Điểm chung nhất của ƯĐT là tạo ra một lợi thế so sánh về lợi ích (thuế) cho đối tượng nộp thuế khi đáp ứng được những yêu cầu nhất định so với những đối tượng khác cùng tham gia vào các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Mục tiêu của ƯĐT nhằm thu hút vốn đầu tư, ưu tiên phát triển ngành, vùng, lĩnh vực, khuyến khích xuất khẩu, sử dụng lao động, tạo công ăn việc làm cho người lao động hoặc để giải quyết những khó khăn tạm thời, cấp bách trước mắt về vốn cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp…
ƯĐT là một trong các yếu tố khuyến khích đầu tư và thường được đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ tài chính khác đối với doanh nghiệp. Các ƯĐT có thể định hướng theo nhiều cách và nhiều kiểu kết hợp dựa trên một trong các tiêu chí sau: theo loại nhà đầu tư (NĐT): NĐT nước ngoài so với trong nước; NĐT mới so với NĐT cũ; theo quy mô đầu tư (lớn hoặc nhỏ); theo loại hình kinh doanh hoặc ngành (sản xuất, nghiên cứu và phát triển);theo yếu tố đầu vào (vốn hữu hình, vốn vô hình, lao động, năng lượng, nguyên vật liệu); theo khu vực địa lý (vùng khó khăn, khu vực đặc biệt); theo loại thị trường (thị trường trong nước và nước ngoài). Ngoài ra cũng có thể có các tiêu chí định hướng khác như nguồn tài trợ và các tiêu chí khác nằm giữa các nhóm trên. Ví dụ, ƯĐT cho công nghệ và thiết bị hiện đại, sử dụng trong các ngành đặc biệt hoặc cho các khu vực đặc biệt.
Khi đề cập đến các định hướng ưu đãi cần phân biệt rõ giữa các cơ chế ưu đãi hỗ trợ thông qua việc giảm trừ chi phí chiếm hữu vốn (hoặc chi phí thuê, mua các yếu tố đầu vào của sản xuất) và các cơ chế ưu đãi hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được từ các yếu tố sản xuất đó. Với nhóm thứ nhất, người ta thường gọi là các ưu đãi chi phí, còn nhóm thứ hai là các ưu đãi lợi nhuận. Tương ứng với hai nhóm cơ chế ưu đãi và các tiêu chí nêu trên, tùy theo từng giai đoạn và điều kiện nhất định mà Chính phủ có thể áp dụng các hình thức ƯĐT khác nhau nhằm đạt được mục tiêu của mình. Các hình thức ƯĐT bao gồm:
1. Sử dụng thuế suất tiêu chuẩn thấp: Thuế suất tiêu chuẩn là mức thuế suất chung theo tỷ lệ % do luật định. Thực tế chứng minh rằng, các nước đang phát triển thu hút được tổng số vốn đầu tư nước ngoài cao so với tổng thu nhập quốc dân chủ yếu là các nước có cơ cấu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp và sử dụng biện pháp miễn giảm thuế ban đầu.
2. Thuế suất ưu đãi: Thuế suất ưu đãi là thuế suất thấp hơn thuế suất tiêu chuẩn và thường được áp dụng đối với các ngành, nghề hoặc các khu vực được lựa chọn ưu đãi.
3. Miễn toàn bộ hoặc một phần thuế TNDN (hay còn gọi miễn, giảm thuế ban đầu): Đây là hình thức ƯĐT phổ biến nhất. Theo đó, Chính phủ cho phép miễn toàn bộ hoặc một phần thuế TNDN mà các doanh nghiệp phải nộp theo luật định trong một khoảng thời gian nhất định. Hình thức này đơn giản, dễ thực hiện đối với doanh nghiệp và cơ quan thuế; hạn chế được việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế. Tuy nhiên, nếu thời kỳ ưu đãi kéo dài - sẽ tăng áp lực cho thu ngân sách. Ngược lại, nếu thời gian ưu đãi ngắn - chỉ thu hút được các dự án ngắn hạn và dễ gây nên tình trạng chuyển vốn sang đầu tư ở một nước khác để hưởng thời kỳ ƯĐT mới. Mặt khác, áp dụng hình thức này có thể gây ra hiện tượng trốn thuế bằng cách các NĐT sẽ lập các công ty mới để hưởng thời kỳ ƯĐT mới thay vì mở rộng đầu tư.
4. Giảm thuế suất thuế TNDN đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu. Với hình thức này, Chính phủ có thể giảm mức thuế suất thuế TNDN tạm thời hoặc vĩnh viễn cho một số hoạt động cụ thể. Biện pháp này có thể khuyến khích phát triển một số lĩnh vực nhất định và các chi phí về số thu minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc phân định và quản lý lợi nhuận nào đạt tiêu chuẩn được hưởng mức thuế suất thấp thường rất khó khăn và thường tạo cơ hội tránh thuế do các doanh nghiệp phải chịu thuế suất cao đã chuyển lợi nhuận sang các doanh nghiệp chịu thuế thấp hơn qua phương thức chuyển giá.
5. Chiết khấu đầu tư và tín dụng thuế: so với miễn thuế kỳ hạn, hai hình thức ƯĐT này có nhiều lợi thế. Hình thức này là một công cụ tốt hơn miễn thuế kỳ hạn khi cần đẩy mạnh các hình thức đầu tư, đồng thời tạo ra sự minh bạch hơn và dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, chiết khấu đầu tư và tín dụng thuế có những nhược điểm cơ bản. Những hình thức ưu đãi này có xu hướng bóp méo sự lựa chọn các tài sản vốn theo hướng ưu tiên các tài sản ngắn hạn vì các khoản chiết khấu và tín dụng sẽ được tận dụng mỗi khi tài sản được thay thế. Thứ hai, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tìm cách lạm dụng hệ thống các qui định thông qua việc bán và mua các tài sản cùng loại để khai báo các khoản chiết khấu và tín dụng thuế nhiều lần, hoặc thông qua việc làm đại lý mua tài sản đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện được cấp ưu đãi.
6. Khấu hao nhanh: là hình thức ƯĐT bằng cách cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất hợp lý được tính trừ cao hơn mức khấu hao cho phép theo lịch trình thông thường. Hiệu quả của biện pháp này là số thuế phải nộp được trì hoãn đẩy lùi về những kỳ nộp thuế sau nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh tốc độ thay thế tài sản vốn. Khấu hao nhanh thực chất là một hình thức ƯĐT và có ít hạn chế nhất. Nhìn chung việc cho phép các doanh nghiệp được áp dụng khấu hao nhanh sẽ có hai lợi thế: (i) ít tốn kém chi phí vì số thu bị giảm trong những năm đầu (so với trường hợp không áp dụng khấu hao nhanh) ít nhất cũng được khôi phục lại một phần trong những năm tiếp theo của vòng đời tài sản; (ii) nếu khấu hao nhanh chỉ được áp dụng tạm thời, khi các điều kiện khác ngang bằng thì điều đó có thể dẫn tới một luồng đầu tư ngắn hạn vì NĐT có xu hướng đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư cho tương lai để tận dụng ưu đãi này. Thông lệ các hệ thống thuế hiện đại thường sử dụng phương pháp khấu hao nhanh.
7. Khấu trừ thuế: khấu trừ chi phí đầu tư là hình thức ưu đãi thông qua việc quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện đầu tư được khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định tính trên giá trị đầu tư vào chi phí trước khi tính thuế hoặc vào số thuế phải nộp nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước. Khấu trừ thuế được xác định theo tỷ lệ tương ứng với giá trị đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư - hình thức này cho hưởng ưu đãi theo hoạt động đầu tư thực tế.
8. Ưu đãi thuế gián tiếp: hình thức ƯĐT gián tiếp rất dễ bị lạm dụng khi thực chất người chịu thuế không được hưởng ưu đãi mà người nộp thuế sẽ được hưởng. Hình thức này rất khó biện minh trên cơ sở chính sách, trừ những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tài sản, vốn và nguyên liệu thô sẽ tăng gánh nặng thuế của các doanh nghiệp liên quan vì thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ. Nếu mục tiêu của hình thức ưu đãi này chỉ đơn giản là giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp thì có thể thực hiện bằng biện pháp khác như hoàn thuế GTGT.
Miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế GTGT: hiện nay các nước đều sử dụng hình thức miễn giảm thuế nhập khẩu và thuế GTGT và trong một số trường hợp cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho các NĐT được khuyến khích trong việc nhập khẩu máy móc hoặc các nhà xuất khẩu đều hưởng thuế suất 0% theo đó được hưởng chế độ hoàn thuế GTGT. Ngoài ra nhiều nước còn duy trì hình thức hoàn lại thuế nhập khẩu hoặc cơ chế cho nợ thuế nhập khẩu hoặc hình thức kho bảo thuế.
9. Cơ chế kích hoạt: một vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến việc sử dụng ƯĐT tại các nước đang phát triển là cơ chế kích hoạt. Một cơ chế kích thích tự động cho phép các NĐT nhận được những ưu đãi một cách tự động một khi cơ chế này thoả mãn những tiêu chuẩn điều kiện thoả mãn mục tiêu đặc biệt nhất định, chẳng hạn như mức tối thiểu đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế. Khi đưa ra các ưu đãi này, các cơ quan liên quan sẽ chỉ thực hiện khi các tiêu chuẩn đủ điều kiện được đảm bảo. Trong khi áp dụng cơ chế này sẽ làm mất quyền tự chủ khi giải quyết các trường hợp đặc biệt.
Nhìn chung cơ chế kích hoạt lựa chọn có chủ đích được yêu thích hơn là cơ chế tự động vì cơ chế lựa chọn có chủ đích tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các hình thức ưu đãi linh hoạt hơn khi xác định giá trị của từng hình thức ưu đãi được áp dụng, nhưng lại thiếu sự minh bạch trong quá trình ra quyết định. Do vậy sẽ gây khó khăn cho các NĐT tiềm năng và tạo thuận lợi cho tham nhũng và các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận khác. Thực tế cũng chứng minh ƯĐT là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tham nhũng tại nhiều nước.
10. Giảm gánh nặng lỗ: lỗ của doanh nghiệp có thể được phân bổ khấu trừ vào các năm tiếp theo để giảm thu nhập tính thuế - giảm số thuế TNDN mà các doanh nghiệp phải nộp. Hình thức này được xem như là hình thức hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp và có lợi cho những dự án lớn đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những gánh nặng về quản lý và nếu không có quy định đúng đắn về khấu hao có thể dẫn đến giảm hiệu quả của hình thức ưu đãi này.
2. Thực tiễn sử dụng chính sách ưu đãi thuế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vừa ra khỏi khủng hoảng và suy thoái, các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) - vẫn tiếp tục đương đầu với khó khăn, chính sách tiền tệ và tài khóa chưa thể nới lỏng thì cần có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho NĐT và doanh nghiệp để kích thích sản xuất và phát triển. Bên cạnh việc cải cách các thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng gia nhập thị trường, nới lỏng một số quy định để doanh nghiệp phát triển và mở rộng kinh doanh, một trong những biện pháp quan trọng, trực tiếp và hiệu quả đó là sử dụng chính sách ƯĐT cho các DNVVN.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều quyết sách ưu đãi cho DNVVN, tuy nhiên, các ưu đãi về thuế được thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Vì vậy, chúng tôi tập trung phân tích những ƯĐT đã được áp dụng cho DNVVN trong 3 giai đoạn từ năm 2008 phù hợp với thời gian ban hành các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Giai đoạn thứ nhất: cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Trước sự suy giảm của nền kinh tế vào những tháng cuối năm 2008, Chính phủ đã có Nghị quyết số 30 ngày 11/12/2008 và Nghị quyết số 01 ngày 9/1/2009 về việc tăng cường hơn nữa vai trò của chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ nền kinh tế; Quyết định 58/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ Bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 12 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các ưu đãi trong lĩnh vực thuế nội địa và phí, lệ phí; 01 Quyết định và 35 Thông tư thi hành các ưu đãi trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thủ tục hải quan.
Cụ thể các hình thức ƯĐT chủ yếu mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP là:
- DNNVV được giảm 30% thuế TNDN phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009 (Thông tư 03/2009/TT-BTC);
- DNVVN là doanh nghiệp có thu nhập từ các hoạt động sản xuất (sản phẩm cơ khí và vật liệu xây dựng); hoạt động xây dựng, lắp đặt, dịch vụ du lịch và kinh doanh lương thực, phân bón được gia hạn nộp thuế 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, bắt đầu từ quý I năm 2009 (Thông tư số 12/2008/TT-BTC);
- Giảm 50% thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn (Thông tư số 13/2009/TT-BTC);
- Tạm hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá thực xuất khẩu, chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng bằng 90% số thuế GTGT đầu vào được hoàn theo hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp (Thông tư số 04/2009/TT-BTC);
- Tạm hoãn nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ sản xuất kinh doanh và tiền công, tiền lương (Thông tư số 160/2009/TT-BTC).
Theo thống kê đến ngày 31/8/2009, đã có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế TNCN được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế. Ước cả năm, tổng số thuế miễn, giảm, giãn khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, đã tiếp tục rà soát để bãi bỏ khoảng 140 tỷ đồng các khoản phí và lệ phí khác.
Việc thực hiện khẩn trương các ưu đãi về chính sách thuế đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Đặc biệt sau một thời gian ngắn áp dụng các hình thức ƯĐT trên, kinh tế trong nước đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Hầu hết các doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc. Đầu tư trong nước khả quan. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường... có chuyển biến tích cực. Chính sách này, cộng với các biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất đã tác động mạnh mẽ đến DN không chỉ về ý nghĩa kinh tế mà có tác động khích lệ tinh thần kinh doanh, tạo niềm tin cho DN.
Giai đoạn thứ hai: năm 2010.Mặc dù nền kinh tế nói chung và DNVVN nói riêng đã có những chuyển biến tích cực nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp không ít các khó khăn mà khó khăn lớn nhất là thiếu vốn đầu tư. Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010, ngày 12/02/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2010/QĐ-TTg về việc gia hạn nộp thuế TNDN. Cụ thể: gia hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với: (i) số thuế TNDN phải nộp năm 2010 của DNVVN. DNVVN là các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn hoặc lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNVVN; (ii) số thuế TNDN phải nộp năm 2010 từ hoạt động sản xuất, gia công dệt, may, da, giầy, dép của doanh nghiệp.
Giai đoạn thứ ba: năm 2011. Trước những biến động lớn về kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm 2011 đã chậm lại, doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, chi phí đầu vào cao, lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm, Chính phủ lại lựa chọn hoãn, miễn, giảm thuế có mức độ để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc miễn, giảm, hoãn thu thuế TNDN có ý nghĩa gián tiếp hỗ trợ nguồn vốn giúp doanh nghiệp giảm bớt phần vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Ngày 06/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2011 QĐ-TTg cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian một năm đối với DNVVN. Lần này, thời gian gia hạn nộp thuế TNDN năm là 01 năm thay vì 03 tháng như năm 2010 và đối tượng được gia hạn có thu hẹp hơn. Cụ thể, các DNVVN đáp ứng tiêu chí về vốn hoặc lao động theo quy định được gia hạn nộp thuế trong thời gian 01 năm, kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2011; trừ các doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc các Tập đoàn kinh tế; doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ không phải là DNVVN nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu của công ty con. Ngoài ra DNVVN không được gia hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN từ hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số kiến thiết, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thu nhập từ kinh doanh các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách giãn, giảm thuế là giải pháp toàn diện, nhưng khi thực hiện đã có trọng tâm, tập trung ưu tiên cho những doanh nghiệp khó khăn nhất và cần được tiếp sức sớm nhất.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, số tiền dành cho đợt giãn thuế này vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Số đơn vị nằm trong diện có thể được giãn thuế vào khoảng 200.000 trên tổng số 360.000 DNVVN đang hoạt động.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, mới giãn thuế TNDN thì chỉ giải quyết được một phần và tạm thời khó khăn cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thuộc diện được giãn thì đến năm sau phải nộp dồn khoản thuế TNDN của cả 02 năm sẽ lại càng khó khăn hơn. Do vậy phải kết hợp với biện pháp giảm thuế TNDN, giảm mức thuế khoán thuế GTGT, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét và có Nghị quyết số 8/2011/QH13 thông qua ngày 06/8/2011, ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, trong đó chính sách ƯĐT được sử dụng một cách mạnh mẽ, cụ thể :
1. Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DNVVN đã được giãn thuế theo Quyết định 21/2011 QĐ-TTg và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
2. Giảm 50% mức thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN từ Quý III năm 2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010.
3. Miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng.
4. Giảm 50% số thuế TNCN phải nộp từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.
5. Miễn thuế TNCN từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Luật Thuế TNCN.
 Ngày 4/11, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 8/2011/QH13 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2011.
Thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh (giảm bớt được việc vay vốn với lãi suất cao), người lao động bớt khó khăn, ổn định đời sống, từ đó có động lực để yên tâm lao động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn, và giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng chủ yếu là tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2011 và một phần trong năm 2012. Cụ thể: tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỷ đồng (sẽ thu vào năm 2012); tổng số thuế miễn, giảm năm 2011 khoảng 4.200 tỷ đồng; tổng số thuế miễn, giảm năm 2012 khoảng 2.200 tỷ đồng; riêng đối với doanh nghiệp thuộc diện được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011 khoảng 303.200 doanh nghiệp, trong đó DNVVN khoảng 236.500 doanh nghiệp và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khoảng 66.700 doanh nghiệp, thu ngân sách giảm khoảng 3.700 tỷ đồng.
Hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp này như thế nào trên thực tế còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: sự phù hợp của các giải pháp đối với các biến động của nền kinh tế, xã hội; sự tiếp nhận các thông tin của doanh nghiệp và người dân về các giải pháp ƯĐT của Nhà nước; khả năng quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện các giải pháp. Do vậy, một chính sách phát huy hiệu quả tốt ở nước này nhưng có thể không phát huy hiệu quả ở nước khác; vấn đề cốt lõi là bên cạnh một chính sách phù hợp cần có biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.
3. Đề xuất sử dụng chính sách ưu đãi thuế đối với việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới
Chính phủ các nước phát triển và đang phát triển đều xác định vai trò quan trọng và lâu dài của DNNVV trong nền kinh tế và vì vậy, công tác xúc tiến, phát triển DNNVV luôn được coi là một trong những chính sách trọng tâm trong phát triển kinh tế ở các quốc gia. Ở Việt Nam, với tỷ lệ 97% số doanh nghiệp trong cả nước, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xoá đói giảm nghèo… Chiến lược phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 đã đặt ra mục tiêu “đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào việc phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Để đạt mục tiêu trên, ƯĐT có thể được sử dụng theo hai hướng: khuyến khích các NĐT thành lập doanh nghiệp mới và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đã được thành lập. Các giải pháp giảm thuế và gia hạn thời gian nộp thuế đã và đang áp dụng mới chỉ phần nào giải quyết các khó khăn trước mắt cho DNNVV, để hướng tới một mục tiêu lâu dài, Chính phủ có thể nghiên cứu và áp dụng các biện pháp sau đây:
- Giảm thuế suất thuế TNDN. Hiện nay, mức thuế suất áp dụng chung cho các doanh nghiệp đều là 25%, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Mức thuế suất ưu đãi 20% và 10% được áp dụng dựa trên ngành nghề và lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, vì vậy, DNVVN có thể nằm ngoài phạm vi ưu đãi về thuế suất nếu không hoạt động trong lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Để thúc đẩy sự phát triển của các DNVVN, nên cho áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông - có thể là 20% thay vì 25% cho các DNNVV hoặc cho các DNNVV trong một số lĩnh vực nhất định cần khuyến khích đầu tư như sản xuất, gia công, chế biến nông lâm thuỷ sản, dệt may, da giày. Việc giảm gánh nặng thuế thông qua ưu đãi về mức thuế suất sẽ làm tăng phần lợi nhuận để lại cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.
- Áp dụng hình thức khấu hao nhanh hoặc cho khấu trừ gấp đôi một số khoản chi phí khi tính thuế TNDN cho các DNNVV. Theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thực hiện, doanh nghiệp chỉ được trích khấu hao nhanh trong trường hợp có lãi và có nhu cầu trích khấu hao nhanh để đổi mới công nghệ. Như vậy, các DNVVN muốn trích khấu hao nhanh sẽ phải đảm bảo có lãi - đây là một điều kiện làm hạn chế tác động của việc trích khấu hao nhanh. Mặc dù phương pháp này không làm thay đổi tổng số chi phí về vốn được khấu trừ nhưng nó làm tăng giá trị hiện tại của các khoản được khấu trừ, giúp doanh nghiệp thu hồi vốn nhanh hơn so với quy định chung về khấu hao tài sản cố diịnh (TSCĐ). Vì vậy, có thể nghiên cứu để cho phép các DNVVN được trích khấu hao nhanh khi mua TSCĐ. Đồng thời, với một số khoản chi phí cho các hoạt động được ưu đãi trong doanh nghiệp như nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nên được tính gấp đôi hoặc 1,5 lần khi tính thu nhập chịu thuế. Giải pháp này có tác dụng tốt đối với các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài sản hoặc đầu tư vào những lĩnh vực được khuyến khích, có thể áp dụng đối với một số lĩnh vực hiện đang gặp khó khăn hoặc được khuyến khích đầu tư như đã nêu trong Nghị quyết 08/2011/QH13. Tuy nhiên, khi áp dụng hình thức này có thể phát sinh vấn đề doanh nghiệp bị lỗ trong năm phát sinh chi phí mua sắm TSCĐ hoặc đầu tư. Trong trường hợp này, ƯĐT thông qua việc cho phép trích khấu hao nhanh chỉ có tác dụng nếu cho phép doanh nghiệp áp dụng cơ chế lựa chọn và chuyển lỗ sang các năm tiếp theo.
- Khấu trừ thuế cho hoạt động đầu tư. Khác với hình thức khấu hao nhanh hoặc cho phép khấu trừ gấp đôi các khoản chi phí khi tính thu nhập chịu thuế TNDN, khấu trừ thuế cho hoạt động đầu tư là hình thức ưu đãi mà hiện nay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đó là hình thức cho phép các cơ sở được giữ lại một phần thuế thu nhập phải nộp trong năm để mua sắm máy móc, thiết bị, thực hiện các hoạt động đầu tư. Đây là biện pháp hạ thấp nghĩa vụ thuế nhằm khuyến khích việc thay thế, mua sắm máy móc, thiết bị, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Khoản ưu đãi này có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, vì bản thân nó là sự hỗ trợ trực tiếp một phần vốn đối với doanh nghiệp, tương ứng với khả năng tạo vốn và tạo thu nhập trên cơ sở kinh doanh có lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Việc khấu trừ thuế có thể là một động cơ cho việc đầu tư mà khoản khấu trừ này có thể được xác định ở mức tương đương với phần mà bất kỳ chế độ khấu hao nhanh đem lại theo giá trị hiện tại của số thuế được giảm. Những ưu đãi dưới dạng khấu trừ thuế không chỉ có tác dụng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn theo định hướng mà nó còn đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực hiện ƯĐT.
Giải pháp này được xem như một hình thức chi tiêu thuế của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp được hưởng một số tiền nhất định do đã có hoạt động đầu tư và như vậy, doanh thu thuế của Chính phủ sẽ bị giảm. Hình thức ưu đãi này có thể được thực hiện bằng một trong hai cách thức sau: (i) khấu trừ một tỷ lệ nhất định dựa trên số tiền đầu tư mới mà  doanh nghiệp đã chi ra trong năm; (ii) khấu trừ một tỷ lệ nhất định dựa trên số tiền đầu tư vượt trên mức đầu tư bình quân trong một số năm - thông thường là 3 năm liền kề trước năm được ưu đãi.
Việc khấu trừ thuế cho hoạt động đầu tư có tác dụng tốt cho các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư mới và có thu nhập. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp bị lỗ thì biện pháp này chưa được hiệu quả. Vì vậy, song song với việc khấu trừ thuế cho hoạt động đầu tư, có thể áp dụng biện pháp chuyển lỗ để đảm bảo mọi doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ quy định này
- Ưu đãi tài chính cho các NĐT. Nếu như ba biện pháp trên được xem như là biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV, thì giải pháp ưu đãi tài chính cho các NĐT được xem như là biện pháp để khuyến khích các NĐT trong việc thành lập và đầu tư vào DNNVV. Có 3 hình thức ưu đãi tài chính cho các NĐT có thể được áp dụng thông qua hệ thống thuế: (i) cho phép các NĐT khấu trừ chi phí vay vốn để góp vốn đầu tư vào DNNVV trong một số lĩnh vực ưu tiên; (ii) ƯĐT TNCN, cho phép các NĐT khấu trừ phần thuế đã nộp tương ứng với phần vốn góp của các cá nhân vào DNNVV với điều kiện DNNVV đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định; (iii) cho phép DNNVV chuyển phần chi phí hoặc thuế chưa được khấu trừ của doanh nghiệp cho các cá nhân góp vốn khi tính thuế thu nhập của các cá nhân này. Hình thức này chỉ thường được áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế TNDN trong nhiều năm và vì vậy, không được hưởng ngay các ưu đãi trực tiếp từ thuế. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gây méo mó bản chất của thuế TNDN và cả thuế TNCN, vì vậy, nó được xem như một giải pháp đặc biệt và chỉ được áp dụng trong một thời kỳ nhất định. Hiện nay, việc miễn giảm thuế TNCN đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp theo Nghị định 101/2011/NĐ-CP cũng là một hình thức ưu đãi tài chính cho NĐT. Tuy nhiên, để khuyến khích các NĐT đầu tư vào DNVVN, có thể bổ sung thêm quy định: Cổ tức được chia từ các DNVVN thì việc khuyến khích đầu tư sẽ hiệu quả hơn.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, trước mắt, việc gia hạn thời gian nộp thuế cho DNNVV là một giải pháp cần thiết, giúp giải quyết nhu cầu cấp bách về vốn cho các DNNVV. Ngoài ra, cần phải lưu ý đến việc đơn giản thủ tục hành chính vì nếu chính sách miễn giảm thuế TNDN đã được ban hành song nếu quy trình, thủ tục nộp, miễn giảm thuế phức tạp sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, cơ hội được hỗ trợ về tài chính thông qua chính sách ƯĐT./.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(221), tháng 7/2012)