Trách nhiệm “người quản lý” theo luật công ty Việt Nam

01/02/2014

LÊ ĐỨC NGHĨA

chuyên viên pháp lý (Associate ) tại Công ty Luật TNP

Trong nội bộ công ty luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa một bên là cổ đông với tư cách người sở hữu vốn và một bên là người quản lý điều hành công ty với tư cách người trực tiếp quản lý sử dụng vốn, tài sản của công ty[1].  Các cổ đông, bất kể là cổ đông lớn hay nhỏ, đều phải đối mặt vấn đề rủi ro về quản trị công ty[2] (QTCT), có thể họ bị “bóc lột” bởi những người quản lý điều hành công ty[3].  Nhiều công trình nghiên cứu đã thừa nhận, quan hệ giữa cổ đông và người quản lý công ty là mối quan hệ đại diện[4].  Các chủ sở hữu công ty đều phải lựa chọn, bổ nhiệm người quản lý, khai thác tài sản của mình để sinh lợi, nếu họ đặt niềm tin không đúng chỗ, kẻ được tin cậy, được giao quản lý tài sản lại thiếu sự trung thành và mẫn cán thì việc thua lỗ, mất tài sản đầu tư là điều khó tránh khỏi.
Theo quan điểm một số học giả, mâu thuẫn này xuất phát từ bản chất tự nhiên, người quản lý công ty, cho dù họ là cổ đông, thành viên của công ty hay không, thì đều có rất nhiều cơ hội để tư lợi cho riêng mình hay cho người mà mình mong muốn.  Có rất nhiều cách thức mà người quản lý công ty có thể kiếm chác, tư lợi từ doanh nghiệp mình quản lý, thậm chí có thể bằng cách thức hợp pháp (công khai), chẳng hạn thông qua các giao dịch, hợp đồng với những người không có liên quan, hay tiết lộ thông tin cần bảo mật của công ty cho người khác; hoặc thông qua mối quan hệ mang tính chất đổi chác (có đi có lại) mà người quản lý công ty sử dụng để tư lợi, có thể là vật chất hay phi vật chất, mặc dù họ không hề có mối quan hệ chính thức về nhân thân hay góp vốn[5].  Bởi thế, pháp luật công ty của các nước đều có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm, bổn phận của người quản lý công ty, mà ở đó nghĩa vụ cẩn trọng, trung thành luôn đặt lên hàng đầu.
Vấn đề đặt ra, bằng cách nào để ngăn chặn, hạn chế hành vi tư lợi của họ hoặc dung hòa mẫu thuẫn này.  Trong phạm vi bài viết, chúng ta cùng so sánh trách nhiệm người quản lý – các thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam (Luật Doanh nghiệp - LDN - năm 2005), với Luật mẫu hiệu chỉnh công ty của Mỹ (Revised Model Business Corporation Act – “RMBCA”) lồng ghép bản án thực tế…
Untitled_406.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1 . Trách nhiệm người quản lý công ty theo pháp luật Mỹ (RMBCA)
RMBCA đòi hỏi người quản lý công ty (thành viên Hội đồng giám đốc)[6] khi làm việc phải chu toàn hai nghĩa vụ cơ bản: cẩn thận và trung thành - gọi chung là “fiduciary duty”, tức là phải có một lòng thành, tin tưởng, giữ bí mật và trung thực của một người có nghĩa vụ (như luật sư, nhân viên của công ty) đối với với người hưởng lợi (như thân chủ của luật sư, công ty), phải hành động với sự trung thành và liêm khiết cao độ nhất.  Người quản lý khi vi phạm “fiduciary duty” nói chung phải bồi thường thiệt hại[7].  Người được hưởng lợi thường không phải là cổ đông hay nhóm cổ đông đi kiện mà là Công ty.
1.1. Nghĩa vụ cẩn thận.
Nội dung của nghĩa vụ này của người quản lý (thành viên Hội đồng giám đốc) phải tìm hiểu mọi thông tin có liên quan và chứng tỏ rằng họ đã cân nhắc mọi khả năng lựa chọn trước khi ra quyết định, cụ thể theo Điều 8.30(a) RMBCA đưa ra điều kiện để người quản lý hoàn thành nghĩa vụ cẩn thận:
(1) Có lòng thành, sự cẩn thận mà một người bình thường cũng sẽ làm khi ở vị trí đó trong các tình huống tương tự;
(2) Theo cách thức mà người đó tin tưởng một cách hợp lý rằng hành động đó là vì lợi ích tốt nhất cho công ty.
Tất cả các điều kiện trên không có một chuẩn mực hay thước đo chung nào mà tùy thuộc vào lương tri của người đánh giá[8].  Để bổ trợ cho nghĩa vụ này, án lệ trong pháp luật Mỹ đã đưa ra quy tắc “phán đoán trong kinh doanh” (business judgement rule)[9]. Quy tắc này phản ánh những nguyên tắc rất căn bản trong kinh doanh, xoay quay vấn đề khi đưa ra quyết định của người quản lý phải:
(i)  Có sự thành tâm, cẩn thận mà một người bình thường cũng làm trong hoàn cảnh tương tự và;
;
(ii)  Có sự tin tưởng, hay một cơ sở căn cứ trên sự hợp lý rằng quyết định đưa ra phải vì lợi ích tốt nhất cho công ty.
Điều này diễn giải trong vụ kiện Russell P.Miller v. American Telephone & Telegraph Company(sau đây gọi là AT&T)[10] được tóm tắt và phân tích dưới đây:
Thành viên Hội đồng giám đốc (công ty AT&T) đã không thu hồi số nợ sau khi cung cấp dịch vụ viễn thông cho Đảng Dân chủ, khoảng 1,5 triệu USD trong thời kỳ Đại hội Đảng Dân chủ.  Trong vụ kiện này, bị đơn là các thành viên Hội đồng giám đốc với đại diện là ông Miller.  Nguyên đơn là cổ đông (của AT&T) đã phát đơn khởi kiện nhân danh công ty.  Nguyên đơn cho rằng:  Không ai trong số nhân viên công ty hay thành viên Hội đồng giám đốc đã có hành động nào đó để thu hồi số nợ từ ngày 20/08/1968 là ngày phát sinh số nợ cho đến ngày 31/03/1972, do đó vi phạm nghĩa vụ của thành viên Hội đồng giám đốc vì đã không kiên trì, cần mẫn trong quản lý, điều hành công ty.  Ngược lại, bị đơn viện dẫn quy tắc “phán đoán trong kinh doanh” cho rằng:  Hành vi chậm trễ thu tiền của họ là có cơ sở và phù hợp lợi ích chung của công ty. Câu hỏi đặt ra cho Tòa là trì hoãn thu hồi nợ khi đã cung cấp dịch vụ viễn thông cho Đảng Dân chủ có phải là vi phạm nghĩa vụ cẩn thận?  Cuối cùng, Tòa án phán quyết rằng việc không thu hồi nợ 1,5 triệu USD đã vi phạm nghĩa vụ này đối với cổ đông và vì vậy lý do để khởi kiện hoàn toàn chính xác.
1.2. Nghĩa vụ trung thành.
Nghĩa vụ trung thành đặt ra khi người quản lý (thành viên Hội đồng giám đốc) phải đối mặt với trường hợp xung đột lợi ích trong giao dịch giữa công ty và thành viên đó, hoặc trường hợp có cơ hội kinh doanh mà cả công ty lẫn thành viên đó đều quan tâm. Ví dụ, ông A là thành viên một công ty đầu tư tài chính C, công ty C đăng ký mua 25% cổ phần của công ty B, và ông A được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng giám đốc kiêm CEO của công ty B.  Khi công ty B gặp khó khăn về vốn, với vai trò của mình tại công ty B, ông A suy nghĩ, định hướng hoạt động công ty cần phải có chính sách gia tăng đầu tư vốn, hoặc huy động vốn từ các cổ đông.  Nhưng ông B không thể đề nghị cơ quan chủ quản (công ty C) chấp thuận, vì công ty B đang gặp khó khăn nhất định và rất rủi ro.  Điều này nảy sinh xung đột lợi ích trong suy nghĩ của ông A.
Như vậy, công ty có thể gặp bất lợi do thành viên trong Hội đồng giám đốc mang tiếng nói quyết định trong công ty.  Tuy nhiên, không phải lúc nào công ty cũng chịu thiệt thòi, vì trong nhiều trường hợp, giao dịch có thể diễn ra công bằng và công ty hưởng lợi nhiều hơn là khi giao kết với người ngoài.  Trong thực tế, người quản lý đó có thể dành cho công ty những điều khoản thuận lợi trong hợp đồng hơn, hoặc cho công ty vay vốn trong lúc công ty không thể mượn ở bất cứ đâu.  Do đó, xung đột lợi ích không là yếu tố đương nhiên làm vô hiệu giao dịch.  Theo RMBCA quy định, giao dịch sẽ không bị vô hiệu nếu đáp ứng một trong những điều kiện sau đây:
(1) Được thông qua hoặc được phê chuẩn bởi thành viên Hội đồng giám đốc, sau khi đã được giải trình đầy đủ và biểu quyết không có sự tham gia của thành viên liên quan lợi ích từ giao dịch đó;
(2) Được thông qua hoặc phê chuẩn bởi các cổ đông (không có sự tham gia số cổ đông thuộc quyền sở hữu hay được được biểu quyết dưới sự kiểm soát của người quản lý đó);
(3) Giao dịch là “công bằng”.
Ở đây, chúng ta hiểu rằng các điều kiện (1) và (2) đã bao gồm yếu tố công bằng, loại trừ yếu tố lãng phí, lừa dối hay lạm quyền.  Những điều kiện đó cũng áp dụng cho các giao dịch giữa hai công ty mà thành viên Hội đồng giám đốc của công ty này cũng là thành viên Hội đồng giám đốc của công ty kia[11].
Mặt khác, theo các án lệ Tòa án Mỹ, các Thẩm phán dựa vào quy tắc “cơ hội kinh doanh” thuộc về công ty (corporate opportunity rule)[12] phán xét nghĩa vụ trung thành.  Thuyết này đặc biệt quan trọng vì trong thực tế người quản lý hoàn toàn có khả năng lợi dụng danh nghĩa , nguồn lực của công ty để tiếp cận với các đối tác nhằm trục lợi cho riêng mình.  Thuyết cơ hội kinh doanh nhấn mạnh vì người quản lý có nghĩa vụ trung thành đối cổ đông nên công ty là ưu tiên hàng đầu đối với mọi cơ hội kinh doanh và lợi nhuận gắn liền với thương vụ kinh doanh đó.  Vụ kiện Guth v. Loft, Incorporated (1939) là một ví dụ điển hình cho thuyết cơ hội kinh doanh thuộc về công ty[13], cụ thể:
Công ty Loft kiện ông Guth (CEO của Loft) đã ký hợp đồng mua 91% cổ phần công ty Pepsi-Cola (trên tư cách cá nhân) và ông Guth còn mượn các tiện ích công nghệ, nhân viên, vốn của công ty Loft để phục vụ thực hiện giao dịch này.  Công ty Loft cho rằng, ông Guth đã vi phạm nghĩa vụ trung thành vì đáng lẽ ra ông Guth phải ký hợp đồng với đối tác Pepsi-Cola nhân danh công ty.  Ngược lại, Guth phản bác rằng mình đã đề nghị cơ hội ký kết với Pepsi-Cola cho Hội đồng giám đốc của Loft nhưng họ đã bỏ qua.  Ông nói rằng họ đã đồng ý cho mình sử dụng các tiện ích và nguồn lực của Loft, nhưng không có văn bản nào ghi lại hành động này trong cuộc họp Hội đồng giám đốc hay bất cứ tài liệu chứng minh nào khác.  Câu hỏi đặt ra cho Tòa là liệu Guth có vi phạm nghĩa vụ trung thành với Công ty hay không, khi không đề nghị cơ hội mua lại Pepsi-Cola trước khi tự mình đứng ra mua nó? Và Tòa án phán quyết rằng, ông ta đã vi phạm nghĩa vụ trung thành vì cơ hội mua Pepsi-Cola thuộc về Loft trước.  Tòa cũng giải thích rằng các nhân viên, thành viên Hội đồng giám đốc của công ty không được phép sử dụng vị trí được tin cậy của mình để thu lợi riêng.  Vụ việc cho thấy hành vi Guth dành cơ hội mua Pepsi-Cola cho mình đã đặt ông vào tình trạng cạnh tranh, từ đó dẫn đến xung đột lợi ích với Công ty.
Có thể thấy, nghĩa vụ cẩn thận, trung thành đều quy định cụ thể và giải thích chi tiết trong pháp luật công ty Mỹ.  Điều đặc biệt là tất cả quy định đều chỉ mang tính ước lệ, không có một thước đo rõ ràng như thế nào là vi phạm và không vi phạm… Tuy nhiên, thẩm phán của Mỹ đã kết hợp những nguyên tắc như phán đoán trong kinh doanh, cơ hội kinh doanh để phán xét.  Từ đó tạo ra những án lệ được coi là khuôn mẫu trong thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của người quản lý.
2. Trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định pháp luật Việt Nam
Người quản lý công ty mà cụ thể ở đây là thành viên HĐQT do các cổ đông bầu, thuê và miễn nhiệm.  Do vậy, HĐQT và thành viên HĐQT có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với toàn thể cổ đông và hoạt động vì lợi ích của công ty.  Trước tiên chúng ta phải xem xét trách nhiệm của HĐQT, sau đó đi sâu hơn vào phân tích về trách nhiệm của thành viên HĐQT, cụ thể Điều 108.4 LDN 2005 quy định: “HĐQT khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp Quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên chấp thuận thông qua quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua quyết định nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện quyết định nói trên”.  Bên cạnh đó, trách nhiệm của HĐQT trong các công ty đại chúng được quy định chi tiết thêm như[14]: Công ty đại chúng xây dựng cơ cấu QTCT đảm bảo HĐQT có thể thực thi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và quan tâm tới lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến công ty.
Các nhà lập pháp Việt Nam đã đưa chuẩn mực chung về trách nhiệm của HĐQT gắn vào trách nhiệm riêng biệt của từng thành viên HĐQT, cụ thể tại Điều 199 LDN 2005:
(i) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và cổ đông của công ty (sau đây gọi là nghĩa vụ trung thực cẩn trọng);
(ii) Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông của công ty, không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác (sau đây gọi là nghĩa vụ trung thành).
2.1.  Nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng
Nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng của người quản lý xuất hiện đầu tiên trong LDN năm 1999[15].  Tại thời điểm đó, các nhà lập pháp Việt Nam đã “vay mượn” các nghĩa vụ (duties) của các thành viên Hội đồng giám đốc trong luật Anh - Mỹ, được xem là một quy định tiến bộ[16]. LDN 2005 được ban hành, cùng với Quy chế QTCT đã kế thừa nghĩa vụ này.
Về lý luận, nghĩa vụ “trung thực cẩn trọng” của người quản lý, từ khi được ghi nhận trong văn bản pháp luật (LDN1999 và LDN 2005) đều không được định nghĩa hay giới hạn một cách rõ ràng.  Mặc dù theo một số học giả Việt Nam, nội hàm nghĩa vụ này cũng đã tiệm cận pháp luật phương Tây, như “…để hiểu nội hàm này thì người ta phải so sánh với mức độ cẩn trọng trung thực mà một người quản lý thực hiện một nghĩa vụ bình thường của mình trong một tình huống tương tự”[17].  Một quy định pháp luật tồn tại hơn năm (05) năm trong lĩnh vực thương mại kinh doanh, có ảnh hưởng quan trọng thúc đẩy xã hội dân doanh nhưng lại không được hướng dẫn và áp dụng.  Có thể nói, đồng thời với sự xuất hiện những ý niệm ban đầu về QTCT - du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 2004 - thì nghĩa vụ “trung thành cẩn trọng” bắt đầu được quan tâm một cách thích đáng hơn[18].  Tuy nhiên,đến thời điểm hiện nay, nghĩa vụ này vẫn còn chưa được giải thích hướng dẫn cụ thể.
Về góc độ thực tiễn, vì không có định nghĩa và hướng dẫn cụ thể nên việc áp dụng nghĩa vụ “trung thực cẩn trọng” tại các tòa án Việt Nam hầu như không xảy ra hoặc nếu có thì các thẩm phán rất “ngại”.  Điển hình trong vụ tranh chấp hiếm hoi có đề cập đến nghĩa vụ trung thực cẩn trọng được phân tích dưới đây, vụ tranh chấp giữa các thành viên Công ty TNHH Thủy Tiên O.K.Y[19].
Trong vụ kiện này, ông Lê Phước (nguyên đơn là thành viên công ty) khởi kiện yêu cầu buộc ông Nguyễn Ngọc Cường (bị đơn là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty) phải công khai sổ sách kế toán và chia lợi nhuận cho mình năm (05) tỷ, vì theo ông Phước, trong vòng hai năm, ông Cường đã không phân chia lợi nhuận, tự ý ngưng hoạt động công ty, sử dụng trái phép vốn.  Tòa sơ thẩm thụ lý, tuyên bác yêu cầu của ông Phước, vì tòa cho rằng trong quá trình nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên của ông Cường, công ty kinh doanh không hiệu quả, có sự xác nhận các thành viên còn lại khác trong công ty, thể hiện qua biên bản họp Hội đồng thành viên, báo cáo quyết toán thuế đều phù hợp.  Ngoài ra, tòa xác định lại tư cách bị đơn là công ty TNHH Thủy Tiên O.K.Y, vì tài sản nguyên đơn yêu cầu chia là tài sản của công ty.  Có thể nói, trong chừng mực nào đó, thẩm phán đã áp dụng nội hàm “nghĩa vụ trung thực cẩn trọng” của ông Cường khi cho rằng trong quá trình điều hành chung công ty, ông Cường đã làm việc cẩn thận, minh bạch, có sự xác nhận bằng biên bản họp với các thành viên còn lại trong công ty.
Một ví dụ khác, vụ tranh chấp về hoạt động của Công ty cổ phần súc sản xuất khẩu Thanh Hóa (2006)[20].  Nguyên đơn là ông Phạm Xuân Dinh, là cổ đông, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc công ty, bị đơn là ông Lê Quang Dinh (Chủ tịch HĐQT).  Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phạm Xuân Dinh khởi kiện ông Lê Quang Dinh đã cùng một số thành viên HĐQT khác  đã tự ý ra quyết định trái pháp luật, miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của mình.  Tòa sơ thẩm thụ lý và đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên quyết định miễn nhiệm ông Phạm Xuân Dinh là trái pháp luật.  Tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm đã sửa lại tư cách bị đơn không phải là ông Lê Quang Dinh mà đổi lại là Công ty cổ phần súc sản xuất khẩu Thanh Hóa và xử y án sơ thẩm.
Giả sử trong hai vụ tranh chấp trên, nguyên đơn khởi kiện về vi phạm nghĩa vụ trung thực cẩn trọng của Chủ tịch HĐQT thì Tòa án có thụ lý hay không? Thực tế, ngay cả bản thân các thẩm phán dường như vẫn còn ngần ngại hoặc chưa thống nhất cách hiểu “trách nhiệm cá biệt từng thành viên HĐQT - người quản lý”, bằng chứng là trong buổi tọa đàm “Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến LDN năm 2005 và hướng dẫn giải quyết”[21], theo một Chánh tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao (TKT TANDTC) và một Thẩm phán TKT TANDTC thì “trường hợp thành viên trong công ty khởi kiện Chủ tịch HĐQT công ty trong việc quản lý và điều hành dẫn đến vi phạm nghĩa vụ thì việc xác định tư cách bị đơn như sau: (i) nếu Chủ tịch HĐQT là đại diện pháp luật công ty thì bị đơn trong vụ kiện là công ty, (ii) nếu Chủ tịch HĐQT không phải đại diện pháp luật thì bị đơn với tư cách thành viên HĐQT”. Rõ ràng đã có sự rối rắm trong cách áp dụng giải quyết tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của thành viên HĐQT, vì chính hành vi khởi kiện (nguyên đơn thông thường là những cổ đông, người quản lý trong công ty) trước hết nhằm bảo vệ lợi ích chính mình, xa hơn là bảo vệ lợi ích cho công ty, hành vi khởi kiện của họ hướng đến chủ thể là Chủ tịch HĐQT và pháp luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ thể này. Nếu theo hướng dẫn như trên thì thật mâu thuẫn khi nguyên đơn khởi kiện vì bảo vệ lợi ích chung của công ty, thì bị đơn lại chính là công ty đó.
2.2. Nghĩa vụ trung thành
Tương tự như nghĩa vụ trung thực cẩn trọng, các nhà lập pháp dường như “bỏ quên” cách định nghĩa và hướng dẫn áp dụng nghĩa vụ trung thành của người quản lý. Điều thú vị chúng ta có thể bắt gặp những quy định nằm rải rác trong văn bản pháp luật, mang dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ trung thành như: “Khi xuất hiện mâu thuẫn về lợi ích phát sinh giữa thành viên và công ty, thì người quản lý nào đó có một lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào và từ bất kỳ nguồn nào, buộc phải đưa ra thảo luận trong HĐQT hoặc người quản lý không được sử dụng những tài sản hoặc thông tin có được từ vị trí của mình thực hiện các mục đích gián tiếp, trực tiếp đem lại lợi ích cho chính bản thân, cho người khác mà gây thiệt hại cho công ty”[22].  Trên thực tế, vi phạm về nghĩa vụ trung thành của thành viên HĐQT thường xuyên xảy ra, điển hình như vi phạm của các thành viên HĐQT Công ty cổ phần gốm sứ Thái Bình[23].
Trong vụ kiện của Công ty cổ phần gốm sứ Thái Bình, các thành viên đã thỏa thuận ngầm rằng: “Tháng 4/2008, tổ chức Đại hội đồng cổ đông công ty nhất trí thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2,5 tỷ đồng lên 5 tỷ (chia thành 500.000 cổ phần) theo phương thức phát hành cổ phiếu phổ thông để huy động vốn.  Tuy nhiên, danh sách cổ đông được hưởng quyền mua cổ phần đưa ra quá nửa số người lao động chưa từng có cổ phần tại công ty, trong khi lại cố ý bỏ qua nhiều cổ đông hiện hữu đang nắm tỷ lệ gần nửa số cổ phần công ty.  Ngoài ra, riêng Chủ tịch HĐQT và Giám đốc được ưu ái thêm 10.000 cổ phần, kế toán trưởng được thêm 5.000 cổ phần…”.  Hành vi của các thành HĐQT được xem vi phạm nghiêm trọng quyền lợi cổ đông hiện hữu (quyền ưu tiên mua cổ phần chào bán - khoản 1 Điều 79 LDN2005) và TAND tỉnh Thái Bình tuyên hủy nghị quyết HĐQT vì trái quy định pháp luật.
Tóm lại, xuất phát từ bản chất tự nhiên của mối quan hệ giữa người quản lý công ty và cổ đông trong công ty, đặc biệt là trong các công ty đại chúng có nhiều cổ đông, tất cả các cổ đông, thành viên đều phải đối mặt với các rủi ro, thiệt hại do chính những người quản lý điều hành công ty có thể gây ra.  Những quy định về nghĩa vụ trung thực cẩn trọng và trung thành của người quản lý theo pháp luật nước ta, bắt nguồn từ sự vay mượn chế định nghĩa vụ người quản lý công ty trong pháp luật Anh - Mỹ. Tuy nhiên, đây là sự sao chép bất cập, bởi vì hai lí do: (i) những chế định về nghĩa vụ thành viên Hội đồng giám đốc được các nhà lập pháp Mỹ định nghĩa một cách cụ thể, giới hạn về phạm vi áp dụng, trường hợp loại trừ nghĩa vụ thành viên; (ii) khi áp dụng giải quyết tranh chấp, các thẩm phán Mỹ còn kết hợp với các nguyên tắc như phán đoán trong kinh doanh, cơ hội kinh doanh, từ đó giải thích chi tiết hơn nữa cho nghĩa vụ của thành viên.  Có thể thấy, lý do đầu tiên các nhà lập pháp Việt Nam dường như bỏ quên, lý do thứ hai, khi mà án lệ vẫn còn chưa có chỗ đứng trong hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc áp dụng trách nhiệm của người quản lý thật sự không đơn giản, hệ quả là ảnh hưởng đến thực thi trách nhiệm của thành viên HĐQT (người quản lý), gián tiếp tác động hiệu quả QTCT, ảnh hưởng cuối cùng đến cổ đông./.  
 
---//---
Vài dòng từ tác giả:
Lời Cam Đoan
Tác giả xin cam đoan bài viết “Trách nhiệm Người quản lý theo Luật Công ty Việt Nam” là tác phẩm của riêng cá nhân. Mọi tài liệu, số liệu được sử dụng trong bài viết đều được trích dẫn đầy đủ và việc tổng hợp phân tích là kết quả của quá trình tìm tòi, tham khảo của mình.
Một người học luật chân chính và làm việc trong môi trường pháp lý trung thực, tác giả mong muốn bài viết được chia sẻ, trao đổi, không mang tính chất thương mại và góp phần nhỏ việc đóng góp sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005, qua đó tạo ra một môi trường pháp lý tiến bộ – và có lẻ đây cũng chính là mục đích của các anh chị (ban biên tập) báo Nghiên cứu lập pháp.
Thông tin từ tác giả:
Họ & tên: Lê Đức Nghĩa
Số CMND: 215138027
Sinh năm: 1988                       Nguyên quán: Tp Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Quá trình rèn luyện học tập: Tốt nghiệp cử nhân Luật trường ĐH Luật TpHCM.
Công việc hiện tại:
+ Chuyên viên pháp lý (Associate ) tại Công ty Luật TNP.
(website Công ty: http://www.tnp-law.com/ )
+ Cộng tác viên Báo pháp luật Thành phố HCM.
Một số yêu cầu tác giả:
+ Tựa đề tác giả: Lê Nghĩa. Không dẫn chiếu bất kỳ thông tin cá nhân tác giả hoặc tổ chức kinh doanh thương mại khác.
+ Sau khi chỉnh sửa (format) bài viết, mong Ban biên tập gửi lại bài viết trước khi đăng bài.
+ Bài viết mang tính thực tiễn cao – tác giả mong muốn được đăng trên chuyên mục: Thực tiễn pháp luật/ Bàn về dự án luật.
Chân thành cảm ơn Ban biên tập báo Nghiên cứu Lập pháp

 


[1] Thuật ngữ “Người quản lý” trong Bài viết này tập trung vào các thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2005)
[2] Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): Quản trị công ty là những biện pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty… liên quan đến tới các mối quan hệ giữa Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và các cổ đông của một công ty với các bên có quyền lợi liên quan. Theo đó quản trị công ty chỉ được xem là hiệu quả khi khích lệ được Ban giám đốc và Hội đồng quản trị theo đuổi các mục tiêu vì lợi của công ty và các cổ đông.
Tóm lại, quản trị công ty là hệ thống các quy tắc nhằm đảm bảo cho công ty được định hướng điều hành và kiểm soát một cách hiệu quả nhất vì quyền lợi cổ đông và những người liên quan.
OECD Principles of Corporate Governance (2004)
http://www.oecd.org/topic/0,3699,en_2649_34813_1_1_1_1_37439,00.html
[3] Phạm Duy Nghĩa; Chuyên khảo Luật kinh tế; NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 334-335.
[4] Bùi Xuân Hải, Học thuyết về đại diện mấy vấn đề của pháp luật công ty Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 04/2007.
[5] Theo Ts Bùi Xuân Hải: “… các lợi ích này có thể là việc nhận tiền hoa hồng từ các hợp đồng, hay việc cùng đi ăn nhậu, đi du lịch, thậm chí quan hệ tình cảm, trao đổi việc làm cho người thân, cấp học bổng du học cho người thân...” - Luật Doanh Nnghiệp – Bảo vệ cổ đông pháp luật và thực tiễn 2011, NXB Chính trị Quốc gia, tr.149.
[6] Hội đồng giám đốc trong pháp luật Mỹ tương đương cơ quan Hội đồng quản trong Công ty cổ phần tại Việt Nam.
[7] Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009); Công Ty Vốn, Quản Lý Và Tranh Chấp Theo luật Doanh Nghiệp 2005, tr. 404   “… thành viên Hội đồng giám đốc có thể chịu trách nhiệm cá nhân khi vi phạm vào nghĩa vụ cẩn thận và trung thành, không đáp ứng các yêu cầu nào đó của luật pháp (thường là luật của liên bang về chứng khoán)…”
Thomas White & James Greig Sarbanes-Oxley Act of 2002, International Business Lawyer, November, 2002, tr.416 “… thành viên Hội đồng giám đốc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi như: Chứng nhận báo cáo sai, lừa đảo chứng khoán, lừa đảo cơ quan tư pháp…”
[8] Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009); tlđd note 7,  tr. 381.
[11] Robert A.G Monks & Nell Minow (1995), Corporate Governance, Blackwell, Cambridge, tr.321-322.
[13] Guth v. Loft, Incorporated (1939), (nguồn: http://www.sba.pdx.edu/faculty/maggief/GuthLoft.pdf).
[14]  Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về Quản trị Công ty áp dụng cho các Công ty Đại chúng.
[15] Khoản 1 điều 86, LDN 1999: Thành viên Hội đồng quản trị phải “Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, mẫn cán vì lợi ích của công ty và cổ đông của công ty”.
[16] Bùi Xuân Hải, Người quản lý công ty theo luật doanh nghiệp 1999 nhìn từ góc độ so sánh (nguồn: http://luatvadoanhnhan.com/law_club.php?&id=48 ).
[17] Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009); tlđd note 6,  tr. 332.
Phạm Trí Hùng – Nguyễn Trung Thẳng, CEO & Hội đồng quản trị; NXB Tổng hợp Tp.HCM, (2009);tr.126.
Bùi Xuân Hải; Học thuyết về đại diện và mấy vấn đề của pháp luật công ty Việt Nam; Tạp chí KHPL; số 4/2007 (nguồn: http://luathoc.cafeluat.com/showthread.php/26646-Hoc-thuyet-ve-dai-dien-va-may-van-de-cua-PLCTVN)
[18] Hội nghị Quốc tế về Quản trị Doanh nghiệp của IFC/OECD tại Việt Nam năm 2004 (nguồn: www.oecd.org/dataoecd/27/19/34646858.pdf)
[19] Bản án số: 1228/2010/KDTM-ST, 18/08/2010.
[20] Bản án số: 233/2006/KDTM-PT, ngày 15/11/2006.
[21] Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu tập huấn giải quyết tranh chấp vụ án kinh doanh thương mại  (2010).
[22] Điểm c, khoản 1, Điều 119 LDN 2005.
Điểm b và c, khoản 1, điều 25. Nghị định 102/2010 thay thế NĐ 139/2006 hdth LDN 2005.
Điều 13 Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về Quản trị Công ty áp dụng cho các Công ty Đại chúng.
[23] Nguyễn Trung Nam, Tranh chấp giữa lợi ích của công ty và cổ đông: Tranh chấp quyền mua cổ phần (nguồn:http://www.quantri.com.vn/index.php/lut-kinh-doanh/lut-trong-nc/961152-tranh-chp-gia-li-ich-ca-cong-ty-va-c-ong-tranh-chp-quyn-mua-c-phn).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(260), tháng 2/2014)


Thống kê truy cập

33946255

Tổng truy cập