Hoàn thiện pháp luật đối với chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước

01/02/2012

NGUYỄN THANH HUYỀN

Trường Đại học Lao động _ Xã hội.

Chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước đang quản lý một diện tích rừng khá lớn mà chủ yếu là rừng sản xuất đã có rừng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế cũng như vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp này trong việc bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này có thể xem xét từ nhiều yếu tố như nguồn vốn, chính sách...nhưng có thể nguyên nhân thấy rõ nhất là các doanh nghiệp này chưa có “quyền tự chủ” đối với rừng, đất rừng được giao, được thuê, cũng như đối với tài sản của doanh nghiệp, các “quyền tài sản” đối với rừng, đất rừng cũng chưa được làm rõ. Hơn nữa, quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ đối với chủ rừng là doanh nghiệp nhà nước còn chưa cụ thể, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau.
 Untitled_620.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Các chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước
Hiện nay, chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước đang quản lý tổng số diện tích rừng 2.004.852 ha, chiếm 16% tổng diện tích đất lâm nghiệp trên toàn quốc[1].Tuy nhiên, do năng lực tài chính hạn hẹp, vốn nhà nước trung bình tại một nông trường chỉ đạt 7.207 triệu đồng và lâm trường là 5.464 triệu đồng, nên phần lớn, nông lâm trường kinh doanh thua lỗ.  
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông lâm trường quốc doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2004/NĐ-CP và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông lâm trường quốc doanh theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên rừng, hình thành các vùng sản xuất nông lâm sản hàng hoá tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng; tách bạch nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; thu hồi những diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không hiệu quả… giao về cho địa phương quản lý, sử dụng theo đúng mục đích của pháp luật về đất đai.
Trước khi đổi mới, sắp xếp lâm trường quốc doanh thì cả nước có 355 lâm trường và công ty lâm nghiệp, trong đó có 110 lâm trường hạch toán độc lập và 245 lâm trường và công ty lâm nghiệp là doanh nghiệp thành viên của các tổng công ty. Thực hiện đề án chuyển đổi đã được Chính phủ phê duyệt, tính đến hết năm 2008 đã có 157 lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp chuyển đổi, trong đó có 136 đơn vị chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH); 14 Công ty TNHH 1 thành viên; 3 Công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005; 04 trung tâm lâm nghiệp hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu và giải thể 14 lâm trường[2].
Trên thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên được giao cho DNNN quản lý, bảo vệ và sử dụng nhưng những doanh nghiệp này lại chỉ chủ yếu tiến hành khai thác mà chưa chú trọng đến việc khoanh nuôi, tái sinh, trồng lại rừng mới. Vì vậy, một số diện tích rừng do DNNN quản lý từ rừng tự nhiên trở thành đất trống đồi núi trọc, thậm chí cá biệt có chủ rừng vì muốn cải tạo đất trồng rừng, chuyển đổi đất trồng rừng đã tiến hành cho chặt trắng phá rừng như Công ty lâm nghiệp Sơn Động, Bắc Giang[3]. Nhiều chủ rừng lợi dụng chính sách chuyển rừng phòng hộ ít xung yếu, nghèo kiệt thành rừng sản xuất để phá rừng lấy đất trồng cây cao su.  
2. Loại rừng được giao, cho thuê cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước
Theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 thì doanh nghiệp lâm nghiệp (DNLN) có vốn đầu tư nhà nước được Nhà nước giao, cho thuê các loại rừng như rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng, rừng phòng hộ hoặc khu bảo vệ cảnh quan của rừng đặc dụng[4]. Vì vậy, tuỳ thuộc vào loại rừng được giao, được thuê, thậm chí tuỳ thuộc vào phương thức và nguồn gốc số tiền trả cho việc giao và thuê rừng mà chủ rừng này có các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Với việc được giao, cho thuê các loại rừng - với những mục đích khác nhau thì DNLN có vốn đầu tư nhà nước không chỉ thực hiện mục tiêu kinh doanh từ rừng sản xuất mà còn thực hiện các hoạt động mang tính sự nghiệp, phục vụ lợi ích công như quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ. Sự không tách bạch giữa chức năng kinh doanh và chức năng sự nghiệp của các doanh nghiệp này đã không tạo ra doanh nghiệp kinh doanh một cách thực sự. Thậm chí, không ít DNLN có vốn đầu tư nhà nước, được Nhà nước giao, cho thuê rừng nhưng không có hoạt động kinh doanh mà tồn tại chủ yếu nhờ vào kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho để thực hiện việc khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng phòng hộ. Cá biệt còn có những chủ rừng để mặc cho “lâm tặc” phá rừng[5] hoặc tìm mọi cách chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp… Không ít các lâm trường quốc doanh cũ (nay là các công ty lâm nghiệp) được Nhà nước giao rừng, đất rừng, sau đó lâm trường giao khoán việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân tại địa bàn đó với thời hạn 20 năm hoặc 30 năm bằng “hợp đồng giao khoán” (đây là chủ trương của Nhà nước). Theo quy định của pháp luật, các công ty lâm nghiệp này là “chủ rừng” - họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng, đất rừng, còn người dân chỉ là bên nhận khoán theo hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế các “chủ rừng” này không có việc để làm vì không còn trực tiếp quản lý rừng và đất rừng và như vậy, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp không đạt được.
Trước thực trạng đó, để phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng sự nghiệp của các DNLN có vốn đầu tư nhà nước. Những doanh nghiệp nào hoạt động kinh doanh, phát triển rừng có hiệu quả thì giữ lại và trao “quyền tự chủ” cho họ phát triển; còn những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì Nhà nước cần kiên quyết giải thể, những diện tích rừng đã giao khoán sẽ giao trực tiếp cho người dân có nhu cầu và khả năng bảo vệ, phát triển rừng, không thể để các doanh nghiệp này không hoạt động mà trở thành ông chủ đất để “phát canh thu tô”.
3. Xác định quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước
Theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, những DNLN có vốn đầu tư của Nhà nước được Nhà nước giao đất, giao rừng không thu tiền sử dụng đất, sử dụng rừng hoặc có thu tiền sử dụng nhưng tiền sử dụng đất, tiền sử dụng rừng đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì số tiền đã trả đó được ghi vào giá trị vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp[6]. Như vậy, “quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng” của Nhà nước đã trở thành vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp phải có quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mới phù hợp. Việc quy định DNLN có vốn đầu tư nhà nước không được quyền “quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng” đã mâu thuẫn với quy định về “chuyển quyền sở hữu tài sản” trong Luật Doanh nghiệp[7]  và quy định về “Thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước” trong Bộ luật Dân sự[8]. Vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp thì vốn đó thuộc về doanh nghiệp - doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn của doanh nghiệp. Việc không thừa nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đối với các DNLN có vốn đầu tư nhà nước làm cho các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn vì thiếu vốn đầu tư lại càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng vì không có tài sản thế chấp. Doanh nghiệp không thể tự chủ nếu Nhà nước không trao quyền. Chính vì vậy, cần quy định: quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng là của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần cải tổ các DNLN có vốn đầu tư nhà nước theo hướng: Một là, cần xác định được giá trị vườn cây, giá trị rừng trồng để giao vốn cho doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh theo mức vốn điều lệ bằng mức vốn tại thời điểm báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp mà không nên đặt yêu cầu tối thiểu về số vốn điều lệ. Hai là, cần phải tinh giản bộ máy quản lý của các công ty lâm nghiệp hơn nữa, nâng cao năng lực quản lý điều hành, vai trò của giám đốc, gắn trách nhiệm của giám đốc và bộ phận quản lý trong việc sử dụng vốn và có cơ chế giám sát hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước; cần gắn kết chặt chẽ hơn với nông dân trong vùng nguyên liệu, có chính sách đầu tư thực sự cho nông dân. Ba là, cần quyết tâm thực hiện đổi mới lâm trường quốc doanh để các công ty lâm nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Chỉ những lâm trường nào thực sự cần đối với nhiệm vụ hoạt động công ích, an ninh quốc phòng mới chuyển sang thành các Ban quản lý rừng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, tránh tình trạng nhiều lâm trường xin chuyển thành Ban quản lý để được Nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động. Kiên quyết giải thể hoặc phá sản các lâm trường hoạt động không hiệu quả để thu hồi đất giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khác có nhu cầu và khả năng sản xuất kinh doanh rừng.
4. Chính sách hưởng lợi đối với chủ rừng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước
Chính sách hưởng lợi từ rừng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước còn nhiều vấn đề phải bàn. Trong nhiều năm được giao, thuê rừng và đất rừng nhưng chưa có một quy định cụ thể nào về chính sách hưởng lợi đối với chủ rừng này. Năm 2001, lần đầu tiên có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hưởng lợi từ rừng nhưng chỉ áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp[9], chứ không phải cho mọi chủ rừng. Năm 2010, với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng[10] được xem là bước đột phá trong việc thực hiện chính sách hưởng lợi đối với chủ rừng và người chăm sóc bảo vệ rừng nói chung theo cơ chế thị trường. Chính sách này đã thực sự khuyến khích chủ rừng chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng thay vì tập trung hưởng lợi từ rừng bằng cách khai thác rừng.  Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, những chủ thể được hưởng lợi ích từ rừng sẽ phải chi trả một khoản tiền cho người cung cấp dịch vụ đó (chủ rừng, người bảo vệ, chăm sóc rừng). Đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm: các chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước (sau đây gọi chung là hộ nhận khoán)[11]. Như vậy, lần đầu tiên, DNLN có vốn đầu tư nhà nước đã trở thành đối tượng được hưởng lợi từ rừng. Tuy nhiên, trong thực tế, khá nhiều diện tích rừng của những doanh nghiệp này đã được giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cho nên họ là chủ rừng nhưng sẽ không được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Để DNLN có vốn đầu tư nhà nước thực sự phát triển, chúng ta cần có những quy định khuyến khích phát triển cho phù hợp như: Khuyến khích các doanh nghiệp này phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nhà vườn..., kết hợp phát triển nông - lâm - ngư nghiệp để họ có doanh thu thường xuyên chứ không chỉ phụ thuộc vào chu kỳ khai thác cây rừng vì thời gian để khai thác được cây rừng ít nhất cũng phải mất 5 đến 7 năm. Hỗ trợ ưu đãi vay vốn với lãi xuất 0% và cho vay theo chu kỳ khai thác cây rừng để doanh nghiệp có khả năng phát triển và yên tâm đầu tư sản xuất. Mặc dù, nguồn lợi kinh tế từ rừng không nhiều nhưng nếu bảo vệ và phát triển được rừng thì toàn bộ nền kinh tế được hưởng lợi và chúng ta mới có thể nói tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bảo hiểm rừng cây cho doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết các công ty bảo hiểm không muốn đầu tư bảo hiểm rừng cây vì rủi ro lớn và khó khăn trong việc thẩm định giá trị rừng cây khi bảo hiểm. Nếu rừng cây doanh nghiệp được bảo hiểm thì doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất và chính những tổ chức cho vay vốn cũng yên tâm khi họ cho vay với thời gian dài vì tài sản thế chấp khi vay vốn chỉ là tài sản rừng cây được hình thành trong tương lai.
5. Cấp chứng chỉ rừng
Đây là vấn đề được nhiều DNLN quan tâm chứ không chỉ là các DNLN có vốn đầu tư nhà nước. Chúng ta đều biết, các nước trên thế giới luôn quan tâm tới việc các sản phẩm từ rừng (bao gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, cũng như các loài động vật) đều phải có xuất xứ hợp pháp, bằng việc có hay không có “chứng chỉ rừng”. Chứng chỉ rừng được xem là một trong các tiêu chí quan trọng để quản lý rừng bền vững, hạn chế tối đa tình trạng khai thác trái phép đối với tài nguyên rừng. Đó là sự xác nhận bằng giấy chứng chỉ rằng đơn vị quản lý rừng được chứng chỉ đã đạt những tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững do tổ chức chứng chỉ hoặc được uỷ quyền chứng chỉ quy định[12].
Chứng chỉ rừng được xem như cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là biện pháp thương mại để kiểm soát một cách có hiệu quả các tác hại về môi trường, phát triển một hệ thống thị trường chỉ chấp nhận tiêu thụ các sản phẩm có chứng chỉ an toàn môi trường. Chứng chỉ rừng là cần thiết để xác nhận quản lý rừng bền vững của chủ rừng, cũng như chứng chỉ ISO để xác nhận quản lý chất lượng sản xuất công nghiệp vì cộng đồng quốc tế, chính phủ, các tổ chức môi trường, xã hội v.v.. Người tiêu dùng sản phẩm từ rừng đòi hỏi các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được khai thác từ rừng đã được quản lý bền vững và người sản xuất cũng muốn chứng minh rằng các sản phẩm rừng của mình, đặc biệt là gỗ, được khai thác từ rừng được quản lý một cách bền vững[13]. Tuy nhiên, vấn đề cấp chứng chỉ rừng của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất khó khăn vì chúng ta chưa có Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng được Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC) phê duyệt. Hiện nay, nếu DNLN nào của nước ta muốn được cấp chứng chỉ rừng đều phải tuân thủ theo các quy định của công ty SmartWood/Rainforest Allliance http://www.smartwood.com) và SGS Forestry (http://www.sgsqualifor). Tính đến nay, Việt Nam mới có 01 chứng chỉ rừng duy nhất - đó là chứng chỉ cho 9.900 ha rừng tại Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn[14]. Vì vậy, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển rừng thì Việt Nam cần nhanh chóng thông qua Tiêu chuẩn FSC Việt Nam và trình Hội đồng Quản trị rừng thế giới phê duyệt./.
 

 


[1] Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 27/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả kiểm kê đất đai năm 2005.
[2] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, “Nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, 12/2009.
[3]Công ty lâm nghiệp chặt phá rừng, thứ sáu 19/09/2008 09:29http://www.anninhthudo.vn/Xa-hoi/Cong-ty-Lam-nghiep-chat-pha-rung/332881.antd
[4] Điều 24- 25, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004.
[5] “Chủ rừng để mặc cho lâm tặc phá rừng” cập nhật 23/03/2009 - 23: 41 http://vietnamnet.vn/xahoi/ 2009/03/837815/
[6] Khoản 2 - Điều 35 - Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004
[7] Điều 29 - Luật Doanh nghiệp năm 2005 [1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;…].
[8] Điều 203- Bộ luật Dân sự năm 2005 [1. Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước được đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp].
[9] Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về "Quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp”.
[10]Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
[11]Điều 8, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
[12] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006), Chương trình hỗ trợ lâm nghiệp và đối tác- Cẩm nang ngành lâm nghiệp, Chương Quản lý rừng bền vững,Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội. (tr. 8)
[13] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006), tlđd.
[14] Hồ Thanh Huyền (vinafor), DNLN tiếp cận và tham gia chứng chỉ rừng.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4(212), tháng 2/2012)