Xem xét yếu tố đóng góp tiêu cực và bạo lực gia đình trong phân chia tài sản khi ly hôn

01/02/2012

ThS. GVC. ĐINH THANH PHƯƠNG

Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

 Các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng, “đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xoá bỏ những phong  tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình”[1]. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng có những quy định của luật cần được làm rõ hơn và có những điều luật cần được bổ sung để giúp cho luật ngày càng được hoàn thiện. Bài viết đề cập đến nguyên tắc “xem xét … công sức đóng góp của mỗi bên”[2] trong phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn (Điều 95). Tuy nhiên, “công sức đóng góp” có nên được xem xét dưới ý nghĩa tiêu cực hay không? Hay chỉ nên xem xét theo nghĩa tích cực như cách hiểu thông thường hiện nay? Bài viết cũng sẽ bàn về sự liên quan của hành vi bạo hành gia đình đến việc xem xét phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
 Untitled_612.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Tài sản hôn nhân và nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
1.1. Tài sản hôn nhân
Trong thời kỳ hôn nhân[3], giữa vợ và chồng tồn tại ba khối tài sản: tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng và tài sản chung. Trong đó tài sản riêng của vợ và tài sản riêng của chồng được gọi chung là tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng được liệt kê tại khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, bao gồm các loại tài sản sau:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản riêng của vợ chồng được định nghĩa tại khoản 1, Điều 32 như sau:“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30[4] của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân”.
Qua các quy định trên chúng ta thấy, tài sản riêng được giới hạn trong một số lượng tài sản nhất định, trong khi đó, với quy định “tài sản chung gồm tài sản do vợ chồng tạo ra thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, thì tài sản chung có xu hướng mở rộng và không bị giới hạn trong một con số nhất định. Do đó, có thể thấy rằng, tài sản riêng là cơ sở để xác định tài sản chung, theo đó, tất cả các tài sản hôn nhân mà không phải là tài sản riêng là tài sản chung. Trong trường hợp này thì có vẻ quy định về tài sản chung tại khoản 1 Điều 27 có vẻ không cần thiết.
Theo cách phân chia tài sản hôn nhân như trên thì có thể thấy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã ít nhiều dựa trên lý thuyết về cộng đồng tài sản[5]. Tất cả tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng cho dù tài sản đó được tạo ra bởi cá nhân người vợ hay người chồng và khối tài sản này, khi vợ chồng ly hôn, phải được chia đôi[6].
1.2. Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Trong các khối tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì chỉ có khối tài sản chung là phải phân chia khi ly hôn và việc phân chia này dựa trên nguyên tắc nền tảng là sự thỏa thuận của vợ chồng[7]. Chỉ trong trường hợp vợ chồng không đạt được sự thỏa thuận thì Tòa án mới đứng ra phân chia căn cứ vào nguyên tắc: Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập (Điều 95 khoản 2, điểm a).
Như vậy, Tòa án sẽ chia đôi tài sản chung trên cở sở xem xét một số yếu tố. Trong đó, yếu tố đóng góp của vợ hoặc chồng cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính (lao động trong gia đình) là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xem xét phân chia tài sản.
1.3. Xem xét đóng góp tiêu cực của vợ, chồng vào khối tài sản chung
Một cách cơ bản nhất thì cụm từ “đóng góp” bao gồm hai ý nghĩa: đóng góp một cách tích cực và đóng góp một cách tiêu cực[8]. Đóng góp tích cực vào khối tài sản chung nghĩa là người vợ hoặc người chồng bằng hành động của mình góp phần vào việc “tạo lập, duy trì, phát triển tài sản”[9]. Việc đóng góp này có thể dưới hình thức tài chính hoặc phi tài chính. Ngược lại, đóng góp tiêu cực là việc vợ hoặc chồng bằng hành động của mình gây ra sự giảm sút khối tài sản về mặt số lượng hoặc chất lượng[10]. Trong trường hợp này thì có thể xem đóng góp tiêu cực là hành vi có lỗi của vợ hoặc chồng làm nghèo đi khối tài sản chung. Các đóng góp tiêu cực có thể bao gồm các hình thức sau đây:
- Trực tiếp làm hư hỏng hoặc làm mất tài sản chung;
- Vi phạm nghĩa vụ bảo quản tài sản chung;
- Có lỗi trong việc làm giảm sút nguồn thu nhập của bản thân[11].
Tuy nhiên, với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95, khi xem xét về đóng góp của vợ, chồng, Tòa án “xem xét… công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản”, thì rõ ràng Tòa án chỉ có thể xem đóng góp của vợ chồng dưới khía cạnh tích cực và bỏ qua yếu tố tiêu cực. Bởi vì, một đóng góp tiêu cực không thể nào góp phần vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản được. Trong khi đó, như đã phân tích, đóng góp tiêu cực là hành vi có lỗi của một bên gây ra giảm sút khối tài sản (thiệt hại) của bên còn lại sau khi phân chia tài sản chung. Do đó, một cách công bằng và khách quan hơn thì đóng góp tiêu cực của một bên vợ hoặc chồng cần phải được đưa ra xem xét trong việc phân chia tài sản chung khi ly hôn và người thực hiện việc đóng góp đó phải gánh chịu sự giảm sút tài sản do hành vi của mình gây ra.
2. Mối liên quan giữa bạo lực gia đình và phân chia tài sản chung
Về lý thuyết thì giữa việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn và bạo lực gia đình có vẻ như không liên hệ với nhau. Nhưng nếu phân tích một cách cặn kẽ thì trên thực tế, bạo lực gia đình có ảnh hưởng một cách tiêu cực đến phân chia tài sản chung. Bởi vì bạo lực gia đình giữa vợ và chồng thường sẽ dẫn đến sự kết thúc là ly hôn và khi ly hôn thì tài sản chung phải được phân chia. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình có thể làm sụt giảm khối tài sản chung của vợ chồng.
 Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình (khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007). Theo định nghĩa này, nạn nhân của bạo lực gia đình có thể bao gồm tất cả các thành viên trong gia đình. Nhưng trên thực tế, thì khoảng 97% nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ[12]. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập nạn nhân của bạo lực gia đình là người vợ trong gia đình.
 Nạn nhân của bạo lực gia đình có thể bị tổn hại về nhiều mặt. Những tổn hại này có thể dẫn đến những hệ quả sau: (i) khả năng lao động, cả lao động trong gia đình và lao động ngoài xã hội của nạn nhân sẽ bị giảm sút. Điều này dẫn đến sự đóng góp tích cực của người này vào khối tài sản chung cũng sẽ bị giảm sút; (ii) nạn nhân bị thiệt hại về mặt kinh tế, do đó, sự đóng góp tích cực của họ về mặt vật chất vào khối tài sản chung sẽ bị giảm sút; (iii) những tổn hại của nạn nhân có thể cần phải sử dụng khối tài sản chung để khắc phục. Ví dụ, chi trả viện phí, tiền thuốc chữa trị các tổn thương cho người bị bạo lực gia đình.
Trong trường hợp thứ nhất và thứ hai, do khả năng đóng góp của nạn nhân bị giảm sút cho nên tài sản họ nhận được khi phân chia cũng sẽ bị giảm sút. Trong trường hợp thứ ba, khối tài sản chung bị giảm sút do chi phí để khắc phục hậu quả của bạo lực gia đình. Vì vậy, sau khi phân chia, nạn nhân cũng sẽ nhận được phần tài sản ít hơn so với trường hợp bạo lực gia đình không xảy ra.
Như vậy, trong cả ba trường hợp nạn nhân đều phải chịu thiệt hại kép. Vừa bị thiệt hại do bạo lực gia đình, vừa bị thiệt hại do khối tài sản sau phân chia khi ly hôn bị giảm sút. Và mọi sự thiệt hại này đều xuất phát từ hành vi bạo lực gia đình. Sẽ là bất công nếu như người thực hiện hành vi bạo lực gia đình lại không phải gánh chịu trách nhiệm trong việc gây ra sự giảm sút khối tài sản chung.
Nhằm tạo sự công bằng và góp phần ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình cũng như nâng cao quyền bình đẳng giới, khi quyết định cho ly hôn, Tòa án nên xem mối liên quan giữa hành vi bạo lực gia đình và sự đóng góp vào khối tài sản chung của vợ, chồng là một căn cứ quan trọng khi phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.  
 
 

 


[1] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Lời nói đầu, đoạn 2.
[2] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 95, khoản 2, điểm a.
[3] Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ, chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân. (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 8, khoản 7).
[4] Quy định về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.
[5] Ngược với lý thuyết cộng đồng tài sản là lý thuyết tách biệt tài sản. Theo lý thuyết này thì cá nhân vợ và chồng sở hữu riêng những tài sản do mình tạo ra trước và trong thời kỳ hôn nhân. Xem Tom Altobelli, Family Law in Australia: Principles and Practice (2003), tr. 353.
[6] Xem Tom Altobelli, Family Law in Australia: Principles and Practice (2003), tr. 353.
[7] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 95, khoản 1.
[8] Xem Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình 2 (2004), tr. 78.
[9] Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 95, khoản 2, điểm a.
[10] Nguyễn Ngọc Điện, sđd.
[11] Xem Dorothy Kovacs, Family Property Proceedings in Australia (1992), trang 206.
[12]Số liệu năm 1997 từThúy Nga, “Báo động đỏ về bạo hành gia đình” (19/7/2008), báo điện tử Dân trí<http://dantri.com.vn>
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 3(211), tháng 2/2012)