Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập

01/01/2012

TS. BÙI XUÂN HẢI

Trưởng khoa Luật Thương mại, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng hội nhập. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được đổi mới với việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh và doanh nghiệp. Bài viết phân tích một số tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và một số vấn đề về thực trạng của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập.
 Untitled_630.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, chấp nhận và tôn trọng các qui luật của nền sản xuất hàng hóa, chấp nhận tự do kinh doanh và sự phát triển của kinh tế tư bản tư nhân. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết của Đảng. Chẳng hạn, ngày 18/11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Kinh tế đối ngoại; ngày 27/11/2001 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế đã khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tùy theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng. Đại hội toàn quốc lần thứ X và thứ XI của Đảng đã tiếp tục khẳng định chủ trương phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nền kinh tế nước ta nhanh, có hiệu quả và bền vững.
Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, hội nhập kinh tế quốc tế là tiến trình tham gia quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Có tác giả cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là “quá trình hợp tác trên cơ sở có đi có lại, trong đó các quốc gia dành cho nhau sự đối xử ưu đãi trên cơ sở tôn trọng, chấp nhận các luật lệ và tập quán quốc tế”; có ý kiến cho rằng, “hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình đi liền với toàn cầu hóa kinh tế mà trọng tâm là mở cửa kinh tế, tham dự phân công, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển và chiếm lĩnh vị trí phù hợp nhất có thể được trong quan hệ kinh tế quốc tế” [1]
Hội nhập kinh tế quốc tế vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa tạo ra thời cơ vừa làm xuất hiện thách thức, vừa hợp tác vừa có đấu tranh... Những khía cạnh tích cực của hội nhập kinh tế là: thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất, tăng trưởng kinh tế nói chung ngày càng cao; làm tăng thêm sự tác động và thúc đẩy lẫn nhau của các nền kinh tế; thúc đẩy quá trình cạnh tranh đối với mỗi nước và với từng doanh nghiệp trên thương trường, đòi hỏi phải cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; mở ra những địa bàn và thị trường mới, những đối tác mới cho tất cả các nước[2]. Song, hội nhập kinh tế cũng có nhiều tác động tiêu cực như: làm tăng thêm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, thúc đẩy các nguồn vốn đầu cơ tăng nhanh, hình thành các "bong bóng” đầu tư và có thể gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi rộng lớn; khoảng cách giàu nghèo trên thế giới và trong mỗi quốc gia ngày càng rộng hơn; môi trường sinh thái cũng bị tác động, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân loại[3]
Sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết này đã nêu rõ: hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên của WTO với tư cách là một đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử và theo mức thuế các thành viên WTO cam kết. Khi gia nhập WTO, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước ngày càng thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế. Gia nhập WTO sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng trong nước sẽ có thêm sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cạnh tranh hơn, dịch vụ hỗ trợ tiện lợi hơn, có chất lượng hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh.
Nghị quyết 08-NQ/TW cũng nhận định rằng, Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Các sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm và doanh nghiệp nước ngoài không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường trong nước. Một bộ phận doanh nghiệp có thể bị phá sản, thất nghiệp có thể tăng lên. Những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường hàng hóa quốc tế sẽ tác động mạnh hơn, nhanh hơn đến thị trường trong nước, tiềm ẩn nguy cơ không kiểm soát được thị trường, có thể gây ra rối loạn, thậm chí khủng hoảng kinh tế, tài chính, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực còn thiếu và yếu cả về năng lực chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ. Ðặc biệt, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh.
Song, Nghị quyết 08-NQ/TW cũng khẳng định những cơ hội, thách thức nêu trên có mối quan hệ, tác động qua lại, có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cơ hội không tự phát huy tác dụng mà tùy thuộc vào khả năng tận dụng cơ hội. Tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra thế và lực mới để vượt qua thách thức, tạo ra cơ hội lớn hơn. Ngược lại, nếu không nắm bắt, tận dụng thì cơ hội có thể bị bỏ lỡ, thách thức sẽ tăng lên, lấn át cơ hội, cản trở sự phát triển. Thách thức tuy là sức ép trực tiếp, nhưng tác động đến đâu cũng còn tùy thuộc vào nỗ lực và khả năng vượt qua của Việt Nam[4]. Việt Nam đã thể hiện chủ trương hội nhập với việc gia nhập ASEAN năm 1995, trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, ký hiệp định thương mại với nhiều nước phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ, và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh vào năm 2007[5].
2. Một số vấn đề của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập
Khi một nền kinh tế tham gia tiến trình hội nhập kinh tế (economic integration) có nghĩa là quốc gia đó đã chấp nhận xóa bỏ toàn bộ hay một phần các rào cản thuế quan về thương mại, đầu tư trong phạm vi lãnh thổ của nước mình để hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư của nước ngoài có thể được dễ dàng trao đổi và thực hiện tại nước mình. Theo lộ trình, Việt Nam phải từng bước mở cửa thị trường, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh, được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của các công ty Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Thực hiện đường lối hội nhập kinh tế quốc tế, qua hơn hai thập kỷ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến 20/10/2010, Việt Nam đã cấp phép cho 12.213 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng k‎ý lên đến khoảng 193 tỷ USD; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 20% GDP, một nửa giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước[6].  Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đóng vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thì đến hết tháng 2/2011, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 14.991 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 13.502 cá nhân và 1.489 tổ chức nước ngoài[7]. Song, chúng ta cũng chứng kiến nhiều dự án đầu tư nước ngoài “ảo” đã gây nhiều khó khăn và cả thiệt hại cho phía Việt Nam. Chẳng hạn, gần đây tỉnh Phú Yên đã phải ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư siêu dự án Thành phố Sáng tạo Nam Tuy Hòa do Tập đoàn Galileo Investment Group Inc (Mỹ) làm chủ đầu tư với mức vốn đầu tư lên tới 11,4 tỷ USD vì nhà đầu tư không thực hiện đúng các cam kết và không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án[8]. Bên cạnh đó, những bất cập, hạn chế của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam cũng ảnh hưởng nhất định đến chủ trương và việc thực hiện công cuộc hội nhập trong thực tiễn.
a. Vấn đề hiệu lực áp dụng của các cam kết quốc tế
Điều 6 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế 2005 quy định, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam hiện hành cũng còn nhiều qui định mang tính tuyên ngôn hơn là các qui định thực chất, các qui định này hầu như không có ‎ý nghĩa áp dụng trên thực tế.
Điều 5 của Luật Đầu tư 2005 có qui định, trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật Đầu tư thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. Qui định tương tự cũng thấy trong Điều 3 của Luật Doanh nghiệp 2005. Điều 3 của Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 cũng khẳng định rằng, trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, cơ cấu sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh thì áp dụng theo các quy định của Điều ước quốc tế đó. Song, các doanh nghiệp, các cán bộ công chức - và kể cả giới luật sư - cũng không thể biết và hiểu rõ hết những cam kết quốc tế của Việt Nam về đầu tư, kinh doanh và rất khó có thể áp dụng các cam kết quốc tế một cách trực tiếp trong thực tiễn đầu tư, kinh doanh cũng như làm thủ tục hành chính… trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập và nền hành chính còn mang tính quan liêu, cửa quyền. Vì thế, một số cam kết quốc tế đã chưa được thực hiện trong thực tiễn.
b. Quyền góp vốn, thành lập doanh nghiệp và nguyên tắc đối xử quốc gia
Nguyên tắc đối xử quốc gia (the national treatment principle) là một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu không phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại (trade without discrimination)[9]. Nó đòi hỏi một quốc gia phải đối xử với người nước ngoài và người trong nước bình đẳng như nhau. Thực hiện chủ trương hội nhập, Việt Nam đã từng bước xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài, xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là giữa khu vực kinh tế nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Việc ban hành một loạt các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghịệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… đã thể hiện điều đó.
Nếu theo qui định của Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 - những đạo luật đầu tiên qui định về các loại hình doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân - thì chỉ có pháp nhân Việt Nam và công dân Việt Nam mới có quyền thành công ty và doanh nghiệp tư nhân[10]. Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ phải theo qui định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 với những hạn chế khá lớn về quyền và phạm vi kinh doanh và sự phức tạp về thủ tục hành chính liên quan. Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã mở rộng hơn về phạm vi chủ thể có quyền thành lập và góp vốn vào công ty và doanh nghiệp tư nhân cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài - ít nhất là trên góc độ lý thuyết. Luật   Doanh nghiệp năm 1999 qui định rằng “tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp”, trừ những trường hợp bị cấm được liệt kê tại Điều 9 của đạo luật này. Trong số các trường hợp bị cấm có “tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không thường trútại Việt Nam”[11]. Như vậy, nếu theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì hầu như người nước ngoài không thể góp vốn, thành lập công ty và doanh nghiệp tư nhân vì rất hiếm khi có người nước ngoài nào là “người nước ngoài thường trú tại Việt Nam”. Do đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn phải theo qui định của Luật Đầu tư nước ngoài, vì vậy, vẫn còn đó sự phân biệt đối xử.
Với việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, pháp luật Việt Nam đã mở rộng quyền góp vốn, thành lập công ty và doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, một đạo luật do Quốc hội ban hành đã khẳng định “tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam” trừ trường hợp bị cấm với những qui định giống nhau mà không quan tâm đến vấn đề quốc tịch[12]. Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 đã khẳng định quyền bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo những qui định chung thống nhất. Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005 cũng qui định rằng: tất cả các tổ chức là pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính và mọi cá nhân không phân biệt nơi cư trú và quốc tịch, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp, đều có quyền thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những qui định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp 2005 đã bị cản trở đáng kể bởi đạo luật song hành với nó là Luật Đầu tư 2005. Tư tưởng làm luật mang nặng tư duy “siết chặt” và tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài thể hiện trong Luật Đầu tư 2005 bằng các qui định về thủ tục đầu tư, về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư… Theo Luật Đầu tư 2005, các tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam để thành lập doanh nghiệp sẽ phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư với hồ sơ phức tạp trong khi các nhà đầu tư trong nước không phải làm việc này[13]. Điều 12 Nghị định 102/2010 cũng qui định rằng: nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài lần đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sự gia nhập thị trường, thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị những rào cản nhất định, vẫn còn sự không bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp.
c. Sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 (mà nhiều người vẫn gọi là luật doanh nghiệp thống nhất) chúng ta có những đạo luật qui định những “sân chơi, kiểu chơi” khác nhau cho các loại hình doanh nghiệp chủ yếu dựa vào yếu tố sở hữu. Nếu các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003, các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2003, các doanh nghiệp tư nhân và công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 1999 thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005. Luật này đã áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp mà trước đây thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác nhau, đã buộc các công ty nhà nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 phải chuyển đổi sang các mô hình doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005 dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng được chuyển đổi theo mô hình công ty theo Luật Doanh nghiệp 2005. Luật Doanh nghiệp 2005 đã góp phần tạo ra một mặt bằng pháp lý thống nhất, không có sự phân biệt đối xử cho các mô hình tổ chức kinh doanh thuộc hình thức sở hữu khác nhau. Doanh nghiệp thành lập bởi các nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước được điều chỉnh bằng các quy tắc pháp lý chung, bao gồm cả thủ tục rút lui khỏi thị trường, cấu trúc quản trị công ty… theo các hình thức tổ chức kinh doanh mà không phân biệt hình thức sở hữu vốn của nhà đầu tư.
Mặc dù quá trình chuyển đổi các công ty nhà nước gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ nhiều phía, giờ đây công việc chuyển đổi công ty nhà nước coi như đã hoàn thành - ít nhất là về hình thức. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước đây theo Luật Đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều trở ngại. Nhà nước ta phải chấp nhận gia hạn thời gian chuyển đổi thêm 03 năm nữa, tức là 5 năm thay vì chỉ có 2 năm theo qui định ban đầu của Luật Doanh nghiệp 2005[14]. Việc tìm hiểu các nguyên nhân của tình trạng này để từ đó có giải pháp thích hợp là việc làm thực sự cần thiết hiện nay để có thể tạo lập và áp dụng những qui định pháp luật thống nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau tại Việt Nam.
Việt Nam vẫn qui định khác nhau về quyền của các doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định 102/2010/NĐ-CP cũng qui định rằng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước; nhưng doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ bị áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tư tưởng bảo hộ các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và bảo vệ nền sản xuất trong nước thể hiện khá rõ trong các qui định về quyền kinh doanh XNK hiện nay. Theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP, những doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quyền kinh doanh XNK khá rộng rãi mà không phụ thuộc vào ngành nghề, mặt hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.[15] Song, việc XNK của những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang bị hạn chế khá nhiều bằng các biện pháp pháp l‎ý khác nhau qui định trong Nghị định 23/2007/NĐ-CP và thực tiễn thi hành. Khái niệm về “quyền xuất khẩu”, “quyền nhập khẩu” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị thu hẹp rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam khác. Có thể nói, những cam kết của Việt Nam về quyền kinh doanh XNK của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đoạn 143 trong Báo cáo của Ban Công tác gia nhập WTO chưa được thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn[16]. Bên cạnh đó, một số cam kết quốc tế gặp khó khăn trong thực tiễn thi hành và tạo nên sự bất bình đẳng nhất định giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty không có vốn đầu tư nước ngoài chẳng hạn như cam kết về tỷ lệ biểu quyết trong các công ty tại Đoạn 502 và Đoạn 503 trong Báo cáo của Ban Công tác gia nhập WTO[17].
d. Vấn đề cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp
Như Nghị quyết 08-NQ/TW đã khẳng định, hội nhập có nghĩa là phải chấp nhận cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nền kinh tế ở tầm vĩ mô và giữa các doanh nghiệp ở tầm vi mô. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta phải xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, phải tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi họ đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài luôn có xu hướng sẽ chảy vào những khu vực, quốc gia hấp dẫn về đầu tư nước ngoài, mà một trong các yếu tố để đánh giá là thủ tục hành chính, các thủ tục pháp l‎ý có liên quan đến hoạt động đầu tư. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để thực hiện các cam kết quốc tế và để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế. Đầu tư nước ngoài đã là một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp cho nhiều quốc gia Châu Á vươn lên “thành rồng, thành hổ” và kể cả trở thành siêu cường của thế giới như Trung Quốc. Nếu không cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, Việt Nam sẽ bị mất điểm khi so sánh với môi trường đầu tư của các nền kinh tế khác.
Thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp hay nói đơn giản hơn là thủ tục gia nhập và rút lui khỏi thị trường đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải cách, bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết, đơn giản hoá thủ tục gia nhập thị trường, đơn giản hoá và hợp l‎ý hoá công tác thu thuế và thủ tục hải quan... Nhìn chung, thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đã được đơn giản hoá và khá dễ dàng, song vẫn còn những vấn đề bất cập, hạn chế trong các qui định về thủ tục gia nhập, rút lui khỏi thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Thông tư 14/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều qui định thủ tục rất đơn giản, dễ dàng để thành lập doanh nghiệp và thay đổi nội dung đăng ký k‎inh doanh; tuy nhiên, thiết chế hạ tầng của chúng ta chưa thích hợp cho những qui định thông thoáng, đơn giản đó phát huy hiệu quả trong thưc tiễn. Chẳng hạn, những gian dối về thông tin đăng k‎‎ý doanh nghiệp vẫn dễ dàng được thực hiện mà Nhà nước và xã hội thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra; nhiều cán bộ công chức có thẩm quyền vẫn gây khó dễ cho doanh nghiệp để đòi hối lộ, nhiều qui định của pháp luật chưa thống nhất còn nhiều bất cập, hạn chế… Vì vậy, nhu cầu hội nhập đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và đảm bảo việc thực thi chúng một cách nghiêm minh.
e. Mô hình tổ chức kinh doanh
Công cuộc hội nhập đặt ra thách thức lớn cho hệ thống pháp luật Việt Nam, đòi hỏi phải thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản: (i) xây dựng nền tảng pháp lý cho sự xuất hiện và bảo vệ các nhân tố của nền kinh tế thị trường và (ii) phải hài hòa hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đầu tư kinh doanh thương mại theo chuẩn mực quốc tế, theo những cam kết quốc tế của Việt Nam[18]. Việc xây dựng pháp luật về mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng hài hòa hóa với các mô hình phổ biến ở các nước phương Tây là thực sự cần thiết. Nhìn một cách tổng quan, trên thế giới có bốn mô hình tổ chức kinh doanh cơ bản là proprietorship (hay sole trader), partnership, co-operative và company (corporation); bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia mà có các mô hình tổ chức kinh doanh đặc thù khác.
Suốt hai thập kỷ qua, các nhà làm luật Việt Nam đã lần lượt ban hành các văn bản pháp luật qui định về những mô hình tổ chức kinh doanh đa dạng mà về cơ bản cũng giống với thế giới bên ngoài như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Nhìn chung, pháp luật về công ty của Việt Nam đã đi theo những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như về tư cách pháp nhân độc lập, chế độ trách nhiệm hữu hạn của thành viên, sự tồn tại độc lập của công ty khi có sự thay đổi của thành viên, mô hình quản trị tập trung… Dù vẫn có những khác nhau nhất định giữa mô hình công ty ở Việt Nam và ở các nước phát triển, nhưng khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư thành lập công ty thì họ cũng không thấy sự khác nhau nhiều giữa mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần ở Việt Nam và ở nước ngoài. Sự khác nhau nhiều nhất có lẽ vẫn là mô hình công ty hợp danh của Việt Nam khi so sánh nó với partnership ở nhiều nước phương Tây như Anh, Úc, Nhật bản, Hoa Kỳ...[19]
Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải thực thi nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế, các nguyên tắc và qui định của WTO. Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, pháp luật doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện nhằm góp phần thực hiện chủ trương hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế; song, vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung./. 
 

[1] Nguyễn Tiến Nghĩa, Tổng thuật Hội thảo do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Thương mại và Dự án Hợp tác kinh tế đa biên (MUTRAP) tổ chức với chủ đề "Hội nhập kinh tế quốc tế - những vấn đề lý luận và thực tiễn" ngày 11/3/2004. Xem Tạp chí Cộng sản điện tử số 56, 2004, tại http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=3&ID=1790
[2] Tlđd.
[3] Tlđd.
[4] Trích Nghị quyết số 08-NQ/TW.
[5] Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và sau đó gia nhập Khu vực mậu dự tự do ASEAN (AFTA). Năm 1995, Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO, năm 2000 ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA). Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Xem, Hai mươi năm hội nhập: Từ đổi mới đến gia nhập WTO và tham gia các FTA ASEAN +.Xem thêm trên website của Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC), tại http://www.nciec.gov.vn
[6] Vũ Khoan, Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời kỳ đổi mới, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 19/2/2011.
[7] Nguồn: Vneconomy
[8] Xem thêm Báo Pháp luật TP.HCM ngày 13.3.2011, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho dừng dự án Đặc khu kinh tế tại Phú Yên do Tập đoàn Sama Dubai làm chủ đầu tư với mức vốn đăng k‎ý khổng lồ lên đến 250 tỷ USD, sử dụng gần 240 ngàn ha đất, chiếm 1/3 diện tích tỉnh này.
[9]Xem thêm chi tiết tại website của Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Organization - WTO).
[10] Điều 1 Luật Công ty 1990 qui định “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội có quyền góp vốn đầu tư hoặc tham gia thành lập công ty TNNH, công ty cổ phần theo qui định của Luật này”
[11] Khoản 8, Điều 9 Luật DN 1999.
[12] Xem Điều 13 Luật DN 2005.
[13]Xem thêm Điều 46, 47 Luật Đầu tư 2005.
[14] Theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong thời hạn 02 năm từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, tức là trước 01/7/2008, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) phải làm thủ tục chuyển đổi, đăng k‎ý lại theo mô hình công ty qui định tại Luật Doanh nghiệp 2005. Nhưng trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã không thực hiện việc này. Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung trong đó thay đổi thời hạn chuyển đổi, đăng k‎ý lại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên thành 05 năm, tính từ 01/7/2006.
[15] Điều 3 Nghị định 12/2006/NĐ-CP và Thông tư 04/2006/TT-BTM.
[16] Xem thêm Hà Thị Thanh Bình, Quản lý việc nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và việc thực hiện các cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Tạp chí Khoa học pháp l‎ý số 2/2009, tr. 44.
[17] Theo cam kết này, Việt Nam chấp nhận cho phép trong công ty liên doanh ở một số lĩnh vực, các bên có quyền thỏa thuận quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau: (i) số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; (ii) các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; và (iii) tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông. Lưu ý rằng, ‎Nghị quyết 71/2006/NQ-QH đã dẫn không chính xác đến Đoạn 503, 504 trong Báo cáo của Ban công tác gia nhập WTO; lẽ ra phải là Đoạn 502, 503
[18] Xem thêm Bùi Nguyên Khánh, Nội dung của chế độ kinh tế trong Hiến pháp của các nước Châu Âu và những gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật, 2/2010, tr. 12-13.
[19] Về vấn đề này, xem thêm Bùi Xuân Hải, Pháp luật doanh nghiệp và đầu tư với vấn đề hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp 1/2008.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(210+211), tháng 2/2012)