Kiến nghị hoàn thiện Luật Công chứng

01/01/2012

TS. LÊ QUỐC HÙNG

Trưởng Văn phòng Công chứng Hà Nội

Hoạt động công chứng có liên quan đến quyền lực nhà nước. “Công chứng là lấy quyền công ra mà làm chứng”. Thế nhưng, không nhất thiết phải là công chứng nhà nước mới có thể nhân danh công quyền. Quản lý nhà nước tốt thì có thể giao quyền đó cho một số tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động công chứng như một loại dịch vụ công. Đây là cách làm mới ở nước ta, nhưng các nước phát triển đã thực hiện từ khá lâu việc xã hội hóa các dịch vụ công rất hiệu quả.  
 Untitled_631.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Luật Công chứng xác lập cơ sở pháp lý nhằm xã hội hoá hoạt động công chứng
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao… Nhà nước tiếp tục cho phép xã hội hoá hoạt động công chứng. Ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng gồm 8 chương, 67 điều quy định về công chứng, xác lập cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng, tạo điều kiện để công dân và tổ chức được thụ hưởng tốt nhất loại hình dịch vụ công quan trọng này.
Cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề xã hội hoá hoạt động công chứng được cắt nghĩa qua các mặt: một là, hoạt động công chứng là hoạt động thuộc lĩnh vực dịch vụ công, không sử dụng quyền lực công. Các công chứng viên không có quyền lực ban hành các mệnh lệnh hành chính, quyết định hành chính như các cơ quan chức năng của chính quyền. Khi hành nghề, công chứng viên hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hành nghề khách quan, trung thực, tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; hai là, hoạt động công chứng được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật rất chặt chẽ và cụ thể, đó là Luật Công chứng và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng thể hiện rõ ở các vấn đề cụ thể:
Luật Công chứng đã tách biệt hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Luật đã đưa trả hoạt động chứng thực là hành vi mang tính chất hành chính về cho các cơ quan hành chính công quyền. Có thể khẳng định, đây là bước tiến lớn trong quá trình cải cách hành chính ở nước ta. Công chứng là hoạt động mang tính chất dịch vụ công. Đối tượng của hoạt động công chứng là các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại… Hoạt động công chứng bao gồm một loạt các thủ tục rất phức tạp kể từ khi Công chứng viên tiếp nhận ý chí của các bên giao kết hợp đồng như: xác định tư cách chủ thể của các bên, kiểm tra năng lực hành vi dân sự của chủ thể, tính tự nguyên của các bên trong giao kết hợp đồng, xác định nguồn gốc hợp pháp của đối tượng hợp đồng, kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng… Những tình tiết này là hết sức quan trọng, bảo đảm cho hợp đồng không bị vô hiệu và có ý nghĩa chứng cứ về sau nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên cũng như với bên thứ ba. Còn hoạt động chứng thực là hành vi mang tính chất hành chính của cơ quan công quyền: chứng thực sao y giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ… Những hành vi này do Luật Hành chính điều chỉnh. Việc tách biệt công chứng và chứng thực có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, vừa là điều kiện để chuyển tổ chức công chứng sang chế độ dịch vụ công và thúc đẩy xã hội hoá hoạt động công chứng.
Luật Công chứng đã quy định chung về hoạt động công chứng, không phân biệt công chứng nhà nước như trước đây; công chứng là hành vi của công chứng viên; tính xác thực của hợp đồng, giao dịch được công chứng viên xác nhận; tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng viên xác nhận. Điều này phân biệt với hành vi chứng thực của người đại diện cơ quan hành chính công quyền và công chứng viên Việt Nam có chức năng phòng ngừa sự vi phạm pháp luật của các bên khi giao kết hợp đồng, giao dịch và các hợp đồng, giao dịch đã qua công chứng sẽ hạn chế xảy ra tranh chấp về sau.
Luật Công chứng đã mở rộng mô hình tổ chức hành nghề công chứng, quy định hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng song hành hoạt động dưới sự quản lý, giám sát của Sở Tư pháp là Phòng Công chứng do Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thành lập và Văn phòng Công chứng do các công chứng viên đầu tư, được UBND cấp tỉnh cho phép thành lập. Đối với Phòng Công chứng thì chuyển sang chế độ đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính; đối với Văn phòng Công chứng thì hoạt động theo chế độ công ty hợp danh (nếu là hai công chứng viên trở lên thành lập) hoặc doanh nghiệp tư nhân (nếu một công chứng viên thành lập), tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Văn phòng Công chứng và Phòng Công chứng nhà nước bình đẳng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ký văn bản công chứng. Quan hệ giữa người yêu cầu công chứng với cả hai tổ chức hành nghề công chứng trên là quan hệ dân sự mang tính chất dịch vụ có thu phí theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mô hình Văn phòng Công chứng là một hình thức mới của tổ chức hành nghề công chứng. Về lâu dài, Văn phòng Công chứng sẽ là hình thức phổ biến của tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta. Mô hình Phòng Công chứng nhà nước trước mắt là cần thiết, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng trong tương lai, khi nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển mạnh thì mô hình này sẽ thu hẹp dần. Đây cũng là kinh nghiệm chuyển đổi từ hệ thống công chứng nhà nước sang công chứng “phi nhà nước hoá” của các nước chuyển đổi như Trung Quốc, Liên bang Nga…
Luật Công chứng đã đổi mới căn bản chế định Công chứng viên, đã đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ của công chứng viên. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn được quy định trong luật và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Công chứng viên không nhất thiết phải là công chức nhà nước. Đây là điểm rất mới ở nước ta trong khi ở nước ngoài, điều này từ lâu đã trở nên phổ biến. Trong lịch sử phát triển nghề công chứng ở châu Âu thì công chứng viên chưa bao giờ là công chức nhà nước. Trên thế giới có nước còn cho phép tư nhân thành lập một số lực lượng cảnh sát, cho phép xây dựng và quản lý nhà tù… Thực tế ở nước ta, đã có lĩnh vực công quyền được Nhà nước giao cho những người không phải là công chức thực hiện như Hội thẩm nhân dân không nhất thiết là công chức nhà nước nhưng vẫn cùng với thẩm phán xét xử. Công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm chức danh, được thay mặt Nhà nước, nhưng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy hoạt động công chứng có liên quan đến quyền lực nhà nước, công chứng là lấy quyền công ra mà làm chứng, nhưng trong một số lĩnh vực không nhất thiết phải là công chức nhà nước mới có quyền nhân danh quyền công. Tuỳ theo tình hình cụ thể mà Nhà nước có thể giao quyền đó cho một số tổ chức và cá nhân không phải của nhà nước thực hiện. Điều đó chứng tỏ vấn đề xã hội hoá một số lĩnh vực quản lý nhà nước không chỉ là vấn đề của riêng nước nào, mà đã trở thành xu hướng chung của thế giới hiện đại.
Luật Công chứng hiện hành cũng không quy định công chứng viên là công chức nhà nước. Theo Luật Công chứng, trên thực tế hiện nay tồn tại hai loại công chứng viên: Công chứng viên nhà nước làm việc trong các Phòng Công chứng nhà nước và công chứng viên không phải là công chức nhà nước làm việc trong các Văn phòng Công chứng. Mặc dù có hai loại công chứng viên làm việc ở hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng khác nhau, nhưng địa vị pháp lý của họ trong hành nghề công chứng hoàn toàn như nhau.
Luật Công chứng không phân biệt giá trị pháp lý của văn bản công chứng của hai loại công chứng viên hoạt động ở hai mô hình tổ chức hành nghề công chứng.
Chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng được các cấp lãnh đạo hết sức quan tâm, vừa phấn khởi, vừa lo vì vấn đề này quá mới, song qua ba năm thực hiện cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn. Thực hiện xã hội hoá hoạt động công chứng đã làm cho hoạt động công chứng trở thành một nghề chuyên môn sâu, mang tính chuyên nghiệp hoá và phát triển. Tính đến hết năm 2010, cả nước đã thành lập 282 Văn phòng Công chứng xã hội hoá, bổ nhiệm được 691 công chứng viên làm việc trong các văn phòng công chứng. Trước đây, trên địa bàn Hà Nội - từ năm 1992 đến 2007 - chỉ thành lập được 6 Phòng Công chứng và sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tiếp nhận thêm 2 Phòng Công chứng của Hà Tây và 1 Phòng Công chứng của Vĩnh Phúc nâng tổng số lên 9 Phòng Công chứng. Với số lượng tổ chức hành nghề công chứng ít ỏi như vậy, hoạt động công chứng đã quá tải, gây ra không ít trở ngại và phiền toái cho công dân và tổ chức trong việc thực hiện dịch vụ công chứng các hợp đồng, giao dịch của mình. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng từ năm 2008 đến nay, Hà Nội thành lập 42 Văn phòng Công chứng, thu hút 65 Công chứng viên và hơn 400 nhân viên làm việc. Nhờ chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng nên đã khắc phục được tình trạng quá tải, người dân đã dễ dàng thụ hưởng được nhiều tiện ích trong loai hình dịch vụ công này.
2. Góp phần hoàn thiện Luật Công chứng
Để góp phần hoàn thiện Luật Công chứng, giảm thiểu tối đa những bất cập, vướng mắc trong hoạt động hành nghề công chứng, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề cụ thể như sau:
 Một là, cần tuyên truyền để công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất công quyền của các văn phòng công chứng. Hiện nay, có phương tiện thông tin đại chúng gọi Văn phòng Công chứng là công chứng tư. Cần nhấn mạnh rằng, xã hội hoá hoạt động công chứng không nên hiểu là chuyển công chứng nhà nước thành công chứng tư nhân. Mô hình Văn phòng Công chứng quy định trong Luật Công chứng không phải là Văn phòng Công chứng tư nhân (trong Luật Công chứng không có chỗ nào sử dụng thuật ngữ Văn phòng Công chứng tư nhân). Đã là công chứng thì đều nhân danh Nhà nước. Việc thu phí tại các Văn phòng Công chứng và Phòng Công chứng đều được Nhà nước quy định chung chứ không phải theo thoả thuận giữa công chứng viên với người yêu cầu công chứng. Hơn thế nữa, việc thành lập các Văn phòng Công chứng cũng không theo kiểu tự do thành lập doanh nghiệp, mà phải theo quy hoạch, kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Như vậy cần tuyên truyền tính chất công quyền, dịch vụ công của các Văn phòng Công chứng.
 Hai là, cần sửa đổi một số điều khoản cụ thể của Luật Công chứng. Với tư cách là người đang thực hành nghề công chứng, chúng tôi xin đề xuất một số chỉnh sửa như sau:
 - Tại Điều 41 Luật Công chứng chỉ mới quy định “Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không ký được…”. Như vậy, Luật chưa bắt buộc điểm chỉ. Nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các giao dịch, tránh tình trạng giả mạo nhân thân của các bên trong giao dịch, cần đưa vào Điều 41 chế định bắt buộc điểm chỉ vào giao dịch.
 - Chế định quyền khiếu nại của người yêu cầu công chứng cần được bổ sung để hoàn thiện hơn về phạm vi khiếu nại và cách thức giải quyết khiếu nại, vì trong Điều 63 mới chỉ quy định việc khiếu nại hành vi từ chối công chứng và quy định Trưởng Văn phòng Công chứng và Trưởng Phòng Công chứng giải quyết khiếu nại theo một thủ tục như nhau là không phù hợp. Điều quy định này chưa minh định rõ bản chất việc giải quyết khiếu nại này. Nếu coi việc giải quyết khiếu nại này là thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo thì không phù hợp với quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại, tố cáo, vì Văn phòng Công chứng không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Nếu coi đây là giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ công thì ý nghĩa của việc giải quyết lần hai của Giám đốc Sở Tư pháp là không thuyết phục vì Công chứng viên và Văn phòng Công chứng chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Mặt khác, Luật Công chứng cũng chưa có quy định về cơ chế bảo đảm thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, nên không thể bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng trong trường hợp Văn phòng Công chứng hoặc Phòng Công chứng không thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Giám đốc Sở Tư pháp.
- Cần bổ sung vào khoản 1 Điều 34 Luật Công chứngquy định về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng Công chứng thêm trường hợp: Công chứng viên duy nhất của Văn phòng Công chứng chết. Nên bổ sung một chế định quy định về việc Văn phòng Công chứng tạm ngừng hoạt động trong Điều này, vì trong thực tiễn đời sống xã hội không thiếu những trường hợp xuất hiện nhu cầu tạm ngừng hoạt động Văn phòng hoặc Phòng Công chứng một cách chính đáng.
Nên bỏ quy định: “Văn phòng Công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh” tại Điều 26 Luật Công chứng, vì quy định như vậy dễ gây cho nhiều người cách hiểu phải áp dụng Luật Doanh nghiệp vào quá trình điều chỉnh hoạt động của Văn phòng Công chứng, hơn nữa làm giảm nhẹ tính dịch vụ công của hoạt động công chứng.
- Khoản 7 Điều 32Luật Công chứng chỉ mới quy định Văn phòng Công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của mình, vậy khi công chứng viên làm việc tại Phòng Công chứng gây rủi ro cho khách hàng thì trách nhiệm bồi thường rủi ro thuộc về ai? Nhà nước hay là công chứng viên?
- Cần bổ sung vào Điều 19Luật Công chứng thêm khoản 6, quy định về độ tuổi khi bổ nhiệm công chứng viên không quá 65 tuổi, vì trên thực tế trong thời gian qua, một số công chứng viên được bổ nhiệm khi tuổi quá cao, sức khoẻ không bảo đảm, thường xuyên nằm viện, gây trở ngại trong công việc.
- Điều 15 Luật Công chứngquy định quá nhiều những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, cần giảm bớt: trong khoản 1 cần bỏ chức danh điều tra viên; bỏ khoản 3.
- Cần luặ chọn để hợp chuẩn một số quy định còn mâu thuẫn giữa các luật: Khoản 1 Điều 44Luật Công chứng quy định việc huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có thoả thuận, cam kết của tất cả những người tham gia hợp đồng, giao dịch đó, trong khi  Điều 425 Bộ luật Dân sự 2005 lại quy định một bên có quyền huỷ hợp đồng, Điều 103 và Điều 124 Luật Nhà ởcũng quy định một bên có quyền đơn phương huỷ hợp đồng cho thuê nhà, hợp đồng quản lý nhà ở. Sự mâu thuẫn này đã gây lúng túng cho người yêu cầu công chứng cũng như công chứng viên.
 - Hiện nay, các quyết định bổ nhiệm công chứng viên của các Văn phòng Công chứng (không phải viên chức nhà nước) ghi phạm vi địa bàn hoạt động công chứng, Bộ Tư pháp ghi: “Bổ nhiệm công chứng viên… làm công chứng viên tại thành phố Hà Nội” là trái với điểm a khoản 1 Điều 22 trong Luật Công chứng, quy định công chứng viên được lựa chọn nơi hành nghề công chứng.Việc Bộ Tư pháp ghi xác định “Bổ nhiệm công chứng viên… làm công chứng viên tại thành phố Hà Nội” trong Quyết định bổ nhiệm công chứng viên (không phải của Phòng Công chứng) dẫn đến cách hiểu: công chứng viên này chỉ hoạt động tại địa bàn ghi trong quyết định bổ nhiệm, còn các công chứng viên làm việc trong Phòng Công chứng thì không bị giới hạn địa bàn hoạt động, nên khi nghỉ hưu có thể thành lập Văn phòng Công chứng tại địa bàn khác. Điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa hai loại công chứng viên.
Ba là, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất trên địa bàn cấp tỉnh trong lĩnh vực công chứng để kiểm tra, đối chiếu tài sản đã tham gia giao dịch, phòng ngừa hiện tượng lừa đảo, tình trạng một tài sản mang đi giao dịch nhiều lần ở nhiều nơi.
Bốn là, cần cho phép thành lập Hiệp hội công chứng viên để có một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công chứng viên và thống nhất các hoạt động cho các tổ chức hành nghề công chứng. Hiệp hội công chứng sẽ đóng góp vai trò to lớn trong việc chia sẻ thông tin nghiệp vụ giữa các tổ chức hành nghề công chứng và tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, giải quyết các mối quan hệ nội bộ trong các Văn phòng Công chứng, bảo đảm hoạt động công chứng với tư cách là một nghề mới phát triển ổn định./.
 
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(210+211), tháng 2/2012)


Thống kê truy cập

32921469

Tổng truy cập